trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
9.12.2004
Nguyễn Cường
Một kho tri thức tiềm ẩn khổng lồ
Dự án Từ Điển Bách Khoa “Wikipedia Tiếng Việt”
 


Wikipedia là một dự án từ điển bách khoa đa ngôn ngữ nguồn mở được biên soạn trên mạng Internet bởi chính những người sử dụng. Chính vì sự “phóng khoáng” và “cởi mở” này mà chỉ vài năm sau khi xuất hiện trên mạng lần đầu vào đầu năm 2001, Wikipedia đã phát triển lên thành hơn 120 phiên bản ngôn ngữ khác nhau với hơn 1 triệu trang từ mục vào tháng 9 năm 2004 hầu phục vụ tất cả mọi công dân trong cộng đồng công nghệ thông tin toàn cầu. Phiên bản tiếng Việt của chúng ta chập chững nhập cuộc vào tháng 10 năm 2003 và cho tới nay, đã được đạt được hơn 250 trang mục từ. Tuy con số vẫn còn ở vị trí khiêm tốn, nhưng với tiêu chí “ba cây chụm lại”, một tiềm năng cho một kho tri thức khổng lồ đang chờ đón sự ủng hộ của tất cả cộng đồng người Việt chúng ta.
 

Đôi nét về Wikipedia
 
Với mục tiêu “biên soạn một cơ sở dữ liệu từ điển bách khoa miễn phí với cả chất lượng và số lượng mục từ vào bậc nhất thế giới”, một nhóm nhân viên công nghệ thông tin tại Hoa Kì gồm Jimmy Wales và Larry Sanger đã dẫn đầu việc thiết lập một dự án biên soạn từ điển bách khoa miễn phí dựa trên mạng nguồn mở Wikiwikiweb [1] vào ngày 15 tháng 1 năm 2001.
 
Wikipedia là một từ chế được ghép bởi “wikiwikiweb” và “encyclopedia”. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Wikipedia là “cởi mở”. Tất cả mọi người đều có thể tra mục từ miễn phí và đều có thể tham gia biên soạn cũng như viết trực tiếp vào dữ liệu từ điển. Phương châm của Wikipedia là hoàn toàn không phân biệt tư cách thành viên tham gia. Vì thế sự đa dạng về độ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn hay quốc tịch đã giúp Wikipedia trở thành một cơ sở dữ liệu từ điển bách khoa đặc thù nhất thế giới.
 
Một vài nguyên tắc chung của Wikipedia là;

  • không thành kiến,

  • không vi phạm quyền tác giả

  • tôn trọng lẫn nhau

  • tuân thủ những quy tắc chung của toàn thể cộng đồng thành viên.

Trên phương diện tránh thành kiến, tất cả các bài viết đều phải mang một cách nhìn trung lập và được biên soạn với thái độ công bằng và thiện chí. Lí do Wikipedia được cung cấp miễn phí là do tất cả các sự đóng góp vào đây phải được coi là đã đồng ý với nguyên tắc “không giữ bản quyền” dựa vào Bản thoả thuận sử dụng văn bản miễn phí GNU (GNU Free Documentation License [2] ). Nguyên tắc này còn nhằm tránh việc sử dụng các bài viết hay hình ảnh mà chưa được sự đồng ý của người sở hữu bản quyền, điều sẽ gây phiền toái gián tiếp đến toàn dự án. Ngoài ra, nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên được đề cập vì sự đa dạng văn hoá cũng như quốc tịch tất nhiên sẽ dẫn đến những nhận thức giá trị quan khác nhau. Nguyên tắc này cũng là phương hướng để cộng đồng Wikipedia thiết lập nên những quy tắc hoạt động nhằm tạo sự thuận hoà và tránh những bất đồng không đáng có làm tổn phí quỹ thời gian có giới hạn để đạt đến mục tiêu của toàn dự án như đã đề cập ở trên. Do hoàn cảnh tiến hành dự án là hoàn toàn trên mạng ảo và sự đa dạng của thành viên tham gia, vấn đề thống nhất về những nguyên tắc biên soạn cũng là một vấn đề lớn. Do đó, Wikipedia đã thiết lập một số nguyên tắc chung về phương châm biên soạn, cách trình bày, cách sử dụng hình ảnh v.v. hầu đạt tới một tổng thể dữ liệu hoàn chỉnh và thống nhất.
 
Vấn đề dễ dàng được đặt ra là làm sao các phương châm và nguyên tắc này được thực hiện khi một môi trường biên soạn ảo này hoàn toàn không có một chủ biên hay ngay cả sự hiện hữu của một toà soạn? Song song đó, thành viên tham gia biên soạn có thể là một anh chàng “tay ngang” nhiệt tình thì làm sao có thể bảo đảm được mục tiêu “số lượng và chất lượng vào bậc nhất thế giới” nhằm gây uy tín để được sự hậu thuẫn hầu tồn tại? Đây hẳn là một vấn đề sinh tử của bất cứ một sản phẩm trí tuệ nào.
 
Nhưng các bạn cứ yên tâm. Sự vận hành của vũ trụ cũng thế, không bao giờ có “ác” hành sự mà thiếu đi sự tu chính của “thiện” để đạt tới một tầm “trung dung”. Phương châm “cởi mở” của Wikipedia như là một cơ hội để sự vận hành tất yếu đó được thực thi bởi chính những “chủ thể” của nó, tức các thành viên tham gia, giúp Wikipedia ngày càng thăng tiến và phát triển hơn. Một trong những sáng lập viên của Wikipedia là Jimmy Wales (tên thân mật là Jimbo) đã nói; “Sự thành công mà Wikipedia đạt được cho tới ngày hôm nay là do sự cởi mở của cộng đồng Wikipedia. Cộng đồng này chỉ có thể tiếp tục tồn tại và phát triển là do những thành viên tham gia của nó có Hành Động Sáng Suốt hay không. Sự Hành Động Sáng Suốt xuất phát qua nhiều hình thái đa dạng khác nhau. Tuy nhiên, một trong những hình thái quan trọng mà chúng ta đang chia sẻ tại cộng đồng này là thái độ trung lập và một nền văn hoá của sự trung thực hướng ngoại có suy nghĩ chín chắn. [3]
 
Phương châm cởi mở ấy cũng không hẳn là không có những phòng thủ bảo an tất yếu. Tại những phiên bản ngôn ngữ đều có nhiều người quản lí hoạt động theo quy tắc đồng thuận của số đông và có nhiệm vụ coi sóc để dự án được vận hành ổn định. Khi xẩy ra những tranh luận tiêu cực hay những trận “bút chiến”, thì người quản lí sẽ đóng vai trò điều đình tạo sự đoàn kết trong cộng đồng. Theo xu hướng hiện nay tại cộng đồng Wikipedia, nhiều ý kiến cho rằng càng có nhiều người quản lí càng tốt và không nên đặt quá nhiều quyền hạn vào họ. Đây cũng là một trong những nỗ lực để tạo một sự bình đẳng tối đa giữa những thành viên. [4] Đó là về khía cạnh quy tắc hoạt động trong sinh hoạt cộng đồng của Wikipedia. Thế còn những phương châm nào để đảm bảo nội dung của bài viết đạt được chất lượng tối ưu như mục tiêu họ đã đề ra? Wikipedia có gần 20 khoản mục đề cập đến phương châm bảo đảm nội dung từ điển. [5] Những điều khoản này tuy không phải là một sự cưỡng chế, nhưng để giúp các thành viên tham gia định hướng được phương châm biên soạn của dự án để theo đó thực thi. Điều khoản đề cập chi tiết đến kỹ năng biên soạn như nên giải thích những từ chuyên môn, nên ghi ra nguồn tham khảo, không nên viết quá khái quát, không nên phóng đại sự việc cũng như nên xác định sự thật hay đề cập đến các kỹ năng khi viết những bài mang tính tranh luận… Những bệ phương châm kiên cố định hướng đi, làm nền tảng cho công việc biên soạn được xác lập và cộng với khả năng Hành Động Sáng Suốt cố hữu của mỗi thành viên tham gia, một xu hướng phát triển hướng thiện không phải là một Quy Luật Hiển Nhiên hay sao?
 

Tiềm năng khả dĩ cho phiên bản tiếng Việt và Vài lời mời gọi
 
Phiên bản Wikipedia tiếng Việt được xuất hiện đầu tiên vào ngày 26 tháng 10 năm 2003. Và khoảng một tháng sau đó được cải tiến lên phiên bản thứ hai như hiện tại. Tại thời điểm người viết bài này, số thống kê trên trang cho biết đã có 252 trang mục từ trong phiên bản tiếng Việt. Một con số khá khiêm tốn so với con số trên 400.000 trang mục từ trong phiên bản tiếng Anh!
 
Người viết bài này cũng chỉ là thành viên mới của cộng đồng Wikipedia, nhưng nhận thấy hướng đi nhằm đạt tới một sự “bình đẳng cơ hội tiếp cận tri thức” ở đây rất đáng được cỗ vũ vì nó đầy ắp toàn những thiện chí. Khoảng cách tiêu chuẩn cuộc sống con người trên thế giới ngày càng cách xa nhau một cách không nhân nhượng. Theo “Human Development Report” của Liên Hiệp Quốc năm 2003, đặt tỉ dụ dân số thế giới là 100 người, thì 20 người giàu có nhất tiêu thụ 90% tổng tài sản thế giới và 20 người bần cố nhất chỉ sử dụng được 1% tổng số tài sản đó. Và 20 đại gia kia có thu nhập gấp 74 lần những bần cố nông này. Không hẳn chỉ có khoảng cách về thu nhập, ở thời đại thông tin có những vấn đề riêng của thời đại thông tin. Vào khoảng cuối thập niên 90, danh từ “khoảng cách thông tin - Digital divide [6] ) được đề cập để chỉ sự bất bình đẳng giữa những thành phần không có khả năng hay điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin dẫn đến những bất lợi về mặt xã hội và kinh tế. Xã hội ngày càng công nghệ hoá mà đương sự không thích ứng được do không được đào tạo hay không thể có điều kiện để được đào tạo vì khoảng cách giàu nghèo như đã nói ở trên gây ra và họ tiếp tục gặp bất lợi về kinh tế hay trong sinh hoạt xã hội. Vấn đề này tạo một vòng luẩn quẩn tiêu cực giữa sự bất công và đói nghèo.
 
Theo người viết suy nghĩ, tiếp cận được với thông tin là tiếp cận được với tri thức. Do đó, có thể là giải pháp người viết đang muốn đề cập là chúng ta cùng góp sức xây dựng một kho tri thức “Wikipedia Tiếng Việt” không trực tiếp gắn liền với giải pháp xoá bỏ “khoảng cách thông tin”, nhưng ít nhất nó cũng là một biện pháp “đi trước đón đầu” hầu tạo một cơ sở cho tương lai. Một khi “khoảng cách thông tin” được thu hẹp lại theo hướng tích cực, giải pháp chúng ta đang đề cập tới là “sự bình đẳng cơ hội tiếp cận tri thức” sẽ tránh được những sự bất công đáng tiếc sẽ xẩy ra say này. Tôi xin nhấn mạnh tới khía cạnh “bình đẳng cơ hội” bởi vì cơ hội được “dọn” sẵn, biết nắm lấy nó để nỗ lực cố gắng hay không là phụ thuộc vào sự tự do lựa chọn của mỗi cá nhân.
 
Phiên bản Wikipedia Tiếng Việt ở địa chỉ http://vi.wikipedia.org/ còn rất sơ sài. Thậm chí ngay ở logo ở trang chính có câu “Bách khoa tự do” (sic) được cho là do một trong những người quản lí của trang đã dịch từ phần tiếng Anh câu “The Free Encyclopedia” cũng có thể trở thành một đề tài để thảo luận. Hoặc những văn bản của dự án tạo tiền đề căn bản cho phương châm biên soạn chưa được chuyển dịch đầy đủ sang tiếng Việt và còn thiếu rất trầm trọng. Tuy nhiên, Wikipedia là môi trường hợp tác, đối thoại trong sự cởi mở. Mỗi một thành viên tham gia là một viên gạch góp sức vào sự vun đắp cho lí tưởng vì cộng đồng. Vì thế càng nhiều người Việt Nam chúng ta tham gia, sẽ càng làm cho Wikipedia Tiếng Việt thêm phong phú và thành công nhanh chóng trong một tương lai không xa.
 

Nguồn thao khảo chính:

http://jp.wikipedia.org/ (tiếng Nhật)
http://en.wikipedia.org/ (tiếng Anh)
http://vi.wikipedia.org/ (tiếng Việt)

© 2004 talawas


[1]Xin thao khảo http://en.wikipedia.org/wiki/WikiWikiWeb (tiếng Anh)
[2]Xin thao khảo http://en.wikipedia.org/wiki/GNU_Free_Documentation_License (tiếng Anh)
[3]“Wikipedia's success to date is 100% a function of our open community. This community will continue to live and breathe and grow only so long as those of us who participate in it continue to Do The Right Thing. Doing The Right Thing takes many forms, but perhaps most central is the preservation of our shared vision for the NPOV(neutral point of view) and for a culture of thoughtful diplomatic honesty.”
(trích từ http://en.wikipedia.org/wiki/User:Jimbo_Wales/Statement_of_principles )
[4]“There must be no cabal, there must be no elites, there must be no hierarchy or structure which gets in the way of this openness to newcomers”
(trích từ http://en.wikipedia.org/wiki/User:Jimbo_Wales/Statement_of_principles )
[5]Xin tham khảo http://en.wikipedia.org/wiki/Wikipedia:Policies_and_guidelines#Content_guidelines (tiếng Anh)
[6]Xin tham khảo http://en.wikipedia.org/wiki/Digital_divide