trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.6.2004
Lê An
Ao ước được là một người bình thường
Bùi Ngọc Tấn đọc văn ở Viện Goethe Hà Nội
 
Chiều thứ Sáu, 28/05/2004, tại khán phòng Viện Goethe, 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã diễn ra buổi đọc văn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đến từ Hải Phòng.

Tuy trời mưa nhưng khán giả đến dự khá đông. Vì khán phòng nhỏ, không đủ chỗ ngồi nên nhiều người đã đứng nghe buổi nói chuyện của nhà văn. Ước chừng có khoảng 150-200 người đã đến dự, trong đó có một số nhà văn, dịch giả, nhà phê bình.

Đúng 18h 5', ông Augustin, viện trưởng Viện Goethe nói lời chào mừng đến khán giả. Ông Augustin nói rằng, đây là buổi giao lưu đầu tiên với các nhà văn Việt Nam do Viện Goethe tổ chức. Ông hy vọng rồi đây những buổi giao lưu như vậy sẽ diễn ra thường xuyên. Ông Augustin giới thiệu nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người đã sống nhiều năm trong im lặng, rơi vào những hoàn cảnh tưởng chừng như không thể viết được nữa, nhưng rồi vẫn gắng vượt qua để cống hiến cho độc giả những tác phẩm văn học. Ông Augustin giới thiệu nhà thơ, dịch giả Dương Tường - người dẫn chương trình cho buổi tối.

Ông Dương Tường có bài phát biểu ngắn giới thiệu tiểu sử nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ông Dương Tường nói, ông không quen nói trước đám đông, và đây là lần đầu tiên ông làm MC, bởi thế ông đã chuẩn bị bài nói ngắn trên một mảnh giấy. Ông xin phép đọc.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn có bài phát biểu ngắn. Ông Tấn cũng nói rằng ông rất "sợ đám đông". Đây là lần thứ 2 ông nói chuyện trước công chúng, bởi vậy ông cũng xin phép đọc một bài chuẩn bị sẵn trên giấy. Đại ý, ông Tấn nói rằng ông hầu như không có hứng thú nói chuyện trước đám đông, nhưng trước lời mời của Viện Goethe - viện mang tên một nhà thơ vĩ đại - ông đã nhận lời.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đọc truyện ngắn "Người chăn kiến". Ông đọc chậm, giọng hơi khàn, nhưng rõ ràng.

Kết thúc truyện, cử tọa vỗ tay nồng nhiệt.

Sang phần khán giả đặt câu hỏi. Nhà thơ Dương Tường lưu ý: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn có nhiều điều "không tiện nói", vì thế khán giả nên "tùy nghi" đặt câu hỏi.

Dưới đây là trao đổi giữa nhà văn Bùi Ngọc Tấn và khán giả.

Một ông trung niên: Chủ đề tư tưởng của truyện ngắn Người chăn kiến là gì? Ông lên án ai, có phải là lên án tay B trưởng không?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (BNT): Các nhân vật của tôi là sản phẩm của một hoàn cảnh. Tôi hoàn toàn không lên án ai. Tôi chỉ muốn nói một điều: chúng ta nên thận trọng khi đối xử với con người, nên thận trọng khi đưa họ vào tù, bởi vì những ai đã phải vào tù thì khi ra khỏi đó họ vẫn khó thoát khỏi nó. Văn chương không có chức năng lên án, có chăng chỉ nói lên thân phận con người.

Một thanh niên: Truyện của bác rất hay, nhưng hơi ngắn. Tại sao bác không chọn một truyện khác cũng hay mà dài hơn để đọc trước công chúng?

BNT: Tôi thường hay bị "tra tấn" bằng cách phải nghe người khác đọc truyện. Vì thế, tôi chọn truyện (ngắn) này chỉ vì tôi muốn các bạn bị "tra tấn" ít nhất.

(Hội trường vỗ tay)

Một thanh niên: Ông nói ông rất sợ đám đông... Hình như nhà văn là những người không có con đường nào khác để hòa nhập được với cuộc đời nên mới tìm đến thơ văn?

BNT: Tôi chỉ nói kinh nghiệm của tôi: Phải hòa nhập cuộc sống thì anh mới có thể viết được. Nếu anh biết vui cái vui, buồn cái buồn của cuộc đời thì anh mới có thể cầm bút...

Dương Tường (xin phép nói xen vào): Chính tôi cũng sợ đám đông. Nhưng vì tôi quý mến Viện Goethe, quý mến các bạn nên mới nhận lời làm MC hôm nay. Nhưng cái đó lại là chuyện khác, nếu tôi có dịp ngồi riêng với anh, được giao tiếp riêng với anh nó sẽ khác.

Một ông trung niên: Giới thiệu một cách trần truồng sự việc, có phải ông để cho nhân vật lên án thay tác giả?

BNT: Như tôi đã nói, điều tôi muốn gửi gắm, đó là khi xử lý con người, hãy nên thận trọng. Riêng với bản thân tôi, đã vào tù, khi bước chân ra, mới thấy khó mà thoát khỏi nó. Phải làm sao để chúng ta sống với nhau thật lòng, yêu thương nhau, tránh được những đau khổ.

Một thanh niên: Cháu rất ngưỡng mộ bác. Chuyện kể năm 2000 là một kiệt tác. Chính sự suy diễn quy chụp đã khiến cho nó có màu sắc khác. Cũng như nhiều người đến với nghệ thuật nhưng không nhìn thấy phương diện nghệ thuật của tác phẩm. Nhà văn chính là người quan sát và phát hiện ra sự mâu thuẫn của con người. Có lúc, cháu nghĩ mình không thể tiếp tục được con đường văn chương. Nhiều lúc, cảm thấy mình mất tự do ghê gớm, lúc nào cũng biết là mình bị theo dõi. Đó là sự nguy hiểm không được lên tiếng. Còn bác, bác làm thế nào để vượt qua, để tiếp tục sáng tác?

BNT: Có lúc tôi đã xác định làm việc khác, đã ngừng viết trên hai mươi năm, thậm chí cảm thấy không viết được nữa. Có lần tôi đi thăm con gái. Ở một mình trong phòng, vì không biết làm gì suốt hơn mười tiếng đồng hồ, sau khi đã cầm chổi giết hết hơn 100 con nhện... tôi với đại một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam, được coi là nổi tiếng trong nước. Đọc được mấy trang, ngồi một mình nhưng tôi đỏ mặt vì ngượng. Đọc cuốn sách đó, tôi thấy sao người ta có thể viết ra nhiều điều dối trá, tránh né đến thế, lại còn giả vờ táo bạo, đổi mới nữa? Rồi tôi chợt hiểu rằng chỉ có viết thật, thật với lòng mình. Người ta không thể lảng tránh sự thật, và tôi chấp nhận. Khi cầm bút trở lại, tôi chấp nhận mọi khó khăn. Người ta liệt sách của tôi vào loại "có vấn đề". Thế đấy, nhưng không có vấn đề thì viết làm gì? (Hội trường vỗ tay).

Tôi viết không phải để khoe mình, mỗi lần viết, tôi thấy mình tốt hơn lên, tôi dọn sạch mình để đối thoại với vô cùng, chứ tôi không viết vì cái nọ cái kia. Vâng, tôi viết rất khó khăn và "nguy hiểm nữa" vì trước mặt tôi luôn có một nhà phê bình, một nhà biên tập, và một nhà... công an nữa.

Trong một lần đi dự trại sáng tác ở Đại Lải - ở đây có rất nhiều trai thanh gái lịch đi nghỉ -, khi chúng tôi đang ngồi chơi thì có một cháu gái tới hỏi thăm, có ai là nhà văn Bùi Ngọc Tấn không? Tôi phát hoảng. Nhưng cô gái chỉ hỏi: "Sao chú trông hiền vậy mà chú viết dữ thế?"

Thực ra thì tôi không viết dữ, tôi chỉ viết về sự việc như nó thế. Tôi viết đúng những gì mình nghĩ, không pha chế, không thêm xirô vào...

Một cô gái: Cháu rất xúc động được gặp bác hôm nay. Cháu được đọc Chuyện kể năm 2000 bằng một bản photo do một anh bạn chuyển lại. Khi đọc, thực sự là cháu đã không cầm đuợc nước mắt (Cô gái xúc động, khóc). Cháu đã hỏi anh ấy: Anh có biết bác ấy ở đâu không? Anh ấy bảo: rất khó được gặp bác. Cháu hình dung bác là một người khó tính, râu tóc lởm chởm. Anh bạn cháu nói: Hình như ông ấy già lắm rồi, hình như không còn sống nữa. (Khóc...). Tác phẩm của bác là một sự day dứt lớn về những con người vô tội. Đôi khi ở xã hội mình, hay thậm chí ở cả trên thế giới, những bất công vẫn luôn xảy ra. Phải là người có cái nhìn lớn như bác mới có thể viết ra được những điều đó. Chúng cháu rất cần những người như bác.

BNT: Tôi rất cảm động và hạnh phúc. Xin cảm ơn cô cháu gái.

Một thanh niên: Bác nghĩ gì về thế hệ trẻ, những người viết rất mạnh mẽ về tình dục?

BNT: Tôi chỉ có thể nói rằng: thế hệ nào cũng có những người tài, thời đại nào, nhà văn ấy. Tôi luôn tin vào các bạn trẻ. Song tôi cũng khuyên các bạn rằng: Giá đừng đi viết văn thì hơn. Hãy rút ra khi còn kịp, cái nghề này nó "kinh" lắm! (Cười!) (Khán giả cười!)

Một thanh niên: Lần đầu đọc Chuyện kể năm 2000 trên mạng, cháu cứ hình dung ra nhân vật chính của truyện, và cháu cảm thấy rất tiếc cho con người ấy. Sự tiếc nuối ấy làm cháu không yên. Bây giờ xin hỏi bác, bác tiếc nhất điều gì khi nhìn lại tất cả?

BNT: Tôi tiếc nuối những năm tháng tuổi trẻ. Giá năm nay tôi mới bốn mươi tuổi thì tốt biết mấy, nhưng anh thấy đấy, năm nay tôi đã bảy mươi mốt tuổi rồi. Hai vợ chồng vất vả, nhiều khi hay nói với nhau: xem đứa nào chết trước... Tôi tiếc lắm. Tôi tiếc tuổi trẻ. Thậm chí những năm trong vòng lao lý, tôi cũng nhớ tuổi trẻ một cách tuyệt vọng. Tuổi trẻ chúng tôi thật hạnh phúc, người với người là bạn, là anh em. Khi tôi hai mươi tuổi, tôi là phóng viên báo Tiền Phong. Chúng tôi tiến về Thủ đô trong đoàn quân giải phóng, nhìn những cô gái mặc áo dài, người chiến thắng lòng trào dâng hạnh phúc. Tôi nhớ mãi hôm tiến vào Hà Nội, tôi gặp một cô gái ở Cửa Bắc, cô mời tôi vào nhà, tôi, một anh bộ đội chiến thắng trở về, cô gái tự hào giới thiệu tôi với mọi người, và khuôn mặt những người đó cũng sáng bừng lên. Xã hội ta những năm đó quả là tuyệt vời.

Một thanh niên: Cháu là một họa sĩ, một người họat động trong lĩnh vực nghệ thuật. Cháu muốn hỏi bác rằng trong việc sáng tác, sự trung thực có phải là điều không thể thiếu?

BNT: Tôi đồng ý với anh rằng trung thực là điều không thể thiếu. Song anh biết đấy, chúng tôi, những người viết văn xuôi rất "ghen tỵ" với các thi sĩ, nhất là với những họa sĩ, bởi vì họ muốn vẽ cái gì cũng được, trong khi viết văn, nhất là viết tiểu thuyết thì lại không được tự do như vậy. Viết tiểu thuyết nguy hiểm lắm.

Một cô gái: Năm nay bác đã 71 tuổi. Cuộc sống của bác đã chịu bao áp lực, bao đau khổ. Cháu muốn hỏi bác, thời điểm nào bác vượt qua được sự hằn học, cay nghiệt, cáu giận... với xã hội. Hay phải ở một tầm văn hóa khác người ta mới làm được điều đó?

BNT: Khi gặp những sự éo le, tôi cũng uất ức lắm chứ, tôi cảm thấy bị tước đoạt, nhiều lúc tôi điên lên, với tất cả những oái oăm của số phận. Những cái đó là sản phẩm của một thời, cái thời mà mình là nạn nhân, nhưng lại chính là mình cũng góp mặt vào đấy. Có người bạn bảo tôi: khi viết, anh bình tĩnh đôn hậu, tôi cho đó là do bản tính người. Bản tính của tôi là không giận ai được lâu, nhìn ai tôi cũng đặt mình vào vị trí của người ta. Khi viết, như đã nói, tôi dọn mình để đối thoại, tôi không nhằm đưa anh này lên, hạ anh kia xuống...

Một bà đứng tuổi: Tôi thấy có chút gì của chúa Giê-su trong bác. Bác từ địa ngục trở về, nhưng bác vẫn cư xử rất nhâm bản, chịu đựng những sai lầm của nhà nước. Mẹ tôi cũng từng bị đi tù, song mẹ tôi không bao giờ quên được, sau đó bà bị thần kinh, và bà đã ra đi.

BNT: Vâng.

Một ông trung niên: Tôi là bạn của anh Bùi Ngọc Tấn, tôi đọc Chuyện kể năm 2000 khi nó chưa được phát hành và tôi cho đó là một tuyệt tác. Tôi muốn hỏi anh là từ bấy đến nay, anh có còn hoảng nữa không?

BNT: Cái ao ước lớn nhất của tôi là: ao ước được là một nguời bình thường. Các bạn đang là người bình thường, các bạn không hiểu được cái sướng ấy đâu. Có lúc tôi tưởng tôi đã là một người bình thường, nhưng ngẫm kỹ thì không phải. Với câu hỏi của anh, tôi chỉ trả lời chung chung vậy thôi.

Dương Tường: Vì thời gian có hạn, xin kết thúc buổi nói chuyện ở đây.


7h15', kết thúc buổi nói chuyện.

Nhiều khán giả nán lại chụp ảnh kỷ niệm với nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

© 2004 talawas