trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
6.8.2004
Nguyễn Thúy Hằng
Trong chăn có rận
 1   2 
 
Tôi viết bài Trong chăn có rận với dụng ý không muốn chỉ trích và đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà phê bình mỹ thuật về sự suy yếu của hệ thống giáo dục mỹ thuật tại Việt Nam. Tôi chỉ muốn kêu gọi các nhà phê bình hướng tới điểm xuất phát nhưng lại rất quan trọng là mỹ thuật từ trong trứng nước, nhằm vào khuôn khổ hệ thống giáo dục mỹ thuật của trường ÐH Mỹ Thuật Việt Nam. Như Nguyên Hưng viết “nó là tình trạng chung cho nền giáo dục Việt Nam ở mọi lãnh vực”. Nhưng hiện tại, những sự thực nằm trên cái “chiếu” trường ÐH Mỹ Thuật này vẫn chưa được ai hân hạnh phô bày, vén một cái “chăn” để người quan tâm đến lĩnh vực mỹ thuật biết thật sự có vô số “rận” bên trong.

Ðiểm sơ qua các bài phê bình mỹ thuật trong nước, tôi vẫn chưa thấy ai đề cập đến lĩnh vực này, nó hầu như còn bỏ ngỏ, hay “sự yên tĩnh” về hoạt động trong ngôi trường này đã đạt đến sự tuyệt đối, khiến người ta hầu như lãng quên (hoặc quá “yên tâm” về nó?).

Trong mấy năm học, tôi chưa bao giờ thấy nhà trường mời các nhà phê bình đến nói chuyện chuyên đề về phê bình tranh cho sinh viên chứ đừng nói đến mời các hoạ sĩ nước ngoài hoặc trong khu vực đến nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm về kĩ năng sáng tác hoặc thuyết trình thêm về sự đa dạng các trường phái mới trong hội hoạ.

Ngoài ra, lỗ hổng lớn nhất và đem lại nhiều thiệt thòi nhất cho sinh viên là sự bảo vệ tác phẩm của họ ở mỗi kì thi cuối năm hoặc kì thi tốt nghiệp. Họ không được chuẩn bị, rèn luyện ý thức về sự chuyên nghiệp của một hoạ sĩ khi đứng trước tác phẩm của mình, tự trình bày, nói lên ý tưởng, cảm xúc vốn có hoặc bảo vệ tác phẩm. (Vì hiện nay, nhiệm vụ của sinh viên trong ngày chấm thi là chỉ cầm micro nói tên họ, tên tác phẩm, nơi sinh viên lấy tư liệu thực tế. Nếu họ nói đôi chút suy nghĩ tại sao mình vẽ đề tài này và cái mình thích trong bức tranh của mình thì lập tức bị các thầy thu hồi micro, không cho giải thích). Nếu thầy chủ nhiệm không lên tiếng bảo vệ bài cho sinh viên thì coi như những gì họ muốn nói lên qua tranh vẽ, sự nghiên cứu và tìm tòi coi như bị phủ nhận. Hầu như việc khen hay chê, việc đánh giá và cảm thụ tác phẩm đều diễn ra từ phía thầy cô, còn người sáng tạo buộc “nép” sau lưng tác phẩm.

Ngoài Hội đồng chấm thi gồm những thầy cô dạy trong trường, sinh viên không có một tiếng nói thứ ba (nằm ngoài Hội đồng, nằm ngoài họ) chẳng hạn: nhà phê bình, những người liên quan đến ngành nghề (mặc dù hiên nay chưa có nhà phê bình nào “nhảy” vào “trận chiến” này cả hay đơn giản là họ không được mời tham dự hoặc không muốn tham dự, nhưng dù sao tôi vẫn hy vọng rằng có còn hơn không), để thấy được tính chất nghệ thuật của tác phẩm nhìn từ nhiều phía chứ không đơn thuần là “cây nhà lá vườn”, (tiên tiến hơn là hệ thống giáo dục sinh sản vô tính”: nghĩa là thầy bắt học trò làm đúng ý mình, khống chế từ cách thể hiện cho đến đề tài, còn không thì chắc chắn bị điểm kém hoặc phê bình trước toàn Hội đồng chấm thi là sinh viên không theo sát ý giáo viên?!).
Sở dĩ tôi nêu lên những khúc mắc của kì thi tốt nghiệp tại ngôi trường này vì sau những lần chấm thi, hầu như sinh viên từ năm đầu lẫn năm cuối đều rơi vào tình trạng hoang mang, do dự trước cách đánh giá giá trị nghệ thuật của thầy cô. Và tệ hại hơn là phần đông sinh viên còn lại trong trường đều biết rõ cái gì là họ không được làm, những đề tài gì bị cấm kị, và lối vẽ nào là không nên vẽ chứ không phải được đẩy mạnh sáng tạo. Ðiều cuối cùng còn lại là: chẳng thà họ sao chép đề tài, cách thể hiện những bài được điểm cao còn hơn là vẽ theo cái họ thích. Vì thế, việc có mặt của người bên ngoài trường, một tiếng nói có giá trị thẩm định mỹ thuật là cơ hộì duy nhất để sinh viên thoát khỏi cảnh luôn bị nghe ý kiến thầy cô một cách áp đặt. Nói tóm lại sinh viên luôn bị bưng bít về cách nhìn, một mặt không tin tưởng vào trình độ thẩm định giá trị nghệ thuật của thầy cô, một mặt họ cần nhận nhiều cách nhìn rộng rãi, đa diện và mang tính chuyên nghiệp hơn.

Tôi nghĩ sinh viên không ngại nhìn vào mặt yếu của mình, họ chỉ sợ phải đi theo một con đường mà ngay khởi đầu cũng như kết thúc, chẳng có gì sáng sủa hơn.

Ðể kết thúc bài viết, vấn đề ở đây tôi đặt ra là: các hoạ sĩ đã thành danh hoặc có tác phẩm bên ngoài thì đã có công chúng và các nhà phê bình đánh giá, nhưng chúng tôi, những sinh viên còn ngồi trong ghế nhà trường, chúng tôi sẽ được ai (hoặc số đông tầng lớp nào) cung cấp một nhận định khách quan ngay khi sự tin tưởng về nền giáo dục mỹ thuật tại nơi chúng tôi học đã bị đánh mất?

Ngày 2 tháng 8 năm 2004

© 2004 talawas