trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
26.4.2004
Trần Wũ Khang
Song thoại với cái mới của thơ hôm nay
 
Sống xa các trung tâm văn hóa nhưng may là loài mọt sách, lại nhờ mạng thông tin toàn cầu nên tôi nhận được nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Mười năm qua, tôi được làm quen với vài trăm cái tên người làm thơ bằng tiếng Việt. Để chọn các nhà thơ cho mình, bắt chước lối nói của Phạm Thị Hoài, tôi đã làm cuộc gạch bỏ. Đầu tiên: bỏ qua các tay viết mới tập tò ráp vần, tiếp: gạch bỏ các nhà thơ công bộc mà tên tuổi xuất hiện đều đặn trên trang báo Tết hàng năm mà Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc là đại diện xứng danh; vài nhà thơ có thơ bán chạy: Trần Đăng Khoa đứng đầu bảng; sau cùng là các tên tuổi mà sự nghiệp thơ đã được kết toán. Còn khoảng dăm chục người, từ số này tôi giữ lại trên dưới 20 nhà mà tôi nghĩ họ là nòi thi sĩ chính tông.

Ở bài Bên lề bàn tròn văn chương, tôi mạnh dạn nêu lên danh sách đó - danh sách các thi sĩ đang ra sức đẩy cỗ xe thi ca Việt lăn tới. Tạm nêu vài tiêu chí để giải minh rõ hơn danh sách của tôi:

  • Giới hạn độ tuổi: U50, giới hạn thời gian: trên dưới 10 năm.
  • Chỉ nêu các tác giả đã khởi động hay có đóng góp cho tiến trình cách tân, đổi mới.
  • Không phân biệt vùng miền, địa phương/trung ương, trong/ngoài nước.
  • Bất kể số lượng nhiều/ít, đơn vị bài/tập ở mỗi tác giả.
  • Chắc chắn sẽ thiếu tên các nhà thơ tôi chưa có dịp tiếp cận.

Trong thời gian qua, Việt Nam chứng kiến sự phân hóa trầm trọng của hệ mĩ học thơ đương đại, tình trạng sinh hoạt văn chương nhập nhằng (giữa bóng tối/ánh sáng, truyền thống/hiện đại, cũ/mới, văn chương/chính trị, bảo thủ/quá khích), những quan điểm sáng tác trái ngược (văn chương thù tạc, bán chuyên, nghiệp dư với văn chương chuyên nghiệp). Vì thế, để có được một cái nhìn tổng quan vô tư, chỉ có thể hi vọng ở tinh thần không thiên kiến và thái độ dũng cảm của người đánh giá. Với ý hướng đó, tôi thử nêu lên nhận định của mình, có thể chủ quan nhưng cần thiết.


1. Thế hệ trước

Tôi không kể thế hệ nhà thơ trên 50 tuổi, bởi đại đa số họ đã làm xong "sứ mệnh" của mình. Tài hoa như một Thanh Thảo vẫn đã phải dừng lại ở giọng sử thi cũ hay như một Khế Iêm dẫu rất nỗ lực cũng chỉ có thể làm đất cho cỏ mọc. Loạt bài mới nhất của Phan Đan trên tienve.org không có gì hơn ngoài việc đánh dấu một cựa quậy tuyệt vọng trong vùng thẩm mĩ một thời. Phải công bằng ghi nhận các nỗ lực này nhưng thành tựu thì không!. Dĩ nhiên trong lớp nhà thơ thế hệ cha anh, vẫn có vài người còn "đi", Nguyễn Đăng Thường hay Trúc Thông chẳng hạn. Người trước quyết liệt, chịu chơi và phá phách hơn, trong khi kẻ sau khiêm cung một lối đi riêng, như bác nông dân thâm canh trên miếng đất của chính mình.


2. Các nhà thơ phía Bắc

Nguyễn Quang Thiều phải được xem như cái đỉnh bất ngờ nhô lên giữa những ngọn đồi. Sự mất ngủ của lửa in năm 1992, được Hội Nhà văn trao giải thưởng một năm sau đó, là hiện tượng hiếm có trong sáng tác và cả trong nhìn nhận của dư luận. Qua Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999), chúng ta thấy biên độ thẩm mỹ thơ của anh được mở rộng tối đa. Không ít người cho Thiều ảnh hưởng thơ Mỹ hay Mỹ Latinh, cụ thể là J. Brodsky. Có sao đâu! Đây là giọng thơ lần đầu có mặt tại Việt Nam, và nó được tiếp nhận đầy sáng tạo. Nó tác động mạnh tới những cây bút thế hệ mới phía Bắc đến nỗi có thể vạch một ranh giới giữa nhóm làm thơ theo Thiều với nhóm làm thơ khác Thiều.

Phan Huyền Thư có ảnh hưởng trực tiếp từ Lê Đạt và phần nào từ Hoàng Hưng. Có lẽ cũng nhờ tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ thơ Việt hải ngoại mà thơ cô có giọng riêng.

Mai Văn Phấn trưởng thành từ truyền thống thơ cũ, nhưng người ta chỉ nhớ đến Mai Văn Phấn khi anh quyết định chuyển hướng. Từ Người cùng thời (1999) qua Vách nước (2003), chúng ta thấy rõ ảnh hưởng của thơ tự do miền Nam tới anh từ ngôn từ cho đến giọng điệu. Đây là một thái độ tiếp nhận dũng cảm, vì như thế anh mới có thể bứt ra khỏi nếp cũ để hi vọng đạt được cái gì đó gọi là mới.

Trong Danh sách của tôi, Lý Đợi cho rằng có tên Nguyễn Quyến là thừa. Không đúng! Dù thơ Nguyễn Quyến mang dấu ấn Nguyễn Quang Thiều, nhưng hơi thơ và nhịp điệu của nhà thơ trẻ này mới lạ hẳn. Cả Nguyễn Vĩnh Tiến cũng vậy: anh bước chậm rãi và chắc chắn hơn. Nhưng tôi đang nói thành tựu 10 năm cơ mà, bởi dăm năm qua đã có khá nhiều nhà thơ "tịt ngòi" chứ riêng gì Quyến! Sau Bài ca những con chim đêm, Nguyễn Quang Thiều bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.

Khi loại Vi Thùy Linh khỏi Danh sách, có lẽ tôi hơi bất công với cây viết trẻ này. Dẫu sao, Linh cũng có được mươi bài đáng giá. Nhưng chính sự lặp lại mình quá sớm, quá đậm đã làm lu mờ sự quẫy đạp của cô.


3. Các nhà thơ phía Nam

Nền thơ tự do miền Nam cũ bị đứt quãng trong một thời gian dài, mãi khi tuyển tập Gieo & Mở xuất hiện vào đầu năm 1995, trước đó là Đêm mặt trời mọc (Nguyễn Quốc Chánh, 1990) và sau này là Thơ Tự do (1999), Viết thơ (2001), nó mới có cơ hội tái sinh, phát triển và mở ra một hướng mới.

Nguyễn Quốc Chánh là kẻ xuất hiện sớm và nổi bật hơn cả. Thơ anh là loại thơ đô thị, đô thị miền Nam trước và sau thời đổi mới, một thứ thơ thế sự-tự sự với nhiều uẩn khúc và dày đặc ẩn dụ. Nguyễn Quốc Chánh ném cái nhìn trừng vào phía tối của vấn đề, mặt trái của "thành tựu", vào những ảo tượng và cuộc sống giả dối. Thơ anh nặng chịch, ngày càng nặng chịch hơn. Với Khí hậu đồ vật (1997) và Của căn cước ẩn dụ (in photocopy - 2002), anh hành hạ người đọc bằng những rối rắm của tư duy, nhịp thơ thiếu xuyên suốt, ngôn ngữ rậm chất triết lý [1] . Nhưng bất ngờ anh làm cháy sáng một khoảng tối đậm đặc trong ý thức và vô thức chúng ta, buộc chúng ta nhìn lại mình. Trong không khí văn nghệ tù túng hôm nay, sáng tác của Nguyễn Quốc Chánh là biểu tượng của tinh thần tự do hiếm thấy. Cho dù tinh thần tự do ấy, khi túng quẫn cũng một lần dẫm lên dấu chân người khác, chẳng hạn Đinh Linh. Một số bài đăng trên tienve.org thời gian gần đây là một minh chứng. May mà anh biết thế, và đã kịp ngưng.

Trong lớp người viết Sài Gòn, có thể nói Trần Tiến Dũng là tập đại thành của thơ Miền Nam cũ. Từ chối khía cạnh thế sự-tự sự, đề tài thơ anh đi về hai hướng. Khi làm bộ siêu thực (bầu trời có nắp đậy, khoảng không hói…), anh chẳng đạt được gì, chỉ khi hướng về đời thường anh mới tìm thấy giọng của mình. Nhiều ẩn dụ cùng với nhịp điệu trúc trắc khiến thơ anh khó đến với những độc giả quen đọc thơ truyền thống. Ngôn từ thơ anh cũng thế, dù ở Bầu trời lông gà lông vịt (in photocopy - 2003) anh đã cố gắng vượt lên nhưng nó vẫn là cái đuôi của thơ miền Nam cũ. Một cái đuôi xứng đáng góp tiếng nói nhất định vào sự khác lạ của mặt bằng thơ hôm nay.

Inrasara: một giọng thơ lạ phát nguyên từ không gian thẩm mĩ khác (văn hóa Champa) góp vào nền thơ Việt. Nhưng thành tựu của Tháp nắng (1996) vẫn là một thành tựu trong dòng truyền thống. Chỉ sau đó - nhất là qua tập Lễ tẩy trần tháng tư (2002) - nhà thơ người Chăm này mới xứng đáng là "một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay" [2] . Điều làm tôi ngạc nhiên không ít là tại sao 24 Những ngày rỗng với giọng thơ lạ biệt hẳn anh lại bó chung vào tập, rồi cho phép nhà xuất bản cắt mất 18 bài? Tách ra làm tập riêng không hay hơn ư? Lại còn gật đầu chịu cho biên tập viên thay từ "rỗng" bằng từ "trống". Chính sự dễ bảo này đã khiến cho sự "làm mới" của anh giảm hẳn giá trị.

Nhóm thơ trẻ Sài Gòn:

Nguyễn Hữu Hồng Minh có thơ in sớm và nổi bật hơn cả. Hai tập, mỗi tập đều có chất giọng riêng, tự làm khác lạ với tập có trước đó, nhất là Chất trụ (2002). Qua Vỉa từ (chưa in), thơ Minh ngày càng nặng chất suy tư hơn, lối suy tư sẵn sàng cho một nổi loạn, vừa siêu hình vừa xã hội.

Bên cạnh là các thi sĩ trẻ thuộc nhóm Mở miệng gồm Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, cả Phan Bá Thọ nữa. Trong đó Vòng tròn sáu mặt (in photocopy - 2002) của sáu tác giả, và nhất là Xáo chộn chong ngày (Bùi Chát, in photocopy - 2004) được xem là một hiện tượng đột phá. Thơ không còn "xa rời quần chúng", xa rời đời sống nữa mà song hành với dòng đời vụn vặt, bề bộn. Từ nội dung cho đến hình thức thể hiện, từ in ấn cho đến phát hành. "Thơ nhiều khi chỉ là chuyện gây hấn, một chút hài hước, một cú sốc nhận thức, thậm chí là một trò đùa vui nơi bàn nhậu, chẳng kém phần nhảm nhí". Đây là một quan điểm mới, một cách làm mới rất đáng hoan nghênh: bình đẳng ngôn từ (từ cứt đái, cặc lồn… cũng không hơn kém thượng đế, linh hồn, văn hóa…), trộn lẫn thể loại, nhại diễu, cắt dán… Nhưng nếu "một chút" thì được, thậm chí vài chút cũng không sao, chứ quý bạn cứ đẩy cứt đái, cặc lồn thành một trường phái thơ zác zửi thì hỏng. Các bạn sẽ lặp lại hiện tượng tương cận Vi Thùy Linh một ngày không xa.

Hai khuôn mặt khác: Vương Huy và Nguyễn Vĩnh Nguyên. Vương Huy tài hoa nhưng đã tự làm cũ khá nhanh. Nguyễn Vĩnh Nguyên, nếu biết/dám vứt bỏ hẳn loại thơ thù tạc, thì xứng đáng là một cây viết nhiều triển vọng. Vài sáng tác mới đây của Nguyên thuyết phục tôi có nhận xét đó.


4. Các nhà thơ hải ngoại

Nguyễn Hoàng Nam có giọng thơ rất riêng, không cố ý cầu kỳ cả trong ngôn từ lẫn cách nói. Luôn có cái đáng nói trong mỗi bài thơ của anh, ngoại trừ vài bài tân hình thức sau này. Tôi nghĩ đây là thi sĩ tài hoa đặc biệt.

Đỗ Kh. được biết đến nhiều qua vài bài cộm như: Linda mặt ngang hay Tôi thích ngồi sau em trên yên xe (câu đầu của bài…). Đây là các bài thơ hay, hay nhưng chưa thể hiện đầy đủ chất Đỗ Kh. Mượn ý một người bạn: thơ Đỗ Kh. có cốt cách của đạo Cao Đài, một thứ tôn giáo hỗn dung các tôn giáo trên thế giới: tuy tạp nham nhưng lôi cuốn rất nhiều đồ đệ. Sau Hồi giáo, nhân loại hết đẻ ra tôn giáo lớn nào khác. Cao Đài là một sáng tạo đặc kì của Việt Nam, đó là hiện tượng sinh ra từ sự xài cạn của mọi giáo lý. Như thơ Đỗ Kh. là thứ thơ của nền văn chương thời cạn kiệt. Khía cạnh này, Đỗ Kh đã đi trước nhóm Mở miệng 10 năm là ít!

Tôi không nói Đinh Linh-tiếng Anh mà là Đinh Linh của thơ tiếng Việt hãy còn khá ít ỏi được đăng liên tục thời gian qua trên tienve.org. Thơ anh ngắn, đề cập một vấn đề rất cụ thể, chỉ chứa một nghĩa duy nhất, được nói bằng thứ ngôn ngữ thuần nghĩa đen, dứt khoát và sắc cạnh. Dù chấp nhận hay không, thơ Đinh Linh - bên cạnh thơ Nguyễn Hoàng Nam - là loại thơ làm vỡ tung chuẩn "bốn không" của Nguyễn Đăng Thường nêu ra cho thơ hiện đại: không vũ trụ, không siêu hình, không ngôn ngữ, không ẩn dụ. Một nổ tung vừa vinh danh sáng tác đồng thời lí luận.

Phan Nhiên Hạo với Thiên đường chuông giấy (1998) có thể ví như Huy Cận với Lửa thiêng thời Thơ mới: có ngay một chỗ đứng biệt lập trên thi đàn khi vừa xuất hiện. Khác điều, Phan Nhiên Hạo không dừng lại, ôm mãi bó hoa cũ mà tàn héo, anh biết cách vượt lên chính mình để có sáng tạo mới hơn bằng ý thức nghệ thuật không quá khích nhưng lành mạnh và đủ đầy.

Nếu có/cần một biểu tượng tình dục/giải phóng phụ nữ trong thơ Việt Nam đương đại thì Lê Thị Thấm Vân thật xứng danh, chứ không phải Vi Thùy Linh. Thấm Vân đa dạng và táo bạo trong nội dung hơn, nhiều sáng tạo phong phú trong hình thức thể hiện hơn.

Hai khuôn mặt thơ trẻ hải ngoại: Lê Nghĩa Quang Tuấn và Nguyễn Hoàng Tranh, mỗi người mỗi vẻ, đã thực sự chinh phục tôi cả ở lối nghĩ lẫn hình thức thể hiện. Trong đó cái hay và thành công trong thể nghiệm các thể dạng thơ của Nguyễn Hoàng Tranh được Inrasara đề cập khá đầy đủ trong bài viết về Thở.


5. Nhận mặt các lực cản đang trì níu thơ Việt

Khi chủ quan và mạnh dạn đưa ra Danh sách cùng các nhận định-đánh giá sơ bộ trên, tôi không hi vọng nó thuyết phục được mọi người, nhất là các nhà thơ, cả nhà thơ có tên trong Danh sách. Không ít người sẽ cho tôi mâu thuẫn bởi trong Danh sách bao gồm các sáng tác mà hệ mĩ học khác xa nhau, thậm chí đối chọi nhau. Thơ "dơ" của Bùi Chát với thơ "sạch" của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Quang Thiều đặt cạnh Đinh Linh. Làm sao một người cùng lúc chấp nhận bao nhiêu là quan điểm, nói chi đến phong cách! Ở đây cần xác định rõ: tiêu chí tôi định giá có đổi mới hay không, nhiều/ít ở mỗi tác giả/nhóm tác giả là cái khác biệt của họ với dòng chảy chung của thơ truyền thống, chính xác hơn: chính thống. Có thể nhóm Mở miệng nghĩ thơ Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn đã cũ quá rồi, nhưng nhìn cách tổng thể, nó là khác lạ - nó thuộc dòng riêng. Vỉa từ của Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng vậy, đã không ít vị từ chối gọi nó là thơ, nhưng nhịp điệu nội tại của nó lại thuyết phục được một số người khác.

Các nhà thơ ít chấp nhận nhau, nhất là các nhà trụ vững trong lập trường thẩm mĩ của mình/nhóm mình, bảo thủ lẫn cấp tiến. Khi không chấp nhận nhau, chúng ta có xu hướng đẩy nhau về phía đối nghịch, từ đó bôi nhọ muốn xóa trắng hay thậm chí cáo giác nhau ở những mặt không thuộc văn chương. Tư tưởng quá khích và tư duy loại trừ nhau giữa các "trường phái" văn chương là một trong những lực trì níu thơ Việt hôm nay phát triển.

Lực thứ hai phát xuất từ văn hóa văn chương của chúng ta. Từ văn hóa văn chương này sinh ra quan điểm hoặc văn chương thù tạc, làm để chơi lúc ngẫu hứng, hoặc văn chương gồng gánh cả đống chức năng và "tính": tính nhân dân, tính giáo dục, tính chiến đấu, tính giai cấp... Thù tạc: người ta ít "học" làm thơ nên những trường hợp thi sĩ một bài hay nhà thơ tập đầu tay không phải là hiếm. Trong lúc gồng gánh, chúng ta đổ lên đầu thơ ca bao nhiêu là chức năng khiến nó trì nặng kéo lê mãi đôi chân khệnh khạng trên mặt đất đen sì. Ít ai làm thơ vì thơ, chỉ vì sự phát triển của thơ.

Lực thứ ba quan trọng không kém (trong tình trạng Việt Nam hiện nay, theo tôi, nó mang tính quyết định), đó là môi trường văn học.

  • Môi trường báo chí: những kẻ trực trang báo - đa số là nhà thơ đã thành danh - sợ mất quyền lợi hay mất chỗ đứng nên rất dị ứng với cái mới, không dành một khe hở nào cho cái mới lọt vào. Đây là tình trạng chung của mọi tờ báo chuyên hay không chuyên, kể cả tờ báo THƠ của Hội Nhà văn. Nó gây bão hòa thơ, gây chán nản cho kẻ có xu hướng cách tân. Trầm trọng hơn nữa, nó lừa dối các cây bút mới vào nghề.

  • Môi trường giáo dục: nhà trường, kể cả cấp Đại học, cứ bổn cũ lặp lại: thơ cổ điển, thơ Mới, và nhất là thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Rồi thì khi có diễn đàn thơ, vẫn cứ chừng ấy tên tuổi thuộc dòng chính thống nhảy lên sân khấu, múa môi mép.

  • Môi trường in ấn: một khi các phương tiện thông tin đại chúng (báo giấy, báo hình, nhà trường…) tảng lờ thì cái mới vẫn cứ xa cách cả ngàn dặm với công chúng thơ dù nó được phép ra đời. Đằng này, những cái mới luôn bị chặn lại ở cửa xuất bản. Bởi, dẫu các nhà thơ trong nước cố tránh mặt chính trị, thế nhưng nói như Phan Nhiên Hạo, "khi đẩy vấn đề đến cùng, truy tìm câu trả lời rốt ráo cho mọi sự, dù là những việc bề ngoài có vẻ phi chính trị, chúng ta sẽ phải đề cập đến chính trị". Mươi tập thơ của các nhà thơ Sài Gòn in photocopy là một phản ứng. Rồi thì: các tập thơ cất trong ngăn kéo, các tập bị thiến hoạn, thơ in photo chuyền tay...

  • Hạn chế cuối cùng nằm ngay "nội lực" thơ chúng ta. Trong cuộc "Ma-ra-tông" [3] thi ca, ngoảnh lại không thấy ai phía sau, chúng ta vội tâm lí yên vị, chậm rãi bước hoặc nằm dài chờ. Chưa có đỉnh Pyrénées nào trước mặt để chúng ta phấn đấu vượt qua. Thử nêu vài nguy cơ đã/sẽ xảy tới với chính những kẻ có tên trong Danh sách. Có khi do thể tạng, vài người chỉ chấp nhận đổi mới cầm chừng: Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn. Cũng không ít trường hợp kẻ làm thơ không muốn hoặc không dám làm mới lần nữa, Nguyễn Quang Thiều chẳng hạn. Nguyễn Quốc Chánh lại rơi vào tình thế khác: dám, nhưng khi tái sử dụng thể nghiệm của kẻ khác anh đã thất bại tạm thời. Có kẻ lặp lại mình quá sớm: Vương Huy, hay chậm hơn đôi chút: Đỗ Kh. Inrasara thì tự ngộ nhận: đưa chùm thơ cách tân nhất vào nằm chung tập đổi mới nửa vời. Có kẻ chết sớm bởi hụt hơi: Nguyễn Quyến. Có kẻ nguy cơ teo tóp do toan tính giữa thơ đăng báo và thơ sáng tạo: Nguyễn Vĩnh Nguyên. Cũng có kẻ rất dễ yểu mệnh bởi quan niệm sáng tác quá khích: Bùi Chát, Phan Bá Thọ. Còn Nguyễn Hữu Hồng Minh, mới đụng sơ sơ chính trị [4] , vội quay lưng lại với đứa con do chính mình đẻ ra.


Tất cả hiện thực này sẽ dẫn thơ Việt đi về đâu?

Núi Xám, 18.04.2004.

© 2004 talawas





[1]Nguyễn Thanh Sơn, Xác ướp trở lại, Phê bình văn học của tôi, 2002, tr. 108-116.
[2]Nguyễn Hoàng Sơn, Inrasara, lần thứ hai nhận giải thưởng Hội Nhà văn VN, Tiền phong chủ nhật, số 01. 2004.
[3]Tên một tập thơ của Trúc Thông
[4]Bài Lỗ thủng lịch sử đã từng được đăng ở www.tienve.org