trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
21 - 40 / 482 bài
21 - 40 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ TrẻVăn học Việt Nam
26.7.2004
Nguyễn Quốc Chánh
Thơ là (thờ ơ) khoét cho cái nhục (nhã, dục, vương) bốc mùi
Lý Đợi thực hiện
 
Lý Ðợi (LÐ): Sau 3 tập: Ðêm mặt trời mọc, Khí hậu đồ vậtCủa căn cước ẩn dụ... nếu phải nói một chút gì đó về công việc sáng tác của mình, anh nói thế nào?

Nguyễn Quốc Chánh (NQC): Sáng tác là một cách móc (ngoặc, ngoéo, nối, lò) với đời sống. Ở đâu tôi không biết, nhưng ở đây, trong cái xứ (xó) bầm dập và tăm tối này, sống tức là cam (phận, đoan, quýt) nhấn cho cái nhục chìm xuống. Và làm thơ là (thờ ơ) khoét cho cái nhục (nhã, dục, vương) bốc mùi. Khoét càng loạn mùi càng lạ. Tôi khoái mùi của tủy nên chĩa cái dùi vào xương. Ðể ý mà xem, chó là con vật xiêng gặm xương, và cách nào đó, công việc sáng tác cũng vậy. Cũng giống như con chó gặm cả đóng xương để mút lấy một chút xíu tủy.

LÐ: Có phải mỗi tập thơ là một thành quả, hệ quả; hay đơn thuần chỉ là một khối ngu không biết ném đâu. Nhiều người nghĩ như thế, anh nghĩ thế nào?

NQC: Theo tôi, mỗi tập thơ là một hệ quả. Hệ quả của một mớ những cái lỗ được khoét. Mỗi lần khoét là một cơ hội chui ra, để thoát cái tình trạng (dù chỉ trong khoảnh khắc) bần tiện, bầm dập và tăm tối. Trong một xã hội tăm tối, bầm dập, nghệ thuật không cách nào khác ngoài ý thức phản (tỉnh, động, bội, công, loạn, quang) và trừng mắt. Mà trừng riết thì trước sau gì cũng sẽ trắng mắt thôi.

Như đã nói, gặm xương thì khôn nỗi gì. Nhưng vừa gặm (trắng mắt) vừa lăm le (đâm đơn) vào hội nhà văn thì ngu hết thuốc chữa. Nếu in tập thứ nhất để vào hội nhà văn địa phương, nếu in tập thứ nhì để vào hội nhà văn trung ương, và nếu in tập thứ 3 để trúng giải A của hội đồng thơ Việt Nam thì may ra mới là thành quả. Thành quả cũng có nghĩa là trúng quả hay đánh quả. Và đánh quả là giấc mơ méo mặt của hầu hết đám làm thơ ất ơ ở đây và bây giờ. Xin lỗi, tôi thấy họ chẳng khác đám ruồi bu quanh cái xác, đến nỗi xác không còn mùi để thúi nữa, nhưng ruồi thì vẫn bu. Một hội chứng kỳ (lạ, cục, đà) của mê muội mùi vị bầy đàn.

Thử hỏi sống trong tình (trạng, huống, cảnh, tứ) bít bùng mà không khoét một cái lỗ bằng sáng tác, liệu sáng tác đó có khác gì một thứ sơn dởm, a dua quét lên bức tường tăm tối và dối trá. Và mỗi cái lỗ vừa để thở vừa là âm (mưu, hộ, phủ, thầm, hiểm, tính) xáo trộn những trật tự giả để lỡ có kẻ nào sớ rớ nhìn vào sẽ thấy cái mặt mình biến dạng mà hoang mang chơi. Gây hoang mang là công việc đàng hoàng và tử tế (hay tồi tệ cũng không sao) của cái gọi là văn (nghệ, gừng) trong thời buổi tê liệt (dương) và hôn mê (man) này.

LÐ: Trong mỗi tập, anh xây dựng ý tưởng và cách thức làm việc như thế nào? Nội dung, kỹ thuật có nhiều thay đổi không?

NQC: Tập đầu tiên là âm mưu gây hoang mang bằng ngôn ngữ phúng (dụ, điếu, phính) kiểu: Tờ bạc có mùi khai thuốc súng/ và đồng lương là xác của chiến tranh/ anh phải cầm quá khứ trên tay mỗi tháng/ máu từ đầu dồn hết xuống chân; tập thứ 2 lại tiếp tục âm mưu gây hoang mang bằng ngôn ngữ ảo (giác, ảnh, tưởng, mộng) như: Tíc tắc tíc tắc/ chiếc mỏ sừng mổ mặt trống đêm/ hai con mắt phơi trần bí mật/ trượt dài trên lớp mỡ thời gian/ tường giương những hốc chết của đa hệ người bị giam/ chỉ còn lại tiếng tíc tắc đếm những viên aspirin lăn tròn...; và tập thứ 3 vẫn là âm mưu gây hoang mang bằng ngôn ngữ trần trụi, trân tráo, bỡn cợt và khởi đầu kỹ thuật lắp ghép theo tinh thần sinh sản vô (tính, phương, nghĩa, can, vọng) hậu xã hội chủ nghĩa (kinh tế thị trường theo định hướng XHCN) là: Nhìn từ hẻm cụt, thế giới trét đầy keo, bạn tôi kêu: uống nhầm thuốc ngừa thai giả, đẻ một đứa bé sứt môi vào ngày 19 tháng 5. Cái bóng có đuôi dài lướt qua tường với động tác một người thủ dâm, và kết thúc bằng cú ngã sấp... Một ngày không chấm đất, trống vẫn thúc trong ký ức phồn thực, và thái dương một người đàn bà mãn kinh, co giật. Máu ộc.
Sao nhanh nhẹn vậy/ Cotex White hả/ thoải mái nè/ khô nè/ có cảm giác nhẹ cả người/ Cotex White luôn há!.

Như đã nói, mỗi tập thơ là một chuỗi những cái lỗ được khoét, nhưng không khoét tuỳ (tiện, nghi, cơ, thời) theo cảm hứng, mà khoét dưới sự điều (hành, trị, dưỡng, độ, nghiên, khiển, kinh) của một ý niệm xuyên suốt là gây hoang (mang, địa, dâm, tưởng, vu). Vì ý niệm về thơ làm nẩy sinh ý (tưởng, tứ, đồ, a) trong thơ, và cũng có thể ngược lại, chính vì ý tưởng trong thơ làm nẩy sinh ý niệm về thơ. Cái biện chứng giữa ý tưởng của bài thơ và ý niệm về thơ sinh ra nội dung nghệ thuật của thơ. Và nội dung nghệ thuật thơ tùy thuộc phần lớn vào sự biến đổi kỹ thuật của nó.

LÐ: Tại sao tập Của căn cước ẩn dụ anh lại không gởi đến nhà xuất bản để xin giấy phép như 2 tập trước? Phải chăng anh sợ NXB từ đây?

NQC: Rồi cũng phải sợ thôi. Không sợ cũng không xong, vì với họ, chữ tóc rất đạo đức, nhưng tới chữ lông sắp có vấn đề; chữ mắt cực kỳ đạo đức, nhưng chữ cặc chắc chắn đồi trụy; chữ cần cù dĩ nhiên yêu nước, nhưng chữ dân ngu cu đen là trăm phần trăm phản động; thậm chí chữ Bác Hồ mà viết sai chính tả thành bác Hồ thì cũng toi đời, cũng sắp thành đại phản động như chơi. NXB là cái chợ đen chuyên bán giấy phép cho giới đầu nậu, nhưng không bán bừa bãi à nghen, vì bừa bãi là phạm phải cái phản động và đồi trụy ngay, mà phải bán có định hướng, định hướng XHCN đàng hoàng. Tập thơ Của căn cước ẩn dụ không có tóc nhưng có nhiều lông, không có cần cù nhưng lu bù cu đen, do đó đếch có định hướng gì ráo, mà xem ra còn bừa bãi nữa, thì làm sao mà xuất với bản gì được. Xuất có nghĩa là mất, và bản có nghĩa là gốc. Xuất bản là mất gốc. Vì sợ mất gốc nên tôi đách dám đến nhà xuất bản.

: Về sự quan tâm chủ đạo, tư tưởng xuyên suốt trong 3 tập thơ?

NQC: Cái xuyên suốt trong 3 tập thơ là cái hoang (mang, thai, đường, phế, phí, hoác). Tuy mỗi tập một kiểu hoang, nhưng tất cả đều nhằm vào một tiêu (điểm, sơ, tán, điều, lòn, tùng, cực, hoá) là gây hoang mang. Vì cái xuyên suốt của ban tư tưởng là chống hoang mang. Chính vì sự xuyên suốt chống hoang mang của ban tư tưởng trong một xã hội rất đỗi hoang (mang, đường, phí, thai, phế, vu) nên đã bức (gân, tóc, rức) nghệ thuật, trong đó có thơ, phải làm ngược. Cứ làm ngược những gì ban tư tưởng chủ (trương, nợ, nô) thì sẽ thuận với bản tính tự nhiên của con (người, ngươi, cặc). Bởi khi hoang mang người ta mới có cơ thay đổi, và thay đổi suy nghĩ là cách duy nhất để lần mò hướng tới tự do. Còn nếu không biết hoang mang, nghĩa là cứ khư khư lập (trường, lờ, loè, cập, công) sớm muộn gì cũng thành kẻ bảo thủ và phản động về tư tưởng. Vì phản động là đi ngược, và ai mà đi ngược với phát triển thì đều là phản động tất. Tôi thấy ban tư (tưởng, trang, đồ, mã, lự, thục) hay chụp cho người này người kia cái mũ phản (động, thùng, gỗ, phất, diện, gián, lực, tặc, quang, xạ) trong khi đó họ mới là những phần tử phản động cực kỳ. Vì nhiệm vụ chính (trị, tả, chuyên, phụ, em) số một của ban tư tưởng là kiểm soát tự do tư tưởng (hoang mang) của người khác.

: Theo anh, tại sao bây giờ các nhà thơ trẻ-chịu cách tân, lại thích in photocopy?

NQC: Tư nhân chỉ có quyền thịt chó, thậm chí buôn trẻ em và phụ nữ, nhưng không có quyền làm xuất (bản, tinh, biểu, phát, hành, nhập, sắc). Xuất bản là độc quyền của nhà nước. Một nhà (nước, tôi, thổ, mồ, thương, nguyện, xí) độc (quyền, địa, ác, mồm, thân, đạo) thì rất điên tiết với những gì gọi là cách (tân, mạng, khoảng, cách). Và photo là một hình thức tự (nhiên, phát, sự, tình, do, mãn, tử) của quyền tự do nói năng đương hồi gặp khó (khăn, qúa, tả, dễ, về, ngủ). Quyền này không thể xin mà có, mà phải vọc thì mới cứng lên được. Khẩu hiệu không có gì quý hơn độc lập tự do phải hiểu là tự do độc lập trong mỗi người, chứ không phải trong không khí hay trên khẩu hiệu. Các nhà thơ trẻ chịu cách tân làm ơn áp dụng tối đa khẩu hiệu không có gì quý hơn độc lập tự do mà photo nhiều vào. Mới thấy có Bùi Chát photo Xáo chộn chong ngày, còn Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lynh Barcadi, Lý Ðợi, Khúc Duy... chẳng chịu vọc cho cái độc lập tự do của mình nứng lên gì cả. À, không, không phải, tôi sai rồi, các ông kẹ bà chằn này đang vọc rất dữ, đang làm nóng mạng Tienve, talawas, eVăn đó chứ.

: Có một người nhận xét Nguyễn Quốc Chánh là bàn tay cuối cùng khép lại thơ tự do Việt thế kỷ XX, anh nghĩ gì về nhận xét này? Thế bây giờ anh làm thơ gì? Cách thức liên tưởng hình ảnh của nó?

NQC: Nhận xét như vậy là theo phái tân hình thức của nhà thơ Khế Iêm. Vì phái này cho rằng tân hình thức là một thể mới đã thay thế thơ tự do. Nên nhớ thơ tự do không phải là một thể, nó có thiên hình vạn trạng cách thế, nó xuất phát từ một chữ rất đẹp: free verse (thơ tự do). Rõ ràng nó không có một hình thái (form) nào trong cơ cấu nội (bộ, tạng, mông, thất, ngoại), nó chỉ trơ trụi là free (verse, soil, liver, trade). Trong khi tân hình thức là một thể nên nó tồn tại trong một hình thái nhất định, còn thơ tự (do, lo, túc, sử, sự, sát, trào, mãn) không phải là một thể nên nó biến đổi không cùng.

Thử tháo một bài thơ tân hình thức, sau đó chấm phẩy hoặc để nguyên con dưới dạng một đoạn văn xuôi, sẽ thấy ngay thường là một đoạn văn xuôi dở; còn nếu tháo một bài tân hình thức, sau đó ngắt nhịp theo thơ tự do thì sẽ có một bài thơ tự do thường cũng không hay, nhưng còn dở hơn bởi vớt vát được nhờ cái nhịp so (le, kè, cựa, đo). Tôi nghĩ thơ tự do có mở chứ không có khép, chỉ có con đường thơ tự do của mỗi người mới có mở và khép thôi. Chắc vì lầm lẫn chỗ này nên mới có lập luận thơ tự do đã đến đỉnh bởi ông A, bà B, nên ông C, thằng X đừng làm thơ tự do nữa vì đã hết đường, vì không thể vượt qua ông A, bà B...

Và bây giờ tôi làm thơ như vầy:

Tao là cái thoi thóp chình ình trên thớt
Ðụ má tụi mày cứ không ngớt mài dao

: Trước các trào lưu mới như Tân hình thức, Hậu hiện đại... trong thơ Việt, anh đặt để công việc sáng tác của mình ở chỗ nào? Anh nghĩ gì về thơ Việt hiện nay?

NQC: Theo tôi, tân hình thức là một dạng của thơ tự do, phát triển ở nghệ thuật tính truyện, đồng thời là một dạng của thơ tự do, giật lùi ở nghệ thuật vắt dòng (cứ 7 chữ xuống hàng). Thơ tân hình thức là tình trạng tiến thoái lưỡng nan của một trong những dạng thơ tự do. Tiến về hình thức tính truyện, và thoái về hình thức vắt dòng.

Còn hậu hiện đại, tôi thấy có những dấu hiệu (bịnh lý) hậu hiện đại trong thơ Việt qua thơ của Nguyễn Ðăng Thường, Ðỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hoàng Tranh, Thận Nhiên, Trần Minh Quân (hải ngoại), Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lynh Barcadi, Bùi Chát, Lý Ðợi, Trần Tiến Dũng (Sài Gòn) Phan Huyền Thư (Hà Hội).

Lý thuyết hậu hiện đại xuất hiện cách đây nhiều năm trên Tạp chí Thơ, sau đó trên Tạp chí Việt, và nhất là bài giảng Tính cách bội trương trong văn chương tương lai của Calvino (Hoàng Ngọc-Tuấn dịch, Việt số 6 năm 2000). Ðối với tôi đó là những đóng góp quan trọng nhất của Tạp chí Thơ, Việt và của các anh Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, một lần nữa thức tỉnh ý thức mới (đúng ra là hậu ý thức mới, vì hơn 30 năm trước Phạm Công Thiện đã một lần kích động Ý thức mới trong văn nghệ và triết học) đối với một số người làm thơ ở Sài Gòn, và họ là những nhà thơ năng động nhất hiện nay đang ứng (dụng, tác, chiến, phó, khẩu) tinh thần hậu hiện đại như Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lynh Barcadi, Bùi Chát, Lý Ðợi.

Với tôi ý thức hậu hiện đại, cụ thể là cái định nghĩa “chọc trời khuấy nước” của Calvino: “Những dự án tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực, nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương... chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì chừng ấy văn chương mới đạt được tác dụng của nó”. Và tôi đã hớn hở thộp được cái yếu tính của nó, hứng khởi viết một loạt bài theo tinh thần bội (trương, cơ, bạc, số, phản, thực) trong tập Của căn cước ẩn du (2001). Trước đó tôi đã đọc Ðất hoang của T.S. Eliot, nên khi đọc Tính cách bội trương trong văn chương tương lai, tôi thấy ngay Ðất hoang là một thí dụ rất bội trương nên không còn lý do gì mà tôi không thử bội trương trong thơ của mình. Và bài đầu tiên là Sân khấu quay. Sau khi viết xong bài này tôi khoái chí khoe với Ðinh Linh ngay, và Ðinh Linh hào hứng dịch ra Anh ngữ liền. Rất may, vào thời gian đó, nhà thơ hậu hiện đại Ðinh Linh đang «nằm vùng’’ ở Sài Gòn, và gần như hàng tuần, chúng tôi (Ðinh Linh, Phan Bá Thọ...) thường nhâm nhi vài xị Làng Vân với những que chả chìa tổ bố và tào lao đủ thứ trên đời. Nhưng thật tuyệt vời, những chuyện tào lao đó lại góp (phần, vốn, gió) tiêm nhiễm vào tôi tinh thần hậu hiện đại lúc nào không biết.

Trong một phỏng vấn, Ðinh Linh nửa đùa nửa thật là, tân hình thức chỉ được mỗi chữ Tân. Tân tức là Tân (Trào, Biên, An, Ðịnh). Và rồi hậu hiện đại chắc cũng chỉ được mỗi chữ Hậu. Hậu cũng có nghĩa là hậu (mãi, hĩnh, đậu, môn). Tôi đặt để công việc sáng tác của tôi ở chỗ nào hả? Chắc ở giữa Tân và Hậu. Tôi theo trào lưu Tân-Hậu mà. Ở giữa Tân và Hậu thế nào cũng có một lỗ rỉ, và tôi đang hì hà khoét cho cái lỗ rỉ đó thành một lỗ thông hơi. Sáng tác là khoét cho mình cái lỗ để ló ra thụt vào với cái khối bít bùng vây quanh, chứ không phải để minh (họa, oan, định, chủ) cho các trào lưu, chủ nghĩa như có nhiều người hay lầm tưởng.

Thơ Việt bây giờ cũng như thơ Việt từ thời Lý-Trần, vẫn trong tình trạng truyền (thống, cảm, tụng, nhiễm) là luôn luôn phải cũ người rồi hãy mới ta. Do đó các nhà thơ Việt hiện tại cứ thoải mái mà giao kèo, ký kết, hợp đồng, móc ngoặc, thậm chí tham ô, hối lộ tối đa với những di sản từ các nghĩa địa Vị lai, Ða đa, Siệu thực... đến các nấm mồ tân hình thức, hậu hiện đại. Tất cả những di sản đó đều hữu hiệu cho chứng đau lưng nhức mỏi, vì chúng đều là cao hổ cốt, cao trăn, cao khỉ cả. Bởi vì thơ Việt cũng giống kinh tế Việt, nếu không có vốn đầu tư nước ngoài, không có các loại cao thì sẽ sa vào tình trạng èo uột và đau lưng nhức mỏi ngay.

: Rồi cả các sân chơi nữa chứ, từ báo Văn Nghệ, Hội nhà văn đến các địa chỉ khác; anh là người ở chỗ nào?

NQC: Báo Văn Nghệ, Hội nhà văn tuyệt đối không phải là chỗ của tôi. Nó là chỗ của đảng lập ra nhằm để cai quản đám văn nghệ cán bộ. Khi đảng còn đủ cái phi thường để cai trị một cách phi lý thì đám văn nghệ cán bộ luôn luôn “lấp lánh ánh sáng”. Nhưng một khi đảng già yếu hay vì một lý do (kỹ thuật) nào đó mà mất đi quyền lực phi phàm, thì đám văn nghệ cán bộ kia lập tức nháo nhác và biến thành “hạt bụi” ngay. Tôi nói như vậy là dựa theo kinh nghiệm lừng lẫy hơn nửa đời (hư) thay mặt đảng cai (quản, trị, đầu dài, nghiện) đám văn nghệ nô bộc của Nguyễn Ðình Thi. Những gì ông Thi viết rồi cũng sẽ thành tro bụi như bao nhiêu thứ khác trên đời, nhưng câu nói hân hoan tận đáy (lòng, đĩa, thắt lưng ong, thiên) của một bầy tôi chuyên nghiệp (“chúng ta, những nhà văn, chúng ta là những hạt bụi, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng”) mà Bùi Minh Quốc ghi lại, tôi nghĩ, sẽ còn lấp lánh ánh sáng dài dài, ngay cả khi đảng vinh (quang, qui, thân) lỡ một mai không còn nữa. Vì ở đó, trong câu nói đó, đảng không còn là một tổ chức chính trị, mà đảng trong trí tưởng tượng nô bộc của Nguyễn Ðình Thi là thuộc quyền năng của thượng đế. Hay nói khác, Nguyễn Ðình Thi đã thượng đế hoá đảng, tức đảng là thượng đế, và ông ta không biết là tên tông đồ thứ mấy?!

Tôi ba đời vô thần, nên làm sao có chỗ ở cái nơi mà cái gì cũng có thể thành thần, từ thần ăn mày đến thần phá hoại. Có vài chỗ tôi hay ghé chơi lai rai, trước đây là Tạp chí Thơ, Hợp Lưu và hiện nay là Tienve, talawas.

LÐ: Ai từng quen với anh, cũng thấy rằng anh quan tâm nhiều đến ý niệm Tự Do. Theo anh thế nào là tự do theo nghĩa thông thường? Và tự do trong nghệ thuật?

NQC: Tự do là một ý niệm hay ho trong số những ý niệm thuộc về tinh (thần, trùng, dịch). Ý niệm này cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, và nếu ý niệm này sống sót và trưởng thành, thì các ý niệm tạp nham khác sẽ không có chỗ trong ý thức. Chẳng hạn các ý niệm: “CHXNCN Việt Nam”, “giải phóng miền Nam”, “mặt trận tư tưởng”, “văn hoá trung ương”... Theo tôi đó là những ý niệm cần phải được dọn dẹp, khai trừ, khai tử thì những ý niệm “dân chủ”, “phát triển”... mới có thể nảy sinh. Và ý niệm tự do phải nhập (khẩu, thân, thần, gia) vào cây chổi chà, con chó săn thính mũi trong công việc dọn dẹp và khai trừ (khử) này.

Còn tự do thông thường là ra đường phải nhấp thắng và giảm ga khi thấy tín hiệu đèn vàng. Và tự do trong nghệ thuật là thả ga và buông thắng trước mọi tín hiệu.

LÐ: Thơ của anh thuộc về truyền thống nào: phương Ðông hay phương Tây?

NQC: Thơ tôi chắc chắn thuộc truyền thống rác. Vì Việt Nam là một cái sọt của cả đông và tây. Hơn một ngàn năm chống chọi, chung chạ với các đế quốc Tàu, Tây, Nhật, Mỹ, Nga nên Việt Nam có cái số phận văn hoá bi đát kỳ lạ, nghĩa là vừa đĩ thõa vừa chính chuyên y chang cuộc đời cô Kiều. Tại sao người Việt mê Truyện Kiều như điếu đổ vậy? Tôi nghĩ là vì trong vô thức, người Việt thấu (cảm, đáy, xương, cật) cái số phận bi đát của Kiều có nhiều nét tương đồng tiền kiếp với số phận bi (đát, hài, kịch, bô) của lịch sử bị trị Việt Nam. Ðó là cái mặc cảm tự vệ về văn (hóa, vần, vật, khúc). Và chính cái mặc cảm tự vệ về văn hóa đó mà Việt Nam không biết đến bao giờ mới thôi là cái sọt của thiên hạ, cả đông và tây. Những cuộc cãi vã giữa cũ và mới, giữa truyền thống và cách tân chẳng qua chỉ là những cuộc nội (chiến, mông, thất, trợ, bài) giữa 2 cọng rác đông và tây. Trong cái môi trường văn hoá giả cày như vầy, giải pháp của tôi là: xài và vứt thật nhanh những cọng rác vừa lượm, cả đông (tà) lẫn tây (độc).

: Thơ lục bát anh thấy thế nào?

NQC: Chỉ 2 câu thì hay, nhưng tới 4 câu thì bắt đầu dở, mà đến mấy ngàn câu thì không thể chịu nổi.

LÐ: Cái thiếu của thơ Việt?

NQC: Là thừa bản năng và kém ý thức. Hoặc bản năng lừng khừng và ý thức chơi vơi, nên mới có tình trạng đổi mới một tẹo là co vòi rụt cổ rồi, vì đi xa quá chắc sợ các cụ ở nhà xóa tên trong gia phả.

LÐ: Vẫn ý cũ, theo anh thế nào là một bài thơ nói chung; bài thơ tự do nói riêng? Thế nào là một bài thơ hay?

NQC: Khứa Sartre nói rằng, nhà văn là kẻ thấy chiến thắng lớn so với chiến thắng nhỏ, còn nhà thơ là kẻ thấy sự thất bại trong mọi chiến thắng. Khứa Sartre này không ưa thơ, nhưng sự thông tuệ của hắn khiến hắn nói đúng. Vì cái đám nhà văn khi nhìn củi thì chỉ thấy lửa khói thôi, còn đám nhà thơ hễ nhìn củi thì khốn nạn thay là nghĩ ngay đến tro than liền. Vì vậy cái gì mà do một nhà thơ viết ra thì đều có thể trở thành bài thơ nói chung; còn bài thơ tự do nói riêng là do một nhà thơ nói chung có ý thức mãnh (liệt, cầm, hổ, sư, thú) về tự do viết ra. Còn một bài thơ hay là bài thơ âm (ỉ, đạo, thầm) hoặc tức (tốc, thời, giận, mình) gây sự xáo trộn thẩm mỹ, khiến người ta phải coi lại bộ xử lý (CPU) của mình.

: Câu cuối, anh đang làm gì (trong thơ & ngoài thơ)? Nguyễn Quốc Chánh là ai (tiểu sử & nhận diện)?

NQC: Tôi mánh mung sống qua ngày. Còn cụ thể ra sao (trong và ngoài thơ) là thuộc về thiên cơ. Mà thiên cơ trong cái cơ chế tai vách mạch rừng này thì theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải giữ bí mật, vì những lý do sau:

Tôi sinh ở một nơi chẳng ra gì (Bạc Liêu), trong một gia đình chẳng ra gì (nửa Bắc nửa Nam), học ở những trường chẳng ra gì (nhớ mà không đáng kể), với những thầy bà chẳng ra gì (nhớ một vài tên nhưng cũng không đáng kể), và hiện sống trong một thành phố hỗn loạn rất ra gì (Sài Gòn), nên không thể không trở thành một kẻ chẳng ra gì (Nguyễn Quốc Chánh), và bởi vậy phải uống thuốc chống stress mỗi ngày (magne-B6).

Thực hiện qua email từ La Hán Phòng, ngày 22.7.2004.

© 2004 talawas