trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
24.3.2003
Umberto Eco
Tản mạn: Tiền phong, hiện đại, hậu hiện đại
Vũ Ngọc Thăng dịch
 
"Hậu hiện đại", không may, là một thuật ngữ xài đâu cũng được. Tôi có cảm tưởng là hôm nay người ta áp dụng nó cho mọi chuyện mà người sử dụng thích. Mặt khác, hình như có một ý đồ làm thuật ngữ này trượt lùi: trước tiên nó có vẻ thích nghi cho một vài nhà văn hoặc nghệ sĩ hoạt động trong hai mươi năm vừa qua, rồi dần dà kéo lại tới đầu thế kỉ, rồi lùi lại nữa, và cuộc đi vẫn tiếp tục, chắc không lâu nữa phạm trù hậu-hiện đại sẽ tới Homer.

Tuy nhiên, tôi tin rằng hậu hiện đại là một khuynh hướng không thể được diễn tả một cách lịch đại, nhưng là một phạm trù tâm linh, hoặc tốt hơn, một Kunstwollen - một phương thức thao tác. Chúng ta có thể nói rằng mỗi thời đại có một hậu-hiện đại của chính nó, cũng như thế, mỗi thời có chủ nghĩa Cách điệu (Mannerism) của chính nó (đến nỗi là tôi tự hỏi phải chăng hậu hiện đại là cái tên hiện đại của chủ nghĩa Cách điệu như một phạm trù sau-lịch sử [metastorica]). Tôi tin rằng mỗi thời đại người ta đạt đến những lúc khủng hoảng như những cái được Nietzsche diễn tả trong Thoughts Out of Seasons (Suy tư trái mùa), trên cái tác hại của những nghiên cứu lịch sử. Quá khứ điều kiện hóa chúng ta, đè lên vai chúng ta, bẫy rập chúng ta. Tính tiền phong lịch sử (nhưng ngay cả ở đây tôi muốn nói về tính tiền phong như một phạm trù sau-lịch sử) tìm cách giải quyết nợ nần với quá khứ. "Ðả đảo trăng rằm", khẩu hiểu tiến công của người vị lai, là một cương lĩnh điển hình của mọi thứ tiền phong, chỉ cần đặt điều gì đó thích hợp vào chỗ của trăng rằm. Tính tiền phong tiêu diệt quá khứ, bóp méo hình dạng nó: tranh Les Demoiselles d'Avignon là một thái độ điển hình của tính tiền phong; rồi tính tiền phong đi hơn nữa, tiêu diệt hình tượng, xóa bỏ nó, đến trừu tượng, đến nghệ thuật không hình thức, đến tranh trắng, đến tranh rạch, đến tranh đốt, trong kiến trúc là điều kiện tối thiểu qua tường màn, cao ốc hình trụ bia, khối hình vuông thuần túy, trong văn học sự phá hủy dòng diễn ngôn, đến lối cắt dán kiểu Bourroughs, cho đến sự im lặng hoặc trang giấy trắng, trong âm nhạc có sự chuyển bước từ phi chủ âm đến âm nhiễu, rồi đến sự im lặng tuyệt đối (theo chiều hướng này, một Cage của thuở đầu là hiện đại).

Nhưng sẽ đến lúc tính tiền phong (tính hiện đại) không thể đi xa hơn, bởi vì từ lúc này nó sản xuất ra một ngôn ngữ sau-ngôn ngữ nói về những văn bản không thể thực hiện được của nó (nghệ thuật ý niệm) [conceptual art]. Câu trả lời hậu-hiện đại cho hiện đại là ở việc chấp nhận rằng quá khứ - được nhìn nhận là không thể bị phá hủy, vì rằng phá hủy quá khứ mang đến sự im lặng - phải được thăm lại bằng trào phúng, trong một phương thức không ngây thơ. Tôi nghĩ về thái độ hậu hiện đại như về câu chuyện của ai đó yêu một người đàn bà, rất có học thức, và biết rằng không thể nói với cô ta: "Anh yêu em đến thẫn thờ", bởi vì chàng biết là nàng biết (và nàng biết là chàng biết) rằng câu này Liala đã từng viết rồi. Tuy nhiên, có một cách giải quyết. Chàng có thể nói: "Như thể Liala nói, anh yêu em một cách tuyệt vọng". Ðến điểm này, tránh được sự ngây thơ giả dối trong lúc nói rõ là không thể còn nói một cách ngây thơ nữa, tuy nhiên chàng con trai này đã nói với nàng con gái điều chàng ta muốn nói: rằng chàng yêu nàng, nhưng yêu nàng trong một thời đại của sự ngây thơ đã đánh mất. Nếu nàng con gái chịu vào cuộc chơi, nàng sẽ, y như thể, nhận được một sự tỏ tình. Không ai trong hai người cảm thấy ngây thơ, cả hai chấp nhận sự thách thức của quá khứ, của cái đã nói không thể loại trừ, cả hai đều vào cuộc chơi một cách có ý thức và với sự thú vị cho cái trò chơi của sự trào phúng...Nhưng cả hai sẽ thành công một lần nữa để nói chuyện tình yêu.

Trào phúng, cuộc chơi sau-ngôn ngữ, phát ngôn nhân đôi. Cho nên, nếu với cái hiện đại ai đó không hiểu trò chơi thì chỉ cần chối từ nó, nhưng với cái hậu hiện đại thì người ấy có thể không hiểu trò chơi mà lại xem nó là nghiêm túc. Ðây chính là phẩm chất / rủi ro của sự trào phúng. Luôn luôn có ai đó lấy diễn ngôn trào phúng như thể có tính nghiêm túc. Tôi nghĩ rằng những tác phẩm cắt dán của Picasso, của Juan Gris và của Braque là hiện đại: bởi đó người bình thường không chấp nhận chúng. Ngược lại, những tác phẩm cắt dán do Max Ernst làm ra, dàn dựng những mẩu mảnh trạm khắc của thế kỉ 19, lại là hậu-hiện đại: người ta cũng có thể đọc như một câu chuyện tưởng tưởng, một câu chuyện của giấc mơ, mà không nhận ra là chúng đại diện cho một diễn ngôn trên sự khắc trạm, và có lẽ trên chính sự cắt dán. Nếu hậu-hiện đại là điều này, thì rõ ràng là tại vì Sterne hoặc Rabelais đã là hậu-hiện đại, tại vì Borgés chắc chắn là hậu-hiện đại, tại vì trong cùng một nghệ sĩ có thể chung sống những thời điểm hiện đại và hậu-hiện đại thay phiên nhau, hoặc tiếp nhau. Hãy thử nhìn xem điều gì đã xảy ra với Joyce. The Portrait of The Artist as A Young Man (Chân dung nhà nghệ sĩ khi còn là một chàng trai trẻ) là câu chuyện của một thử ý cái hiện đại. Những câu chuyện trong The Dubliners (Người Dublin), dù xuất hiện trước, vẫn hiện đại hơn Portrait. Ulysses đứng ở đường ranh. Finnegans Wake đã hẳn là hậu-hiện đại, hoặc ít ra là mở ra một diễn ngôn hậu-hiện đại, nó đòi hỏi - để được hiểu - không phải sự phủ nhận của cái đã nói, nhưng của cái nghĩ lại trào phúng.

Trên cái hiện đại người ta hầu như đã nói hết ngay từ đầu (như những tiểu luận [như "The Litterature of Exhaustion"] của John Barth, vào năm 1967, và gần đây được tạp chí Calibano xuất bản, trong số 7 về chủ nghĩa hậu-hiện đại Mĩ). Người ta không phải là đồng ý với tất cả với những bảng phân định mà những lí thuyết gia của chủ nghĩa hậu hiện đại (gồm cả Barth) định cho các nhà văn hoặc các nghệ sĩ, ai là hậu-hiện đại, và ai chưa là. Nhưng tôi quan tâm đến định lí mà những lí thuyết gia của trào lưu rút ra từ những tiền đề của họ: "Nhà văn hậu-hiện đại lí tưởng không bắt chước và không chối từ các bậc cha mẹ [hiện đại] thuộc thế kỉ 20, cũng như những các bậc ông bà [tiền-hiện đại] thuộc thế kỉ 19 của họ. Nhà văn hậu-hiện đại tiêu hóa chủ nghĩa hiện đại, nhưng họ không mang nó trên vai như một gánh nặng.... Nhà văn này có lẽ không thể hi vọng đạt đến hoặc làm cảm động những người tôn sùng James Michener và Irving Wallace, đó là chưa nói đến những người mù chữ bị khoét mổ óc bởi những phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng nhà văn ấy nên hi vọng đến được với và mang lại giải trí cho, ít ra là đôi lúc, một công chúng rộng hơn, trong cái vòng những người mà Thomas Mann gọi là những người Ki-tô-giáo đầu tiên, những người hiến mình cho Nghệ Thuật... Tiểu thuyết hậu-hiện đại lí tưởng phải vượt qua những cãi cọ giữa chủ nghĩa hiện thực và phi hiện thực, giữa chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa "nội dung", giữa văn học thuần túy và văn học dấn thân, giữa chuyện kể ê-lít và chuyện kể đại chúng... Tôi cho là tính tương đồng đúng cho cả với loại nhạc jazz hoặc với nhạc cổ điển: mỗi lần nghe lại và phân tích nhạc bản, người ta khám phá ra nhiều điều mà lần nghe đầu không nhận ra, nhưng lần đầu phải là lần làm bạn thích thú muốn nghe lại, và điều này có nghĩa cho cả các chuyên gia lẫn những người không phải là chuyên gia." Cho nên Barth, vào năm 1980, khi đặt lại đề tài, nhưng lần này dưới đề tựa "Văn học của sự vẹn đầy: tiểu thuyết hậu-hiện đại". Dĩ nhiên, diễn ngôn có thể được đặt lại với một cái gu lớn về sự nghịch lí, như Leslie Fiedler đã làm. Một số Calibano xuất bản một tiểu luận của ông viết năm 1981, và rất gần đây, một tạp chí mới Linea d'ombra xuất bản một bài viết của ông tranh luận với những tác giả Mĩ khác. Fiedler khiêu khích, rõ là như thế. Ông khen The Last of the Mohicans (Người cuối cùng của tộc người Mohicans): chuyện phiêu lưu, chuyện Gô-tích, thứ chuyện vớ vẩn bị các nhà phê bình xem nhẹ nhưng tạo được những huyền thoại, và làm sinh sôi nẩy nở sự tưởng tượng của nhiều thế hệ. Fiedler tự hỏi liệu có thể xuất hiện lại câu chuyện gì đó, tương tự như Uncle Tom's Cabine (Căn lều chú Tom), cuốn truyện mà người ta có thể đọc trong bếp, trong phòng khách, và trong phòng trẻ con. Ông đặt Shakespeare vào những tác gia biết cách mang lại giải trí, cùng với Gone With The Wind (Cuốn theo chiều gió). Tất cả chúng ta đều biết rằng ông ta là nhà phê bình rất tinh nên không thể tin vào những điều này được. Một cách đơn giản, ông chỉ muốn phá bỏ cái hàng rào dựng lên giữa nghệ thuật và sự thú vị. Ông trực giác ra rằng, ngày hôm nay, giữ vị trí tiền phong có nghĩa là đạt đến công chúng rộng rãi và làm sinh sôi nẩy nở những giấc mơ của họ, và ông vẫn để cho chúng ta có tự do nói rằng làm sinh sôi nẩy nở những giấc mơ của người đọc không nhất thiết có nghĩa là giải khuây họ. Mà có thể có nghĩa là ám ảnh họ.

© 2003 talawas
Nguồn: Trích "Postille a il nome della rosa", Bompiani, 1984