trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.8.2004
George Orwell
1984
tiểu thuyết (15 ki)
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15 
 
II.

Khi đã nắm chốt cửa trong tay Wiston mới nhận ra rằng cuốn nhật kí vẫn để mở trên bàn. Cả trang đầy những chữ ĐẢ ĐẢO ANH CẢ, chữ to đến mức đứng ở đầu kia căn phòng vẫn đọc được. Ngu không tưởng tượng nổi. Không, anh nghĩ, ngay cả trong lúc hoảng loạn anh cũng không muốn gấp cuốn sổ khi mực chưa khô, trang giấy trắng bóng ấy sẽ bẩn hết.

Anh hít vào một hơi dài và mở cửa. Một luồng sóng ấm áp do tâm trí được giải toả chạy khắp cơ thể. Một người đàn bà nhợt nhạt, ủ rũ, mái tóc lòa xòa, mặt đầy nếp nhăn đứng ngay bên ngoài.

“A, đồng chí”, bà ta nói, giọng the thé, khó chịu. “Đúng là tôi đã nghe thấy anh về. Anh có thể xem hộ tôi cái bồn rửa bát trong bếp được không? Nó bị tắc”

Đấy là bà Parsons, vợ một người hàng xóm cùng tầng. (Đảng không thích gọi phụ nữ là "bà", phải gọi tất cả là đồng chí, nhưng không hiểu sao đối với một số phụ nữ từ này cứ bật ra như một thứ bản năng). Bà ta mới khoảng ba mươi nhưng trông già hơn nhiều. Có cảm giác như bụi bám đầy trong các nếp nhăn trên mặt bà ta. Winston đi theo bà ta. Gần như ngày nào anh cũng phải làm công việc sửa chữa lặt vặt như thế này. Chung cư Chiến Thắng được xây dựng từ năm 1930 hay gần năm đó, đã cũ lắm rồi. Vôi trên trần và tường rớt từng mảng, cứ hễ lạnh là đường ống dẫn nước vỡ, mái thì dột mỗi khi có tuyết, hệ thống sưởi chỉ chạy một nửa công suất, đấy là nói khi người ta không tắt hẳn để tiết kiệm điện. Nếu không tự chữa được thì phải xin các uỷ ban cấp trên, chỉ thay một tấm kính vỡ cũng phải mất hai năm.

“Tại anh Tom nhà tôi đi vắng”, bà Parsons rụt rè nói.

Căn hộ nhà Parsons rộng hơn căn của Winston, cũng tồi tàn nhưng theo một cách khác. Tất cả đồ đạc đều nhàu nát, bẹp dúm y như có một con vật dữ dằn, to lớn vừa đi ra khỏi đây. Dụng cụ thể thao, que chơi khúc quân cầu, găng tay đấu box, bóng da vỡ, quần đùi ướt lộn trái vất đầy trên sàn, còn trên bàn thì bát đĩa bẩn nằm ngổn ngang cạnh những cuốn vở nhàu nát. Trên tường có treo cờ đỏ của Hiệp Hội Thanh Niên, đội Tình Báo và bức ảnh to, loại treo ngoài phố hình Anh Cả. Ở đây cũng có mùi bắp cải luộc, cái mùi chung trong toàn bộ khu nhà, nhưng mùi mồ hôi, có thể thấy ngay khi vừa hít vào hơi đầu tiên, tuy không thể rõ tại sao, của một người hiện đi vắng còn mạnh hơn, lấn át cả mùi bắp cải. Ở phòng bên cạnh có người đang dùng lược và giấy vệ sinh bắt chước nhạc điệu một khúc quân hành phát trên màn vô tuyến.

“Các cháu nhà tôi”, bà Parsons vừa nói vừa lo lắng nhìn vào cửa. “Hôm nay chúng ở nhà. Thế nên…”

Bà ta có thói quen ngừng ở giữa câu. Cái chậu rửa trong bếp chứa đầy nước bẩn màu xanh rêu, bốc mùi khó chịu hơn bắp cải nhiều. Winston quì xuống xem khớp nối bên dưới. Anh không thích công việc chân tay, anh cũng không thích cúi vì sẽ bị ho. Bà Parsons bất lực đứng nhìn.

“Nếu anh Tom nhà tôi ở nhà thì anh ấy làm xong ngay”, bà ta nói. “Anh ấy thích những việc thế này lắm. Anh ấy là người khéo tay.”

Parsons cùng công tác trong Bộ Sự Thật với Winston. Đấy là một người to béo, khá năng động nhưng dốt nát, biểu hiện của lòng nhiệt tình tăm tối, một trong những kẻ trung thành, không bao giờ nghi ngờ, sẵn sàng bảo vệ Đảng còn hơn cà cảnh Sát Tư Tưởng. Ở tuổi ba lăm anh ta vẫn không muốn rời bỏ hàng ngũ Hiệp Hội Thanh Niên, trước khi gia nhập Hiệp Hội anh ta cũng tìm cách ở lại đội Tình Báo thêm một thời gian. Trong Bộ anh ta chỉ giữ chức vụ phụ trợ, không cần kiến thức, nhưng mặt khác, anh ta là nhân vật chủ chốt trong Ủy Hội Thể Thao và những ủy hội khác liên quan đến tổ chức các chuyến dã ngoại, diễu hành tự phát, phong trào tiết kiệm và nói chung là các hoạt động tình nguyện. Vừa hút tẩu anh ta vừa có thể nói một cách tự hào thầm kín rằng trong suốt bốn năm qua anh ta chưa từng bỏ một buổi sinh hoạt tối nào tại Trung Tâm Xã Hội. Mùi mồ hôi nồng nặc là bằng chứng của một đời sống vất vả, theo anh khắp nơi, thậm chí còn ở lại sau khi anh đã đi khỏi rồi.

“Nhà có mỏ lết không?”, vừa nói Winston vừa lấy tay thử xoay con ốc.

“Mỏ lết”, bà Parsons nói, người như lả đi. “Thực tình là tôi không biết. Có thể các cháu…”

Có tiếng dậm chân, rồi nghe có mấy đứa trẻ chạy vào phòng. Bà Parsons mang mỏ lết vào. Winston tháo nước và rút mớ tóc thút nút đường ống ra, tanh quá, suýt nữa thì anh nôn. Anh cố gắng kì cọ tay cho thật sạch rồi đi vào phòng khách.

“Giơ tay lên”, có tiếng quát.

Một đứa bé xinh xắn chừng chín tuổi, nét mặt cau có, nhảy ra từ dưới gầm bàn, đang chĩa khẩu súng giả về phía anh, trong khi cô em, nhỏ hơn thằng anh chừng hai tuổi thì giơ lên một mẩu gỗ. Cả hai đứa đều mặc đồng phục đội viên Tình Báo, quần đùi xanh, áo sơ mi xám, cổ đeo khăn quàng đỏ. Winston giơ tay lên, trong bụng cảm thấy bất an: đứa nhỏ trông hung dữ quá, không có vẻ gì là trò chơi cả.

“Tên phản bội!”, đứa bé thét lạc cả giọng. “Tội phạm tư tưởng! Gián điệp Eurasia! Ta sẽ bắn, ta sẽ cho ngươi bốc hơi, ta sẽ đày ngươi đi mỏ muối!”

Rồi hai đứa nhảy lò cò xung quanh, miệng thét: "Phản bội!", "Tội phạm tư tưởng!", đứa con gái bắt chước mọi động tác của thằng anh. Cảnh tượng hơi ghê ghê, giống như bày hổ con sắp sửa thành lũ hổ lớn ăn thịt người. Mắt thằng con trai ánh lên vẻ dữ dằn đầy tính toán, rõ ràng là nó muốn nhảy vào đấm hay đá Winston, thâm tâm biết rằng nó sắp làm được việc đó rồi, chỉ cần lớn thêm chút nữa là xong. May là nó chỉ cầm khẩu súng giả thôi đấy, Winston nghĩ.

Bà Parsons lo lắng hết nhìn bọn trẻ lại nhìn Winston. Phòng này sáng hơn và Winston lấy làm thích thú khi nhìn rõ bụi trong những nếp nhăn trên trán bà ta.

“Nghịch lắm”, bà ta nói. “Chúng đang bực vì không được đi xem treo cổ đấy anh ạ. Tôi thì bận có đi được đâu, anh Tom còn chưa thấy về nữa.”

“Tại sao không được đi xem treo cổ?”, thằng con trai gào lên.

“Muốn xem treo cổ! Muốn xem treo cổ!”, đứa con gái vừa đế theo vừa nhảy lò cò như cũ.

Có mấy tên gián điệp, tội phạm chiến tranh người Eurasia sẽ bị treo cổ trong công viên, tối nay, Winston sực nhớ. Tháng nào cũng có cảnh đó, đông người xem lắm. Trẻ con bao giờ cũng hò hét đòi dẫn đi xem. Anh bước lại phía cửa, đi về. Nhưng mới đi được chừng sáu bước ngoài hành lang thì bỗng thấy có một vật gì đó đập mạnh vào gáy, đau nhói. Giống như bị một sợi dây nóng đỏ quất vào cổ vậy. Anh quay lại và trông thấy bà Parsons đang kéo thằng bé, còn nó thì cố nhét cái súng cao su vào túi.

“Goldstein!”, thằng bé gào lên, trước khi cánh cửa đóng hẳn. Nhưng điều làm Winston choáng váng hơn cả chính là ánh mắt thảng thốt, bất lực trên khuôn mặt xám ngoét của bà mẹ.

Winston bước vào phòng, anh đi nhanh qua màn vô tuyến và lại ngồi cạnh cái bàn, tay vẫn xoa gáy như cũ. Màn vô tuyến không phát nhạc nữa. Thay vào đó là một giọng lính tráng đang đọc một cách ngắc ngứ, nhưng đầy vẻ tự mãn một cách hằn học về trang bị của một pháo đài nổi mới thả neo giữa Iceland và quần đảo Fareo.
Tội nghiệp bà ta, anh nghĩ, con như thế thì phải sợ cả đời thôi. Chỉ một hai năm nữa là chúng sẽ theo dõi mẹ suốt ngày đêm, chỉ lỡ lời một tí là nguy to ngay.Trẻ con bây giờ đứa nào cũng thế cả, kinh khủng lắm. Điều tệ hại nhất chính là ở chỗ các tổ chức như kiểu Tình Báo đang biến trẻ con thành những đứa hung dữ không còn biết sợ là gì, hơn nữa, chúng sẽ không bao giờ có ý định chống lại kỉ luật Đảng. Ngược lại, chúng còn sùng kính Đảng và tất cả những gì liên quan đến Đảng nữa. Những bài hát, những cuộc tuần hành, những lá cờ, những buổi dã ngoại, những buổi tập quân sự có súng giả, việc hô khẩu hiệu, việc sùng bái Anh Cả, tất cả đều là trò chơi thú vị đối với chúng. Tính ác của chúng bị hướng ra bên ngoài, nhắm vào kẻ thù của Chế Độ, nhắm vào người ngoại quốc, vào những kẻ phản bội, phá hoại, tội phạm tư tưởng. Những ông bố, bà mẹ ngoài ba mươi tuổi sợ con đã là chuyện bình thường. Mà cũng phải thôi, ít có tuần nào mà tờ Times không có mục kể chuyện một đứa bé mách lẻo - "các tiểu anh hùng", người ta gọi chúng như vậy - đã nghe trộm được bố mẹ nói một câu không hay nào đó và báo cáo với Cảnh Sát Tư Tưởng.

Cơn đau ở gáy đã giảm hẳn. Anh cầm bút lên, lưỡng lự, tự nhủ không biết còn có thể viết được gì nữa. Bất chợt anh lại nghĩ đến O'Brien.

Mấy năm trước - không biết mấy năm rồi nhỉ? Phải đến bảy năm rồi, anh mơ thấy mình đang đi trong một gian phòng tối đen như mực. Có tiếng người nói khi anh đi ngang: "Chúng ta sẽ gặp nhau ở nơi không còn bóng tối nữa". Câu nói rất khẽ, như vô tình, không phải là mệnh lệnh, chỉ là một câu nói thôi. Anh vẫn bước tiếp. Có điều lạ là lúc đó, trong giấc mơ, câu đó không gây được ấn tượng nào. Chỉ sau này, câu nói càng ngày càng có ý nghĩa với anh hơn. Bây giờ anh không thể nhớ là anh mơ trước hay sau lần gặp đầu tiên với O'Brien và khi nào thì anh nhận ra giọng nói ấy là của anh ta. Nhưng anh đã nhận ra giọng nói. Chính O'Brien đã nói với anh trong đêm tối đó.

Winston không biết, ngay cả sau khi đã trao nhau ánh mắt sáng nay, anh cũng không thể nào biết chắc được O'Brien là bạn hay là thù. Nhưng thực ra chuyện đó cũng không quan trọng lắm. Giữa họ đã có sự thông cảm, điều đó còn quan trọng hơn cả tình thương hay sự ủng hộ. "Chúng ta sẽ gặp nhau ở nơi không còn bóng tối nữa" - O'Brien nói. Winston không hiểu anh ta ám chỉ gì, nhưng cảm thấy rằng chuyện đó nhất định rồi sẽ tới.

Màn vô tuyến bỗng ngưng nói trong vài giây. Tiếng kèn đồng rộn rã, vui tươi, thúc giục bỗng vang lên trong căn phòng ngột ngạt. Giọng khàn khàn lại tiếp tục:

"Chú ý! Chú ý! Chúng tôi vừa nhận được bản tin nhanh từ mặt trận Malabar. Quân đội ta trên mặt trận Nam Ấn vừa giành được một chiến thắng hết sức quan trọng. Tôi được phép tuyên bố rằng kết quả chiến dịch này là điềm báo ngày kết thúc chiến tranh không còn bao xa nữa. Xin mời nghe bản tin nhanh".

Hãy đợi đấy, Winston nghĩ. Quả nhiên thế, sau khi mô tả chiến dịch xoá sổ đội quân của Eurasia với số lượng người bị giết và bị bắt rất lớn là đến thông báo từ tuần sau sẽ giảm khẩu phần chocolate từ ba mươi gram xuống còn hai mươi.

Winston lại ợ một lần nữa. Cảm giác phấn chấn do li rượu Gin tạo ra đã hết, chỉ còn nỗi chán chường. Màn vô tuyến, có thể là để mừng chiến thắng mà cũng có thể để người ta không còn chú ý đến chuyện giảm khẩu phần chocolate, phát bài: "Hát mừng Oceania". Phải đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng. Nhưng anh ngồi ở đây thì không lo, màn vô tuyến không nhìn thấy đâu.

Ngoài phố gió vẫn giật tấm biểu ngữ rách lúc qua lúc lại, chữ CHUANH khi đọc được khi không. Chuanh. Những nguyên tắc thiêng liêng của Chuanh. Ngômo, nước đôi, quá khứ khả biến. Anh cảm thấy như đang đi trong một khu rừng dưới đáy đại dương, lạc giữa một thế giới quái dị và chính anh cũng là quái vật. Anh hoàn toàn đơn độc. Quá khứ đã chết, tương lai mờ mịt. Liệu có thể tin được rằng có một người đang sống thông cảm với anh không? Làm sao có thể biết được rằng sự thống trị của Đảng sẽ không kéo dài vĩnh viễn? Đáp lại là ba khẩu hiệu trên nền trắng của toà nhà Bộ Sự Thật đập thẳng vào mắt anh:

CHIẾN TRANH LÀ HOÀ BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH

Anh rút từ trong tuí ra đồng hai mươi lăm xu. Trên mặt đồng xu cũng có ba khẩu hiệu đó, nét chữ rõ và rất nhỏ; mặt bên kia là đầu Anh Cả. Từ mặt đồng xu đôi mắt ấy vẫn đang theo dõi. Nó theo dõi từ mặt đồng xu, từ con tem, từ bìa sách, từ các biểu ngữ, từ vỏ bao thuốc là - từ khắp mọi nơi. Đôi mắt dõi theo khắp nơi và giọng nói cũng bao trùm khắp chốn. Cả khi ngủ lẫn khi thức, cả lúc ăn lẫn lúc làm, cả trong nhà lẫn ngoài đường, cả trong phòng tắm lẫn trên giường ngủ - không chỗ nào thoát. Ngoài mấy phân khối bên trong hộp sọ ra thì không có gì là riêng tư hết.

Mặt trời đã ngả, hàng ngàn cửa sổ Bộ Sự Thật không còn ánh sáng, trông đen ngòm như những lỗ châu mai. Tim anh thắt lại khi mỗi khi nhìn thấy cái kim tự tháp đồ sộ ấy. Vững chãi lắm, không thể tấn công vào được. Hàng ngàn quả rốc két bắn vào cũng không phá huỷ nổi. Anh lại tự hỏi đang ghi nhật kí cho ai. Cho tương lai, cho quá khứ, cho thời đại tưởng tượng. Không phải là cái chết mà sự huỷ diệt đang chờ anh ở phía trước. Cuốn nhật kí sẽ hoá ra tro, còn anh thì thành bụi. Cảnh Sát Tư Tưởng sẽ đọc những điều anh viết trước khi xoá sạch dấu vết của nó trên mặt đất và trong trí nhớ. Khi dấu vết không còn, khi ngay cả một từ nặc danh trên giấy cũng không còn thì làm sao có thể liên lạc được với tương lai?

Màn vô tuyến báo mười bốn giờ. Mười phút nữa anh phải ra khỏi nhà. Anh phải có mặt ở cơ quan vào lúc mười bốn giờ rưỡi.

Có điều lạ là dường như tiếng chuông đồng hồ đã tiếp thêm cho anh sức mạnh. Anh là một con ma cô đơn đang nói sự thật, sự thật không bao giờ có người nghe. Nhưng anh nói nghĩa là sự liên tục vẫn còn, dù rất mù mờ. Không phải bằng cách làm cho người ta nghe được mình mà là bằng cách không hoá điên, tiếp tục giữ vững di sản của loài người. Anh trở lại bên bàn viết, chấm mực và ghi:

Người nhận: Tương lai hay là quá khứ, thời đại của tự do tư tưởng, khi không ai giống ai, khi ai sống ở nhà nấy - thời đại khi sự thật vẫn còn và cái đã tồn tại không bị biến thành tro bụi:

Người gửi: Thời của đồng phục, thời của cô đơn, thời của Anh Cả, thời của nước đôi - xin gửi lời chào!

Mình đã chết rồi, anh nghĩ. Anh có cảm tưởng rằng khi giành lại được khả năng suy nghĩ chính là lúc anh đã có quyết định không thể đảo ngược được. Hậu quả của bất kì hành động nào cũng nằm ngay chính trong hành động đó. Anh viết:

Tội tư tưởng không kéo theo án tử hình; tội tư tưởng CHÍNH LÀ án tử hình.

Giờ đây, khi anh hiểu rằng mình đã chết thì điều quan trọng là phải sống càng lâu càng tốt. Hai ngón tay phải bị dây mực. Chỉ chút xíu đó cũng đủ hỏng việc rồi. Một kẻ cuồng tín nào đó trong Bộ (một người phụ nữ, có thể là người đàn bà tóc hung bé nhỏ, cũng có thể là cô gái tóc đen thuộc Ban Sáng Tác) có thể tự hỏi tại sao anh lại viết trong lúc nghỉ trưa, tại sao anh lại dùng loại bút cũ, anh đã viết cái gì - và sau đó thông báo đến địa chỉ cần thiết là xong. Anh vào phòng tắm và chà thật kĩ bằng cục xà phòng màu nâu, loại này ăn tay, xót như chà bằng giấy nhám, thế mà hết.

Anh đặt cuốn nhật kí vào ngăn kéo. Dấu cũng vô ích thôi, nhưng ít ra anh cũng biết chắc rằng họ đã phát hiện được nó hay chưa. Sợi tóc đặt vào cuối trang thì lộ ngay. Anh lấy móng tay chấm một tí bụi và dính lên một góc bìa: hễ có người mở là bụi rơi xuống ngay.


III.

Winston mơ thấy mẹ.

Theo như anh nhớ thì mẹ đã biến mất khi anh chừng mười hay mười một tuổi. Mẹ là một người cao, đẹp và trang nghiêm, ít nói, làm gì cũng chậm rãi, mái tóc sáng và dày. Anh không nhớ rõ bố lắm, chỉ nhớ ông có mái tóc đen, người gầy, luôn mặc bộ complet sang trọng màu đen (không hiểu sao anh nhớ rất rõ đế giày bố rất mỏng), đeo kính. Cả hai chắc đã bị làn sóng thanh trừng đầu tiên hồi những năm 50 nuốt chửng.

Trong mơ mẹ ngồi bên dưới, sâu lắm, tay đang bế cô em gái. Anh hoàn toàn không nhớ gì về cô em cả, ngoại trừ hình ảnh đấy là một đứa nhỏ ốm yếu, đôi mắt to, lặng lẽ quan sát, không bao giờ khóc. Cả hai đang nhìn vào anh. Họ ngồi ở dưới lòng đất - trong lòng một cái giếng, mà cũng có thể dưới mồ sâu - và đang hạ xuống ngày một sâu hơn. Họ ngồi trong buồng một con tàu đang chìm và nhìn lên Winston qua làn nước màu đen. Trong buồng vẫn còn không khí, họ còn nhìn thấy anh và anh thấy họ, nhưng họ đang chìm dần vào làn nước xanh và chỉ chút nữa nữa là sẽ biến mất hoàn toàn. Anh ở ngoài không khí, ngoài ánh sáng còn họ thì đang bị hút vào chỗ chết, họ bị hút xuống vì anh đang ở trên này. Anh biết thế, họ cũng biết thế, nhìn mặt họ là thấy. Trên nét mặt hay trong tim họ không hề có lời oán trách nào, chỉ có nhận thức rằng họ phải chết để anh được sống vì qui luật là như thế.

Winston không nhớ chuyện đó xảy ra như thế nào, nhưng trong mơ anh biết rằng mẹ và em đã hi sinh vì anh. Đấy là một trong những giấc mơ có thể nhớ được những cảnh huống chính và là sự tiếp nối những suy nghĩ lúc ban ngày; những sự kiện và ý tưởng ta thấy trong đó càng trở nên mới mẻ và có ý nghĩa hơn sau khi đã tỉnh.

Winston bỗng nhận ra rằng cái chết của mẹ gần ba mươi năm trước là một bi kịch và sự đau khổ mà người thời nay không thể nào hiểu được nữa. Bi kịch, như anh thấy, là tài sản của thời xa xưa, thời còn sự riêng tư, thời còn tình yêu, tình bạn, thời mà các thành viên trong một gia đình còn bảo vệ nhau mà không cần lí lẽ. Hình ảnh mẹ vò xé trái tim anh vì bà yêu anh mà anh thì quá nhỏ và ích kỉ chưa biết đáp lại tình yêu ấy, và cũng vì, anh không biết tại sao, bà đã hi sinh thân mình cho quan điểm trung thành không lay chuyển, của riêng bà. Hiện tại, theo anh những thứ tình cảm như thế không còn nữa. Hiện tại chỉ còn nỗi sợ hãi, lòng thù hận và khổ đau, nhưng không còn tình cảm cao thượng, không còn nỗi buồn sâu sắc hay phức tạp nữa. Dường như anh đã đọc được tất cả những điều đó trong ánh mắt mẹ và em, những ánh mắt đang nhìn anh qua làn nước trong xanh, từ độ sâu hàng trăm mét, lại đang chìm dần.

Bất ngờ anh thấy mình đang đứng trên một thảm cỏ cắt ngắn, trong một buổi chiều mùa hè, ánh mặt trời chiếu xiên khoai. Anh thường mơ thấy chỗ này nên không thể biết chắc đã thật sự nhìn thấy nó bao giờ hay chưa. Khi thức anh gọi chỗ đó là Địa Hoàng. Đấy là một bãi cỏ cằn cỗi, bị thỏ gặm nham nhở, có một con đường mòn nhỏ chạy vắt ngang, hang chuột đùn lên khắp nơi. Phía cuối bãi cỏ là hàng du đung đưa, tán lá dầy phấp phới như tóc đàn bà bay trước gió. Ở đâu đó rất gần, tuy không trông thấy, là tiếng nước róc rách, nơi những con cá nhỏ đang bơi dưới bóng liễu thướt tha.

Cô gái tóc đen đang đi ngang qua cánh đồng. Có vẻ như chỉ bằng một động tác cô ta đã giật hết quần áo ra khỏi người và ném xuống đất một cách khinh bỉ. Da cô ta trắng và nhẵn, nhưng không khêu gợi được bất kì ham muốn nhục dục nào, thậm chí anh không nhìn cô ta nữa. Cái làm anh thán phục chính là động tác vất bỏ quần áo của cô ta. Hành động đầy duyên dáng và bất cần đời đó có vẻ như đã giết chết toàn bộ nền văn hoá này, toàn bộ hệ tư tưởng này, cứ như thể Anh Cả, Đảng và Cảnh Sát Tư Tưởng, tất cả đều có thể bị quét sạch bằng một cú vung tay điệu nghệ. Đấy là cử chỉ của thời quá khứ xa xôi. Winston thức giấc, môi vẫn mấp máy từ "Shakespeare".

Màn vô tuyến phát một tiếng huýt gió chói tai, kéo dài đúng ba mươi giây. Đấy là tiếng cói báo thức vào lúc 7 giờ 15 phút, giành cho viên chức nhà nước. Winston chui ra khỏi giường, trên người không mảnh vải vì thành viên Đảng Ngoại Vi chỉ được phát tem phiếu giá ba ngàn để mua quần áo, trong khi giá một bộ pijama đã là sáu trăm rồi, anh rút vội chiếc áo trấn thủ và cái quần đùi treo trên lưng ghế. Ba phút nữa sẽ đến giờ thể dục buổi sáng. Ngay lập tức anh phải gập đôi người lại vì ho, sau khi thức dậy bao giờ anh cũng bị ho như thế. Cơn ho làm anh mệt đến nỗi anh phải nằm ngửa ra và thở sâu mấy lần mới hồi phục được. Các mạch máu căng lên vì ho, còn vết loét do giãn tĩnh mạch thì bắt đầu ngứa.

“Nhóm từ ba mươi đến bốn mươi!”, một giọng đàn bà the thé cất lên. “Nhóm từ ba mươi đến bốn mươi! Đứng vào chỗ! Ba mươi đến bốn mươi!”

Winston đứng nghiêm trước màn vô tuyến: một người phụ nữ còn khá trẻ, gày nhưng rắn chắc, váy ngắn, giày thể thao đã hiện rõ trên màn hình.

“Cong hai tay lại và đưa ra!”, cô ta hô. “Chúng ta cùng đếm nào. Một, hai, ba, bốn! Một, hai, ba, bốn! Tiếp tục, các đồng chí, mạnh mẽ lên! Một, hai, ba, bốn! Một, hai, ba, bốn!”

Cơn đau do trận ho vừa rồi gây ra chưa xoá hết ấn tượng của giấc mơ, nhịp điệu thể dục dường như lại làm nó hồi sinh. Vừa đưa tay ra đưa tay vô một cách tự động với bộ mặt thoả mãn cau có, theo đúng yêu cầu của một buổi tập, Winston vừa cố gắng quay lại với kí ức mù mờ của ngày thơ ấu. Khó quá. Anh đã quên hết những chuyện xảy ra hồi những năm năm mươi rồi. Khi không còn một bằng chứng bên ngoài nào để ta có thể dựa vào thì ngay những nét chính của cuộc đời mình cũng thành ra mờ nhạt hết. Ta có thể nhớ được các sự kiện lớn, nhưng có thể sự kiện đó chưa từng xảy ra; ta có thể nhớ rõ chi tiết một biến cố, nhưng không thể cảm nhận được không khí của nó; và có những khoảng trống dài, không được đánh dấu bằng bất kì sự kiện nào. Lúc đó mọi thứ đều khác bây giờ. Ngay tên các nước cũng như đường biên giới trên bản đồ cũng khác bây giờ. Thí dụ, Đường Bay I lúc đó gọi là England hay Britain, nhưng London – Winston nhớ rõ – thì vẫn gọi là London.

Winston không nhớ rõ những giai đọan ngừng chiến, nhưng chắc chắn là khi còn nhỏ anh đã được sống trong một thời hòa bình khá dài, bằng chứng là vụ oanh kích đầu tiên đã làm mọi người rất ngạc nhiên. Có thể đấy là lần Colchester bị bỏ bom nguyên tử. Anh không nhớ rõ vụ oanh kích, chỉ nhớ là cha nắm chặt tay anh khi họ chạy xuống, xuống, xuống mãi dưới lòng đất, hết vòng nọ đến vòng kia theo một cái thang hình xoắn ốc, rung rinh dưới chân, cuối cùng mỏi quá, anh thút thít khóc và hai bố con phải ngồi xuống nghỉ. Mẹ, vẫn như mọi khi, mơ mộng và chậm rãi, đi sau khá xa hai bố con. Mẹ bế cô em gái, mà cũng có thể mẹ chỉ ôm đống chăn thôi: Winston không nhớ lúc đó đã có em hay chưa. Cuối cùng họ đến một chỗ đông người, ồn ào – anh nghĩ là ga tầu điện ngầm.

Một số người ngồi trên nền lát đá, số khác chen chúc trên những cái giường sắt xếp thành tầng. Winston ngồi cùng với bố mẹ trên nền, cạnh đấy là hai ông bà già ngồi sát nhau trên một cái giường sắt. Ông cụ mặc bộ complet đen trang nhã, cái mũ cũng màu đen lệch hẳn ra phía sau, tóc bạc trắng, khuôn mặt ửng hồng, đôi mắt màu xanh đầy nước. Người ông sặc mùi rượu Gin. Có vẻ như cơ thể ông đang bốc ra mùi rượu chứ không phải mùi mồ hôi, người ta có thể nghĩ rằng những giọt nước mắt kia cũng là những giọt Gin chính hiệu nữa. Ông già say, nhưng toàn bộ con người ông toát ra một nỗi buồn chân thành và quá sức chịu đựng. Bằng trí óc non nớt của mình anh đã đoán được là đã xảy ra một sự kiện khủng khiếp, không thể tha thứ, không thể sửa chữa được. Anh còn biết sự kiện đó nữa. Một người thân của ông già, có thể là một cô cháu gái, đã bị giết. Ông cứ nhắc đi nhắc lại:

“Không được tin bọn chúng. Tôi đã nói thế, đúng không bà? Tin chúng thì được thế đấy. Tôi vẫn nói vậy mà. Không được tin bọn khốn kiếp đó.”

Nhưng bọn khốn kiếp không nên tin là ai thì Winston không nhớ.

Chiến sự diễn ra liên tiếp từ đó, nhưng nói cho ngay thì đấy không phải là một cuộc chiến kéo dài liên tục từ bấy đến nay. Những cuộc hỗn chiến ngay trên đường phố London kéo dài mấy tháng liền, đấy là khi anh còn nhỏ, có những cảnh anh còn nhớ rất rõ. Nhưng theo dõi tiến trình lịch sử những năm đó, xác định xem ai đánh nhau với ai và vào lúc nào thì hoàn toàn không thể được vì không thể tìm được một tài liệu nào, một lời nào về việc phân bố lực lượng khác với phân bố hiện nay. Thí dụ hiện nay, năm 1984 (nếu đúng là năm 1984), Oceania đang giao tranh với Eurasia và liên minh với Eastasia. Không ai bày tỏ một cách công khai hay kín đáo rằng trước đây ba nước này đã từng có quan hệ với nhau khác hẳn bây giờ. Nhưng Winston biết rõ rằng Oceania mới đánh nhau với Eurasia và liên minh với Eastasia được bốn năm. Anh có được một chút kiến thức vụng trộm đó là vì người ta chưa quản lí được hoàn toàn trí não của anh đấy thôi. Chính thức thì bạn và thù chưa bao giờ thay đổi. Oceania đang giao tranh với Eurasia có nghĩa là Oceania luôn luôn giao tranh với Eurasia. Kẻ thù hiện nay là hiện thân của quỉ sứ, chưa từng có chuyện thỏa hiệp với chúng trong quá khứ càng không thể có chuyện thoả hiệp trong tương lai.

Kinh khủng nhất, anh nghĩ trong khi vặn người (tay chống nạnh, người vặn sang một bên – như thế rất tốt cho cơ lưng), ý nghĩ này đã lặp lại không biết đến lần thứ mấy ngàn, mấy vạn rồi, kinh khủng nhất chính là điều đó có thể là sự thật. Nếu Đảng có thể thò tay vào quá khứ và bảo rằng sự kiện này hay sự kiện kia chưa hề xảy ra, thì điều đó còn khủng khiếp hơn cả tra tấn, hơn cả cái chết.

Đảng nói rằng Oceania chưa bao giờ liên minh với Eurasia. Nhưng anh, Winston Smith, biết rõ rằng mới bốn năm trước đây Oceania từng là đồng minh của Eurasia. Kiến thức ấy được lưu trữ ở đâu? Không ở đâu hết, chỉ có trong đầu anh mà thôi, nhưng anh thì sắp bị tiêu diệt rồi. Nếu tất cả mọi người đều chấp nhận sự giả dối do Đảng áp đặt, nếu tất cả tài liệu đều chép giống nhau như thế thì sự giả dối này sẽ đi vào lịch sử, sẽ trở thành sự thật. “Ai làm chủ quá khứ, người đó sẽ làm chủ tương lai; ai làm chủ hiện tại, người đó sẽ làm chủ quá khứ” - khẩu hiệu của Đảng viết như thế. Quá khứ có thể biến cải, nhưng không ai biến cải được. Điều gì đúng cho hôm nay cũng đúng đối với quá khứ vô cùng và sẽ đúng cho tương lai vô tận. Đơn giản là như thế. Bắt buộc phải thường xuyên khuất phục trí tuệ của chính mình. Đấy là “làm chủ hiện thực” hay gọi bằng Ngômo là “nướcđôi”.

“Nghỉ!”, hướng dẫn viên hô, giọng đã hơi dịu lại.

Winston vừa hạ tay xuống vừa hít vào một hơi thật dài. Tâm trí anh đã lạc vào mê cung của sự bất nhất. Biết mà làm như không biết; hiểu rõ sự thật nhưng lại nói những điều dối trá tinh vi; giữ cùng một lúc hai quan điểm đối lập, dù biết rõ rằng cái nọ phủ nhận cái kia mà vẫn tin tưởng cả hai; dùng logic giết logic; vi phạm đạo đức trong khi hô hào đề cao đức dục; cho rằng không thể có dân chủ nhưng Đảng lại là người bảo vệ dân chủ; quên những việc phải quên nhưng sẽ nhớ khi cần, rồi lại có thể quên ngay và quan trọng nhất là phải áp dụng quá trình này vào chính tiến trình tư duy. Đấy chính là sự tinh tế tối hậu: cố tình quên và sau đó quên ngay hành động thôi miên vừa mới làm. Ngay cả muốn hiểu từ “nước đôi” cũng phải sử dụng nước đôi.

“Bây giờ xem ai có thể với tay tới mũi ngón chân!”, hướng dẫn viên khích lệ. “Các đồng chí, gập người ngang thắt lưng. Một-hai! Một-hai!...”

Winston ghét động tác này nhất: đau từ gót chân lên tận mông và thường kết thúc bằng một cơn ho. Mấy ý nghĩ vui vui đã biến sạch khỏi đầu. Quá khứ không chỉ bị cải biến, nó đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Làm sao có thể xác định ngay cả một sự kiện hiển nhiên nếu ngoài trí nhớ cá nhân ra, nó không được ghi chép ở đâu cả? Mình được nghe nói đến Anh Cả lần đầu tiên khi nào nhỉ? –anh tự hỏi thế. Hình như từ những năm 60, nhưng bây giờ làm sao nhớ nổi. Lịch sử Đảng, dĩ nhiên, viết rằng Anh Cả đã là lãnh tụ ngay từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước. Chiến công của đồng chí ấy được đẩy lùi dần mãi về thế giới huyền thọai của những năm ba mươi và bốn mươi, khi những tên tư sản đội những chiếc mũ phớt trông rất kì dị vẫn còn nghênh ngang trên những chiếc ô tô láng coóng hay những chiếc xe ngựa bọc kính tứ phía. Không thể nào biết được đâu là thật đâu là bịa nữa. Winston không nhớ Đảng ra đời vào lúc nào. Anh cũng không tin là anh đã từng nghe từ Chuanh trước năm 1960, nhưng cũng có thể theo Ngôn ngữ cũ thì từ "chủ nghĩa xã hội Anh" đã được sử dụng từ trước rồi. Mọi chuyện quả là rất mù mờ. Nhưng đôi khi có thể phát hiện được những sự dối trá trắng trợn. Thí dụ lời khẳng định trong cuốn Lịch sử Đảng rằng Đảng phát minh ra máy bay là hoàn toàn sai. Anh nhớ rằng máy bay đã có từ thời anh còn bé tí. Nhưng chứng minh thì chịu. Không thể tìm được bất kì chứng cớ nào. Chỉ một lần duy nhất anh nắm được một tài liệu chứng minh tính chất giả dối của một sự kiện lịch sử. Nhưng lần đó…

“Smith”, có tiếng thét. “Số 6079, Smith W. Đúng, anh đấy! Cúi thấp nữa xuống! Anh có thể làm được mà. Anh chưa cố hết sức. Thấp nữa! Thế tốt, đồng chí! Bây giờ, tất cả nghỉ, nhìn tôi đây.”

Mồ hôi đổ ướt đẫm khắp người Winston. Nhưng nét mặt thì vẫn thế, không một chút xúc động nào. Không được tỏ ra sợ hãi! Không được tỏ ra bực bội! Chỉ cần một cái chớp mắt là họ phát hiện ra ngay. Anh đứng lặng, quan sát hướng dẫn viên đưa tay lên quá đầu - không thể nói là duyên dáng, nhưng khéo léo và dứt khoát - và gập người, đưa tay chạm đất.

“Làm thế đấy! Tôi muốn các đồng chí cũng làm được đúng như thế. Xem lại lần nữa này. Tôi đã ba mươi chín tuổi, bốn lần sinh nở rồi đấy. Nhìn này.”, cô ta gập người lần nữa. “Các vị xem đầu gối tôi có chùng đâu.” Vừa nói cô ta vừa đứng thẳng lên. “Tất cả những người dưới bốn lăm đều có thể đưa ngón tay chạm đất được. Không phải tất cả chúng ta đều được vinh dự chiến đấu ngoài mặt trận nhưng ít nhất chúng ta cũng phải giữ cho thân hình cân đối. Hãy nghĩ đến các chiến sĩ của chúng ta trên mặt trận Malabar! Và các thuỷ thủ trên các Pháo Đài Nổi nữa! Biết bao nhiêu khó khăn gian khổ ấy chứ. Bây giờ hãy thử lần nữa. Tốt, đồng chí, tốt lắm!” Cô ta động viên Winston trong khi anh cố gập về phía trước, gối giữ thẳng và lần đầu tiên chạm được ngón tay xuống đất.


© 2004 talawas
Nguồn: GEORGE ORWELL, NINETEEN EIGHTY-FOUR, Penguin Book, 1990: http://orwell.ru/library/novels/1984/