trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
15.11.2004
Nhật Hoa Khanh
Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng
(Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu) 5 kỳ
 1   2   3   4   5 
 
Tôi hỏi Tố Hữu vấn đề thứ năm, vấn đề cuối cùng, với tất cả sự dè dặt:

“Lâu nay, có dư luận, Tố Hữu hay ‘đánh’ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ và khoa học. Vậy anh cho biết ý kiến của mình về vấn đề thứ năm: quan hệ của anh với các nhà văn nghệ và các nhà trí thức.”

Gương mặt Tố Hữu vẫn dịu dàng và không hề biến sắc. Nhà thơ lại ho liên tiếp mấy lần. Để cho thời gian lặng lẽ trôi khoảng hai phút, ông bắt đầu trả lời. Giọng Huế của nhà thơ tuy nhỏ nhưng vẫn ấm áp, rõ ràng:

“Về vấn đề quan hệ của tôi đối với các nhà văn nghệ và các nhà trí thức, tôi chỉ kể lại mấy chuyện dưới đây.

Chẳng hạn chuyện liên quan đến Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng.

Búp sen xanh là cuốn tiểu thuyết ra đời năm 1982 viết về người thanh niên Nguyễn Tất Thành và tình yêu của anh trước khi anh rời bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Trên báo chí, một số người phê phán Sơn Tùng. Chuyện Nguyễn Tất Thành yêu đương, Nguyễn Tất Thành chia tay với người yêu tại bến Nhà Rồng, họ bảo: viết như thế là cải lương, là mùi mẫn, là xuyên tạc Nguyễn Tất Thành. Ác nữa, một số người nào đó còn ngầm bảo rằng chính ông Tố Hữu chỉ đạo “đánh” Búp sen xanh, chính ông Tố Hữu chỉ đạo một số cây bút viết như vậy. Với những người có tâm địa đen bạc ấy, tôi không cãi nhau với họ.

Tôi biết rõ tác giả Sơn Tùng từ mấy chục năm trước. Một con người khảng khái: Sơn Tùng! Một nhà văn và một nhà báo có ý thức tìm tòi: Sơn Tùng! Sơn Tùng đã từng tình nguyện vào Nam với một cây bút, rồi bị thương nặng, được đưa ra Bắc.

Tôi cũng biết rõ: ngay sau ngày giải phóng miền Nam, mặc dầu các vết thương còn rỉ máu, từ Hà Nội, Sơn Tùng lại lặn lội vào Sài Gòn và nhiều địa phương Trung Bộ, Nam Bộ, kể cả Đồng Tháp, để tìm kiếm các loại tư liệu về Bác Hồ và tư liệu về những người thân của Bác. Chị Phan Hồng Mai, tức chị Sơn Tùng, cùng đi để giúp đỡ chồng suốt mấy tháng gian nan.

Tôi còn biết: hai anh chị phải bán cả nhẫn cưới và xe đạp cũ để có tiền phục vụ chuyến đi. Người phụ nữ Việt Nam ấy, chị Sơn Tùng, xứng đáng được tặng thưởng tám chữ nhẫn nại, âm thầm, yêu chồng, yêu nước.

Khi cầm Búp sen xanh trên tay, tôi nghĩ ngay: Sơn Tùng và tôi không hẹn mà đã gặp nhau ở đề tài HỒ CHÍ MINh, gặp nhau trong hình ảnh LÀNG SEN quê Bác.

Cách đây 27 năm, năm 1970, trong trường ca Theo chân Bác, tôi đã viết: Tôi trở về quê Bác, làng Sen/ Ôi hoa sen đẹp của bùn đen/ Làng quen như thể quê chung vậy/ Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn.

Trên lĩnh vực văn chương, thế là Sơn Tùng và tôi cùng nắm tay nhau về quê Bác và cũng là quê chung của tất cả chúng ta.

Đọc Búp sen xanh, tôi xúc động. Một trong những đoạn gây xúc động mạnh nhất chính là đoạn Nguyễn Tất Thành chia tay Út Huệ ở bền Nhà Rồng. Văn Sơn Tùng không bắt chước ai và cũng không ai bắt chước được. Văn Sơn Tùng chứa chan cảm xúc. Văn Sơn Tùng chính là tình yêu của tác giả đối với Nguyễn Tất Thành. Văn Sơn Tùng phảng phất hơi văn của những nhà nho xứ Nghệ. Sơn Tùng hóa thân vào hai nhân vật Nguyễn Tất Thành và Út Huệ một cách sống động và tự nhiên. Anh Xuân Thủy đã đọc Búp sen xanh và có lần nói với tôi: Văn Sơn Tùng trong Búp sen xanh chính là lệ rơi thấm đá…

Sau này, được đọc thêm một vài tác phẩm của Sơn Tùng, tôi càng nhận rõ: anh ngày đêm sống với tư tưởng của Bác Hồ. Anh vui khi thấy tư tưởng Hồ Chí Minh toàn thắng trên lĩnh vực quân sự. Anh đau, anh nấc nghẹn khi thấy tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được thực hiện tốt trên nhiều lĩnh vực khác.

Khoảng năm 1990, tôi được đọc bài báo Một nhân tướng trong thời đại Hồ Chí Minh của Sơn Tùng. Bài ấy như một cây tùng sừng sững giữa trời. Đúng như vậy! Vào thời điểm 1990, bài ấy như một cây tùng giữa trời sừng sững! Tác giả là một trong những người Việt Nam đầu tiên khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài, một nhân tướng (tướng nhân văn chủ nghĩa), một tâm hồn nghệ sĩ và một con người trong sạch. Với bài này, Sơn Tùng đã góp phần rất sớm vào việc đánh giá nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp.

Lâu nay, trên lĩnh vực phê bình văn nghệ, có một số ít người không tốt. Muốn “đánh” ai, họ cứ tung một cái tin là “ông này ông nọ” “chỉ đạo”. Trên báo chí, họ ngụy biện bằng cách thay từ “đánh” bằng từ “phê phán” và họ gào thét: phê phán là để “bảo vệ” nguyên lí này, nguyên lí khác của văn nghệ cách mạng. Họ sử dụng cái xảo thuật “mượn oai hùm” để hãm hại đồng nghiệp. Tôi biết quá đi chứ!

Họ tung tin: ông Tố Hữu “chỉ đạo” ban nọ ban kia hoặc báo này báo khác “đánh” Búp sen xanh mà tôi vừa nói ở trên. Họ dựng đứng chuyện: ông Tố Hữu cắt bỏ câu “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp” trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Họ ném hỏa mù: ông Tố Hữu “đánh” Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Tô Vũ, Phùng Quán, Phùng Cung, Trương Tửu, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Phan Ngọc, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, v.v. Họ vu khống: Tố Hữu “đánh” cả Nguyễn Đình Thi, chỗ ngồi của anh Nguyễn Đình Thi ở đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ ba là do Tố Hữu quyết định.”

Nói đến đây, nhà thơ Tố Hữu lại ho nhẹ, ho nhiều. Tuy nhiên, gương mặt ông vẫn hoàn toàn giữ được vẻ dịu dàng ban đầu và vẫn không biến sắc.

Tác giả Giữa thành phố trụi [1] nói tiếp:

“Dưới đây, tôi sẽ phát biểu cảm nghĩ của mình về một số đồng nghiệp và một số nhà trí thức.
Trước hết về Văn Cao.

Cũng như các anh Nguyễn Văn Linh, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà, Xuân Thủy, Đinh Đức Thiện, v.v., tôi chưa bao giờ “thông” với chủ trương thay đổi Quốc ca. Từ cách mạng Tháng Tám đến suốt hai cuộc kháng chiến, Tiến quân ca là Dân tộc, là Nhân dân, là Đảng, là Bác Hồ, là Quân đội Nhân Dân, là xương máu của mấy triệu thương binh và liệt sĩ, là “kèn gọi quân văng vắng cánh đồng", không thể thay đổi được, không ai có quyền thay đổi! Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ hình ảnh đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp hạ lệnh cho pháo binh nổ súng mở màn trận đại chiến Điện Biên Phủ và ngay khi pháo binh nổ súng xong thì bộ phim xông lên đồi Him Lam (Béatrice) giữa tiếng nhạc Tiến quân caChiến sĩ Việt Nam vang rền từ chiến hào do các anh Hoàng Vân (ắc-coóc-đê-ông), Trần Ngọc Xương (vi-ô-lông), Văn Tiến (sáo) và Đỗ Nhuận (sáo) hợp tấu.

Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu ở nước ta. Văn Cao cũng là một trong những ngôi sao thế kỉ 20 trên lĩnh vực ca khúc thế giới.

Thiên thai (nhạc: Văn Cao, lời: Văn CaoHoàng Thoại) tuy không phải là một ca khúc cách mạng nhưng là một ca khúc dạt dào sức sống và thấm đậm chất lãng mạn tươi trẻ trong chuyện cổ dân gian. Thiên thai bay bổng, xa vời nhưng vẫn gắn với cuộc sống nơi trần thế.

Người Thăng Long Hà Nội rất tự hào về những bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình lừng danh của Văn Cao về thủ đô ngàn năm văn vật.

Quân đội Nhân dân Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn hành quân và chiến đấu giữa một trời âm vang oai phong và linh diệu trong nhiều ca khúc Văn Cao viết về lực lượng vũ trang.

Lời ca của Văn Cao vừa cao siêu, vừa trong sáng, vừa thơ mộng, vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân.

Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thày về sử dụng tiếng Việt hiện đại.

Lời ca mỗi bài hát của Văn Cao là một bài thơ mang nặng tính triết lý, xanh thắm màu xanh lãng mạn, bùng bùng lửa chiến đấu.

Văn Cao còn là một nhà thơ xuất sắc, một họa sĩ độc đáo, một nghệ sĩ suốt đời trung thành với Dân tộc và với Đảng.”

Tố Hữu dừng lại. Tôi thấy ông thật sự lặng đi một lát. Rồi nhà thơ nói tiếp với một thoáng nghẹn ngào:

“Nhớ quá Văn Cao những ngày ở Việt Bắc!”

Nhà thơ lại ho nhẹ:

“Quang Dũng là một trong những cánh chim đầu đàn của nền thơ cách mạng Việt Nam thế kỉ 20. Cũng như Thiếu tướng Nguyễn Sơn và Tư lệnh Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ, Quang Dũng là một cán bộ chỉ huy cưỡi ngựa ra trận và làm thơ trên mình ngựa. Anh là cán bộ chỉ huy quân sự làm thơ nghiệp dư chứ không phải nhà thơ chuyên nghiệp phiên chế trong quân đội đi cùng các đơn vị để làm thơ ngợi ca người lính. Những nhà thơ như Quang Dũng không nhiều. Thơ Quang Dũng rất hay, rất sâu và nhiều yếu tố đổi mới ngay từ hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là thơ tình yêu, thơ chiến đấu, thơ triết lí, thơ tư tưởng. Đọc Đôi bờ, Mắt người Sơn Tây, Tây tiến, Sử một trung đoàn, Lính râu ria, Trắc ẩn, v.v., tôi kinh ngạc về tài năng và tâm hồn của Quang Dũng. Thơ Quang Dũng góp phần chứng minh hùng hồn cho tính chiến đấu và chủ nghĩa nhân văn của thơ kháng chiến chống Pháp nói riêng và của thơ Việt Nam nói chung. Nhiều khi, tôi tự hỏi: là một sĩ quan trực tiếp tác chiến, tại sao ngay trong những năm đầu vô cùng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng lại có thể viết được những bài thơ tình yêu nồng nàn, đằm thắm, đầm ấm và nhiều chất Thăng Long Hà Nội đến thế. Tây tiến là một tượng đài hùng vĩ bằng thơ tràn ngập chủ nghĩa nhân văn vừa lãng mạnh vừa hiện thực về người bộ đội Thăng Long Hà Nội trên đường Tây tiến sang Lào làm nghĩa vụ quốc tế.

Cần đánh giá lại, đánh giá thật cao giá trị thơ Quang Dũng trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Quang Dũng là một trong những nhà thơ đàn anh trong văn học Việt Nam thế kỷ 20. Cũng cần nói thêm: Quang Dũng còn là một nhà văn sắc sảo về nội dung và điêu luyện về ngôn ngữ.

Hoàng Cầm ngời sáng cả trên cả lĩnh vực thơ lẫn kịch bản thơ. Chưa kể anh còn là một trong những nghệ sĩ ngâm thơ vào loại vô địch không kém gì Phùng Quán.

Bên kia sông Đuống là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Cả về nội dung lẫn nghệ thuật, bài thơ đều mới lạ nhưng vẫn gắn bó với truyền thống dân tộc. Bên kia sông Đuống là một trong những thành công rực rỡ trên tiến trình đổi mới thơ Việt Nam sau cách mạng Tháng Tám. Bên kia sông Đuống đồng nghĩa với sự bất tử. Chỉ riêng Bên kia sông Đuống cũng đủ đưa Hoàng Cầm lên đài danh dự.

Tôi đã đọc Kiều Loan trong ba thời điểm khác nhau sau giải phóng Miền Nam. Cả ba lần, tôi đều chỉ có một ý nghĩ: sân khấu chúng ta từ sau giải phóng Miền Nam đến nay chưa dựng Kiều Loan là một thiếu sót lớn.

Cuối năm 1946, kịch thơ Kiều Loan sau khi được công diễn một buổi trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội thì cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Từ đó đến nay, Kiều Loan vẫn bị chìm trong quên lãng!

Tôi cũng cần nói rõ: kịch thơ Hận Nam Quan (đã được dàn dựng ở Hà Nội và nhiều địa phương trước cách mạng Tháng Tám) và truyện thơ Men đá vàng (viết xong: 1973, xuất bản: 1994) đều lôi cuốn tôi vào dòng chảy cuồn cuộn sáng tạo của Hoàng Cầm.

Một tác giả ưu tú như vậy nhưng chưa được nghiên cứu và bình luận đúng mức thì rõ ràng đó là lỗi của giới nghiên cứu-lí luận-phê bình. Chúng ta biết: trong khoảng sáu mươi năm nay, Hoàng Cầm là tác giả mấy chục tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật.

Sau Quang Dũng và Hoàng Cầm, Trần Dần cũng là cây bút hạng nặng. Cũng như thơ Quang Dũng và Hoàng Cầm, thơ Trần Dần có nhiều đổi mới về nội dung và nghệ thuật, đồng thời là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc và phản chiếu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Văn xuôi của anh, Người về lớp lớp, về căn bản, có giá trị hiện thực chiến đấu rất cao. Người người lớp lớp là một khẩu pháo binh chủng pháp của văn học Việt Nam thế kỉ 20. Nên sớm tái bản.

Ngoài ra, phải kể đến Hữu Loan, Lê Đạt và Phùng Quán, ba nhà thơ ba vẻ khác nhau nhưng cùng sâu sắc, nóng bỏng tình chiến đấu không kém phần lãng mạn.

Tất cả sáu anh đều góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng một nền văn học Việt Nam giàu tính hiện thực, tính phê phán, tính hiện đại và tính truyền thống. Tất cả sáu anh đều bền bỉ tiến bước dưới ngọn cờ cách mạng. Tất cả sáu anh đều là những nhà văn nghệ luôn luôn giữ vững phẩm vàng đạo đức của người cầm bút. Tất cả sáu anh đều xứng đáng được trao tặng những giải thưởng cao quý và những huân chương cao quý.

Một số nhà văn và nhà thơ tuy được giới phê bình và nghiên cứu đánh giá cao, song tôi vẫn thấy cần được đánh giá cao hơn hẳn.

Trường hợp Nguyễn Đình Thi chẳng hạn.

Thơ anh Thi sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều đổi mới về nhiều mặt ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Thơ anh Thi gợi nhớ thơ của các danh nho đất Việt: lời ít, ý nhiều và sâu sắc. Thơ tự do của anh Thi là sự tiếp nối và phát triển lối hát ả đào (tức thể ca trù) và thể hát nói (một bộ phận của ca trù), đó là những thể thơ tự do của các nhà nho nước ta và của nhân dân ta nửa đầu thế kỉ 20 và các thế kỉ trước. Thơ tự do của anh Thi cũng tiếp nối và phát triển tuyệt tác Tống biệt của Tản Đà.

Văn phong Nguyễn Đình Thi trong tiểu thuyết, thơ, kịch, nhạc, phê bình v.v. là văn phong trong sáng, style limpide, style pure.

Tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch anh Thi cũng có nhiều khác lạ về tư tưởng và nghệ thuật.

Nhạc anh Thi cũng vậy: rất ít nhưng độc đáo, trộn vào nhạc của bất cứ ai cũng không lẫn. Cũng như lời ca của Văn Cao, lời ca của Nguyễn Đình Thi vừa mơ mộng vừa hùng tráng và vừa trí tuệ.

Nhiều vở kịch Nguyễn Đình Thi, phải cỡ Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi mới dựng nổi. Nguyễn Đình Thi đã sáng tạo ra một loại kịch nói triết lí mang nặng phong cách Nguyễn Đình Thi. Loại kịch nói triết lí này góp phần thúc đẩy sân khấu kịch nói Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 phát triển một bước đi dài và vững chắc. Có một sợi dây liên hệ sinh động và tinh tế giữa chất triết lí trong kịch nói Nguyễn Đình Thi với chất triết lí trong tuồngchèo truyền thống của dân tộc. Có đấy! Có đấy! Cứ nghĩ kĩ mà xem: có đấy! Các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu về mối liên hệ đó.

Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc, v.v. đã đạt tới tầm vóc của những tác phẩm cổ điển.

Nguyễn Đình Thi đi vào nhiều thể loại và ở thể loại nào, anh cũng thành công.

Từ Xung kích đến Vỡ bờ, Vào lửa, Mặt trận trên cao, Nguyễn Đình Thi đã góp phần đem lại một quan niệm mới về tiểu thuyết Việt Nam không giống với quan niệm của phương Tây thế kỉ 19 về tiểu thuyết. Chắc chắn Nguyễn Đình Thi hiểu thấu lí thuyết về điển hình hóa và cá tính hóa nhân vật. Nhưng nếu nhân vật trong tiểu thuyết và kịch của anh cứ cá tính hóa và điển hình hóa như các nhân vật thế kỉ 19 ở phương Tây thì còn gì là thế kỉ 20, còn gì là sáng tạo, còn gì là Việt Nam, còn gì là dân tộc! Một số người cứ lấy lí luận về điển hình hóa và cá tính hóa nhân vật cuối thế kỷ 19 ở phương Tây để soi đo cả hai tập Vỡ bờ. Trên cơ sở ấy, họ chê Vỡ bờ thiếu điển hình hóa, chê một số nhân vật trong Vỡ bờ kém cá tính hóa, v.v. Các cuốn tiểu thuyết khác của Nguyễn Đình Thi cũng bị soi đo theo kiểu ấy. Rõ ràng, chính những cây bút phê bình đó đã bị trôi giạt sang bến bờ chủ nghĩa máy móc và chủ nghĩa giáo điều.

Tư tưởng nhân văn Việt Nam, phẩm chất Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, cả ba yếu tố đó đều đậm đặc trong toàn bộ tác phẩm Nguyễn Đình Thi thuộc các thể loại thơ, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn và ca khúc. Tất cả đều được diễn tả bằng một nghệ thuật in rõ dấu ấn riêng của Nguyễn Đình Thi.

Vị trí anh trong văn nghệ Việt Nam thế kỉ 20 cao hơn rất nhiều so với những đánh giá của các nhà phê bình-nghiên cứu Việt Nam từ trước cho tới nay. Nguyễn Đình Thi là một nhà văn nghệ lớn toàn năng có tầm vóc thế giới và thế kỉ. Tác phẩm của Nguyễn Đình Thi là niềm tự hào của văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỉ 20, niềm tự hào của văn học nghệ thuật Thăng Long Hà Nội. Tác phẩm Nguyễn Đình Thi (nhạc, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, v.v.) chứa đựng tính dân tộc đậm đà và góp phần phát triển mạnh mẽ tính dân tộc trong văn học nghệ thuật nước ta.

Nói đến Nguyễn Đình Thi, tôi muốn nhấn mạnh một điều: xin đừng đem lí luận về điển hình hóa và cá tính hóa nhân vật của phương Tây thế kỉ 19; xin đừng đem các nhân vật của Ban-dắc trong Tấn trò đời, của Gô-gôn trong Những linh hồn chết và của Lỗ Tấn trong AQ chính truyện để áp dụng máy móc vào việc phê bình tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài và các nhà văn khác. Nhiều cây bút phê bình-nghiên cứu-lí luận quên rằng: trừ một vài nét phần nào tương đồng, xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, văn học nghệ thuật Việt Nam từ xưa đến nay có nhiều đặc điểm lớn khác hẳn xã hội và văn học nghệ thuật phương Tây và Liên Xô, Trung Quốc.

Bây giờ, tôi nói về trường hợp nhà văn đàn anh Nguyễn Huy Tưởng.

Tôi cho rằng anh Tưởng cũng lớn hơn nhiều so với sự đánh giá trong các giáo trình đại học, các công trình nghiên cứu về văn học hiện đại nước ta mà tôi được đọc.

Một thí dụ: kịch bản Vũ Như Tô.

Phê phán kiến trúc sư thiên tài Vũ Như Tô khao khát xây dựng đài Cửu Trùng, sự phê phán đó thậm vô lí. Bất cứ một nghệ sĩ nào cũng có quyền khát vọng và cần phải khát vọng. Sao lại phê phán khát vọng xây đài Cửu Trùng của kiến trúc sư kiệt xuất như Vư Như Tô? Giả sử khát vọng của kiến Trúc Sư Vũ Như Tô thành hiện thực, nghĩa là đài Cửu Trùng được xây dựng thành công, thì các nhà phê bình đó lại xoay ngược ngòi bút: ca ngợi thiên tài của một kiến trúc sư Việt Nam đã để lại cho dân tộc một công trình tráng lệ và đồ sộ làm rạng rõ nền văn hóa dân tộc. Rõ ràng: những nhà phê bình ấy thế nào cũng nói được.

Đan Thiềm là một thành công nữa của Nguyễn Huy Tưởng trong Vũ Như Tô. Đan Thiềm làm cho ngọn lửa khát vọng có công trình lớn của kiến trúc sư Vũ Như tô được bốc cao hơn. Tại sao lại nhìn nhận Đan Thiềm là một hạn chế của Nguyễn Huy Tưởng? Tại sao lại phê phán Đan Thiềm? Phê phán Đan Thiềm cũng vô lí như phê phán khát vọng xây đài Cửu Trùng của Vũ Như Tô. Chính hai nhân vật này bổ sung cho nhau và cùng góp phân rất mạnh vào việc bật sáng tư tưởng chủ đề của kịch bản.

Vũ Như Tô là một kịch bản rực lửa chiến đấu như chính ngọn lửa của quần chúng thiêu đốt đài Cửu Trùng ở đoạn kết của vở kịch. Việc phá đốt đài Cửu Trùng của quần chúng là kết quả hợp lí của vở kịch, là biểu hiện cao của tính vươn lên, tính nhân dân, tính chiến đấu, tính phê phán hiện thực, tính phê phán bọn thống trị thối nát. Đó là sự phê phán và sự phủ định của nhân dân với bọn thống trị suy thoái đương thời. Tuy nhiên, vì không có người hướng dẫn, vì thiếu hiểu biết về nghệ thuật, đám đông nông dân trong kịch bản đã tiến công cả vào Đan Thiền lẫn Vũ Như Tô và đốt phá các công trình kiến trúc tráng lệ do Vũ Như Tô thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Đó là một hạn chế của khối đông nông dân hành động tự phát và vô tổ chức, thiếu một sự lãnh đạo sáng suốt. Đó không phải là hạn chế của tác giả. Trái lại, một trong những thành công của tác giả chính là ở chỗ đã thể hiện được trung thực tính vô tổ chức của đám đông nông dân khi đám đông đó hành động tự phát.

Một số nhà phê bình vào loại là cờ đầu trên lĩnh vực phê bình-nghiên cứu hiểu sai vở kịch, hiểu sai Vũ Như Tô, hiểu sai Đan Thiềm và như thế nghĩa là hiểu sai Nguyễn Huy Tưởng! Vũ Như Tô là một trong những kịch bản có tầm cao trí tuệ của kịch nói Việt Nam thế kỉ 20.

Do đặc điểm của xã hội Việt Nam và những đặc điểm của văn học Việt Nam, không nên đem lí luận về chủ nghĩa hiện thực phê phán phương Tây thế kỉ 19 áp dụng máy móc vào việc phê bình dòng văn học mà ta gọi là hiện thực phê phán ở Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám.

Có những ý kiến một chiều phê bình bút kí Một chiều chủ nhật, tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô (tập 1) và kịch phim Lũy hoa làm cho nghệ sĩ lớn Nguyễn Huy Tưởng không ngậm cười được ở nơi chín suối. Một trong những thành công của Lũy hoaSống mãi với thủ đô (tập 1) là: bằng hình tượng nghệ thuật, tác giả đã xác nhận với lịch sử vai trò to lớn của những người tiểu tư sản trí thức và tiểu tư sản văn nghệ sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội hồi cuối 1946 đầu 1947.

Anh Tưởng là một trong những người có công đầu trong việc xây dựng nền tiểu thuyết và nền kịch bản kịch nói Việt Nam thế kỉ 20.

Không thể quên được Nguyễn Tuân. Đối với Nguyễn Tuân, tôi luôn luôn kính yêu từ trước đến sau. Tác giả Vang bóng một thời chắc chắn sẽ mọi thời vang bóng. Tôi cho rằng, Nguyễn Tuân không phải là con người ngangngông như một số nhà phê bình-nghiên cứu nhận xét. Trái lại, anh là một con người có cá tính mãnh liệt, rất giỏi đối nhân xử thế, một con người thấm đẫm phong cách thanh lịch Thăng Long Hà Nội, một người bạn chân thành và khiêm tốn, một nhà văn hiểu thấu văn hóa Thăng Long Hà Nội, văn hóa Việt Nam, văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp, một nhà văn thấm đẫm tinh thần cách mạng cả trong khối óc lẫn trong trái tim, một nghệ sĩ đặc biệt tinh tế về thẩm thơ, thẩm văn, thẩm nhạc, thẩm họa và thẩm định nhân cách của người khác. Nguyễn Tuân là như thế!

Tôi cảm ơn và khâm phục Nguyên Hồng. Tấm gương dũng cảm, coi thường công danh, coi thường tiền bạc của anh càng ngày càng xứng đáng được treo trước mặt chúng ta để tất cả soi chung. Văn Nguyên Hồng là máu và nước mắt. Văn Nguyên Hồng là khí phách của một ngòi bút sắc bén và lành nghề.

Tôi nhớ mãi Hoài Thanh, nhà phê bình tài hoa và nhà đạo đức chân chính. Cái lớn của Hoài Thanh là ở chỗ: lặng lẽ và không bao giờ thanh minh. Cái đẹp của anh là ở chỗ: khi thấy mình đi quá mức cần thiết thì biết dừng ngay lại. Hoài Thanh rộng lượng nhưng không cả nể. Hoài Thanh hiểu đời nhưng không bao giờ lên tiếng dạy đời. Hoài Thanh có công lớn trong việc xây dựng và phát triển nền phê bình văn học Việt Nam thế kỉ 20. Hành văn trong các bài phê bình của Hoài Thanh xứng đáng được coi như một tấm gương sáng treo cao trước giới lí luận-nghiên cứu-phê bình.

Xin dâng một nén hương trước hồn thơm Hoài Thanh Nguyễn Đức Nguyên.”

Sau nhiều tiếng ho nhưng gương mặt vẫn không biến sắc, Tố Hữu nói tiếp:

“Tôi thật sự yêu mến tài năng và tâm hồn Siêu Hải, nhà văn vừa của quân đội vừa của Hà Nội Thăng Long. Bút pháp Siêu Hải vững vàng ngay trong tác phẩm đầu tay Voi đi cách đây nửa thế kỷ với sự giúp đỡ của Nguyễn Huy Tưởng. Bút pháp Siêu Hải càng vững vàng hơn và nhiều màu nhiều vẻ hơn trong hai cuốn tiểu thuyết khác nhau về sông Lô sau này. Gần đây, tôi càng hiểu Siêu Hải và càng hiểu Hà Nội qua Bóng chiều Thăng LongNắng dọi kinh thành. Với hai cuốn tiểu thuyết xuất sắc đó, Siêu Hải đã góp phần làm sống lại một Thăng Long huy hoàng trong quá khứ. Xin cảm ơn Đại tá pháo binh-nhà văn Siêu Hải.

Hãy giữ lấy vẻ đẹp thiêng liêng của Thăng Long Hà Nội, hãy giữ lấy truyền thống sáng tạo nhiều mặt, truyền thống văn hiến, truyền thống thanh nhã, truyền thống giỏi làm ăn buôn bán, truyền thống văn chương, truyền thống hào hoa, truyền thống yêu nước, truyền thống dân chủ, v.v. của người Thăng Long Hà Nội! Đó chính là tiếng nói vang lên từ một số tiểu thuyết của Siêu Hải về Hà Nội Thăng Long.

Cần chính thức tẩy oan cho tiểu thuyết Vào đời và tác giả Hà Minh Tuân. Hà Minh Tuân là cán bộ Đoàn thanh niên Cứu quốc Hà Nội từ năm 1943, một cán bộ lãnh đạo Đoàn Thanh niên Xung phong thành Hoàng Diệu (Hà Nội) năm 1945. Thời chống Pháp, anh là Chính ủy Trung đoàn và đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hà Minh Tuân là một nhà văn cách mạng có tài, một cây bút trung thực, thông minh và đầy dũng khí. Việc tập trung phê phán Vào đời là biểu hiện của lối phê bình chụp mũ, võ đoán và non nớt. Một trong những thiên chức của văn học là phê phán hiện thực. Vào đời bước đầu làm tốt thiên chức đó. Nhưng một số cây bút phê bình chỉ một mực đòi hỏi văn học làm nhiệm vụ ca tụng. Vì vậy, những cây bút ấy quy kết Vào đời là tác phẩm xấu trong khi Vào đời là tác phẩm góp phần mở đường cho việc phê phán cái xấu trong xã hội chúng ta và góp phần quạt to ngọn lửa chiến đấu của văn học.

Hà Minh Tuân, cựu chiến binh Điện Biên Phủ, cá nhân tôi cùng vô số cựu chiến binh và văn nghệ sĩ cách mạng nguyện noi gương anh tiến công vào cái xấu!”



[1]Tên một bài thơ Tố Hữu trong tập Việt Bắc (Xuất bản lần đầu: 1954)
Nguồn: Nhật Hoa Khanh, Gặp Tố Hữu tại biệt thá»± 76 Phan Đình Phùng, 2004, không ghi nhà xuất bản