trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.10.2004
Milan Kundera
Nghệ thuật tiểu thuyết
8 kì
Nguyên Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Phần thứ ba
GHI CHÉP NẢY SINH TỪ "NHỮNG KẺ MỘNG DU"


Kết cấu

Bộ ba gồm ba tiểu thuyết Pasenow hay là chủ nghĩa lãng mạn; Esch hay là chủ nghĩa vô chính phủ; Huguenau hay là chủ nghĩa hiện thực. Lịch sử trong mỗi cuốn tiểu thuyết diễn ra 15 năm sau lịch sử trong cuốn trước: 1888; 1903; 1918. Không cuốn nào nối với cuốn kia bằng một mối quan hệ nhân quả: mỗi cuốn có nhóm nhân vật riêng của nó và được xây dựng theo cách riêng không giống ở những cuốn khác.

Ðúng là Pasenow (nhân vật chủ chốt của cuốn tiểu thuyết thứ nhất) và Esch (nhân vật chủ chốt của cuốn tiểu thuyết thứ hai) có mặt trong khung cảnh cuốn tiểu thuyết thứ ba, và Bertrand (nhân vật của cuốn thứ nhất) có một vai ở cuốn thứ hai. Tuy nhiên, câu chuyện Bertrand đã trải qua ở cuốn thứ nhất (với Pasenow, Ruzena, Elisabeth) hoàn toàn không có ở cuốn thứ hai, và anh chàng Pasenow của cuốn tiểu thuyết thứ ba không hề giữ lại trong mình chút kỷ niệm gì về thời trai trẻ của anh ta (được tả trong cuốn thứ nhất).

Như vậy có một sự khác biệt cơ bản giữa Những kẻ mộng du với những “bức tranh” lớn khác của thế kỷ XX (của Proust, Musil, Thomas Mann, v.v...): ở Broch không phải tính liên tục của tiểu sử (một nhân vật, một gia tộc) tạo nên tính thống nhất chung. Ðó là một điều khác, khó thấy hơn, khó nắm bắt hơn, thầm kín: tính liên tục của một chủ đề (chủ đề con người đối mặt với quá trình suy thoái các giá trị).


Những khả năng

Ðâu là những khả năng của con người trong cái thế giới đã trở thành cạm bẫy? Câu trả lời đòi hỏi trước hết phải có một ý tưởng nhất định về thế giới là gì. Ðòi hỏi ta phải có một giả thuyết có tính bản thể về điều đó. Thế giới theo Kafka: vũ trụ bị quan liêu hóa. Cái công sở không phải như một hiện tượng xã hội trong số những hiện tượng xã hội khác mà như là bản chất của thế giới.

Chính ở đó ta gặp sự giống nhau (sự giống nhau lạ lùng, bất ngờ) giữa Kafka bí hiểm và Hasek dân dã. Hasek không tả quân đội (theo lối một nhà hiện thực chủ nghĩa, một nhà phê bình xã hội) như là một thế giới của xã hội Áo - Hung, mà như phiên bản hiện đại của thế giới. Cũng như tòa án của Kafka, quân đội của Hasek chỉ là một thiết chế mênh mông quan liêu hóa, một quân đội - chính quyền xưa cũ (dũng cảm, mưu lược, khéo léo) chẳng còn để làm gì nữa.

Bọn quan liêu quân sự của Hasek xuẩn ngốc; cái logic phô trương mà phi lý của lũ quan liêu ở Kafka cũng vậy, chẳng có chút khôn ngoan nào. Ở Kafka, được che phủ bằng một tấm áo choàng bí hiểm, sự xuẩn ngốc mang dáng vẻ một thứ ngụ ngôn siêu hình. Nó đe dọa người ta. Joseph K. sẽ cố hết sức mò tìm trong những thủ đoạn, những lời nói tối nghĩa của nó một ý nghĩa nào đó. Bởi vì nếu bị kết tội chết là điều khủng khiếp, thì bị kết tội không vì cái gì cả là điều hoàn toàn không thể chịu nổi, như là kẻ tuẫn nạn cho cái vô nghĩa vậy. Cho nên K. đồng ý là mình có tội và cố tìm cho ra tội của mình. Trong chương cuối, anh che hai tên đao phủ của mình tránh cái nhìn của những viên cảnh sát thành phố (những viên cảnh sát này có thể cứu anh) và mấy giây trước khi chết, anh ân hận đã không đủ sức tự cắt cổ mình và tránh cho họ một công việc bẩn thỉu.

Chveik nằm ở chính phía đối lập với K. Anh bắt chước cái thế giới quanh mình (cái thế giới của sự xuẩn ngốc) một cách răm rắp cho đến nỗi không ai biết anh có ngốc thật hay không. Nếu anh thích ứng với cái trật tự hiện hành dễ dàng như thế (và vui vẻ đến thế!), ấy chẳng phải là vì anh tìm thấy ở đó một ý nghĩa, mà bởi vì anh chẳng thấy ở đó có ý nghĩa gì cả. Anh vui đùa, chọc cười những người khác và bằng cách cường điệu thói xu thời của mình, anh biến thế giới thành một trò đùa duy nhất và không lồ.

(Là người đã chứng kiến cái biến thái toàn trị của thế giới hiện đại, chúng ta hiểu rằng hai thái độ đó, rõ ràng là giả tạo, là có tính văn học, thổi phồng, kỳ thực lại rất có thật: chúng ta sống trong khoảng không gian được giới hạn một phía bởi khả năng K., phía bên kia bởi khả năng Chveik; nghĩa là trong khoảng không gian mà một cực là sự đồng nhất hóa với quyền lực đến mức liên kết giữa nạn nhân với chính đao phủ của y, còn cực kia là sự không chấp nhận quyền lực bằng cách từ chối coi bất cứ cái gì là nghiêm túc; nghĩa là: trong khoảng không gian ở giữa cái tuyệt đối nghiêm túc - K. - và cái tuyệt đối không nghiêm túc - Chveik.)

Còn Broch? Giả thuyết bản thể của ông là gì?

Thế giới là quá trình suy thoái các giá trị (những giá trị để lại từ thời Trung Cổ), quá trình trải dài suốt bốn thế kỷ của Thời Hiện Ðại và là bản chất của nó.

Ðâu là những khả năng của con người đối diện với quá trình đó?

Broch khám phá ba khả năng: khả năng Pasenow, khả năng Esch, khả năng Huguenau.


Khả năng Pasenow

Người anh của Joachim Pasenow chết trong một trận đấu súng. Người cha bảo: “Nó chết vì danh dự.” Những từ đó khắc sâu mãi mãi trong tâm trí Joachim.

Nhưng bạn anh, Bertrand, ngạc nhiên: làm sao trong thời đại các xe hỏa và các nhà máy, hai con người lại có thể đứng thẳng, cứng đơ, đối mặt nhau, tay đưa thẳng ra trước, cầm súng ngắn?

Về điều đó, Joachim tự nhủ: Bertrand chẳng hề có ý thức về danh dự.

Và Bertrand tiếp tục nghĩ: các tình cảm chống chọi lại với thời gian. Chúng là cái nền không thể phá vỡ của tính bảo thủ. Một thứ cặn bã lại giống. Nhưng, sự gắn bó với những tình cảm được thừa kế, với cái cặn bã lại giống của chúng, đấy là thái độ của Joachim Pasenow.

Pasenow đã nhiễm cái mẫu hình của bộ đồng phục. Ngày xưa - người kể chuyện giải thích - nhà thờ, như là kẻ phán xét tối cao, thống trị con người. Bộ áo của vị linh mục là dấu hiệu quyền lực siêu trần thế, trong khi bộ đồng phục của viên sỹ quan, chiếc áo thụng của vị quan tòa biểu hiện cái trần tục. Khi ảnh hưởng thần diệu của nhà thờ phai nhạt dần đi, bộ đồng phục thay thế chiếc áo tăng lữ và tự nâng mình lên đến mức tuyệt đối.

Bộ đồng phục, đó là cái chúng ta không lựa chọn, đó là cái ta được cấp; là sự tin chắc của cái toàn thể đối mặt với sự bấp bênh của cái cá nhân. Khi những giá trị, xưa kia vững chắc thế, bị đặt thành vấn đề và lùi xa, đầu cúi gằm xuống, kẻ nào không biết sống mà không có những giá trị đó (không có lòng trung thành, không gia đình, không tổ quốc, không kỷ luật, không tình yêu) kẻ đó tự nai nịt chặt trong tính toàn năng của bộ đồng phục có thể che chở cho y chống lại cái giá lạnh của tương lai ở đó chẳng còn có gì phải tôn trọng nữa.

Câu chuyện của Pasenow lên đến đỉnh điểm trong đêm tân hôn của anh ta. Elisabeth, vợ anh, không yêu anh. Anh chẳng nhìn thấy gì trước mặt ngoài cái tương lai không có tình yêu. Anh nằm dài bên cạnh cô mà không cởi quần áo. Chuyện đó “có làm xộc xệch bộ đồng phục của anh đôi chút, tà áo bị rủ xuống để lộ chiếc quần dài đen, nhưng vừa thấy thế Joachim vội sửa lại ngay, phủ kín chỗ ấy lại ngay. Anh co chân lại để đôi giày đánh bóng không chạm vào tấm đắp, anh rất khó nhọc gác đôi chân lên chiếc ghế cạnh giường”.


Khả năng Esch

Những giá trị để lại từ thời kỳ nhà thờ còn thống trị hoàn toàn con người đã bị lay chuyển từ lâu, nhưng đối với Pasenow, nội dung của chúng còn rất sáng rõ. Anh không hề nghi ngờ những gì từng là tổ quốc của mình, anh biết anh phải trung thành với ai và Thượng đế của anh là ai.

Trước mắt Esch, diện mạo của các giá trị đã bị che mờ. Trật tự, trung thành, hy sinh, những từ đó đối với anh thân thiết, nhưng thật ra chúng đại diện cho cái gì? Hy sinh cho cái gì? Phải đòi hỏi trật tự nào? Anh chẳng hề biết.

Nếu một giá trị đã mất đi nội dung cụ thể của nó, thì còn lại cái gì? Chỉ còn mỗi một hình thức trống rỗng; một đòi hỏi điên dại hơn buộc người ta phải nghe và vâng theo. Càng không biết mình muốn gì, Esch lại càng ham muốn điên dại hơn.

Esch, ấy là sự cuồng tín trong thời đại không còn có Chúa. Bởi vì tất cả các giá trị đều bị che mờ, mọi thứ đều có thể coi là giá trị. Sự công bằng, trật tự, lúc thì anh tìm nó trong cuộc đấu tranh công đoàn, lúc khác trong tôn giáo, hôm nay trong quyền lực cảnh sát, ngày mai trong ảo ảnh châu Mỹ mà anh mơ ước di cư đến. Anh có thể là một tên khủng bố nhưng cũng có thể là một tên khủng bố ăn năn đi tố cáo các đồng chí cũ của mình, là chiến sỹ của một đảng, là thành viên một giáo phái nhưng cũng có thể là một kẻ quyết tử sẵn sàng hy sinh thân mình. Tất cả những dục vọng từng hoành hành trong lịch sử đẫm máu của thế kỷ chúng ta đều được chứa đựng, lột trần, chẩn đoán và rọi sáng dữ dằn trong câu chuyện khiêm tốn của anh.

Anh bất bình ở nhiệm sở của mình, anh gây sự, bị đuổi. Câu chuyện của anh bắt đầu như vậy. Nguyên nhân của tất cả những sự lộn xộn khiến anh bực bội, theo anh, là một viên kế toán Nentwig nào đó. Có trời biết tại sao lại chính là hắn ta. Không vì thế mà anh không quyết định đi tố cáo hắn ta ở sở cảnh sát. Chẳng phải là bổn phận anh đó sao? Chẳng phải như thế là anh phục vụ tất cả những ai cũng như anh mong muốn công lý và trật tự? Nhưng một bữa nọ, trong một quán rượu, Nentwig chẳng hề hay biết gì cả đã thân mật mời anh ngồi cùng bàn và thết anh một ly rượu. Esch, bối rối, cố nhớ lại lỗi của Nentwig, nhưng cái lỗi này “bây giờ khó sờ thấy một cách lạ kỳ và mơ hồ đến nỗi Esch bỗng thấy ý định của mình là phi lý và, bằng một cử chỉ vụng về, hơi hổ thẹn nữa, anh vồ lấy ly rượu”.

Trước mặt Esch thế giới chia thành vương quốc của cái thiện và vương quốc của cái ác, nhưng hỡi ôi cả cái thiện và cái ác đều khó nhận dạng như nhau (chỉ cần gặp Nentwig và chẳng còn biết ai là tốt ai là dữ nữa). Trong cái trò lễ hội hóa trang mặt nạ là cái thế giới này, chỉ có mỗi Bertrand là suốt đời mang trên mặt dấu vết ô nhục của cái ác, bởi tội lỗi của anh ta chẳng còn nghi ngờ gì nữa: anh ta đồng tính luyến ái, là kẻ làm rối loạn trật từ thần thánh. Mở đầu tiểu thuyết Esch sẵn sàng tố cáo Nentwig, đến cuối tiểu thuyết anh bỏ vào thùng thư lá thư tố cáo Bertrand.


Khả năng Huguenau

Esch đã tố cáo Bertrand. Huguenau tố cáo Esch. Bằng hành động của mình Huguenau muốn cứu lấy cái ghế của mình.
Trong cái thế giới không có những giá trị chung, Huguenau, anh chàng cơ hội ngây thơ, cảm thấy thoải mái tuyệt vời. Không có những đòi hỏi đạo đức, đó là tự do, là sự giải thoát đối với anh ta.
Có một ý nghĩa sâu xa trong cái việc là chính anh ta, không chút cảm giác tội lỗi, đã ám sát Esch. Bởi “con người thuộc một quần hợp những giá trị nhỏ hơn tiêu diệt con người thuộc quần hợp những giá trị lớn hơn nhưng đang tan rã, kẻ khốn nạn tệ hại hơn luôn luôn cáng đáng vai trò đao phủ trong quá trình suy thoái các giá trị và, đến ngày phán xét cuối cùng, chính kẻ thoát ra ngoài các giá trị trở thành đao phủ của một thế giới đã tự kết án chính mình”.
Thời Hiện Ðại, trong tinh thần của Broch, là chiếc cầu nối giữa triều đại của niềm tin phi lý và triều đại của cái phi lý trong thế giới không có niềm tin. Con người hiện hình lên ở cuối chiếc cầu đó là Huguenau. Tên sát nhân sung sướng, không thể có tội. Sự kết thúc của Thời Hiện Ðại trong phiên bản khoái trá của nó.
K., Chveik, Pasenow, Esch, Huguenau: năm khả năng cơ bản, năm điểm định hướng thiếu đi thì tôi tưởng không thể nào vẽ nên được tấm bản đồ hiện sinh của thời đại chúng ta.


Dưới những bầu trời của các thế kỷ

Những hành tinh quay trên bầu trời của Thời Hiện Ðại phản chiếu lẫn nhau, luôn luôn thành một chòm sao đặc thù, trong tâm hồn từng cá nhân; tình thế của một nhân vật, ý nghĩa con người của họ, được xác định theo chòm sao ấy.

Broch nói về Esch và đột ngột, ông ví anh với Luther. Cả hai thuộc về hạng người nổi loạn (ông phân tích rất dài về chỗ này). Esch là kẻ nổi loạn cũng như Luther từng là thế. Người ta thường quen tìm cội rễ một nhân vật trong tuổi thơ của họ. Cội rễ của Esch (mà ta không biết gì về tuổi thơ) nằm ở một thế kỷ khác. Quá khứ của Esch, đó là Luther.

Ðể nắm bắt Pasenow, con người mặc đồng phục đó, Broch phải đặt anh ta vào giữa quá trình lịch sử lâu dài trong đó bộ đồng phục phàm tục thay chỗ tấm áo choàng linh mục; tức khắc, trên đầu anh chàng sỹ quan khốn khổ đó vòm trời của Thời Hiện Ðại rực lên mênh mông.

Ở Broch, nhân vật không phải được quan niệm như một thể thống nhất không thể mô phỏng và thoáng qua, một giây phút huy hoàng để rồi tắt ngấm, mà như một chiếc cầu vững chắc bắc qua các thời đại, ở đó Luther và Esch, quá khứ và hiện tại gặp nhau.

Tôi nghĩ rằng không phải chủ yếu vì cái triết học về lịch sử mà nhiều hơn là vì cách nhìn con người mới mẻ đó của ông mà Broch, trong Những kẻ mộng du, báo hiệu trước những khả năng tương lai của tiểu thuyết.

Dưới ánh sáng của Broch tôi đọc Bác sỹ Fautus của Thomas Mann, cuốn tiểu thuyết viết không chỉ về cuộc đời một nhà soạn nhạc tên là Adrian Leverkuhn mà cũng là về nhiều thế kỷ âm nhạc Ðức. Adrian không chỉ là nhà soạn nhạc, ông còn là nhà soạn nhạc đã hoàn tất lịch sử âm nhạc (tác phẩm nhạc lớn nhất của ông có tên là Tận thế). Và ông không chỉ là nhà soạn nhạc cuối cùng (tác giả Tận thế), ông còn là Faust. Chăm chú nhìn vào tính ma quỷ của quốc gia ông (Thomas Mann viết cuốn tiểu thuyết vào cuối đại chiến thế giới lần thứ hai) Thomas Mann nghĩ đến bản giao ước mà con người huyền thoại, hiện thân của tinh thần Ðức, đã ký với quỷ sứ. Toàn bộ lịch sử đất nước ông bỗng hiện lên như là cuộc phiêu lưu của một nhân vật duy nhất, một chàng Faust duy nhất.

Dưới ánh sáng của Broch, tôi đọc Terra Nostra của Carlos Fuentes trong đó toàn bộ cuộc phiêu lưu Tây Ban Nha lớn (châu Âu và châu Mỹ) được chộp lấy trong một kiểu đan lồng vào nhau khó tưởng tượng nổi, một biến dạng như trong chiêm bao khó tưởng tượng nổi. Nguyên lý của Broch, Esch giống như Luther, ở Fuentes đã biến thành nguyên lý triệt để hơn: Esch là Luther. Fuentes cung cấp cho ta chìa khóa của phương pháp của ông: “Cần nhiều cuộc đời để làm nên chỉ một con người.” Huyền thoại xưa cũ về sự hóa kiếp đã vật chất hóa thành một thủ pháp tiểu thuyết khiến cho Terra Nostra trở thành một giấc mơ mênh mông và kỳ lạ ở đó mãi mãi vẫn là những con người ấy được hóa kiếp không ngừng, làm nên lịch sử và đi lại dọc ngang trong đó. Vẫn là anh chàng Ludovico đã từng thấy tại Mehico một lục địa mới chưa từng được biết đến ấy, vài thế kỷ sau, lại có mặt ở Paris cũng với vẫn nàng Célestine hai thế kỷ trước từng là tình nhân của vua Philippe II ấy. Vân vân...

Chính là vào lúc kết thúc (kết thúc một tình yêu, kết thúc một thời đại) mà thời gian đã trôi qua bỗng đột nhiên hiện lên thành một chỉnh thể và mang một hình thức sáng rõ và hoàn tất. Ðối với Broch, lúc kết thúc là Huguenau, đối với Mann là Hitler. Ðối với Fuentes, ấy là ở thời ranh giới huyền thoại giữa hai thiên niên kỷ; nhìn từ đài quan sát tưởng tượng ấy, lịch sử, cái điều dị thường châu Âu đó, cái vệt đốm trên nền trắng trong của thời gian đó, trông như đã kết thúc, đã bị ruồng bỏ, cô đơn, và tức khắc trở thành nhỏ nhoi, đáng cảm thương như là một chuyện nhỏ cá nhân sẽ bị quên bẵng mất ngay ngày mai.

Quả vậy, nếu Luther là Esch, thì lịch sử đã đưa dẫn từ Luther đến Esch chỉ còn là tiểu sử của một con người duy nhất. Martin Luther - Esch. Và tất cả lịch sử chỉ còn là lịch sử của vài nhân vật (một Faust, một Don Juan, một Don Kihôtê, một Esch) đã cùng nhau đi qua các thế kỷ của châu Âu.


Bên kia hệ nhân quả

Tại trang trại của Lévine [1] , một người đàn ông và một người đàn bà gặp nhau, hai con người cô đơn, đều trẻ. Họ thích nhau và thầm mong gắn bó cuộc đời với nhau. Họ chỉ chờ cơ hội được gặp riêng nhau và nói với nhau điều đó. Cuối cùng, một hôm, họ cùng đi hái nấm trong rừng và không còn ai nữa ngoài hai người. Bối rối, họ im lặng, biết rằng cái giây phút ấy đã đến và không được bỏ qua mất. Im lặng hồi lâu, rồi người đàn bà đột ngột, “trái với ý muốn của mình, bất ngờ” bắt đầu nói về nấm. Rồi lại im lặng, người đàn ông tìm lời để tỏ tình nhưng lẽ ra phải nói chuyện tình yêu, “vì một thúc đẩy bất ngờ”... cũng lại nói chuyện nấm. Trên đường về, họ vẫn nói mãi chuyện nấm, bất lực và tuyệt vọng, bởi họ biết mãi mãi, mãi mãi họ sẽ không còn bao giờ nói với nhau về tình yêu nữa.

Về nhà, người đàn ông tự nhủ anh đã không nói chuyện tình yêu là vì anh không thể phản bội kỷ niệm về người vợ đã chết. Nhưng chúng ta biết: đấy là một lý do giả mà anh chỉ viện ra để tự an ủi. Tự an ủi ư? Vâng. Bởi vì người ta cam chịu đánh mất một tình yêu vì một lý do nào đó. Người ta không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình đã đánh mất tình yêu mà không có lý do nào cả.

Ðoạn văn rất đẹp đó có thể coi là tiêu biểu cho một trong những thành công lớn nhất của Anna Karénine: thành công soi sáng khía cạnh phi - nhân quả, không tính được, thậm chí huyền bí của hành vi con người.

Hành vi là gì: câu hỏi muôn thuở của tiểu thuyết, có thể nói câu hỏi có tính cấu thành của tiểu thuyết. Một quyết định được sinh ra như thế nào? Nó biến thành hành vi như thế nào và các hành vi nối nhau như thế nào để trở thành một biến cố?

Từ chất liệu xa lạ và hỗn độn của cuộc sống, các nhà tiểu thuyết cố lọc ra cái lõi hợp lý tính sáng rõ; trong cách nhìn của họ, động cơ có thể nắm bắt được một cách lý tính sinh ra hành vi, hành vi này làm nảy sinh hành vi khác. Biến cố là sự nối tiếp nhân quả rõ ràng của các hành vi.

Werther yêu vợ của bạn anh ta. Anh không thể phản bội bạn, anh không thể từ bỏ tình yêu, vậy thì anh tự vẫn. Cuộc tự sát sáng rõ như một phương trình toán học.

Nhưng vì sao Anna Karénine tự sát?

Người đàn ông đáng lẽ nói chuyện tình yêu lại đi nói chuyện nấm muốn tin rằng ấy là vì anh chung tình với người vợ đã mất. Những lý do mà chúng ta có thể tìm ra cho hành vi của Anna cũng có giá trị đến thế thôi. Quả là thiên hạ có tỏ ra khinh bỉ những chẳng lẽ bà không có thể khinh bỉ trở lại họ như thế sao? Người ta ngăn bà đi gặp con, nhưng chẳng lẽ đấy là một tình cảm vô vọng và bế tắc sao? Vronski đã có phần thất vọng, nhưng dẫu sao ông vẫn yêu bà cơ mà?

Vả lại Anna đến nhà ga không phải để tự vẫn. Bà đến tìm Vronski. Bà lao vào tàu hỏa mà không hề có quyết định. Ðúng hơn cái quyết định nó nắm lấy bà. Nó vồ lấy bà. Cũng giống như người đàn ông đã nói về nấm, Anna hành động “vì một sự thúc đẩy không ngờ”. Ðiều đó không có nghĩa là hành vi của bà là không có ý nghĩa gì cả. Chỉ có điều là cái ý nghĩa ấy nằm ở ngoài hệ nhân quả có thể nắm bắt được một cách có lý tính. Tolstoi đã phải (lần đầu tiên trong lịch sử tiểu thuyết) dùng đến độc thoại nội tâm gần như theo kiểu Joyce để khôi phục lại cái mớ tinh vi những xung đột vụt qua, những cảm giác thoáng hiện, những suy nghĩ rời rạc, để chỉ cho chúng ta thấy sự tiến đến tự sát trong tâm hồn Anna.

Với Anna, chúng ta đã đi xa hơn Werther, cũng đã xa Kirilov. Anh chàng này tự vẫn vì những lợi ích được xác định hoàn toàn rõ ràng, những tình tiết được mô tả rành mạch, đã dẫn anh ta đến đó. Hành vi của anh, dẫu có điên rồ, vẫn hợp lý, có ý thức, được nghiền ngẫm, dự tính trước. Tính cách của Kirilov hoàn toàn cơ sở trên cái triết lý kỳ quặc của anh về sự tự sát, và hành vi của anh chỉ là sự nối dài hoàn toàn logic những ý tưởng của anh.

Dostoievski nắm bắt sự điên rồ của lý tính, trong cơn ngoan cố, muốn đi đến tận cùng logic của nó. Lĩnh vực khảo sát của Tolstoi nằm ở phía ngược lại: ông lột trần những sự can thiệp của cái phi logic, của cái phi lý. Cho nên tôi đã nói đến ông. Việc quy chiếu về Tolstoi đặt Broch trong bối cảnh một trong những cuộc khảo sát lớn nhất của tiểu thuyết châu Âu: cuộc khảo sát vai trò của cái phi lý trong những quyết định của chúng ta, trong đời sống chúng ta.


Những trộn lẫn

Pasenow đi lại với một cô điếm người Tiệp, tên là Ruzena, nhưng bố mẹ anh lại chuẩn bị đám cưới của anh với một cô gái thuộc tầng lớp anh: Elisabeth. Pasenow chẳng hề yêu cô ta, tuy nhiên cô vẫn hấp dẫn anh. Nói cho đúng ra, điều hấp dẫn anh không phải là cô mà là tất cả những gì cô đại diện đối với anh.

Khi anh đến thăm cô lần đầu, các con đường, các khu vườn, các ngôi nhà trong khu phố cô sống lan tỏa ra một cảm giác thật bình an như giữa đảo vắng vậy; ngôi nhà Elisabeth đón anh bằng một bầu không khí đầy hạnh phúc, “đầy bình an và êm dịu, được che chở bởi tình bằng hữu”, một ngày nào đó, “sẽ chuyển thành tình yêu” để rồi “tình yêu, đến lượt nó, sẽ tắt đi thành tình bạn”. Cái giá trị mà Pasenow ưa thíchh (sự bình an bè bạn của một gia đình) hiện lên trước mặt anh trước khi anh trông thấy người con gái rồi sẽ phải trở thành (không có ý thức và trái với bản tính của mình) người mang tải cái giá trị ấy.

Anh ngồi trong nhà thờ làng quê anh và, nhắm mắt lại, anh hình dung cảnh gia đình thần thánh trên một đám mây ánh bạc, ở giữa là Ðức Mẹ Ðồng Trinh Maria đẹp không tả nổi. Ngày trước, còn bé, cũng chính trong ngôi nhà thờ này, anh đã từng say sưa với hình ảnh ấy. Bấy giờ anh yêu một cô hầu gái người Ba Lan trong trang trại của cha anh, mà trong phút mơ mộng, anh đồng nhất với Ðức Mẹ Ðồng Trinh, tưởng tượng mình đang ngồi trên đôi đầu gối đẹp, đôi đầu gối của Ðức Mẹ Ðồng Trinh đã biến thành người hầu gái. Và hôm nay, nhắm mắt lại, anh lại thấy Ðức Mẹ Ðồng Trinh, và đột nhiên anh nhận ra là tóc Người màu vàng hoe. Vâng, tóc Ðức Mẹ Maria giống màu tóc Elisabeth. Anh ngạc nhiên, anh xúc động vì điều ấy. Anh ngỡ rằng qua môi giới của phút mơ mộng ấy, chính là Chúa đã chỉ cho anh biết rõ người con gái mà anh không hề yêu đó lại chính là mối tình chân chính và duy nhất của anh.

Logic của sự phi lý cơ sở trên cơ chế của sự lẫn lộn: Pasenow cảm nhận rất tồi về thực tế; anh không hiểu được nguyên nhân của các sự kiện; anh không bao giờ biết được điều gì ẩn sau cái nhìn của những người khác; tuy nhiên, dẫu là giả trang, không nhận ra được, phi nhân quả, thế giới bên ngoài không câm: nó vẫn nói với anh. Cũng giống như trong bài thơ của Beaudelaire, ở đó “những tiếng vọng dài... trộn lẫn vào nhau”, ở đó “các mùi hương, các sắc màu, các âm thanh đối đáp nhau”: một cái này tiến lại gần cái kia, trộn lẫn vào cái kia (Elisabeth trộn lẫn vào Ðức Mẹ Ðồng Trinh) và như vậy, bằng sự xích lại gần đó, tự bộc lộ ý nghĩa của mình.

Esch là người tình của cái tuyệt đối. Khẩu hiệu của anh là “Người ta chỉ có thể yêu một lần” và bởi vì bà Hentjen yêu anh, (theo logic của Esch) bà ta không thể yêu người chồng thứ nhất của bà đã chết. Do đó, ông ấy đã lợi dụng bà, và chỉ có thể là một tên khốn nạn. Khốn nạn như Bertrand. Bởi vì những kẻ đại diện cho cái ác có thể thay đổi lẫn nhau. Họ lẫn vào nhau. Họ chỉ là những hiện hình khác nhau của một bản chất chung. Chính là vào lúc liếc nhìn thấy bức chân dung ông Hentjen trên tường, trong đầu anh đã nảy sinh ý nghĩ: ngay lập tức đi tố cáo Bertrand cho cảnh sát. Bởi vì nếu Esch đánh Bertrand, thì cũng giống như anh đã đánh trúng người chồng thứ nhất của bà Hentjen, cũng là anh đã dẹp đi cho chúng ta, tất cả chúng ta, một mẩu nhỏ của cái ác chung.


Khu rừng những tưởng tượng
Phải đọc chăm chú, chậm rãi Những kẻ mộng du, dừng lại ở những hành vi vừa phi logic vừa dễ hiểu để nhận ra một trật tự giấu kín, chảy ngầm, trên đó những quyết định của một Pasenow, một Ruzena, một Esch đặt cơ sở. Những nhân vật này không thể đương đầu với thực tại như với một vật cụ thể. Trước mặt họ tất cả biến thành tượng trưng (Elisabeth thành biểu trưng của sự bình an trong gia đình, Bertrand thành biểu trưng địa ngục) và chính anh phản ứng lại các biểu trưng trong khi tưởng rằng mình đang tác động tới thực tại.

Broch giúp chúng ta hiểu rằng chính cơ chế các trộn lẫn, cơ chế của tư duy biểu trưng là cơ sở của mọi ứng xử, cá nhân cũng như tập thể. Chỉ cần xem xét ngay cuộc sống của chúng ta để thấy cái cơ chế phi lý ấy, hơn là một sự suy gẫm có lý lẽ rất nhiều, đã uốn cong các thái độ của chúng ta đến chừng nào: con người kia, do say mê các con cá nuôi trong bể cá, gợi cho tôi nhớ lại một người khác, ngày trước, từng gây cho tôi một tai họa kinh khủng, sẽ luôn luôn khiến tôi ngờ vực không sao dẹp đi được...
Tôi nghĩ đến những vụ chết chóc thường ngày trên các đường lộ, đến cái chết ghê tởm vừa nhàm chán và chẳng hề giống cả bệnh ung thư lẫn sida bởi không phải do tạo hóa mà do con người gây ra, nó gần như là một thứ chết tự nguyện. Tại sao nó không khiến ta sửng sốt, nó không đảo lộn cuộc sống chúng ta, không giục chúng ta tiến hành những cải cách lớn? Không, nó không làm chúng ta sửng sốt bởi vì, cũng như Pasenow, chúng ta cảm nhận thực tại rất xoàng, và cái chết kia, được che giấu sau tấm mặt nạ một chiếc xe đẹp, trong lĩnh vực siêu thực của các biểu tượng, quả là tiêu biểu cho sự sống: tươi cười, nó tiêu biểu cho hiện tại, tự do, phiêu lưu, cũng giống như Elisabeth nhập làm một với Ðức Mẹ Ðồng Trinh vậy. Cái chết của những người bị kết án tử hình, vô cùng ít hơn, lại thu hút sự chú ý của nhiều người hơn, đánh thức các dục vọng: nhập lẫn với hình ảnh kẻ đao phủ, nó có một điện thế biểu tượng cao hơn nhiều, đen tối hơn và gây phẫn nộ hơn nhiều. Vân vân.

Con người là một đứa trẻ bị lạc - một lần nữa ta lại dẫn bài thơ của Beaudelaire - trong “khu rừng những biểu tượng”.

(Tiêu chuẩn của sự trưởng thành: năng lực cưỡng lại các biểu tượng. Nhưng nhân loại ngày càng trẻ ra.)


Ða lịch sử

Nói về các tiểu thuyết tâm lý của mình, Broch từ chối mỹ học của tiểu thuyết “tâm lý” bằng cách đối lập lại với nó loại tiểu thuyết mà ông gọi là “nhận thức luận” hay “đa lịch sử”. Tôi nghĩ rằng từ thứ hai quả là đã được chọn sai và nó đánh lạc hướng chúng ta. Chính là Adalberth Stifter, một đồng bào của Broch, người khai sinh nền văn xuôi Áo với quyển tiểu thuyết Der Nachsommer (Những ngày đẹp trời cuối tháng 11) của mình viết năm 1857 (vâng, đúng vào cái năm trọng đại ra đời tác phẩm Bà Bovary) đã sáng tạo ra một cuốn tiểu thuyết đa lịch sử theo đúng nghĩa chính xác của từ này. Vả chăng đây là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, Nietzche đã xếp nó vào số bốn cuốn sách lớn nhất của nền văn xuôi Ðức. Ðối với tôi nó thật khó đọc: chúng ta học được ở đó rất nhiều điều về địa lý học, thực vật học, động vật học, về tất cả các nghề thủ công, về hội họa và kiến trúc, nhưng con người và các hoàn cảnh của con người hoàn toàn ở ngoài rìa của cuốn từ điển bách khoa to lớn và bổ ích đó. Chính vì tính chất đa lịch sử của nó mà cuốn tiểu thuyết này đã thiếu hẳn tính đặc thù của tiểu thuyết.

Trường hợp Broch không như vậy. Ông đeo đuổi “cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá ra được”. Nhưng ông biết rằng hình thức quy ước (đặt cơ sở chỉ trên cuộc phiêu lưu của một nhân vật và tự thỏa mãn chỉ bằng cách tường thuật cuộc phiêu lưu đó) hạn chế tiểu thuyết, làm nghèo đi các năng lực nhận thức của nó. Ông biết rằng tiểu thuyết có một khả năng điều hợp kỳ lạ: trong khi thơ hay triết học không thể điều hợp tiểu thuyết thì tiểu thuyết lại có thể điều hợp cả thơ lẫn triết học mà không vì thế đánh mất đi cái bản sắc được đặc trưng bởi chính xu hướng bao gộp vào mình những thể loại khác (chỉ cần nhớ lại Rabelais và Cervantes), hấp thu những tri thức triết học và khoa học. Trong cách nhìn của Broch như vậy từ “đa lịch sử” có nghĩa là: huy động mọi phương tiện trí tuệ và mọi hình thức để soi sáng “cái điều mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá ra được”: sinh tồn của con người.

Ðương nhiên điều đó tất phải kéo theo một sự thay đổi sâu sắc hình thức tiểu thuyết.


Phần chưa hoàn thiện

Tôi tự cho phép một nhận xét rất cá nhân: cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong bộ Những kẻ mộng du (Huguenau hay chủ nghĩa hiện thực) ở đó xu hướng tổng hợp và sự biến đổi về hình thức được đẩy xa hơn cả, đem đến cho tôi một niềm vui khâm phục song cũng để lại đôi điều không thỏa mãn:
  • Ý định “đa lịch sử” đòi hỏi một kỹ thuật tinh lược mà Broch không tìm được bao nhiêu; điều đó làm tổn hại đến sự sáng sủa của kết cấu;
  • Các thành tố khác nhau (thơ, truyện, châm ngôn, phóng sự, tùy bút) đứng liền nhau chứ không gắn chặt với nhau thành một thể thống nhất “đa âm”;
  • Phần tiểu luận đặc sắc về sự xuống cấp của các giá trị, dẫu được trình bày dưới hình thức một văn bản do một nhân vật viết ra, vẫn dễ bị hiểu là biện luận của tác giả, là chân lý của tiểu thuyết, tóm tắt của tiểu thuyết, luận đề của nó, và do đó làm hỏng tính tương đối thiết yếu của không gian tiểu thuyết.

Tất cả những tác phẩm lớn (và chính vì chúng lớn) đều có một phần không hoàn chỉnh. Broch gây cảm hứng cho chúng ta không chỉ bằng tất cả những gì ông đã hoàn tất mỹ mãn mà còn vì những gì ông đã nhằm đến mà không đạt được. Sự không hoàn chỉnh trong tác phẩm của ông có thể làm cho chúng ta hiểu cần thiết phải có: 1) một nghệ thuật mới của phép giản lược căn bản (nó cho phép bao quát sự phức tạp của thế giới hiện đại mà không mất đi tính sáng sủa trong kết cấu); 2) một nghệ thuật mới trong lối đối âm tiểu thuyết (có khả năng gắn lại trong một âm điệu duy nhất cả triết học, truyện kể, giấc mơ); 3) một nghệ thuật tiểu luận đặc biệt có tính tiểu thuyết (nghĩa là không tham vọng mang đến một thông điệp tất yếu mà giữ được tính chất giả định, có tính trò chơi, hay mỉa mai).


Các chủ nghĩa hiện đại

Trong những nhà tiểu thuyết lớn của thế kỷ chúng ta, có lẽ Broch là người ít được biết đến hơn cả. Chẳng khó hiểu lắm đâu. Vừa hoàn thành Những kẻ mộng du ông đã chứng kiến Hitler lên cầm quyền và đời sống văn hóa Ðức bị nghiền nát; năm năm sau ông từ giã áo sang Mỹ và ở đấy cho đến lúc mất. Trong những điều kiện đó, tác phẩm của ông mất đi công chúng tự nhiên của nó, thiếu đi sự tiếp xúc với một đời sống văn học bình thường, không còn có thể đóng vai trò của nó trong thời đại của nó: tập họp quanh nó một cộng đồng những độc giả, những người tán thành và những chuyên gia, tạo nên một trường phái, ảnh hưởng đến các nhà văn khác. Cũng giống như tác phẩm của Musil và tác phẩm của Gombrowicz, nó được khám phá ra (khám phá lại) rất muộn (và sau khi tác giả đã mất) bởi những người cũng giống như chính Broch, say mê một hình thức mới, nói cách khác, có khuynh hướng “hiện đại chủ nghĩa”. Nhưng chủ nghĩa hiện đại của họ không giống như của Broch. Không phải vì chủ nghĩa hiện đại của Broch muộn hơn, tiên tiến hơn; nó khác bởi gốc rễ của nó, bởi thái độ của nó đối với thế giới hiện đại, bởi mỹ học của nó. Sự khác nhau đó đã gây ra ít nhiều lúng túng: Broch (cũng như Musil, Gombrowicz) là một nhà cách tân lớn nhưng không giống với hình ảnh thông thường và quy ước về chủ nghĩa hiện đại (bởi vì trong phân nửa sau thế kỷ này, phải tính sổ với chủ nghĩa hiện đại của những chuẩn mực được pháp điển hóa, chủ nghĩa hiện đại đại học, có thể nói, chính ngạch).

Chủ nghĩa hiện đại chính ngạch này buộc ta, chẳng hạn, phá vỡ hình thức tiểu thuyết. Trong cái nhìn của Broch, những khả năng của tiểu thuyết còn lâu mới cạn kiệt.

  • Chủ nghĩa hiện đại chính ngạch muốn rằng tiểu thuyết phải vứt bỏ cái mẹo nhân vật đi, bởi theo họ, nói cho cùng đó chỉ là một cái mặt nạ hoài công che giấu khuôn mặt tác giả. Trong các nhân vật của Broch, cái tôi của tác giả là không thể tách ra được.

  • Chủ nghĩa hiện đại chính ngạch bài trừ khái niệm tổng thể, chính cái từ mà Broch, ngược lại, sẵn sàng dùng để nói rằng: trong thời đại phân công lao động đến mức cực đoan, chuyên môn hóa vô độ, tiểu thuyết là một trong những vị trí cuối cùng ở đó con người còn có thể giữ được những mối quan hệ của mình với cuộc sống trong tổng thể của nó.

  • Theo chủ nghĩa hiện đại chính ngạch, có một ranh giới không thể vượt qua chia cách tiểu thuyết “hiện đại” với tiểu thuyết “truyền thống” (“tiểu thuyết truyền thống” này là một thứ rổ trong đó người ta tống ngổn ngang tất cả các giai đoạn của bốn thế kỷ tiểu thuyết). Trong cách nhìn của Broch, tiểu thuyết hiện đại tiếp tục cuộc tìm kiếm mà tất cả các nhà tiểu thuyết lớn từ Cervantes đã tham gia.

Ðằng sau chủ nghĩa hiện đại chính ngạch có một thứ cặn bã ngây ngô của niềm tin thuyết hậu thế: một lịch sử chấm dứt, một lịch sử khác (tốt hơn), được tạo lập trên một cơ sở hoàn toàn mới, bắt đầu. ở Broch, có một ý thức sầu tư của một lịch sử đang hoàn thành, trong những hoàn cảnh thù nghịch một cách sâu sắc với sự tiến hóa của nghệ thuật và đặc biệt của tiểu thuyết.


[1]Trong tiểu thuyết Anna Karénine của L. Tolstoi.

Nguồn: Milan Kundera, tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch từ tiếng Pháp, Nxb Văn Hoá Thông Tin và Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Ná»™i 2001. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.