trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
25.6.2004
Việt Lang
Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã… văn
 
I.

Hiện tôi có trong tay ba ấn bản của tác phẩm Câu chuyện của dòng sông. Trong số này có hai bản của Nhà xuất bản Hội Nhà văn (NXBHNV) và một bản của Nhà xuất bản Lá Bối [1] .
Tôi đã xem kỹ các ấn bản của NXBHNV, có một số ghi nhận như sau:
1/ Ấn bản lần thứ 1 năm 1992 của NXBHNV, người chịu trách nhiệm xuất bản là Nguyễn Kiên, do Chi nhánh miền Nam thực hiện. Tôi đã rà soát kỹ ấn bản dày 245 trang này, từ trang đầu đến trang cuối, bản in không hề ghi bất kỳ tên dịch giả nào.
2/ Ấn bản lần thứ thứ 2 năm 2001 của NXBHNV, người chịu trách nhiệm xuất bản là Nguyễn Phan Hách. Nơi phát hành là Nhà sách Quang Minh, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Sài Gòn. Ấn bản này dày 234 trang. Ở trang bìa và trang ruột đầu bản in không hề ghi tên dịch giả; tên dịch giả Bùi Giáng được để ở trang cuối cùng (tr. 234), chung phần với tên người chịu trách nhiệm xuất bản.
3/ Trong cả hai ấn bản của NXBHNV, bài giới thiệu với tựa Hermann Hesse, người thắp lửa tâm linh, ở ngay phần đầu quyển sách đều đứng tên Nhật Chiêu [2] . Bài giới thiệu này dài khoảng 28 trang, tùy bản in lần 1 hay 2.
Tựa trang bìa cả hai ấn bản của NXBHNV đều là Câu chuyện dòng sông, đến khi vào trang ruột đầu tiên thì cái tựa ấy thành Câu chuyện của dòng sông. Bản in có khổ 13 x 19 cm.
Đây là các điểm khác và giống nhau của hai (02) bản in của NXBHNV, ngoài ra toàn bộ phần truyện trong hai bản in này thì hoàn toàn giống nhau. Để tiện theo dõi, từ đoạn này trở đi tôi gọi chung là bản in của NXBHNV.


II. Tôi cũng đã xem bản in của Nhà xuất bản Lá Bối trước đây, có vài ghi nhận như sau:
  1. Đây là bản in lần 1 của Nhà xuất bản Lá Bối, năm 1965, ấn quán Sen Vàng, 243 Sư Vạn Hạnh – Cholon.
  2. Tựa cuốn sách là Câu chuyện của dòng sông, phần tên của dịch giả có ghi ngay ở trang bìa và trang ruột 1, với nguyên văn như sau: “Bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng”.
  3. Lời nói đầu là của Nhà xuất bản Lá Bối.

III.

Xét cụ thể, hai ấn bản của Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Lá Bối có khá nhiều điểm khác nhau về: nhà xuất bản, năm xuất bản, khổ giấy, tên dịch giả và tựa tác phẩm (có “của” và không có “của”). Hai bản in này chỉ giống nhau có mỗi một điểm: toàn bộ nội dung bản dịch Việt ngữ tác phẩm Siddharta của Hermann Hesse của các dịch giả Phùng Khánh và Phùng Thăng.
Tôi xin chép lại vài dòng đầu của chương một “Tất Đạt”, như sau:
Bản in của Nhà xuất bản Lá Bối:
Cạnh những con thuyền, dưới ánh nắng ven sông, trong bóng cây cổ thụ và trong khu rừng vàng nhạt, Tất Đạt, người con trai Bà La Môn dĩnh ngộ ấy đang lớn lên cùng bạn chàng là Thiện Hữu. Nắng nhuộm màu “bồ quân” đôi vai thon đẹp khi chàng tắm lễ “thánh tẩy”.

Bản in của NXBHNV:
Cạnh những con thuyền, dưới ánh nắng ven sông, trong bóng cây cổ thụ và trong khu rừng vàng nhạt, Tất Đạt, người con trai Bà La Môn dĩnh ngộ ấy đang lớn lên cùng bạn chàng là Thiện Hữu. Nắng nhuộm màu “bồ quân” đôi vai thon đẹp khi chàng tắm lễ “thánh tẩy”.

Vài dòng cuối cùng của chương chót, chương mười hai “Thiện Hữu”:
Bản in Nhà xuất bản Lá Bối:
Thiện Hữu cúi thấp. Những giọt nước mắt khôn ngăn rỉ xuống gương mặt già nua. Chàng thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương lớn rộng, tràn ngập niềm kính cẩn. Chàng phủ phục quì trước con người đang ngồi bất động, mà nụ cười nhắc chàng nhớ đến mọi sự chàng đã từng yêu thương trong cuộc sống, mọi giá trị và thánh thiện trong đời chàng.

Bản in của NXBHNV:
Thiện Hữu cúi thấp. Những giọt nước mắt khôn ngăn rỉ xuống gương mặt già nua. Chàng thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương lớn rộng, tràn ngập niềm kính cẩn. Chàng phủ phục quì trước con người đang ngồi bất động, mà nụ cười nhắc chàng nhớ đến mọi sự chàng đã từng yêu thương trong cuộc sống, mọi giá trị và thánh thiện trong đời chàng.

Không chừng có độc giả sẽ hỏi tôi rằng, chỉ với hai đoạn đầu tiên và cuối cùng mà dám khẳng định là hai bản in này hoàn toàn giống nhau, liệu như vậy là có vội vã chăng? – Xin thưa rằng, hai bản in này dẫu được thực hiện cách nhau 27/36 năm (tuỳ năm xuất bản lần 1 hay 2 của NXBHNV), song chúng lại giống nhau cách dị thường đến từng dấu chấm (.) và dấu phẩy (,) !!! Do đó, tôi không thể chép toàn bộ hơn 200 trang giấy lên đây – trong khi phần việc để đối chứng sau đó thì quá đơn giản: copy lại. Như thế là các vị của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, cụ thể là hai ông Nguyễn Kiên và Nguyễn Phan Hách đã làm cái trò gì vậy? Các vị thuộc Hội Nhà văn, nhưng các vị đã …văn; còn cái chữ trong ba dấu chấm (…) trước chữ văn là chữ gì thì xin các vị hãy tự điền thêm vào. Tại thời điểm này, tôi xin phép khẳng định rằng: các vị ấy đã dụng văn một cách không có đạo lý. Này những người của Nhà xuất bản Hội Nhà văn và những người có liên đới trách nhiệm, các vị hãy suy nghĩ lại về các hành động của mình đi.
Của đáng tội, để một bản dịch truyện nước ngoài được bày trên giá sách khơi khơi công khai như vậy, với quy trình pháp luật in ấn và phát hành trong nước hiện nay, mà nào chỉ liên quan chỉ có chừng ấy người? Lại đến 02 lần gian lận, vừa xóa gạt quyền dịch giả của Phùng Khánh – Phùng Thăng đồng thời còn mạo danh Bùi Giáng, một cách có ý thức và hệ thống!
Dịch giả Phùng Khánh đã qua đời, nhà thơ kiêm dịch giả Bùi Giáng cũng đã mất; nghĩa là họ sẽ không bao giờ lên tiếng phản hồi hành động xúc phạm của các vị. Lương tâm các vị cảm thấy thế nào? Đêm về, các người có liên quan đến vụ việc này hãy thắp một nén nhang tạ lỗi cùng những người đã khuất. Đây là lời khuyên rất chân thành không của riêng tôi [3] .


IV.

Tuy nhiên so với hai ông Nguyễn Kiên và Nguyễn Phan Hách thì vị tiền nhiệm của NXBHNV: ông Ngô Văn Phú mới tỏ ra thực xứng là một bậc tiên phong trong kiểu xuất bản đáo để này, vụ việc cũng lại liên quan đến một tác phẩm khác của H. Hesse. NXBHNV đã xuất bản cuốn Tuổi trẻ băn khoăn với sự chịu trách nhiệm của Ngô Văn Phú vào năm 1998, tác phẩm này được phát hành đầy dẫy trên thị trường trước khi có việc trao đổi ý kiến với dịch giả Hoài Khanh.

Tôi đã đối chiếu bản Tuổi trẻ băn khoăn phát hành lần đầu năm 1968 của Nhà xuất bản Ca Dao với bản in năm 1998 của NXBHNV [4] . Trừ hình bìa và số trang, mọi thứ nội dung bên trong đều giống nhau; riêng bản in của NXBHNV lại có thêm một trang Lời cuối sách (tr. 251) với nội dung đáng xếp vào bậc có không hai trong lãnh vực xuất bản. Tôi xin chép lại trang ấy với nguyên văn như sau:

Do nhu cầu xuất bản (nhu cầu ấy có nghĩa là gì? - VL nhấn mạnh), chúng tôi cho in Tuổi trẻ băn khoăn của Hermann Hesse, bản dịch của Hoài Khanh. Rất tiếc, cho đến nay chúng tôi chưa liên hệ được với dịch giả. Vì vậy, sách biếu và nhuận bút chúng tôi xin giữ lại tại Nhà xuất bản. Tác giả (không phải dịch giả - VL nhấn mạnh) hoặc thân nhân (có ủy quyền hợp lệ) xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại 371/16 Hai Bà Trưng, q. 3, Tp. HCM.

Trân trọng cảm ơn
Nhà xuất bản Hội Nhà văn “

Kể ra thì cũng khá minh bạch, nhưng… một độc giả nào đó thử tìm một tin nhắn/bố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung liên hệ tác quyền trước khi xuất bản tác phẩm; trong trường hợp Tuổi trẻ băn khoăn, e rằng còn khó hơn tiến hành xác định có người trên sao Hỏa!

Vậy là có thêm một màn biến tấu khó hiểu trong hoạt động xuất bản của NXBHNV, nhân vật chính lần này là ông Ngô Văn Phú. Chẳng rõ các ông Ngô Văn Phú, Nguyễn Kiên và Nguyễn Phan Hách có chân hội viên trong Hội Nhà văn Việt Nam không nhỉ? Đến đây, tôi thực sự chẳng biết nên bình luận như thế nào về Nhà xuất bản của Hội ấy nữa. Quý vị nào có lòng thì giúp cho vậy.
Đăng lần 1 tại website Đặc Trưng ngày 02/04/2004

Bổ sung lần 2 ngày 24/06/2004.

© 2004 talawas




[1]Trước năm 1975, Câu chuyện của dòng sông ít nhất đã được xuất bản 03 lần. Theo sự ghi nhận của tôi, gồm như sau: Nhà xuất bản Lá Bối vào các năm 1965 và 1966; Nhà xuất bản An Tiêm vào năm 1967.

Tôi có đọc qua ấn bản của Nxbản An Tiêm năm 1967, bản in này gồm 190 trang. Tôi xin có vài ghi nhận ngoài lề như sau:
  • Không thống nhất về tên tác phẩm: tựa bìa là Câu chuyện dòng sông, nhưng trang 3 lại in là: Câu chuyện của dòng sông.
  • Tại trang 5 có một nhầm lẫn lớn: trang này in tựa lớn tiếng Việt Câu chuyện của dòng sông, nhưng tựa nhỏ tiếng Ðức trong ngoặc đơn ( ) bên dưới lại là: Weg Nach Innen. Weg Nach Innen theo chữ dịch của Phùng Khánh có nghĩa là Ðường về nội tâm; còn tên nguyên tác của Câu chuyện của dòng sông Siddharta - một truyện trong tập truyện Weg nach Innen của H. Hesse.

Lời giới thiệu trong bản in Nhà xuất bản An Tiêm là của dịch giả.

[2]Hiện đang là giảng viên văn học nước ngoài trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM.
[3]Để tôn trọng sự công bằng trên văn đàn, trong lần đăng đầu tại website Đặc Trưng (www.dactrung.com), bài viết này có đồng gởi đến:
  • tapchinhavan@netnam.vn – địa chỉ email của Tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam.
  • quangminhbooksh@hcm.vnn – địa chỉ email của Nhà sách Quang Minh, nơi phát hành quyển Câu chuyện của dòng sông in lần thứ 2.)

Trong những ngày thực hiện bài viết này lần thứ nhất, tôi (Việt Lang) cố gắng liên hệ với Nhật Chiêu - người viết bài giới thiệu cho ấn bản Câu chuyện của dòng sông của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - để chuyển bài viết này đến ông, song chưa được. Hy vọng sau khi đăng bài viết này trên Đặc Trưng, Nhật Chiêu sẽ biết đến nó. Một người thưởng thức được vẻ đẹp của những vần hài cú, cảm nhận được nét phiêu lãng trong thơ Basho, chắc cũng biết tự xử thế nào cho ngòi viết của mình mãi thẳng, phải không ông Nhật Chiêu?

[4]Quyển Tuổi trẻ băn khoăn do Hoài Khanh dịch từ ấn bản tiếng Anh Demian, the Story of Emil Sinclair’s youth, với lời tựa của Thomas Mann. Ðây là một tác phẩm của H. Hesse viết vào năm 1919, với tên nguyên tác là Demian. Nhà xuất bản Ca Dao xuất bản lần I (1968), lần II (1971); ấn loát tại Nhà in Thanh Bình, 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Khổ 13 x 19 cm, dày 318 trang.

Quyển Tuổi trẻ băn khoăn của NXBHNV cũng sử dụng lời tựa của Thomas Mann; có khổ 13 x 19 cm, dày 252 trang.