trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
1.12.2004
Scott McLemee
Jacques Derrida, người tiên phong của lý thuyết văn chương
Lê Tuấn Huy dịch
 
Jacques Derrida, tư tưởng gia của khái niệm “hủy cấu trúc”, người có ảnh hưởng ít nhất lên hai thế hệ học thuật khoa học nhân văn, đã qua đời tại Paris, ngày 8 tháng 10, ở tuổi 74.

Giáo sư của Trường Nghiên cứu Nâng cao Khoa học Xã hội ở Paris, Derrida cũng giữ cương vị này tại University of California ở Irvine từ năm 1986. Nơi đây hiện lưu trữ các bản thảo của Derrida. Ông thường xuyên giảng dạy và thuyết trình tại các đại học Hoa Kỳ, đem lại cho cử tọa cảm giác được nghe lỏm về công việc đang tiến hành của nhà tư tưởng.

Từ những năm 1980, khoảng thời gian giữa việc xuất bản sách, tiểu luận, và trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp, với việc công bố các bản dịch của chúng được rút ngắn hơn bao giờ hết. Trong một số trường hợp, tác phẩm của ông xuất hiện bằng tiếng Anh trước.

Các sách gần đây nhất của ông gồm Tranh luận với Derrida (Arguing with Derrida , Blackwell, 2002), Đạo đức, Thiết chế và quyền Triết lý (Ethics, Institutions, and the Right to Philosophy, Rowman and Littlefield, 2002), Triết học trong thời kỳ khủng bố: Đối thoại với Jürgen Habermas và Jacques Derrida (Philosophy in a Time of Terror: Dialogues With Jürgen Habermas and Jacques Derrida, University of Chicago Press, 2003), và Vì ngày mai: Một đối thoại (For What Tomorrow: A Dialogue, Stanford University Press, 2004).

Tin triết gia này đang chữa trị chứng ung thư tụy đã lan truyền trong sinh viên và những người cảm phục ông từ mùa xuân 2003.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp, Jacques Chirac loan báo cái chết “bằng sự đau buồn”, gọi Derrida là “một trong những gương mặt lớn của đời sống trí thức thời đại chúng ta”, người có tác phẩm “được đọc, được thảo luận, và được dạy khắp nơi trên thế giới”.

Việc đánh giá di sản phức tạp của Derrida (luôn là đề tài tranh luận giận dữ, được thông tin và cả không được thông tin) chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới, đặt biệt tại Hoa Kỳ. Một trong những trình bày hủy cấu trúc sớm nhất của Derrida – tiểu luận có tính bước ngoặt “Cấu trúc, Ký hiệu, và Lối chơi trong Diễn ngôn Khoa học Nhân văn”, được đọc tại một hội nghị mà nay đã là huyền thoại, tại Johns Hopkins University năm 1966.

Trong bài viết có tựa: “Cách thức trở thành một triết gia Pháp nhiều ảnh hưởng: trường hợp Jacques Derrida”, trên tạp chí American Journal of Sociology năm 1987, Michèle Lamont, hiện là giáo sư xã hội học tại Harvard University, xem Derrida là nhà tư tưởng rất khôn ngoan trong việc nắm bắt thị trường tri thức. Ở Pháp, Derrida công bố những tiểu luận đầu tiên trên các tạp chí văn hóa tiên phong, như Tel QuelCritique, bằng cách đó “nhắm các tác phẩm của ông đến rộng rãi công chúng hơn là vào nhóm các triết gia hàn lâm ngày càng thu hẹp”. Ở Hoa Kỳ, ngược lại, các tổ chức và tạp chí chuyên ngành đóng vai trò trung tâm trong việc truyền bá tác phẩm của ông, cụ thể là các tổ chức và tạp chí học thuật về văn chương. “Hủy cấu trúc là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng của khoa (văn chương)”, bà Lamont viết. “Tính chính đáng của các khoa văn chương liên tục suy yếu trước áp lực gia tăng, đòi hỏi nghiên cứu học thuật hướng đến các nhu cầu xã hội”.

Công việc của Derrida bị các triết gia hàm lâm Mỹ phớt lờ, ít ra là đến gần đây. Ngược lại, hủy cấu trúc đã đem lại sức sống mới cho các nghiên cứu văn chương, bằng việc đưa một mô hình mới, đầy thách thức, vào phân tích các bản văn. Và cuộc tranh luận được khích động từ việc tiếp nhận Derrida trong giới hàn lâm Hoa Kỳ đã đẩy danh tiếng của ông lên tầm cao mới.

Dù có thể là một người chơi chứng khoán ma lanh trên thị trường tri thức, Derrida để lại dấu ấn không chỉ trên lĩnh vực học thuật mà cả ở phạm vi sáng tạo nghệ thuật. Dấu tích ảnh hưởng của hủy cấu trúc trải khắp các tiểu luận và tiểu thuyết của Samuel R. Delany, giáo sư văn chương Anh ngữ tại Temple University, người đã giành rất nhiều giải thưởng về tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, cũng như giải William Whitehead Memorial Award cho đóng góp trọn đời vào văn chương đồng tính luyến ái. Delany nói ông đã rúng động khi nghe tin Derrida mất.

“Ông khiến ta phải nhìn lại, đọc lại”, Delany viết trong một email, “và ông khiến ta phải bối cảnh lại điều mà chúng ta đọc, vì ông nhìn thấy bối cảnh đó mở rộng vô hạn, cho đến khi ta mệt lữ vì tốc độ và phạm vi bao chứa của sự mở rộng đó, chúng ta dựng nên hư cấu nào đó trong mục đích, thực hiện, và đặt nó vào vị trí, để biện minh cho sai lầm rồi tiếp tục như vậy.


Khai sinh một khuynh hướng

Derrida sinh ra tại Algeria, khi đó còn là thuộc địa của Pháp, năm 1930. Trong các phỏng vấn và tự truyện, ông hồi nhớ, khi “chủ nghĩa bài Semite được tháo khoán” vào đầu những năm 1940, đã khiến ông bị đuổi khỏi trường năm 1942. Nhưng đồng thời, ông nói, ông cũng chưa bao giờ cảm thấy “tương thích” với cộng đồng Do Thái ở Algeria.

Sau khi đến Pháp vào năm 1950, sự nghiệp học thuật của ông vừa đỉnh đạc mà cũng có phần không suôn sẻ. Ông hai lần thất bại trong kỳ thi vào École Normale Supérieure, nhà kính của giới trí thức tinh hoa Pháp, trước khi được nhận vào năm 1952. Thời gian 1956-1957 ông nghiên cứu tại Harvard University, sau đó là hai năm phục vụ quân đội tại Algeria, nơi ông dạy học. Sau những việc được phân nhiệm khác nhau, trở về Pháp, ông tham gia vào đời sống đại học với tư cách giáo sư triết học tại École Normale vào năm 1965.

Có ba ảnh hưởng dường như không liên hệ gì nhau kết hợp trong các tác phẩm mà Derrida đã khởi đầu xuất bản trong thời gian này. Trước hết là sự đắm mình của ông trong các trang viết của Edmund Husserl và Martin Heidegger, hai triết gia Đức đã đem lại những nghiên cứu có nỗ lực cao trong các vấn đề triết học về ý nghĩa và cách thức mà các vấn đề này được cơ cấu. Cuốn sách đầu tiên của Derrida là dịch và phân tích một tiểu luận của Husserl về hình học.

Kế đến là luồng tư tưởng đang quét khắp đời sống học thuật nước Pháp giai đoạn này, chủ nghĩa cấu trúc. Vay mượn hình mẫu từ ngôn ngữ học, các nhà tư tưởng như Claude Lévi-Strauss và Roland Barthes đã cố gắng giải thích những cấu trúc sâu xa nhất của hiện tượng văn hóa và xã hội. Nếu sự đa dạng vô tận của câu có thể được đem lại trên cơ sở những mô hình cơ bản nào đó của ngữ pháp và cú pháp, các nhà cấu trúc luận nghĩ, thì những hình thức khác nhau của thần thoại hay quan hệ thân tộc cũng có thể là kết quả của một hệ quy tắc nằm sâu bên dưới. Một số tiểu luận ban đầu của Derrida là phê phán học thuyết cấu trúc.

Và cuối cùng, đã có ảnh hưởng từ văn chương của chủ nghĩa hiện đại, như tác phẩm thơ của Stéphane Mallarmé, mà ở Pháp xem là hầu như không thể dịch được. Derrida cũng đọc tiểu thuyết của James Joyce khi ông khám phá nó trong thời gian tại Harvard. Derrida say mê các tác phẩm của Antonin Artaud, nhà thơ và đạo diễn sân khấu bị những người siêu thực xem là quá cực đoan. Derrida không chỉ công bố các tiểu luận riêng về từng tác giả này, mà còn vay mượn từ họ sự thể nghiệm phong cách nghệ thuật – thực tế là xóa nhòa sự khác biệt giữa triết học và văn chương.

Ông không đưa ra nhiều lý thuyết cho cách đọc mới. Phân tích hủy cấu trúc đối với bản văn triết học hay văn chương đã rã mảng những quặng vàng phức tạp không thể làm ngơ. Đọc một đối thoại của Plato, một cảnh trong kịch Shakespeare, hay một tiểu luận của Freud, Derrida sẽ đặt vào một mô-men khi vài khái niệm hay hình ảnh chứng tỏ không thể điều hòa với điều bất kỳ nào đó thuộc chủ đề hay lập luận, mà dường như chi phối phần còn lại của tác phẩm. Rồi từ chỗ tắc nghẽn đó, ông sẽ lần về suốt bản văn, kiên nhẫn khám phá những tuyến ý nghĩa rối ren và những mức độ xung đột nội tại còn ẩn khuất khác.

Đó là cách tiếp cận có thể đẩy sự chịu đựng học thuật của một người đến giới hạn. Trong tiểu thuyết viết về giới trí thức Pháp những năm 1960 và 1970, The Samurai, Julia Kristeva, giáo sư văn chương tại Đại học Paris, mô tả chân dung Derrida như nhân vật Saïda, người có những seminar chuyên đề “gây tức tối các triết gia và buộc các nhà buôn văn chương phải im lặng”. (Cả hai, bà viết, “buộc phải đương đầu với sự ngu ngốc siêu nghiệm của họ”.) Ông “bẻ vụn mọi từ, thành những yếu tố chi ly nhất, và từ những hạt này ươm nên các chồi mềm dẻo để sau đó có thể thêu dệt chúng thành những giấc mơ của mình, văn chương của riêng mình, đầy trọng lượng, nhưng càng sâu sắc thì lại càng khó tiếp cận”. Phương pháp của Saïda được gọi là “cấu hủy trúc” (condestruction), phòng trường hợp người đọc không đoán ra được.

“Điều này”, tiểu thuyết tiếp tục, “là cách thức ông đã khởi đầu để có được tiếng tăm như một quân sư có ảnh hưởng áp đảo tại Hoa Kỳ và với các nhà nữ quyền luận nơi này.

Một giải thích ít mỉa mai hơn về sức thu hút này đối với trí thức trẻ Hoa Kỳ, là từ Peggy Kamuf, dịch giả của rất nhiều tác phẩm của Derrida, gồm cả Những bóng ma của Marx: Nhà nước nợ nần, Lao động tang chế, và một Thế giới mới (Spectres of Marx: The State of the Debt, the Work of Mourning, and the New International, Routledge, 1994) và Phản kháng của Phân tâm học (Resistances of Psychoanalysis, Stanford University Press, 1998). Nữ giáo sư Pháp văn và văn chương so sánh tại University of Southern California này nhớ lại cảm giác khi đọc Derrida, lúc còn là nghiên cứu sinh tại Cornell University năm 1970.

“Có một cảm giác khẩn cấp khi chúng tôi chạm trán với nó”, bà nói, “khẩn cấp trong bối cảnh của tình huống chính trị Hoa Kỳ vào lúc đó. Đấy là vài tháng sau sự kiện Kent State. [1] Nhưng chúng tôi là những trí thức không muốn chỉ quy tội cho trường đại học, từ bỏ sự nghiêm cẩn của tư tưởng để xuống đường”. Lý thuyết của Derrida, bà nói, đem lại cách thức thực hiện công việc học thuật nghiêm túc trong ngành nhân văn, trong khi vẫn duy trì “tình trạng khẩn cấp đó trong lời đáp đối với sự lạm dụng quyền lực”, điều đã nuôi nấng sự dấn thân chính trị.

Một sinh viên khác của giai đoạn này nói về sự hồ hởi mà tác phẩm của Derrida kích thích trong những năm đầu của sự lan tràn hủy cấu trúc: “Đối với những người văn chương chúng tôi”, Forest Pyle, phó giáo sư văn chương Anh ngữ tại University of Oregon, nói, “thật kích động lạ thường khi xem một triết gia đọc các bản văn theo một cách thức nghiêm ngặt và cẩn thận, và chỉ ra những điều chưa từng được thấy trước đó”. Là một sinh viên chưa tốt nghiệp tại University of Texas ở Austin vào cuối những năm 1970, Pyle học tập cùng Gayatri Chakravorty Spivak, người dịch cuốn Of Grammatology của Derrida. Phần dẫn nhập do Spivak, người hiện là giáo sư khoa học nhân văn tại Columbia University, viết, đã đem lại giải thích tổng hợp đầu tiên về hủy cấu trúc bằng Anh ngữ.


Lực lượng chống đối

Trong khi một số học giả tìm thấy từ hủy cấu trúc sự hồ hởi, số khác lại hoang mang. Năm 1983, René Wellek, một nhân vật xuất sắc trong văn chương so sánh, tác giả của bộ sách lịch sử tám quyển về lý thuyết và phê bình văn học, đã lên án cách tiếp cận trong Những tiêu chuẩn mới (The New Criterion), nói rằng Derrida đã cấp “bằng cho sự lẩn quẩn tùy tiện của những ẩn dụ, cho những chơi chữ ghép chuỗi, cho những trò chơi ngôn ngữ thuần túy”. Hủy cấu trúc, ông nói, “đã khuyến khích sự thất thường hoàn toàn, tính chủ quan cực đoan, và từ đó mà phá hủy mọi khái niệm về tri thức và chân lý”.

Đáp lại các chê trách như vậy, những người trung thành với Derrida không khó khăn gì trích dẫn những đoạn mà trong đó nhà tư tưởng khẳng định ông tôn trọng “mọi công cụ phê phán truyền thống”, vì nếu không thì “sản phẩm phê bình sẽ có nguy cơ phát triển theo bất kỳ hướng nào, và tự cho mình thẩm quyền nói hầu như bất cứ điều gì”. Trong một phỏng vấn đăng trên Critical Intellectuals on Writing (State University of New York Press, 2003), Derrida nhớ lại những năm học phổ thông và đại học, là “rất khó và rất nặng, đòi hỏi rất cao theo những chuẩn mực kinh điển… Khi tôi nắm lấy tự do, nó luôn bằng cách đo lường khoảng cách với những tiêu chuẩn tôi biết, hay với cái tôi đã được đào tạo nghiêm ngặt”.

Vào cuối những năm 1970, chính phương pháp hủy cấu trúc đã định nên những tiêu chuẩn, ít ra là trong một số giới nghiên cứu văn chương Hoa Kỳ. Một nhóm phê bình văn chương nổi bật tại Yale University (gồm Paul de Man, Geoffrey H. Hartman, và J. Hillis Miller) sử dụng phương pháp Derrida để phân tích văn chương Romance và Victoria. [2] “Trường phái Yale” của các nhà lý luận phê bình được biết đến – không phải lúc nào cũng với thiện cảm – như một nhóm “mafia hủy cấu trúc” (có một câu chuyện đùa trong khoa Anh ngữ vào đầu những năm 1980, rằng Paul de Man là bố già “trao cho bạn một đề nghị mà bạn không thể hiểu được”). Khi sinh viên của Yale tỏa đi khắp đất nước, họ gặp phải chống đối, và không chỉ từ những người bác bỏ riêng hủy cấu trúc. Những luồng chống đối khác ảnh hưởng từ nhấn mạnh của Derrida về gốc rễ của ông nơi triết học Martin Heidegger, hoặc họ tìm cách kết hợp Derrida với người marxist, người theo thuyết nữ quyền, hay với những vấn đề hậu thuộc địa.
Lĩnh vực học thuật của văn chương hủy cấu trúc đã trải qua khủng hoảng nghiêm trọng sau một phát hiện vào năm 1987, rằng de Man, mà có thể nói, là nhà phê bình có ảnh hưởng nhất hợp lực cùng Derrida, đã công bố vô số bài viết trên một tờ báo ở Bỉ cộng tác với địch trong thời gian chiến tranh thế giới II. Cùng năm, một cuốn sách công khai tư cách thành viên đảng quốc xã của Heidegger thậm chí còn khơi gợi hơn nữa sự tự vấn trong số các nhà tư tưởng hủy cấu trúc luận người Pháp và những tông đồ Mỹ của họ.

Năm 1991, Richard Wolin, hiện là giáo sư lịch sử và văn chương so sánh tại Trung tâm Đào tạo thuộc CUNY (City University of New York), dịch một cuộc phỏng vấn với Derrida cho một quyển nhan đề Cuộc tranh cãi Heidegger: Tuyển tập phê bình (The Heidegger Controversy: A Critical Reader, Columbia University Press). Wolin được phép in lại cuộc phỏng vấn từ tuần tin tiếng Pháp đã đăng nó, nhưng Derrida thì phản đối. Nhà xuất bản rút lại bản in gốc sau khi luật sư của Derrida liên lạc. Một bài viết về sự việc xuất hiện trên The New York Review of Books vào năm 1993, sau khi MIT Press (Massachusetts Institute of Technology) xuất bản một bản mới của cuốn sách, trừ cuộc phỏng vấn này. Cột thư gởi ban biên tập nhanh chóng lấp đầy, đặt biệt sau khi Derrida và luật sư của ông có ý kiến ở đó.

Những gì đáng tán thưởng ở trường hợp này là cuộc trình diễn gây chú ý của nó. Nhà tư tưởng nhiều lần đặt thành vấn đề về chính chế định tác quyền (nói rằng tên của người viết “trước hết là tên của một vấn đề”), hóa ra là thận trọng bảo vệ đòi hỏi của ông về sở hữu trí tuệ. Nhưng khi đó cuộc tranh cãi dường như chỉ là tiếng vọng của quá khứ - ít nhất là trong nghiên cứu văn chương, nơi mà các tiếp cận lý thuyết khác đã thay chỗ cho hủy cấu trúc, đứng vào trung tâm cuộc tranh luận.


Ảnh hưởng tàn dư

Trong khi từ những năm đầu độc giả Mỹ đã tranh cãi làm thế nào để hiểu tác phẩm của ông, hay làm thế nào để giải quyết điều phơi bày gây lúng túng về de Man và Heidegger, thì Derrida tiếp tục xuất bản với một tốc độ kinh ngạc, gồm các bài viết về phê bình nghệ thuật, luật pháp, phân tâm học, và lý thuyết xã hội. Ông cũng bắt đầu nổi lên như một nhà nghiên cứu thần học theo kiểu cách riêng.

“Ông có một đời sống học thuật hoàn toàn mới trong khoảng mười lăm năm cuối”. Đó là lời của John D. Caputo, giáo sư tôn giáo học và nhân văn tại Syracuse University, tác giả của Nguyện cầu và nước mắt của Derrida: tôn giáo không tôn giáo (The Prayers and Tears of Jacques Derrida: Religion Without Religion, Indiana University Press, 1997). “Ông bắt đầu nói về điều mà ông gọi là ‘tính bất khả hủy cấu trúc’… Ý tưởng cho rằng hủy cấu trúc có thể được thực hiện dưới tên gọi của một cái gì đó bất khả hủy cấu trúc – bạn chưa từng nghe trong giới văn chương. Nhưng trong tác phẩm thời kỳ sau, ông bắt đầu nói về tính bất khả hủy cấu trúc của công bằng, dân chủ, của tình bạn, lòng hiếu khách”.

Một số học giả nhắc đến “bước ngoặt trị-đạo đức” trong tác phẩm của Derrida trong những năm 1990, dù những người khác xem những vấn đề như vậy là tiếp nối mạch công việc của ông. Michael Hardt, phó giáo sư văn chương so sánh tại Duke University, nói rằng tất cả tác phẩm của Derrida chứa đựng “sự thấu thị chính trị cơ bản”: rằng “ngay cả trong một hình thái có vẻ tiến bộ nhất, luôn có những người ngoài lề, phần công chúng nào đó bị loại trừ, bị bỏ quên, bị coi khinh”. Điều đó tạo một mệnh lệnh đạo đức và đạo lý “hướng đến những người bên lề này” mà, Hardt nói, “thật sự có những ảnh hưởng to lớn đối với thế hệ của tôi và vài thế hệ học giả chính trị”.

Vào thời điểm giữa những năm 1980, Derrida đã “gây nổi giận trong một bộ phận cộng đồng pháp luật”, Larry D. Kramer, Hiệu trưởng Trường Luật thuộc Stanford University, nhận xét. “Các học giả pháp lý ứng dụng lý luận hủy cấu trúc để chỉ ra rằng các quy định pháp lý thực chất không vượt quá cái quyền lực mà nó che đậy”. Đây không phải là ý tưởng mới, nó tương tự lập luận mà trường phái hiện thực pháp lý và những người khác đã nói. “Nhưng Derrida đã giúp ghi điểm trên sân nhà”, Kramer nói, “Ảnh hưởng của ông đã phai nhạt, nhưng nó không biến mất. Tàn dư của nó vẫn còn”.
Gần mười hai năm sau xung đột với Derrida trên New York Review of Books, Wolin hoài nghi về khẳng định quanh “bước ngoặt chính trị-đạo đức” này. Trong một email, ông nhận định tác phẩm của nhà tư tưởng đưa ra “một apologia pro vita sua (tạ lỗi cho đời sống của ai đó) phù hợp cho những ai buộc phải sử dụng phần lớn thời gian thức của họ để khóa mình trong các phòng nghiên cứu ở thư viện”. Trong một chương của cuốn sách công bố năm 2004, Sự cám dỗ phi lý tính: Tính lãng mạn trí thức với chủ nghĩa phát-xít, từ Nietzsche đến chủ nghĩa hậu hiện đại (The Seduction of Unreason: The Intellectual Romance With Fascism From Nietzsche to Postmodernism, Princeton University Press), Wolin viết rằng nỗ lực của Derrida nhằm thích ứng chính trị “đe dọa sụp đổ dưới sức nặng của một chuỗi những điều rập khuôn và sáo rỗng hậu hiện đại”.


Dấu vết văn chương Do Thái cổ

Dù vậy, Caputo khẳng định rằng tư tưởng sau này của Derrida đi theo những hướng mới. “Ý tưởng về cái gì đó có giá trị vô điều kiện bắt đầu nổi lên trong tác phẩm của Derrida”, ông nói, “cái gì đó làm nên một khẳng định vô điều kiện đối với chúng ta. Vì thế, hủy cấu trúc cái này hay cái kia bắt đầu trông hơi giống với sự phê phán trong thần học Do Thái trước việc cúng bái tượng thần.

Vài nhà bình luận đã tự hỏi sự tập trung chú ý của Derrida vào các bản văn, trong thực tế có khiến ông là người thực hành thế tục của những kỹ năng đọc được trau chuốt qua nhiều thế kỷ bởi các học giả Do Thái cổ hay không. Thật sự, chính ông đã gợi ý như vậy: cuốn Writing and Difference, xuất bản lần đầu năm 1967, gần gũi với phần trích được cho là từ giáo sỹ Do Thái có tên Derrisa. Viết lách của ông ngày càng trở thành hình thức đối thoại công khai với tác phẩm của Emmanuel Levinas, nhà tư tưởng Do Thái người Pháp có sự giao cắt với triết học Heidegger, cùng những suy ngẫm đạo đức và dẫn giải thánh kinh.

Năm 2002, Derrida có bài phát biểu chính tại hội nghị của Viện hàn lâm Tôn giáo Hoa Kỳ, tổ chức tại Toronto. Hướng về thính phòng đầy người, triết gia nói: “Tôi được coi là người vô thần” – một phát biểu gây khó xử, ở bất kỳ mức độ nào. Caputo nhớ lại rằng các học giả khác hỏi Derrida: “Sao anh không nói ‘Je suis - Tôi là người vô thần’?”. Derrida đáp: “Vì tôi không rõ. Có lẽ tôi không phải là người vô thần”.

“Tôi nghĩ ông muốn nói rằng tên gọi Thượng đế quan trọng đối với ông”, Caputo nói, “ngay cả nếu, từ những tiêu chuẩn của mục sư hay giáo sỹ địa phương, ông là người vô thần. Cái tên Thượng đế hết sức quan trọng đối với ông, vì nó là một trong những cách mà ta có thể gọi tên cho tính vô điều kiện, tính bất khả hủy cấu trúc”. (Khi nghĩ lại, câu này nghe như sự đặt cược siêu hình học, an toàn hợp lý).
Đời sống văn hóa Pháp chứa đựng truyền thống lâu đời của những tiểu luận tán dương, trong đó một trí thức nổi tiếng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một trí thức khác. Derrida viết những hồi niệm tôn kính này trong suốt nhiều năm. Năm 2001, University of Chicago Press xuất bản tuyển tập các bài viết như vậy, Lao động tang chế (The Work of Mourning). Năm 1995, khi triết gia Gilles Deleuze tự tử sau vài năm sức khỏe suy sụp, Derrida viết: “Mỗi cái chết là duy nhất – tất nhiên, và vì thế, bất thường. Nhưng người ta có thể nói gì về cái bất thường khi, từ Barthes đến Althusser, từ Foucault đến Deleuze, nó nhân lên, như trong một chuỗi”?

Một trong những người dịch Lao động tang chế là Michael Naas, giáo sư triết học tại DePaul University, Chicago. Trong một email, Naas đã nói hộ nhiều người khi gọi Derrida là “người bạn cực kỳ hào phóng và thủy chung với rất nhiều học giả và sinh viên trên khắp thế giới – đặc biệt ở đây, trên nước Mỹ này”. Derrida, ông nhớ lại, “thường nói rằng với cái chết của một người bạn, điều người ta mất mát không đơn giản là một phần của thế giới chúng ta, mà mất một ai đó đã mở ra thế giới của chúng ta – người đã mở ra cái thế giới này – cho chúng ta”.

Ngay cả những người không hâm mộ Derrida, huống hồ người xem ông là bạn, cũng có thể có cảm nghĩ rằng, với sự ra đi của ông, một kỷ nguyên đã kết thúc. Cũng tức là một khởi đầu.



Derrida: Những thời điểm chính

Tháng 7, 1930: chào đời tại Algeria, con trai một người chào hàng cho một công ty rượu vang Pháp.

1956: Tốt nghiệp École Normale Supérieure. Đến Harvard University, nghiên cứu sau đại học.

1962: Công bố bản dịch tiếng Pháp cuốn Origin of Geometry của Edmund Husserl, với một dẫn nhập dài.

1967: Công bố ba cuốn sách giới thiệu phương pháp hủy cấu trúc: Of Grammatology, Writing and Difference, and Speech and Phenomena.

1972: Công bố một bộ ba khác, chạy tựa: Dissemination, Positions, and Margins of Philosophy.

Đầu những năm 1980: Hầu hết các sách giai đoạn đầu đã có bản tiếng Anh.

Cuối những năm 1980: Viết sách và tiểu luận về Paul de Man và Martin Heidegger, những người bị cáo buộc là đồng tình với Đức quốc xã.

1994: Xuất bản Những bóng ma của Marx sau nhiều thập niên suy xét các ý kiến về quan hệ giữa chủ nghĩa Marx với hủy cấu trúc.

Cuối những năm 1990: Viết rất nhiều chuyên luận và sách về các vấn đề đạo đức và tôn giáo.

2002: Phim Derrida: The Film cho thấy triết gia giảng bài, viết lách, dạo quanh nhà, và cắt tóc.

Xuân 2003: Có chuẩn đoán ung thư tụy. Cùng Jürgen Habermas ký một tuyên bố chung phê phán cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq.

Xuân 2004: Nói với những người bạn Mỹ rằng ông nhận thấy làm việc khó khăn. Bản dịch của Rogues, cuốn sách gần đây của ông về những liên hệ triết học đến tình trạng thế giới đương đại, đang được thực hiện.

Tháng 10, 2004: Qua đời tại Paris.


© 2004 talawas



[1]Sự kiện Kent State: Vụ rắc rối xảy ra năm 1970, tại Kent State University, Ohio, khi sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam bị binh lính bắn vào, bốn chết và chín bị thương. Những binh sỹ này sau đó được chính quyền miễn tội, nhưng hành động đó càng lôi kéo những người ôn hòa tham gia chống chiến tranh và chống chính phủ Nixon (LTH).
[2]Romance: Văn chương thời Trung cổ, viết theo thể thơ.
Victoria: Văn chương thời đại Victoria (gọi theo tên Nữ hoàng Anh Quốc khi đó), trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1830 đến hết thế kỷ 19. Tại Tây Âu, thời đại này đạt nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, chính trị, để lại những dấu ấn sâu đậm mãi về sau này (LTH).
Nguồn: Derrida, A Pioneer Of Literary Theory, Dies
http://chronicle.com/free/v51/i09/09a00101.htm