trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tếTư tưởngVăn hoá và phát triển
16.8.2004
Catherine Caufield
Chân tướng Ngân hàng Thế giới
Phạm Toàn dịch
 
Lời người dịch: Ngay trang đầu cuốn sách về Ngân hàng Thế giới (WB), Catherine Caufield viết lời đề tặng úp mở như sau: “Sách này dành tặng cho CLC, người dũng cảm nhẹ như không” (The book is for CLC who wears her courage lightly). CLC là ai? Đọc xong sách, hình dung những khó khăn bà bắt gặp khi làm công trình này, ta sẽ thấy ngay CLC chính là ba chữ cái viết tắt tên tác giả.

Chính vì sự khâm phục đó mà tôi bỏ tiền mua sách, rồi lại chọn dịch với bạn 2 khúc của cuốn sách Lời đầu và Lời cuối. Mấy điều sơ sài ở hai chương hẳn cũng tạm đủ một thìa để “nếm” thử coi WB mặn nhạt ra sao. Rõ ràng là vào thời đại ngày nay, các dân tộc không thể đứng ngoài rìa cuộc Toàn cầu hoá triệt để và toàn diện, nhưng cũng lại không thể chỉ biết nhắm mắt đưa chân cho con tạo xoay vần. Vậy là muôn thuở vẫn còn đó cho từng người một câu hỏi đầy tinh thần trách nhiệm.

Catherine Caufield sống ở Bắc California, là phóng viên môi trường cho tạp chí New Scientist Anh trong 5 năm. Bà thường in bài ở các báo The New Yorker và The Guardian. Các tác phẩm đã xuất bản: In the Rain Forest (Trong rừng nhiệt đới), Multiple exposures (Vô vàn điều phơi bầy), The Emperor of the United States of America and Other Magnificent British Eccentrics (Hoàng đế Hoa Kỳ và những trò rồ kỳ vĩ khác của nước Anh).
Lời đầu
Không phải một Ngân hàng bình thường

Ngân Hàng Thế Giới (WB), đó không phải là cái bạn vẫn quen hình dung về một ngân hàng. Nó sẽ lấy đi tiền của bạn - và nếu bạn là người đóng thuế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thì nó đã lấy mất tong rồi. Thế nhưng bạn đừng có tới Washington DC nơi tổng hành dinh của nó để đòi rút tiền ra, hoặc là nộp đơn xin vay nữa, bởi vì WB chỉ cho các chính phủ vay. Thực ra thì nó chỉ cho vay các chính phủ nào không có khả năng vay nơi khác. Đó là nhà băng khi hết đường thì mới đến mà vay, nó cho vay đến các quốc gia có nhiều rủi ro tín dụng đến nỗi không thể nhận được vốn với thời hạn và mức lãi phải chăng từ các nhà đầu tư tư nhân.

Công chuyện kinh doanh của WB là sự phát triển của Thế giới Thứ ba, một hoạt động có thể mô tả như là một nghệ thuật - bởi vì chắc chắn nó không là khoa học - nghệ thuật nâng cao cuộc sống các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh. Thực sự cái gì là nâng cao và làm cách nào thực hiện sự nâng cao, đó là những vấn đề tranh cãi trong hơn năm chục năm trời. Thế nhưng bất kể nội dung của “phát triển” là gì thì WB cũng vẫn cứ là nhà lãnh đạo công cuộc đó.

WB duy nhất là người lãnh đạo lớn nhất của Thế giới Thứ ba. Nó nắm trong tay hơn 11% các món nợ dài hạn nước ngoài, cả công lẫn tư ở các nước này. Thế nhưng WB còn làm nhiều hơn là cho vay tiền; nó còn quyết định cả việc dùng tiền vay được như thế nào. Nó đề xuất, nó thiết kế, và nó kiểm soát cách thức thực thi các dự án do nó tài trợ. Nó yêu cầu bên vay phải có những chính sách kinh tế và các chính sách đối nội khác được nó coi là sẽ dẫn tới sự phát triển có kết quả. Ngoài ra, nó còn có ảnh hưởng to tát ghê gớm đến các quyết định của những nhà tài trợ khác trong việc ủng hộ hoặc bỏ rơi một dự án - hoặc một quốc gia.

WB cũng là thế lực thống trị trong cái gọi là cộng đồng phát triển, trong đó có cả những ngân hàng trong vùng tầm cỡ nhỏ hơn, các tổ chức viện trợ công và tư khác, và các học giả về kinh tế và lập kế hoạch. Việc người ta hàm ơn WB phần lớn là do nó có vô vàn kinh nghiệm trong việc tạo ra các món vay và cũng còn tuỳ theo khuôn khổ to nhỏ của các món vay đó nữa.

WB làm việc cật lực để duy trì vị trí lãnh đạo của nó: WB chi rất nhiều nhằm phổ biến triết lý phát triển của nó thông qua các xuất bản phẩm, thông qua các hội thảo to nhỏ, và thông qua công việc huấn luyện nó rót cho những người vay nợ. Kết quả là quan điểm phát triển của WB được thắng thế cả trong khi thảo luận cũng như trong hành động. Như Gustav Ranis, giáo sư Kinh tế quốc tế tại Đại học Yale đã viết: “Có những người lãnh đạo công cũng như tư có thể trách móc, không đồng tình, có khi còn phê phán và cũng có lúc đi chệch khỏi các lập trường của WB... song ít có khi người ta đặt lại vấn đề về việc WB thực sự thống trị mọi mặt vũ đài”.

Được tạo ra nhằm lấp chỗ trống thời hậu chiến tranh, việc WB đã tồn tại hơn nửa thế kỷ đầy thay đổi toàn cầu về kinh tế và chính trị phần lớn là do khả năng nó tự định nghĩa lại chính mình. Trong những con người WB chọn có những người là công cụ của chủ nghĩa tư bản, là người thân của một chính quyền mạnh, là một nhà môi giới quốc tế, là một thế lực công nghiệp hoá, một tiếng nói đòi công bằng xã hội, một thiết chế tài chính cứng rắn, một điều phối viên của nền kinh tế toàn cầu, một tổ chức các thứ dịch vụ xã hội, và một kẻ biện hộ cho nền tự do kinh doanh cá thể.

Các sắc diện đó có chung lời khẳng định của WB rằng họ đều bằng cách này hay cách khác làm cho thân phận người nghèo được dễ chịu hơn. Trải qua nhiều năm, việc giúp đỡ người nghèo đã thành một phương diện ngày càng gia tăng tầm quan trọng được WB tự gán cho mình. Xóa nghèo, mới đầu chỉ là một khía cạnh mang tính ước vọng của việc cho vay tiền của WB thì nay lại thành tâm điểm tồn tại của Ngân hàng này.

Hiển nhiên là, thông qua những dự án khổng lồ của mình và thông qua ảnh hưởng còn to tát hơn nữa lên các chính sách nhà nước, WB có tác động lớn đến người nghèo. Thế nhưng bên cạnh nhóm người nghèo, WB cũng lệ thuộc và tác động tới các nhóm khác nữa. Trong số này có cả những thị trường tài chính quốc tế đã cho WB vay hàng trăm tỉ đô la; có những người đóng thuế đã được bảo đảm là họ sẽ được hoàn trả hàng trăm tỉ đô la đó; có các chính khách của các nước giàu đã đẻ ra các bảo đảm đó; có các chính phủ những nước nghèo mà lý do của việc họ tiếp tục vay nợ chính là lẽ sống còn của họ; có các người hợp đồng và nhà tư vấn đã kiếm cả tỉ đồng mỗi năm để tiến hành các công trình được WB tài trợ; có các ngân hàng tư nhân vừa đua chen vừa hợp tác với WB; có những nghiệp đoàn quốc tế tiến hành công chuyện với những người đi vay tiền WB; có bọn quan liêu ở các nước đang phát triển hiệp tác với WB và khi hứng lên còn phục vụ cho WB nữa; và cuối cùng nhưng không phải là điều nhỏ nhặt không chút gì hệ trọng, đó là hàng chục nghìn người làm công cho WB với đồng lương khá.

WB làm cách gì để đáp ứng được những thành phần khác nhau đó - trong tư cách người lãnh đạo được thừa nhận tại chỗ WB làm cách gì để thực hiện công cuộc phát triển - đó chính là chủ đề cuốn sách này.



Lời cuối
Năm mươi năm vẻ vang

Mục đích của Ngân hàng Thế giới, như đã được các sáng lập viên xác định, là “tham gia vào việc tái thiết và phát triển lãnh thổ các thành viên bằng cách tạo điều kiện dễ dàng cho việc đầu tư nhằm các mục đích xây dựng”. Song vào những năm 1960, nó đã đưa ra những tham vọng to tát hơn nữa. Nói theo ngôn ngữ hồi cuối thập kỷ vừa rồi, nó đã “tự tái tạo mình” bằng cách thêm thắt vào các nhiệm vụ kia một sứ mệnh nói to lên một cách tường minh, ấy là đấu tranh chống lại sự đói nghèo toàn cầu. Mỗi chủ tịch của WB kể từ McNamara đều nói rằng công việc giảm nghèo là mục tiêu chính yếu của Ngân hàng này.

Thế nhưng mặc cho có các nỗ lực của WB, mục tiêu này theo nhiều cách càng ngày càng xa vời hơn bao giờ hết. Năm 1972, WB nói rằng 800 triệu con người sống trong tình trạng nghèo đói tuyệt đối - “một điều kiện sinh sống suy thoái vì bệnh tật, vì mù chữ, thiếu dinh dưỡng và sinh hoạt bẩn thỉu đến độ làm cho các nạn nhân của nó không còn cần đến những nhu cầu tối thiểu của con người nữa”. Con số đó từ đấy đã tăng lên 60% thành 1,3 tỷ so với một dân số 5,5 tỷ (80% dân số thế giới sống trong các nước đang phát triển).

Song cũng vẫn có những đốm sáng trong bức tranh kia. Một đốm sáng, ấy là sự gia tăng nạn nghèo khó tuyệt đối đã không tương ứng với sự gia tăng dân số, vì vậy mà tỷ lệ thế giới thứ ba sống trong cảnh nghèo đói tuyệt đối đã giảm từ 40 xuống 25 phần trăm. Bên cạnh đó, quả thực là tất cả các nước đang phát triển đều đã có những cải thiện trong nhiều chỉ số phúc lợi quan trọng, trong đó có tỷ lệ gia tăng tuổi thọ và tỷ lệ người lớn được biết chữ. Nhưng dẫu sao thì WB cũng thừa nhận rằng “nhiều quốc gia đã được cải thiện rất kém, và một số tiêu chuẩn cuộc sống đã thực sự tụt xuống trong ba chục năm qua”. Các con số của WB cho thấy trong số 4,5 tỷ người trong các nước đang phát triển, có 1 tỷ thiếu nước sạch, 2 tỷ không có các điều kiện vệ sinh và y tế, 100 triệu bé gái không được đi học, và mỗi năm có gần 8 triệu trẻ em chết vì không khí ô nhiễm, vì nước bẩn, và vì những bệnh tật có thể phòng tránh một cách dễ dàng.

Dĩ nhiên là không có cách định nghĩa chắc chắn và dễ dàng nào về nạn nghèo khó. Hiện nay, WB định nghĩa nạn nghèo khó qua thu nhập tính theo đầu người thấp hơn 2$ một ngày căn cứ theo khả năng mua sắm của Hoa Kỳ, và nạn nghèo khó tuyệt đối hoặc cùng cực là một nửa thu nhập đó. Vậy là, bất kỳ ai thu nhập hằng năm tương đương với 730$ hoặc hơn thế thì đều không bị coi là nghèo. Thế nhưng, mỗi khi vạch ra đường ranh nghèo khó thì lại thấy thế giới đang phát triển càng ngày càng nghèo hơn đi so với các nước giàu.

Năm 1948, Liên Hiệp Quốc ước tính thu nhập bình quân theo đầu người hằng năm ở các nước đang phát triển là khoảng 100$ và khoảng 1.600$ ở Hoa Kỳ. Năm 1993, thu nhập bình quân theo đầu người ở các nước đang phát triển có tăng, nhưng chỉ tăng lên đến 1.100$ trong khi ở Hoa Kỳ nó lên tới 25.000$. Như vậy là trong nửa thế kỷ vừa qua, tỷ suất thu nhập ở Hoa Kỳ so với các nước đang phát triển đã tăng từ 16:1 lên 23:1.

Đương nhiên, bức tranh đó rõ ràng là có màu hồng, bởi vì phần lớn sự tăng trưởng kinh tế của thế giới đang phát triển đã chỉ diễn ra ở một vài quốc gia thôi. Thay đổi nhiều hơn cả là Hàn Quốc và Singapore, nơi đây từ 1960 đến 1990 GDP theo đầu người đã tăng hơn 550 phần trăm. Cũng trong giai đoạn ấy, GDP theo đầu người ở 44 nước nghèo nhất đã chỉ tăng 27 phần trăm. Và có ít nhất bảy nước, trong đó có Guinea, Somalia, Madagascar và Zambia có thu nhập theo đầu người vào năm 1990 lại thấp hơn so với năm 1960. Năm 1996, có 19 nước, trong đó có Ghana, Venezuela và Nicaragua cũng rơi vào tình trạng đó.

Giờ đây, các nước giàu đã bỏ rất xa nước nghèo mà chỉ dùng số học đơn giản cũng chứng minh được rằng nước nghèo không khi nào có thể đuổi kịp họ, cho dù sẽ có áp lực to lớn buộc họ thu hẹp khoảng cách giữa họ với các nước giàu. Trong các nền kinh tế có thu nhập cao với mức 23.000$ theo đầu người, tỷ suất tăng hằng năm 2% đem lại thêm cho mỗi công dân nước họ trung bình 460$. Trong các nước đang phát triển với mức thu nhập theo đầu người bằng 1.000$, cùng tỷ suất tăng trưởng đó chỉ là 20$ một năm mà thôi. Vì thế mà, như đã chỉ ra trong một tài liệu do hai cán bộ WB soạn, một tỷ suất tăng trưởng đều nhau “sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng không đồng đều đồng thời chắc chắn là không làm sứt mẻ gì nạn nghèo khó”. Để cho khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo chỉ lung lay chứ không mở rộng thêm, các nước nghèo hẳn là phải có nền kinh tế tăng trưởng cao gấp nhiều lần so với các nước giàu. Thế nhưng điều này không xảy ra: trong thời gian từ 1980 đến 1993, thu nhập theo đầu người ở các nước giàu tăng trung bình 2,2% mỗi năm, trong khi ở các nước đang phát triển, tỷ lệ đó là dưới 1 phần trăm. Một vài nước - Maurice, Trung Hoa, Indonesia, Thái Lan, Boswana và Hàn Quốc - có tỷ suất tăng trưởng kinh tế hàng năm giữa 4 đến 8 phần trăm.

Đồng thời về các phương diện khác, khoảng cách giữa giàu và nghèo đang được mở rộng. Giữa 1960 và 1991, tỷ lệ trẻ em chết ở thế giới đang phát triển hạ thấp được một nửa, thế nhưng trong thế giới công nghiệp nó còn giảm sút mạnh mẽ hơn. Do vậy mà giờ đây tỷ lệ trẻ em chết ở các nước nghèo không còn cao hơn nước giàu 4,25 lần nữa mà cao hơn 5 lần. Tại vùng cận Sahara châu Phi, tỷ lên đó là hơn 7 lần. Các nước đang phát triển cũng đứng rất xa sau các nước công nghiệp so với năm 1980 cả về trình độ học vấn ở người lớn tuổi lẫn tỷ lệ trẻ em đi học.

Ngay trong cả các lĩnh vực mà khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo gần nhau - thí dụ việc cung cấp lương thực theo đầu người - thì sự tiến bộ của thế giới đang phát triển cũng chậm và không đều. Phần lớn các nước đang phát triển cung cấp nhiều lương thực theo đầu người hơn so với năm 1961. Thế nhưng ít nhất có mười ba nước, trong đó có Perou, Nicaragua, Kenya, Zaire, Cambodia, Ethiopia, Burundi và Afghanistan giờ đây đã có số lương thực theo đầu người ít hơn so với ba mươi năm trước. Ngoài ra, các số liệu thống kê cho thấy hơn một nửa số nước không có đủ lương thực cung cấp cho tất cả các công dân với lượng ca-lo tối thiểu cần thiết hằng ngày.

Bất kể thế nào, các số liệu tính theo đầu người - dù đó là GDP, là cung cấp lương thực, hoặc là gì gì đi nữa - chỉ đơn giản là những trung bình số học có được bằng con tính chia cho dân số cả nước. Dĩ nhiên là trong thực tế thì cả lương thực, cả tiền nong, chẳng có gì là được chia đều trong một nước hết, dù đó là nước giàu hoặc nước nghèo. McNamara năm 1973 đã tìm cách gây ấn tượng đối với bộ máy thống đốc của ông ta bằng sự kiện này: “Chúng ta phải thừa nhận rằng có tồn tại tình trạng rất không đồng đều không chỉ giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển mà ngay cả trong lòng chính các nước đang phát triển 40% [dân số các nước đang phát triển] nghèo nhất chỉ nhận được từ 10 đến 15 tổng số thu nhập quốc gia”. McNamara đưa ra “mục tiêu tối thiểu ít ra là đến năm 1975 sẽ ngừng gia tăng sự phân bố thu nhập méo mó đó trong các nước này, và trong nửa thập kỷ sau sẽ bắt đầu thu hẹp tình trạng đó lại”.

Thế nhưng, cũng giống như hầu hết mọi mục tiêu khác của McNamara, mục tiêu này đã không bao giờ đạt được. Năm 1992, tại một nửa số nước đang phát triển nơi mà Liên Hiệp Quốc có thể có được các thông tin về phân bố thu nhập, số 40% dân số nghèo nhất vẫn nhận được 15% thu nhập quốc dân hoặc thấp hơn. Chẳng hạn như ở Brazil, cái phần 40% dân số dưới đáy chỉ có được 7% thu nhập quốc dân, và thu nhập của 20% trên nóc thì cao hơn 32 lần thu nhập của 20% dưới đáy.

Không phải chỉ có thu nhập mới không được phân bố đồng đều tại các nước đang phát triển, mà cả các mặt khác nữa như dịch vụ y tế, giáo dục, lương thực, nước sạch và điều kiện vệ sinh. Trong tất cả các thứ đó, theo Liên Hiệp Quốc thì phụ nữ bị tồi tệ hơn nam giới, dân nông thôn tồi tệ hơn dân thành thị. Nói chung, 88% dân thành thị có được nước sạch và 69% có các phương tiện y tế-vệ sinh, trong khi đó chỉ có 60% dân sống ở nông thôn có nước sạch và chỉ 18% có các phương tiện y tế-vệ sinh. Chỉ có 80% trẻ em nông thôn được nuôi dưỡng tốt so với trẻ em thành thị. Phụ nữ các nước đang phát triển chỉ nhận được trung bình một nửa số năm học đường so với nam giới.

Tuy không lệch hẳn như ở nhiều nước đang phát triển, song việc phân bố thu nhập ở các nước giàu cũng thiên thẹo. Trong nhóm các quốc gia dân chủ công nghiệp hoá thường gọi bằng Tổ chức Hiệp tác và Phát triển Kinh tế (OCCD) cái đáy 40% dân cư chỉ nhận được 18% thu nhập quốc dân. Cái chóp 20% nhận phần thu nhập quốc dân 7 lần nhiều hơn so với nhóm 20% dưới đáy.

So sánh các thu nhập - không riêng gì trong một nước hoặc giữa các nước, mà là so sánh chung - ta thấy rằng thu nhập của 20% giàu nhất trong dân số thế giới ngày nay cao hơn 150 lần so với nhóm 20% nghèo nhất. Thế nhưng, trong khi chấp nhận là “các tiến trình tạo ra sự phát triển kinh tế vẫn còn chưa được hiểu đầy đủ”, thì WB vẫn nhấn mạnh rằng “sự phát triển nhanh chóng và bền vững không phải là một giấc mơ tuyệt vọng, mà là một thực tại chưa hoàn thành”. Trong khi đó, thì khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục mở rộng.



Những người sáng lập ra WB hình dung ra một bức tranh tương lai màu hồng, nơi đó các món cho vay của họ đem lại cho các bên con nợ sự tăng trưởng kinh tế, làm cho công dân các nước đó sung túc và làm gia tăng nền thương mại thế giới, từ đó mà củng cố sự sung túc toàn cầu, củng cố những mối liên hệ giữa các quốc gia và tạo ra không khí thích hợp cho một nền hoà bình dài lâu. Điều làm cho bức tranh đó không thành hiện thực là do hai khẳng định sai lầm làm cơ sở cho sự ra đời của WB và cấu trúc của WB.

Điều khẳng định căn bản làm nền tảng cho việc xây dựng WB có lẽ là cái điều kiện gọi bằng sự kém phát triển, là điều mỗi nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh đang thực sự chịu đựng. Theo quan điểm này, thì không thể nào tách bạch được các thành tựu của những quốc gia khác nhau cũng như của hàng ngàn nền văn hoá khu vực - và hàng ty tỷ đủ loại vấn đề rắc rối nảy sinh về mặt xã hội, chính trị và kinh tế chẳng qua chỉ là những phương diện của một sự khủng hoảng toàn cầu đơn nhất. Một tình trạng như vậy - nếu có - quả nhiên là cần đến việc tạo ra một cơ quan tập quyền có khả năng áp dụng một phương thuốc phát ra như bộ đồng phục: Phát triển. Sự phân tích thô kệch và không đầy đủ đó vẫn đang còn là giáo lý trung tâm của triết học WB. Cho đến tận hôm nay WB vẫn còn tin tưởng rằng “phát triển là thách thức quan trọng hơn cả đối với loài người”.

Theo từ điển Webster, các nước phát triển là những nước “có trình độ công ngiệp hoá và mức sống tương đối cao”. Hiện thân của phát triển, cái quốc gia có mức sống cao - được đo bằng GNP theo đầu người - đó là Hoa Kỳ. Cái giá phải trả để đạt tới dù chỉ là một mảnh của thành tựu kia là sự từ bỏ các giá trị và lối sống truyền thống và chấp nhận đi theo một cách sống hiện đại hơn - xin đọc đó là “cách của Mỹ”. Thế nhưng có nhiều nền văn hoá đang từ chối chấp nhận rằng các giáo lý của họ, các ngôn ngữ của họ và nhiều thứ nữa, là đã lỗi thời. Quả thực là, ta thường nghe thấy lập luận - từ người Mỹ và những người khác nữa - rằng các giá trị Mỹ cao nhất là tính cá nhân tham lam và ích kỷ, rằng lối sống Mỹ đã mất phẩm giá và đang còn mất phẩm giá, rằng ta cần đề phòng lối sống Mỹ chứ không phải là bắt chước nó. Mặt khác, lại có nhiều người - một lần nữa, cả ở Mỹ và ở bất cứ nơi nào khác - lập luận rằng thế giới có thể được lợi nếu chịu tiêm liều thuốc năng động và cởi mở để thay đổi và liều thuốc lạc quan đã khiến cho Hoa Kỳ thành quốc gia giàu có nhất trên trái đất.

Thực ra thì lối thảo luận này là không đúng hướng. Bởi vì, ngay cả khi có thể chứng tỏ rằng một nền văn hoá hoặc một lối sống riêng nào đó là cao hơn các nền văn hoá và lối sống khác, thì nếu đề cao một nền văn hoá người đơn nhất cũng là điều nguy hiểm. Tính đa dạng là điều quan trọng cho cuộc sinh tồn của loài người cũng như cho mùa màng. Các nền văn hoá đơn nhất thiếu bề sâu và thiếu tính mềm dẻo uyển chuyển. Chúng thiếu khả năng thích nghi và thoát khỏi các đổi thay thảm họa của môi trường vật chất, xã hội hoặc tâm lý. Ngược lại, bộ sưu tập hàng ngàn nền văn hoá tuy dễ lung lay nhưng cực kỳ đa dạng của chúng ta là cả một cái vốn phong phú những hiểu biết và kinh nghiệm của con người. Loài người sẽ cần dựa vào cái vốn đó để trả lời những câu hỏi không biết trước được đề ra trong những thập niên và những thế kỷ sắp tới.



Một khẳng định khác làm cơ sở cho WB ấy là các nước nghèo không thể hiện đại hoá nước mình mà lại không có tiền và cố vấn từ bên ngoài. Điều khẳng định này tạo ra cơ hội thích hợp cho vai trò của các quốc gia công nghiệp hoá, thế nhưng nó chưa bao giờ chấp nhận một cách phổ biến xem sự tăng trưởng của nước đang phát triển gắn chặt với bao nhiêu ngoại tệ có thể kiếm được. Lauchlin Currie, một trong những cố vấn chủ chốt của WB từ những ngày đầu tiên, đã kể ra nhiều nhà kinh tế học lỗi lạc, những người chia sẻ với ông rằng “vẫn chưa xác lập được xem sự tăng trưởng lệ thuộc đến mức độ cao tới đâu vào sự trao đổi với nước ngoài”. Năm 1969, Tiểu ban Pearson do WB lập ra để nghiên cứu việc đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển đã thừa nhận rằng “mối quan hệ giữa vô vàn viện trợ được nhận trong các thập kỷ vừa qua và việc tạo ra tăng trưởng thực sự là rất kém”. Tiểu ban cũng thừa nhận rằng “mặc cho có cái cảm giác rằng các nước nghèo thực sự là quá nghèo nên khó có thể để dư dôi ra chút gì”, song trong thực tế các nước đó cũng đã tự cấp được hầu hết vốn đầu tư cần có. Trong những năm 1960, phần tiết kiệm trong nước đã tài trợ cho 85% đầu tư tại các nước đang phát triển. Và hiện thời, các nước đang phát triển tiết kiệm và đầu tư vào nền kinh tế của mình ở tỷ lệ cao so với đầu tư của Hoa Kỳ và châu Âu. Bất kể thế nào, hàng trăm tỷ đô la các nước đang phát triển vay hằng năm từ bên ngoài đã bị khấu mất nhiều hơn hằng trăm tỷ đô la ấy qua các khoản họ trả hằng năm theo mục dịch vụ công nợ. Năm 1994 chẳng hạn, thế giới đang phát triển nhận được 167,8 tỷ đô la nợ nước ngoài và đã chi trả 169,5 tỷ đô la cho dịch vụ công nợ - một sự chuyển khoản chẵn 1,7 triệu đô la từ nước nghèo sang nước giàu.

Khoản tiền mà một quốc gia có được không phải là một yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, mà chính là vấn đề cách sử dụng toàn bộ nguồn tư bản như thế nào cho có hiệu quả - không chỉ tiền, mà cả đất đai, trang thiết bị và lao động nữa. Một tài liệu công bố năm 1968 của WB nhận thấy rằng “gia tăng cung cấp vốn không lý giải được đến tối đa hơn một nửa sự tăng trưởng GNP ước tính tại nhiều nước được nghiên cứu”. WB kết luận rằng, trong hầu hết các trường hợp, ít ra một nửa sự tăng trưởng là do những thay đổi nâng cao chất lượng sức lao động và hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lưc. Như nhà nghiên cứu chính trị học Kari Levitt đã nhận xét, “Xét cho cùng, phát triển không phải là chuyện GNP, hoặc chuyện đồng tiền, hoặc vốn vật chất, hoặc trao đổi với bên ngoài, mà là khả năng xã hội mở đúng cái gốc của sự sáng tạo của mọi người, giải phóng nó và trao quyền lực cho mọi người thực thi được trí khôn của họ cùng những nỗ lực cá nhận và tập thể của họ nhằm tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn”.



Ngân hàng là tổ chức lập ra để cho vay tiền chứ không để ném tiền đi. Đặc biệt, đây là nhà băng ngoại tệ, và nó đòi phải trả nợ cũng bằng thứ ngoại tệ nó cho vay - chủ yếu là trả lại cho các nước giàu nhất thế giới. Để có thể có đủ số ngoại tệ mình muốn có để trả các món vay Ngân hàng, những bên vay phải bán đi cho các nước giàu nhiều hơn là mua về của họ. Thế nhưng các nước giàu chỉ thích là những nơi chuyên xuất khẩu chứ không phải là nơi nhập khẩu. Từ lâu rồi người ta đã thấy là không có khả năng thỏa mãn mọi người như vậy - các nhà kinh tế học nói tới đó như là “vấn đề chuyển giao”. Theo nhà nghiên cứu chính trị học Cheryl Payer, “Chương tình viện trợ Marshall đã mở rộng thành dạng viện trợ không hoàn lại chỉ vì người ta thấy rằng Hoa Kỳ không muốn nhận những dòng hàng hóa kìn kìn từ các nhà máy ở châu Âu được yêu cầu phải trả nợ cho các món nợ đã vay”.

Vấn đề chuyển giao là trung tâm điểm nguyên nhân đổ vỡ thị trường công trái ngoại tệ những năm 1930 và của cuộc suy thoái kinh tế thế giới thời đó. Năm 1932, nhà kinh tế học Allin Dakin khi viết trên tờ Harward Business Review đã cảnh báo rằng các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có nghĩa là những người Mỹ cầm trong tay các công trái ngoại tệ sẽ không được chi trả trừ phi họ tiếp tục cho vay nữa. “Việc trả nợ thông qua xuất khẩu dường như không thực hiện được bằng chính sách đánh thuế cao của chúng ta… Phương tiện duy nhất [người đi vay sẽ có trong tay] để trả các món nợ cũ cho chúng ta sẽ là cung cấp tài chính nhiều hơn nữa và thả nổi các món vay nợ thêm. Các hoạt động tái tài trợ hẳn sẽ càng ngày càng trở thành cách làm chung giải quyết các vấn đề nảy sinh với bên ngoài”.

Điều đó cũng đã xảy ra với WB; các hoạt động tái tài trợ đã càng ngày càng trở thành cách làm chung các vụ cho vay của nó. Kết quả là sự tích tụ nợ của các con nợ WB - và một sự mất độc lập dần từng bước. Không có kẻ cho vay nào lại muốn cho vay tiếp tục mãi mãi mà lại không thực hiện theo cách nào đó một sự kiểm soát cung cách làm ăn của con nợ. Trước đây các cường quốc không ngần ngại dùng vũ lực bắt những con nợ ương bướng phải thuần phục. Trong bản tiểu luận kinh điển có tên Các món nợ công cộng xuất bản năm 1887, nhà kinh tế học Mỹ Henry Carter Adams đã viết rằng “các khoản tín dụng không hoàn lại cho nước ngoài là bước đi đầu tiên xây dựng một chính sách ngoại giao xâm lược, và trong những điều kiện nào đó, tất yếu dẫn tới xâm lấn và chiếm đóng”.

Cách làm của WB đối với con nợ không đến nỗi thô lỗ như vậy. Thay vì gửi Thủy quân Lục chiến đến, WB tư vấn cho các nước về cung cách quản lý tài chính, cách làm ra các bộ luật, cách cung cấp dịch vụ cho dân nước họ, và cách cư xử đúng đắn trên thị trường quốc tế. Quyền lực thuyết phục của WB thật là to lớn vì tất cả đều tin rằng, nếu như Nó mà quyết định tẩy chay một con nợ nào, thì tất cả mọi quyền lực quốc gia và quốc tế khác sẽ đi theo Nó. Do đó mà, qua việc cho vay ngày càng nhiều - tình trạng này sinh ra do tính chông chênh là cơ sở cho sứ mệnh của Nó - WB đã bổ sung cho quyền lực vốn có của mình và làm cạn kiệt quyền lực các con nợ của nó đi.

Nhiều cá nhân và nhóm, từ các nhà hoạt động môi trường và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho đến các nhà kinh tế học và chính trị gia, coi quyền lực ngày càng gia tăng của WB như là một điều tích cực - nếu như quyền lực đó được dùng nhiều hơn nữa cho các kế hoạch của họ tại các nước đang phát triển. Song có những người khác đã chỉ rõ rằng việc cho vay những món khổng lồ đang tạo ra vấn đề lệ thuộc quốc tế, những quốc gia thường xuyên ở cấp thấp mất đi phần lớn khả năng tự lực, tự tin và tự trọng của mình. Nhiều gương mặt đáng kính của thế giới đang phát triển đã lên án viện trợ nước ngoài như là một món ma túy gây nghiện, một mặt hàng chiềng ra một cách nhìn khó mà cưỡng nổi về một cuộc sống tốt đẹp hơn, song lại phá hoại những cơ may để thực sự đạt tới cuộc sống đó. Adrian Lajous, nguyên là giám đốc WB tại Mehicô, đã biện hộ trên tờ Wall Street Journal rằng “Làm ơn đừng cho chúng tôi vay thêm tiền nữa. Thâm chí khi chúng tôi hỏi vay nóng thêm cũng đừng cho vay nữa”. Năm 1991, một nhóm công tác đứng đầu là Muhammad Yunus, một người sáng lập ra ngân hàng Grameen Bank vô cùng mạnh của Bangladesh, đã phê phán viện trợ phát triển vì nó “làm suy thoái nhanh lòng tự hào dân tộc và lòng tự tin vào khả năng của các quốc gia tự giải quyết các vấn đề khó khăn rắc rối của mình” và kêu gọi nước ông tự rũ bỏ khỏi sự viện trợ phát triển đó.

WB công nhận rằng “viện trợ không phải là cái thay thế cho các chương trình trong nước, những thứ đem lại kích thích và tạo ra các thiết chế hữu hiệu cần cho việc tăng nhanh hơn nữa nền sản xuất trong nước”, và thừa nhận rằng “viện trợ từ bên ngoài có thể làm yếu đi quyết tâm của các chính phủ trong việc xử lý các vấn đề phát triển”. Theo nhà kinh tế học bảo thủ lỗi lạc người Anh Peter Bauer, viện trợ là nhằm củng cố nguyên trạng chứ không đem lại đổi thay. “Viện trợ làm gia tăng quyền lực, nguồn lực và sự khống chế của các chính phủ đối với xã hội và do đó là tạo quyền lực của viện trợ lên xã hội đó”.



Thật tồi tệ là việc một quốc gia đi tới chỗ nợ nần một cách không cần thiết và mất đi cả độc lập lẫn tinh thần tự lực, song còn tồi tệ hơn nữa một khi đồng tiền được đầu tư không kết quả hoặc có hại. Mặc cho WB vẫn cứ tự tin là họ đúng, song họ đã đem lại cho con nợ một số điều tư vấn tồi tệ đến khủng khiếp. Thời kỳ mới ra đời, khi đó nó mải lo chuyện xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất, các chuyên gia WB thường không nhận thấy những mối liên quan về sinh thái, về xã hội và cả về kinh tế nữa trong các quy mô xây dựng được họ thúc đẩy thực hiện. Song, những sai sót thực sự của WB trong vai nhà tư vấn chỉ hiện ra rõ rệt khi nó mở rộng các khoản cho vay ra xa hơn các cơ sở hạ tầng vật chất và đi vào “cơ sở hạ tầng xã hội” của các nước đang phát triển.

Vào thời kỳ đầu những năm 1960, ta thấy rõ ràng là tăng trưởng kinh tế không tự động làm nâng cao mức sống. Trong khi các tầng lớp trên được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, thì các tầng lớp bên dưới càng ngày càng rơi tụt xuống. WB đã tìm cách đến trực tiếp hơn với người nghèo thông qua các món cho vay dự án y tế và giáo dục, dự án phát triển nông nghiệp cỡ nhỏ và đổi mới thành thị. Mặc dù WB không có tay nghề hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực giảm nghèo quy mô lớn mới được nó chọn, WB đã bám lấy cái tính tự cao tự đại và đứng bên trên mọi đối tác - bên trên các thiết chế quốc tế khác, bên trên chính phủ các nước, bên trên các tổ chức tình nguyện và chắc chắn là bên trên các dân tộc được hưởng lợi từ viện trợ của nó. WB đã chấp nhận sự thực là cuộc chiến tranh chống nghèo khó nó tiến hành không hẳn là không có thương vong. Như David Hopper nguyên phó chủ tịch WB đã giải thích, “Không thể có phát triển mà lại không có ai bị đụng chạm.” Và quả thực là cả loạt đại thử nghiệm kéo dài hàng chục năm của WB nhằm giảm nghèo khó đã tiêu tốn hàng tỷ đô la, làm hàng triệu cuộc đời bị tan vỡ, và đòi hỏi sự hy sinh của những vùng rộng lớn rừng rú, đất đai, sông ngòi và hầm mỏ.

Năm mươi năm phát triển vừa qua đã không đem lại lợi lộc gì cho cả những người nghèo nhất lẫn những quốc gia nghèo nhất. Hơn thế, họ còn phải trả giá đắt - con cháu họ sẽ còn phải trả giá đắt - cho những mối lợi nho nhỏ không cân bằng họ đã nhận được. Bên cạnh đó, có vô vàn kẻ đã vơ được lợi từ công cuộc phát triển. Chắc chắn là WB với tư cách là một thiết chế quan liêu thì nó đã giàu mạnh lên cùng với các nền quan liêu - quốc gia và quốc tế - đã làm ăn mánh mung với nó. Nhiều người đứng đầu chính phủ, đặc biệt những người cầm quyền mà không được nhân dân ủng hộ, đã dựa vào WB để cung cấp tiền mặt mà họ không kiếm được bằng cách khác. Các người nhận hợp đồng có những mối liên hệ chặt chẽ, những nhà xuất khẩu, những người làm nghề tư vấn, và những anh trung gian môi giới - đặc biệt những anh ở các nước giàu - thì cũng sung túc lên nhờ các dự án do WB tài trợ. Các tập đoàn liên quốc gia và các nhà băng quốc tế cũng hưởng lợi vì một không khí làm ăn được cải thiện ở các nước đi theo đuôi những lời tư vấn của WB. Món đầu tư nho nhỏ của họ trong năm mươi năm đã làm cho các nước giàu - và nhất là những công dân giàu sụ của các nước này - càng giàu lên hơn bao giờ hết. Do những điều như thế và do chỗ quỹ phát triển, kể cả quỹ của WB, đều được cung cấp bởi những người đóng thuế bình thường tại các nước đóng góp, thì còn có nhiều sự thực hơn nữa trong câu nói rằng công cuộc phát triển - ít ra là trong dạng thức độc quyền, hình thức, do nước ngoài thống trị, kênh kiệu và thất bại, như chúng ta từng biết rõ - chủ yếu chỉ là chuyện những người nghèo ở các nước giàu đem tiền đưa cho người giàu ở các nước nghèo mà thôi.


© 2004 talawas
Nguồn: Catherine Caufield, Masters of Illusion - The World Bank and the Poverty of Nations (Trùm gây ảo tưởng - Ngân hàng Thế giá»›i và nạn ngèo khó của các quốc gia), nhà Henry Holt & Co in lần 1, 1996, nhà Macmillan UK in lần 1, 1997 Pan Books in lại 1998 - 432 trang.