trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
25.5.2004
Đinh Linh
Việt Nam đã trở thành một phản ảnh mù quáng về nước Mĩ
Matthew Sharpe phỏng vấn Ðinh Linh
 
Khi đọc truyện của Ðinh Linh lần đầu tiên cách đây vài năm trước, tôi ý thức là mình đang giáp mặt với một giọng văn phi thường. Tựa truyện là "!". Người dẫn chuyện kể về một nhân vật Hồ Mười nào đó, sau khi "đọc rất nhiều bài báo" về kẻ đã bị tống giam vì "giả mạo làm giáo sư Anh Ngữ" này. Hồ Mười phát hiện -và phát minh- ra Anh ngữ khi tiểu đoàn của y bắt được một tù binh Mĩ. Lâm bệnh, tên tù binh này lên cơn sốt và "lải nhải cả mấy tiếng đồng hồ liên tục". Hồ Mười ghi âm những lời mê sảng ấy (một trong những trớ trêu thú vị, méo óc nhất của truyện này là Hồ Mười phải dùng Quốc Ngữ, một hệ thống ghi âm được chế tác bởi Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo người Pháp thế kỷ thứ 17, để ghi âm tên tù Mĩ). Từ những ghi chép này, y đã suy ra nguyên bộ Anh Ngữ, trên nguyên tắc "tất cả những gì chế tạo bởi con người đều có thể được sao chép: một chiếc ghế, một khẩu súng, một ngôn ngữ, với điều kiện người ta có vật liệu căn bản."

Truyện của Ðinh Linh làm ta hoài nghi những tóm lược truyện ngắn nói chung; tôi chỉ muốn gợi nên một phần nào chất ngông và nhạo đậm tính triết lí và chính trị của "!," một truyện trong tuyển tập Máu và Xà Phòng (Blood and Soap), vừa được Seven Stories Press xuất bản. Không thể nào tả được ấn tượng toàn diện của Máu và Xà Phòng. Như Ðinh Linh phát biểu sau đây, tác phẩm này chịu một số ảnh hưởng của Jorge Luis Borges, nhưng Ðinh đã dùng những thủ pháp siêu hư cấu và bẻ cong thể loại của Borges để diễn tả cảm giác về sự phi lý, rối loạn và hoán vị đặc trưng cho những công dân thế giới đương đại. Máu và Xà Phòng tuy rất quấy nhưng bị ám ảnh bởi nỗi cô đơn và kinh hoàng mà từng cá nhân trong nền kinh tế toàn cầu cảm thấy.

Khi trò chuyện với tôi qua điện thoại giữa tháng tư, Dinh Linh vừa trở về Mĩ từ Certaldo, Ý, nơi anh sống hai năm trong chương trình Thành Phố Lánh Nạn, dưới sự bảo trợ của Hội Ðồng Nhà Văn Quốc Tế. Đúng như tác giả của Máu và Xà Phòng phải thế, anh đang ở ké nhà một người bạn trong khi đi tìm phòng trọ riêng

Matthew Sharpe

Matthew Sharpe (Rail): Anh học vẽ ở đại học, phải không? Anh đã chuyển từ vẽ sang viết bằng cách nào?

Ðinh Linh (ĐL): À, lúc đó tôi cũng làm thơ, nhưng rồi phải bỏ đi một nghề vì không thể tập trung vào cả hai mà có thể thành công được. Vẽ tranh tốn kém vô cùng - phải có một nơi rộng rãi, rồi còn đồ nghề nữa. Vì thế tôi quyết định chỉ viết thôi. Ðến lúc tôi phải tự nhủ, này, mày không thể thất bại cả hai nghề được. Mày phải ráng làm một cái gì đó trong một nghề.

Rail: Mà nếu có thất bại một nghề thì cũng đã đỡ được một nửa phần.

ÐL: Ðúng vậy!

Rail: Còn về truyện ngắn thì sao? Anh đã bắt đầu như thế nào?

ÐL: Tôi chủ tâm viết truyện ngắn, không phải vì cảm hứng. Tôi phải suy ra từ cơ bản. Trước khi viết truyện đầu tiên, tôi đã soạn và dịch một tuyển tập truyện ngắn được xuất bản bởi Seven Stories Press năm 1996, tựa đề là Lại Ðêm (Night, Again). Tôi cũng ra một tờ báo ở Philadelphia tên là Thuyền Say (Drunken Boat), và viết những mẩu chuyện cho báo này. Ðó là khởi đầu.

Rail: Làm sao mà anh suy ra truyện ngắn là gì?

ÐL: Lúc đó tôi cực kỳ dốt. Tôi phải chỉnh lại chính tả, học chấm phẩy, học lại từ đầu, học cách dựng câu, cách dựng đàm thoại. Tôi phải tự mò, tuyệt đối không học trong lớp. Tôi chỉ thích tự học. Và tôi quan sát những người tôi phục, xem họ làm như thế nào.

Rail: Anh phục ai?

ÐL: Nhiều người lắm. Céline là một nguồn hứng đầu tiên. Và Kafka. Kafka vẫn hiện lên đều đặn. Và Borges. Những người khác hiện lên rồi đi mất.

Rail: Anh thích Céline ở những điểm nào?

ÐL: Dĩ nhiên là ở cái sinh lực của ông ấy. Và cái óc hài hước đen. Và những nhận xét lầm lì, chắc rắn. Ông ấy đã lao mình vào, đã chạm trán với rất nhiều người. Cái thái độ sẵn sàng va chạm với thiên hạ là một điều mà tôi rất phục.

Rail: Bây giờ nghe anh nói, tôi thấy anh chung với Céline một thái độ hài hước xuất phát từ sinh học, sự khôi hài và kỳ lạ của cơ thể, và một cách biểu lộ cơ thể không ngượng ngạo.

ÐL: Ðúng. Nhưng một khứa như Borges thì hoàn toàn ngược lại. Ông ấy đã không sống qua cơ thể. Không làm tình, không yêu, hay rất ít khi yêu. Ðó cũng là một tấm gương, một khứa sống hoàn toàn qua sách. Nhà văn rất dễ tự giam mình vào phòng, bao vây bởi sách. Chính vì vậy mà nhiều nhà văn phải ra vẻ giang hồ, để bù đắp lại. Nhà văn rất dễ trở thành chú mười. Borges là một chú mười siêu đẳng, một chú mười ngoạn mục, nhưng cũng chẳng sao cả, phải không?

Rail: Anh sinh ở Sài Gòn và sang đây khi 11 tuổi. Anh có viết bằng tiếng Việt không?

ÐL: Gần đây tôi có viết một số bài thơ bằng tiếng Việt. Ðiểm chính là, tôi là một di dân đối với Anh Ngữ, và phải trải qua một quy trình để thu nhập được nó, cho tới mức tôi có đủ tự tin để sáng tác bằng Anh Ngữ, nhưng cho tới nay Anh ngữ của tôi vẫn hơi chập chừng. Không phải là tôi không nói hay không viết được nó, nhưng chẳng có gì đến với tôi một cách tự nhiên. Tôi phải nghĩ thấu tất cả. Tôi là một nhà văn cực kỳ cảnh giác. Ðây cũng là một ưu thế vì tôi phải phân tích ngôn ngữ tỉ mỉ gấp bội người bản xứ. Oái oăm thay, quan hệ của tôi với tiếng Việt cũng phức tạp không kém. Khi tôi về Việt Nam cách đây 5 năm -tôi sống ở đó từ 1999 đến 2001- tôi gần như phải học lại tiếng Việt. Khi viết thơ bằng tiếng Việt, tôi phải cảnh giác như khi viết bằng tiếng Anh. Nhưng tôi đã biến những trắc trở của tôi với ngôn ngữ thành một đề tài. Hai truyện chính trong Máu và Xà Phòng quan tâm đến vấn đề thu nhập một ngôn ngữ mới.

Rail: "Tên tù và cuốn từ điển" và "!"?

ÐL: Vâng! Và vợ tôi nữa... Di dân một lần đã là gay lắm rồi. Tôi phải di dân hai lần vì phải sống lại kinh nghiệm này qua vợ tôi. Vợ tôi đang học tiếng Anh từ ABC trở đi. Ðây không phải chỉ là một vấn đề ngôn ngữ, mà lan ra tất cả. Nó là một thử thách về kiểu cách ứng xử. Khi đến một chỗ lạ, tất cả đều vô nghĩa. Nói đúng hơn, tất cả đều có một nghĩa lý rất mờ ảo. Anh phải xét lại cách ngồi, cách đứng, anh phải học lại tất cả. Tôi rất thích điều này. Thật sự thì tôi ước gì tôi có thể sống trong trạng thái này mãi mãi.

Rail: Truyện cuối của Máu và Xà Phòng là một ngụ ngôn về một di dân truyền kiếp: một "ông nội" luôn luôn di chuyển từ nơi này qua nơi khác và không bao giờ biết cách ngồi hay cách đứng như thế nào. Ðối với tôi đây là một truyện kiểu Borges.

ÐL: Truyện này tóm tắt cả quyển sách.

Rail: Truyện đầu tiên tôi đọc của anh là "!" và tôi thấy nó đi xa hơn đề tài thu nhập ngôn ngữ nhiều. Ðây là một tuyên bố chính trị sâu sắc về bá quyền Mĩ và hiện tượng toàn cầu hóa, và ngôn ngữ chỉ là một trong những món hàng khá ngột ngạt mà nước Mĩ xuất cảng. Ðây có phải là ý định của anh khi viết truyện?

ÐL: Dĩ nhiên. Việt Nam đã trở thành một phản ảnh mù quáng về nước Mĩ, như hầu hết những nơi khác. Không phải theo nghĩa đen, nhưng vì người Việt đang cố gắng tự chỉnh theo tiêu chuẩn Mĩ, họ đang trở thành một hành tinh của nước Mĩ. Ðiều này có nhiều khía cạnh xấu, bởi vì người Mĩ thường xem người ngoại quốc như một thứ người Mĩ không hoàn hảo: quần jeans hắn hơi trệch, áo phông hắn không ổn, kiểu tóc của hắn... Người Mĩ chấm cả thế giới bằng tiêu chuẩn Mĩ nên đâu đâu họ cũng thấy những thất bại. Thật là tào lao! Sự thật không phải là như vậy. À, sự thật chỉ gần là như vậy thôi.

Rail: Trong truyện "!" tôi thấy cái Anh Ngữ giả mà nhân vật chính, Hồ Mười, phát minh, và học trò của y truyền bá kể cả sau khi hắn bị vào tù -kể cả sau khi họ biết đó không phải là Anh Ngữ thiệt-là một cách để họ phủ nhận hiện tại Mĩ.

ÐL: Vâng, nhưng họ cũng đang cố gắng phủ nhận hiện tại Việt Nam. Ở một nơi như Việt Nam, nước Mĩ rất khêu gợi. Còn mô hình Việt Nam thì quá tồi tệ. Họ quá thất vọng với chính xã hội họ nên họ muốn tự đầu thai. Qua ciné Mĩ, qua video, qua MTV, qua nhạc. Truyền thông Mĩ rất thành công lăng xê chính nó. Nước càng nghèo thì dân càng say mê, càng bị lôi cuốn bởi truyền thông Mĩ. Nước Mĩ hiện lên như một giải pháp hoàn hảo. Ai nấy đều sexy và sung sướng và nhảy nhót và vui cười. Họ không có cơ hội đến đây để thấy và hiểu những vấn đề mà người Mĩ phải đối phó. Họ chỉ thấy sự dụ dỗ. Và họ cũng chấm nước Mĩ bởi du khách Mĩ. Không phải ai cũng có thể đi du lịch tới những nơi xa vời này. Một tay lao động đầu tắt mặt tối sẽ không qua Á Châu để hưởng thụ và nhậu xỉn. Vì họ chỉ thấy những người Mĩ vui sướng, họ đinh ninh cả nước Mĩ đều như vậy.

Rail: Nhưng những người Mĩ vui sướng này cũng rất đáng ghét, có phải không? Ít nhất trong vài trường hợp?

ÐL: Ðối với ai?

Rail: Ðối với người Việt Nam. Họ chẳng phải là một sự phiền toái, quấy rầy, ồn ào sao?

ÐL: Dĩ nhiên có một số như vậy. Nhưng ở một nơi như Việt Nam, thiên hạ coi người Tây Phương như những mối tiền. Bạn muốn bán cho họ một cái gì, hay cung cấp một phục vụ nào đó, để xớt bớt số tiền ấy. Những người Việt không quan hệ trực tiếp với người Tây Phương thì xem người Tây Phương như đại diện của một xã hội tốt đẹp hơn. Bởi cách họ ăn mặc, bởi chiều cao, những mẫu người bảnh bao hơn, có phải không?

Rail: Anh sinh năm 1963 và rời Việt Nam khi 11 tuổi, vậy thì anh đã sống qua chiến tranh.

ĐL: Vâng, nhưng tôi sống ở Sài Gòn. Thật sự tôi chẳng thấy gì. Bạn biết là có chiến tranh, vì nó là một bóng tối triền miên trong cuộc đời bạn.

Rail: Tôi cũng cỡ tuổi anh và nhớ hồi còn nhỏ cha mẹ nói về chiến tranh và nghe tường thuật trên radio mỗi đêm, và kinh nghiệm đầu tiên của tôi về tin tức là chuyện đếm xác, những con số lính Mĩ chết, và tôi nghĩ, ừ, đây là việc phải làm mỗi đêm, vặn radio lên để biết bao nhiêu người của mình đã chết trong chiến tranh.

ÐL: Ở Sài Gòn cũng vậy. Chỉ đếm xác. Nhưng phức tạp hơn vì vừa đếm xác lính miền Nam vừa đếm xác bộ đội. Như kê điểm thể thao mỗi buổi sáng vậy. Lúc đó có rất nhiều tuyên truyền vì mọi phe đều khăng khăng mình đang thắng. Việc đếm xác bị bóp méo tùy theo nguồn.

Rail: Như đang xảy ra bây giờ bên Iraq, nói chung chúng tôi không nghe gì về xác lính miền Bắc hay miền Nam Việt Nam, chỉ nghe về người Mĩ.

ÐL: Vâng, bây giờ bạn chỉ nghe về tử trận Mĩ, chẳng nghe gì về tử trận Iraq. Chuyện này hơi lạ vì trước đây, truyền thông Mĩ ưa rao ra con số tử thương Bắc Việt để chứng minh mình đang hủy diệt họ, nhưng bây giờ Mĩ không mấy quan tâm đến vấn đề này vì trên nguyên tắc, khi vào giải phóng một quốc gia, nếu bạn giết nhiều quá thì mâu thuẫn với chính sự tuyên truyền của bạn.

Rail: Vậy anh có ý thức về độc giả khi viết không? Anh viết cho ai?

ÐL: Là một nhà văn thiểu số, tôi rất ngại bị đẩy vào một xóm dân tộc, và chỉ có độc giả cùng màu vì họ dễ thông cảm với những chuyện tôi kể, và khi những mống trắng hay đen mò vô truyện tôi, họ chỉ đến để tham quan những chi tiết ly kỳ.

Rail: "Tân Hôn" có vẻ như là một truyện viết cho người Mĩ, những ai không quen thuộc với phong tục đám cưới hay kiến trúc Việt Nam, vì có vẻ anh đã ráng tả cho những người ngoài: đây là những gì xảy ra trong một đám cưới, và đây là những gì xảy ra sau đó, rồi họ lên nóc nhà, rồi...

ÐL: Cái nguồn của truyện đó là một bài về du lịch tôi đã đọc. Tôi đọc rất nhiều bài về du lịch. Tôi đọc một bài về Sài Gòn trên một báo Úc và đã dùng nó để làm mẫu tả một khu phố Sài Gòn, nhưng tôi chồng lên nó một cốt truyện. Trước khi gọi điện thoại cho anh, tôi đang lướt qua một quyển du lịch Lonely Planet về Mexico. Tôi rất mê văn chương du lịch. Không phải văn chương du lịch viết bởi những nhà văn có thớ, mà bất cứ văn chương du lịch nào.

Rail: Tại sao?

ÐL: Vì tôi được chuyển chỗ ngay lập tức. Tôi đang ở đó, anh hiểu không? Tôi vừa ở Mexico trước khi tôi gọi anh.

Rail: Anh có chắc anh đã không lầm chữ với hiện tượng không? Luôn thể, anh có muốn chơi cái trò chữ-gọi-liên-tưởng không?

ÐL: Sẵn sàng.

Rail: Máu.

ĐL: Ô, chết thật! Tôi không nghĩ được. Máu? Bỏ, bỏ chữ đó.

Rail: Khách sạn.

ÐL: Rệp giường.

Rail: Máy bay.

ÐL: Buồn ngủ.

Rail: Nhà thờ.

ÐL: Tháp.

Rail: Tay.

ÐL: Tay?

Rail: Vâng, "tay". T-A-Y.

ÐL: Nắm.

Rail: Giường.

ÐL: Trũng.

Rail: Chiến tranh.

ÐL: Dân số.

Rail: Nông trại.

ÐL: Cứt ngựa.

Rail: Thành phố.

ÐL: Lề đường.

Rail: Bánh mì. Tôi đã nói bánh mì chưa?

ÐL: Ðỏ? [1]

Rail: Bánh mì.

ÐL: Bánh mì. Ðể ăn?

Rail: Ðể ăn.

ÐL: Khô.

Rail: Ừ, thêm đỏ nữa, vì anh đã nhắc tới nó.

ÐL: Trung Hoa.

Rail: Tù.

ÐL: Tình bạn.

Rail: Nhà.

ĐL: Vắng mặt.


Matthew Sharpe là tác giả của hai tiểu thuyết, Người cha đang ngủ (Soft Skull Press, 2003) và Chẳng có gì khủng khiếp, và tập truyện ngắn Những truyện từ cái ống.


* Đầu đề của talawas


© 2004 talawas




[1]"bread" và "red" nghe mang máng nhau qua điện thoại

Nguồn: đăng trên báo The Brooklyn Rail, 4 tháng 5, 2004, http://www.brooklynrail.org/books/may04/linhdinh.html