trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
3.6.2004
Phan Nhiên Hạo
Ba (Khẩu) Phần
trả lời Như Huy, Lý Ðợi và thêm Bùi Chát
 
Tôi đã viết Mới-Cũ trong thơ và Hậu Hiện Ðại, một bài viết khá dài và tốn nhiều công sức, với hy vọng sẽ gây được tranh luận có ích về vấn đề đổi mới thơ. Rất tiếc, bài viết của tôi được trả lời bằng hai bài rất thiếu thiện chí của Như Huy và Lý Ðợi. Bài của Như Huy có lối suy diễn méo mó và đầy tấn công cá nhân. Bài của Lý Ðợi thì chỉ cố tình hiểu sai ý tôi. Vì cuộc tranh luận có vẻ đã đi ra ngoài những vấn đề có tính lý thuyết đặt ra trong bài Mới-Cũ trong thơ..., bài sau đây sẽ chỉ trả lời trực tiếp một số ý kiến của Như Huy và Lý Ðợi. Trong phần cuối, tôi cũng sẽ giành một phần đề cập đến vụ "giễu nhại" của Bùi Chát đối với một bài thơ của tôi.


I. Phần Như Huy:

1.

Trong bài viết, Như Huy đã cố tình bóp méo ý kiến người đối thoại.

Như Huy có lối suy diễn các ý của tôi một cách rất méo mó, bất chấp những minh định mà tôi đẵ đưa ra nhằm ngăn chặn "hiểu lầm" như vậy ngay từ đầu. Trong Mới-Cũ trong thơ và Hậu Hiện Ðại, tôi nói rõ tôi đề cập đến Hậu Hiện Ðại chỉ vì tôi thấy lý thuyết này đang có ảnh hưởng đến một số nhà thơ Việt Nam hiện nay, và nếu muốn đối thoại, tôi buộc "phải nói cùng ngôn ngữ với họ". Tôi cũng đã nói lại ở phần cuối bài, tôi không phải là người hô hào Hậu Hiện Ðại, mà chỉ đơn giản là người chịu những tác động của điều kiện Hậu Hiện Ðại, do sống trong một xã hội Hậu Hiện Ðại. Tôi chưa bao giờ tự nhận là "nhà thơ hậu hiện đại tiên khởi". Còn về tính siêu thực, tôi chỉ muốn chứng minh rằng nó đã không bị triệt tiêu trong thơ Hậu Hiện Ðại, vì cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, thơ Hậu Hiện Ðại vẫn kế thừa rất nhiều đặc tính của thơ Hiện Ðại. Tôi chưa bao giờ cho rằng "thi ca hậu hiện đại cũng là thi ca siêu thực". Thế nhưng, Như Huy đã tùy tiện gán ghép cả hai điều trên cho tôi. Ông viết: "với rất nhiều trích dẫn của các đoạn thơ mà ông [Phan Nhiên Hạo] tự dịch-ông muốn chứng minh ngược lại rằng-thi ca hậu hiện đại cũng là thi ca siêu thực, và (nếu tôi không lầm ý ông) thông qua đó, ông muốn nói rằng chính ông, với tập thơ TÐCG là nhà thơ hậu hiện đại tiên khởi".

Tương tự như trên, Như Huy viết: "những phê phán của ông-nhằm vào các nhà thơ trẻ Sài Gòn (cũng như một số nhà thơ khác) là nghèo nàn, tục tĩu, huề tiền,...và so sánh họ với những kẻ du thủ du thực ngoài đường phố (Thơ trẻ không nhất thiết phải là làn gió thối) v.v., có vẻ như lại đã mang cái giọng điệu của một "thi phiệt" hiện đại-có biên chế trong Hội nhà văn Việt Nam..."

Ðiều này không đúng. Trong bài Thơ trẻ không nhất thiết phải là 'làn gió thối', tôi chỉ nói việc lạm dụng sự tục tĩu là một biểu hiện của nghèo nàn NGÔN NGỮ. Và tôi chứng minh sự nghèo nàn ngôn ngữ này bằng quan sát của tôi đối với ngôn ngữ những người "du thủ du thực ít học trong đời sống". Ông Ðỗ Kh. có viết bài cho rằng quan sát của tôi không "khoa học". Tôi đã trả lời Ðỗ Kh. điểm này. Dù sao, trong ý kiến của tôi, không có đoạn nào so sánh bản thân các nhà thơ trẻ Sài Gòn với những kẻ du thủ du thực, hay bàn về tư cách của họ. Như Huy cố tình lái một dẫn chứng về vấn đề ngôn ngữ thành một miệt thị đạo đức để tạo ấn tượng tôi là người tấn công cá nhân.

Bài viết của Như Huy đầy những suy diễn méo mó như vậy. Lối tranh luận "nói không thành có" này rất không ngay thẳng và khiến những cuộc tranh luận mau chóng rơi vào tình trạng "thanh minh thanh nga" mất thời gian.


2.

Trong bài viết, Như Huy vừa tranh luận vừa từ chối tranh luận. Một tư thế tranh luận không ngay thẳng:

Trong bài viết, nhiều lần Như Huy bắt đầu bằng những mệnh đề thế này:

  • "...tôi sẽ không tranh luận với ông về cái chủ nghĩa hậu hiện đại chung chung..."
  • "...tôi cũng sẽ không tranh luận với ông về cái gọi là môi trường hậu hiện đại tại Việt Nam..."
  • "Tôi cũng lại sẽ không tranh cãi với ông về cách hiểu của ông trong việc ứng dụng không khí siêu thực..."
  • "Sau cùng, tôi cũng sẽ lại càng không tranh cãi với ông PNH về cái mà ông gọi là trách nhiệm chính trị hay xã hội..."

Thế nhưng, sau mỗi đoạn "em chã" như vậy, ông lại dẫn ông Tây bà Ðầm ra vào nườm nượp. Nếu tôi đáp lại, chắc ông sẽ kêu lên: "tôi đã nói tôi không tranh luận mà". Mặt khác, Như Huy có quyền từ chối tranh luận lý thuyết, nhưng không thể xem một bài viết có tính lý thuyết là "công xòe đuôi". Trước đây, trong tranh luận về Hậu Hiện Ðại với Trần Hải Minh, Như Huy đã dẫn rất nhiều sách vở, lý thuyết. Nhưng nay "đụng" bài có tính lý thuyết của tôi, ông mỉa mai tôi là "khoe khoang lý thuyết." Ðây là thái độ bất nhất trong tranh luận, khi thì đóng vai nhà lý luận hùng hồn, lúc thì xoay qua phát biểu với tư cách độc giả. Thiết nghĩ, trên diễn đàn, bất luận là nhà phê bình hay độc giả, nếu đã tranh luận, đều phải chịu trách nhiệm về các luận cứ của mình một cách bình đẳng. Việc rào đón "không muốn tranh luận", "tranh luận với tư cách độc giả", hoặc "lĩnh vực này không thuộc chuyên môn của tôi", chỉ là những cách giảm thiểu trách nhiệm không ngay thẳng. Nếu Như Huy thật tâm chỉ muốn phát biểu với tư cách bạn đọc, ông có thể yêu cầu talawas đăng bài vào mục "Thư độc giả".


3.

Tấn công cá nhân:

Thay vì tranh luận những vấn đề có tính lý thuyết mà tôi đưa ra, bài viết của Như Huy phần lớn chỉ dùng để tấn công cá nhân tôi với giọng hằn học một cách đáng ngạc nhiên. Tôi chỉ xin trích lại một đoạn tiêu biểu:

  • "...tôi chỉ hỏi ông [Phan Nhiên Hạo] là, liệu ông có dám đem vợ con về lại Việt Nam sống không? Và nếu như khi sống tại Việt Nam, liệu ông có dám làm những bài thơ và sống một đời sống như của Nguyễn Quốc Chánh, hoặc Bùi Chát, Lý Ðợi, Phan Bá Thọ... hay không? Nói thì bao giờ cũng dễ lắm (chúng ta cùng là người Việt mà, cùng quá hiểu điều này). Tôi sợ rằng, khi về Việt Nam sống rồi, sau vài năm, có khi ông lại còn lên đến chức tổng biên tập hay thư ký của một tờ báo lớn ấy chứ. Ðiều này, xét cho cùng, cũng không có gì khó hiểu lắm nếu liên hệ tới việc là, ngay khi ông còn ở tại Mỹ và tuyên bố về chính trị mạnh miệng như thế, mà thơ ông vẫn chễm chệ ngồi chiếu trên trong báo Người Hà Nội số xuân đặc biệt (hẳn ai ở Việt Nam đều biết rằng, để có mặt trên số đó thì là thiên nan vạn nan đến thế nào, và các nhà thơ trẻ Sài Gòn hay Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng thì đừng hòng mà mơ)."

Cách cãi vã này có... vui không, tôi để đọc giả tự xét. Tôi chỉ trả lời Như Huy hai ý sau:

Một. Tôi đang sống ở Mỹ, nhưng không phải không hiểu các khó khăn chính trị của người ở Việt Nam. Tôi đã nói ý này trong bài Nhà văn thế hệ sau chiến tranh... Ông nên đọc lại. Ðúng là vì sống ở Mỹ nên tôi có thể "mạnh miệng" nói một số điều mà người trong nước không thể. Ðây chính là đóng góp của tôi và một số người viết hải ngoại. Như Huy nên mừng vì văn chương chúng ta còn những người có điều kiện lên tiếng, còn những website "mạnh miệng" ở hải ngoại để ông đăng bài. Nếu sống trong nước, chắc tôi đã không thể viết Nhà văn thế hệ sau chiến tranh..., và đó chẳng phải là điều đáng buồn sao?

Những cái tên ông nêu trên kia, tôi ít nhiều có biết, một vài người có thể coi là bạn, nhưng tôi không tìm cách lôi kéo họ về phía tôi trong tranh luận một cách rẻ tiền. Tôi cũng chưa bao giờ phủ nhận sự can đảm hay hoàn cảnh khó khăn của họ ở Việt Nam. Tôi nghĩ những kẻ bị "động chạm" nhiều nhất vì bài viết Nhà văn thế hệ sau chiến tranh... của tôi chỉ có thể là những kẻ đang "hưởng lộc", chứ không phải những người ngoài lề như Nguyễn Quốc Chánh hay Trần Tiến Dũng. Còn chuyện ông hỏi tôi "nếu" sống ở Việt Nam tôi có "dám" sống như Chánh hay Dũng không, thì, trời ơi... xin cho tôi được cười năm phút. Phải ở trong hoàn cảnh đó mới biết chớ. Trả lời dám hay không dám với một chữ "nếu" có nghĩa lý gì. Dù sao, quen biết Nguyễn Quốc Chánh và Trần Tiến Dũng khá lâu, tôi tin rằng nếu có cơ hội, họ cũng đã ra đi từ khuya, ít nhất để con cái họ được học hành tốt hơn, chứ đâu ham gì chuyện ở lại Việt Nam để "dám" làm này làm nọ.

Hai. Chuyện đăng thơ của tôi trên báo ở Việt Nam. Chuyện này đáng lẽ không cần phân bua, nhưng hình như nó cũng gây ngộ nhận với một số người mà tôi quý mến. Và chỉ vì những người này, tôi xin trình bày như sau. Một người bạn làm thơ của tôi ở Việt Nam đề nghị để anh thử gởi một số bài thơ của tôi đến báo Người Hà Nội. Tôi đồng ý. Tôi không hề biết mọi chuyện đã diễn ra "thiên nan vạn nan" thế nào, vì cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa có một liên hệ thư từ trực tiếp nào với bất cứ ai trong tòa soạn báo Người Hà Nội (có thể tôi sẽ liên lạc với họ trong tương lai, để cảm ơn). Khi báo đăng, tôi thông báo đến nhiều người viết hải ngoại như một tin vui. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu tốt cho sự thông lưu văn chương trong ngoài. Bấy lâu nay, chỉ người trong nước đăng bài trên báo hải ngoại, nhưng nhà văn hải ngoại hiếm khi xuất hiện được trong nước. Trong lúc mọi việc đang có vẻ thuận lợi, ngày 24/2/04, tôi viết bài Nhà văn thế hệ sau chiến tranh... trên talawas, một bài mà nội dung chính trị của nó, như đã thấy, chỉ có thể gây khó khăn cho việc đăng thơ của tôi trong nước. Nếu là người tính toán và có ý định "tiến thân" vào Hội Nhà Văn (!), tôi đã không viết một bài tự làm hại "đường công danh" của mình như vậy. Thiết nghĩ, chuyện này chỉ cần chút động não, người ta có thể tự rút ra kết luận.

Dù sao, ngộ nhận này cũng cho thấy một điều, rằng ở Việt Nam, không có việc nào lại không được nhìn dưới khía cạnh chính trị. Sự ngộ nhận này càng khiến tôi mong ước một môi trường văn chương tự do ở Việt Nam. Vì chỉ trong một môi trường tự do xuất bản, tự do báo chí, các giá trị văn chương mới được "thử lửa". Tình trạng kiểm soát hiện nay tạo ra vô số giá trị giả. Giả từ phía những người được đăng đàn, mà giả cả từ phía những người không được đăng đàn. Vì việc đăng thơ trên báo không dễ dàng, người được đăng có cảm giác mình là "tài năng được công nhận", còn người không được đăng càng chắc mẩm mình là "thiên tài bị vùi dập". Ðáng chán hơn, tình trạnh nhập nhằng này dẫn đến những hiểu lầm, nghi kị giữa các nhà văn. Một sự nghi kị mà theo tôi, biến các nhà văn thành chính nạn nhân của tha hóa chính trị. Họ không còn khả năng nhìn bất cứ vấn đề nào với con mắt khách quan. Họ không còn tin vào sự vô tư của bất cứ sự việc nào.

Chúng ta lên tiếng về chính trị nhằm sau cùng đạt đến môi trường sáng tạo tự do và một nền văn chương chính danh, chứ không phải để tự vuốt ve nhau trong sinh hoạt văn chương ngoài lề (underground) có tính chất đóng kín. Không có nền văn chương lớn nào chỉ được tạo nên bởi các ấn bản photocopy. Mặc dù ấn bản photocopy trong điều kiện hiện nay cung cấp lối thoát tạm thời cho một số người viết, chúng ta không nên thỏa mãn về nó. Về lâu dài, một nền văn chương phát triển cần có sự tham dự của báo chí, nhà xuất bản, giới trí thức đại học và công chúng, chứ không thể chỉ là nền văn chương truyền đơn giữa một nhúm người viết với nhau. Tôi nghĩ làm mới văn chương không nên là độc quyền của những người ngoài lề. Trong các cơ quan báo chí, xuất bản ở Việt Nam, tôi tin vẫn có một số người có ý hướng đổi mới văn chương. Bằng chứng như ta thấy, thỉnh thoảng những tác phẩm "có vấn đề" vẫn lọt ra từ các nhà xuất bản, báo chí, để rồi bị thu hồi, kỷ luật. Sự chuyển động của những người trong bộ máy, khi xảy ra, đôi khi tác dụng gấp nhiều lần những người ngoài lề. Trường hợp Nguyên Ngọc ở báo Văn Nghệ trước đây là một điển hình. Người ta không nên độc quyền đổi mới văn chương, cũng như không nên "độc quyền yêu nước" vậy.

Mấy lời trao đổi. Nếu Như Huy muốn tranh luận, tôi chờ đợi những bài viết ngay thẳng và có tính học thuật của ông. Nếu tiếp tục kiểu tấn công cá nhân như bài vừa rồi, ông có thể yên tâm độc diễn.

Nói thêm: Như Huy nói khái niệm tự sự mà ông đề cập đến là "narrative", không phải "confessional mode" như tôi nghĩ. Trong trường hợp đó, tôi vẫn có thể chứng minh rất dễ dàng rằng tính kể chuyện (narrative) là một đặc điểm rất rõ, thậm chí còn rõ hơn tính "confession", trong thơ Hậu Hiện Ðại. Tiêu biểu như thơ Tân Hình Thức và thơ Ngôn Ngữ. Ông thử đọc bài thơ dài "Beginning to End" của Carla Harryman trong tập Language Poetries, An Anthology [1] sẽ rõ.


II. Phần Lý Ðợi:

Có lời hoan nghênh Lý Ðợi đã "muốn bỏ tính nhiều chuyện, bỏ cái thói soi mói vào những việc không phải của mình" để tranh luận thẳng vào vấn đề. Tôi cũng sẽ trả lời thẳng vào một số điểm mà Lý Ðợi đưa ra như sau:


1.

Lý Ðợi "thắc mắc" về tính chính trị và sự ứng dụng lý thuyết trong văn chương như sau: "có buồn cười không khi nghe tác giả này lý luận, không biết thì sẽ "trung tính", lạc đường; còn biết thì sẽ rơi vào minh họa. Trên thế gian này, ngoài cái biết hoặc không biết việc mình làm, còn một kiểu nhà thơ thứ 3 chăng?"

Xin trả lời, cái khó-và cũng là cái hay- của văn chương chính là tìm được một giải pháp thứ ba, một thế đứng cân bằng giữa sự thờ ơ và sự minh họa. Người ta nên, và cần (đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam), quan tâm đến chính trị, nhưng tính chính trị phải được THỂ HIỆN MỘT CÁCH NGHỆ THUẬT trong văn chương. Nếu chỉ thể hiện tính chính trị bằng cách hô khẩu hiệu, chúng ta sẽ lập lại chính xác kiểu văn chương tuyên truyền-minh họa trước đây ở miền Bắc. Loại văn chương mà tất cả chúng ta đều hết sức chán ngán và xa lánh.

Lý Ðợi có thể hỏi, thế THỂ HIỆN MỘT CÁCH NGHỆ THUẬT là phải làm răng? Trả lời câu hỏi này, tôi chỉ có thể nói (khổ lắm, nói mãi), chúng ta nên học-một cách sáng tạo-từ các nhà văn lớn. Gần đây nhất, như JM Coetzee chẳng hạn. Ðọc Disgrace của ông, một tác phẩm rất chính trị về vấn đề chủng tộc, chúng ta vẫn thấy một câu chuyện sâu sắc, tinh tế, chứ không phải chỉ những phát biểu chính trị thô thiển. Một số nhà thơ Ðông Âu mà Diễm Châu dịch trên Tiền Vệ cũng vậy, rất chính trị, nhưng đọc họ ta vẫn thấy nỗ lực của lao động nghệ thuật, của cái đẹp. Cái khó, mà cũng là cái hay của văn chương nằm ở đó, ở những nỗ lực tìm kiếm phương cách thể hiện ý tưởng MỘT CÁCH NGHỆ THUẬT.

Tôi thấy quan điểm này đâu có gì khó hiểu hay mâu thuẫn, trừ trường hợp Lý Ðợi cứ cố hiểu nó một cách cực đoan.


2.

Lý Ðợi cho rằng khái niệm Giễu Nhại chính trị mà tôi đưa ra "thật là có ý ngớ ngẩn", vì theo Lý Ðợi: "có thể chế xã hội là đã có chính trị; vì thế, một tác phẩm sinh ra trong bất cứ xã hội nào, cũng đều mang tính chính trị hết cả, ngay cả một tác phẩm thờ ơ triệt để với tất cả các vấn đề xã hội mà nó sinh ra." Lập luận này về nguyên tắc không sai, nhưng hoàn toàn vô ích trong cái ngữ cảnh (context) mà chúng ta đang thảo luận ở đây. Tôi đồng ý với Lý Ðợi, xét cho cùng, sự im lặng đôi khi cũng là một thái độ chính trị. Nhưng Lý Ðợi thừa hiểu, chúng ta đang không nói về một thứ chính trị "công án thiền" như vậy. Nếu nói như Lý Ðợi thì không có gì phải bàn nữa.

Lý Ðợi lại thêm, "cái parody rõ rệt nhất ở Việt Nam là phải sống trong nó, cứ ngày ngày đối mặt với những khó khăn-áp lực-bất an mà nó mang lại". Cái này thì tôi không phủ nhận. Tôi biết hiện thực Việt Nam rất chính trị, rất "giễu nhại", một hiện thực rất sống động cho người viết. Nhưng cái parody này của hiện thực, bạn nên tìm cách THỂ HIỆN MỘT CÁCH NGHỆ THUẬT trong văn chương, hơn là chỉ kể ra đây.


3.

Về vấn đề lý thuyết, Lý Ðợi viết: "phải xem các lý thuyết, các khái niệm như thứ phương tiện rẻ tiền, một thứ giấy vệ sinh ở các nhà vệ sinh câu cá tra ở nông thôn miền Tây. Khi cần thì lấy xài, xong là bỏ, chẳng lẽ cứ phải quấn quanh mình đi đây đi đó để khi nhỡ...thì lấy ra dùng ư? Giấy vệ sinh mỗi nơi mỗi khác, cần thì mua thôi."

Tôi đồng ý với Lý Ðợi người ta không nên lệ thuộc vào lý thuyết. Tuy vậy, khi cần, người ta cũng phải dùng lý thuyết. Bài viết Mới-Cũ trong thơ và Hậu Hiện Ðại... của tôi phải đề cập đến lý thuyết, vì như tôi đã nói ở đầu bài, tôi thấy lý thuyết Hậu Hiện Ðại đang có ảnh hưởng trong thơ ở Việt Nam. Mà đối với một vấn đề có tính lý thuyết, trước tiên người ta cần xem xét nó từ góc độ lý thuyết. Tôi cũng đồng ý với Lý Ðợi, "giấy vệ sinh mỗi nơi mỗi khác". Chính vì nhận ra điều này, tôi đã cố gắng "tiếp thị" -chữ của Lý Ðợi-đến các bạn một ít "giấy vệ sinh" mà tôi nghĩ có lẽ nó cũng khá hơn mấy miếng lá chuối bạn đang dùng. Còn chuyện bạn hỏi có nên mang giấy vệ sinh "đi đây đi đó" không, ở Việt Nam, tôi nghĩ là nên. Vì ở Việt nam, phần lớn nhà vệ sinh công cộng, nhất là cầu cá tra đều không có giấy sẵn, bạn nên đem theo giấy, "quấn quanh mình" càng tốt, "để khi nhỡ...thì lấy ra dùng." Bên này chỗ nào cũng có "giấy vệ sinh", và cả xà phòng nữa, nên không phải lo ba cái vụ đó.


4.

Về vấn đề "thơ dơ", tôi chưa bao giờ chỉ trích nó ở khía cạnh đạo đức hay cá nhân người làm thơ. Những sự tấn công "thơ dơ" từ khía cạnh đạo đức hay cá nhân, tôi không quan tâm, và không chia sẻ những tiếng nói đó. Bài viết trước đây của tôi về "thơ trẻ" chỉ đề cập đến "thơ dơ" ở khía cạnh ngôn ngữ. Tôi đã nói trong phần đối thoại với Như Huy bên trên. Những ý kiến khác của tôi về "thơ dơ" trong bài viết vừa qua cũng chỉ hoàn toàn ở khía cạnh lý thuyết nghệ thuật.

Bạn đang tranh đấu cho sự công nhận "thơ dơ". Vậy bạn muốn "thơ dơ" được công nhận bởi ai? Văn chương nhà nước chăng? Dĩ nhiên chuyện đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra, đối với nhiều loại thơ khác nữa, chứ không phải chỉ với "thơ dơ", vì nhiều lý do ngoài văn chương. Bạn muốn thơ dơ được "công nhận" bởi giới văn chương ngoài lề? Thì đấy, "thơ dơ" vẫn xuất hiện tưng bừng trên các tạp chí, web site hải ngoại, thậm chí còn được ủng hộ bởi nhiều bài viết trong thời gian qua. Tôi ngờ rằng "thơ dơ" không phải đang tranh đấu cho quyền "được công nhận", mà thật sự đang tự "tiếp thị" để được chú ý, ngợi ca. Và như vậy, nó không có lý do gì để tiếp tục đóng vai một nạn nhân.


III. Phần Bùi Chát: *

Ở phần cuối bài viết của mình, như thường lệ, Lý Ðợi "tiếp thị" một số sản phẩm mới của nhóm Mở Miệng, trong số đó có bài thơ Hoảng hốt với một quả lựu đạn trong túi quần mùa thu CỦA Bùi Chát (!) Bài thơ này từ đầu đến cuối thật ra là bài Bài mùa thu của tôi, Phan Nhiên Hạo, đã đăng trước đây. Bùi Chát chỉ thay đổi tựa đề, loại bỏ khổ thơ đầu tiên, giữ nguyên văn phần còn lại, rồi thêm vào ba chữ "hu hu hu" cuối bài. Sau đó, không cần "chế biến" gì thêm nữa, ông "tự nhiên như ruồi" ký tên của ông vào mà KHÔNG HỀ CÓ MỘT GHI CHÚ NÀO VỀ XUẤT XỨ BÀI THƠ CẢ. Rất may, ban biên tập talawas đã kịp phát hiện vụ này và đưa vào một chú thích cuối trang. Nhưng chú thích của talawas là chuyện khác. Lẽ ra muốn sử dụng bài của tôi làm nguyên liệu cho sáng tác -cho dù "nhại lại" hay "nhai lại" gì tôi không cần biết- Bùi Chát phải chú thích rõ xuất xứ ngay cuối bài thơ "của" ông. Và ghi rõ phần nào là thơ của tôi, phần nào là "lao động cực nhọc" của ông.

Thơ của tôi không phải là sáng tác dân gian để Bùi Chát có thể sử dụng mà không cần chú thích gì cả.

Tôi lên tiếng về vấn đề này vì tôi nghĩ, làm gì thì làm, chúng ta cũng phải giữ một sự trung thực, rõ ràng tối thiểu trong vấn đề sử dụng văn bản của người khác. Văn chương của chúng ta dù sao cũng chưa đến mức là chợ trời của những thứ hàng hóa lập lờ về nguồn gốc như vậy.

Ðể người đọc tiện theo dõi, tôi chép lại bài thơ nguyên gốc của tôi và bài thơ "của Bùi Chát" dưới đây.

Bài thơ nguyên gốc của Phan Nhiên Hạo:


Bài mùa thu

Như một chiếc nón lật ngửa lên trời dưới nắng và sự vô dụng của một vật thể ở sai vị trí
Tôi nhận ra tôi không giống cả chính tôi trong những bức ảnh cũ
Trong những bức ảnh mới thì tôi là phiên bản tô màu của một buổi nhạc trình diễn ngoài trời không có ai nghe
Cạnh những người anh em không cùng tín ngưỡng
Ðó là một ngày nhiều mây và các khuôn mặt được giữ lại bằng đèn flash
Tôi đi chậm chạp ra khỏi những cái nhìn

Mùa thu như một người già nhập cư mặc quần áo cũ
Lạc lõng và phiền trách các đổi thay
Không phải tôi là một người lắm lời, tôi chỉ không giữ được bí mật
Sự vô vọng của các kết hợp khiến tôi muốn được nghe
Tiếng của những chiếc lá rụng vào ngực
Một người nằm dài dưới gốc cây
Với một quả lựu đạn trong túi quần

Bánh mì làm bằng lúa mạch có pha chút tỏi
Tôi không thích việc vứt thức ăn cho chim bồ câu ở quảng trường
Chúng không làm gì ngoài việc mổ mổ và đạp mái
Những nhà quý tộc thời xưa làm tình thế nào, có giống bồ câu không?
Sách vở mô tả phần đông họ là những tay trác táng
Họ có từng vặt lông chim và chỉ ngón tay lên mặt trăng?
Nếu họ hiếp dâm thì phải mất rất lâu để cởi áo quần
Người ta nói đất nước tôi đã từng bị cưỡng dâm liên tục!

Khi còn bé tôi đã nhổ nước bọt vào bàn tay ngửa ra của một người mù
Bây giờ tôi phải làm gì trong mùa thu?



Bài thơ "của Bùi Chát":

Hoảng hốt với một quả lựu đạn trong túi quần mùa thu*

Mùa thu như một người già nhập cư mặc quần áo cũ
Lạc lõng và phiền trách các đổi thay
Không phải tôi là một người lắm lời, tôi chỉ không giữ được bí mật
Sự vô vọng của các kết hợp khiến tôi muốn được nghe
Tiếng của những chiếc lá rụng vào ngực
Một người nằm dài dưới gốc cây
Với một quả lựu đạn trong túi quần

Bánh mì làm bằng lúa mạch có pha chút tỏi
Tôi không thích việc vứt thức ăn cho chim bồ câu ở quảng trường
Chúng không làm gì ngoài việc mổ mổ và đạp mái
Những nhà quý tộc thời xưa làm tình thế nào, có giống bồ câu không?
Sách vở mô tả phần đông họ là những tay trác táng
Họ có từng vặt lông chim và chỉ ngón tay lên mặt trăng?
Nếu họ hiếp dâm thì phải mất rất lâu để cởi áo quần
Người ta nói đất nước tôi đã từng bị cưỡng dâm liên tục!

Khi còn bé tôi đã nhổ nước bọt vào bàn tay ngửa ra của một người mù
Bây giờ tôi phải làm gì trong mùa thu?

hu hu hu...

*chú: [của Bùi Chát}
đúng ra phải là: hoảng hốt với một cái điện thoại di động trong túi quần mùa thu.


© 2004 talawas




[1]Chú thích: "Language" Poetries, an Anthology. Edited by Douglas Messerli. New York: New Directions Books, 198