trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
25.9.2004
Hoàng Ngọc Hiến
“Kể lại nội dung” và “viết nội dung”
 
Vấn đề phân biệt hai cách viết văn xuôi: “kể lại nội dung” và “viết nội dung” tôi đã có dịp nêu lên trong một cuộc hội thảo về thời sự văn học của Khoa Văn Ðại học Sư phạm Hà nội (khoảng cuối năm 1988). Bài phát biểu ý kiến của tôi trong cuộc hội thảo sau đó đã được đăng với nhan đề Hai tác giả mới trong một nền văn xuôi đang đổi mới trong Thông báo khoa học (Những vấn đề thời sự văn học) của trường Ð.H.S.P. Hà nội I, số 3-1989, xuất bản tháng 4 năm 1989. Tôi xin phép trích một số đoạn trong bài báo để trình bày mấy ý niệm sơ bộ về vấn đề này.

“...Ðánh giá văn xuôi Xô Viết hiện đại, nhà văn Xôlôukhin có đưa ra một nhận xét thú vị: 90 phần trăm nhà văn Liên xô kể lại nội dung, chỉ có 10 phần trăm viết nội dung. Theo ý riêng của tôi, sự phân biệt hai phạm trù “kể lại nội dung”, “viết nội dung” là một mặt quan trọng trong sự đánh giá tình trạng văn xuôi hiện nay. Tôi hiểu như thế này: “kể lại nội dung” chỉ quan tâm đến việc: kể cái gì, “viết nội dung” còn quan tâm đến mặt: kể như thế nào. Tâm thế “kể lại nội dung” dễ đưa văn xuôi trôi trượt theo văn đưa tin, loại văn này bao giờ cũng có độc giả của nó, nếu đưa tin những chuỵện có ý nghĩa giáo huấn sẽ được đánh giá là cần thiết, có ích, kịp thời..., nếu đưa tin những chuyện lạ, giật gân có khi sẽ được công chúng rộng rãi mến mộ. Trong văn xuôi “viết nội dung”, sự kết hợp “viết cái gì” và “viết như thế nào” tạo ra sức căng cho câu văn, mạch văn, làm cho câu văn có giọng, có hồn, không bị “bẹt”, bị ỉu sìu. Tôi xin phép nêu một ví dụ để làm rõ ý kiến của mình. Tiểu thuyết Cha và con và... của Nguyễn Khải là “viết nội dung”. Về chủ đề tư tưởng, đây là cánh én đầu tiên trong sự đổi mới văn học; về mặt văn chương, đây là một tác phẩm hay. Cuối tác phẩm, phần giới thiệu lai lịch Thượng Hoánh, có mươi trang “kể lại nội dung” (trong tác phẩm nào cũng vậy có những “nội dung” được thông báo cốt để độc giả biết và theo dõi chuyện). Văn xuôi của ta hiện nay - do sự phát triển ào ạt của ký báo chí (không mấy bài đạt được tính chất nghệ thuật), do áp lực của thói “nỗ lực càng ít càng tốt” đối với cảm hứng nghề nghiệp, do sự à uôm của những người biên tập và phê bình – một số người không bao giờ phân biệt được cách kể này và cách kể kia – trong tình hình như vậy xu hướng “kể lại nội dung” phát triển tràn lan...”. Cũng trong tình hình như vậy, Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp chọn loại văn xuôi “viết nội dung”, chính vì vậy, hai tác giả này được bạn đọc chú ý...”

(Số Thông báo khoa học đã dẫn,tr.64,65)

Bài phát biểu ý kiến của tôi được nhiều người chú ý nhưng những người đến gặp để trao đổi ý kiến chỉ hỏi về Nguyễn Huy Thiệp, về Phạm Thị Hoài, không một ai nhắc đến vấn đề phân biệt “kể lại... viết...” mà tôi hết sức tâm đắc. Mãi mấy năm sau một người Mỹ tên là Peter Zinoman (hiện nay là giáo sư trường Ðại học Berkeley, bấy giờ đương làm luận án tiến sĩ) đến Hà Nội ngỏ ý muốn gặp tôi để hỏi về những quan điểm văn học của tôi. Tôi cứ đinh ninh anh sẽ hỏi tôi về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa hiện thực phải đạo..., nhưng không, ...gặp tôi anh chỉ hỏi mỗi một câu: “Cháu đã đọc bài báo của chú, muốn chú nói thật rõ ‘kể lại nội dung’ khác ‘viết nội dung’ như thế nào?”. Từ đó đến nay, mười mấy năm, ngoài Peter Zinoman không một ai hỏi tôi về vấn đề này. Mãi gần đây giáo sư Trần Ðình Sử gọi điện thoại mời tôi viết bài về vấn đề “Kể... viết...” tham gia hội nghị khoa học về tự sự học sẽ được tổ chức đầu tháng 11 năm nay.

Những ý kiến sơ bộ của tôi về vấn đề này còn sơ sài. Ngay việc phân biệt “viết cái gì” và “viết như thế nào” dễ làm lạc hướng độc giả. Và nếu như hiểu cái gì nội dung thì dễ quan niệm có một nội dung ở ngoài sự viết như thế nào. Thực ra, trong tác phẩm văn học,“viết như thế nào” để lại dấu ấn sâu sắc ở nội dung, là một bộ phận cốt yếu của nó, thậm chí là linh hồn của nó. Có thể nói rằng nếu như viết như thế nào không ra gì thì nội dung cũng chẳng là gì cả.

Ðến đây có thế nói rõ hơn, sát hơn về hai cách tự sự mà Xôlôukhin nêu lên trong bài báo (mà rất tiếc là tôi quên mất nguồn, vả lại, tác giả cũng chỉ nêu lên như là một nhận xét tạt ngang, không cung cấp khái niệm để xác lập căn cứ lý thuyết cho chúng). Trong cách tự sự “kể lại nội dung”, nội dung hầu như là có sẵn, đúng hơn khuôn khổ của nội dung là có sẵn và cái nội dung sẽ được tạo ra theo khuôn khổ có sẵn đó cũng hầu như là có sẵn, khuôn khổ có sẵn kéo theo những tình thế, cốt truyện có sẵn..., những mẫu người, cách ứng xử và kết cục có sẵn..., thậm chí cả những từ ngữ có sẵn... Như vậy nội dung này tuy chưa có nhưng cũng như là là đã có tương đối ổn định trước khi viết, người viết đặt bút viết với tư cách kế lại nội dung ấy và công việc viết là tìm từ, đặt câu để biểu đạt nội dung. Dĩ nhiên là trong quá trình viết có sự thêm bớt, có sự sáng tạo nhưng đây là sự sáng tạo trong khuôn khổ định trước với những dữ kiện có sẵn. Tóm lại có sự sáng tạo nhưng tinh thần sáng tạo “xanh rờn” với hứng phiêu lưu, với những sự xuất thần, sự ngẫu hứng thì không có hoặc ít và yếu. Với cách tự sự “viết nội dung” thì nội dung không có sẵn trước khi viết mà viết đến đâu thì nội dung hình thành đến đấy, viết không phải là biểu đạt (exprimer) nội dung mà là sản sinh (produire) nội dung. Với cách tự sự “viết nội dung”, dĩ nhiên, người viết cũng có dự đồ hoặc ý đồ ban đầu (projet initial) trước khi viết,nhưng dự đồ này thường là rất mơ hồ và tạm bợ không thể xem là nội dung được; dĩ nhiên, người viết không cầm bút với một cái đầu trống rỗng, có thể hình dung được trong đó là cả một khối hỗn mang những cảm xúc, hình ảnh, hồi ức... Sự cộng sinh của ý đồ ban đầu với “khối hỗn mang...”, đặc biệt với ngôn ngữ đem lại những gì cho sự sản sinh nội dung trong quá trình viết, điều này sẽ nói ở phần sau. Có thể so sánh hai cách phát biểu ý kiến để thấy rõ hơn sự khác biệt giữa hai cách tự sự. Có thể viết sẵn bài phát biểu ý kiến và lên diễn đàn đọc bài. Có một cách khác là lên diễn đàn nói vo (không kể là trước đó không chuẩn bị hay có chuẩn bị, thậm chí có thể chuẩn bị rất kỹ, viết bài hẳn hoi). Với cách phát biểu đọc bài, “nội dung có sẵn” gò người nói – ở đây điều quan trọng không phải là nó “có sẵn” mà là ở chỗ nó người nói – và ở thì hiện tại của sự nói thì người nói hầu như không phải động não. Với cách phát biểu nói vo, “nội dung có sẵn”, nếu có, chỉ là sự tập dượt và khi người nói bước lên diễn đàn nói vo, anh ta bước vào một cuộc phiêu lưu mới “xanh rờn” với những sự bất thần, những ngẫu hứng và nội dung được hình thành trong cuộc phiêu lưu mới này có những điều mới mẻ, tươi tắn, riêng về thần thái, chắc chắn là khác hẳn. Và nếu như so với trường hợp thứ nhất, ở đây lời nói của người nói có sức căng và sống động hơn, điều này hoàn toàn có thể giải thích được: ở thì hiện tại của sự nói, người nói vo thực sự động não và sống lời nói của mình. Trên đại thể, cách tự sự “kể lại nội dung” (ở trường hợp giới hạn của nó) gần với cách phát biểu đọc bài, cách tự sự “viết nội dung” gần với cách phát biểu nói vo.

Tôi hiểu rõ hơn quan niệm về hai cách tự sự của Xôlôukhin nhân đọc bài diễn từ Nobel của Claude Simon. Nhà văn Pháp nổi tiếng này sinh năm 1913, ông ở trong số những đại diện chân chính của tiểu thuyêt mới Pháp, trào lưu này nổi lên trong những năm 50 thế kỷ trước. Ông được tặng giải thưởng Nobel văn học năm 1985.

Trong bài diễn từ Nobel 1985 của ông có những quan điểm và quan niệm quan trọng về văn học làm sáng tỏ đề tài và những vấn đề chúng ta đang quan tâm.

Trong việc tìm hiểu tác giả, tác phẩm, câu hỏi mà độc giả hay đưa ra: “...tác giả muốn nói gì?”, về câu hỏi này Claude Simon dẫn câu trả lời của Valéry:

Nếu như (...) người ta hỏi tôi, Paul Valéry viết, (...) về những gì tôi đã muốn nói (...), tôi xin trả lời là tôi đâu có đã muốn nói mà tôi đã muốn làm và chính cái ý định làm đã muốn những gì tôi đã nói.” [1] (tr.11) Tôi hiểu câu nói có phần lắt léo này của Valéry như sau. Valéry cho rằng điểm xuất phát của sự sáng tạo tác phẩm nghệ thuật là “ý định làm” tác phẩm chứ không phải là “có điều muốn nói”. Ở đây cần phân biệt “muốn nói” và “muốn làm”, những gì tôi đã muốn nói và những gì tôi đã nói. Muốn nói là nói chủ đề tư tưởng, muốn làm là làm tác phẩm. Những gì tôi đã muốn nói là chủ đề tư tưởng có trước khi viết tác phẩm; những gì tôi đã nói là tác phẩm đã được viết. Valéry không thừa nhận loại chủ đề tư tưởng mà nhà văn “muốn nói” trước khi viết tác phẩm (“tôi đâu có đã muốn nói”), trong quan niệm của ông chủ đề tư tưởng là cái được xác định, được hình thành ngay trong khi viết tác phẩm, chủ đề tư tưởng là bản thân tác phẩm, là toàn bộ tác phẩm. Ðến đây có thể liên hệ đến sự khó chịu của Lev Tolstoi khi có người đề nghị ông trình bày tóm tắt chủ đề tư tưởng một tác phẩm của ông. Ông trả lời rằng: nếu trong vài ba câu mà trình bày được chủ đề tư tưởng thì hà tất phải viết cả một tác phẩm mấy trăm trang đế thể hiện nó và độc giả nào muốn biết ông “muốn nói gì” qua một tác phẩm của ông thì tốt nhất là đọc toàn bộ tác phẩm ấy từ dòng đầu đến dòng cuối. Trong thể loại truyện ngụ ngôn, chủ đề tư tưởng thường được nêu lên ở cuối truyện như là bài học luân lý được rút ra từ truyện và trong văn bản thì hiện hữu tách bạch với truyện; nhưng trong quá trình sáng tác truyện ngụ ngôn thì chủ đề tư tưởng thực ra lại được xác định trước và truyện được kể là để minh hoạ chủ đề tư tưởng, tức là bài học luân lý đã được soạn trước. Có những cuốn tiểu thuyết được viết theo mô hình của truyện ngụ ngôn (tìm chủ đề tư tưởng trong loại tác phẩm này rất dễ, dĩ nhiên nó không hiện hữu một cách tách bạch như trong truyện ngụ ngôn mà nó được gửi khá lộ liễu vào phần mở nút thường là ở cuối truyện, độc giả không cần tinh ý lắm cũng có thể tự mở nút rút ra được “bài học luân lý” đúng như dụng ý của tác giả) và độc giả quen với mô hình của truyện ngụ ngôn sẽ bực mình khi đọc truyện (ngắn, vừa, dài) không thấy chủ đề tư tưởng được trình bày lộ liễu như trong truyện ngụ ngôn. Với cách tự sự “viết nội dung”, tương quan giữa chủ đề tư tưởng và truyện rất khác so với mô hình của truyện ngụ ngôn: chủ đề tư tưởng không được xác lập trước khi viết truyện để chi phối sự viết truyện mà truyện viết đến đâu thì chủ đề tư tưởng được hình thành và xác lập tới đó và đến khi truyện được viết xong thì chủ đề tư tưởng được xác định trọn vẹn, nó thể hiện ở toàn bộ truyện.

Trong diễn từ của Claude Simon có đoạn: “Do một sự tiến triển chậm, chức năng của người hoạ sĩ dường như bị đảo ngược và... ý nghĩa đã chuyển từ phía bên này sang phía bên kia của hành động, có trước hành động trong một thời gian đầu, gây ra hành động, để rồi cuối cùng trở thành kết quả của bản thân hành động, nó (tức hành động) chẳng còn biểu đạt ý nghĩa nữa mà sản sinh ra ý nghĩa” (tr.10). Như vậy trong lịch sử tiến triển của hội hoạ có sự đảo ngược tương quan giữa ý nghĩa (của tác phẩm) và hành động (vẽ của hoạ sĩ). Trong thời gian đầu ý nghĩa có trước hành động; về sau, nó lại là kết quả của hành động. Cùng với sự đảo ngược tương quan nói trên, chức năng của hành động đối với ý nghĩa thay đổi: thời gian đầu, hành động biểu đạt ý nghĩa, về sau, hành động sản sinh ý nghĩa. Tác giả Diễn từ thấy trong văn học cũng có tình hình tương tự như trong hội hoạ. Nếu như trong văn học, ý nghĩa nội dung (phần cốt yếu của nội dung) và hành động viết thì, quả nhiên, trong sự tiến triển của văn học cũng có sự thay đổi tương quan giữa nội dung viết và tương ứng là sự thay đổi của chức năng viết. Cũng như trong hội hoạ, ở đây có hai loại tương quan: nội dung có trước viết nội dung là kết quả của viết, và hai loại chức năng của viết: biểu đạt nội dung và sản sinh nội dung. Ðiều thú vị là hai cách tự sự được phân biệt ở trên tương ứng với hai loại tương quan và hai loại chức năng vừa được nêu lên. Cách tự sự kể lại nội dung tương ứng với tương quan nội dung có trước viết và chức năng biểu đạt nội dung của viết, cách tự sự viết nội dung tương ứng với tương quan nội dung là kết quả của viết và chức năng sản sinh nội dung của viết.

Một đoạn khác trong Diễn từ Nobel văn học 1985:

...một ghi nhận đầu tiên: đó là người ta không bao giờ viết (hoặc miêu tả) điều gì đó xảy ra trước công việc viết, mà người ta viết đúng vào những gì xảy ra... trong tiến trình của công việc này, ở thì hiện tại của công việc này, những gì là kết quả, không phải của sự xung đột giữa dự đồ ban đầu (projet initial) rất mơ hồ và ngôn ngữ, mà của sự cộng sinh giữa hai cái này, điều này làm cho, ít ra là ở tôi, kết quả phong phú hơn dụng ý ngàn vạn lần” (tr.12). Từ ghi nhận này, có thể hình dung đúng hơn thế nào là “nội dung”: tác giả nhấn mạnh nội dung là những gì xảy ra trong tâm trí người viết đương khi viết.

Có những ý kiến trong Diễn từ... giúp chúng ta hình dung đầy đủ hơn sự phức tạp, sự phong phú của “viết nội dung”. Sau khi đặt câu hỏi: “làm” tác phẩm “bằng gì?”, tác giả trả lời:

Khi tôi đứng trước trang giấy trắng của tôi, tôi đối diện với hai món: một món là khối magma [2] hỗn tạp những cảm xúc, ký ức, hình ảnh ở bên trong tôi và món kia là ngôn ngữ, là những từ mà tôi tìm kiếm để tôi nói, là cú pháp trong đó những từ sẽ đựơc sắp đặt, dường như sẽ được kết tinh ở ngay trong lòng của nó (cú pháp) ” (tr.12) (H.N.H. in chữ đậm).

Ðể giải thích sự phong phú lạ thường của kết quả “viết nội dung” (“phong phú hơn” dự đồ ban đầu “ngàn vạn lần”) tác giả nhấn mạnh vào “sự cộng sinh giữa dự đồ ban đầu rất mơ hồ và ngôn ngữ”.

Trong quan niệm của Claude Simon ngôn ngữ hầu như là tất cả. Ngôn ngữ không chỉ là công cụ diễn đạt, truyền đạt, chuyển tải... ngôn ngữ là công cụ nhận thức, khám phá... Ngôn ngữ không chỉ biểu đạt mà nó còn sản sinh ý nghĩa. Ngôn ngữ không chỉ là những “ký hiệu”, nó còn là những “nút nhiều mối ý nghĩa” (Lacan) (xem tr.14). Có thể nói đến năng khiếu ngôn từ ở những ngừơi làm “nghệ thuật ngôn từ”. Claude Simon hiểu năng khiếu ngôn từ như một sự nhậy cảm thường trực với toàn bộ màng lưới ngôn ngữ mà người viết sử dụng.

Nhà văn, - tác giả viết - hễ cứ bắt đầu viết một từ lên trang giấy là đụng ngay đến cái tổng thể kỳ diệu này, cái màng lưới kỳ diệu những quan hệ được xác lập bên trong và bởi ngôn ngữ này, nó, như người ta nói, “đã nói trước chúng ta” bằng phương tiện những cái mà ngừơi ta gọi là những “từ thuật” (figure), nói một cách khác những phép chuyển nghĩa (trope), những hoán dụ và những ám dụ, không một cái nào trong số đó là hiệu quả của sự tình cờ mà ngược lại chúng là bộ phận cấu thành cuả nhận thức về thế giới và các sự vật, cái nhận thức mà con người dần dần thu nhận được” (tr.14).

Như vậy năng khiếu ngôn từ không chỉ là năng lực tài tình biểu đạt “nội dung”, có hình dung được tác động tích cực của cả màng lưới kỳ diệu... của ngôn ngữ thông qua sự nhậy cảm thường trực của người viết với cả màng lưới ngôn ngữ đương khi viết thì mới thấy năng khiếu ngôn từ là một năng lực mạnh mẽ tham gia vào sự sáng tạo nội dung. Nếu như mỗi từ là một “nút nhiều mối ý nghĩa” thì người viết thường xuyên đứng trước “ngã năm, ngã bảy” ý nghĩa, nơi thường xuyên có những vận động và trao chuyển ý nghĩa. Con đường sáng tạo nội dung đi qua sự sống của ngôn ngữ trong tâm trí người viết. Và hoạt tính của ngôn ngữ trong tâm trí người viết lệ thuộc vào việc người viết đã sống những từ ngữ trong cuộc đời và trong văn học như thế nào. Vốn sống ở người viết văn bao gồm cả vốn sống những từ ngữ và những yếu tố khác của ngôn ngữ trong những tình thế khác nhau của cuộc đời (đây là chỗ khác biệt cơ bản giữa vốn sống của người có năng khiếu văn học và vốn sống ở những người khác). Về vấn đề đã từng gây tranh cãi sôi nổi trên văn đàn thế giới và trong nước: “làm thơ bằng ý hay bằng từ?”, có lần, ý kiến tạt ngang, nhà văn Tô Hoài nói với chúng tôi: “... đương nhiên là bằng từ, nhưng quan trọng là anh sống những từ như thế nào...” Hoá ra vấn đề tưởng như hết sức phức tạp này có thể lý giải rất đơn giản. Ở đây tôi dẫn ý kiến của Tô Hoài muốn nói rằng những nhà văn đề cao vai trò hàng đầu của ngôn ngữ trong sáng tác văn học không nhất thiết là hình thức chủ nghĩa. Mặt khác, không thể coi thường việc sống những từ ngữ trong văn học. Claude Simon nhấn mạnh tác động của việc đọc văn học tới ham muốn viết: “...có thể nói nghệ thuật tự sản sinh bằng cách bắt chước bản thân nó: cũng như không phải ham muốn tái hiện tự nhiên làm ra hoạ sĩ mà đó là sự hấp dẫn mê hồn của viện bảo tàng, trong văn học cũng vậy, chính lòng ham muốn viết được gây ra bởi sự hấp dẫn mê hồn của cái đã được viết làm ra nhà văn...” (tr.4). Bàn về bất cứ vấn đề nào trong văn học mối quan tâm hàng đầu của nhà văn Claude Simon bao giờ cũng là ngôn ngữ. “Cứ mỗi lần văn học “làm thay đổi ít nhiều mối quan hệ với thế giới mà con người duy trì bằng ngôn ngữ - Claude Simon viết- thì nó có đóng góp trong một chừng mực khiêm tốn thôi vào sự làm thay đổi thế giới” (tr.16) (H.N.H.in chữ đậm). Có lẽ, đặt vấn đề tác động cải tạo thế giới của văn học như vậy thì trúng hơn. Nghệ thuật ngôn từ trước hết làm thay đổi những quan hệ với thế giới đựơc duy trì bằng ngôn từ. Ðối với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ngôn ngữ không phải là tất cả nhưng cũng hầu như là tất cả. Quan niệm của ông được trình bày qua những suy nghĩ của nhà văn họ Vũ (Vũ Trọng Phụng?) về công việc viết văn trong truỵện Bài học tiếng Việt. “Vũ cảm thấy chàng là một nhà ngôn ngữ hơn là một nhà văn”... “Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió...”. Vũ viết văn vì tình yêu tiếng Việt... Nghĩ đến đây, có lẽ do bản năng sợ khoa trương, Vũ đính chính ngay: không phải yêu tiếng Việt... chàng thích sự chính xác của từ ngữ”. Và đối với Vũ “sự chính xác của từ ngữ” là tất cả: “chính xác về tình cảm, chính xác về cấu trúc, tóm lại là nghệ thuật”. Viết lời đề từ cho truyện ngắn mang tính chất tuyên ngôn văn học này Nguyễn Huy Thiệp dẫn câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Ta là chim. Tiếng Việt là rừng.

Viết nội dung” bao hàm sự tham gia trực tiếp của ngôn ngữ vào sự sáng tạo nội dung. So sánh hai cách tự sự “viết...” và “kể...” thì trong cách “viết...” ngôn ngữ có tác động mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, trực tiếp hơn tới sự sáng tạo nội dung. Tuy nhiên cả hai cách tự sự đều có đòi hỏi cao về năng khiếu ngôn ngữ của người viết, tức là sự nhậy cảm thường trực với màng lưới kỳ diệu... của ngôn ngữ được dùng để viết. Không có năng khiếu này thì tự sự theo cách nào cũng dở. Tôi viết bài báo này với mong muốn năng khiếu ngôn ngữ sẽ được coi trọng hơn nữa trong đời sống văn học của chúng ta. Người viết văn không có năng khiếu ngôn ngữ không có gì đáng trách cả, vì năng khiếu ngôn ngữ là bẩm sinh và, như người ta vẫn nói, trời sinh ra họ như vậy và nếu như không có năng khiếu họ vẫn cứ viết thì đó là quyền của họ. Ðáng trách là những nhà phê bình, nghiên cứu văn học, những giáo viên văn học... không hướng dẫn công chúng và công luận văn học phân biệt những người viết có năng khiếu ngôn ngữ và những người viết không có, sự phân biệt này quan trọng hơn sự phân biệt cách tự sự này và cách tự sự kia rất nhiều. Bởi lẽ sự phân biệt cách này và cách kia không có ý nghĩa phân biệt về thứ bực, đáng lưu ý khi nó trở thành khác biệt về “gu” (gôut), quen thưởng thức và thích thú nội dung “được viết” thì đọc nội dung “đựơc kể lại” dễ ngán, ngay khi nội dung hấp dẫn và cách kể lại hay thì ở người đọc có “gu” với cách tự sự kia, trong sự hào hứng vẫn có ít nhiều “dư vị ngán”.

Trước nhận xét của Xôlôukhin về văn xuôi Liên Xô (trước đây) không khỏi liên hệ đến tình trạng văn xuôi Việt Nam đương đại: chắc chắn số phần trăm tác giả “kể nội dung” cao hơn. Người Việt đến nay vẫn thiên về “văn hoá kể”. Người Việt không thoải mái khi phải làm việc với những hình thức tư duy khác tư duy “kể”. Cho nên viết báo cáo là kể thành tích; viết lý luận là kể ý này, ý nọ, luận điểm này, uận điểm nọ, không ngờ rằng nội dung cốt yếu của lý luận lại là ở sự khớp nối (articulation) giữa những ý, những quan điểm và sự khớp nối này bao giờ cũng phức tạp và không kể được; với văn hoá kể xem phim là để kể lại truyện trong phim, bộ phim nào xem xong không kể lại được thì không thích... Ngay “trữ tình” trong bản chất là “kháng kể” thì cũng dễ chuyển thành kể tình cảm, cảm xúc, kể tâm trạng, nỗi niềm; đặc biệt chửi là “thể loại” mạnh mẽ và phổ cập nhất của trữ tình thì khi kéo dài bao giờ cũng chuyển thành kể, từ phong cách chửi của người Việt có thể nhận ra được một đặc điểm quan trọng của văn hoá Việt. Nhìn chung trình độ văn hoá càng cao thì người ta càng ngại kể và sợ bị nghe kể: tư duy của người “có trình độ” thiên về dựng, về kết cấu hơn là kể.

Ðể kết thúc tôi xin phép đặt ra một câu hỏi: trong 90% nhà văn Liên Xô “kể lại nội dung” có bao nhiêu người phân biệt được cách tự sự này và cách tự sự kia? Tôi có cách hiểu riêng của tôi về hai cách tự sự. Bài tiểu luận này được viết với hy vọng gợi ra được những cách hiểu khác của những bạn đồng nghiệp quan tâm đến những vấn đề tôi quan tâm.



[1] Những trích dẫn (mà chúng tôi chuyển sang tiếng Việt) có ghi số trang ở cuối được trích từ tư liệu: Claude Simon. Conference Nobel 1985, The Nobel Foundation 1985
[2]Magma là một từ địa chất học chỉ khối khoáng sản nhão nhớt ở sâu trong lòng đất, nơi nhiệt độ rất cao, áp suất mạnh, quặng đá bị nung chảy.

Nguồn: Hoàng Ngọc Hiến, “Tuyển tập văn học… gần và xa”, nhà xuất bản Giáo Dục, 2003