trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
22.11.2004
Nguyễn Trương Quý
Có những người đi không về
Một Hà Nội nhìn từ câu chuyện nhạc tiền chiến và Đoàn Chuẩn
 
Có những người đi không về
Xa xôi rồi quên ước thề
(“Lỡ cung đàn” – Hoàng Giác)



Hình dung sót lại về một “Hà Nội ngày xưa”, cái Hà Nội mà ai nấy đều tỏ ra cảm phục và tiếc nhớ đó, tuy không có còn bao nhiêu hình ảnh hay vật chứng để làm chỗ dựa, nhưng lại có rất nhiều không gian văn nghệ để hồi tưởng.

Một trong số những thứ mang “không khí Hà Nội” được bảo lưu lâu nhất, chính là “nhạc tiền chiến”, hay là các ca khúc lãng mạn ra đời vào những năm 1940-1950. Bản thân chủ đề Hà Nội không xuất hiện nhiều trong đó, nhưng đời sống con người cũng như các nhạc sĩ đều gắn với nơi này.

Ca khúc tân nhạc được thừa hưởng một số kết quả của cải lương và ca ra bộ nhưng phải nhờ đến không khí văn nghệ và sự gọt giũa của văn nghệ Hà Nội những năm 1930, chúng mới thành hình một hiện tượng có tính thẩm mỹ và có khí quyển riêng. Đó cũng là nguyên nhân mà đến giờ, tuy nhạc sĩ và ca sĩ có thể ở mọi miền, trừ ca khúc diễn tả âm sắc địa phương, nhưng đều hát và phát âm câu nhạc theo giọng Hà Nội.

Những ca khúc tân nhạc đầu tiên phải nhờ đến không gian văn hóa thời nở rộ của giao lưu Đông-Tây và nỗ lực của những thanh niên Tây học Hà Nội mới được ra mắt. Khác với những người viết văn làm thơ cùng thời nhiều khi nặng gánh mưu sinh cũng như xuất thân bần hàn, những tay nhạc này thường là con nhà khá giả ở thị thành. Văn Cao có thể xuất thân con ông cai thợ điện nghèo nhưng ông vẫn là người của một tầng lớp không thể nói là nghèo hèn (những ca khúc và thơ hồi ấy của ông ghi dấu một đời sống đã trải nghiệm những thú vui cũng lịch lãm lắm – Một đêm đàn lạnh trên sông Hương, Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh). Sáng tác của họ cũng là đời sống bản thân: những rung động đầu tiên, những trăng gió bướm ong, những cô láng giềng bên hàng tường vi, một cô em gái bên sông… chẳng khác mấy so với Thơ Mới. Nhưng thức nhạc có tính Tây phương lại đưa đẩy những hồn cốt tiêu dao Á Đông làm cho những ca khúc này có tính phù thế, thoát ly hơn cả người anh em Thơ Mới.

Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc, ông Nguyễn Trãi đã nói như vậy bằng kinh nghiệm của một người có sở học hàn lâm và trải qua thăng trầm binh lửa cũng như triều chính. Thời nào có nhạc của thời ấy. Một thời xã hội tư sản rậm rịch phiêu lưu trong hào quang của thời công nghiệp mới sinh ra họa phái Ấn tượng, mà nhiều người từng cho là phù phiếm và chạy theo hình thức nhàn tản salon, nhưng lấp lánh những vẻ đẹp trong trẻo và mơ màng của những tâm thế nghệ sĩ lãng mạn. Với nhạc tiền chiến, những ca khúc dòng nhạc này đã có một quãng thời gian ngắn ngủi để sinh ra và chóng đạt được những kết quả không tầm thường tí nào trong bối cảnh một xã hội nhiều hạn chế. Trong Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, hai thầy cảnh sát Min Đơ, Min Toa than vãn về cái cảnh không bói đâu ra một chỗ nào vi phạm để phạt tiền trong một khu phố Hà Nội. Bỏ qua cái ý châm biếm thì người đọc thảng thốt: chả lẽ Hà Nội đã từng có lúc ngăn nắp đến vậy!

Một đời sống êm đềm, những giới thị dân trung lưu sống đúng thứ bậc của mình, kể cả những thủ đoạn, những cách biệt giàu nghèo,.. là chất liệu nền để bắt đầu những chàng có tính nghệ sĩ tay chơi (theo nghĩa lãng mạn) réo rắt vài gam nhạc “tán gái”. Cũng là cái não nuột “chẳng được như hoa vướng gót ai” của chàng thi sĩ thua Xuân Tóc Đỏ trong vụ tán cô Tuyết con cụ cố Hồng, nhưng tính chặt chẽ của nhạc luật Tây phương chốt chúng lại trong những điệu nhạc nhảy, rồi chúng đến với cuộc đời êm ả ngọt ngào như chất men đưa người đến với người, như một ngày thu năm 2002, người ta đưa tiễn Đoàn Chuẩn về với Từ Linh vậy.

Trong số những nhạc sĩ tiền chiến, Đoàn Chuẩn là một chân dung mang cốt cách đời sống phong lưu Hà thành rõ nhất, dù ông sinh ra ở Hải Phòng và sản nghiệp của gia đình ông – vốn là nhà buôn nước mắm Vạn Vân ở Cát Hải – giàu có từ đó, nhưng mỗi bước đường phiêu lưu hay có đi kháng chiến, vẫn là dùng dằng với thành phố như tổ ấm “tiếc đời gấm hoa ta đành quên mầu sắc núi rừng” (Đường về Việt Bắc, 1948). Trong dòng nhạc này, ông tỏ ra Hà Nội hơn cả, vừa tài hoa nhưng cũng khá là chơi bời tài tử. Không gồ ghề đeo đuổi những mục đích học thuật hay đem âm nhạc cải cách xã hội, âm nhạc của Đoàn Chuẩn chỉ đơn thuần là những khúc tình ca giọng Đô trưởng, đẹp và mỹ miều đến từng chữ.

Ông là một người Hà Nội của những phố nhà giàu, có đến 6 cái ô tô xịn nhất lúc đó với những hiệu như Buick hay Citroën, sinh ra để hưởng một cuộc sống như cái thú, dù rằng cuộc sống những năm tháng sau này chỉ là những vệt mờ buồn xám. Ông sống như một người của Hà Nội yêu cái đẹp như thể là một lẽ tự nhiên, vì bản thân mình cũng là một người đẹp trai, hào hoa và cảm thụ cái đẹp dễ dàng như những người Hà Nội vẫn được sống chung với những giá trị ấy. Trong hành trình yêu cái đẹp của Đoàn Chuẩn, không thấy cái dấu vết cố sức hay dụng công vất vả như nhiều người tỏ ra biết yêu cái đẹp hơn người khác, ngập chìm trong những mỹ từ và hoa văn trang trí thị dân.

Bởi thế, 16 ca khúc còn lại cũng chỉ như một cuộc chơi của tác giả. Tính tình và cuộc sống của một anh chàng Hà Nội ham chơi vẽ ra cái câu chuyện của những mối tình, những chia ly thường thấy của những bài hát ấy. Có lẽ phải lâu lắm một không khí thị thành “sành điệu” ăn chơi hồn nhiên – tôi nói ý này nhìn ở khía cạnh có tính thúc đẩy xã hội theo hướng biết chọn lọc và thưởng thức những mặt tiên tiến - mới tái lập trong văn nghệ Hà Nội. Sau này cũng đã có một thời “hoàng kim” của những tình ca Hà Nội, nhưng vẻ sang trọng và quyến rũ không còn mấy đậm đà, Hà Nội của Phú Quang, Dương Thụ và nhiều người khác nữa là một Hà Nội tuy định danh rõ ràng nhưng mang một khuôn mặt có nét đăm chiêu khắc khổ với dấu ấn thời gian và những e dè thu mình trong thời cuộc, một Hà Nội mất đi cái cá tính ban đầu sau những thời đạn bom, thời hòa bình mang đầy tính thời sự. Với một người yêu Hà Nội như Dương Thụ, ấn tượng luôn là một thành phố bụi, thành phố của những ô cửa sổ lầm lụi mở ra những “mảnh trời xanh trong vắt” của ký ức, thì hẳn nhiên đã không thể có một Hà Nội đầy ma lực như bầu trời thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn, với những “đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh”...

Nói về Đoàn Chuẩn từ góc độ cuộc đời và sáng tác cuả ông, ta có thể nhận thấy ở đây cách sống của một thế hệ thanh niên Hà Nội. Thế hệ nào dường như cũng có những chàng trai nghệ sĩ tài hoa, đôi khi là những hiện tượng mà quần chúng xem như ăn chơi đua đòi hay các giới lãnh đạo thấy những trào lưu vượt khuôn khổ. Tuy nhiên nhìn vào những mặt tích cực, nhiều nhân vật đã để lại cả một đời sống tinh thần hấp dẫn, thậm chí cả một chân dung văn hóa, mà sau này, với tính chất “mua vui cũng được một vài trống canh”, những Toản Quận công Nguyễn Khản, anh trai Nguyễn Du, “khi con hát có tang trở vẫn bắt hát”, hay cậu Chiêu Hổ đến khía cạnh thưởng lãm thú chơi cũng khiến đời sau phải tìm tòi nghiên cứu, ở xã hội vốn không đề cao những nghề phục vụ giải trí như ở ta, lại đem đến những giá trị xã hội học thú vị. Với Đoàn Chuẩn và nhiều nghệ sĩ thời đó, việc bộc lộ cá tính là một lẽ gì tự nhiên và một điều kiện để làm nảy sinh những mối cảm xúc khơi nguồn cho sáng tác. Ở đây, cái Hà Nội tuy thật bé nhỏ và quẩn quanh với “vài ba dáng điệu” (thơ Xuân Diệu) nhưng đã là mảnh đất xuất hiện những cá tính sáng tạo riêng biệt. Những cá tính ấy với đời sống xã hội và không gian văn hóa của mình, đã là mặt hàng xuất khẩu có giá trị bậc nhất cho một Hà Nội được ngưỡng mộ và hoài niệm.

Tại sao những phòng trà Sài Gòn, hay những chương trình ca nhạc mang tựa đề “những ca khúc sống mãi với thời gian”, v.v. vẫn cứ thích hát những bài ca ấy? Mỗi người có thể không thích, không say mê, nhưng nhắc đến vẫn xem như một vẻ đẹp có tính cổ điển. Hẳn nhiên là tính kỷ niệm đối với những thế hệ đã tìm thấy mình trong đó, mong hồi tưởng lại một thời trẻ đối với người già, hay thói tò mò ưa khám phá của người trẻ… là lý do để chúng vẫn cứ được hát ra từ miệng của những ca sĩ còn trẻ (về tuổi tác). Nhưng có lẽ, chúng ta thấy thích một không khí có mùi exotic, một thời lãng mạn đi qua, những vẻ đẹp não nùng hợp với tâm lý người Việt, có vẻ vừa cao sang vừa tao nhã. Một thời đã có những giá trị được viết ra, đầy hồn nhiên và mơ mộng. Những Đoàn Chuẩn – Từ Linh viết chỉ để tán gái và thổ lộ mối hận tình, chưa cần biết hát ở đâu, lúc cạn tình thì cũng không cố viết nữa. Vẫn ngọt ngào như lời chào của những liền anh liền chị Quan họ, vẫn nhấm nhẳng dồn nén như tiếng phách ca trù, nhưng nhạc tiền chiến khoác lên mình bộ trang phục văn minh phương Tây từ một sự cưỡng bức sang tiếp biến văn hóa, tạo ra một hiện tượng không dễ thấy trên thế giới, đến mấy chục năm sau vẫn chờ được làm mới. Sài Gòn với một đô thị có tính điển hình hơn trong lối sống so với Hà Nội, việc vẫn tiếp tục cảm hứng từ những dòng nhạc xưa cũ, có một tầng lớp thị dân yêu thích ủng hộ, họ tìm thấy những khuôn mẫu ứng xử và điệu tâm hồn mình trong đó. Với người Hà Nội, ngoài việc thỏa mãn những hồi tưởng ký ức, còn là một kiểu tái xác lập giá trị của mình trên cơ sở những thứ theo họ là có tính cổ điển từ đây.

Jason Gibbs, một nhà nghiên cứu âm nhạc chuyên về nhạc Việt Nam, cho rằng chất lãng tử hiệp sĩ là một mẫu số chung của nhạc knight-errant (trang hiệp sĩ phiêu lưu), cái mầu sắc chinh chiến và chia ly thông qua những biến động chính trị trên thế giới cũng như tại mỗi nước nhuốm vào lời lẽ, vào nét nhạc. Knight-errant là loại nhạc “tài tử với giai nhân sẵn nợ”, những hiệp sĩ này thường “hát về tình yêu, đứng dưới lầu ngà của những nàng trinh nữ xinh đẹp, một hình ảnh phân biệt giới tính và cũng định hình họ như những biểu tượng. Người phụ nữ ở bên trong, chỗ mà những giá trị trinh bạch và thánh thiện của họ được bảo vệ” (Finson, Những tiếng nói đã ra đi: Chủ đề trong ca khúc phổ thông Mỹ thế kỷ 19, New York: Oxford University Press, 1994). Ở Việt Nam, khi nhạc tiền chiến ra đời, chưa có một thị trường đúng nghĩa cũng như một đời sống ổn định lâu dài để chúng được tung ra và có sản phẩm kế cận bình thường. Đô thị miền Nam trước năm 1975 đã phần nào dung dưỡng những ca khúc này trong một bầu không khí xã hội tiêu thụ, nhưng là một vệt kéo dài và có sự lặp lại, cho nên mới có những “30 năm đời vẫn hát” đi lại những ca khúc ấy, vẫn là những “tìm dư âm cũ nhớ nhau mà thôi” (Hoàng Trọng).

Nhạc tiền chiến, một thời nhắc đến là đầy ngụ ý, nào là những gì có tính huyền thoại, nào là những cấm cản tạo nên bí ẩn đầy ma lực, nào là những vẻ phong lưu tình tứ bấy lâu thiếu thốn, giờ đã có vẻ dễ dàng tự xoay xỏa chỗ đứng. Những đêm nhạc của ban ATB ở phòng trà Long Phụng vẫn sống được bằng kho nhạc ấy. Trong tình cảnh lộ mặt copy & paste của nhạc trẻ, những quốc bảo trấn nhạc đạo thì xem ra lui tới những thành trì của nghệ thuật lùi lại vào chục năm, lại như là an lành? Đến một ca sĩ thời trang kiểu Đàm Vĩnh Hưng cũng chịu bỏ những thứ “xin hãy hôn anh thật lòng” nhái nhạc Nhật để cập bến Đà Giang của Văn Phụng thì đủ biết là người nghe nhạc Việt Nam đi đâu lâu cả đời về lại nhận ra chỗ thân thuộc cũ (ý văn Phạm Thị Hoài).

Những năm đầu thập niên 1990, thời bắt đầu nở rộ phim truyện video, cùng lúc những tác phẩm nghệ thuật trước Cách mạng được khám phá lại trong tinh thần Đổi mới, những Gánh hàng hoa, Lá ngọc cành vàng, Số Đỏ… rầm rộ ra mắt. Người ta nghe say sưa những băng nhạc Giai điệu một thời, những tác giả lụ khụ tái xuất giang hồ làm vui lòng công chúng đang khát sự lãng mạn trong bối cảnh một xã hội mới vỡ tung ra trong những quan hệ kinh tế thị trường có những nét thô sơ man rợ. Người viết không hiểu sao, nhớ một bộ phim giờ ít người nhắc đến có tựa khá mùi mẫn: Nơi tình yêu đã chết. Đại loại phim dựa trên cuộc đời của Trần Lệ Xuân, chủ yếu nhắc đến thời trẻ ở Hà Nội, những chuyện tình tay đôi tay ba, lằng nhằng như mọi phim tình cảm phóng tác... Nhưng ở đâu ra một anh họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, vừa là ý trung nhân của cả bà mẹ lẫn cô con gái (nhân vật nữ chính), anh này sau tham gia vệ quốc quân! Chưa hết. Làm thế nào đó mà khi đã thành bà lớn, nhân vật của chúng ta lại tình cờ gặp cố nhân giữa đất Sài Gòn! Giữa hai mảnh quá khứ và hiện tại mà phim diễn tả có vẻ chẳng logic ấy, là cảnh chàng mặc áo trấn thủ đi kháng chiến, ôm guitar hát “Giờ còn mong chi, người hát theo đàn. Giờ còn mong chi, hợp cánh hoa tàn”… Ôi, sau bao tao loạn, sóng gió bất bình, buông vào một bài “Cung đàn xưa” như thế cũng có tình lắm thay! Tự nhiên xem phim thấy mềm nhũn cả ra.

Đêm nhạc từ thiện do báo Công an TP HCM đứng ra tổ chức ở phòng trà 2B Lê Duẩn, tất cả ca sĩ (phần lớn còn trẻ), không kể thêm Duy Quang là khách mời, đều hát những bài tuổi thọ đã cao niên lắm. Khán giả thì đa dạng từ những đóa hoa huệ héo tàn nhưng vẫn kiêu hãnh ngẩng đầu búi cao trên cổ áo xẻ rộng đeo chuỗi hạt trai, những mái tóc muối tiêu mặc áo chim cò, cho đến những thanh niên đôi mươi đầu xịt gôm chải dựng… Trời mưa như trút nước và phòng trà có tiếng sang trọng cũng dột, nước chảy như thác giữa khán phòng đúng chỗ những VIP. Nhưng xem ra nhiệt tình của dân hâm mộ nhạc tiền chiến đủ sức duy trì nó cho đến nhiều đời nữa. Ở Sài Gòn nóng như đổ lửa thế này, đường lúc nào cũng nườm nượp xe, chỗ nào cũng chạy rầm rầm đến nhức đầu, thì cái không khí bình yên giả tưởng kia là một món giải khát có chứa aspirin chăng?

Nguồn: Tia Sáng, tháng 11/2004