trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
29.6.2004
Phan Xuân Lâm
Về rắm của quan, chim của Tưởng Bình Minh
 
Tôi rất bất ngờ thấy bài viết khiêm tốn của mình bỗng được sự chú ý đặc biệt trong những ngày gần đây với tư cách là một trong những bài đẩy talawas vào nạn tường lửa. «Vinh dự» chưa kịp tận hưởng thì lại bị một gáo nước lạnh: trong thông cáo của talawas, bài viết của tôi không được đưa ra làm ví dụ nào cả! Té ra Tưởng Bình Minh (TBM) đã quá nhìn xa trông rộng trong mẫn cảm chiến lược của mình để yêu cầu talawas kiểm duyệt những loại bài mà các nhà quản lí tư tưởng và điều hành văn hoá quốc gia không mảy may quan tâm, trong khi những vụ «nhạy cảm» kinh hồn được nêu lên lại «thuần túy» nằm trong địa hạt mà TBM khuyến khích talawas nên tập trung vào: đó là văn chương nghệ thuật, và cả học thuật nữa. Phim «Kí ức Điện Biên» thuộc nghệ thuật thứ 7, «sự kiện Hoa Thủy Tiên» và Bùi Ngọc Tấn thuộc văn chương, Lại Nguyên Ân thuộc văn chương + học thuật.

Quân sư quạt mo như thế thì dân gian gọi là «xui dại nhau».

Mới hay, khi việc điều hành quốc gia nằm trong vòng tranh tối tranh sáng, thông tin lúc tỏ lúc mờ, thì các con dân chỉ còn cách tranh nhau đoán mò, ai cũng thấy mình là một nhà chiến lược tỉnh táo sáng suốt, có thể đề ra những chiến lược mềm dẻo hữu ích nhất. Cuối cùng thì anh nào cũng bé cái lầm. Trong «sự kiện talawas» này, người nhầm to nhất là TBM. Nhưng «lời kết cho cuộc nhầm» của TBM đăng trong mục Thư Độc Giả ngày 24.6.2004 vẫn là một lời khăng khăng khuyến cáo talawas hãy trở về với chính nghĩa của văn chương, chớ dại đặt nhầm chân sang những lĩnh vực khác mà bị phong toả, để rồi sẽ thành một nhóm bé nhỏ «thủ dâm chính trị» tự sướng chút xíu với nhau chứ không được hưởng cái vui sướng lớn của những hành động công khai trước đông đảo bàn dân thiên hạ. Chắc hẳn BBT talawas sẽ phải căn cứ vào mức trúng-trật trong dự báo chiến lược của chuyên gia Tưởng khi so sánh với những điểm cụ thể đã ra trong thông cáo để quyết định có nên đi theo những khuyến cáo của chuyên gia này không.

Trong bài Chế độ toàn trị và văn chương của G. Orwell (bản dịch của Phạm Minh Ngọc, talawas, 23.4.2004) mà tôi thật sự mong TBM đọc đi đọc lại đến mức có thể thuộc lòng, có câu này: «Đặc trưng của nhà nước toàn trị là tuy nó kiểm soát tư tưởng, nhưng nó lại không xác dịnh dứt khoát tư tưởng ấy là gì. Nó đưa ra một số tín điều không được tranh cãi, nhưng các tín điều ấy lại thay đổi hàng ngày.» Đó là nói theo cách của người phương Tây. Người Việt chúng ta thì phát biểu cũng cái ý «không biết đâu mà lần» đó bằng câu chuyện về cái rắm của quan như sau:

Quan lớn ban ra môi trường một phát trung tiện có mùi rất đáng chú ý. Anh nọ đứng hầu quạt bên cạnh vội chắp tay tâu lên: «Bẩm, rắm quan thơm lắm ạ!» Quan ngó sững: “Ta nghe nói uế khí trong người thải ra phải có mùi thum thủm mới đúng lẽ tự nhiên. Nay rắm ta mà thơm, không khéo ta mang bệnh hiểm trong người.» Nói xong, lấy làm buồn rầu lo nghĩ lắm. Anh nọ bèn đánh hơi hít hít vài cái nữa rồi tâu: «Bẩm, hít đi thì thơm thơm, hít về thì rắm quan thối lắm ạ!» 

Chuyện đến đó là hết, nhưng tôi hình dung lần sau quan lớn ban thêm một phát trung tiện mà anh hầu theo đúng chiến lược rút ra từ lần trước, khen ngay rằng rắm quan thối hoắc thì chắc bị chặt đầu.

Anh bạn trẻ Tưởng Bình Minh, lần sau nếu anh đi tìm chiến lược cho những tờ báo như talawas, xin hãy nhớ rằng mùi vị những cái rắm của bề trên là không thể tiên liệu, mà bề dưới lại không thể mỗi ngày thay một cái mũi được! «Chiến lược» đánh hơi nào cũng vô nghĩa nếu quan hệ trên-dưới một chiều đó còn tồn tại.


*


Để hiểu cách tư duy của Tưởng Bình Minh, tôi sẽ đưa ra một so sánh như sau: TBM đứng trước vườn chim talawas đủ giống loài, như thiên nhiên vốn sinh ra nếu con người không đi quá xa trong việc diệt chủng đối với muông thú. Đại bàng cũng có, diều hâu cú vọ cũng có, bồ câu thiên nga cũng có, càng ngày càng có thêm nhiều loài chim đến đó, cãi nhau cũng có mà âu yếm nhau cũng có, ỉa bậy cũng có mà bay những đường đẹp mắt và làm quang cảnh thêm nhiều sinh động cũng có... Tưởng trầm ngâm hồi lâu rồi tuyên bố: «Tôi nghe nói, đã là chim thì phải là bồ câu trắng, mà hiện nay trong vườn chim của talawas thì tràn ngập các loại chim khác, không thấy bồ câu trắng đâu cả. Nếu không mau mau đuổi hết các loại chim khác ra, chỉ để toàn bồ câu trắng sinh sống ở đây, thì tôi ủng hộ việc cái vườn chim này sẽ bị các cơ quan quản lí chim đóng cửa.»

Tuy không phải là người tích cực tham gia gửi chim vào cái vườn chim này – nhân đây cũng xin nói rằng con chim cu đất mà tôi gửi vào đây đã được Ban quản trị giữ riêng để quan sát đến hơn 3 tháng trước khi cho nó vào chung sống với các loài khác, nghĩa là Bản quản trị cũng có «chính sách nhập cư» khá là chặt chứ không phải là cứ thấy loài nào có cánh cũng cấp ngay hộ khẩu –nhưng tôi chưa bao giờ trông thấy cái biển đề: «Dành riêng cho chim bồ câu», hoặc «Dành riêng cho bồ câu trắng» treo ở vườn chim talawas. Hi vọng trong tương lai talawas cũng không treo biển «Dành riêng cho chim của Tưởng Bình Minh».

Có đúng đã là chim thì phải là bồ câu trắng không? Có đúng đã sinh hoạt tinh thần, viết lách, tranh luận thì nhất thiết phải là là văn chương? Có đúng đã văn chương thì nên là loại văn chương thuần túy? Có văn chương thuần túy không? Câu trả lời của tôi là: Không đúng. Cuộc sống tinh thần sẽ nghèo nàn, nếu nó chỉ quanh quẩn trong văn chương và nhất là trong văn chương «thuần tuý».

Tôi là một trong số những người không thường đọc thơ phú, tiểu thuyết thì mỗi năm chỉ đọc nhiều nhất là được hai, ba quyển. Số người như tôi không ít, nếu không muốn nói là chiếm đa số trong xã hội. Lý do cá nhân ở tôi như sau: một là tôi thích dùng thời gian làm những việc khác hơn (thí dụ như thể thao), hai là tôi không nghĩ rằng cứ phải đọc hay quan tâm tới văn chương thì đời sống mới có ý nghĩa. Văn chương chỉ là một trong các giá trị của đời sống, đối với nước Mỹ thì giá trị của thể thao còn được đặt lên cao hơn văn chương mấy hàng. Đâu phải vì thế mà nước Mỹ kém sâu sắc, kém „con người“ hơn so với những nước xếp văn chương cao giá hơn thể thao. Những khi lướt qua vài ba tác phẩm văn học của Việt Nam một cách ngẫu nhiên, tôi không thấy là mình có một lỗ hổng cần phải bù đắp ngay vì đã không chịu đọc những thứ này, có nhiều lỗ hổng khác cần bù đắp cấp thiết hơn. Dạo qua một chút những bài tranh luận về văn học, tôi cũng không có cảm giác rằng văn chương làm cho người ta tốt hơn, hướng thiện hơn, khoan dung hơn, thông minh hơn. Ngược lại, trong trường văn trận bút của các đệ tử văn học, các tính xấu của con người như hiếu thắng, đố kị, hẹp hòi, hèn nhát, hám danh, mù quáng, dễ dãi, ỷ lại... được tích tụ ở một nồng độ rất cao, cao hơn ở các giới ngoài văn học nhiều.

Còn về câu hỏi, văn chương có thể thuần túy mà tồn tại trong những điều kiện nhất định không, tôi không thể nói hay hơn George Orwell, xin nhường lời cho ông, trích từ bài đã dẫn:

„Chỉ cần suy nghĩ về những khó khăn khi viết một bài phê bình trung thực, không thiên vị trong cái thời như thời của chúng ta là ta sẽ thấy ngay những mối đe dọa đang treo trên đầu văn chương trong một tương lai rất gần.“

„Văn chương có sống được trong tình hình như vậy không? Tôi nghĩ rằng ta có thể trả lời một cách ngắn gọn là: không. Nếu chế độ toàn trị trở thành hiện tượng toàn cầu và vĩnh viễn thì cái mà chúng ta vẫn gọi là văn chương sẽ cáo chung.“

„Vì sáng tạo trước hết là cảm, mà tình cảm thì không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát được từ bên ngoài. Dễ dàng xác định cách hành xử theo lối đãi bôi đối với hệ tư tưởng chính thống, nhưng một tác phẩm văn chương chỉ có giá trị khi người viết cảm thấy chính sự thật mà anh ta đang viết, không có cái đó thì bản năng sáng tạo cũng sẽ không còn. Kinh nghiệm lại chứng tỏ rằng việc thay đổi tình cảm một cách đột ngột, như các chế độ toàn trị đòi hỏi ở các thần dân, là bất khả thi về mặt tâm lí.“

„Những ai hiểu được giá trị của văn chương, những ai nhìn thấy vai trò chủ đạo của nó trong sự phát triển của lịch sử nhân loại, phải nhận thức được rằng giáng trả chủ nghĩa toàn trị, dù nó được áp đặt từ bên trong hay từ bên ngoài chính là đòi hỏi sống còn.“

Anh bạn trẻ Tưởng Bình Minh thân mến, chúng ta hãy nói thẳng với nhau về cái điều kiện nhất định mà trong đó văn chương Việt Nam đang tồn tại hoặc không tồn tại: phần then chốt nhất của mô hình tư tưởng và quyền lực tại Việt Nam hiện nay tiếc thay vẫn là mô hình của chủ nghĩa toàn trị, „áp đặt từ bên ngoài“, nhưng phần „áp đặt từ bên trong“ mỗi chúng ta cũng chẳng phải là nhỏ. Sớm muộn thì Việt Nam cũng phải vượt qua mô hình này. Cần một thời gian là bao nhiêu lâu và phải trả một cái giá như thế nào, vì không phải là người vạch định chiến lược quốc gia nên tôi không nói được, nhưng phải vượt qua là điều chắc chắn. Một người „hiểu được giá trị của văn chương“ như anh có lẽ không nên bỏ qua lời cảnh tỉnh của Orwell. „Giáng trả chủ nghĩa toàn trị“, theo tôi hiểu, không nhất thiết là phải đi hoạt động chính trị, nhưng không thể không xây dựng và phát triển một ý thức chính trị, không thể không phát biểu về những vấn đề liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến chính trị, xã hội. Tôi đoán rằng anh chỉ định khuyến cáo talawas không nên sa vào những cung cách suy nghĩ và bàn luận về chính trị một cách cơ hội, rẻ tiền, mù quáng, nhàm chán, cực đoan, hận thù, bạo lực, lên gân... Chứ chẳng lẽ một sinh viên trẻ đang theo học ở một đất nước từng sớm nhất bứt khỏi hệ thống toàn trị của khối Đông Âu trước kia như Hungary lại có thể giữ nguyên cách sống và cách tư duy như những ông đồ Việt Nam thế kỷ thứ 19 mê mải chữ nghĩa thánh hiền, nhắm mắt bịt tai trước mọi chuyển động của thời cuộc? Các nước Đông Âu đã quẳng được gánh nặng toàn trị đi mà phần lớn không cần phải dùng đến bạo lực. Đó chẳng phải là những kinh nghiệm mà các bạn trẻ Việt Nam đang sống ở Đông Âu có thể lĩnh hội và truyền thụ hay sao?

Ông Nguyễn Ái Quốc nói thế nào nhỉ? „Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của người không sớm hồi sinh!“ (Nguyễn Ái Quốc, Gửi thanh niên Việt Nam, 1925).

© 2004 talawas