trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
16.4.2004
Lý Đợi
Thơ và chúng tôi không làm thơ!
 1   2 
 
1.

Ban đầu tôi rất buồn nôn khi cứ nghe nhắc đến thơ trẻ là các sĩ phu Bắc Hà, những kẻ cầm cán bút phê bình lại lải nhải Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh... và cùng lắm, Nguyễn Quyến, Nguyễn Vĩnh Tiến. Tôi (và ngay một hai người trong nhóm được khen) cũng không hiểu tại sao thế, thật sự không hiểu, vì thơ trẻ Việt - phần đang chuyển động, có nhiều hơn thế rất nhiều. Và phần có này, cũng chẳng phải xa lạ gì với cái sự biết của các vị phu sĩ kia.

Nhưng khi có một chút thời gian nhìn lại, tôi thấy sự buồn nôn - ngạc nhiên của mình quả là vô duyên và vô lý. Bởi xa lạ hay không xa lạ, đâu có giải quyết được vấn đề. Vấn đề của phần thơ Việt tại Sài Gòn chẳng hạn, là một vấn đề khác, một hiện tượng khác; vì thế, cần một suy nghĩ khác. Mời quý vị thử đọc một bài của Bùi Chát:

Thời hoa đỏ lè

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao nhậu
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng vẻ
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh lặng
Chẳng chịu cho lòng ta yên ổn
Anh mải mê về một màu mây xa xôi
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ thó
Về cái vẻ thần kì của ngày xưa rồi
Em hát một câu thơ cũ sì
Cái say mê của thời thiếu nữ tặc
Mỗi mùa hoa đỏ về quê
Hoa như mưa rơi rơi rụng
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi đẹp
Như máu ứa một thời trai trẻ trung
Hoa như mưa rơi rơi rớt
Như tháng ngày xưa ta dại khờ khạo
Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau heo
Mà thấy lòng đau xót xa
Trong câu thơ của em nhỏ
anh không có mặt mẹt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết thực
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc rẻ
Em không đi hết những ngày đắm say sưa
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ trai
Không cho ai có thể lạnh tanh tưởi
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ chót
Như vết xước của trái tim gan

Sau bài hát rồi em lặng im ỉm
Cái lặng im rực màu hoa đỏ ối
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em út
Sau bài hát rồi em như thể dục
Em của thời hoa đỏ ngày xưa kia
Sau bài hát rồi anh cũng thế giới
Anh của thời trai trẻ ngày xưa đó

Rõ ràng đây là bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng, một kiểu mẫu mực của thơ Việt thời đó. Bùi Chát chỉ việc thêm chữ cuối vào mỗi câu theo kiểu quen cửa miệng. Thời hoa đỏ lè là một kiểu câu cửa miệng: đỏ lè, đỏ rực, đỏ chót hay đỏ chói cũng vậy. Thế thì, đây có còn là bài thơ của Thanh Tùng không? Chắc chắn là không, nó là một bài thơ bị biến thể, biến dạng, biến chất, biến gì gì cũng được, mà người chịu trách nhiệm làm việc này (nhiều người nói là đạo văn) là Bùi Chát. Nhà thơ này ký tên vào, công khai việc đạo văn, vậy bài thơ mới phải là của anh ta. Chắc chắn Thanh Tùng không còn nghĩ bài thơ có thêm chữ cuối là của mình.

Chúng tôi (những cây viết trẻ ở Sài Gòn) gọi kiểu này là thủ pháp pastiche - phỏng nhại, cài-đặt-lắp ráp. Giống như thủ pháp collage - cắt dán mà Dada đã làm với tranh cắt-xé-dán và tranh giấy tổng hợp. Hay cũng có thể gọi là sự cưỡng chế. Bài thơ của Thanh Tùng đã bị Bùi Chát cưỡng chế. (Như cái cách của chủ nghĩa Hậu hiện đại cưỡng dâm cái cách của chủ nghĩa Hiện đại). Vậy thì sự sáng tạo ở đâu? Sự sáng tạo ở ngay cái ngưỡng hành động của cái cưỡng chế cái bị cưỡng chế. Hiện tượng này cưỡng chế hiện tượng kia nhưng không phủ nhận, không thay thế; sau khi sinh ra, cả hai cùng quanh co tồn tại; cá mè một lứa, nhưng có điều không chịu nổi nhau, không thể ngồi chung thuyền, không bơi chung hồ, dù chẳng thù hằn hay tranh ăn gì.

Dưới góc nhìn của những người chịu áp lực của các quan niệm, hệ thẩm mỹ cũ (cụ thể là của chủ nghĩa Hiện đại hay Lãng mạn) thì đây chắc chắn không phải là thơ. Vì nó đâu có gì là sáng tạo - sáng tạo như cái cách họ nghĩ, là phải làm ra cái (tạm gọi) tương đối không lặp lại, làm ra cái mới, nếu được: hoàn toàn mới. Nhưng lạy chúa, có cái quái gì mới đâu. Chúng tôi không muốn lệ thuộc vào hệ quy chiếu của những quan niệm đó, thơ nhiều khi không còn là chuyện sáng tạo như cách nghĩ vừa nêu. Thơ nhiều khi chỉ là chuyện gây hấn, một chút hài hước, một cú sốc nhận thức, thậm chí là một trò đùa vui nơi bàn nhậu, chẳng kém phần nhảm nhí.

Trở lại lịch sử một chút. Chủ nghĩa Lãng mạn luôn tìm cách kể lại một câu chuyện có xuất xứ cụ thể (nhân vật, không gian, thời gian rất rõ). Đây là yêu cầu đầu tiên và cũng là yếu tố trội để phân biệt Lãng mạn với các chủ nghĩa khác. Chủ nghĩa Hiện đại thì thường gây một cú sốc về việc đọc, ít mang chuyển kinh nghiệm và cố giấu câu chuyện đi, càng sâu càng tốt. Tính Siêu thực hay tính Avant-garde là một ví dụ rất cụ thể về việc cố giấu câu chuyện. Còn cái tạm gọi chủ nghĩa Hậu hiện đại thì luôn luôn tìm cách biến câu chuyện theo hướng khác, hướng người kể, dù đó là một câu chuyện khá phổ thông, một chiều, nhưng gây được một cú sốc về nhận thức. Thời hoa đỏ lè là cách biến một câu chuyện, và từ trước tới nay chưa có một kiểu làm thơ như thế. Nhiều người bị sốc khi một bài thơ (theo họ) đã bị bóp méo. Nhưng thực ra đâu có bóp méo gì, Thời hoa đỏ vẫn ngồi và sẽ ngồi những chỗ mà nó đã ngồi, lịch sử đã/đang phân định chuyện của nó. Cho nên Thời hoa đỏ lè là một kiểu khác, một hiện tượng khác. Nó cần một nhận thức khác, đi ra từ chính nó.

Chúng tôi không làm cái gì quá cao cấp, quá dung tục hay lập dị, bởi chúng tôi vẫn nghĩ rằng bên dòng thẩm mỹ chính thống đại trà, đã/đang tồn tại một thứ thơ khác - thơ của chúng tôi/thẩm mỹ của chúng tôi, thẩm mỹ của những người mải mê làm thơ, chứ không phải của những nhà phê bình hay đạo đức, luân lý hay xã hội học. Ngày xưa, Hồ Xuân Hương hay mãi về sau, Trần Dần... cũng làm một thứ thơ khác (ngay Vũ Trọng Phụng, cũng làm một kiểu tiểu thuyết khác), khác với ý muốn chung mà thời của họ cần. Họ không làm thơ, trong con mắt của những người đương thời. Nhưng chưa chắc là họ muốn làm một cái gì cho tương lai, họ chỉ làm cho họ, cho "đã" lối đi của họ. Còn quý vị, những người đương thời của chúng tôi, không nhìn thấy chúng tôi (dù chúng tôi có cần hay không cần quý vị), bởi quý vị cứ nghĩ rằng chúng tôi không làm thơ. Vậy thôi, vậy là đủ đóng cửa nhận thức của mình lại mãi mãi, cho đến khi xuống mồ. So với thẩm mỹ của quý vị, trong thẩm mỹ của quý vị, từ lâu rồi chúng tôi đâu còn làm thơ. Nhưng chúng tôi vẫn làm đấy, và ngày một đông những người cầm bút trẻ không làm thơ như quý vị muốn; đúng hơn, không còn làm thơ trong cách nghĩ mà thẩm mỹ đã cũ nát và ấu trĩ, mà nhiều khi chẳng thuộc về ai, dù quý vị muốn ra sức níu giữ. Nói nôm na, tụi trẻ (theo cách gọi của quý vị) nó đang làm cho "lớp giặc già" băn khoăn là không biết chúng có đi đúng kiểu đường mình muốn hay không. Mà có lỡ đi sai thì có chết ai đâu; cái sai trong nghệ thuật ai mà phân xử được.

Những người như Nguyễn Huy Thiệp (nhà văn và những người ham đọc thơ) thì đọc đến thơ của Phan Huyền Thư đã lè lưỡi, đái trong quần, không phải là do họ thiếu nhiệt tình "ủng hộ cái mới, cái khác, cái trẻ"; mà do thẩm mỹ nhận thức của họ chỉ đến đó, cái ngưỡng mà tri kiến và tuổi tác rất ngại, rất khó để vượt qua; kịch bờ tường, và họ cố thủ. Họ, cũng như mỗi người chúng ta (chúng tôi sau này có lẽ cũng thế) là một ông thầy bói vừa già vừa mù xem voi, trong suốt lịch sử nhận thức của nhân loại và ngay cả tại một hiện tại muôn màu đa dạng, chúng ta chỉ rờ được một phần và chúng ta luôn tin phần chúng ta rờ. Còn chuyện Nguyễn Huy Thiệp (NHT) nói nhà thơ nhà văn Việt Nam thế này thế nọ, dốt nát và có phần phản chuyển động, không phải là không đúng; cái sai và cái yếu duy nhất của NHT là cách nói thiếu kỹ thuật, hơi ngô nghê. Nói chung, về khả năng viết tiểu luận phê bình, Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra khá vụng về, thiếu tay nghề, dù cách đặt vấn đề khá có vấn đề, khơi gợi được tự ái chung và có thể gây tranh luận. Mà biết đâu, gây đụng độ là cái cách Nguyễn Huy Thiệp muốn. Văn học Việt vốn thờ ơ, ai cũng làm bộ đọc cái này cái kia, nay có dịp đọc thiệt, thế là cùng lên tiếng ngổ ngáo lu la; và lúc nào cũng có kẻ quy chụp theo đuôi, miệng lưỡi thối đến mức không muốn nói tên ra, sợ phải bịt mồm, bịt mũi... và bịt luôn lỗ đít.

*


Mở miệng ra là nói thơ trẻ thế này, thơ trẻ thế nọ và luôn kèm theo một danh sách. Một danh sách thường chẳng thực tế tí nào vì nó không đầy đủ và a dua. Minh, Thư, Hải, Linh (tên của 4 nhà thơ đã nói trên đầu bài)... là một danh sách thơ trẻ luôn mòn thông tin, cũ nhận thức và có tính a dua; ai đó đã nói thế, tôi cũng nói thế. Có hai lý do: Thứ nhất, dù họ (những người đọc như Dương Tường) có giỏi bằng trời, tinh thông nhiều ngoại ngữ thì cũng phải bó tay thôi, vì nếu không đọc hoặc ít đọc tiếng Việt thì cũng chẳng thấy được gì, thơ Việt trong nước có mấy người viết bằng ngoại ngữ đâu để đọc. Chưa nói là đọc trong mơ hồ, suy nghĩ là mình đang đọc thơ trên đây nhưng không sống như tác giả, không hiểu tác giả viết gì, vì nó đã khác hệ nhận thức - khác một đời sống. Vì thế, chỉ sau một hai lần đọc thì phán ngay: nó thế này thế nọ. Và chắc chắn đây là lời phán sai tét bếp. Thứ hai, vì nghĩ về thành tựu và chỗ ngồi của chính mình (cái đã tạo) thì cũng có chút so đo, sợ ủng hộ cho cái quá khác mình thì cái đó rồi sẽ phủ nhận mình. Vì thế, phải cố thủ, càng lâu càng tốt trong các lô cốt đã bọc quanh mình. Nguyễn Huy Thiệp, Dương Tường, Hoàng Hưng, Nguyên Ngọc, Lê Ðạt, Phan Ðan... (danh sách còn rất dài) đã nỗ lực cố thủ như vậy, dù có vài người trong danh sách này không làm thơ và vài người khác từ lâu không còn làm thơ; cho nên danh sách thơ trẻ và nhận thức về thơ trẻ cứ thế ì ạch lê bánh thép rỉ - cứ những ai trẻ giống mình, tiếp nối mình kia thì OK; khác mình thì xem như không biết. Phan Huyền Thư được đề cao, được nhắc nhiều nhất, tất nhiên là vì thơ của tác giả này hay, nhưng đây là cái hay tiếp nối, giống với những người khen Thư. Tôi cũng khen thơ Thư, nhưng khen những chỗ khác, những chỗ mà các vị kia không muốn nhắc đến vì nó quá khác mình; hoặc chẳng thể nào nhìn thấy. Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thuỳ Linh cũng là trường hợp như thế. Riêng Văn Cầm Hải thì tôi không có ý kiến gì, vì anh ta tiếp bước theo những người quá xuất sắc, tôi thấy câu thơ của Phan Huyền Thư khá khớp với trường hợp này: một "loè loẹt a-dua".

Cho nên, việc Trần Wũ Khang phản ứng lại bản danh sách "tứ trụ" cũng là chuyện bình thường; nhưng anh lại đưa ra một bản danh sách vừa thừa vừa thiếu và có những người không xứng đáng. Ví dụ nói những gương mặt đương đại ở phía Bắc mà còn kể Nguyễn Quyến, Nguyễn Vĩnh Tiến... thì quả là không xứng, vì từ hơn cả năm nay, họ có "biểu hiện" gì đâu. Về danh sách hải ngoại đóng góp vào chuyển động không thấy có tên Nguyễn Ðăng Thường - một nhà thơ, dịch giả quan trọng, trong khi lại xuất hiện vài kẻ thường thường bậc trung - không tạo dấu ấn gì mấy ngoài việc có quá trình hoạt động khá lâu. Cày cuốc lâu thì thành nông dân, nhưng hạt gieo thường không mọc được cây. Kể cả một hai người trong những gương mặt phía Nam cũng vậy, tác phẩm của họ là một sự gom góp khôn khéo của cái gọi là đèm đẹp duy mỹ, ngôn ngữ có phần lãng mạn, cộng thêm một chút siêu thực theo kiểu học đòi... như thế cũng đủ hù thiên hạ. Không biết Trần Wũ Khang có để ý kĩ chuyện này?

Ðể tiếp tục theo dõi bài viết với nhiều ý rời như thế này, mời quý vị đọc tiếp một bài thơ của Phan Bá Thọ, có tên kafkacocain, những ý niệm ảo:

k a f k a c o c a i n

* chú thích: theo hiểu biết sơ xài [rồi] của hắn, có 999... lí do
bị méo mặt, chẳng hạn [vài trường hợp, đơn cử lẻ tẻ]:
- phan bá thọ méo mặt vì, xe cộ tự té
- thi sỹ nguyễn quốc chánh, vì bỏ quên nhiều thứ + vợ
- phận hai bé nhỏ, méo mặt bởi ra đường
mở môi miệng ngáp phải làn gió độc...& vì

mặt trời là địa ngục hay nói ngược lại [ngược xuôi
ngược ngạo ngược đãi v.v - v.v thế nào thì tùy &] nó biết thế
vì con người ( luôn vận động, đâm ra
nó luôn bị đeo dính bởi chính cái bóng của nó
việc này í[t]ch lợi hơn sự lầm / liên / tưởng của rất nhiều người

1.5 / aus
ngó thẳng [trừ lúc thả bộ ngắm ngía những cảnh dàn dựng
vì được quyền] nó, luôn ngó thẳng trong lúc di chuyển
(điều này tố cáo sự thủy chung chạ, sợ sệt &
lấm lét đàng hoàng của nó đối với nhiều thứ ...)
25 / pam
chấp hành nghiêm chỉnh 112004 điều răn
[trong đó: 2003 điều răn vợ chồng, gối đầu cổ tim phổi &
rậm rạp các khoản mơ hồ
những điều còn lại, lạc hậu dụê & vô thời hiệu áp bụng]
điều này cũng chứng tỏ luôn, sự
mất dạy hồn nhiên bẩm sinh của nó & của cả những
đồng tình đồng bị với nó
33 / beer. bọt bèo
(...) tóm lại. từ lúc nó phát hiện ra mình: con người
nó cũng phát hiện ra luôn điều: nó tệ hơn một con sâu
sâu thì chẳng thèm hiểu biết gì về điều răn của người
đâm ra / vào nó, còn chút chít tự do
dẫu đó là thứ tự do để đái bậy

địa ngục lấp lánh ánh sáng & điều này cũng thể ngược lại (
sâu cũng bị theo dõi bởi chính chiếc bóng của nó
điều phức tạp vụ từ khi, cả sâu & người cùng không phân biệt
đâu kafka đâu là cocain (
mọi thứ trở nên tối tăm, ám muội, nhùng nhằng & vô nghĩa lí giải như
chính những dòng này, thương [tặng: 2 bé nhỏ, mở - môi - miệng
méo - mặt*]

Ðây là một ý niệm (concept), hoàn toàn là một ý niệm - nó trọn vẹn hoặc trọn vẹn một phần với suy nghĩ và đời sống của chính tác giả và buộc tác giả này đã/và phải viết như thế. Không hoàn toàn cố gắng đưa ra một cái gì mới, dù mọi cái bị đảo ngược, một kiểu decentering: trung tâm ra ngoại vi, ngoại vi vào trung tâm, từ chối sự định vị-ổn định, chú thích đưa lên đầu, đề tặng đưa xuống dưới. Ý tưởng và mạch chuyện nền cũng khá phức tạp. Bài thơ này, hay như bài thơ kế tiếp đây của Khúc Duy, có tính tiêu dùng (consumptive) cao, không hướng đến tính nghệ thuật cao (high art); nó làm ra không phải để gây bàng hoàng cho người đọc, để xa rời tính bàn thờ chính (high altar) trong đủ đề-tư tưởng, hay trầm trọng hơn: để cho tương lai đọc - nó là một phần của đời sống tác giả, phần ứng phó của tác giả. Ngày xưa, trước Trần Dần rất lâu, trước cả Hồ Xuân Hương, nhiều nhà thơ đã có những bài không như ý người đọc muốn, họ làm những bài thơ cho họ để cười, để ứng phó, để xài liền và để nhại chơi. Thơ dân gian, thơ tiếu lâm cũng là một kiểu nhại, kiểu chơi, kiểu sống như vậy. Nhưng bây giờ, đến luợt một thế hệ những nhà thơ khác, họ hoàn toàn tự do với những chọn lựa của mình; chơi hay thật với họ chẳng có gì quan trọng. Nó là một. Chẳng cần phải tắm rửa áo quần nhang đèn điếu đóm trước khi làm thơ, làm thơ chẳng có gì phải nghiêm trọng. Tiếu lâm thơ và tiếu lâm luôn đời sống. Giải nghiêm trọng, giải cấu trúc để hướng đến tính phát tán cấu trúc... là một quan tâm hiện nay. Không làm thơ để cách tân. Không làm thơ để đổi gác. Mà thật thoải mái: làm thơ như cái cách họ đã nghĩ và đang sống.

Như một bài thơ của Khúc Duy:

Và chấm mắm tôm

Bùi "Chát" kể ra là thằng "tán phét"
bùi bùi đôi khi chát chúa, chát phật,
giống trái vả luộc thì đúng hơn. Trái
Vả vô tư lự chờ ngày chích mắm
tôm. Hắn làm tình với bất cứ những
gì có lỗ hay không có lỗ. Một
hôm "mắm tôm đậu phụ" Cái ngứa lỗ,
mở mắt hà hơi đàn chị email
nguyên cái đèn pin vô bẹn Vả rồi
lên đồng thoát y. Vả có quyền tuỳ
hỉ mũi, thơ tuỳ hỉ mũi: nằm nghiêng,
nằm sấp, nằm ngả, bò, quỳ, đi, đứng,
banh càng, vác cày qua núi, kiểu chó,
kiểu mèo... thì càng sướng. Tuỳ hỉ mũi
thôi, "mắm tôm đậu phụ" Cái ơi! vác
cày qua núi với Vả ha.

Hay bài của Như Huy:

Hoan hô thế hệ đó

Kiến thức và lòng tự trọng của mày chỉ đủ giúp mày nuôi nấng nỗi đớn hèn dai dẳng
Kỹ năng của mày chỉ đủ để giúp mày trốn tránh câu trả lời đã rõ
Sự căm thù của mày chỉ là trò ảo thuật - cũng như bị gậy của gã hành khất vậy
Những lời lời sáo rỗng, những im lặng sáo rỗng, những bài hát sáo rỗng, những câu thơ sáo rỗng, những bài văn bia ba xu sáo rỗng của mày
Những hình dung từ sáo rỗng, những dấu ba chấm sáo rỗng, những ngoặc đơn và ngoặc kép sáo rỗng, những giọt mực nhoè sáo rỗng của mày
Những phép biện chứng sáo rỗng, những ẩn dụ đơn, kép sáo rỗng, những mẹo liên kết sáo rỗng của mày
Những chữ viết tắt sáo rỗng của mày, những ba hoa nhăng nhít sáo rỗng của mày, những trích dẫn khôn lỏi sáo rỗng tuốt luốt của mày...

*

Mày,
kẻ - lúc - đó - đã - không - dám - chọn - điều - đó.

Ðây là một bài thơ (của Như Huy, một hoạ sĩ chuyên nghiệp, ít làm thơ), chắc không? Tôi không muốn chắc. Nhưng rõ ràng tác giả của nó làm một bài thơ, bài này làm ra, đơn giản chỉ là để trả lời một bài thơ được viết ra trước đó, cũng trên diễn đàn Tiền Vệ. Có thể vì trả lời một quan điểm không ưng ý. Hay như bài của Khúc Duy, chỉ đơn thuần là một lời ra vào với tập thơ của Bùi Chát. Nói chung đây là một bài tranh luận, một kiểu đề tựa, hay đôi co từ ngữ. Nhưng những chữ thơ này là một thái độ, trả lời một thái độ. Nó có tính tương tác (interactive), một tác phẩm sinh ra từ một tác phẩm khác, bài của Như Huy sinh ra từ bài của Trúc Quỳnh; bài của Khúc Duy sinh ra từ tập thơ của Bùi Chát. Tác phẩm được viết ra, trên tư cách của người đọc hơn tư cách của người sáng tạo, nghĩa là nó không hướng đến cái đích cuối cùng, mà phần đọc của công chúng, những tác động bên ngoài làm cho tác phẩm có khả năng được hoàn thành. Ðồng thời, nó không được độc lập sinh ra, mà thường là một liên tưởng - một sự tương tác hai chiều; nghĩa là đọc tác phẩm này (như của Như Huy chẳng hạn) có thể tìm ra kẻ thù (có khi, bạn) của tác phẩm đó chẳng hạn. Nó là một truy nguyên, giúp bạn đọc xâu chuỗi các tác phẩm trong mối quan hệ tương tác lại với nhau; việc xâu chuỗi giúp người đọc hiểu được tác phẩm. Bởi thế, đọc thơ của Nguyễn Quốc Chánh, Ðỗ Kh., hay gần đây hơn là của Bùi Chát, Khúc Duy, Phan Bá Thọ... chẳng hạn, là phải đọc trong tính tương tác. Tính tương tác làm cho tác phẩm của những tác giả này khác xa với nhiều tác giả - tác phẩm trong truyền thống tự sự (tôi thế này, tôi thế kia) của thơ Việt nói chung, và thơ của các tác giả trẻ phía Bắc hiện nay nói riêng... Và thơ hiện nay (như nhiều bài trên Tiền Vệ chẳng hạn), trong chừng mực nào đó, chỉ là một thái độ mang tính tương tác. Không nhìn nó đúng với ý niệm như thế, nhiều người sẽ rấn cổ lên la hét, thơ sao kỳ vậy; và cũng chính thế, mà nhiều người vì cứ tưởng thơ là cái gì ghê gớm, hướng đến cái gì ghê gớm; sẽ la hét đây là trò : "bôi bẩn văn chương". Và than ôi, với những suy nghĩ và điểm nhìn như vậy, thì làm sao đọc được thơ hiện nay. Làm sao thơ được đọc như nó vốn thế.

Các vị sĩ phu nói riêng và đa phần những người đọc khác, không muốn kể ai ngoài 4 gương mặt thơ kể trên, tóm lại có hai lý do: một, với tư cách người đọc, họ có quyền không quan tâm; hai, lý do này quan trọng hơn, không dám nhìn rộng ra, sợ ảnh hưởng tới nhận định vốn xưa cũ và bảo thủ của mình.


© 2004 talawas