Quả là khiên cưỡng và cũng là một thử thách lớn khi đột nhiên được hiện diện trên diễn đàn này, đối với một con người mà suốt cả cuộc đời rất đỗi xa lạ với một vai trò xã hội nào đó, ví dụ như đối với Tổ quốc. Tốt hơn hết là làm một kẻ không gặp may cuối cùng trong bầu không khí dân chủ còn hơn ở vị trí thống trị hay một kẻ tử vì đạo trong một quốc gia độc tài.
Cảm giác này càng tăng lên không chỉ bởi ý nghĩ về những người đã đã đứng đây trước tôi mà còn bởi ký ức về những con người mà vinh dự này đã bỏ qua họ, những con người không thể phát biểu từ trên diễn đàn này. Sự im lặng của họ như thể đang tìm kiếm và không tìm được lối ra với công chúng ở đây. Một điều duy nhất có thể hòa giải các quí vị với tình trạng như vậy là một ý kiến rất đơn giản rằng, vì những nguyên nhân thuần túy mang tính phong cách - nhà văn không thể nói thay lời nhà văn, đặc biệt - nhà thơ lại càng không thể nói giúp hộ nhà thơ. Nếu như trên diễn đàn này là Osip Mandelstam
[1] , Marina Tsvetaeva, Robet Frost
[2] , Anna Akhmatova
[3] , Wystan Auden, thì chắc họ cũng rất miễn cưỡng nói về chính bản thân mình, rất có thể, cũng trải qua một cảm giác khiên cưỡng nào đó. Những hình bóng của họ thường làm tôi bối rối, và còn làm tôi bối rối cho đến ngày hôm nay. Bất cứ trường hợp nào, họ cũng không khuyến khích tôi nói ra những lời lẽ bóng bẩy, sáo rỗng. Trong những giây phút tuyệt vời nhất, tôi luôn cảm thấy mình là Tổng số của họ, nhưng luôn luôn nhỏ hơn bất cứ người nào trong đó riêng lẻ. Vượt được họ trong thơ ca là không thể và cũng không thể vượt được họ trong cuộc đời. Chính cuộc đời đầy bi kịch và đau khổ của họ đã buộc tôi phải thường xuyên, rõ ràng là thường xuyên hơn sự cần thiết, nuối tiếc cho sự chuyển động của thời gian. Nếu như thế giới bên kia có tồn tại - tôi không có khả năng tước bỏ của họ cuộc sống vĩnh cửu, lại càng không có khả năng quên được sự tồn tại của họ trên cõi đời này. Nếu như thế giới bên kia có tồn tại, tôi hy vọng rằng họ sẽ tha thứ cho chất lượng của những điều mà tôi định trình bày ở đây: Cuối cùng, giá trị nghề nghiệp của chúng ta, đâu phải đo được bằng cách hành xử trên diễn đàn này.
Tôi chỉ đưa ra đây năm đại diện mà sáng tác và số phận của họ rất đỗi quí giá đối với tôi, nếu không có họ với tư cách một nhà văn cũng như một con người, tôi cũng không được như bây giờ, hay nói chính xác hơn, tôi sẽ không được đứng ở đây ngày hôm nay. Những cái bóng này, hay nói chính xác hơn - những nguồn sáng này, hay cũng có thể là những ngọn đèn? Những vì sao? Tất nhiên nhiều hơn số 5 rất nhiều. Số lượng những con người đó rất khổng lồ trong cuộc sống của bất cứ một nhà văn nào. Trong trường hợp của tôi, nó được nhân lên gấp đôi nhờ hai nền văn hóa mà định mệnh đã bắt tôi phải thuộc về chúng. Thật cũng không cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ về những người đương thời, những nghệ sĩ đồng nghiệp ở trong hai nền văn hóa này, về những nhà thơ, nhà văn mà tài năng của họ tôi đánh giá cao hơn của bản thân mình. Cũng có thể, họ có nhiều điều đáng nói với thế giới hơn tôi. Bởi vậy, tôi mạn phép đưa ra đây một loạt các nhận định - cũng có thể, còn rời rạc thiếu cân đối, khiến thính giả phải khó chịu vì chúng chẳng liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, số lượng thời gian để tập hợp những suy nghĩ đó và chính nghề nghiệp của tôi đã lên tiếng bảo vệ tôi, dù chỉ một phần nào đó, khỏi những lời chỉ trích về sự hỗn độn đó. Con người theo nghiệp văn chương không mấy ai có được tính hệ thống trong tư duy. Nhưng anh ta lại vươn tới toàn bộ hệ thống. Điều này ở anh ta, đã thành một qui luật, mang tính chất vay mượn: từ môi trường, từ xã hội, từ những bài học triết học thời trai trẻ. Không có gì thuyết phục được người nghệ sĩ hơn là sự ngẫu hứng của những phương tiện mà anh ta sử dụng để đạt đến mục đích này hay mục đích khác - ngay cả đối với một mục đích thường xuyên nhất, đó là quá trình sáng tạo, quá trình tạo thành các tác phẩm. Các vần thơ, theo lời của Akhmatova, được “mọc” lên từ đống rác. Còn cội rễ của văn xuôi - cũng không thánh thiện gì hơn.
Nếu như nghệ thuật có dạy được điều gì đó (mà người nghệ sĩ là đầu tiên) thì chính là sự độc lập của sự tồn tại của con người. Vốn là một hình thức cổ xưa nhất, hay nói chính xác hơn - hình thức tư nhân hóa, Nghệ thuật, muốn hay không muốn, cũng khơi dậy trong con người cái bản ngã của anh ta, tính độc nhất vô nhị, tính cá thể - biến anh ta từ một sinh vật mang tính xã hội thành một nhân cách. Nhiều cái có thể chia sẻ được như bánh mì, nơi ở, ý kiến, người yêu - song, không thể chia sẻ thơ ca được, Rainer Maria Rilke đã nói như vậy. Một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là văn học, đặc biệt hơn nữa là thơ, đối thoại với con người một cách trực diện, tête-à-tête, không cần trung gian. Chính vì điều này mà những kẻ ghen tỵ với những giá trị cao cả, những kẻ thống trị không mấy có thiện cảm với nó nói chung và đặc biệt đối với văn học và thơ ca nói riêng. Ở đâu mà nghệ thuật tồn tại, ở đâu mà tiếng thơ vang lên, những kẻ đó đều nhận thấy rằng thay vào sự đồng tình, thống nhất mong đợi là sự thờ ơ và bất đồng, thay vào sự kiên quyết hành động lại là sự sao nhãng và ghê tởm. Hay nói một cách khác, những kẻ thống trị, những kẻ thù địch với những giá trị cao cả, rắp tâm biến con người thành những số không nhỏ bé, thì Nghệ Thuật lại vẽ lên số không đó “hai con mắt - mũi - mồm”, biến mỗi số không dù có thể không phải bao giờ cũng duyên dáng thành một cây lúa mì mang tính người.
Nhà thơ vĩ đại Baratynski khi nói về Nàng thơ, đã khắc họa chân dung Nàng với vẻ mặt rất “đặc trưng riêng biệt”. Trong khi tìm kiếm cái biểu hiện đặc trưng riêng biệt đó, rõ ràng, nảy sinh ý nghĩa của sự tồn tại của mỗi cá thể, và chúng ta hình như về mặt bản năng đã được chuẩn bị kỹ càng cho quá trình này. Dù bất kể con người đó là ai, là nhà văn hay độc giả, thì nhiệm vụ tối cao nhất vẫn là phải sống hết cuộc đời của chính mình chứ không phải cuộc đời được định trước, được xếp đặt trước từ bên ngoài, thậm chí ngay cả cuộc đời đó trông có vẻ hào nhoáng, cao thượng. Bởi vì, mỗi con người chỉ một lần sống mà thôi, hơn nữa chúng ta biết rõ cái đích cuối cùng phải tới. Thật đáng buồn khi phải sử dụng cái cơ hội duy nhất này để lặp lại dung mạo của ai đó, kinh nghiệm của ai đó, và cũng thật đáng giận những người nào sẵn sàng đồng ý với sự trùng lặp này theo mệnh lệnh của những kẻ thống trị. Không ai nằm chung quan tài với họ và cũng chẳng ai hé môi nói một lời cảm ơn.
Tôi thiết nghĩ, Ngôn ngữ và Văn học - đó là những phạm trù cổ điển, tất yếu và trường tồn hơn bất cứ hình thái tổ chức xã hội nào. Sự bất bình căm phẫn, sự mỉa mai chua cay hay là sự thờ ơ bất cần đối với xã hội được thể hiện trong văn học, về thực chất, là sự phản ứng của cái vĩnh cửu đối với những cái tạm thời, cái hạn chế. Nếu một khi nhà nước cho phép mình can thiệp vào hoạt động văn học, thì văn học cũng có quyền can thiệp vào công việc của nhà nước. Hệ thống chính trị, hình thái xã hội, cũng như bất kể các hệ thống nào nói chung đều là biểu hiện của thời quá khứ, muốn níu kéo hiện tại (và đôi khi vươn tới cả tương lai). Đối với con người mà nghề nghiệp là Ngôn ngữ - anh ta là người cuối cùng có thể cho phép mình quên đi điều này. Mối nguy hiểm thực sự đối với nhà văn không chỉ là sự truy đuổi từ phía chính quyền mà còn nguy cơ bị nó thôi miên. Nhà nước với những biến động khủng khiếp của nó luôn hướng tới cái tốt hơn, song luôn luôn chỉ là những hình thức tạm thời mà thôi.
Dưới phạm trù triết học, nhà nước và các chuẩn mực đạo lý của nó, chưa tính đến các giá trị thẩm mỹ của nó - luôn thuộc về cái “ngày hôm qua”. Ngôn ngữ, văn học - luôn thuộc về cái “ngày hôm nay”. Đặc biệt, trên quan điểm chính thống của hệ thống chính trị này hay khác - nó thậm chí thuộc về cả cái “tương lai” nữa. Một trong những công lao to lớn của văn chương là giúp con người xác định được thời gian tồn tại của anh ta, phân biệt anh ta trong đám đông, tránh sự trùng lặp hay còn gọi dưới một cái tên rất vinh dự là “nạn nhân của lịch sử”. Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng càng tuyệt vời bao nhiêu thì càng khác biệt với đời sống bấy nhiêu và luôn luôn thúc đẩy sự lặp lại. Trong cuộc sống đời thường, bạn có thể kể một câu chuyện tiếu lâm đến ba lần và cả ba lần đều gây tiếng cười. Câu chuyện đó đã trở thành thành viên của xã hội. Trong nghệ thuật, hình thức tương tự như vậy được gọi dưới cái tên “bản sao”. Nghệ thuật là một loại súng đại bác không giật. Sự phát triển của nó được xác định không phải bằng tính cách cá nhân của người nghệ sĩ mà bằng tính năng động và lô gích của chính chất liệu, bằng số phận trước đó của các phương tiện đang đòi hỏi tìm ra một giải pháp thẩm mỹ mới về chất lượng. Bản chất vốn dĩ mang tính di truyền, năng động, lại lô gích, Nghệ Thuật không trùng lặp mà tồn tại song song với lịch sử mà phương thức tồn tại là tạo nên một hiện thực thẩm mỹ mới. Chính vì lẽ đó, Nghệ thuật thường ở “phía trước sự Tiến Bộ”, ở phía trước lịch sử, mà công cụ cơ bản của nó, chẳng phải Karl Marx đã từng xác định một cách chính xác cho chúng ta? - chính là sự “nhân bản”.
Hiện nay, có một ý kiến khá phổ biến cho rằng, nhà văn và đặc biệt là nhà thơ cần phải sử dụng ngôn ngữ của đường phố, ngôn ngữ của đám đông trong các tác phẩm của mình. Xét trên quan điểm dân chủ và những lợi thế thực tế cảm nhận được đối với nhà văn, ý kiến này hoàn toàn nhảm nhí. Nó bao hàm ý định biến Nghệ thuật mà cụ thể ở đây là văn học, phải lệ thuộc vào lịch sử. Nhưng một khi chúng ta quyết định rằng đã đến lúc phải dừng lại, văn học cần phải nói tiếng nói của nhân dân. Song cũng nên hiểu ngược lại, nhân dân cần phải nói ngôn ngữ của văn chương. Bất kể một hiện thực thẩm mỹ mới nào cũng khiến cho đạo đức của con người ta trở nên tinh tế hơn. Hay nói ngắn gọn hơn: Thẩm mỹ là người mẹ của đạo đức. Các khái niệm
Đẹp và
Xấu - là các khái niệm mang tính thẩm mỹ, sơ bộ ban đầu của phạm trù
cái Thiện,
cái Ác. Trong đạo đức không phải “mọi cái đều có thể cho phép” bởi vì trong thẩm mỹ cũng không phải “mọi cái đều có thể cho phép”. Số lượng màu trong quang phổ cũng giới hạn. Một đứa trẻ con khóc đẩy người lạ ra, hay ngược lại, bám riết lấy anh ta. Sự đẩy ra hay là theo đó, về mặt bản năng, đứa trẻ đã thực hiện một sự lựa chọn thẩm mỹ chứ không phải về mặt đạo đức.
Sự lựa chọn thẩm mỹ luôn luôn mang tính cá nhân, những day dứt, trăn trở thẩm mỹ cũng lại hết sức riêng tư. Bất kể một hiện thực thẩm mỹ mới nào cũng làm cho con người trở nên cá biệt hơn. Sự cá biệt này mang cả sắc thái thẩm mỹ văn học (hoặc một sắc thái gì đó khác) và tự bản thân nếu không phải là bảo hiểm thì cũng là một hình thức bảo vệ khỏi sự nô lệ. Con người có thẩm mỹ, đặc biệt là thẩm mỹ văn chương ít bị tác động của sự lặp lại nhàm chán vốn là đặc điểm của bất cứ hình thái chính trị mị dân nào. Vấn đề không phải là ở chỗ, đức hạnh không đảm bảo cho việc tạo nên một kiệt tác, mà điều ác đặc biệt trong chính trị luôn luôn là một nhà phong cách tồi. Tài sản về mỹ học của cá nhân càng giàu có bao nhiêu, thì khiếu thẩm mỹ càng vững chắc bấy nhiêu và quan điểm đạo lý càng rõ ràng hơn. Do đó anh ta càng có tự do hơn, mặc dù cũng có thể, chưa chắc đã hạnh phúc hơn.
Chính trong ý nghĩa thực dụng, cần phải hiểu câu nói nổi tiếng của nhà văn Dostoïevski “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại” hay lời phát ngôn của Matthew Arnold
[4] “Thơ ca cứu chúng ta”. Chắc hẳn, khó mà cứu nổi cả nhân loại. Song, hoàn toàn có thể cứu được những con người cụ thể. Sự nhạy cảm thẩm mỹ trong con người phát triển rất mạnh, thậm chí anh ta cũng chưa cần biết anh ta là ai, anh ta cần cái gì, nhưng đã thành một qui luật gần như bản năng, con người biết được mình không thích gì và cái gì làm cho anh ta khó chịu. Tôi xin nhắc lại, con người là một sinh vật thẩm mỹ trước khi mang tính đạo đức. Bởi vậy, nghệ thuật đặc biệt là văn chương không phải là một thứ phụ gia cho sự phát triển nòi giống mà hoàn toàn ngược lại. Nếu như cái gì đó làm chúng ta khác biệt với các đại diện khác của thế giới động vật, thì đó chính là lời nói. Văn học và đặc biệt là thơ ca là hình thức cao nhất của ngôn ngữ, hay nói một cách thô thiển, nó là đặc trưng cho giống người chúng ta.
Tôi rất đỗi xa lạ với ý tưởng phổ cập việc dạy làm thơ cho tất cả mọi người. Hơn nữa, tôi cũng không chấp nhận được việc phân chia xã hội ra giới trí thức và các thành phần khác. Về mặt đạo lý, việc phân chia này cũng giống như việc phân chia xã hội thành người giàu và người nghèo. Song, sự bất bình đẳng trong xã hội về mặt vật chất ở chừng mực nào đó còn có thể hiểu được, nhưng đối với sự bất bình đẳng về trí tuệ thì không thể chấp nhận được. Nếu nói chính xác ra, sự bình đẳng đối với chúng ta đã được tạo hóa đảm bảo rồi. Vấn đề ở đây không phải là học vấn mà là sự hình thành lời nói. Sự tồn tại của văn chương ở đây tất nhiên là nói đến sự tồn tại trên cả bình diện đạo đức lẫn ngôn ngữ. Nếu một khi tác phẩm âm nhạc còn đặt con người ta trước sự lựa chọn giữa vai trò thụ động của người nghe và tính tích cực của người biểu diễn, thì một tác phẩm văn học - nghệ thuật, theo như cách diễn giải của Montale
[5] , chỉ thuần túy ngữ nghĩa và chỉ đóng vai trò người biểu diễn.
Trong vai diễn này, tôi có cảm giác, con người cần phải phát biểu nhiều hơn bất cứ vai diễn nào khác. Hơn thế nữa, vai trò này là kết quả của sự bùng nổ lan tỏa và liên quan tới quá trình ngày càng “nguyên tử hóa” toàn xã hội, điều này có nghĩa là sự phân ly ngày càng tăng của các cá thể càng trở nên cấp bách, khó tránh khỏi. Tôi không nghĩ rằng, tôi hiểu đời hơn bất cứ ai đó cùng lứa tuổi, song tôi cảm thấy rằng, trên phương diện một người đối thoại, cuốn sách còn có ích hơn một người bạn hay một người tình. Tiểu thuyết hay thơ ca - đấy không phải là độc thoại, mà là cuộc trò chuyện giữa nhà văn và độc giả. Cuộc trò chuyện - tôi xin nhắc lại - hoàn toàn mang tính cá nhân. Trong thời điểm trò chuyện này, nhà văn ngang bằng với độc giả, không phụ thuộc vào việc đây là nhà văn vĩ đại hay tầm thường. Sự ngang bằng này là sự ngang bằng về nhận thức và nó sẽ còn lại với người đọc suốt cả cuộc đời dưới dạng ký ức, có thể là mù mờ hay rõ ràng, sớm sủa hay muộn màng, và nó sẽ xác định hành vi của cá nhân đó. Chính điều mà tôi muốn nói là khi nhắc đến vai người biểu diễn, thì tiểu thuyết hay thơ ca đều là sản phẩm của mối cô đơn đồng điệu của nhà văn và độc giả.
Trong lịch sử loài người, sách là một phát minh vĩ đại mang tính nhân chủng học, xét về bản chất giống với sự phát minh ra bánh xe. Sách không chỉ cho chúng ta khái niệm về nguồn gốc tổ tiên mà còn là phương tiện di chuyển trong không gian của kinh nghiệm với tốc độ lật giở một trang sách. Riêng nói về sự dịch chuyển, cũng giống như bất cứ sự chuyển động nào khác, cuối cùng phải được xem như một cuộc chạy trốn khỏi một cái mẫu số chung, chạy trốn khỏi những ý đồ muốn trói buộc cái mẫu số chung này những đặc tính không cao quá thắt lưng, trói buộc trái tim của chúng ta, nhận thức của chúng ta và cả óc tưởng tượng của chúng ta. Cuộc trốn chạy này là cuộc trốn chạy về phía tử số, về phía biểu hiện của một khuôn mặt riêng biệt, về phía một cá tính. Chúng ta được cấu tạo bởi theo mẫu nào đây, khi dân số của thế giới đã là 5 tỷ người. Con người ta chẳng có một tương lai nào khác ngoài cái tương lai mà nghệ thuật đã phác họa ra. Trong trường hợp ngược lại, quá khứ đang chờ đón chúng ta - trước tiên, là quá khứ chính trị với tất cả các sắc thái đại chúng, cảnh sát của nó.
Trong bất kể trường hợp nào, vị thế mà trong đó nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng chỉ là sở hữu của thiểu số, đối với tôi, có điều gì đó không lành mạnh, ẩn chứa nhiều mối đe dọa. Tôi không kêu gọi thay nhà nước bằng thư viện, mặc dù ý nghĩ này đã xuất hiện nhiều lần trong đầu tôi. Song, tôi không nghi ngờ rằng khi chúng ta chọn những người thống trị chúng ta trên cơ sở kinh nghiệm sách vở của họ, hơn là trên cơ sở những chương trình chính trị, thì trên trái đất này nỗi đau khổ đã ít đi rất nhiều. Tôi trộm nghĩ rằng, đối với những người nắm giữ số phận của chúng ta, trước hết cần phải tự hỏi xem không phải là chính sách đối ngoại ra làm sao mà là họ nghĩ gì về Stendhal, Dickens, Dostoïevski.
Thức ăn không thể thiếu được của văn chương chính là sự phong phú đa dạng và những mặt xấu của cuộc đời. Chính văn học là thuốc giải độc hữu hiệu nhất cho những mưu toan giải quyết các vấn đề của con người một cách tập thể, đồng nhất. Như một hệ thống bảo hiểm về đạo đức, văn chương còn có ích hơn bất cứ hệ thống tín ngưỡng cũng như các học thuyết triết lý nào khác. Bởi vì, chẳng có một thứ luật pháp nào bảo vệ chúng ta khỏi chính bản thân chúng ta. Không có một bộ luật hình sự nào đề cập tới việc cần phải trừng phạt những tội ác chống lại văn chương. Trong các lọai tội ác, thì ghê tởm nhất lại không phải là truy đuổi tác giả, không phải là kiểm duyệt khắt khe, không phải là đốt sách mà là sự khinh bỉ đối với sách và không đọc sách. Con người phải trả giá bằng cả cuộc đời mình cho tội ác này. Nếu một dân tộc phạm phải tội này, thì dân tộc đó phải trả giá bằng cả lịch sử của mình.
Chỉ khi sống trong một đất nước như hiện nay tôi đang sống, lần đầu tiên tôi mới tin rằng có tồn tại một tỷ lệ nào đó giữa sự phồn thịnh về vật chất và sự dốt nát về văn chương của con người. Lịch sử của đất nước mà tôi sinh ra và lớn lên đã ngăn cản tôi tin vào điều này. Bi kịch Nga - đó là bi kịch của một xã hội mà ở đó văn chương là đặc quyền của thiểu số: giới trí thức Nga.
Tôi không muốn lan man sâu quá về đề tài này, không muốn làm u ám buổi lễ bằng những ý nghĩ về hàng chục triệu số phận bị đày đọa, vùi dập. Những gì xảy ra ở nước Nga trong nửa đầu thế kỷ XX, đã từng xảy ra trước khi vũ khí tiểu liên tự động được đưa vào sử dụng - vì sự toàn thắng của một học thuyết chính trị, mà sự phá sản của nó nằm ngay ở chỗ nó cần được nuôi sống bằng máu người. Tôi xin nói rằng, đây không phải xuất phát từ kinh nghiệm, mà thuần túy lý thuyết, đối với một người đã đọc kỹ Dickens, tự hủy hoại bản thân như vậy chỉ vì một lý tưởng sẽ khó khăn hơn một người chưa từng đọc ông. Tôi nhấn mạnh đó là Dickens, Stendhal, Dostoïevski, Flaubert, Balzac, Melville, Proust, Musil
[6] ... là văn học chứ không nói tới trình độ học vấn. Một người có trình độ học vấn, có thể lên lớp đựợc những bài diễn văn chính trị, nhưng hoàn toàn có thể hủy hoại bản thân theo kiểu tương tự thậm chí còn cảm thấy sung sướng, tự hào. Lenin là người có học, Stalin cũng vậy, Hitler không kém, Mao Trạch Đông còn sáng tác thơ ca. Song, danh sách những nạn nhân của các lãnh tụ trên vượt quá xa danh sách những trang sách họ đã đọc.
Trước khi chuyển sang bàn về thơ ca, tôi những muốn được thêm rằng kinh nghiệm của nước Nga cần được xem xét một cách thông minh như một sự cảnh báo, mặc dù cấu trúc xã hội của Phương Tây nói chung cho đến nay là giống nước Nga trước năm 1917 (Điều này còn được giải thích tại sao các tiểu thuyết tâm lý xã hội của Nga thế kỷ XIX lại rất nổi tiếng ở Phương Tây còn văn học hiện đại lại không được chú ý mấy). Chỉ nói riêng số lượng các đảng phái chính trị, trước cuộc đảo chính tháng Mười năm 1917, không ít hơn tại Mỹ và Anh ngày nay. Hay nói một cách khác, một con người thờ ơ với thời cuộc cũng có thể nhận thấy rằng, thế kỷ XIX ở Tây Âu vẫn còn đáng tiếp diễn trên một bình diện nào đó. Còn ở Nga, nó đã chấm dứt. Nếu như tôi có nói rằng, nó chấm dứt một cách bi đát trước hết là vì số lượng khổng lồ các nạn nhân mà sự thay đổi xã hội gây nên. Trong một bi kịch thực sự - nguời chết không phải là nhân vật chính mà là cả dàn diễn viên.
Đối với một người mà tiếng mẹ đẻ là tiếng Nga thì các câu chuyện bàn về những tội ác chính trị cũng tự nhiên như việc tiêu hóa vậy. Tôi muốn thay đổi đề tài. Sự không đầy đủ về những câu chuyện đó dễ làm sa đọa nhận thức của chúng ta bởi sự dễ dãi và cảm giác đạt tới sự thật quá dễ dàng. Ở đây ẩn chứa sự quyến rũ, về mặt bản chất nó cũng giống sự quyến rũ của một nhà cải cách xã hội. Điều ác ở đây mang bộ dạng của người khai sinh. Nhận thức được sự quyến rũ này và tránh nó ra trong một chừng mực nhất định nào đó bao hàm cả trách nhiệm đối với số phận của rất nhiều người đương thời của tôi, đấy là còn chưa nói đến những bạn bè văn chương. Đó cũng là trách nhiệm đối với văn học. Nhưng văn học này không phải là thứ văn học trốn chạy khỏi lịch sử, không phải loại văn học làm lu mờ trí nhớ như người ngoài vẫn tưởng. “Làm sao có thể sáng tác nhạc sau vụ thảm sát Auschwitz?”, Adorno
[7] đã từng đặt câu hỏi như vậy. Bất kể người nào am hiểu lịch sử nước Nga đều có thể nhắc lại câu hỏi đó, chỉ cần thay tên trại tập trung khác mà thôi. Hoàn toàn có quyền nhắc lại bởi vì số lượng người bị đày đọa trong các trại tập trung của Stalin vượt xa số lượng nạn nhân trong các trại tập trung của phát xít Đức. “Làm sao có thể nuốt trôi miếng cơm sau vụ thảm sát Auschwitz?”, nhà thơ Mỹ Mark Strand đã từng nhận định như vậy. Thế hệ của tôi hóa ra lại có khả năng sáng tác thứ âm nhạc này.
Đó là một thế hệ được sinh ra đúng vào thời điểm lò thiêu Auschwitz làm việc hết công suất, thời điểm Stalin đang đứng trên đỉnh cao nhất của quyền lực như Chúa trời. Thế hệ này sinh ra, xét về tổng thể, để tiếp tục những cái gì về mặt lý thuyết đáng lẽ phải bị thiêu hủy trong các lò thiêu xác hay trong các nấm mồ tập thể của các trại tập trung dưới thời Stalin. Song, một sự thật là không phải mọi cái đều bị thiêu hủy, vùi dập, ít ra là ở Nga. Ở đây, có công lao đóng góp không nhỏ của thế hệ chúng tôi. Tôi rất lấy làm tự hào vì mình thuộc thế hệ đó. Niềm tự hào chẳng kém việc tôi đang đứng ở đây, ngày hôm nay. Việc tôi đang đứng ở đây hôm nay là sự công nhận công lao của thế hệ này đối với văn hóa, và khi nhớ đến Mandelstam tôi muốn được bổ sung thêm - đối với nền văn hóa của nhân loại. Ngoảnh lại nhìn, tôi có thể nói có thể nói rằng chúng tôi bắt đầu từ một chỗ trống - hay nói chính xác hơn trên một chỗ đầy đe dọa bởi sự trống rỗng của mình. Bằng bản năng hơn là bằng ý thức, chúng tôi hướng đến việc tạo dựng tính hiệu quả liên tục của văn hóa, khôi phục lại chân dung cũng như những lối đi, tạo cho chúng những hình thức hoàn toàn mới bằng các nội dung của mình, vừa hiện đại vừa đại chúng.
Chắc hẳn, còn tồn tại một con đường khác - con đường của những biến đổi dị dạng, thi ca của những mảnh vỡ và đổ nát, của hơi thở bị bóp nghẹt. Nếu như chúng ta có chối bỏ con đường đó thì cũng không phải vì đó là con đường mang đầy bi kịch, cũng không phải vì chúng ta được cổ súy bởi tư tưởng giữ gìn các hình thức mang tính di truyền cao thượng của văn hóa. Chúng ta chối bỏ con đường đó bởi vì trên thực tế sự lựa chọn không phải của chúng ta mà là sự lựa chọn của văn hóa - sự lựa chọn này vẫn lại là mang tính thẩm mỹ chứ không mang tính đạo lý. Tất nhiên rằng, con người suy luận một cách tự nhiên về bản thân không phải là công cụ của văn hóa mà ngược lại là người sáng tạo và gìn giữ văn hóa. Song, nếu như hôm nay tôi có khẳng định một điều trái ngược lại thì đó cũng không phải do có sự quyến rũ nhất định nào đó trong việc mô phỏng lại vào những năm đầu của thế kỷ XX các bậc vĩ nhân như Plotinus
[8] , Lord Shaftesbury, Schelling hay Novalis, còn nhà thơ thì luôn luôn hiểu sâu sắc rằng tất cả những gì trong ngôn ngữ bình dân được gọi dưới cái tên Nàng Thơ, trên thực tế là sự bức bách của ngôn từ, không phải ngôn ngữ là công cụ của nhà thơ mà nhà thơ sử dụng phương tiện ngôn ngữ để kéo dài sự tồn tại của bản thân mình. Ngôn ngữ - nếu như xem nó như một sinh vật sống - thì nó cũng không nằm trong sự phân loại về nhân chủng học.
Con người ta sáng tác thơ theo những nguyên nhân và ý định khác nhau: hoặc để chiếm trái tim của người mình yêu, hoặc để bày tỏ thái độ của mình đối với thế giới xung quanh, có thể là phong cảnh mà cũng có thể là cả quốc gia. Người ta còn sáng tác thơ để khắc họa lại trạng thái nội tâm ở vào một thời điểm nào đó, hoặc để lại dấu ấn của mình trên thế gian này như anh ta mong muốn. Con người cầu cứu tới hình thức thể hiện là thơ ca theo những suy tính mang đậm màu sắc vô thức: một hàng chữ đen chạy dọc trang giấy trắng, rõ ràng, nó nhắc nhở con người về vị trí của anh ta trên thế giới, về tỷ lệ không gian đối với cơ thể của anh. Song, cũng chẳng phụ thuộc vào những suy tính mà vì chúng mà anh ta cầm bút, cũng chẳng phụ thuộc vào hiệu quả gây ra bởi những gì tuôn ra từ dưới ngòi bút, khán thính giả của anh ta đông đảo hay ít ỏi – hậu quả nhanh chóng của công việc này - cảm giác tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ, hay chính xác hơn - cảm giác nhanh chóng bị lôi cuốn vào sự phụ thuộc đối với những gì đã được nói ra, được viết ra.
Sự phụ thuộc này vừa tuyệt đối, vừa chuyên quyền những lại có sức giải phóng. Ngôn ngữ, vốn dĩ “già cỗi” hơn nhà văn, mang trong mình một lực ly tâm khổng lồ, được bồi đắp thêm bởi những tiềm năng của tất cả những gì nằm trong vòng cương tỏa của Thời gian. Tiềm năng này không chỉ được xác định bằng số lượng thành phần các dân tộc nói thứ ngôn ngữ đó mà còn chất lượng nền thi ca được sáng tác bằng thứ ngôn ngữ đó. Điều này đủ rõ khi nhớ lại các tác giả của La Mã và Hy Lạp cổ đại, hoặc Dante. Tôi có thể đưa ra một thí dụ, những tác phẩm được tạo dựng trên tiếng Nga và tiếng Anh ngày hôm nay bảo đảm cho các ngôn ngữ này tồn tại cả nghìn năm sau nữa. Nhà thơ, tôi xin nhắc lại, chính là phương tiện tồn tại của ngôn ngữ. Hay nói như Auden vĩ đại: Ngôn ngữ sống được bởi nhà thơ. Sẽ không còn tôi, sẽ không còn các bạn những độc giả đọc những dòng chữ này, song, ngôn ngữ mà chúng được viết ra sẽ còn tồn tại mãi mãi, không chỉ bởi vì ngôn ngữ vĩnh cửu hơn con người mà còn bởi vì nó thích nghi tốt hơn với sự đột biến. Nhà thơ khi sáng tác thơ không chỉ tính toán đến vinh quang sau khi chết, cho dù anh ta cũng vẫn hy vọng rằng thơ của anh sống lâu hơn dù không nhiều. Nhà thơ viết thơ bởi vì ngôn ngữ mách bảo anh, hay nói đơn giản hơn, là đọc cho anh những dòng này. Về nguyên tắc, khi bắt đầu bài thơ nhà thơ không biết nó sẽ kết thúc ra sao. Và rồi, nhà thơ phải lấy làm ngạc nhiên bởi những vần thơ được viết ra, lắm khi lại còn hay hơn sự mong muốn. Ở đây, xuất hiện một thời điểm khi mà tương lai của ngôn ngữ can thiệp vào hiện tại của ngôn ngữ. Như chúng ta đã biết, có ba phương pháp nhận biết thực tại: phân tích, cảm tính và một phương pháp nữa đã được các nhà tiên tri trong Kinh thánh sử dụng - các phát kiến. Sự khác biệt của thi ca đối với các loại hình văn học khác là nó sử dụng đồng thời cùng một lúc cả ba phương pháp này bởi vì cả ba phương pháp đều có trong ngôn ngữ. Với sự giúp đỡ của một từ, một âm điệu, người làm thơ có thể đến được nơi mà trước đó chưa ai đặt chân tới, trở thành cái mà anh mong ước. Nhà thơ sáng tác bởi vì quá trình làm thơ là một quá trình tăng tốc kinh khủng về nhận thức, tư duy và cảm thụ thế giới. Một khi đã trải qua tâm trạng này một lần, con người ta không đủ sức để cưỡng lại các lần tiếp theo. Anh ta rơi vào tình trạng bị cầm tù bởi quá trình này chẳng khác gì nghiện ma túy hay nghiện rượu vậy. Con người chịu sự chi phối của ngôn từ tương tự như vậy, tôi xin mạn phép được gọi là Nhà Thơ.
[1]Osip Mandelstam (1891-1938), nhà thơ, nhà viết tiểu luận Xô Viết
[2]Robert Lee Frost (1874-1963), nhà thơ người Mỹ
[3]Anna Akhmatova (1886-1966), nhà thơ người Nga
[4]Matthew Arnold (1822-1888), nhà thơ, nhà phê bình người Anh
[5]Engenio Montale (1896-1981), nhà thơ Italia, giải Nobel Năm 1975
[6]Herman Melville (1819-1891), nhà thơ, tiểu thuyết gia người Mỹ
[7]Theodor W. Adorno (1903-1969), triết gia Đức
[8]Plotinus (205-270), Triết gia Hy Lạp
© 2004 talawas