trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
20.4.2004
Nguyễn Văn Thọ
Người Việt và văn học Việt ở Đức
 
Từ khi nước Đức thống nhất, cộng đồng Việt ở Đức trở thành một cộng đồng mạnh về số lượng tại châu Âu và đặc biệt nhất so với mọi cộng đồng người Việt hải ngoại khác: là tập hợp của hai cộng đồng, một ở phía Tây và một ở phía Đông, khác hẳn nhau về hoàn cảnh ra đời, điều kiện phát triển, tập quán, tư duy, mức độ hội nhập với xã hội Đức và quan hệ với xã hội Việt Nam (Xem thêm: Người Việt ở Berlin và bức tường hình trụ, talawas, 22.10.2003). Chúng tôi xin giới thiệu hai bài viết gần đây của tác giả Nguyễn Văn Thọ, từng là công nhân hợp tác tại Cộng hoà dân chủ Đức cũ, nay sống tại bang Brandenburg sát Berlin. Cũng như với những bài đã công bố lần đầu trên các báo chí khác, talawas không biên tập lại chính tả và văn phạm của hai bài này.
talawas
1. Báo chí văn chương người Việt

Hoạt động báo chí văn học được tính đếm, chỉ có sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Đáng kể nhất là sự xuất hiện của nhóm lập nên tạp chí Đối Thoại, ngay tại Đông Berlin, nơi mà người Việt quần tụ đông nhất. Có bài vở đóng góp của vài tác giả (vốn nổi tiếng) từ Việt Nam và ngoài nước Đức, Đối Thoại thực sự gây bất ngờ cho ai quan tâm tới văn học (mà trước đó gần như là con số không). Nghiêm túc trong việc biên tập, Đối Thoại số 1 có nhiều bài viết giá trị, kể cả việc bàn về Phẩm Tiết và Nguyễn Huy Thiệp, một hiện tượng văn học trong nước. Nhưng những tác giả xây dựng nên tờ báo này, dù có mặt Trương Hồng Quang - một tiến sỹ ngôn ngữ có vốn liếng và sắc sảo - cũng chỉ đưa cơ hội làm giấc mơ văn chương chưa hết một canh chày. Sau số 1 là hai số nữa đuối dần tới nhạt đi thênh thếch, thoi thóp, và chết không một lời cáo biệt. Nhắc tới Đối Thoại là nhớ một thành tích có tính tài tử của mấy nghệ sĩ tài hoa; nhưng hình như hoạt động báo chí văn học không chấp nhận tình cảm bốc đồng một sớm một chiều, cũng không cần đến thứ nghệ sỹ lớn khi mà công việc làm báo đòi hỏi tay nghề khác hẳn công việc sáng tác văn chương, vẽ và làm thơ. Việc ấy cách đây hơn mười năm.

Bốn năm sau, Lê Trọng Phương - một người kín đáo và ít khi tuyên ngôn; một tay thơ điềm tĩnh và viết đoản văn lạ, dí dỏm - mình một ngựa, khởi từ Bonn, thủ phủ cũ của Tây Đức, làm ngọn Gió Đông giai Phẩm.

Tạp chí văn chương có chất lượng này ra được 4 số (số 5 chỉ hoàn thiện trên bàn tính) Phương tóc rối dạy tiếng và văn hóa Việt Nam cho Tây, tại một trường đại học ở Bonn; chủ bút kiêm biên tập, họa sỹ lẫn disei và in ấn. Lê Trọng Phương làm việc say mê và tiêu tốn biết bao tâm trí, vét cạn sạch tiền túi cho ngọn gió Đông. Gió Đông không tới được đích của cơn mơ dài hai năm: làm một tiếng nói riêng ở Châu Âu, tách khỏi ảnh hưởng ngọn gió phía Tây từ nước Mỹ của văn học người Việt bấy giờ như Hợp Lưu, Văn, Văn Học, có tiếng, đang tràn sang. Gió Đông tắt ngấm sau cơn gió số 5 chỉ xong phần báo điện tử. Nó rối trí về tài chính và không tìm thấy đường ra. Nó nằm ở phía Tây, thiếu sự liên hệ trực tiếp của công chúng vốn đông đảo tại phía Đông, đã chết như đứa con hết sữa. Sự thất bại của hai chuyên san văn học nói trên ở Đức trở thành bài học kinh nghiệm cho mọi mặt hoạt động văn học người Việt tại Đức: Báo chí văn học.

Có thể rút ra bài học ấy mà gần đây, Nguyệt san Việt Đức của anh em lao động phía Đông - tại thành phố Leisich nơi còn lại khá nhiều Thợ khách ở lại với gia đình của họ - đã gặt hái trong thời gian chưa được hai năm. Chủ bút chỉ là một nhà luật học, có thêm một trợ lí là một người có nghề báo, xưa làm báo ở quê hương. Văn chương khoanh lại có ba, bốn trang, có chọn lọc. Tạp chí tổng hợp Việt Đức bám sát quyền lợi của anh chị em lao động. Những bài dịch của nhóm Việt Đức chủ trương chuyên về luật ngoại kiều, về thuế má, luật cho người định cư, về nhiều vấn đề khác như tin tức thế giới, tin của tổ quốc, thực sự giúp người Việt ở Đức thêm kiến thức phổ thông để hòa nhập và có trang giải trí cho ai yêu văn học. Có thể vì thế, dầu khi sử dụng bài vở văn chương, Việt Đức mạnh dạn dùng cả những bài thơ nghiệp dư sống tại Đức bên cạnh những tác phẩm của những tác giả có tay nghề cao, mà bạn đọc văn chương khó tính vẫn chấp nhận. Nguyệt san Việt Đức hiện nay là tờ báo, liên quan đến văn học nghiêm túc, duy nhất có uy tín trong giới lao động, liên quan tới văn chương, bán chứ không biếu, có số phát hành cao, đủ nuôi ban biên tập. Tôi đánh giá, đây là tờ báo biết nghề ở Đức, đứng sau tờ tin Quê Hương - cơ quan ngôn luận của Ban công tác cộng đồng sứ quán Việt Nam - tờ tin thôi mà có đông bạn đọc nhất nước Đức.


2. Tác giả và tác phẩm

Đóng góp cho Đối Thoại rồi sau đó cho giai phẩm Gió Đông thất bại. Thế Dũng vẫn âm thầm viết và trước đó tập thơ Hoa Hồng Nở Muộn được trở về bản quán, năm 1992 ra mắt tại nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tập thơ này của Thế Dũng được giới văn học chuyên nghiệp trong nước đón nhận, nhưng đóa Hoa Hồng vừa nở muộn lại chìm nghỉm trong đại dương thi ca của những thi nhân cùng lứa trong nước đã đi xa trước anh; nhất lại khi đọc nó, người ta, đôi chỗ, thấy thấp thoáng vệt đi trước của Hoàng Nhuận Cầm.

Thế Dũng mở rộng hoạt động văn chương mình ở chính Đức và sang tận Mỹ. Anh in Từ Tâm - Thơ 1977, với những lời giới thiệu đầy tình ưu ái của nhà thơ Viên Linh. Từ Tâm là một nỗ lực của Dũng với thi ca, dày và đẹp. Nhưng bản thân Từ Tâm không vượt nổi chính cái bóng của những Hoa Hồng Đến MuộnNgười Phiêu Bạt (thơ - 1992) của chính tác giả, dẫu là nó, Từ Tâm được tăng số bài, làm bề thế bằng độ dày của sách và những ngón thơ tình với ngôn ngữ khá mạnh bạo tới trần toạc đời sống tình ái.

Sau những lần in ấn dài dài như thế, kể cả ra mắt tập kịch song ngữ Chuyện Tình Dở Dang không gây tiếng vang nào, Thế Dũng âm thầm viết tiểu thuyết và đột ngột quay trở về quê hương in, tham dự vào cuộc thi tiểu thuyết hiện nay của Hội nhà văn Việt Nam.

Hộ chiếu buồn - tiểu thuyết Thế Dũng khá hấp dẫn từ cách đặt tên, kể thân phận của một sinh linh lặn ngụp, lắm thủ đoạn để tìm cách chạy trốn cái nghèo đói một thời. Lối dẫn chuyện và cấu trúc tiểu thuyết cổ điển, tiết tấu đều đều. Thế Dũng có năng khiếu phê bình một thời, khá tinh tế (lại bởi là thi sỹ) lúc thẩm văn nên khi cuộc sống bức bách anh phải viết văn xuôi, đã tỏ ra biết cách dụng ngón nghề tiểu thuyết, cách cấu trúc và nhấn nhá tình huống tiểu thuyết. Anh mạnh tay cho tràn ngập bản năng, tính dục của nhân vật chính.

Nó sẽ làm vừa lòng công chúng ở một cuốn tiểu thuyết nhiều tình thế tình ái và dung lượng vấn đề chính của tác phẩm cũng vừa phải, tương ứng với độ dày của sách. Nhưng dù áp dụng lối thể hiện văn chương hiện sinh trong tạo dựng hành động nhân vật, tiểu thuyết Thế Dũng không tạc nên được nhân vật chính một cách sắc nét, ấn tượng mạnh, tạo được cái riêng rất lạ: một Thế Dũng văn xuôi để nổi lên trong dòng chảy tiểu thuyết quê nhà đã có nhiều tác giả, lắm kinh nghiệm và chuyên sâu về thể loại này. Nó lại bị làm người đọc như tôi tiếc nuối, bởi tuyến nhân vật phụ quá hời hợt, thiếu nét cô đọng khắc họa nhân vật, thiếu chi tiết, hành động mang hình tượng văn học đắt, mà ở các người đi trước đã có, cái cần thiết làm nên một lạ đẩy tới cái hay của tiểu thuyết.
Nhưng hấp dẫn khi kể vẫn là một tiêu chí của văn học. Thế Dũng là người nổ phát súng đầu tiên trong đám xuất thân từ thợ khách, về tiểu thuyết, một thể loại đòi hỏi dài hơi và công phu, vốn sống và vốn văn hóa sống không thể dễ dãi như ai lầm tưởng.

Đông Berlin còn có thi sỹ Phạm Kỳ Đăng. Đó là một người có dáng thư sinh, khuôn mặt hơi tái, thanh tao một cách hư hao. Anh lắm tài. Kì Đăng hành nghề phiên dịch tuyên thệ cho tòa án liên bang, nhưng thích vẽ và mê thơ. Phạm Kì Đăng ban đầu tham gia nhóm Đối Thoại rồi sau đó trở về Hà Nội in tập thơ khá dày. Tập thơ anh không gây nên tiếng vang nào cả ở trong và ngoài nước. Thậm chí lại còn bị Khánh Trường - chủ bút Hợp Lưu - năm nào phang cho một đòn chí mạng (với bút danh khác) trên Hợp Lưu phát hành tại Mỹ. Giới thơ trong nước im lặng, không bàn tán gì. Tôi đã thuộc nhiều câu thơ khá hay của người thi sĩ có đôi mắt đượm buồn này. Nên nhớ là, bây giờ thiên hạ rất khó thuộc thơ ai, mà ở những dạng như chúng tôi càng khó thuộc thơ, vậy là già trí nhớ kém lắm! Phạm Kì Đăng ở dạng hành thơ rất đúng âm luật, câu chữ tinh xảo, thậm chí lung linh, nhưng lại không có cái hồn thơ mang sức sống của hồn thơ thời đại hôm nay.

Tại phía Tây những năm đầu chín mươi có kẻ đơn độc ngồi từng đêm viết văn xuôi. Thằng người có đuôi của tác giả Thế Giang xuất bản tại Hoa Kì và khi ấy được giới văn học hải ngoại tán dương kịch liệt, mừng đón, thậm chí dự báo như một hiện tượng văn học bấy giờ ở châu Âu. Nhưng thực chất, sự ẩn dụ mang đầy tính mỉa mai đời sống chính trị xã hội của nó không được biểu đạt bằng sự công phá của một bút pháp có công lực thâm hậu dài hơi, dầu cho là Thế Giang đã ra sức đào bới vào sự oái oăm của quá khứ. Thằng người có đuôi là một tập sách trung bình. Có truyện kém, không hơn một truyện kể minh họa từ sự thật. Nhưng khi ấy, nó cấp thời thỏa mãn tinh thần của những ai còn hậm hực, Thế Giang sau tác phẩm ấy không thấy viết gì thêm nữa, và thực chất "Thằng người có đuôi" không làm giới am tường đời sống văn học ở tổ quốc đang sống tại Đức đánh giá cao như những dòng khen tặng từ bên kia trái đất.

Cũng tại phía Tây, nơi có nhiều trại tị nạn vốn hay đùa chơi thử thách lòng kiên nhẫn tới ê chề của giấc mơ đi tìm thiên đường vui sống ngoài quê hương bản quán; xuất hiện tác giả văn xuôi Lê Minh Hà. Một cây bút khởi phát từ cuộc sống tha hương với nỗi đau nhức nhìn ngược về quê hương.

"Trăng Góa" là tập sách đầu tay của chị xuất bản tại Hoa Kì và treo lên tận trời xanh bằng lời bạt của các nhà văn có kích cỡ ở hải ngoại như Nguyễn Mộng Giác… Nhưng Trăng đã góa thì có treo lên mây vẫn bẽ bàng, dẫu khéo léo vẫn lộ ra tâm thức của một cái nhìn chật hẹp một chiều về quá khứ, giả vờ thương xót chứ không thực sự xót thương khi nhìn một cách xuyên suốt dãy truyện của Trăng Góa. Xuất thân từ một nhà giáo được quê nhà đào tạo cẩn thận, Lê Minh Hà biết cấu trúc dàn dựng và làm chủ được tình thế của truyện ngắn. Trăng Góa biểu diễn ngôn ngữ dụng công và cấu trúc câu bằng kĩ thuật lộ liễu. Sự dụng công làm dáng của thứ trăng "góa tình bản quán, nặng tình tha nhân" làm nhà văn Y Ban trong nước có lần nổi giận, hạ bút phê bình, đánh giá Lê Minh Hà xanh xanh như đám trẻ có học, lớp lứa nhan nhản ở quê nhà, viết được câu văn sạch sẽ, thích làm dáng khoe duyên. Cá nhân tôi cho rằng, Y Ban quá khắt khe với Trăng Góa. Dù sao Lê Minh Hà vẫn lạ so với số nhà văn nữ vốn ít ỏi ở Hải ngoại.

Sau Trăng Góa, khi thời gian đủ làm nhạt đi màu sắc tim tím của mấy nhà văn giầu tình ưu ái đã khoác tặng nhiều vòng hoa cho Lê Minh Hà, Gió Biếc - tập thứ hai của chị và nhiều tản văn sau này (nói về những món quê, lại ở cái xứ mà lắm thịt bò nhưng hiếm kẹo bột và nước gạo đắng) đã bớt đi sự muốn lạ hóa bằng kĩ thuật câu chữ làm dáng, văn Lê Minh Hà vậy đã bình tĩnh bước vào thì chín dần sau những mùa đông dài lê thê ở xứ người. Trở lại sự bình dị và tự nhiên trong cấu trúc câu, văn Lê Minh Hà thuyết phục hơn lên ở tập truyện ngắn thứ hai và một số truyện ngắn lịch sử, tản văn. Tôi nghĩ, trong ê chề của sự chờ đợi… và cô đơn của tâm hồn, khởi sâu thẳm của người đàn bà đã trải, mệt mỏi nên Lê Minh Hà chú ý tạo được câu văn có sức nặng, làm ứa nước mắt người đọc hơn là bởi vài kĩ xảo lặt vặt, khi đã dụng công trở thành dở tới khiên cưỡng. Lê Minh Hà có thể còn đi xa hơn nữa trong lớp lứa anh chị em viết văn ở Đức, nếu chị không chỉ dừng lại ở quanh quẩn kiểu "Đi hết đường xưa"; mở rộng đề tài và bám lấy đời sống của chính bà con mình tại Đức. Nhất là khi gần đây thôi, quay lại in ấn tại quê hương, khi chị có thêm sự động viên chia sẻ của bạn đọc, những người yêu ghét thực lòng với văn chương, đông đảo nhất vẫn là bạn đọc trên Tổ quốc và là người phán quyết cuối cùng.

Cũng ở phía Tây, tận vùng núi phía Nam Đức heo hút, còn có nhà phê bình văn học, nghiên cứu ngôn ngữ Dũng Vũ. Những sáng tác in lẻ tẻ từng kì trên báo chí hải ngoại bấy nay chứng tỏ khả năng nghiên cứu đến hàn lâm của cây viết này. Đặc biệt là chùm bài đánh giá sự tách biệt trong ngôn ngữ tiếng Việt. Hy vọng tới khi nào đó người đọc sẽ được cầm trên tay một cuốn sách nghiên cứu lí luận phê bình có sức nặng mà bất kì ai muốn nghiên cứu văn học người Việt tại Đức sẽ không thất vọng khi đọc anh.

Ngay tại thủ đô của nước Đức. Trong một căn hộ hai phòng thông thống lạnh lẽo và máy sưởi luôn bật số bé nhất cả khi mùa đông tuyết băng hu hú thổi, reo bên bậu cửa sổ, có một người từ chối mọi cám dỗ của đường phố đông vui, âm thầm nhớ và viết. Con người sáu mươi tuổi kiên gan đánh vật với chiếc máy tính già, hay giở chứng như chính cơ thể anh, viết như lên đồng suốt bốn năm năm nay. Lê Xuân Quang, yêu văn chương từ hồi còn công tác trong giới điện ảnh ở quê hương, lẳng lặng như thế, ngẫm, nhớ, viết, kể liên chi hồ điệp, nói được biết bao cảnh huống, thân phận phù du, phiêu lạc xứ người.

Truyện ngắn Lê Xuân Quang được cả nhà xuất bản Thanh Niên lẫn Văn Học trong nước để ý đến và in ngay hai tập năm 2003. Sách anh nghe nói bán được. Sắp tới, LXQ lại ra hai tập nữa tại nhà xuất bản Thanh Niên và nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Anh vẫn còn dư vốn với hai trăm trang kịch bản phim gửi về nước gần đây. Miệt mài và say đắm, tác giả Lê Xuân Quang như nhà biên niên sử đời sống của người Việt xa xứ, kể cả những thuyền nhân và đám lao động ngoài biên giới Đức. Tôi vẫn tiếc cho con người văn xuôi Lê Xuân Quang có vốn sống ngồn ngộn mà khi tái dựng nó lên trang giấy còn tự nhiên chủ nghĩa và thô sơ. Sự kể của anh, nếu được nhấn nhá điệu nghệ tài hoa bằng một ngọn bút giàu tưởng tượng và công phu nữa, trong việc tự nhận ra, cắt bỏ sự tham lam hay có ở các tác giả còn ít kinh nghiệm, chưa tự mình khắt khe tìm phương pháp cấu trúc dàn dựng, bầy biện chi tiết, dựng lại sự thật, sẽ thành những tác phẩm văn học có hạng. Lê Xuân Quang đang làm cho giới viết ở Đức giàu hơn về gương mặt, đầy lên vì những trang viết đầy tiếng thở nức nở của cuộc sống thực.

Đời sống văn học tại Đức thực thiếu sót nếu không nhắc tới cây bút tăm tiếng trong và ngoài nước bấy nay, nhà văn Phạm Thị Hoài, theo chồng đến Đức sống ở Berlin từ đầu năm chín mươi thế kỉ trước, Phạm Thị Hoài mang theo ngọn bút, vẫn hừng hực Phạm Thị Hoài đã thành danh trên quê hương bởi Thiên Sứ và Mê Lộ. Mấy năm liền, văn chương chị đẫy đà hơn về đầu sách với tiểu thuyết Marie Sến, Chuyện lão tượng phật Di lặc và nàng Nậm Mây. Và, rải rác in ấn nhiều tiểu luận văn chương lẫn việc làm thuyết gia rao giảng thuyết lí trên báo chí Hải Ngoại. Chị thi thoảng vẫn viết truyện ngắn. "Ám Thị" là một truyện ngắn nổi trội của PTH trong giai đoạn này với lối dẫn dắt hấp dẫn và cách cấu dựng chi tiết, hành động nhân vật gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Có thể chủ quan mạnh dạn nói, Phạm Thị Hoài vẫn giữ vững phong độ viết với sự thông minh và chua chát trong văn phong. Nhưng văn chương Phạm Thị Hoài luôn có quãng cách với đông đảo bạn đọc tại Đức. Điều ấy có người giải thích, rằng văn Hoài uyên bác nên không dành cho số đông!? Tôi không phủ nhận tính thông minh và sắc sảo trong văn phong của chị, nhưng lối nói sọc sạch rặt mầu ương tới cay nghiệt, câu văn cầu kì, thường làm cho sự chuyện rối rắm thêm tới không cần thiết, thứ văn viết tây lắm, nhan nhản ở Châu Âu, dẫn người ta đi trong văn như mê lộ, mà nhẽ ra, có thể, ở văn hóa Việt, thiếu gì ngôn ngữ, cách biểu đạt bình dị hơn mà vẫn tới chữ đạt. Ấy là chưa nói tới ở văn Á Châu, còn có thứ thường tưởng bình dân lắm, nhưng làm nên cái Không nói tới mà tới, được người xưa gọi là đạt lên thần bút. Sự ra vẻ làm cao, gắng sự thông minh, duy lí, đã chắc gì thuyết phục được bạn đọc?

Mỗi một nhà văn thực sự cần có một tiếng nói riêng không lẫn vào ai. Tiếng nói riêng của Phạm Thị Hoài thường nhấn nháy những cụm từ phức hợp, những câu trần toạc liên quan tới dục tính. Sự sử dụng lối nói ấy, không chỉ ở văn học, PTH lạm dụng nó bất kể khi nào, tạo nên cảm giác dường như tác giả bức bách quá điều gì, nếu không bàn tới nó là không được. Cách thức thể hiện thẩm mỹ riêng như thế của chị, không đắp điếm, khắc họa thêm được kích cỡ của một nhà văn, để trở thành nhà văn hóa, như sự mơ ước đã từng có lần thổ lộ hồi trả lời Úc; mà trái lại, càng làm cho bạn đọc (nghiêm túc và chín chắn) khó chịu, bởi sự mân mê chữ nghĩa dung tục tới quá ngưỡng, vượt qua sự cần và đủ trong văn cảnh đòi hỏi - như trong Marie Sến, Phạm Thị Hoài nhắc đi nhắc lại cụm từ "Dương vật buồn thiu" ở dăm trường đoạn, cũng chẳng để lợi thêm cho văn cảnh, một cách khoái chí - đã giết đi cái đẹp tự thân của văn chương Châu Á vốn có cách biểu đạt không trần toạc quá khích mà vẫn đi tới bản chất của vấn đề và vì thế cũng giết luôn cảm tình của độc giả đứng đắn, nghiêm túc đã có với văn xuôi ban đầu của chị. Chị viết hẳn một tiểu luận bàn về vấn đề cái từ L… để bảo hộ cho quan điểm thẩm mỹ của mình, khi mà người Việt, bạn đọc Việt, sự cảm thụ văn học trong văn hóa viết và đọc của họ, dẫu là sống nhiều năm ở ngoại quốc, không hề tương đồng cứng nhắc với văn hóa Châu Âu, để chia sẻ với chị trong vấn đề mà chị mong muốn. Sự nhập cảng thẩm mỹ, sao chép, copi bản chính, dạng khai hóa thực dân một cách cực đoan như ăn hiếp, chưa khi nào có đất dung trong lịch sử phát triển, tiếp thu văn hoa dân tộc khác của người Việt.

Trong vòng bốn năm năm nay tôi không có truyện ngắn và tiểu thuyết mới của PTH. Có lẽ thời gian và tâm trí nhà văn bị sự chi phối khác, như việc tổ chức một diễn đàn trên mạng về văn học, nghệ thuật, lại trương cao khấu hiệu dân chủ [1] , như tuyên ngôn của nó ghi ở đầu trang, đã tiêu tốn quỹ thời gian của chị.

Hiện nay lượng người Việt tại Đức có thời điểm lên tới bẩy vạn người. Phần lớn nằm tại số đông và trong số họ, sau những năm tháng phải vật lộn với cơm áo gạo tiền đã có nhiều người bình tĩnh ngồi hạ bút gửi bài trở về Việt Nam hòa vào dòng văn chương đất mẹ. Cuộc thi truyện ngắn gần đây trên báo Văn Nghệ đã có vài tác giả ở dạng như thế. Văn học người Việt tại Đức có thể trở thành một bộ phận văn học Việt Nam đáng nói không? Tôi tin là, không lâu lắm đâu, dứt khoát sẽ có thêm nhiều tác giả mới xuất hiện trên văn đàn Việt Nam; bởi vì có thâm nhập vào số anh chị em sống ở Đức, như nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa qua, hay gần đây là nhà văn Chu Lai, mới thấy rõ tình yêu văn chương của người lao động Việt Nam tại đây thực cảm động. Cuộc sống và hoàn cảnh oái oăm bấy nay đã buộc biết bao cá nhân phải tạm gác việc văn để kiếm sống, nhưng chính cuộc sống ấy sẽ nhất định tạo nên những hạt giống mới, đóng góp cho tiếng nói Văn học người Việt tại Đức thêm phong phú, khi mà tình yêu của họ với văn chương xuất phát từ nhu cầu tự thân cứu cánh chứ không phải từ một thứ văn chương cơ hội lập thân, rẻ mạn bán mình, làm phương tiện tới nơi tưởng là thiên đường mà vỡ mộng…

Hà Nội, tháng ba - 2004

Báo Tiền Phong Chủ Nhật, 3 kì, 21.3.2004, 28.3.2004 và 04.4.2004


[1]Chú thích của talawas: "diễn đàn trên mạng về văn học, nghệ thuật" mà tác giả nói đến chỉ có thể là talawas. Nguyên văn lời tự giới thiệu của talawas ghi ở trang đầu như sau: "talawas là một diễn đàn độc lập, mong đối diện những vấn đề của hiện thực Việt Nam bằng cách đặt chúng vào những góc nhìn của thế giới bên ngoài. Nội dung chủ yếu của talawas là chuyển tải thành tựu văn hóa thế giới và những thảo luận thời sự của trí thức quốc tế vào các tương quan Việt Nam. talawas cũng là điểm gặp và cọ xát giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ khác." Tác giả Nguyễn Văn Thọ cũng nhiều lần nhiệt tình gửi bài đến talawas và một bài đã được đăng. Xem: Nguyễn Văn Thọ, Viết cần tôn trọng sự thật, talawas, 28.7.2002.