trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.10.2004
Milan Kundera
Nghệ thuật tiểu thuyết
8 kì
Nguyên Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Phần thứ bảy
DIỄN VĂN JÉRUSALEM
TIỂU THUYỂT VÀ CHÂU ÂU

Nếu giải thưởng quan trọng nhất mà Israel trao là dành cho văn học quốc tế, thì tôi nghĩ điều ấy không hề ngẫu nhiên mà là do một truyền thống lâu đời. Quả vậy, chính các nhân vật Do Thái tầm cỡ lớn, bị đẩy đi xa vùng đất nguyên lai của mình, đứng vượt lên trên những dục vọng quốc gia chủ nghĩa, đã luôn luôn tỏ một sự nhạy cảm đặc biệt về một châu Âu siêu quốc gia, châu Âu được quan niệm không phải với tư cách lãnh thổ mà với tư cách văn hóa. Nếu những người Do Thái, sau khi đã bị châu Âu làm cho thất vọng một cách bi đát, vẫn giữ vẹn trung thành với chủ nghĩa thế giới có tính châu Âu, thì Israel, tổ quốc bé nhỏ cuối cùng đã tìm lại được của họ, hiện lên trước mắt tôi như là trái tim chân chính của châu Âu, một trái tim kỳ lạ đặt ngoài cơ thể.

Tôi hết sức cảm động hôm nay được nhận giải thưởng mang tên Jérusalem và dấu ấn của cái tinh thần thế giới chủ nghĩa Do Thái vĩ đại ấy. Tôi nhận giải thưởng này với tư cách là nhà tiểu thuyết. Tôi nhấn mạnh, nhà tiểu thuyết, tôi không nói nhà văn. Nhà tiểu thuyết là người, theo Flaubert, muốn biến mình đi sau tác phhẩm của mình. Biến mình đi sau tác phẩm của mình, điều đó có nghĩa là từ chối vai trò nhân vật xã hội. Ngày nay chuyện đó chẳng dễ dàng khi mà mọi sự đôi chút quan trọng đều phải đi qua cái sân khấu bị chói sáng một cách không thể chịu đựng nổi của các phương tiện thông tin đại chúng, trái với ý định của Flaubert, làm cho tác phẩm biến mất đi đằng sau hình ảnh tác giả của nó. Trong tình cảnh ấy, mà chẳng ai thoát nổi, tôi thấy nhận xét của Flaubert gần như là răn đe: chấp nhận vai trò nhân vật xã hội, nhà tiểu thuyết khiến cho tác phẩm của mình có nguy cơ được xem như là một thứ ruột thừa của các hành vi, các tuyên ngôn, các quan điểm của anh ta. Song, nhà tiểu thuyết không phải là người phát ngôn của ai cả, và tôi sẽ đẩy xa sự khẳng định đó đến chỗ nói rằng anh ta thậm chí không phải là người phát ngôn những ý tưởng của chính mình. Khi Tolstoi phác thảo bản nháp đầu tiên cuốn Anna Karénina, Anna là một người đàn bà rất đáng ghét và cái chết bi thảm của bà quả là đúng và đáng. Bản viết cuối cùng cuốn tiểu thuyết này khác hẳn, song tôi không tin rằng Tolstoi đã thay đổi các ý tưởng đạo lý của mình giữa hai lần viết đó, tôi muốn nói đúng hơn là, trong khi viết, ông đã lắng nghe một tiếng nói khác với tiếng nói của niềm tin đạo lý riêng của ông. Ông đã lắng nghe cái mà tôi muốn gọi là sự hiền minh của tiểu thuyết. Tất cả các nhà tiểu thuyết chân chính đều lắng nghe sự hiền minh siêu riêng đó, điều đó giải thích vì sao các tiểu thuyết lớn bao giờ cũng thông minh hơn chính tác giả của chúng đôi chút. Những nhà tiểu thuyết mà thông minh hơn tác phẩm của mình thì nên đổi nghề đi thôi.

Nhưng sự hiền minh ấy là gì, tiểu thuyết là gì? Có một câu ngạn ngữ Do Thái tuyệt diệu: Con người suy nghĩ, còn Thượng đế thì cười. Ðược gợi ý từ câu đó, tôi muốn hình dung rằng François Rabelais một ngày nọ đã nghe được tiếng cười đó của Thượng đế và như vậy ý tưởng về cuốn tiểu thuyết lớn đầu tiên của châu Âu đã ra đời. Tôi thích nghĩ rằng nghệ thuật tiểu thuyết đã xuất hiện trên trần thế này như là tiếng vọng lại cái cười của Thượng đế.

Nhưng tại sao Thượng đế lại cười khi nhìn con người đang suy nghĩ? Bởi con người suy nghĩ và chân lý tuột mất khỏi tay anh ta. Bởi vì con người càng suy nghĩ, thì ý nghĩ của người này lại càng xa ý nghĩ của người khác. Và cuối cùng, con người không bao giờ là cái mà nó tưởng nó là thế. Chính vào buổi bình minh của Thời Hiện Ðại mà cái tình cảnh căn bản đó của con người, vừa đi ra từ thời Trung Cổ, đã bộc lộ ra: Don Kihôtê suy nghĩ, Sancho suy nghĩ, và không chỉ chân lý của thế giới mà cả chân lý về chính cái tôi của họ tuột mất khỏi tay họ. Các nhà tiểu thuyết châu Âu đầu tiên đã thấy và chộp lấy cái tình cảnh mới đó của con người, và trên đó đã đặt cơ sở nền nghệ thuật mới, nghệ thuật tiểu thuyết.

François Rabelais đã đặt nhiều từ mới về sau sẽ đi vào ngôn ngữ Pháp và các ngôn ngữ khác, nhưng một trong những từ đó đã bị quên đi và thật đáng tiếc. Ðó là từ agélaste, nó lấy lại từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là: người không cười, không có tinh thần khôi hài. Rabelais ghét những kẻ agélaste. Ông sợ họ. Ông than phiền rằng bọn agélaste “đối với ông tàn bạo” cho đến nỗi ông đã suýt bỏ viết, và bỏ mãi mãi.

Chẳng có thể có hòa bình giữa nhà tiểu thuyết và kẻ agélaste. Không nghe thấy tiếng cười của Thượng đế, bọn agélaste tin chắc rằng chân lý là sáng rõ, rằng tất cả mọi người phải suy nghĩ hệt nhau, và họ đúng nguyên xi cái mà họ nghĩ họ là thế. Nhưng chính thị là bằng cách đánh mất niềm tin chắc vào chân lý và sự đồng tình nhất trí của những người khác mà con người trở thành cá nhân. Tiểu thuyết, đó là thiên đường tưởng tượng của những cá nhân. Ðấy là lãnh địa nơi chẳng có ai là người sở hữu chân lý, không phải Anna cũng chẳng phải Karénine, song mọi người đều có quyền được người ta hiểu mình, cả Anna lẫn Karénine.

Trong bộ ba Gargantua và Pantagruel, Panurge, nhân vật tiểu thuyết lớn đầu tiên châu Âu từng biết tới, bứt rứt vì câu hỏi: anh ta có nên cưới vợ không? Anh đi hỏi ý kiến các thầy thuốc, các nhà thấu thị, các giáo sư, các thi sỹ, các nhà triết học, đến lượt họ dẫn ra cho anh nào Hippocrate, nào Aristote, Homère, Héraclite, Platon. Nhưng sau những tìm tòi bác học ghê gớm chiếm toàn bộ cuốn sách, Panurge vẫn không biết anh ta có nên cưới vợ hay không. Chúng ta, người đọc, chúng ta cũng chẳng biết. Song, ngược lại, chúng ta đã thám hiểm dưới tất cả các góc độ khả dĩ cái tình cảnh kỳ cục mà sơ đẳng của cái anh chàng chẳng biết mình có nên cưới vợ hay không.

Sự uyên bác của Rabelais, dẫu rất lớn, như vậy có một ý nghĩa khác sự uyên bác của Descartes. Tiểu thuyết sinh ra không phải từ tinh thần lý thuyết mà từ tinh thần hài hước. Một trong những thất bại của châu Âu là không bao giờ hiểu được nền nghệ thuật có tính châu Âu nhất - là tiểu thuyết, cả tinh thần của nó, lẫn tính tự trị lịch sử của nó. Nghệ thuật bắt nguồn cảm hứng từ cái cười của Thượng đế, trong bản chất của nó, không lệ thuộc mà trái ngược với những niềm tin ý thức hệ. Noi gương Pénélope, ban đêm nó tháo tung tấm thảm mà các nhà thần học, các nhà triết học, các nhà bác học đã dệt nên ngày hôm trước.

Gần đây, người ta có thói quen nói xấu thế kỷ XVIII và đi đến cả cái lối nói nhàm chán này: tai họa chủ nghĩa toàn trị Nga là tác phẩm của châu Âu đấy, nhất là của chủ nghĩa duy lý vô thần thời thế kỷ ánh sáng, của lòng tin vào sức mạnh tuyệt đối của lý trí thời đó. Tôi không thấy mình có thẩm quyền để phản bác những người cho rằng Voltaire phải chịu trách nhiệm về những trại tập trung. Tuy nhiên tôi thấy có thẩm quyền để nói rằng: thế kỷ XVIII không chỉ là thế kỷ của Rousseau, Voltaire, Holbach, mà còn là (nếu không phải nhất là) thế kỷ của Fielding, Sterne, Goethe, Laclos.

Trong tất cả những cuốn tiểu thuyết thời ấy, tôi thích cuốn Tristram Shandy của Laurence Sterne hơn cả. Một cuốn tiểu thuyết thú vị. Sterne khởi đầu bằng cảnh đêm Tristram được thụ thai, nhưng ông vừa bắt đầu nói chuyện đó thì lập tức một ý tưởng khác lôi cuốn ông, và ý tưởng này bằng một cách kết hợp tự do, lại gợi lên một suy nghĩ khác, rồi một giai thoại khác, đến nỗi cứ tán rộng ra liên tiếp, và Tristram, nhân vật của cuốn sách, bị quên bẵng đi cả trăm trang sách. Lối cấu tạo một cuốn tiểu thuyết một cách ngông cuồng như thế có thể có vẻ đơn giản là một trò chơi hình thức. Nhưng trong nghệ thuật, hình thức luôn luôn là một cái gì đó hơn là hình thức. Mỗi cuốn tiểu thuyết đề xuất một câu trả lời cho câu hỏi dù muốn dù không đều tồn tại: con người là gì vậy, và chất thơ của nó là ở đâu? Những người đồng thời của Sterne, chẳng hạn Fielding, đã biết thưởng thức vẻ đẹp kỳ lạ của hành động và sự phiêu lưu. Câu trả lời ngầm của Sterne trong cuốn tiểu thuyết của ông có khác: chất thơ theo ông, không nằm trong hành động mà nằm trong sự đứt đoạn hành động.

Có thể, một cách gián tiếp, ở đây đã nổ ra một cuộc đối thoại lớn giữa tiểu thuyết và triết học. Chủ nghĩa duy lý thế kỷ XVIII đặt nền móng trên câu nói nổi tiếng của Liebnitz: nihil est sine ratione. Không có gì tồn tại mà không có lý. Khoa học được kích thích bởi niềm tin chắc đó say mê khảo sát cái vì sao của mọi thứ đến mức mọi cái tồn tại có vẻ đều có thể cắt nghĩa, tức là có thể đo đếm tất. Con người muốn cuộc sống của mình có một ý nghĩa, từ chối mỗi hành vi không có nguyên nhân và mục đích của nó. Mọi tiểu sử đều được viết như thế. Cuộc sống hiện ra như một quỹ đạo sáng rực những nguyên nhân, kết quả, thất bại và thành công, và con người nóng lòng nhìn chăm chăm cái chuỗi nhân quả các hành vi của mình, càng tăng tốc cuộc chạy điên dại của mình đến cái chết.

Ðứng trước sự rút gọn thế giới thành chuỗi nhân quả các sự kiện đó, cuốn tiểu thuyết của Sterne, chỉ bằng hình thức của mình thôi, khẳng định: chất thơ không nằm trong hành động mà ở chỗ hành động dừng lại; ở chỗ cái cầu nối một nguyên nhân và một kết quả bị phá vỡ và tư tưởng lang thang trong một thứ tự do nhàn rỗi êm đềm. Chất thơ của cuộc sống, theo cuốn tiểu thuyết của Sterne, nằm ở sự tán rộng ra. Nó nằm ở trong cái không đo đếm được. Nó nằm ở phía bên kia hệ nhân quả. Nó là sine ratione, không có lý. Nó nằm ở phía bên kia câu nói của Liebnitz.

Vì vậy không thể phán xét tinh thần của một thế kỷ chỉ riêng bằng vào các tư tưởng, các quan niệm lý thuyết của nó, mà không xem xét đến nghệ thuật, đặc biệt là tiểu thuyết. Thế kỷ XIX đã sáng chế ra đầu máy xe lửa, và Hegel lấy làm chắc rằng đã nắm bắt được đích thị tinh thần của lịch sử toàn thế giới. Flaubert đã khám phá ra cái ngu đần.

Quả nhiên, ngay cả trước Flaubert người ta không nghi ngờ sự tồn tại của cái ngu đần, nhưng người ta hiểu nó có hơi khác: nó được coi như là một thứ đơn giản thiếu hiểu biết, một khuyết tật có thể chữa được nhờ học vấn. Nhưng, trong các tiểu thuyết của Flaubert, ngu đần là một phương diện không thể tách rời của cuộc sống con người. Nó đeo đuổi bà Emma tội nghiệp suốt đời đến tận trên chiếc giường tình của bà, trên giường chết của bà ở đó có hai tên agélaste đáng sợ còn trao đổi dông dài những điều xuẩn ngốc của chúng như một thứ điếu văn. Nhưng điều chướng hơn cả, quá đáng hơn cả trong cái nhìn của Flaubert về sự ngu đần là ở chỗ: sự ngu đần không bị xóa mất đi trước sự có mặt của khoa học, kỹ thuật, tiến bộ, hiện đại, trái lại, cùng với sự tiến bộ, nó cũng phát triển thêm.

Với một niềm say mê ác dữ, Flaubert đã sưu tập những công thức sáo rỗng mà bọn người quanh ông nói ra để tỏ vẻ thông minh và thức thời. Ông đã lập một cuốn Tự điển những ý tưởng nhặt được nổi tiếng. Ta hãy dùng cái tên sách đó để nói rằng: sự ngu đần hiện đại không có nghĩa là ngu dốt mà là tính chất không-có-tư-tưởng của những ý tưởng nhặt được. Khám phá của Flaubert đối với tương lai của thế giới vô cùng quan trọng. Bởi vì có thể hình dung tương lai không có đấu tranh giai cấp hay không có khoa tâm thần học, nhưng không thể không có cơn triều lên không cưỡng lại nổi của những ý tưởng nhặt được, được ghi vào máy tính, được truyền bá bởi các phương tiện thông tin đại chúng, có nguy cơ sớm trở thành một sức mạnh đè nát mọi tư tưởng độc đáo cá nhân và như thế sẽ bóp nghẹt chính bản chất của văn hóa châu Âu thời hiện đại.

Chừng 80 năm sau ngày Flaubert đã tưởng tượng ra bà Emma Bovary của mình, trong những năm 30 của thế kỷ này, một nhà tiểu thuyết lớn khác, Herman Broch, sẽ nói đến cố gắng dũng cảm của tiểu thuyết hiện đại chống lại làn sóng của cái Kitsch nhưng cuối cùng đã bị nó quật ngã. Từ Kitsch chỉ thái độ của kẻ muốn làm vui lòng bất cứ giá nào và số đông nhất. Muốn làm vui lòng, thì phải xác nhận mọi thứ người ta muốn nghe, phải phục vụ những ý tưởng thu góp được. Cái Kitsch, đấy là bản dịch của những ý tưởng thu góp được sang ngôn ngữ của cái đẹp và sự xúc động. Nó khiến ta rơi lệ thương cảm chính ta, thương cảm những thứ tầm thường ta nghĩ và ta cảm. Năm mươi năm sau, ngày nay, câu nói của Broch càng đúng hơn. Vì đòi hỏi cấp bách phải làm vui lòng và thu hút sự chú ý của số càng đông càng tốt, thẩm mỹ của các phương tiện thông tin đại chúng không thể tránh khỏi là thẩm mỹ kiểu Kitsch; và các phương tiện thông tin đại chúng càng dần dần bao trùm và thâm nhập tất cả cuộc sống của chúng ta, cái Kitsch càng trở thành thẩm mỹ và đạo lý thường ngày của chúng ta. Cho đến một thời kỳ mới gần đây, chủ nghĩa hiện đại có nghĩa là một cuộc nổi dậy phản - xu thời chống lại những ý tưởng nhặt được và cái Kitsch. Ngày nay chủ nghĩa hiện đại đã hòa làm một với sức sống mênh mông của các phương tiện thông tin đại chúng, và hiện đại có nghĩa là nỗ lực vô độ để được cập nhật, được hợp thời, được hợp thời hơn cả những kẻ hợp thời nhất. Tính hiện đại đã mặc chiếc áo dài của cái Kitsch.

Bọn agélaste, cái phi - tư tưởng của những ý tưởng nhặt được, cái Kitsch, đó vẫn là kẻ thù duy nhất ấy có ba đầu của nền nghệ thuật được sinh ra như là tiếng vọng lại cái cười của Thượng đế và đã biết sáng tạo nên cái không gian tưởng tượng mê hồn ở đó không ai là người sở hữu chân lý mà mỗi người đều có quyền được người ta hiểu mình. Cái không gian tưởng tượng đó đã được sinh ra cùng lúc với châu Âu hiện đại, nó là hình ảnh của châu Âu, hay ít ra, ước mơ đã biết bao lần bị phản bội song vẫn đủ mạnh để đoàn kết tất cả chúng ta lại trong tình hữu ái vượt xa cả cái lục địa nhỏ bé của chúng ta. Nhưng chúng ta biết rằng cái thế giới ở đó cá nhân được tôn trọng (thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết, và thế giới có thật châu Âu) là mong manh và đã tàn lụi. Ta thấy ở chân trời những quân đoàn bọn agélaste đang rình chúng ta. Vì chính xác là trong thời kỳ chiến tranh không tuyên bố và thường trực này, và trong cái thành phố có số phận bi kịch và đau đớn này, tôi đã quyết định chỉ nói về tiểu thuyết. Hẳn các bạn đã hiểu rằng về phía tôi đó không phải một cách trốn tránh những vấn đề nghiêm trọng vì nếu nền văn hóa châu Âu theo tôi đang bị uy hiếp từ bên ngoài và từ bên trong đúng vào chỗ quý giá nhất của nó là sự tôn trọng cá nhân của nó, sự tôn trọng tư tưởng độc đáo của nó và cái quyền được có một đời sống riêng tư không thể bị xâm phạm của nó, vậy thì, tôi nghĩ, cái bản chất quý báu đó của tinh thần châu Âu như là được đặt trong một cái hộp bằng bạc trong lịch sử tiểu thuyết, trong sự hiền minh của tiểu thuyết. Trong bài diễn văn cảm tạ này chính là tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng sự hiền minh đó. Song đã đến lúc tôi phải ngừng lời. Tôi đang quên rằng Thượng đế cười khi Người thấy tôi suy nghĩ.
Nguồn: Milan Kundera, tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch từ tiếng Pháp, Nxb Văn Hoá Thông Tin và Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Ná»™i 2001. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.