trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
Loạt bài: Xã há»™i dân sá»±
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
29.9.2004
Diễn Đàn
Tân Lĩnh Nam «Trích» Quái: Trích dịch hay mắc dịch?
 
Từ ngày từ 6 đến 9 tháng 9 vừa qua, Diễn Đàn Nhân Dân Á Âu đã được tổ chức tại Việt Nam, sau đó (ngày 21.9) một nhà báo Singapore đã viết bài nhận định, bài này được nhà báo Hiền Lương (sic) trích «dịch» trên Người Lao Động Điện Tử ngày 24.9. Một tác phẩm tuyệt vời của nghệ thuật xuyên tạc. Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bài trích dịch này và theo sau đó là bản dịch toàn bộ và sát nguyên bản để bạn đọc đánh giá. Trong bản đầy đủ này, những đoạn không trích dịch được viết nghiêng, những câu chữ không đúng trong bản trích dịch được thêm vào trong ngoặc vuông và đổi kiểu chữ [1] . Những câu chữ sai hay thiếu một cách trầm trọng được tô đậm, một số chữ mơ hồ trong bản thân bài tiếng Anh được chú thích trong ngoặc đơn.

Xin xem bản gốc tiếng Anh tại: http://yaleglobal.yale.edu/display.article?id=4547

Không hiểu tác giả chính và tác giả trích dịch bài này nghĩ sao về luật quốc tế về bản quyền? Cũng may là luật này sẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam sau ngày 26.10 năm nay.

Diễn Đàn
Hiền Lương
Sự đổi mới của VN dưới mắt một nhà báo Singapore

Vừa qua, một số cá nhân và tổ chức quốc tế có thái độ tiêu cực đối với cuộc họp Diễn đàn Nhân dân Á – Âu tổ chức tại Hà Nội trước ngày họp Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 5. Nhà báo David Koh của báo The Straits Times Singapore, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore, đã viết bài phê phán thái độ đó và ca ngợi công cuộc đổi mới tại VN. Bài báo viết :

“Một số người thiếu hiểu biết về không khí chính trị và xã hội hình thành từ sau khi VN có chính sách đổi mới bắt đầu từ năm 1986... Đại đa số người VN hôm nay từng trải qua những năm tháng chiến tranh và giai đoạn khó khăn trong những năm 1970 – 1980 đều nói rằng cuộc sống của họ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.

Trên thị trường đầy ắp hàng hoá, các tài khoản ngân hàng tăng lên, ngày càng nhiều người có nhà mới to đẹp hơn, nông dân có mức thu nhập cao hơn, tỉ lệ người nghèo giảm dần. Trong dịp hè năm nay, du lịch ra nước ngoài tăng mạnh... Nhiều ông bố bà mẹ có dư tiền bạc gửi con đi du học ở nước ngoài.

Về mặt chính trị, môi trường thoáng hơn trước, thuận tiện cho việc bàn bạc trao đổi ý kiến. Chính phủ VN thường xuyên bàn bạc với các tổ chức xã hội và những nhà chuyên môn về các chủ trương, phương hướng quan trọng. Các tổ chức phát triển quốc tế cũng đã có vai trò quan trọng giúp đỡ Chính phủ VN hoạch định các chính sách...

Đầu năm nay, Chính phủ VN đã soạn thảo một chính sách mới tạo điều kiện dễ dàng cho việc thành lập các hội quần chúng. Điều này chứng tỏ Nhà nước thừa nhận các hội có vai trò hỗ trợ Nhà nước trong việc thực hiện quản lý đất nước.

Có phải các quyền tự do công dân bị Nhà nước VN vi phạm hay không? Đối với những ai đã nhiều lần đến VN trong thập kỷ qua, câu trả lời dứt khoát là “ không”. Các tổ chức quốc tế cần phải ghi nhận những bước phát triển chính trị và xã hội của VN trong những năm qua và suy ngẫm về những gì đã được thực hiện và tiếp tục được thực hiện trong thập kỷ tới. Chỉ có như vậy, các tổ chức quốc tế mới có thể tạo đà phát triển quan hệ với Chính phủ VN. Đối đầu không được hoan nghênh bằng thái độ ủng hộ...”.

*


David Koh
Khi xã hội dân sự bị lỗ mũi ăn trầu

Vừa qua xã hội dân sự quốc tế đã bị đập chảy máu mũi tại Hà Nội.

Để tham dự Diễn đàn Nhân dân Á-Âu (trước Hội nghị Á-Âu lần thứ 5), thành viên các tổ chức xã hội dân sự Tây phương đã đến Hà Nội, và chờ đợi sẽ được gặp gỡ trao đổi với xã hội dân sự VN.

Họ đâu biết rằng, xã hội dân sự, tức là khu vực phi nhà nước, theo cách hiểu thông thường, thật ra không hề có ở VN, và chính phủ VN đằng nào cũng sẽ chẳng giúp đỡ gì cho họ. (chữ «họ» này rất mơ hồ, đây là xã hội dân sự Việt Nam hay các tổ chức phi chính phủ quốc tế, hay cả hai?). Họ chờ đợi chính phủ VN sẽ cho phép họ hoàn toàn tự do đến với Diễn đàn Nhân dân, nhưng chủ nhà đã không cho họ vào.

Khách phẫn nộ, nhưng điều này cho thấy chính sự kém hiểu biết của họ về môi trường [Một số người thiếu hiểu biết về không khí] chính trị và xã hội đang hình thành một cách chậm chạp từ sau khi VN có chính sách đổi mới, bắt đầu từ năm 1986...

Tuy rằng những người VN ghét chế độ cộng sản và sống ở nước ngoài có thể nghĩ khác, đại đa số người VN hôm nay từng trải qua những năm tháng chiến tranh hay giai đoạn khó khăn trong những năm 1970 – 1980 sẽ [đều] nói rằng cuộc sống chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.

Nhà kho và chợ [trên thị trường] đầy ắp hàng hóa, các tài khoản ngân hàng tăng lên, ngày càng nhiều người có nhà và nhà cửa thì đồ sộ hơn [nhà mới to đẹp hơn] , nông dân có mức thu nhập cao hơn, tỉ lệ người nghèo đã giảm [giảm dần]. Trong dịp hè năm nay, du lịch ra nước ngoài tăng mạnh và tăng nhanh hơn du lịch ở trong nước.

Gần đây một công ty bất động sản Singapore cám ơn (chữ cám ơn này cũng có vẻ mơ hồ, nếu không có đoạn sau, bỏ câu này nên câu sau đổi nghĩa hẳn) các khách hàng VN giàu có đã là thân chủ sộp nhất của họ cho các dự án xây nhà cấp cao. Những ông bố bà mẹ lẳng lặng gửi con đi du học tự túc ở nước ngoài [Nhiều ông bố bà mẹ có dư tiền bạc gửi con đi du học ở nước ngoài], có đứa chỉ mới 10 tuổi..

Về mặt chính trị, có nhiều chỗ hơn cho các ý kiến khác và các thảo luận hơn trước [môi trường thoáng hơn trước, thuận tiện cho việc bàn bạc trao đổi ý kiến]. Chính phủ đã có hỏi ý kiến [thường xuyên bàn bạc với] các tổ chức xã hội và những nhà chuyên môn về các phương hướng [chủ trương, phương hướng] quan trọng và các tổ chức phát triển quốc tế cũng đã có vai trò quan trọng giúp đỡ Chính phủ VN vạch ra các chính sách.

Nhưng "tổ chức phi chính phủ" lại không được chính danh ở VN vì gần như tất cả các tổ chức đều có quan hệ hợp tác chặt chẽ với giới chức trách, khác với tư thế đối đầu công khai thường có trong các quan hệ giữa xã hội công dân và chính quyền ở nơi khác.

Đầu năm nay, Chính phủ VN đã soạn thảo một nghị định [chính sách] mới tạo điều kiện dễ dàng cho việc thành lập các hội đoàn [hội quần chúng]. Qua điều này Nhà nước thừa nhận các hội đoàn có vai trò trong những việc mà Nhà nước làm không lấy gì là tốt [Điều này chứng tỏ Nhà nước thừa nhận các hội có vai trò hỗ trợ Nhà nước trong việc thực hiện quản lý đất nước].

Có phải các quyền tự do công dân bị Nhà nước VN chà đạp một cách thật tệ hại [vi phạm] hay không? Đối với những ai đã nhiều lần đến VN trong thập kỷ qua, câu trả lời dứt khoát là “không”. Tuy rằng VN không phải là mẫu mực của dân chủ và tự do, các tổ chức quốc tế nên đánh giá [cần phải ghi nhận] những bước phát triển chính trị và xã hội của VN và suy ngẫm về những gì có thể đạt được và không thể đạt được [đã được thực hiện và tiếp tục được thực hiện] trong thập kỷ tới.

Như thế [Chỉ có như vậy], các tổ chức quốc tế có thể tiết giảm các mong đợi của mình và khả dĩ tạo được [mới có thể tạo] đà phát triển trong quan hệ với Chính phủ VN. Về mặt này, có nhiều điểm đáng bàn về thế nào là chiến thuật phù hợp của các tổ chức dân sự quốc tế đối với chính quyền VN. Đối đầu không được hoan nghênh bằng thái độ ủng hộ. Các tổ chức dân sự quốc tế không nên ngạc nhiên khi thấy ngay cả nhà báo cũng bị cấm cửa, không được vào Diễn đàn Nhân dân Á-Âu. Phải cẩn thận trong đường đi nước bước, không khéo lại bị lỗ mũi ăn trầu (tát vỡ mũi) ”.

Tác giả hiện cộng tác với Institute of South-East Asian Studies, Singapore

(Bản dịch của Diễn Đàn)

*


P.Q.
Đôi lời bình luận

Tháng 9 năm nay, Diễn đàn Nhân dân Á-Âu được họp tại Hà Nội vì đó là nơi hẹn của Hội nghị cấp cao của ASEM (tháng 10). Đã trở thành một thông lệ, mỗi lần quốc trưởng và thủ tướng ASEAN và Châu Âu họp «thượng đỉnh», thì trước đó, và một cách độc lập, các tổ chức phi chính quyền (NGO) và những cá nhân tiêu biểu của xã hội công dân các nước Á-Âu cũng gặp nhau để bàn bạc và trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề của xã hội công dân, của công cuộc phát triển và dân chủ hoá.

Hai điều đã làm hàng trăm đại biểu quốc tế tới Hà Nội phải kinh ngạc: (1) sự vắng mặt của các NGO Việt Nam, (2) báo chí quốc tế không được phép tham dự (ít nhất trong hai ngày đầu). Việc này thể hiện sự nghi ngại (nếu không nói là thù nghịch) của Đảng cộng sản Việt Nam đối với mọi hội đoàn không do nó lập ra và «lãnh đạo», đối với mọi tiếng nói độc lập (không nhất thiết đối lập) xuất phát từ xã hội công dân. Chỉ cần đơn cử vài thí dụ điển hình: (1) 15 năm qua, hội hướng đạo vẫn không được phép hoạt động (mặc dầu ai cũng biết các huynh trưởng của hướng đạo, như Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu... đều tham gia cách mạng, được phong quân hàm cấp tướng của Quân đội Nhân dân), (2) trước tình hình giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, và do sức ép của phụ huynh học sinh (trong đó có cán bộ, đảng viên) chính quyền trung ương đã chấp nhận cho thành lập Hội khuyến học, hai năm sau, chi hội Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được phép hoạt động, mặc dầu chủ tịch chi hội này là... ông Mai Chí Thọ, đại tướng công an!

Gần đây nhất là sự ra đời của Hội nạn nhân chất độc Da Cam (Dioxin) là hội đoàn đang khiếu kiện các công ti Dow Chemical, Monsanto... trước toà án New York. Nhìn từ bên ngoài, người không nắm tình hình có thể tưởng rằng chính quyền Việt Nam mượn danh một hội đoàn để «đấu tranh ngoại giao» với Mĩ. Thực ra, nếu trong thời kì chiến tranh và trong 15 năm tiếp theo, chính quyền không quên nói đến hậu quả của chiến tranh hoá học mỗi khi đề cập tới chính sách xâm lược của Mĩ, thì từ ngày quan hệ Viêt-Mĩ được bình thường hoá, chính quyền Việt Nam tránh nêu vấn đề này, và nghiêm trọng hơn, không hề hỗ trợ các công trình nghiên cứu thật sự khoa học về hậu quả chất độc hoá học trên môi trường, con người (hơn 4 triệu nạn nhân, thuộc quân đội hai bên và thường dân) và di truyền. Hội nạn nhân dioxin được thành lập là do sức ép của những người quan tâm, trong đó không thiếu những cán bộ cấp cao. E ngại vụ án này «tác động» tới quan hệ Việt-Mĩ (xem lời thanh minh thanh nga của người phát ngôn Bộ ngoại giao), ĐCS miễn cưỡng chấp nhận. Và, như một phản xạ có điều kiện, nói tới hội đoàn là «sắp xếp nhân sự» (phải chờ đợi là những cán bộ viên chức được gài vào «bộ máy» của hội, sẽ đẻ ra những vụ biển thủ quỹ đóng góp của đồng bào).

Bao giờ ĐCS mới biết trả các vấn đề của xã hội công dân cho xã hội công dân? Mới hiểu rằng «sợ xã hội công dân», chứ không phải là xã hội công dân, mới là nguy cơ đáng sợ?



(Diễn Đàn số 144 đang lên khuôn và chuẩn bị ra mắt, talawas chân thành cảm ơn Diễn Đàn đã cho phép công bố trước bài này.)


[1]Tiếc rằng talawas không hiển thị được một kiểu chữ khác trong ngoặc vuông như trong bản in của Diễn Đàn, xin cáo lỗi.
Nguồn: Diá»…n Đàn số 144 (tháng 10-2004)