trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
1.5.2004
NhÆ° Huy
Trao đổi với ông Trần Wũ Khang về diện mạo thơ hôm nay
 
Tôi xin nhận ngay rằng kiến thức về văn chương của tôi chắc chắn chỉ đủ để làm một người ngoài cuộc trong những công việc có tính chất chuyên môn sâu nhằm định ra những tên tuổi, và qua đó, phác họa nên khuôn mặt của thi ca đương đại Việt Nam, mà bài viết Song thoại với cái mới hôm nay của Trần Wũ Khang là một trong những ví dụ như thế. Tuy nhiên, do chỗ là một nghệ sỹ làm việc trong môi trường thị giác (cái môi trường hẳn ai cũng biết, trong lịch sử dằng dặc và nhiều biến cố của nó, đã từng có những liên hệ rất mật thiết với văn chương), và vì sự yêu thích của bản thân với văn học và thi ca nói riêng, tôi xin mạn phép trình bày thêm một số ý kiến của riêng mình với tác giả Trần Wũ Khang.

Cùng với cảm giác thích thú và phần lớn là đồng tình khi đọc bài viết khá thẳng thắn và kỹ lưỡng nói trên của ông, tôi cảm thấy có đôi chút lấn cấn nho nhỏ.

Trước hết nằm ở quan điểm của ông về một số tác giả mà ông coi là trên 50.

Chưa nói tới sự vắng hẳn của các nhà thơ quan trọng vẫn có ảnh hưởng nhất định tới không khí thi ca hiện tại qua những ghi chép hay các tập thơ in muộn như Trần Dần, Đặng Đình Hưng, bài viết của ông đã không kể tới vai trò của một lớp các nhà thơ "hè phố", "ngoại biên" ở phía Bắc trong những năm tháng cũ (khi các bàn giấy có quạt trần ở công sở đã được chiếm lĩnh bởi các nhà thơ viên chức) như: Chu Hoạch, Hoàng Hưng, Phan Đan, Lưu Quang Vũ. Dù phần nào đồng tình với ông trong cách nhận định về số nhà thơ ấy ở khía cạnh thi pháp, tôi vẫn e là chưa ổn lắm, khi diện mạo của những người đó bị xóa sạch (thành những tabular rassa) trong cuộc tính đếm này của thi ca đương đại Việt Nam.

Những đóng góp của các nhà thơ ấy - chí ít là ở thái độ chấp nhận vác cây thánh giá mang tên thi sỹ lên đỉnh đồi nắng cháy trong một thời cuộc mà "Chữ nghĩa vô tội là rồ dại, một vầng trán phẳng có nghĩa là lãnh đạm thờ ơ …" [1] cũng rất đáng được nhìn nhận. Nhất là hiện nay, nghệ thuật - trong cả hai phương diện, ý niệm lẫn thực hành - đã không còn cách xa hiện thực đời sống xã hội là mấy - nếu không muốn nói đã bị hỗn trộn vào nhau.

Liệu có thể có một trường thị giác nào khác, rộng rãi hơn cho sự hiện diện của các nhà thơ ấy không?

Có lẽ cũng vì chưa có dịp tiếp xúc (như ông đã viết trong bài) nên ông cũng đã không biết tới nhà thơ yểu mệnh là Nguyễn Lương Ngọc, ở miền Bắc, người mà theo tôi, trong quãng sống ngắn ngủi của mình cũng đã tạo ra một trường ngôn ngữ và kỹ năng khá độc đáo thông qua một, hai tập thơ.

Trong số các nhà thơ nữ trẻ phía Bắc, tôi cũng còn nhớ tới một khuôn mặt, nay đã biệt tích, là Tường Vân. Trong quãng làm thơ ngắn ngủi của mình, theo tôi, chị cũng đã tạo ra một môi trường lý tính khá rõ (Một điều khá hiếm với xu hướng thiên về cảm tính của đa số các nhà thơ nữ).

Tôi cũng có đôi chút ngạc nhiên khi Nguyễn Danh Lam đã không được ông đề cập tới khi nhắc tới các nhà thơ trẻ Sài Gòn (nhất là khi Nguyễn Vĩnh Nguyên được ông điểm tới). Người này, theo tôi, tuy phần lớn tác phẩm vẫn mang phong vị xưa cũ, nhưng khả năng kỹ thuật và tầm tuổi chưa già lắm cũng như chút chút gì đó từng thể hiện qua vài bài thơ lẻ của anh (như bài thơ về con ếch đăng trong Tạp chí Thơ là một ví dụ) có lẽ cũng đáng để chúng ta chờ đợi đấy chứ (dù là chờ đợi thường khi mỏi mòn).


Các nhà thơ phía Nam

Tôi đồng tình với ông về sự đánh giá vai trò của Nguyễn Quốc Chánh. Tuy nhiên, theo ý riêng tôi thì chính Nguyễn Quốc Chánh sau này (người mà bị ông coi là "giẫm lên dấu chân" của Đinh Linh), với một số bài thơ trên Tiền Vệ, mới là một Nguyễn Quốc Chánh "thõng tay vào chợ": khi mà mọi ý hướng làm thơ, làm một cái gì đó bằng thơ, qua thơ v.v. đã phải lui vào trong để nhường chỗ cho thái độ tiếp cận với hiện thực. Nhờ thế, những bài thơ mới của Nguyễn Quốc Chánh đã trở nên một phản ứng, một dụng cụ rất khả dụng để rút đi phép thông công của các dạng thi ca cũ mà ông ta từng đắm đuối (Khí hậu đồ vật) - dạng thi ca sống nhờ vào cấu tứ, tâm thế tự sự, cũng như góc nhìn siêu thực phóng chiếu vào vô thức (Thông qua những trạng huống bất thường, những đồ vật được sử dụng như những cái móc để treo lên đó các giả thiết phi hiện thực cũng như các ẩn dụ bóng gió).

Theo tôi, đây là một điểm mấu chốt khiến cho Nguyễn Quốc Chánh sau này đã trở nên khác biệt hẳn so với anh ta lúc trước - luôn bị ý muốn "cách tân" hành hạ, dẫn tới việc mắc vào cái lưới không lối thoát của tính chất avant garde, cái tính chất dường như luôn vắt kiệt mọi nỗ lực của các nghệ sỹ để phung phí cho những nhu cầu hình thức và biệt lập.

Trái với cách hiểu của ông, theo thiển ý của tôi, chính Đinh Linh mới là người khó làm được những điều như Chánh làm, đơn giản bởi cái thế đứng ở phía ngoài của Đinh Linh khi tiếp cận hiện thực. Rõ ràng là với thể loại thi ca (hay là dạng nghệ thuật chiếu thẳng đèn pha vào hiện thực xã hội) này, việc ngôn hành đồng nhất là rất quan trọng, và vì thế, sẽ rất khó cho Đinh Linh (để có sức thuyết phục hơn Chánh) khi quán chiếu vào hiện thực xã hội Việt Nam.

Sự thẳng căng và trực diện cũng như thái độ bất cần của Chánh đã chính là căn cước thật (chứ không còn ẩn dụ nữa) cho phép Chánh vượt qua khỏi những chướng ngại vật hình thức để đối đầu với hiện thực thô nhám.


Nhóm thơ trẻ Sài Gòn

Dù cho có nhiều cách nhìn nhận về họ - những cách nhìn có khi được xây dựng qua chính sự hiểu lầm mà các nhà thơ trẻ ấy tạo ra, bản thân tôi nghĩ là cũng đã có một số điểm đáng ghi nhận về những nhà thơ trẻ ấy:

  1. Những thủ pháp mà họ cố ý sử dụng hầu như chưa bao giờ được sử dụng thành hệ thống và chính danh trong thơ Việt trước đây.

  2. Trường ngôn ngữ mà họ tạo ra là một trường ngôn ngữ -dù chưa hẳn là mới xuất hiện đầu tiên trong thơ Việt - nhưng đã được bảo chứng bằng chính cách sống, sự quyết tâm, và niềm tin (cho tới giờ) của họ vào những gì họ làm.

  3. Cách tiếp cận với thi ca của họ hoàn toàn khác biệt với các cách tiếp cận cũ. Điều này có lẽ chỉ có thể được lý giải bởi lý do: họ đang thiết tạo nên thi ca của họ trong một khí quyển nghệ thuật mới, khác hẳn với khí quyển nghệ thuật hiện đại.

  4. Rõ ràng cách nhập thế của họ khác hẳn hầu hết các nhà thơ trẻ đồng lứa với họ ở miền Bắc. Họ tự tạo ra diện mạo của mình (ít nhất là thông qua bài viết dạng manifesto của Lý Đợi), dù cái diện mạo ấy còn nguệch ngoạc và vụng về đôi chút. Thế nhưng, điểm tích cực của diện mạo ấy là việc nó được tự làm ra chứ chẳng nhờ các chú, các bác, hay các anh các chị nào viết cho vài dòng trên báo hay web.

  5. Trong một chừng mực nào đó, theo ý tôi, chính cái "quan niệm sáng tác quá khích" mà Trần Wũ Khang lo sợ lại là một thái độ rất nên chia sẻ, nếu lùi ra một chút mà nhìn nhận lại tình trạng bình bình lâu nay của nền văn nghệ Việt Nam. Chí ít là sự quá khích đó cũng đáng kể hơn là các nỗ lực để trì kéo một thế cân bằng giả tạo nào đó trong văn nghệ [2] .


Các nhà thơ Hải ngoại

Tôi không hiểu sao một hiện tượng độc đáo như Đỗ Kh. lại không được đánh giá cao trong bài viết của Trần Wũ Khang.

Theo thiển ý riêng tôi, Đỗ Kh. chính là thi sỹ đầu tiên mang một dáng vẻ mới lạ hẳn hoi vào nền thi ca tiếng Việt. Một dáng vẻ trí thức, hài hước, giễu nhại, từ khước mọi dạng đại tự sự, bông phèng hóa tất tật và khó mà nói là không sắc sảo khi tiếp cận với hiện thực xã hội Việt Nam. Theo tôi, chính sự xuất hiện của Đỗ Kh. (cũng như những bài thơ sau này của Nguyễn Quốc Chánh) phần nào đã là điềm báo cho Nhóm thơ trẻ Sài Gòn sau này.

Nếu có điểm gì chưa được thoải mái lắm về Đỗ Kh., thì có lẽ chính ở cái thế đứng bên ngoài của ông (cũng như Đinh Linh trong thơ tiếng Việt vậy). Tuy nhiên, tôi thấy ông cố gắng vượt khỏi hạn chế ấy khi đề cập tới những vấn đề hiện thực Việt Nam bằng việc sử dụng ngôn ngữ và sự hài hước sắc bén một cách rất độc đáo.

Trong mối tương sánh với Đỗ Kh., Trần Wũ Khang cho rằng Phan Nhiên Hạo và tập thơ Thiên đường chuông giấy "tương tự như Huy Cận với Lửa thiêng thời thơ Mới", hình như có chút gì đó quá lời chăng?

Theo ý tôi, trường thơ của Phan Nhiên Hạo, nói một cách nào đó, vẫn mang rất nhiều bóng dáng của không gian siêu thực và tự sự từng hiện diện trong khí hậu thi ca trước 75 tại miền Nam, mà những tác giả như Ngô Kha là một ví dụ. Những dấu hiệu có thể thấy: sử dụng ngôi thứ nhất số ít, những văn cảnh sự kiện xảy ra trong các câu "chuyện kể" của ông (được tạo nên thông qua các thao tác kết nối và dán ghép nhiều hình ảnh, mệnh đề tưởng chừng không liên quan tới nhau) thường là luôn khác xa hay luôn có xu hướng tránh né hiện thực. Người tinh ý hẳn sẽ nhận ra màu sắc vô thức và ẩn ức của những giấc mơ, cũng có khi là những ác mộng luôn hiện diện trong rất nhiều không gian "câu chuyện" mà ông kể. Dù là một nhà thơ có chất lượng (trong những môi trường thẩm mỹ tương đồng với ông), nhưng thi pháp của tập thơ Thiên đường chuông giấy rõ ràng là không mới mẻ gì và bởi vậy cái tác động của nó với xã hội, thậm chí ngay cả với cộng đồng văn nghệ cũng không đời nào mang tính chất như tác động của tập Lửa thiêng của Huy Cận [3] thời thơ Mới.

Gần đây, trong bài thơ Tấm ảnh những năm 60 của Phan Nhiên Hạo (báo Người Hà nội số Tết 2004, từng đăng trên Tiền Vệ), tính chất cấu tứ và thái độ tự sự vẫn còn rất rõ rệt, tuy nhiên cái không khí siêu thực của Thiên đường chuông giấy đã gần như không còn lưu lại mấy.

Trên đây là một số ý rời của tôi được viết ra với quan điểm của người đọc, trong thế đối thoại nhằm đóng góp thêm một số thông tin cũng như trao đổi một số ý kiến mang tính xây dựng với ông Trần Wũ Khang, tác giả của bài viết Song thoại với cái mới của thơ hôm nay - một bài viết chất lượng. Tôi cũng mong qua đây sẽ có thêm nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nữa, để cung cấp thêm những thông tin hay cách nhìn nào khác về hình ảnh thơ hôm nay của mỗi người.

Và rồi, thông qua mối quan hệ "chủ toàn" của các điểm nhìn khác nhau ấy, một diện mạo nào đó thực chất có lẽ sẽ hiện ra chăng?


© 2004 talawas




[1]Bertolt Brecht, Gửi những người sinh sau, Diễm Châu dịch, www.tienve.org
[2]Không biết có đúng không, nhưng hình như tôi còn nhìn ra sự tương liên nào đó giữa nhóm nghệ thuật này với cái trào lưu được gọi là politic pop của các nghệ sỹ hiện đại Trung Hoa những năm 90. Tất nhiên, tôi không nghĩ Nhóm thơ trẻ Sài gòn đã làm được nhiều đến thế và đã có thành tựu gì đáng kể trong hiện tại. Nhưng thái độ dấn thân và quay đầu ra khỏi cái bức tường quán nhãn của đệ nhất tổ Đạt Ma (sử dụng cách ẩn dụ của nhà thơ Hoàng Hưng: "Đường vào thơ gian nan như đường lên động Thiếu Thất" - Lời bạt tập thơ Giọng nói mơ hồ của Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nxb Trẻ, 2000)- và hướng những mối quan tâm của mình vào xã hội và đời sống thật đáng khích lệ và hẳn có nét tương đồng nào đó với trào lưu politic pop kể trên - tất nhiên, sự "quá khích" của mấy nhà thơ trẻ này còn là phải chạy dài, nếu so với các nghệ sỹ của Trung Hoa trong trào lưu vừa đề cập.
[3]Trong thời điểm hiện nay, quả thật là sẽ rất xa hoa nếu còn viện dẫn ra những dạng cảm giác bàng hoàng hay ngây ngất - theo kiểu những cảm giác của Lửa thiêng hay Điêu tàn gây ra thời thơ Mới - khi nói tới một sự xuất hiện nào trong văn nghệ.
Trong tâm thế của một người sống trong cái thời điểm văn hóa sang trang, khi mà sinh sản vô tính và các dạng tồn tại ảo đã được đưa vào từ vựng của văn hóa và văn minh đương đại, phải chăng cái tình trạng cảm xúc theo kiểu "ngỡ ngàng trước cái mới mẻ, kỳ vĩ" sẽ trở thành một tình trạng - dẫn theo lời Xuân tóc đỏ - "chẳng được văn minh mấy"?