trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.9.2004
Karl Popper
Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
(7 kì)
Nguyễn Quang A dịch
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Chương 2: Các thuyết theo-tự nhiên của chủ nghĩa lịch sử

Mặc dù chủ nghĩa lịch sử về căn bản là phản tự nhiên, nó chẳng hề phản đối ý tưởng cho rằng: Có một yếu tố chung trong các phương pháp của các môn khoa học vật lí và xã hội. Điều này có thể do sự thực: Các nhà lịch sử chủ nghĩa chấp nhận, như một quy tắc, quan điểm (mà tôi hoàn toàn chia sẻ) rằng xã hội học, giống vật lí học, là một nhánh tri thức hướng tới, đồng thời, là lí thuyết thực nghiệm.

Bằng cách nói: Nó là một môn lí thuyết, chúng ta muốn nói rằng: Xã hội học phải giải thích và tiên đoán các sự kiện, với sự giúp đỡ của các lí thuyết hay của các định luật chung (mà nó cố gắng khám phá ra). Bằng cách mô tả xã hội học như môn thực nghiệm, chúng ta muốn nói rằng: Nó được kinh nghiệm ủng hộ, rằng các sự kiện mà nó giải thích và tiên đoán là các sự thực có thể quan sát được, và rằng, sự quan sát là cơ sở cho việc chấp nhận hay bác bỏ bất kể lí thuyết được đề xuất nào. Khi chúng ta nói về thành công trong vật lí học, chúng ta ghi nhớ đến thành công của các tiên đoán của nó: Và thành công của các tiên đoán của nó có thể diễn đạt là hệt như sự chứng thực thực nghiệm của các định luật vật lí học. Khi chúng ta đối sánh thành công tương đối của xã hội học với thành công của vật lí học, chúng ta giả thiết rằng thành công trong xã hội học sẽ cũng như vậy, cốt ở, về cơ bản, sự củng cố của các tiên đoán. Suy ra rằng: Các phương pháp nào đó - tiên đoán với sự giúp đỡ của các định luật, và kiểm nghiệm các định luật bằng quan sát - phải là chung cho vật lí học và xã hội học.

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, bất chấp sự thực là tôi coi nó là một trong các giả thiết cơ bản của chủ nghĩa lịch sử. Song tôi không đồng ý với sự phát triển chi tiết hơn của quan điểm này, điều dẫn đến một loạt ý tưởng mà tôi sẽ mô tả ở phần tiếp. Thoạt nhìn, các ý tưởng này có thể dường như là các hệ quả khá dễ hiểu của quan điểm chung vừa được phác hoạ. Nhưng thực ra, chúng dính đến các giả thiết khác, cụ thể là, các học thuyết phản tự nhiên của chủ nghĩa lịch sử; và đặc biệt hơn, học thuyết về các quy luật hay xu hướng lịch sử.


Mục 11: So sánh với thiên văn học. Dự báo dài hạn và dự báo toàn diện [1]

Thành công của lí thuyết Newton đã gây ấn tượng rất mạnh lên các nhà lịch sử chủ nghĩa hiện đại, đặc biệt bởi năng lực dự báo vị trí của các hành tinh trước một thời gian dài. Họ cho là: Khả năng về dự báo dài hạn, như vậy, đã được xác lập, chứng tỏ rằng, các mơ ước lâu đời về tiên tri tương lai xa không vượt quá các giới hạn của điều mà trí óc con người có thể đạt được. Các môn khoa học xã hội phải hướng tới tầm cao đúng y như vậy. Ðối với thiên văn học, có thể tiên đoán được thiên thực [sự che khuất nhau của các thiên thể], vì sao đối với xã hội học, lại không có thể tiên đoán được các cuộc cách mạng?

Mặc dù chúng ta nên hướng cao như vậy, chúng ta không bao giờ được quên, nhà lịch sử chủ nghĩa sẽ nhấn mạnh rằng: Các môn khoa học xã hội không thể hi vọng và không nên nỗ lực để đạt sự chính xác của các dự báo thiên văn học. Một lịch khoa học chính xác về các sự kiện xã hội, so sánh được với, thí dụ, Niên giám Hàng hải, được chứng tỏ (ở các mục 5 và 6) là không thể thực hiện, về mặt logic. Cho dù các cuộc cách mạng có thể được tiên đoán bởi các môn khoa học xã hội, những tiên đoán như vậy không thể chính xác; phải có một biên bất định về chi tiết của nó cũng như về diễn tiến thời gian của nó.

Trong khi thừa nhận, và thậm chí nhấn mạnh, các thiếu sót của các tiên đoán xã hội liên quan đến chi tiết và độ chính xác, các nhà lịch sử chủ nghĩa cho rằng: Tầm và ý nghĩa quan trọng của các tiên đoán như vậy có thể bù cho các thiếu sót này. Những thiếu sót nảy sinh chủ yếu từ tính phức tạp của các sự kiện xã hội, từ sự liên kết với nhau của chúng, và từ đặc điểm định tính của các khái niệm xã hội học. Nhưng, mặc dù khoa học xã hội vì thế bị mập mờ, các khái niệm định tính của nó đồng thời cho nó một sự phong phú nào đó và tính chất toàn diện về ý nghĩa. Các thí dụ của các khái niệm như vậy: “xung đột văn hoá”, “sự thịnh vượng”, “đoàn kết”, “đô thị hoá”, “tính thoả dụng”. Các tiên đoán thuộc loại được mô tả, tức là các tiên đoán dài hạn mà tính mập mờ của chúng được bù lại bằng phạm vi và tầm quan trọng của chúng, tôi kiến nghị gọi là “các tiên đoán trên quy mô lớn” hay “các tiên đoán toàn diện”. Theo chủ nghĩa lịch sử, loại tiên đoán này là điều xã hội học phải nỗ lực.

Chắc hẳn đúng là các tiên đoán quy mô lớn như vậy - các tiên đoán dài hạn với tầm rộng và có thể hơi mơ hồ - có thể đạt được trong một số môn khoa học. Các thí dụ về tiên đoán quan trọng và khá thành công có thể thấy trong lĩnh vực thiên văn học. Thí dụ là dự đoán hoạt động của các vết mặt trời trên cơ sở các quy luật tuần hoàn (quan trọng cho thay đổi thời tiết) hay sự thay đổi hàng ngày hay theo mùa về sự ion hoá ở tầng cao khí quyển (quan trọng cho liên lạc vô tuyến điện). Các dự báo này giống với các tiên đoán thiên thực ở chừng mực: Chúng đề cập đến các sự kiện trong tương lai tương đối xa, nhưng chúng khác dự báo thiên thực ở chỗ: Thường chúng chỉ mang tính thống kê và trong mọi trường hợp, ít chính xác hơn khi liên quan đến chi tiết, thời gian, và các đặc điểm khác. Chúng ta thấy ở các dự báo toàn diện, có lẽ bản thân chúng không phi thực tiễn; và nếu nói chung, các khoa học xã hội chỉ có thể đạt được các dự báo dài hạn, thì khá rõ là chúng chỉ có thể là điều mà chúng ta đã mô tả như các dự báo toàn diện. Mặt khác, suy ra từ sự trình bày của chúng ta về các thuyết phản tự nhiên của chủ nghĩa lịch sử, cho rằng các dự báo ngắn hạn trong các môn khoa học xã hội bị bất lợi lớn. Thiếu chính xác chắc hẳn ảnh hưởng đáng kể đến chúng, vì do bản tính của chúng, chúng chỉ có thể đề cập đến các chi tiết, các đặc điểm nhỏ hơn của đời sống xã hội, vì chúng bị giới hạn ở các giai đoạn ngắn. Nhưng một dự báo chi tiết mà lại không chính xác về chi tiết thì thật chẳng có ích gì. Như vậy, nếu chúng ta có quan tâm đến dự báo xã hội nói chung, thì các dự báo toàn diện (cũng là các dự báo dài hạn) còn lại, theo chủ nghĩa lịch sử, không chỉ là hấp dẫn nhất mà thực sự là các dự báo duy nhất đáng thử làm.


Mục 12: Cơ sở quan sát

Cơ sở quan sát phi thí nghiệm cho một môn khoa học, theo một nghĩa nào đó của từ, là luôn mang tính “lịch sử”. Là thế ngay cả với cơ sở quan sát của thiên văn học. Các sự thực mà thiên văn học dựa vào được chứa trong các bản ghi chép của đài thiên văn; các bản ghi thông báo với chúng ta, thí dụ, rằng tại một thời điểm nào đó (giờ, giây) sao Thuỷ được ông Này ông Nọ quan sát ở vị trí nào đó. Tóm lại, chúng cho chúng ta một “sổ ghi các sự kiện theo thứ tự thời gian”, hoặc một ghi chép về những quan sát.

Tương tự, cơ sở quan sát của xã hội học chỉ có thể cho dưới dạng một ghi chép về các sự kiện, ấy là các biến cố chính trị hay xã hội. Sự ghi chép các biến cố chính trị và biến cố quan trọng khác trong đời sống xã hội là cái người ta thường gọi là “lịch sử”. Lịch sử theo nghĩa hẹp này là cơ sở của xã hội học.

Nực cười khi đi phủ nhận tầm quan trọng của lịch sử theo nghĩa hẹp này như một cơ sở kinh nghiệm cho khoa học xã hội. Nhưng một trong những khẳng định đặc trưng của chủ nghĩa lịch sử, điều liên kết mật thiết với sự phủ nhận của nó về tính có thể áp dụng được của phương pháp thí nghiệm, là lịch sử chính trị và xã hội, là nguồn kinh nghiệm duy nhất của xã hội học. Như thế, nhà lịch sử chủ nghĩa hình dung xã hội học như một môn lí thuyết và kinh nghiệm mà cơ sở kinh nghiệm của nó được tạo riêng bởi sự ghi chép các sự thực lịch sử, và mục đích của nó là đưa ra các dự đoán, tốt nhất là các dự báo toàn diện. Rõ ràng, các dự báo này cũng phải có tính lịch sử, vì sự kiểm chứng chúng bằng kinh nghiệm, sự xác minh hay bác bỏ chúng, phải được để cho lịch sử tương lai thực hiện. Như vậy, đưa ra và kiểm chứng các dự báo lịch sử toàn diện là nhiệm vụ của xã hội học theo cách nhìn của chủ nghĩa lịch sử. Tóm lại, nhà lịch sử chủ nghĩa cho rằng xã hội học là sử học lí thuyết.


Mục 13: Ðộng học xã hội

Có thể mở rộng thêm sự tương tự giữa khoa học xã hội và thiên văn học. Phần thiên văn học mà các nhà lịch sử chủ nghĩa thường xem xét, cơ học thiên thể, dựa trên động học, lí thuyết về chuyển động như được xác định bởi các lực. Các tác giả lịch sử chủ nghĩa thường nhấn mạnh là xã hội học phải, theo cách tương tự, dựa vào động học xã hội, lí thuyết về vận động xã hội như được các lực lượng xã hội (hay lịch sử) xác định.

Nhà vật lí biết rằng, tĩnh học chỉ là một sự tách ra từ động học; tức là lí thuyết giải thích làm sao và vì sao, dưới những hoàn cảnh nhất định, không có gì xảy ra, tức là vì sao sự thay đổi không xảy ra; và nó giải thích điều này bằng sự cân bằng của các lực chống lại nhau. Còn động học, mặt khác, đề cập trường hợp tổng quát, tức là với các lực bằng nhau hay không bằng nhau, và có thể được mô tả như lí thuyết giải thích: Làm sao và vì sao cái gì đó xảy ra. Như thế, chỉ động học có thể cho chúng ta các định luật có hiệu lực phổ quát của cơ học; vì tự nhiên là một quá trình; nó chuyển động, thay đổi, phát triển - mặc dù đôi khi chỉ chậm chạp, làm cho việc quan sát sự phát triển có thể gặp khó khăn.

Sự tương tự của cách nhìn này về động học đối với cách nhìn về xã hội học của nhà lịch sử chủ nghĩa là hiển nhiên và không cần bình luận thêm. Nhưng, nhà lịch sử chủ nghĩa có thể cho rằng, sự tương tự là sâu xa hơn. Ông ta, thí dụ, có thể cho rằng xã hội học, như được chủ nghĩa lịch sử hình dung, là hơi giống động học, bởi vì nó, về bản chất, là một lí thuyết nhân quả; vì sự giải thích nhân quả nói chung là một sự giải thích: Làm sao và vì sao các sự vật nào đó xảy ra. Về cơ bản, một giải thích như vậy phải luôn có một yếu tố lịch sử. Nếu ta hỏi ai đó bị gẫy chân làm sao và vì sao nó xảy ra, ta trông chờ anh ta sẽ nói về lịch sử của tai nạn. Nhưng ngay cả ở mức tư duy lí thuyết, và đặc biệt ở mức của các lí thuyết cho phép dự báo, một phân tích lịch sử về các nguyên nhân của một sự kiện là cần thiết. Thí dụ điển hình của nhu cầu đối với một phân tích nguyên nhân, nhà lịch sử chủ nghĩa quả quyết, là vấn đề về căn nguyên, hay các lí do bản chất, của chiến tranh.

Trong vật lí học, một sự phân tích như vậy được thực hiện bằng cách xác định các lực tương tác, tức là bởi động học; và nhà lịch sử chủ nghĩa cho rằng, xã hội học cũng phải nỗ lực như thế. Nó phải phân tích các lực gây ra sự thay đổi xã hội và tạo ra lịch sử nhân loại. Từ động học, chúng ta học được các lực tương tác tạo thành các lực mới ra sao; và ngược lại, bằng phân tích các lực ra các thành phần, chúng ta có khả năng hiểu thấu các nguyên nhân căn bản hơn của các sự kiện được xem xét. Cũng như vậy, chủ nghĩa lịch sử đòi hỏi sự thừa nhận tầm quan trọng cơ bản của các lực lượng lịch sử, bất luận tinh thần hay vật chất; thí dụ, các tư tưởng tôn giáo hay đạo đức, hoặc các lợi ích kinh tế. Đi phân tích, đi gỡ mối bòng bong này của các xu hướng và lực xung đột nhau và để thâm nhập đến, lần đến gốc rễ của nó, đến động lực phổ quát và các quy luật của biến đổi xã hội - đây là nhiệm vụ của các môn khoa học xã hội, chí ít theo sự mường tượng của chủ nghĩa lịch sử. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể phát triển một khoa học lí thuyết làm cơ sở cho các dự báo toàn diện mà sự xác nhận của chúng sẽ có nghĩa là thành công của lí thuyết xã hội.


Mục 14: Các quy luật lịch sử

Chúng ta đã thấy rằng: Xã hội học, theo nhà lịch sử chủ nghĩa, là sử học lí thuyết. Các dự đoán khoa học của nó phải dựa vào các quy luật, và vì chúng là các dự báo lịch sử, dự báo về sự biến đổi xã hội, chúng phải dựa vào các quy luật lịch sử.

Nhưng đồng thời, nhà lịch sử chủ nghĩa cho là phương pháp khái quát hoá không thể áp dụng được cho khoa học xã hội, và rằng, chúng ta không được giả thiết những sự đồng đều của đời sống xã hội là có hiệu lực một cách bất biến trong không gian và thời gian, vì chúng thường chỉ áp dụng cho một giai đoạn văn hoá hay lịch sử nào đó. Như vậy các quy luật xã hội - nếu có bất kể quy luật xã hội thực sự nào - phải có một cấu trúc hơi khác một chút so với các khái quát hoá thông thường dựa trên những sự đều đặn. Các quy luật xã hội thực sự phải có hiệu lực “nói chung”. Song điều này chỉ có thể có nghĩa là chúng áp dụng cho toàn bộ lịch sử loài người, phủ mọi giai đoạn của lịch sử loài người, hơn là chỉ bao phủ một vài giai đoạn trong số đó. Nhưng khi vượt quá những giai đoạn đơn nhất, không thể có sự đồng đều xã hội nào được cho là đúng cả. Như vậy, các quy luật có hiệu lực phổ quát duy nhất của xã hội phải là các quy luật liên kết các giai đoạn kế tiếp nhau. Chúng phải là các quy luật về phát triển lịch sử, các quy luật quyết định sự quá độ từ một giai đoạn sang giai đoạn khác. Đây là điều các nhà lịch sử chủ nghĩa hiểu khi nói rằng: Các quy luật duy nhất của xã hội học là các quy luật lịch sử.


Mục 15: Tiên tri lịch sử đối lại với cải biến xã hội

Như đã chỉ ra, các quy luật lịch sử này (nếu có thể khám phá ra chúng) sẽ cho phép tiên đoán các sự kiện thậm chí rất xa, cho dù không chính xác đến từng phút về chi tiết. Như thế, học thuyết cho rằng các quy luật xã hội thực sự là các quy luật lịch sử (một học thuyết chủ yếu dẫn xuất từ tính hiệu lực hạn chế của những sự đồng đều xã hội) dẫn ta trở lại, độc lập với bất kể nỗ lực bắt chước thiên văn học nào, với ý tưởng về “dự báo toàn diện”. Và nó làm cho ý tưởng này cụ thể hơn, vì nó chứng tỏ: Các dự báo này có đặc tính của các lời tiên tri lịch sử.

Xã hội học, như thế trở thành, theo nhà lịch sử chủ nghĩa, một nỗ lực để giải vấn đề cũ về việc đoán trước tương lai; mặc dù không phải tương lai của cá nhân mà là của các nhóm, và của loài người. Nó là khoa học của những sự kiện sắp tới, của sự phát triển sắp xảy ra. Nếu nỗ lực để cung cấp cho chúng ta sự thấy trước có hiệu lực khoa học giả như thành công, thì xã hội học sẽ tỏ ra có giá trị thật to lớn cho các chính trị gia, đặc biệt cho những người có tầm nhìn vượt quá những cấp bách hiện thời, cho các chính trị gia có ý thức về vận mệnh lịch sử. Đúng là một số nhà lịch sử chủ nghĩa vừa lòng tiên đoán chỉ các giai đoạn tiếp theo của cuộc hành hương của con người, và thậm chí làm việc này rất thận trọng. Nhưng tất cả bọn họ đều có một ý tưởng chung: Nghiên cứu xã hội học phải giúp khám phá ra tương lai, và vì vậy, nó có thể trở thành công cụ hàng đầu của hoạt động chính trị thực tiễn nhìn xa trông rộng.

Từ quan điểm giá trị thực dụng của khoa học, tầm quan trọng của các tiên đoán khoa học là đủ rõ. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ là có thể phân biệt hai loại tiên đoán trong khoa học, và vì vậy, có hai cách thực hiện khác nhau. Chúng ta có thể dự báo (a) một cơn bão sắp xảy ra, một dự báo có thể có giá trị thực tiễn rất lớn vì nó có thể cho phép người dân kiếm chỗ trú ẩn kịp thời; nhưng chúng ta cũng có thể dự báo (b) rằng nếu một chỗ trú ẩn nào đó để có thể đứng vững với bão, nó phải được xây dựng theo cách nào đấy, thí dụ, với trụ tường phía bắc bằng bê tông cốt sắt.

Hai loại dự báo này hiển nhiên là rất khác nhau, mặc dù cả hai đều quan trọng và thoả mãn các ước mơ lâu đời. Trong trường hợp một, chúng ta được nói về một sự kiện mà chúng ta chẳng có thể làm gì để ngăn chặn. Tôi sẽ gọi tiên đoán như vậy là một lời “tiên tri”. Giá trị thực tiễn của nó là ở chỗ: Cảnh báo chúng ta về sự kiện được dự báo, sao cho chúng ta có thể tránh né nó hay đương đầu với nó với sự chuẩn bị (có lẽ với sự giúp đỡ của các dự báo loại kia).

Ngược với các dự đoán này là các dự báo loại thứ hai mà chúng ta có thể mô tả như các dự báo kĩ thuật (technological) vì các dự báo loại này tạo cơ sở cho ngành kĩ thuật (engineering). Có thể nói, chúng mang tính xây dựng, gợi ý các bước mở ra cho chúng ta nếu chúng ta muốn đạt kết quả nhất định. Phần lớn vật lí học (gần như tất cả, ngoại trừ thiên văn học và khí tượng học) đưa ra các tiên đoán ở dạng mà, xét từ lập trường thực tiễn, chúng có thể được mô tả như dự báo kĩ thuật. Sự phân biệt giữa hai loại tiên đoán này, đại thể trùng với tầm quan trọng ít hơn hay lớn hơn của phần thí nghiệm được thiết kế đối lại với việc đơn thuần quan sát nhẫn nại trong ngành khoa học có liên quan. Các khoa học thực nghiệm điển hình có khả năng đưa ra các dự đoán kĩ thuật, còn các khoa học chủ yếu áp dụng quan sát không có thí nghiệm tạo ra các lời tiên tri.

Tôi không muốn được coi như ngụ ý cho rằng: Mọi ngành khoa học, hoặc thậm chí mọi tiên đoán khoa học, căn bản mang tính thực tiễn - rằng chúng nhất thiết hoặc mang tính tiên tri hoặc mang tính kĩ thuật và không thể là bất kể thứ gì khác. Tôi chỉ muốn lưu ý đến sự khác biệt giữa hai loại tiên đoán và các khoa học tương ứng với chúng. Trong lựa chọn thuật ngữ “tiên tri” và “kĩ thuật”, tôi chắc chắn muốn ám chỉ một đặc điểm mà chúng bộc lộ, nếu nhìn từ quan điểm thực dụng; nhưng việc sử dụng thuật ngữ này của tôi chẳng có ý định muốn nói: Quan điểm thực dụng nhất thiết là ưu việt hơn quan điểm khác, cũng không có ngụ ý: Mối quan tâm khoa học chỉ giới hạn cho các lời tiên tri quan trọng về mặt thực dụng và cho các tiên đoán mang tính kĩ thuật. Nếu chúng ta xem xét, thí dụ, thiên văn học, chúng ta phải thừa nhận rằng những khám phá của nó chủ yếu lí thú về mặt lí thuyết, dẫu cho chúng không phải không có giá trị từ quan điểm thực dụng; nhưng với tư cách là “các lời tiên tri”, chúng đều giống như các dự báo thời tiết mà giá trị của chúng cho các hoạt động thực tiễn là khá hiển nhiên.

Đáng lưu ý rằng: Sự khác biệt giữa tính chất tiên tri và kĩ thuật của các khoa học không tương ứng với sự khác biệt giữa các dự báo dài hạn và ngắn hạn. Mặc dù hầu hết tiên đoán kĩ thuật là ngắn hạn, cũng có các tiên đoán kĩ thuật dài hạn, thí dụ, về tuổi thọ của một động cơ. Lần nữa, các tiên tri thiên văn có thể hoặc là ngắn hạn hoặc là dài hạn, và hầu hết tiên tri thời tiết là tương đối ngắn hạn.

Sự khác nhau giữa hai mục tiêu thực tiễn này - tiên tri và kĩ thuật - và sự khác nhau tương ứng trong cấu trúc của các lí thuyết khoa học liên quan, sẽ được thấy muộn hơn, là một trong các điểm chính trong phân tích phương pháp luận của chúng ta. Lúc này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng: Các nhà lịch sử chủ nghĩa, khá nhất quán với lòng tin của họ, cho rằng các thí nghiệm xã hội học là vô dụng và không thể thực hiện, lí luận ủng hộ tiên tri lịch sử - tiên tri sự phát triển xã hội, chính trị và định chế - và chống lại cải biến xã hội (social engineering), như mục tiêu thực tiễn của các môn khoa học xã hội. Ý tưởng về cải biến xã hội, tức là kế hoạch hoá và xây dựng các định chế, có lẽ với mục tiêu chặn lại, kiểm soát hay đẩy nhanh các diễn biến xã hội sắp xảy ra, đối với một số nhà lịch sử chủ nghĩa, tỏ ra có thể thực hiện được. Đối với những người khác, điều này dường như không thể làm nổi, hoặc là việc bỏ qua sự thực, cho rằng kế hoạch hoá chính trị, giống mọi hoạt động xã hội, phải ở dưới sự thống trị bề trên của các lực lượng lịch sử.


Mục 16: Lí thuyết về tiến triển lịch sử

Những cân nhắc này đã đưa chúng ta đến rất gần tâm của tập các lí lẽ mà tôi kiến nghị gọi là “chủ nghĩa lịch sử”, và chúng biện minh cho sự lựa chọn cái nhãn này. Khoa học xã hội chẳng khác gì lịch sử: Ðây là luận đề. Tuy vậy, không phải lịch sử theo nghĩa truyền thống của một sử biên niên của các sự thực. Loại lịch sử mà các nhà lịch sử chủ nghĩa muốn đồng nhất với xã hội học không chỉ nhìn lui lại vào quá khứ mà cũng nhìn hướng về tương lai. Nó là việc nghiên cứu các lực hoạt động và, trước hết, các quy luật của tiến triển xã hội. Do đó, nó có thể được mô tả như lí thuyết lịch sử, hay sử học lí thuyết, vì chỉ có các quy luật xã hội có hiệu lực phổ quát mới được coi như các quy luật lịch sử. Chúng phải là các quy luật về quá trình, về thay đổi, về phát triển - không phải các quy luật giả về những sự bất biến hay đồng đều bề ngoài. Theo các nhà lịch sử chủ nghĩa, các nhà xã hội học phải cố đạt được ý tưởng chung về các xu hướng rộng lớn mà các cơ cấu xã hội thay đổi phù hợp với chúng. Nhưng bên cạnh điều này, họ phải cố gắng hiểu các nguyên nhân của quá trình này, hoạt động của các lực chịu trách nhiệm về sự thay đổi. Họ phải cố gắng trình bày các giả thuyết về các xu hướng chung nằm dưới sự phát triển xã hội, nhằm để cho con người có thể điều chỉnh mình đối với những thay đổi sắp xảy ra, bằng cách rút ra các lời tiên tri từ các quy luật này.

Quan niệm của nhà lịch sử chủ nghĩa về xã hội học có thể được làm rõ thêm, bằng cách theo dõi sự phân biệt mà tôi đã nêu ra giữa hai loại dự đoán khác nhau - và sự phân biệt liên quan giữa hai loại khoa học. Ngược lại với phương pháp luận lịch sử chủ nghĩa, chúng ta có thể hình dung một phương pháp luận nhắm tới khoa học xã hội kĩ thuật. Một phương pháp luận như vậy sẽ dẫn đến việc nghiên cứu các quy luật chung của đời sống xã hội, với mục đích tìm ra tất cả các sự thật không thể thiếu được như cơ sở cho công việc của mọi người tìm cách cải cách các định chế xã hội. Không nghi ngờ gì là có các sự thực như vậy. Thí dụ, chúng ta biết nhiều hệ thống Không tưởng phi thực tiễn đơn giản vì chúng không xem xét các sự thực đó một cách thích đáng. Phương pháp luận kĩ thuật mà chúng ta đang xem xét sẽ hướng vào việc cung cấp các công cụ để tránh các kiến trúc phi thực tiễn như vậy. Nó sẽ là phản lịch sử chủ nghĩa, nhưng chẳng hề phản lịch sử. Kinh nghiệm lịch sử sẽ phục vụ nó như nguồn thông tin quan trọng nhất. Nhưng, thay cho việc cố tìm ra các quy luật về phát triển xã hội, nó sẽ tìm các quy luật đa dạng, các quy luật áp đặt những hạn chế lên việc xây dựng các định chế xã hội, hoặc tìm các tính đều đặn khác (mặc dù những điều này, các nhà lịch sử chủ nghĩa nói, không tồn tại).

Cũng như việc dùng các lí lẽ ngược lại với loại đã được thảo luận, nhà lịch sử chủ nghĩa, như vậy, có thể nghi ngờ khả năng và tính hữu dụng của một công nghệ xã hội. Hãy giả sử, ông ta có thể nói, rằng kĩ sư xã hội đã vạch tỉ mỉ một kế hoạch cho một cấu trúc xã hội mới, được hỗ trợ bởi loại xã hội học được ta hình dung ra. Chúng ta giả sử rằng, kế hoạch này là cả thực tế lẫn hiện thực theo nghĩa: Nó không mâu thuẫn với các sự thực quen biết và các quy luật của đời sống xã hội; và chúng ta thậm chí giả sử rằng: Kế hoạch được hỗ trợ bởi một kế hoạch nữa, cũng thực tiễn như thế, để biến đổi xã hội như vốn có hiện nay sang cấu trúc mới. Cho dù có đúng như thế, các lí lẽ lịch sử chủ nghĩa chứng tỏ rằng, một kế hoạch như vậy sẽ không đáng để xem xét nghiêm túc. Nó vẫn là một ước mơ phi hiện thực và Không tưởng, chính vì nó không tính đến các quy luật về phát triển lịch sử. Các cuộc cách mạng xã hội không phải do các kế hoạch duy lí gây ra, mà do các lực lượng xã hội gây ra, thí dụ, do những xung đột lợi ích. Ý tưởng cổ xưa về một ông vua-triết gia, người đưa các kế hoạch được suy nghĩ cẩn thận nào đó vào thực tiễn, là một chuyện được bịa ra vì lợi ích của giới quý tộc địa chủ. Cái tương đương dân chủ của chuyện bịa này là sự mê tín, cho rằng đủ số người có thiện chí sẽ có thể được lí lẽ duy lí thuyết phục để thực hiện các hành động có kế hoạch. Lịch sử chứng tỏ rằng: Thực tế xã hội là hoàn toàn khác. Tiến trình diễn tiến lịch sử chẳng bao giờ được định hình bởi các cấu trúc lí thuyết, dẫu cho xuất sắc đến đâu, dù cho các sơ đồ như vậy có thể, phải thừa nhận, có ảnh hưởng nào đó, cùng với nhiều nhân tố ít duy lí (hay thậm chí phi lí) khác. Ngay cả nếu một kế hoạch duy lí có trùng với các lợi ích của các nhóm hùng mạnh, nó sẽ chẳng bao giờ được thực hiện theo cách mà nó được hình dung, bất chấp sự thực rằng cuộc đấu tranh để thực hiện nó, khi đó, sẽ trở thành một nhân tố chủ yếu trong quá trình lịch sử. Kết quả thật sẽ luôn luôn rất khác cấu trúc duy lí. Nó sẽ luôn luôn là kết quả của hình trạng nhất thời của các lực lượng tranh đua nhau. Hơn nữa, kết quả của kế hoạch hoá duy lí không thể trở thành một cấu trúc ổn định dưới bất kể hoàn cảnh nào; vì sự cân bằng lực lượng nhất thiết thay đổi. Mọi cải biến xã hội (social engineering), bất kể nó tự hào đến đâu về tính hiện thực và về tính khoa học của nó, đều chịu số phận vẫn là một mơ ước Không tưởng.

Cho đến nay, nhà lịch sử chủ nghĩa tiếp tục dùng những lí lẽ để hướng tới việc: Chống khả năng thực tiễn của cải biến xã hội theo một môn khoa học lí thuyết nào đó, chứ không chống lại ý tưởng về bản thân môn khoa học đó. Tuy vậy, nó có thể được mở rộng dễ dàng để chứng minh tính “không thể” của bất kể môn khoa học xã hội nào thuộc loại công nghệ. Chúng ta đã thấy rằng: Sự đảm đương phiêu lưu cải biến có tính thực tiễn chịu số phận thất bại vì các sự thực và quy luật xã hội rất quan trọng. Nhưng điều này không hàm ý chỉ rằng một sự phiêu lưu như vậy không có giá trị thực tiễn mà cũng hàm ý rằng: Nó yếu về mặt lí thuyết, vì nó bỏ qua các quy luật xã hội duy nhất quan trọng thật sự - các quy luật phát triển. “Khoa học” mà nó được cho là dựa vào cũng phải bỏ sót các quy luật này, vì khác đi thì nó sẽ chẳng bao giờ đã cung cấp cơ cở cho các cấu trúc phi thực tế đến vậy. Bất kể môn khoa học xã hội nào mà không thuyết giảng tính không thể của kiến trúc xã hội duy lí, là hoàn toàn mù quáng đối với các sự thực quan trọng nhất của đời sống xã hội, và phải bỏ qua các quy luật xã hội duy nhất có tính hợp lệ thật sự và tầm quan trọng thật sự. Các môn khoa học xã hội tìm cách tạo cơ sở cho cải biến xã hội, vì vậy, không thể mô tả đúng các sự thực xã hội. Bản thân chúng là “không thể”.

Nhà lịch sử chủ nghĩa sẽ đòi hỏi rằng: Bên cạnh sự phê phán mang tính quyết định này, còn có các lí do khác nữa để từ chối xã hội học công nghệ. Một lí do, thí dụ, là chúng bỏ qua các khía cạnh của diễn tiến xã hội như sự nổi lên của tính mới. Ý tưởng cho rằng chúng ta có thể xây dựng các cấu trúc xã hội mới một cách duy lí trên cơ sở khoa học, hàm ý rằng: Chúng ta có thể tạo ra một thời kì lịch sử mới ít nhiều chính xác theo cách chúng ta đã lập kế hoạch. Thế mà, nếu kế hoạch dựa vào một môn khoa học bao trùm các sự thực xã hội, thì nó không thể tính đến các đặc tính mới thực chất, chỉ đến những tính mới về sắp xếp (xem mục 3). Nhưng chúng ta biết rằng, một thời kì mới sẽ có tính mới thật sự riêng của nó - một lí lẽ phải làm cho bất kể kế hoạch hoá chi tiết nào trở thành vô ích, và bất kể môn khoa học nào mà nó dựa vào đều không đúng.

Những cân nhắc lịch sử chủ nghĩa này có thể áp dụng cho mọi môn khoa học xã hội, bao gồm cả kinh tế học. Kinh tế học, vì vậy, không thể cho chúng ta bất kể thông tin có giá trị nào liên quan đến sự cải cách xã hội. Chỉ có giả-kinh tế học có thể tìm cách tạo một cơ sở cho kế hoạch hoá kinh tế duy lí. Kinh tế học khoa học thật sự chỉ có thể giúp việc tiết lộ các động lực của sự phát triển kinh tế, thông qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Nó có thể giúp chúng ta nhìn thấy trước các nét phác hoạ của các giai đoạn tương lai, nhưng nó không thể giúp chúng ta phát triển và đưa vào hoạt động bất kể kế hoạch chi tiết nào cho bất kể thời kì mới nào. Cái đúng với các khoa học xã hội khác phải đúng với kinh tế học. Mục đích cuối cùng của nó chỉ có thể “để bóc trần quy luật kinh tế về vận động của xã hội loài người” (Marx).


Mục 17: Diễn giải đối lại việc lập kế hoạch thay đổi xã hội

Quan điểm lịch sử chủ nghĩa về sự phát triển xã hội không ngụ ý thuyết định mệnh, nó cũng chẳng dẫn đến sự không hoạt động - hoàn toàn ngược lại. Hầu hết các nhà lịch sử chủ nghĩa có các khuynh hướng rất rõ rệt, hướng tới “chủ nghĩa tích cực” (xem mục 1). Chủ nghĩa lịch sử nhận ra đầy đủ rằng: Những mong muốn và suy nghĩ của chúng ta, các ước mơ và lí lẽ của chúng ta, sự sợ hãi và tri thức của chúng ta, các lợi ích và năng lực của chúng ta, đều là các lực lượng để phát triển xã hội. Nó không dạy rằng: Chẳng có thể tạo ra cái gì; nó chỉ tiên đoán rằng: Cả các mơ ước của ta lẫn những điều mà lí trí của ta xây dựng lên sẽ chẳng bao giờ xảy ra theo kế hoạch. Chỉ có các kế hoạch khớp với dòng lịch sử chủ yếu là có thể có kết quả. Bây giờ, ta có thể thấy chính xác loại hoạt động được các nhà lịch sử chủ nghĩa thừa nhận là hợp lí. Chỉ có các hoạt động như vậy là hợp lí, các hoạt động hợp với, và thúc đẩy cho, các thay đổi sắp xảy ra. Việc đỡ đẻ xã hội là hoạt động hợp lí được ưa chuộng duy nhất mở ra cho chúng ta, là hoạt động duy nhất có thể dựa vào sự nhìn xa trông rộng của khoa học.

Mặc dù không có lí thuyết khoa học nào có thể trực tiếp khuyến khích hành động (nó chỉ có thể làm nản lòng các hành động phi thực tiễn nào đấy), gián tiếp, nó có thể cổ vũ những người cảm thấy mình phải làm cái gì đó. Chủ nghĩa lịch sử dứt khoát tạo loại cổ vũ này. Nó thậm chí giúp cho lí trí con người đóng một vai trò nào đó; vì nó là lí lẽ khoa học, khoa học xã hội lịch sử chủ nghĩa, cái chỉ riêng nó có thể nói cho chúng ta hướng của bất kể hành động nào cần lấy, nếu muốn nó trùng với hướng của các thay đổi sắp xảy ra.

Tiên tri lịch sử và diễn giải lịch sử, như vậy, phải trở thành cơ sở của bất kể hoạt động xã hội thực tế và được suy nghĩ kĩ nào. Vì vậy, diễn giải lịch sử phải là công việc trung tâm của tư duy lịch sử chủ nghĩa; và đối sánh với sự thực, nó đã trở thành như vậy. Mọi suy nghĩ và mọi hành động của các nhà lịch sử chủ nghĩa hướng tới việc diễn giải quá khứ, nhằm dự đoán tương lai.

Chủ nghĩa lịch sử có thể cho niềm hi vọng hay cổ vũ cho những người muốn thấy một thế giới tốt đẹp hơn không? Chỉ một nhà lịch sử chủ nghĩa, người có quan điểm lạc quan về sự phát triển xã hội, tin vào nó là “tốt” hay “có lí” một cách nội tại, theo nghĩa hướng thực chất tới một trạng thái tốt hơn, hợp lí hơn, mới có thể cho một niềm hi vọng như vậy. Nhưng quan điểm này chẳng khác gì một lòng tin vào những phép thần kì chính trị và xã hội, vì đối với lí trí con người, nó phủ nhận việc: quyền lực tạo ra một thế giới hợp lí hơn. Thực vậy, một số tác giả lịch sử chủ nghĩa có uy tín đã lạc quan đoán trước sự tiến tới của một vương quốc tự do, trong đó, công việc con người có thể được lập kế hoạch dựa trên lí trí. Và họ dạy rằng: Quá độ từ vương quốc của sự tất yếu, trong đó nhân loại hiện tại buộc phải chịu đựng, sang vương quốc tự do và lí trí không thể do lí trí gây ra, mà - một cách kì diệu - chỉ do sự tất yếu thô bạo, do các quy luật phát triển lịch sử mù quáng và không lay chuyển được, mà họ khuyên chúng ta nên phục tùng.

Những người muốn tăng ảnh hưởng của lí trí trong đời sống xã hội có thể chỉ được chủ nghĩa lịch sử khuyên đi nghiên cứu và diễn giải lịch sử, nhằm phát hiện ra các quy luật phát triển của nó. Nếu sự diễn giải như vậy tiết lộ rằng: Các thay đổi đáp lại mong mỏi của họ sắp xảy ra, thì mong muốn là hợp lí, vì nó thống nhất với tiên đoán khoa học. Nếu sự phát triển sắp tới có xu hướng theo chiều khác, thì mong muốn làm cho thế giới hợp lí hơn hoá ra là hoàn toàn không hợp lí; đối với các nhà lịch sử chủ nghĩa thì nó đúng chỉ là một mơ ước Không tưởng. Chủ nghĩa tích cực có thể được biện minh chừng nào nó đồng ý với các thay đổi sắp xảy ra và thúc đẩy chúng.

Tôi đã chứng tỏ rằng, phương pháp theo tự nhiên, theo cách nhìn của chủ nghĩa lịch sử, ngụ ý một lí thuyết xã hội học xác định - lí thuyết cho rằng: Xã hội không phát triển hay thay đổi một cách đáng kể. Bây giờ chúng ta thấy rằng: Phương pháp lịch sử chủ nghĩa ngụ ý một lí thuyết xã hội học tương tự một cách lạ kì - lí thuyết cho rằng: Xã hội sẽ nhất thiết thay đổi nhưng theo một quỹ đạo được xác định trước không thể thay đổi, thông qua các giai đoạn được xác định trước bởi tính tất yếu không lay chuyển được.

“Khi một xã hội đã khám phá ra quy luật tự nhiên xác định sự vận động riêng của nó, thậm chí khi đó, nó chẳng thể nhảy qua được các giai đoạn tiến triển tự nhiên của nó, cũng không loại bỏ được chúng bằng mệnh lệnh [nguyên văn bằng nét bút]. Nhưng ngần này thứ nó có thể làm: Rút ngắn và giảm bớt sự đau đẻ”. Cách trình bày này của Marx, [2] đại diện tuyệt vời cho lập trường lịch sử chủ nghĩa. Mặc dù nó không dạy việc từ bỏ hành động, nó cũng chẳng dạy thuyết định mệnh thật, chủ nghĩa lịch sử dạy về sự vô ích của bất kể nỗ lực nào để thay đổi những sự thay đổi sắp xảy ra; một loại thuyết định mệnh lạ kì, một thuyết định mệnh liên quan đến các xu hướng lịch sử. Phải thú nhận, lời hô hào “hoạt động chủ nghĩa” – “Các triết gia đã chỉ diễn giải thế giới theo những cách khác nhau: Ðiểm quan trọng, tuy vậy, là biến đổi nó[3] - có thể nhận được nhiều sự đồng tình của các nhà lịch sử chủ nghĩa (hiểu “thế giới” ở đây là xã hội loài người đang phát triển) vì sự nhấn mạnh của nó về sự thay đổi. Song nó mâu thuẫn với các học thuyết quan trọng nhất của chủ nghĩa lịch sử. Vì như bây giờ chúng ta thấy, chúng ta có thể nói: “Nhà lịch sử chủ nghĩa chỉ có thể diễn giải sự phát triển xã hội và giúp nó theo các cách khác nhau; điểm quan trọng, tuy vậy, là chẳng ai có thể thay đổi nó”.


Mục 18: Kết thúc phân tích

Có thể cảm thấy rằng, những trình bày cuối của tôi lệch khỏi ý định mà tôi công khai thú nhận, là trước tiên, phác hoạ các lập trường lịch sử chủ nghĩa càng sắc nét và càng thuyết phục càng tốt, trước khi chuyển sang phê phán nó. Vì những trình bày này cố gắng chứng tỏ rằng: Thiên hướng của một số nhà lịch sử chủ nghĩa đến chủ nghĩa lạc quan hay chủ nghĩa tích cực bị chính kết quả của bản thân phân tích lịch sử chủ nghĩa làm thất bại. Điều này có thể dường như ngụ ý sự buộc tội, rằng: Chủ nghĩa lịch sử là không nhất quán. Và người ta có thể trách tôi là không ngay thẳng, đã cho phép việc phê phán và mỉa mai lẻn vào sự trình bày.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ sự trách móc này là đúng. Chỉ những người đầu tiên là các nhà lạc quan chủ nghĩa hay tích cực chủ nghĩa, rồi sau đó là lịch sử chủ nghĩa, mới có thể coi các nhận xét của tôi là phê phán theo một nghĩa bất lợi. (Sẽ có nhiều người cảm thấy như vậy: Những người ban đầu bị chủ nghĩa lịch sử hấp dẫn vì thiên hướng của họ tới chủ nghĩa lạc quan hay chủ nghĩa tích cực). Nhưng với những người trước hết là lịch sử chủ nghĩa, các nhận xét của tôi phải xuất hiện không như một phê phán các học thuyết lịch sử chủ nghĩa của họ mà chỉ như một sự phê phán các mưu toan gắn nó với chủ nghĩa lạc quan hay chủ nghĩa tích cực.

Như vậy, hẳn không phải mọi dạng của chủ nghĩa tích cực bị phê phán là không tương hợp với chủ nghĩa lịch sử, mà chỉ một số dạng ngông cuồng hơn của nó. Như so sánh với phương pháp theo tự nhiên, một nhà lịch sử chủ nghĩa thuần tuý sẽ lí luận, chủ nghĩa lịch sử có sự cổ vũ sự tích cực, vì sự nhấn mạnh của nó đến thay đổi, tiến trình, vận động; tuy nhiên, chắc chắn nó không khuyến khích một cách mù quáng mọi loại hành động, như các hành động hợp lí nhìn từ quan điểm khoa học; nhiều hành động khả dĩ là phi thực tế, và sự thất bại của chúng có thể được khoa học thấy trước. Điều này, ông ta có thể nói, là lí do vì sao ông ta và các nhà lịch sử chủ nghĩa khác áp đặt các hạn chế lên phạm vi của điều họ thừa nhận là hành động hữu ích, và vì sao, một sự nhấn mạnh đến các hạn chế này là cần thiết cho bất kể sự phân tích rõ ràng nào của chủ nghĩa lịch sử. Và ông ta có thể cho là hai trích dẫn của Marx (ở mục trước) không mâu thuẫn với nhau, mà bổ sung cho nhau; rằng, mặc dù trích dẫn thứ hai (và là trích dẫn cũ hơn), xét riêng nó có lẽ có vẻ hơi “tích cực chủ nghĩa” quá, các hạn chế đúng đắn của nó được trích dẫn thứ nhất quy định; và nếu trích dẫn thứ hai hấp dẫn các nhà tích cực chủ nghĩa cực đoan và khiến họ đi theo chủ nghĩa lịch sử, thì trích dẫn thứ nhất phải chỉ cho họ các giới hạn đúng đắn của bất kể hành động nào, dù là nó, vì thế, có làm giảm sự đồng tình của họ.

Dường như đối với tôi, vì các lí do này, mà trình bày của tôi là không bất công, mà nó chỉ làm rõ cái nền liên quan đến chủ nghĩa tích cực. Tương tự, tôi không nghĩ là nhận xét khác của tôi ở mục trước, theo đó, chủ nghĩa lạc quan lịch sử chủ nghĩa chỉ dựa vào riêng niềm tin (vì lí trí bị phủ nhận có vai trò tạo ra một thế giới hợp lí hơn), lại được coi là một phê phán bất lợi cho chủ nghĩa lịch sử. Nó có thể có vẻ bất lợi cho những người, trước hết, là các nhà lạc quan chủ nghĩa hay cực đoan. Ngược lại, trong phân tích này, nhà lịch sử chủ nghĩa nhất quán sẽ chỉ thấy một cảnh báo hữu ích chống lại tính chất lãng mạn và Không tưởng của cả chủ nghĩa lạc quan lẫn chủ nghĩa bi quan trong các hình thức thông thường của chúng, và của cả chủ nghĩa duy lí nữa. Ông ta sẽ khăng khăng cho là chủ nghĩa lịch sử khoa học thật sự phải độc lập với các yếu tố như vậy; rằng: Chúng ta đơn giản phải phục tùng các quy luật phát triển hiện có, hệt như chúng ta phải phục tùng định luật hấp dẫn.

Nhà lịch sử chủ nghĩa thậm chí có thể đi xa hơn nữa. Ông ta có thể thêm rằng: Thái độ hợp lí nhất là, ta phải điều chỉnh hệ thống giá trị của mình sao cho phù hợp với những thay đổi sắp xảy ra. Nếu điều này làm được, ta sẽ đến một dạng có thể được biện minh của chủ nghĩa lạc quan, vì bất kể sự thay đổi nào đều nhất thiết là một sự thay đổi tốt hơn, nếu được đánh giá theo hệ thống giá trị đó.

Các ý tưởng loại này, thực tế được một số nhà lịch sử chủ nghĩa tin và thậm chí đã được phát triển thành một lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa khá nhất quán (và khá phổ biến): Cái tốt về mặt đạo đức là cái tiến bộ về mặt đạo đức, tức là cái tốt về mặt đạo đức là cái đi trước thời đại của nó, phù hợp với các tiêu chuẩn ứng xử như sẽ được chấp nhận trong giai đoạn tương lai.

Lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa này, cái có thể được mô tả như “chủ nghĩa hiện đại đạo đức” hay “chủ nghĩa vị lai đạo đức” (có cái đối chiếu của nó trong chủ nghĩa hiện đại hay chủ nghĩa vị lai thẩm mĩ) phù hợp tốt với thái độ chống bảo thủ của chủ nghĩa lịch sử; nó cũng có thể được coi như một câu trả lời cho các câu hỏi nào đó liên quan đến giá trị (xem mục 6, về “Tính Khách quan và Đánh giá”). Trước hết, nó có thể được coi như một dấu hiệu cho rằng: Chủ nghĩa lịch sử - mà, trong nghiên cứu này, chỉ được khảo sát nghiêm túc ở chừng mực như một học thuyết về phương pháp - có thể được mở rộng và phát triển thành một hệ thống triết học đầy đủ. Hoặc, nói cách khác: Dường như không phải là không chắc rằng, phương pháp lịch sử chủ nghĩa có thể có xuất xứ như một phần của một diễn giải triết học chung của thế giới. Vì không nghi ngờ gì rằng, từ quan điểm lịch sử, mặc dù không từ quan điểm logic, các phương pháp luận thường là các sản phẩm phụ của các quan điểm triết học. Tôi có ý định khảo sát các triết lí lịch sử chủ nghĩa này ở nơi khác. [4] Ở đây, tôi sẽ chỉ phê phán các học thuyết phương pháp luận của chủ nghĩa lịch sử, như chúng được trình bày ở trên.

© 2004 talawas



[1]Hai đoạn văn đầu của tiết đoạn này bây giờ được chèn vào để thế cho một đoạn văn dài hơn đã bị bỏ đi năm 1944 vì thiếu giấy.
[2]Lời nói đầu của Capital (Tư bản luận)
[3]Lời hô hào này cũng là của Marx (Theses on Feuerbach); xem ở trên, cuối mục 1.
[4]Từ đó, công trình này đã được viết, The Open Society and Its Enemies đã được xuất bản. (London 1945; các lần tái bản có sửa lại, Princeton 1950, London 1952, 1957; tái bản lần thứ tư, London 1961). Tôi ám chỉ ở đây tới chương 22 của cuốn sách này, có nhan đề ‘The Moral Theory of Historicism’.