trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
21.5.2003
Đỗ Kh.
Nhá»› Linda
 
"Mai lở không về chắc em buồn biết mấy
Dáng nhỏ xuân xưa vẫn nhớ đêm ngày"
(Nhớ nhau hoài)

Ðể đến Linda, tôi phải qua một chuyến đò dọc. Nói cho to tát, tôi phải rời thềm lục địa của châu Á để đi vào Nam Dương quần đảo mịt mùng. Sulawesi, biển Célèbes, cũng một thứ "Trái tim bóng tối" phía bên kia của eo Malacca đầy bất trắc nhưng tôi có hơi ngoa và không phải là một nhà mạo hiểm. Tuy Sentosa ở Cảng Sư là điểm cực Nam của châu Á, Poulo Bintan, Indonesia, chỉ cách Singapore có 2 giờ tàu biển cao tốc và là nơi nghỉ mát cuối tuần của người dân ở thành phố bức bối này. Một tiếng bằng đường bộ về hướng Bắc, thì sang Johor Bahru, Malaysia, vào bia ôm xem lắc đít. Hai tiếng bằng đường thủy về hướng Nam, thì sang Poulo Bintan cạnh Sumatra để ăn đồ biển đánh golf và nhai kẹo chewing gum[1].

Tôi không còn chắc, lần đó cách đây 5 hay 7 năm, tôi ở Sing là vào một dịp đến hay đi (Việt Nam). Tôi chỉ nhớ là tôi đang buồn, chuyện bình thường vì đời là bể khổ, và đó là một ngày trong tuần. Bến đò vắng ngắt, tôi dậy kịp để đáp chuyến tàu chót, còn sớm những 5, 10 phút để nhẩn nha qua khu vực hải quan vào một hàng xén mua một cái hộp đựng kính tiếp cận và thuốc nhờn mắt. Tôi biết, cái hộp đựng kính contact, left là trái màu trắng, right là phải màu xanh, chẳng ăn nhập gì đến vấn đề tranh luận Văn học sẽ nói đến ở sau. Nhưng đó là những thứ tôi sắm trước khi vào khoang tàu trống, lác đác vài người du khách hình như Nhật bản. Ðó là vào giữa tuần, nên những công dân mẫu mực địa phương còn đang lo đóng góp vào phồn vinh vân vân cao ốc, chuyến đò này sang Nam Dương hầu như chỉ có khách nước ngoài. Xi xô, rượu mạnh, sóng. Ra đến hải phận quốc tế, có cả đánh bạc, số đề hay là tôi lẫn những chuyến tàu cũng thế, nối HongKong và Macau.

Tranh luận văn học, nghe cũng to tát như những câu mở đầu (bài này). Tôi không phải là nhà mạo hiểm, mà cũng không phải là nhà hùng biện, văn tôi lê thê và khúc mắc, trong tiểu luận thì hạng bét, hỏng hết hỏng hết, trong sáng tác có khi lại được coi là tài vặt, cho nên đây là một tùy bút, và Linda có lẽ tôi đã quên mất, nếu không được Thụy Khuê nhắc đến trong bài viết của chị nhân dịp Hợp Lưu bàn giao từ Khánh Trường qua tay Phùng Nguyễn. Có nhắc thì có nhớ, tôi không làm dáng, thực ra tôi đâu có muốn được phảng phất nơi người đọc nhờ cái cô mặt ngang này hay những đêm Hà Nội phủ váy, tốc váy gì đó (thọc váy). Nhưng đó là luật của mưa gió đời (Mai Thảo) và vương vất được gì thì vương vất, một hai cái bọt bong bóng, tất nhiên là vậy và có còn "hơn" không (Nguyễn Tất Nhiên). Thì "Linda mặt ngang", bài thơ chưa đủ, ở đây tôi tranh thủ dài dòng.

Trong nhóm đảo Riau, 3000 lẻ cái lác đác bên cạnh anh Sumatra khổng lồ, tôi đến Bintan vì cái máu phiêu lưu. Ðã đi thì đi xa mới bảnh, tôi có hai lựa chọn, mà sang Nam Dương thì Poulo Bantam cách Sing chỉ có nửa giờ! Kể nghe thì mất cả oai, kiểu có đi Sàigòn chưa? Rồi. Thế có đi Thủ Ðức không? Tôi đến tận cả Biên Hòa thì người ta mới nể. Vậy thì đi Bintan thay vì Bantam, hai giờ tàu biển và một cái cửa khẩu tuy quốc tế nhưng to bằng ba cái sạp vải chợ Bến Thành với đúng hai ông công an mồ hôi nhễ nhại và đen đủi (theo thành ngữ "Cha cha cha Ma ní lấy chồng Chà dà," chà dà ở đây là Java, cũng một đảo Nam Dương). Lệ phí nhập cảnh, visa, con dấu, qua khỏi nửa cái quạt trần lúc lắc (đúng hơn là một cái quạt trần nửa chạy nửa ngưng) là mười anh xe nhẫn nại. Nhẫn nại là vì tôi nghĩ họ đến đây từ sáng sớm, trước chuyến đò đầu sau khi ăn vội miếng xôi quà sáng và chừa lại cho con mấy cái đậu phọng (nếu là xôi đậu phọng) "Anh ra bến đò, " họ nói với vợ, và gài số xe con. Bây giờ đã trưa, là chuyến tàu chót, và mười anh xe thì chỉ có 5, 7 tốp khách. Tôi gạt ngay những anh đầu vồn vã, xăm xăm bước thẳng đến anh hàng thứ 8, mở cửa vất vào sàn xe sau cái túi sách và leo lên ngồi cạnh. Anh ta hỏi tôi đi đâu, trên mép một hạt xôi đã khô còn dính (vì vậy tôi mới biết là sáng anh ăn xôi, và theo độ khô của hạt này ước lượng là đã mấy tiếng). Còn chuyện đậu phọng cũng rất là như thế lô-gic, anh không dính hạt nào vì đã nhường hết cho con. Hạt xôi khô rung rinh, tôi trả lời "Tôi không biết" và tôi hỏi "Anh tên gì?"

Theo nhà du lịch Hồi giáo Ibn Battuta, người đã đi hết thế giới của thời ông, đến đâu mà không bị hướng dẫn địa phương gạt thì cũng kể như là chưa đến. Tôi không khuyến khích khách nước ngoài đi đâu cũng leo lên cái xe đợi sẵn (tuy là thứ 8, nghĩa là cũng có lựa chọn theo cá tính, vì tôi vốn không ưa những kẻ nhất nhì) và gieo mình một cách rất nàng Kiều là muốn đưa đi đâu thì cũng mặc, thanh y hai lượt thanh lâu hai lần và quá tam ba bận. Anh tài đâm ra lúng túng, hạt xôi khô rơi khỏi mép có râu lún phún như trong một đoạn phim chiếu chậm, đập đánh bốp vào mặt nệm simili như kỹ xảo âm thanh trước khi anh lắp bắp, đi ra phố, đi về khách sạn, đi cao lâu, đi đánh golf, đi trung tâm giải trí... Ðây là một cái đảo, tôi nói, thì đi vòng.

Ðây là một cái đảo, có lẽ chu vi vài chục hay cả trăm cây số đường. Tôi chỉ nhớ những chặng dài qua rừng đường nhựa vắng và hoe nắng. Có nơi tôi dừng lại, một khúc quanh bất chợt, chẳng hiểu vì sao, đứng bên xe ngây ngô cười và nhờ anh ta chụp hình. Một cái đảo, bao giờ cũng có một đường đi vòng và không thể nào lạc, mãi thì cũng phải trở về chỗ bắt đầu. Nhưng Bintan khá lớn, có lẽ mất cả ngày và lần lượt là thủ phủ Tangung Pinang, một lịch sử trong thời Ðệ nhị thế chiến theo anh xe, có nhiều gắn bó với quân đội Nhật, mãi đến ngày nay họ vẫn trở về tìm kỷ niệm. Những khách sạn thị trấn, chẳng cái nào tôi tỏ ý muốn ngụ, rồi đến những khách sạn nghỉ mát ở những khu riêng biệt mà tôi biết là không nổi tiếng hoàn vũ thì cũng trứ danh khu vực này của Ðông Á, Banyan Tree gì đó, mỗi hộ một hồ tắm cá nhân nhìn ra biển với lại Resort gì gì. Một chập rồi đến khu sân golf, khu trượt sóng. Anh tài nói gần đây có nhà người bạn, mình đi ngang, ông cho tôi phép rước, tôi nói ờ, rồi như chợt nghĩ ra, thì mình đi ăn đồ biển.

Hải sản ở Nam Dương là thứ sẵn và rẻ, ít ra là rẻ hơn ở Sing và rẻ hơn cả Mã Lai. Tôi rủ luôn ông bạn của anh tài và cả ba vui vẻ đến một cái nhà hàng Trung hoa, thì, ở ngay bờ biển. Không có cựu quân phiệt Phù tang đeo kiếm trở lại tìm con rơi 50 năm về trước như anh tài kể nhưng có cua tôm bò lổn ngổn, chỉ con nào là nhà hàng thì, chứ sao, làm thịt. Ba đứa tôi bia chai nghiêng ngả, hai đứa bá cổ thì một đứa bấm máy chụp hình. Sóng xô ghềnh đá hay bập bềnh bãi cát, chẳng mấy chốc thì chiều sắp xuống. Anh bạn quá giang chợt nhớ ra là phải đón con tan học hay là vợ về chợ. Lại 1, 2 chặng rừng nữa, chúng tôi đưa anh này đến chỗ đã định. Thả anh kia xuống, tôi và anh tài ngồi nhìn nhau. Nhà hướng dẫn và khách du lịch, sau danh lam thắng cảnh, sau chùa chiền và bãi biển, sau khi ăn hải sản và không chơi golf thì còn gì nữa, chỉ còn có chơi đĩ.

Chuyện này, chẳng phải cần sang đến Nam Dương. Johor Bahru tất có và ở Sing cũng không cấm. Khu đèn lồng, Jalan Selangoong hay ba trạm tàu điện Peninsula Plaza ở tầng chín, Mát xa, Escort của niên giám điện thoại hay Ucơren tóc vàng ngay trên Orchard Road (tuy là qua mấy bậc cầu thang và một lối khuất từng hai, ở hành lang và sau hàng hủ tíu bò viên). Ấn độ, Mã Lai, Trung hoa, Philipin, dĩ nhiên là có Thái (đực và cái, trước và sau giải phẫu, hay trong khi chờ đợi giải phẫu phần còn lại), việc gì mà phải sang tận Bintan. Cũng như đồ biển, ở Bintan thì giá rẻ hơn tí xíu nhưng chẳng rẻ gì hơn tại mẫu quốc Hà Lan. "yo soy marinero, no soy capitan"[2] (Den Haag rất nhiều Kiều Nam Trung Mỹ nhưng tôi đã đi hơi xa Nam Dương và Riau quần đảo). Nhưng bốn giờ chiều ngày hôm đó, tôi đang ở Bintan và tại một cái trấn nhỏ, trời mưa.

Nếu đi chơi đĩ mà vui, thì hạnh phúc quả là quá dễ ở trên đời. Tôi vẫn ước ao được có vậy (tức là được có hạnh phúc chứ không phải là được có đĩ). Lỗi tại trời mưa, anh tài dẫn tôi qua ba con hẻm, một cái sân mái tôn lộp bộp, đẩy cửa vào là đèn mờ. Ðêm ba mươi thì không hẳn, chung quanh một cái bàn thấp và ba mặt của một băng ghế hình chữ u, mười mấy cô ngồi nửa tỏ nửa không và mặt một đống. Ðây tôi không dám trách, làm đĩ hẳn đã cực, chẳng lẽ lại còn bắt phải tươi cười. Cô thì nhìn trần, cô thì nhìn chân, lộ một vẻ suy tư như nhân viên cơ quan độ nửa tiếng trước giờ tan việc. Theo kinh nghiệm của bản thân, bất cứ động xanh hay lầu hoa nào trên thế giới (trừ trường hợp cá biệt của Nam Trung Mỹ yo soy marinero... như đã nói) so với một phòng tài vụ, sở an ninh xã hội hay là cơ quan phát lương thất nghiệp đều có kém phần mời gọi tuy nôm na là tất cả cô này, tôi chỉ cô nào là đụ được ngay cô nấy. Poulo Bintan cũng chẳng là ngoại lệ, nếu không có, vào dịp ấy, mùa mưa.

Mưa đưa em về dưới, mưa chiều biên giới, mưa nếu xưa trời không, mưa trên vai chàng rơi, mưa trời còn làm, mưa mùa lại đến tôi mừng vui, mưa mùa này vắng những cơn, 15 cô này ngồi quây quần chung quanh một cái bàn thấp chứ không phải là bếp lửa. Lác đác ở các bàn bên là các cô ngồi chuốc rượu ủ dột cạnh tiếng cười lách cách của khách. Tôi hỏi anh lái xe giá cả, anh ngại ngần lần thứ nhất nhả "75000 Rupiah." Tôi không nói là sao mắc vậy, nhìn cái ngại ngần của anh tôi đoán trên 30 USD này, anh được hưởng 5 hay là 10. Tôi bảo OK, anh lại ngại một lần nữa, kiểu chưa biết hay chưa quyết định được xin xỏ tiếp như thế nào. "Anh cũng chơi phải không?" tôi mớm đỡ để anh ta ấp úng gật vội. Tôi đưa anh 60 đồng để trao cho bà tú và bước về phía cái cô vênh váo nhất, kiểu nữ sinh vừa bị trai chọc ghẹo, và nắm tay cô kéo.

Bài thơ thì tôi đã tuyệt tích, có thể viết xong tùy bút này, vài bữa, vài ngày nữa tôi mới sẽ tìm ra. "Linda" đăng trên Hợp Lưu vào dạo ấy, tôi còn nhớ chính xác chỉ có câu "Mặt ngang miệng rộng và lồn bé chút xíu." Thì tuy là bé, nhưng chữ dùng lại bạo nên tôi đã bị chị Trần Mộng Tú mắng cho một quẻ. Linda 17 hay 19 tuổi, nằm cởi truồng chổng chơ trên một cái giường nhàu của một căn phòng nát, bước vào phải đi ngang chỗ đặt một cái bể đựng nước. Linda không có nghề như là gái mát xa Hàn quốc, dùng miệng để đeo bao cao su vào cho khách, cái miệng của nàng có rộng cũng chỉ là để trang điểm cho cái mặt ngang. Bất đồng về ngôn ngữ, những câu tôi hỏi nàng bâng quơ tôi đều phải dùng thể trắc nghiệm, thí dụ em bao nhiêu tuổi, trên 20? 16? 17? và được nàng đánh dấu vào ô trả lời bằng những cái gật đầu. Như trong bài thơ, nàng có một bàn tay rất đẹp ("Bàn tay nàng rất đẹp / Che lấy cửa mình nhan sắc cũng chẳng kém"?) Sau này, có độc giả nghi ngờ cái đẹp của bàn tay này, viện lẽ là gái quê làm lụng thì sao bàn tay có thể đẹp được. Tôi không biết ở quê nàng làm lụng những gì, nhưng hiện giờ bàn tay chỉ có tác dụng là ôm mu, và đẹp, kiểu nồi nào úp vung nấy. Tôi gỡ vung ra, một tí mép nhú nhô dưới vài sợi lông lưa thưa điểm. Vốn tiếng Hán của tôi chỉ có "Trường túc bất chi lao / Hồng diện đa dâm thủy / Ða mi tắc đa mao." (Tạm dịch: "Chân dài không biết mệt / Mặt đỏ bụng ướt nhẹp / Mày rậm tức lông đẹp") Linda chân dài nhưng mặt trắng, lông ít thế này thì mày nàng chắc phải dùng bút kẻ và nguyên quán của nàng chắc phải là một đảo nào ở gần phía Quảng Ngãi[3].

Ðã được một bài thơ, lại còn tùy bút thế này e thừa thãi, vừa rồi, trong bài viết của Thụy Khuê nói trên, tôi lại được chị chỉnh, là tạo sốc không đúng chỗ. Không hiểu người đọc như thế nào, chứ khi viết từ "lồn" này, tôi cũng chùn tay, nghĩa là có ý thức cẩn thận. Tạo sốc thì có lẽ, và thành công trong việc tạo sốc này thì hiển nhiên, nếu không đã chẳng ai nhắc đến một bài thơ mà chính tôi không tâm đắc mấy và chắc cũng chẳng bao giờ lập lại (nghĩa là được thể, làm... hoài). Tôi nghĩ là tôi đã cả gan chụp bắt một đồ vật quá sức quen thuộc của đời thường để mà tênh hênh bày vào trong thơ tôi, còn giờ, có đúng chỗ, có hay hay là dở thì dành cho người thưởng ngoạn vậy. Nhân dịp này, như đã phân trần với Trần Mộng Tú, trong gương soi của tôi, nó khác với gương soi của người. Việc đo đạc, có kích thước cẩn thận ("vừa bằng hai ngón tay"), vẫn có thể dẫn đến sai lạc tùy người đối diện, nghĩa là ngộ nhận.

Theo thông thường của phái nam, cái "bé" này ở phụ nữ là cái đáng quý, kiểu vai em gầy guộc nhỏ (như cánh vạc về chốn xa xôi). "Lồn bót" với quan niệm thống trị đồng nghĩa với "đã" (dễ sợ), như trong câu "con này lồn bót đã dễ sợ". Tuy không muốn lập dị khác người, kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy, bé thì chỉ có hay đau, cho cả đôi bên chứ "đã" đâu không biết. Nói vậy không phải là tôi khoe tôi to (thực sự thì tôi mềm và nhỏ), chỉ muốn nói là phụ nữ hẹp thì tôi ngại vào, tôi là người không ưa cái khó. Còn việc to nhỏ, hẳn là tương đối, như khi bảo phụ nữ tây rộng cũng có nghĩa là đàn ông ta nhỏ, và lý tưởng đối với ai thì cũng là cái mà "vừa". Vừa, đối với ai lại có thể là ôm chặt, cọ sát cho đến sướt, với tôi là một chốn bập bềnh và chơi vơi[4]. Như vậy, chỉ một cái lớn bé đã ngộ nhận đến trái ngược, nói gì thanh và tục với lại thi ca. Trong bài trả lời Khế Iêm về việc "tu từ", chị Thụy Khuê lại có nói thêm là "Linda" biết đâu cũng là thành quả của việc tu từ này. Ðến chỗ này, thì tôi không còn rõ nữa. Ngay thẳng mà nhớ, thì bài thơ, tuy có chỗ phải khắc phục và có ý thức rõ rệt (mồn một như là trước mắt), tôi không phải phấn đấu cực nhọc đủ để gọi đó là "tu".

Nhưng khi chị Thụy Khuê nêu lên vấn đề là trong đời sống, những từ đại loại như trên có dùng trong trao đổi với "đối tác" hay không thì việc ngộ nhận lại càng rõ ràng hơn[5]. Tôi chỉ biết nhìn lên trời (chứ không còn nhìn... xuống nữa) vì chẳng lẽ tôi lại mời nhân chứng A, B và C ra tuyên thệ trước khi kể lại những từ họ và tôi trao đổi một cách chính xác. Quả thực là tôi chưa bị ai tát vào những dịp này, chỉ có người hăm dọa là dùng vớ đùi mà trói tôi lại, lấy quần lót để bịt miệng v.v... hay nhiều cách khác nữa mà tôi không tiện kể và cũng không (chưa) tiện làm thành thơ.

Tới đây, những người không quan tâm đến phê bình văn học mà chỉ quan tâm đến tùy bút này sẽ bực mình mà hỏi: "Thế Linda rồi sao?" Linda rồi chẳng sao hết, nàng không hề hấn gì sau khi tôi quan sát tỉ mỉ. Mùa mưa vỗ về mái tôn còn nàng thì tôi nằm ôm ngửa, cả hai nhìn trần đến độ cùng buồn ngủ. Có lẽ sự bất lực của thể xác đã khiến tôi, vào lần ấy, tìm đến thi ca (và từ ngữ) ngay trong khi tôi đang xõng xoài (tôi nói lần ấy là vì nếu lần nào bất lực tôi cũng làm thơ được thì sự nghiệp của tôi đã thêm mấy tập.) Chữ "lồn" này đượm vẻ chua chát chăng chứ không phục hồi được cái vị mặn ở trong đời sống. Tôi lồm cồm bò dậy, mặc quần áo xuống nhà, anh bạn đánh xe vẫn ngồi nguyên ở cái ghế lúc nãy. Vậy có nghĩa là sau khi tôi lên lầu anh dằn vào trong túi 30 đồng phần tôi bao anh mua vui, lấy thêm của bà tú phần hoa hồng của anh trên 30 đồng còn lại. Tôi cũng biết vậy, chơi đĩ làm gì, hôm nay được món khá, tối về nhà anh sẽ hân hoan mà âu yếm vợ chồng. Tôi thì tiếp tục buồn, tại vợ tôi thì ở hơi xa, cái hòn đảo Nam Dương nhiều thơ mộng này, nơi mà người tình, tôi chỉ có Linda và bạn, tôi chỉ có anh dắt mối.

Ngày hôm nay, Linda tôi không còn nhớ mấy ("Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em / Rừng ngàn lá thắm, từng đêm nhắc nhở thì thầm"). Còn lại là một văn bản mà tôi đã mất tiệt, cho đến khi gần đây soạn lại toàn bộ tác phẩm (!) tôi mới biết là thiếu. Nhưng nó còn đâu đó một mảnh này hay mảnh nọ (một từ) ở trong lòng vài người đọc, dù là thứ lòng có khi ấm ức. Thì biết sao, việc phê bình là của người phê bình, việc viết là của người viết cũng như việc đọc là của người đọc. Tôi chỉ có viết, chứ hỏi tôi là thế nào thì tôi không biết tuy đây cũng không phải là một thái độ trốn tránh trách nhiệm. Ba tôi, lúc trước, hành nghề luật sư. Thủa sinh thời, câu mà ông thích nhất là "Thưa quý tòa, thân chủ của tôi vô tội."


Phụ lục của talawas


Đỗ Kh.
Linda mặt ngang

Linda mặt ngang
Không biết hôn chỉ biết cắn

17 tuổi ở một động đĩ ở Batàm
Linda không biết làm mát xa
Linda mặc quần lót rộng

Linda âm đạo chật
Vừa bằng hai ngón tay
Linda malay
Rất là dễ nhột
Ở gần lồn và ở gần lỗ tai

Linda hai gò bồng đảo căng tràn nhựa sống
Lúc lắc gọi mời như hai quả tuyết lê
Linda làm việc sáng và tối vào cả ngày lễ
Quốc tế lao động
Nàng ngồi trang trọng
Khép đùi cùng hai chục chị em
Trong một con hẻm
Khuất sau mưa và tiếng nhạc xập xình

Linda trét môi son lên ngực tôi
Nàng lấy tay chùi và nàng cười

Linda Linda mặt ngang và ít lông
Cha mẹ nàng ở tận cái gì bahru
và nàng cũng chẳng buồn nhớ tới
Đồ con bất hiếu
Nhờ ai nuôi nấng cho đít mày u lên chắc nịch
(như hai quả bưởi)

Linda cắn làm tôi đau lưỡi
Linda cắn làm tôi không nứng nổi
Tôi như mưa mềm trên nàng èo uột trườn người

Linda không bú
Linda không cho liếm
Bàn tay nàng rất đẹp che lấy cửa mình
nhan sắc cũng chẳng kém

Linda mặt ngang miệng rộng và lồn bé chút xíu.


Tạp chí HợpLưu, số 31 tháng 10&11 năm 1996
www.hopluu.org




[1] Singapore cũng có đồ biển, cũng có đánh golf nhưng lại cấm kẹo chewing gum.
[2] "tôi là thủy thủ, không phải là thuyền trưởng" Nhân tiện tôi xin lỗi tác giả của các ca từ được tôi trích dẫn mà không hài tên người viết vì không nhớ hay là không biết. Nếu "Linda mặt ngang" có ai được một câu lõm bõm sau này dù đã quên tác giả thì đối với tôi cũng đã là một vinh hạnh, tuy đã không được phổ nhạc thì thật khó mà tồn tại trong ký ức của đời.
[3] Trong đồn đại bình dân, kiểu "Ai về Bình định mà coi / Ðàn bà con gái cầm roi đi quyền", nếu ở Bình Ðịnh, phụ nữ giỏi võ thì ở Quãng Ngãi họ lại... thưa lông. Việc này, dĩ nhiên, chẳng có gì là khoa học.
[4] Phong trào thư giãn của thập niên 80, có món vào nằm trong một quan tài nước mặn và ấm, đóng nắp tối om trong khi thân thể lềnh bềnh nửa lặn nửa chìm, ở nguyên một chỗ mà nổi trôi.
[5] Những ngộ nhận thế này, trong lãnh vực của văn học tác chiến chứ không còn phải của văn học trác táng, có dạo nhà văn hiền lành Nguyễn Mộng Giác bị vấy cho tội vụ khống sĩ quan QLVNCH (miền Nam) xẻo tai kẻ địch để làm vòng trang sức. Chuyện đeo tai này có thật đến mức trở thành giai thoại, ai từng đeo súng ngược cũng còn biết. Gần đây, lại có nhà văn trong nước, cũng hiền lành không kém, kể chuyện lính "ngụy" ném tù binh vào lửa cho hồng hào da thịt trước khi họ mang ra đánh chén. Ðây thì chắc là thuộc về huyền thoại mất, ném vào lửa thì có thể có, mà ăn thịt thì cũng đã có nhưng ném vào lửa rồi ăn thịt thì không. Có trường hợp lính (gốc Khờ me, vì mê tín) lấy gan người xào tỏi với rau muống cũng như có trường hợp lính (gốc Kinh, vì lợi nhuận) cắt mật đem bán cho nhà thuốc Bắc, thuốc Nam. Trường hợp sau, còn có kẻ giết cả thường dân để lấy mật, đã bị đưa ra Tòa án quân sự nên không thể nói là văn chương hư cấu. Dù sao, thì những việc tôi vỗ ngực nhận cũng bớt kinh hơn nếu không nói là còn... dễ thương?