trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: 255 năm ngày sinh của Johann Wolfgang Goethe (28.08.1749 – 28.08.2004)
 1   2   3 
15.10.2004
Michel Tournier
Goethe và Ái lực
Cao Việt Dũng dịch
 
Lời người dịch: Thực ra Goethe là ai? Khi tuổi trẻ ông viết Werther, người ta đã ngỡ ông là một nhà lãng mạn chủ nghĩa, bởi tác phẩm của ông tương ứng về mặt nào đó với La Nouvelle Héloïse của Rousseau hay Pamela của Richardson, tạo thành ba tác phẩm tiền triệu của văn học của chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng cuộc đời rất dài của Goethe lại cho thấy không phải lúc nào ông cũng là nhà lãng mạn: mối quan tâm của ông dành cho thế hệ vàng của văn học Đức như Novalis, Hoffmann, Kleist, Jean Paul… rất hạn chế, nếu không muốn nói là con số không. Và người ta cũng không mấy ưa ông: Heinrich Heine từng viết: «được Goethe vinh danh đồng nghĩa với việc được cấp một chứng chỉ về sự tầm thường», nhiều người cho rằng khó mà yêu quý ông cho được. Đỉnh Olympe của văn học Đức trong mắt rất nhiều người là một thứ cây cổ thụ sống dai, hút hết tinh chất của những cây nhỏ khác, và cùng lúc nhàm chán đến kinh khủng.

Khó có thể coi Ái lực là một tác phẩm lãng mạn chủ nghĩa. Goethe giống như một nhà cổ điển chủ nghĩa đi lạc vào thời của chủ nghĩa lãng mạn. Thật đáng tiếc vì tác phẩm được sáng tác ở giai đoạn chín muồi này của Goethe chưa được dịch ra tiếng Việt; có lẽ nó phong phú và đặc trưng cho nghệ thuật văn xuôi của Goethe hơn cả Werther.

Về tiêu đề tiểu thuyết: quả thực Die Wahlverwandtschaften (được dịch sang tiếng Pháp thành Les Affinités électives) là một từ rất khó dịch. Nôm na thì nó có nghĩa là các lực tương tác có chọn lọc, sự hấp dẫn lẫn nhau – luận đề xuất phát của tiểu thuyết (được đại úy trình bày cho hai vợ chồng Eduard và Charlotte ở chương bốn phần một, theo đó khi có một nhân tố thứ ba xuất hiện, quan hệ giữa hai nhân tố có sẵn sẽ bị xáo động kinh khủng, sự xáo động sẽ càng lớn khi có thêm nhân tố thứ tư; tất nhiên hai nhân tố thêm vào sau này là đại úy và Ottilie, những người làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống vợ chồng cho đến lúc đó vẫn rất êm đềm của cặp vợ chồng quý tộc). Nhưng dịch thuần túy theo nội hàm hóa học sẽ không tạo cảm giác đây là một tác phẩm văn chương. Ngược lại, có người đề nghị dịch là Thanh khí, một cách dịch rất sáng tạo nhưng lại tước mất khía cạnh khoa học của tác phẩm. Tôi quyết định dịch (tạm) thành Ái lực, dù vẫn biết rằng đó vẫn chưa phải là phương án tối ưu.

Michel Tournier được coi là một trong những nhà văn Pháp còn sống lớn nhất của Pháp hiện nay. Ông đoạt giải Goncourt năm 1970 với tác phẩm Le Roi des Aulnes, tác phẩm thực sự lớn hiếm hoi mà giải Goncourt phát hiện được. Hiện nay ông sống ở vùng Chevreuse hẻo lánh, chỉ thỉnh thoảng lên Paris để ăn trưa uống rượu với các bạn cùng Viện Hàn lâm Goncourt. Bài viết này được trích từ tập Le vol du vampire, tập tiểu luận, Mercure de France, 1981.

Cao Việt Dũng
Ít tác phẩm có nhiều gốc rễ như Ái lực. Chính điều đó làm nên độ khó và độ hấp dẫn của nó. Khi đó Goethe bước vào tuổi sáu mươi. Chưa bao giờ chân trời của ông mở rộng đến thế. Friedrich Gundolf [1] nhận xét ông bớt quan tâm đến các nhân vật thần thoại vĩ đại – Prométhée, Iphigénie, Torquato, Faust – mà để ý nhiều hơn đến các môn khoa học tự nhiên và cuộc sống thường ngày của thời ông. Đúng hơn cần nói đến một sự xen kẽ nhịp nhàng, bởi vì không thể quên là ba mươi nhăm năm trước ông đã viết Werther – tiểu thuyết phong tục về thời của ông – và những tháng cuối cùng của cuộc đời ông dành để hoàn chỉnh Faust II, tác phẩm mang tính phúng dụ điển hình. Nhưng mặc dù có thể thấy rõ là Ái lực thuộc về mạch văn mà Werther đã mở ra, giữa hai tiểu thuyết tình ái này vẫn có cả một khác biệt lớn chia cách một tác phẩm tuổi trẻ vụt trào từ trái tim của một tác giả đang lâm cảnh cô đơn, và tác phẩm của một người đàn ông đầy từng trải và nổi tiếng muốn tập hợp toàn bộ kinh nghiệm của đời mình và cảnh tượng xã hội mình đang sống vào một kiểu panorama, dù đôi khi cũng có nguy cơ biến tác phẩm đó thành ra có tính lắp ghép (bricolage).

Chúng ta vừa nói đến Werther. Người ta từng muốn tiếp cận hai tiểu thuyết này thông qua tầm quan trọng rõ ràng là được định giá quá mức của sự gặp gỡ giữa Goethe và Minna Herzlieb trẻ trung. Cũng như khi ở tuổi hai mươi ba ông “giải thoát” được khỏi niềm say mê bất hạnh với Charlotte Buff khi viết Werther, Goethe ở tuổi sáu mươi dường như “thanh toán” mối quan tâm của mình dành cho Minna Herzlieb khi viết Ái lực. Minna Herzlieb là cô cháu gái và con gái nuôi của bà Frommann, vợ của ông chủ hiệu sách, nhà xuất bản ở Jena mà Goethe sẽ trao Ái lực [để in]. Nàng mười tám tuổi, sống ở nhà Frommann, nàng đẹp, rụt rè và bí ẩn. Người ta cho rằng nàng chính là nguồn cảm hứng cho mười bảy bài sonnet Goethe viết giai đoạn đó. Từ đó mà có giả thuyết cho rằng niềm say mê dành cho cô gái trẻ đã sưởi ấm và tàn phá trái tim nhà thi sĩ… André François-Poncet [2] trong nghiên cứu tuyệt vời của mình về Ái lực đã xem xét và cuối cùng vứt bỏ giả thuyết này. Những bài sonnet đang nói ở đây chỉ là một trò xã giao tô điểm cho các buổi tối ở nhà Frommann, mà mọi người đều tham gia. Không có gì trong cuộc đời và những lá thư của Minna cho thấy nàng có với Goethe một tình cảm nào khác sự trìu mến kính trọng. Goethe yêu quý các cô gái trẻ, tất cả các cô gái trẻ. Khi tuổi tác và sự khôn ngoan tới, ông dành cho họ một lối bông lơn tình cảm, trong đó chắc hẳn là có hòa trộn một chút cay đắng. Chắc chắn đó cũng là trường hợp với Minna. Gặp lại nàng sau đám cưới của nàng với một người tên là Pfund, ông viết thư cho vợ: “Tôi đã rất vui được gặp ông Pfund, tôi đã bắt đầu cảm thấy yêu người vợ của ông ấy kể từ khi cô bé mới tám tuổi, và khi cô bé mười sáu tuổi, tôi đã yêu cô bé hơn cả lý trí. Cho nên, nếu cô bé đến chỗ chúng ta, mình hãy tỏ ra thật dễ mến với cô bé nhé.” Không lâu sau các buổi tối ở nhà Frommann, ông quấn lấy một cô gái trẻ khác, Sylvie de Ziegesar, rồi một cô thứ ba, Pauline Gotter, người đã viết thế này: “Với tôi Goethe như một người cha, như một người thầy, và cũng rất thường xuyên như một người tình; ông là người duy nhất hiểu tôi, ngay cả vào những lúc tôi buồn bã.” Hình ảnh ông già đẹp đẽ phủ đầy vinh quang và gặp vô cùng nhiều khó khăn để có thể già đi, được vây quanh bởi cả đoàn các cô gái trẻ mà ông yêu tất và tất cả đều bắt ông phải chịu một chút đau đớn – nhưng không đến nỗi quá đà, chỉ ở mức độ vừa phải để cảm thấy một tình cảm -, hình ảnh này thật là cảm động và hẳn là chân thực. Nó đặt lại đúng chỗ sự gặp gỡ với Minna, và vai trò – có thực nhưng rất khiêm tốn – mà nàng đóng trong sự hình thành Ái lực.

Có vẻ như là ông bắt tay vào công việc vào tháng Tư năm 1808. Theo Nhật ký của ông, phần đầu tiên được viết xong ngay cuối tháng Bảy. Đó là lúc ông thường xuyên đi chữa bệnh bằng nước nóng ở Carlsbad. Khách sạn Ba người Maure nơi ông đến là một nơi tĩnh tâm đúng nghĩa. Không có vợ đi cùng, nhà thi sĩ già và nổi tiếng được một đám các cô gái trẻ vui vẻ và ngưỡng mộ vây quanh. Khi ông quay lại Weimar ngày 30 tháng Tám, người ta có thể e ngại rằng tác phẩm ông đang viết có thể sẽ không bao giờ được tiếp tục. Ngày 13 tháng Chín, mẹ ông mất. Ngày 2 tháng Mười là cuộc gặp gỡ trứ danh với Napoléon ở Erfurt (“Ông là một con người ư, ông Göt!” Tôi cúi mình. Hoàng đế hỏi: “Ông bao nhiêu tuổi?” - “Sáu mươi” – “Ông vẫn còn phong độ lắm!”), tiếp theo là hai cuộc hội kiến khác ở Weimar ngày 6 và 10 tháng Mười. Rồi chuyến viếng thăm của hoàng đế Alexandre nước Nga đến Weimar. Cố vấn cơ mật (Geheimrat) của công tước Karl August không thể lờ đi các bổn phận ngoại giao của mình. Khi sự bình lặng đã trở lại vào mùa xuân năm 1809, Ái lực có nguy cơ không thể tiếp tục được. Phải cần tới một buổi đọc phần đầu tiên đã viết trước đó cho nữ quận công Weimar mới tạo ra được một sức nặng trần tục thúc đẩy Goethe tiếp tục công việc của mình. Các chi tiết này rất có ý nghĩa. Chúng miêu tả khá rõ sự khốn khổ của nhà văn đã trở thành nhân vật nổi tiếng của nhà nước, nhân vật đức cao vọng trọng, thậm chí “gương mặt vĩ đại”. Ngày 30 tháng Năm, ông viết thư với một vẻ bi thiết lố bịch cho Christiane vợ mình: “Hãy cố ngăn chặn hết mức có thể được tất cả những gì quấy rầy tôi trong vòng tám ngày tới. Tôi đang ngập chìm trong công việc, trạng thái say mê mà suốt một năm nay tôi không sao đạt đến. Nếu bây giờ người ta làm phiền tôi, tôi sẽ đánh mất tất cả những gì mà tôi đang nhìn thấy thật gần gũi và có thể chạm tới trong thời gian rất gần.” Năm đó, ông thôi không đi chữa bệnh ở Carlsbad và ngay ngày 23 tháng Bảy đã đến ở Jena để viết một phần cuốn tiểu thuyết ở nhà Frommann. Công việc kéo dài đến ngày 4 tháng Mười. Ngày mồng 1, ông viết cho Reinhard: “Tôi tự thấy mình trong tình trạng của một người đàn bà bụng mang dạ chửa mà ham muốn duy nhất là đẻ được đứa con ra, dù nó có ra sao đi nữa thì cũng mặc.” Người ta sẽ thấy là không hề có dấu vết, bản thảo, các phiên bản khác nhau, cũng không có các bản in thử được sửa chữa. Chắc hẳn Goethe đã chủ ý phá hủy đi tất cả. Cuốn tiểu thuyết ra mắt công chúng trước khi năm 1809 kết thúc.

Bộ khung của tiểu thuyết rất đơn giản, có thể tóm tắt bằng vài dòng. Eduard và Charlotte là một cặp vợ chồng quý tộc đang sống tuổi trẻ thứ hai của đời mình, sửa sang xây dựng một lãnh địa rộng lớn. Tuy nhiên mỗi người đều ấp ủ một dự định cần được người kia chấp nhận, điều này được thực hiện thông qua sự trao đổi thân tình. Eduard muốn mời một người bạn cũ rất thân thiết – “đại úy” -, người có rất nhiều tài năng, nhưng hiện tại không được trọng dụng. Đại úy sẽ giúp ông tổ chức lại và quản lý lãnh địa. Về phía mình, Charlotte đang có nhiều lo lắng đối với cô cháu gái Ottilie, đang ở trường nội trú cùng với con gái của bà, Lucienne. Trong khi Lucienne phát triển và nảy nở chói sáng trong sự hài lòng của các ông thầy, thì Ottilie lại gây ra những mối lo lắng nghiêm trọng. Cũng giống như Eduard muốn có đại úy ở bên cạnh, Charlotte cũng muốn Ottilie đến nhà. Mỗi người lúc đầu đều phản đối, rồi nhượng bộ, nên đại úy và Ottilie đến lâu đài chỉ cách nhau vài ngày. Đại úy sẽ thay đổi cuộc sống bên ngoài của các bạn mình, còn Ottilie sẽ làm xáo trộn cuộc sống bên trong của họ. Kết cục: ít nhất là ba cái chết… [3]

Cuốn sách hiện ra dưới ba khía cạnh: một cái tên, một câu chuyện tình và bức tranh xã hội. Hãy bắt đầu bằng khía cạnh cuối cùng.

Giai cấp quý tộc của công quốc Đức đầu thế kỷ XIX là khung cảnh của cuốn tiểu thuyết, và nhà phê bình Karl-Wilhelm-Ferdinand Solger [4] sẽ viết: “Cũng như trong anh hùng ca cổ đại, tất cả những gì đặc biệt và quan trọng của thời kỳ ấy đều được gói trọn trong cuốn tiểu thuyết đó, và, từ giờ đến vài thế kỷ nữa, đọc nó người ta có thể có được một hình ảnh hoàn chỉnh về cuộc sống thường nhật của chúng ta.” Hãy nhớ lại một vài nét “thời đại” mà Ái lực vẽ nên:

HÔN NHÂN. Germaine de Staël [5] ghi lại trong bài điều tra của mình về nước Đức rằng xã hội tin lành Đức khi đó đang lâm vào một cơn khủng hoảng hôn nhân. Goethe, người rất dị ứng với hôn nhân, đã đợi đến tận năm 57 tuổi (1806) mới chịu quyết định “nhập cuộc thử thách”. Với ông thì chuyện ấy không kém gì trận Jena nơi ông suýt bỏ mạng: Nhật ký. “14 tháng Mười. Lúc năm giờ, những viên đạn đại bác bắn thủng mái nhà. Năm giờ rưỡi, bọn cướp bóc tràn vào. Bảy giờ, cháy, vơ vét. Đêm khủng khiếp.” Và hai ngày sau: “Tôi đã quyết định công nhận hoàn toàn và theo luật pháp người bạn gái đã làm rất nhiều điều cho tôi và đã ở bên cạnh tôi vào những giờ thử thách đó là vợ tôi.” Tuy nhiên quanh nhà văn không thiếu những tấn kịch tình cảm. Ông chứng kiến sự đoạn tuyệt của cặp Schlegel khi bà vợ Caroline ly hôn để đến sống với triết gia Schelling, và nhất là vào cuộc tự tử của người đàn bà đẹp, bi thảm và thiên tài Caroline von Günderode. Năm 1811, sự chấm dứt của cặp vợ chồng Kleist-[Henriette] Vogel, cặp quy tụ đủ cả giết người, tự tử và ngoại tình, làm dấy lên một vụ xì căng đan ồn ào. Một số người nhìn thấy ở đó kết cục của xã hội Phổ. Hẳn là họ nghĩ giống như Mittler, cựu mục sư, người có cái tên nhiều ý nghĩa (Mittler = trung gian, ông mối), người đã quá quen với việc lên lớp giảng luân lý cho nông dân, trong Ái lực là người bảo vệ nhiệt thành cho các mối liên hệ thiêng liêng của hôn nhân. Cực đối lập của Mittler là một cặp vợ chồng ít giống ai – cặp “bá tước và nữ nam tước” – và lý thuyết mà họ trình bày: hôn nhân thử, chỉ kéo dài trong vòng 5 năm, có thể thay đổi một cách ngầm định, nhưng cũng có thể biến mất trước một kết hợp khác. Chỉ đến lần thứ ba hôn nhân mới là quyết định. Thế nhưng nó không chỉ là một lý thuyết. Eduard – Charlotte là vợ thứ hai của ông – chỉ đòi được ly dị để có thể cưới Ottilie, và Charlotte hẳn là đã đồng ý nếu phong tục thuận lợi hơn cho kiểu đổi ngựa giữa dòng này.

“PHONG CẢNH”. Khu vườn kiểu Pháp, biểu tượng của Chế độ Cũ (Ancien Régime), phải lùi bước trước “vườn Anh”. Nó chỉ còn là những lối đi ngoằn nghoèo, những hang, ụ đất, thác nước, đổ nát, mê cung, giàn cây vòm và thủy đình theo kiểu phương Đông. Tại đó chủ nghĩa lãng mạn hăng hái tiếp nhận di sản của thế kỷ XVIII. “Đại úy” sẽ trực tiếp điều hành các công việc xây dựng và đưa vào đó một độ chính xác duy lý bù đắp cho những bước đi mò mẫm của các bạn ông.

CÁC TRÒ GIẢI TRÍ. Chúng ta thấy các nhà quý tộc chơi nhạc và đọc sách cho nhau nghe. Nhưng khi Lucienne, con gái của Charlotte, đến lâu đài để giới thiệu vị hôn phu với mẹ, chúng ta mới thực sự biết cuộc sống của xã hội. Cả một cơn lốc những xe ngựa và gia nhân, trang sức và tiệc tùng, cười cợt và hát hò đột nhiên xông vào lâu đài. Bức chân dung mà Goethe vẽ nên về Lucienne vui vẻ và không thể cưỡng lại này, người muốn đặt tất cả dưới luật lệ của những niềm ham thích của mình, là một bức tranh quá xấu xí để có thể đặt giả thuyết Bettina von Arnim hay Germaine de Staël là nguyên mẫu của nhân vật. Chắc chắn là hai người đàn bà sáng chói này đã làm ông kinh hoàng bởi sự hoạt bát quay cuồng và phù phiếm của họ, nhưng ông vẫn rất nhạy cảm với sức quyến rũ mang nét trẻ thơ ở Bettina và tính cách mạnh mẽ của Germaine vĩ đại. Lucienne, đơn giản đó là hình ảnh phản-Ottilie, kịch sĩ hài kịch, ích kỷ, nông nổi, xấu bụng, được Goethe gán cho con khỉ như là vật tổ (totem).

Người ta có thể thăm thú lãnh địa và toàn bộ vùng nông thôn xung quanh bằng ngựa. Người ta khiêu vũ, giả trang, dựng các vở kịch, múa rối, và nhất là chơi một trò chơi thời đó thành công đến mức ngày nay chúng ta khó lòng tưởng tượng nổi: những bức tranh sống. Người ta đóng tranh Bélisaire của Van Dyck, Esther trước Assuérus của Poussin, Lời khiển trách của bậc bề trên của Terbourg, các màn có nhà trọ và các hội chợ Hà Lan. Goethe quan sát không chút mỉa mai những trò giải trí này, không hề nghĩ, dù với chúng ta điều đó là hiển nhiên, rằng chúng nhạo báng hội họa khi chỉ giữ lại cái nhân tố pittoresque thấp kém và mang tính đùa cợt. Nhưng còn phải nói rất nhiều về các ý tưởng của Goethe về hội họa…

HỘI TAM ĐIỂM. Sinh nhật Charlotte được đánh dấu bằng việc đặt viên gạch đầu tiên của tòa villa sẽ được xây dựng theo bản vẽ của đại úy. Một buổi lễ nhỏ được tổ chức, “một thợ nề bận trang phục ngày lễ, một tay cầm bay một tay cầm búa, đọc một bài diễn văn êm ái có vần”. Người thợ nề hùng biện và biết làm thơ này đã bị rất nhiều nhà phê bình coi là lố bịch. Quả thật sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến khía cạnh tam điểm mà Goethe rất coi trọng. Wilhelm Meister [6] đã chứa đựng hơn một ám chỉ tới hội Tam điểm. Hãy nhớ rằng chính Goethe là người khởi xướng cho lô [7] Amalia ở Weimar hoạt động trở lại vào năm 1808, sau hai mươi sáu năm ngủ quên.

NGHỆ THUẬT TÔN GIÁO. Phần thứ hai của tiểu thuyết mở ra với việc một kiến trúc sư trẻ đến lâu đài và chàng sẽ trở thành cái cớ cho các tranh luận về thờ cúng người chết và nghệ thuật Thiên chúa giáo. Về người chết, chúng ta sẽ chỉ ghi nhận là thời gian đó Goethe vừa mất mẹ và không hề có ý định về chịu tang ở Frankfurt. Khi vài năm sau ông trở về thành phố quê hương, nhật ký của ông không hề nhắc đến chuyến viếng thăm nghĩa trang nào. Còn về vấn đề tu sửa nhà thờ - vấn đề mà rõ ràng là tác giả rất chú trọng, như tất cả những gì mà chàng kiến trúc sư trẻ tuổi đáng yêu đó nói và làm -, nó minh họa ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn đối với Goethe đi kèm với một sự quay lại Thiên chúa giáo và thời Trung Cổ. Một vài nhà phê bình hiện nay có vẻ như kinh hoàng vì thấy Ottilie được biến thành Đức Mẹ Đồng Trinh trong một máng cỏ sống động – câu trả lời mang tính sùng đạo với những bức tranh sống của Lucienne – và rất bị sốc khi, vào cuối truyện, cô gái đầy tội lỗi khi chết được hưởng sự chúc phúc gần giống với phong thánh của người dân, và trở thành đích đến cho những cuộc hành hương đúng nghĩa.

DẠY DỖ. Từ trường nội trú nơi Lucienne và Ottilie từng theo học, một ông thầy giáo đến lâu đài. Ông sẽ trở thành người phát ngôn của Goethe về một chủ đề rất à la mode, giáo dục trẻ em. Dĩ nhiên là Jean-Jacques Rousseau với Emile đã đặt chủ đề lên hàng đầu những mối quan tâm của xã hội mới. Jean-Bernard Basedow đã thử đưa các ý tưởng của Rousseau vào thực tế tại Viện từ thiện của mình ở Dessau. Georg Hermès trong Chuyến đi của Sophie bảo vệ ý tưởng rằng con người ta bị dạy dỗ kém trước khi trở thành một kẻ tội phạm. Nhưng Goethe đáp trả chủ yếu lại nhà giáo dục người Thụy Sỹ Jean-Henri Pestalozzi (1746-1827). Năm 1776, Pestalozzi đã tập hợp những đứa trẻ nghèo đến khai khẩn đất đai với mình ở Neuhof. Cùng lúc, ông nuôi nấng và dạy chúng học. Công trình thất bại, nhưng ông đã truyền bá các ý tưởng của mình trong những cuốn sách (Những buổi tối của một người đơn độc, Gertrude). Goethe chống lại Pestalozzi, mà ông trách là đã dành một vị trí quá lớn cho toán học, và lơ là việc quan sát thiên nhiên. Ngược lại ông thấy gần gũi với các nguyên lý của François-Joseph Molitor, người điều hành Viện từ thiện giáo dục Frankfurt, mà ông quen biết qua Bettina Brentano. Đối lập với sự giáo dục đồng bộ của Pestalozzi, Molitor cố công đa dạng hóa giáo dục, theo những gì xã hội đòi hỏi ở đứa trẻ, và do đó quan tâm đến khác biệt về giới tính và địa vị xã hội. Và không thể hy sinh thơ ca, lịch sử, thực vật học cho các môn khoa học trừu tượng.

Những trình bày và tranh luận về các chủ đề thời thượng hồi đó chiếm một vị trí lớn trong mười một chương đầu của phần hai cuốn tiểu thuyết. Eduard và đại úy biến mất. Về thế giới bên ngoài, chúng ta không biết gì cả. Rõ ràng đó là một khoảng thời gian ấp ủ từ đó sẽ phải nảy sinh một hành động sẽ càng gấp gáp bởi vì nó được chờ đợi. Và từ ấp ủ càng phù hợp, bởi vì khi đó Charlotte đang mang thai đứa con của Eduard – chúng ta đang tham dự vào một cảnh trong chương mười một phần một -, còn phải chờ đến khi đứa trẻ ra đời để truyện tiếp tục cái mạch của nó.

Nhưng có thể nói rằng Goethe không ngừng lừa chúng ta. Về nguyên tắc sự ra đời của chú bé Othon sẽ hoàn chỉnh kết cấu tiểu thuyết. Nhưng nó lại mang thêm một chiều quái dị khi Ottilie nhận ra đứa trẻ có đôi mắt của nàng [8] – cũng như trước đó nàng đã vô thức viết giống hệt lối chữ của Eduard. Tại sao lại có đôi mắt đó, nếu không phải là vì người cha đã nghĩ đến Ottilie khi ôm Charlotte trong tay? Cái chết đột ngột của vị cha xứ ban nước thánh và muối cho đứa trẻ báo trước một kết cục bi thảm. Chắc chắn là các sự việc sẽ phải diễn ra gấp gáp. Tuy thế trước đó vẫn phải có một đoạn mở ngoặc – thêm một lần nữa.

Và có thêm hai người khách mới. Đó là một nhà quyền quý người Anh, giàu có nhưng có óc giang hồ, đi cùng một bạn đường trẻ tuổi. Người bạn đường này sẽ đọc cho mọi người nghe một “mẩu giai thoại trong bộ sưu tập của mình”, và thế là cuốn tiểu thuyết trở nên phong phú hơn – và thêm một lần nữa bị chậm lại – bởi việc cho thêm vào một truyện ngắn, Câu chuyện lạ kỳ của hai người hàng xóm trẻ tuổi, mà mối liên hệ với các nhân vật chính chặt chẽ đến khó tin. Quả thật chàng nhân vật chính của câu chuyện hóa ra lại chính là… đại úy. Điều cần nhớ sau khi đọc “câu chuyện kỳ lạ” này là một sự căm ghét nóng bỏng của một cô gái dành cho một chàng trai thân thiết hồi tuổi nhỏ, nhưng hóa ra tình cảm đó lại che giấu một niềm đam mê vô thức và khôn cưỡng. Sau nhiều năm thiên nhai hải giác, được gặp lại nhau, cô gái đột nhiên hiểu ra là mình yêu chàng trai theo lối tuyệt đối và tuyệt vọng. Hoặc là chàng, hoặc là cái chết! [9]

Chúng ta thấy rõ ràng là câu chuyện ngắn ngủi này không phải là không có “ái lực” với tấn kịch mà bốn nhân vật sống trong tòa lâu đài đang trải qua. Nó cũng chứng tỏ là trái tim tuân theo những luật lệ thầm kín mà chúng ta không cách nào hiểu hay thay đổi được hết.

Thêm một bằng chứng cho thấy rằng tất cả những đoạn ngoại đề ít nhiều võ đoán của truyện gắn chặt một cách sâu sắc với chủ đề trung tâm mà tựa đề đã chỉ ra. Trong thực tế quả thật có hai tầng bậc trong tiểu thuyết, một tầng toàn cảnh và một tầng hóa học. Tầng đầu tiên mang tầm vóc trí tuệ của Goethe đạt đến độ bừng nở toàn vẹn. Tầng thứ hai mang lại cho cuốn tiểu thuyết sự thống nhất và chiều sâu.

Chúng ta không nên quá coi trọng tên truyện – Ái lực – từng làm rối loạn người đọc đương thời, và tiếp tục tạo ra một nét hấp dẫn khó đoán chừng với độc giả ngày nay. Hẳn đó là một trong những tên tiểu thuyết hay nhất – có lẽ tên dịch ra tiếng Pháp còn hay hơn nguyên bản tiếng Đức. Nội hàm hóa học của nó bắc một cây cầu giữa tiểu thuyết xã hội và tình cảm và sự thực nghiệm ở phòng thí nghiệm. Có thể là Goethe đã hai lần gặp cụm từ “ái lực”. Năm 1785, xuất hiện bản dịch tiếng Đức một tác phẩm của nhà hóa học người Thụy Điển Torbern Bergman dưới cái tên Die Wahlverwandtschaften. Ở trong đó người ta có thể tìm thấy những thí nghiệm mà đại úy miêu tả cho Charlotte. Tiếp sau đó trong Từ điển vật lý của J. S. T. Gehler, ở mục “ái lực”, có thể thấy các trường hợp “quadrille” (attractio electiva duplex) đặc biệt có sức gợi đối với nhà tiểu thuyết hoặc nhà viết kịch. Chắc chắn là Goethe có hai tác phẩm này trong tay. Như thế là mảnh đất đã được chuẩn bị đầy đủ.

Mảnh đất này, quả thật là nhiều hoàn cảnh đã chuẩn bị cho nó để nuôi dưỡng công trình tiểu thuyết đầy chất composite này. Goethe đã cho in Biến hóa loài vật vào năm 1806. Ông sẽ cho ra đời bản chuẩn tác phẩm Lý thuyết màu sắc (1810). Nhưng tác phẩm khoa học của Goethe hướng đến chỗ đấu tranh chống sự mất cân đối của hiểu biết con người, cái giờ đây đã trở nên đáng sợ - và chắc hẳn là không thể tránh khỏi – kể từ Lavoisier và Newton. Quả là càng ngày càng có vẻ như minh triết cổ, kế thừa từ Hy Lạp cổ đại và đã đạt đến đỉnh cao cuối cùng với Spinoza, sẽ tan rã dưới đòn chia rẽ của các môn khoa học chính xác. Kể từ nay sẽ có lĩnh vực trừu tượng, xa rời cuộc sống, do nhu cầu đòi hỏi, toán học và các môn có liên quan, thiên văn học và vật lý, và một mặt khác là thế giới cụ thể và nồng nhiệt – nhưng nằm dưới sự quản lý của chủ nghĩa kinh nghiệm nếu không muốn nói là chủ nghĩa đại khái – của thơ ca, lịch sử, triết học. Auguste Comte sẽ tìm cách hàn gắn hai lĩnh vực này bằng một thứ chủ nghĩa thực dân khoa học trong đó xã hội học sẽ trở thành con ngựa thành Troia được đẩy vào trong khoa học nhân văn. Trước ông, Goethe đã cố công – nói cho chính xác là ở thuyết tiến hóa và lý thuyết màu sắc – tìm cách diễn giải hai hiện tượng này sao cho có thể xếp chúng ngang hàng với văn học và mỹ thuật. Chính bằng cách đó mà ông đã đối lập lý thuyết màu sắc của Newton – với các họa sĩ là tối mò và vô bổ - với lý thuyết của mình, được xây dựng trên dữ kiện định lượng, tri giác ở mức tối giản, và thường là phải dẫn đến một thẩm mỹ học.

Toan tính này của Goethe không hề đơn lẻ. Quanh ông người ta say mê từ tính, thôi miên, ám thị, kích điện, những cái hòa trộn vật chất và tinh thần trong các chất lỏng, bức xạ, các hành động từ xa. Ottilie, nhân vật trung tâm của Ái lực, là điển hình cho các cô thiếu nữ hơi lạ kỳ, mắc chứng chán ăn và hystérique, có thể đóng vai bà đồng cho các buổi lên đồng một cách hoàn hảo. Chính xác hơn, Goethe đọc và thường xuyên qua lại với Schelling, người đến diện kiến ông ở Weimar và dạy ở Jena món triết học tự nhiên và lý thuyết về Weltseele (tinh thần thế giới) của mình. Theo một nhân chứng, ông là người rất đơn độc, có lẽ Goethe có được ý tưởng cuốn tiểu thuyết của mình từ Schelling.

Nhưng không thể lẩn tránh mãi một câu hỏi đã ám ảnh chúng ta suốt từ khi bắt đầu đọc Ái lực, và cũng là cái vạch trần toàn bộ những gì người ta có thể viết về nó. Tầm vóc của câu chuyện tình này đến mức độ nào? Liệu có phải tách biệt toàn bộ những đường đạn cắt nhau tập trung vào nó – mà chúng ta cố gắng nhận ra – để chỉ thấy ở đó một cuộc xung đột tầm thường giữa trách nhiệm của cuộc sống hôn nhân và tình ái vụng trộm? Chỉ là như vậy với những người bị sự đối lập giữa con người truyền thống chủ nghĩa Mittler và cặp nhân tình bá tước và nữ nam tước làm lóa mắt. Nhưng sẽ là quá giản tiện khi chỉ thấy ở đây lời tuyên bố ủng hộ hay chống lại hôn nhân. Không được phép để lọt khỏi mắt cái cấu trúc hạ tầng mang tính hóa học của thứ tình yêu đang nói đến. Đúng, ở đây có một tiểu thuyết hóa học (không phải là giả kim, như có người từng nói [10] , bởi vì trên thực tế hai chữ này sẽ làm rối tinh các dấu vết và ý tưởng), và sẽ là thích hợp khi nói thêm là nó không phải là xuất sắc nhất trong thể loại này. Bởi vì nó có một bậc tổ tiên xa xôi nhưng lừng danh, Tristan và Iseut, mà một số nhà phê bình từ hỏi tại sao hai nhân vật chính lại phải uống bùa yêu để yêu nhau. Liệu không phải là con người hơn nếu yêu nhau thế vậy thôi, không thuộc phiện, bột phát thế thôi? Nhưng quả đúng là tình yêu của Tristan và Iseut, cũng giống như tình yêu giữa bốn con người trong Ái lực, không phải là một tình yêu con người, tôi muốn nói là chỉ mang tính con người. Khi đã uống thứ “rượu cỏ” Tristan và Iseut bị một niềm đam mê xâm chiếm, trước niềm đam mê dữ dội đó cuộc hôn nhân giữa Iseut và vua Marc không còn mảy may trọng lượng. Trong trường hợp của họ xung đột rất đơn giản. Ái lực phức tạp bởi vì có đến hai cặp tình nhân hiện diện trong đó. Nhưng trong cả hai trường hợp, chính cái tình yêu – định mệnh đã dẫn dắt cuộc chơi, trải rộng niềm bất hạnh và hất xuống sàn diễn thật nhiều xác người, mà ý chí của những người có liên quan không sao can thiệp nổi. Họ là chủ chốt và nạn nhân của một xung đột vượt quá tầm của họ, đó là cuộc xung đột của tự nhiên và văn hóa. Trong Tristan, đôi tình nhân buồn bã mãi đến cuối mới biệt được tại sao họ lại có cơn đam mê kinh người như thế. Bằng một lối không phải là không có phần tàn bạo, Goethe cho nhân vật của mình biết ngay từ đầu điều sẽ xảy đến với họ: nhưng họ không hiểu. Ẩn dụ mang tính hóa học của chương bốn giống với lời sấm nói cho Laïos, vua thành Thèbes, biết rằng con trai Oedipe của ông ta sẽ giết ông và lấy hoàng hậu Jocaste, mẹ của mình. Mặc cho Laïos cẩn thận đề phòng đến đâu, lời báo trước đáng sợ đó vẫn diễn ra, nhưng bản thân Oedipe thì không bao giờ biết được. Khó tha thứ hơn, bốn nhân vật của Ái lực không khi nào sáp nhập điều xảy đến với họ và điều ngụ ý hóa học mà chính một trong số họ đã nói ra từ lâu. Chính vì thế họ không hề biết đến cái tên của cuốn tiểu thuyết trong đó họ sống và chết. Còn người đọc thì biết, và sẽ không có lời biện minh nào nếu anh ta chỉ nhìn thấy trong Ái lực câu chuyện về một cuộc xung đột hôn nhân – ngoại tình, và còn hơn thế nữa nếu anh ta tức giận vì thấy ở đó một lời ca ngợi sự ngoại tình. Nếu có một “luận đề” nào đó trong tiểu thuyết này, thì đó là toàn bộ thiên nhiên phải tuân theo cùng những thứ luật lệ đó, và có tồn tại những tương ứng kinh khủng giữa các hoạt động của các phân tử và của những trái tim đang yêu. Còn với văn hóa, nó tạo ra một thượng tầng kiến trúc được xây dựng nên trong suốt nhiều thế kỷ, cái cố công với ít nhiều thành công trong việc buộc thiên nhiên phải nằm dưới sức kiềm tỏa của mình.

Nhưng vậy thì thiên nhiên là gì, văn hóa là gì? Thiên nhiên, chắc chắn đó là chất hóa học và cơ chế phân tử. Nhưng nó cũng có thể là một tầng bậc văn hóa sơ khai nào đó, còn hoang dã hơn thứ văn hóa thứ cấp sẽ tới bên nó trong vòng nhiều thế kỷ. Mỗi văn hóa có thể trở thành một “thiên nhiên” trong mối quan hệ với một văn hóa cao hơn, cái cố gắng thuần phục nó. Chính vì thế mà tôi nghĩ cần phải hiểu văn bản quan trọng – và tuy thế khá là mâu thuẫn – của Goethe theo chủ đề lớn này:

“Cuộc trò chuyện này hướng đến tình yêu kiểu Hy Lạp. Goethe phát triển ý tưởng rằng sự lệch lạc này quả thực đến từ chỗ theo một quan điểm thuần túy mỹ học đàn ông rõ ràng đẹp hơn, tiến bộ hơn và hoàn hảo hơn đàn bà. Nhưng những ai quá tin vào sự hiển nhiên này rất dễ rơi vào thú tính và tính vật chất thô thiển. Tình yêu giữa đàn ông cũng lâu đời như nhân loại, và do đó người ta có thể nói nó có trong tự nhiên, dù nó chống lại tự nhiên.

Không được phép bỏ đi cái mà văn hóa chiến thắng tự nhiên. Không được bỏ dù bằng giá nào đi nữa. Chính như thế mà khái niệm tính thiêng liêng của hôn nhân là một trong những yếu tố văn hóa đạt được của Thiên chúa giáo, và có một giá trị to lớn, mặc dù hôn nhân quả thật là chống lại tự nhiên.” (Trò chuyện với von Mueller, 7/4/1830)

© 2004 talawas


[1]Friedrich Gundolf (1880-1931): nhà phê bình người Đức, gốc Do Thái. Năm 1916 viết cuốn sách Goethe trở thành kinh điển cho giới nghiên cứu Goethe. Walter Benjamin trong tiểu luận của mình về Ái lực nhiều lần dẫn chiếu tới.
[2]André François-Poncet, Les Affinités électives de Goethe, Félix Alcan éd., 1910 (chú thích của Tournier)
[3]Ba cái chết mà Tournier muốn nhắc tới là cái chết của Otto, đứa bé con của Eduard và Charlotte, chết đuối khi Ottilie đi dạo chơi trên hồ bằng thuyền; cái chết của Ottilie; cái chết bí ẩn của Eduard ở cuối truyện.
[4]Karl-Wilhelm-Ferdinand Solger (1780-1819): Học giả Đức, học trò của Schelling, hiệu trưởng Đại học Humboldt 1814/1815, dịch toàn tập Sophokles sang tiếng Đức. Tác phẩm: «Philosophische Gespräche» (1817)
[5]Ở đây muốn nói đến tác phẩm nổi tiếng của Madame de Staël, De l’Allemagne, xuất bản năm 1810, nghiên cứu toàn diện nước Đức. Cuốn sách này bị cấm và khiến Napoléon trở nên rất ghét bà, dù bà cố công đến mấy Hoàng đế vẫn ghẻ lạnh và không cho bà trở về Paris.
[6]Một tác phẩm văn xuôi đồ sộ của Goethe.
[7]Từ chỉ đơn vị tổ chức thông dụng của hội Tam điểm.
[8]Các nhân vật của Ái lực đều hiểu đứa bé là sản phẩm của một vụ ngoại tình kép: đêm đó (khi có cặp bá tước và nữ nam tước ở lâu đài). Eduard “lỡ bước” vào phòng vợ và làm tình với Charlotte trong khi đầu óc chỉ nghĩ đến Ottilie, còn Charlotte không thấy chồng mà chỉ nhìn thấy đại úy khi đó sắp ra đi.
[9]Walter Benjamin phân tích rất sâu sắc hiện tượng truyện trong truyện này, trong tiểu luận của ông về Ái lực.
[10]Une alchimie du malheur (Một giả kim thuật của bất hạnh), lời giới thiệu của Henri Thomas cho bản in của bộ sách 10/18 của Ái lực (chú thích của Tournier).

Nguồn: Le vol du vampire, Mercure de France, 1981.