trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
29.9.2004
Trần Hoài Thư
Lựa lại nội dung
(Góp ý về bài “Kể lại nội dung” và “viết nội dung” của Hoàng Ngọc Hiến)
 
Dưới đầu đề “Kể lại nội dung” và “viết nội dung”, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (HNH) đã dành hầu hết bài viết để nói về sự cần thiết của ngôn ngữ.

Ông viết:

Con đường sáng tạo nội dung đi qua sự sống của ngôn ngữ trong tâm trí người viết.

Ngoài ra ông còn "tỏ lượng bao dung" đối với những nhà văn không có năng khiếu ngôn ngữ:

Người viết văn không có năng khiếu ngôn ngữ không có gì đáng trách cả, vì năng khiếu ngôn ngữ là bẩm sinh và, như người ta vẫn nói, trời sinh ra họ như vậy và nếu như không có năng khiếu họ vẫn cứ viết thì đó là quyền của họ. Ðáng trách là những nhà phê bình, nghiên cứu văn học, những giáo viên văn học... không hướng dẫn công chúng và công luận văn học phân biệt những người viết có năng khiếu ngôn ngữ và những người viết không có...

Bài viết này xin được góp ý với ông HNH về vai trò của ngôn ngữ trong những sáng tác văn học.

  1. Thứ nhất, người có năng khiếu ngôn ngữ không hẳn là người sáng tác để đời nể trọng. Và những sáng tác "thượng thừa ngôn ngữ" cũng không chắc là sáng tác để đời. Những bài văn bài thơ đọc muốn dựng tóc gáy, với những chữ nghĩa kêu thật to, thật lớn của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Tố Hữu trong thời gian chống Mỹ, đã giúp gì cho con người ngoài việc kích động tuổi trẻ lao vào cõi chết, để rồi sau đó, tác giả lại ăn năn hối hận hoặc thú nhận rằng tại vì cái sợ, hoặc bật mí chỉ là tưởng tượng, hư cấu...

  2. Giữa năng khiếu ngôn ngữ và đơn giản ngôn ngữ, cái nào hay? Còn tùy thuộc. Ví dụ đọc lại câu văn chữ nghĩa phong phú của tác giả HNH vừa trích dẫn ở trên: ”Con đường sáng tạo nội dung đi qua sự sống của ngôn ngữ trong tâm trí người viết” có thật sự làm tăng phẩm chất của câu văn hay khiến người đọc nhức đầu? Tại sao không đổi lại câu văn như thế này: "Sự sáng tạo cần ngôn ngữ" hay "Sự sáng tạo cần sự có mặt của ngôn ngữ" có được không? Dễ hiểu hơn không?

  3. Sự thành công của tác phẩm không phải chỉ tùy thuộc vào năng khiếu ngôn ngữ. Còn có những yếu tố khác tạo thành. Ví dụ, khi tả cảnh tang thương của chiến tranh, chỉ tả lại cảnh một người dân quê qùi chắp nối lại cái thân mía bị gãy lìa vì vết xích chiến xa (Mà làm sao nối chắp lại, trời ơi), hay tả lại một tấm hình đứa con thơ của người tử trận giấu dưới đáy ba lô, cũng đủ làm ta đau thốn tận tim gan. Có nghĩa là, trong đống chất liệu bề bộn, người viết văn phải biết cách tuyển lựa những chất liệu thích hợp nhất, giá trị nhất, và phổ quát nhất (nói như trong lãnh vực điện toán là globalization). Sau đó mới nghĩ đến chuyện sử dụng bút pháp.

Như vậy, chữ nghĩa chỉ là phụ. Cái chánh là viết thật, viết đúng, viết bằng hơi thở của mình. Người đọc không là người thưởng ngọan. Họ tìm đến tác phẩm, có lẽ, vì tác phẩm là một người bạn rất thân thiết hiểu rõ nỗi lòng của mình.

Để chứng minh văn chương là hơi thở, tôi xin trích một đọan văn mà tôi đã viết. (Tại sao tôi không được quyền này nhỉ. Tại sao tôi lại viện dẫn những ông Tây Mỹ trong khi họ chẳng ăn nhập gì đến văn chương Việt Nam):

"... Ngày hôm đó, ngày 9 tháng 5 thì phải. Mặt trời thì hừng hực lửa. Chỉ có mặt trời mới thấy bọn tôi. Tôi nằm trong bụi, mặt dầm dề máu và đùi găm đầy miểng lựu đạn, cả mông tôi cũng vậy. Tôi nhìn lên cao cầu khẩn Tổ Tiên Ông Bà, Nam Mô Quan Thế Âm Lạy Trời Lạy Chúa. Nhìn mặt trời, cho con sống. Sống. Tôi vùng dậy chạy. Đạn rít dưới chân. Đạn xẹt trên đầu. Tôi lộn nhào. Lê lết. Bò trườn. Tôi nhào xuống bờ suối. Đạn đuổi theo. Nó canh kỹ. Ló đầu ra. Tắc bùm. Thụt đầu vào. Chạy. Lăn. Tội nghiệp thân thể mày chưa, Thư. Gầy ốm thế kia. Cha mẹ nưng niu bồng ẵm nuôi con bây giờ ầm ầm, tạch đùng, bập bập bập, bò, hai cùi tay vấy máu, bò ngửa, bò sấp, bò hai chân, bò hai tay. Bụi gai vừa xê dịch. Tắc bùm. Đ.M, quân chó đẻ. Mày giết tao mày hả dạ lắm sao. Tao để dành viên đạn cuối cùng. Tự sát."

(Trích Ra biển gọi thầm, tập truyện, tái bản 2003 tại Hoa Kỳ, trang 129)

© 2004 talawas