trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
11.12.2004
Trần Huy Liệu
Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan-Thanh-Giản
 
Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn kế tiếp nhận được những bài của các bạn đọc gửi đến phê phán về Phan-thanh-Giản, nhưng những tài liệu và ý kiến cũng không có gì khác với những bài đã đăng. Chúng tôi rất hoan nghênh các bạn đã sốt sắng tham gia cuộc khảo luận, đặc biệt là những ý kiến đều hầu như nhất trí cả. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cuộc bình luận về Phan-thanh-Giản đến đây là kết thúc và chúng tôi đăng bài sau đây của đồng chí Trần-huy-Liệu có tính cách như một bài tổng kết.
Tòa soạn NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Từ khi Tạp chí Nghiên cứu lịch sử đề ra việc bình luận một số nhân vật lịch sử, qua Hồ-quý-Ly, Nguyễn-trường-Tộ, Lưu-vĩnh-Phúc cho đến Phan-thanh-Giản, không lần nào bằng lần này, những bạn tham gia cuộc thảo luận, mặc dầu có những khía cạnh khác nhau, nhưng về căn bản đều nhất trí ở chỗ kết án tội nhân của lịch sử. Trong những bài mà chúng tôi nhận được, có bài đăng nguyên văn, có bài trích đăng và một số bài xin miễn đăng, nhưng nhiều tác giả đã có những dẫn chứng giống nhau và hòa chung một thứ tiếng cáo giác người đã đóng vai “tích cực” trong việc làm mất ba tỉnh miền Ðông Nam-kỳ và sau đó là ba tỉnh miền Tây Nam-kỳ. Ðiều đáng chú ý là: trong quá trình thảo luận, hai bạn Chương-Thâu và Ðặng-huy-Vận, trong chỗ không ngờ, đã trở nên “đối tượng” cho một loạt súng bắn vào chỉ vì hai bạn còn có chỗ chưa “dứt khoát” về tình cảm với họ Phan! Một điều nữa cũng đáng chú ý là: trong số người gửi bài tới tham gia thảo luận lên án Phan-thanh-Giản có đông đủ cả các bạn miền Bắc và miền Nam. Thì ra, nếu chúng ta xuất phát từ một lập trường giống nhau thì chúng ta sẽ đi tới một kết luận giống nhau. Cuộc thảo luận này đã chứng minh như vậy.

Là một người viết bài cuối cùng, tôi còn phải nói gì thêm nữa? Tôi không muốn nhắc lại những tài liệu mà các bạn đã dẫn ra và những ý kiến mà các bạn đã phát biểu; mà qua cuộc thảo luận, tôi muốn đề ra một vài nét lớn trong những điểm nhận định chung.

Ðiều thứ nhất mà chúng tôi nhận thấy là: Trong khi bình luận một nhân vật lịch sử nào, chúng ta phải đặt người ấy vào hoàn cảnh lịch sử lúc ấy. Chúng ta không đòi hỏi những người sống xa thời đại chúng ta, không cùng một giai cấp với chúng ta, cũng phải có một lập trường tư tưởng như chúng ta. Nhưng để đánh giá họ, chúng ta chỉ cần xem tư tưởng và hành động của họ có phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân đương thời không? Có theo chiều hướng tiến lên của thời đại không? Ðối với Phan-thanh-Giản hồi ấy, chúng ta không đòi Phan phải thoát ly ý-thức-hệ của giai cấp phong kiến. Nhưng trong khi những nhân sĩ yêu nước trong giai cấp phong kiến và đông đảo nhân dân kiên quyết đánh Tây để giữ lấy nước, thà chết không làm nô lệ thì Phan trước sau vẫn theo chiều hướng đầu hàng, từ ký nhượng ba tỉnh miền Ðông đến ký nhượng ba tỉnh miền Tây. Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân. Tuy vậy, trong số các bạn tham gia thảo luận, vẫn còn có bạn không phủ nhận tội lỗi của Phan, nhưng vẫn muốn “giảm nhẹ tội cho Phan một bậc” [1] . Trước tòa án lịch sử, vị “trạng sư bất đắc dĩ” ấy viện cớ rằng: chủ trương đầu hàng không phải riêng gì họ Phan, mà là cả giai cấp phong kiến nói chung, mà người đứng đầu là vua Tự-đức, cũng như Nam-kỳ và toàn bộ đất nước bị mất vào tay giặc Pháp còn vì nhiều duyên cớ khác, đâu phải chỉ vì mấy chữ ký của Phan-thanh-Giản. Vậy chúng ta có muốn kết án thì phải kết án giai cấp phong kiến mà thủ phạm phải là Tự-đức. Còn Phan-thanh-Giản chỉ là tòng phạm thôi.

Lời bào chữa của vị “trạng sư” kể trên có lý không, có đứng vững được không? Chúng ta không phủ nhận giai cấp phong kiến nhà Nguyễn hồi ấy đã hết sứ mạng lịch sử và đương đi theo chiều hướng thỏa hiệp và đầu hàng. Nhưng một sự thực mà chúng ta không được phép chối cãi là: trên bước đường phân hóa, chính trong giai cấp phong kiến lúc ấy cũng còn có phái chủ chiến và phái chủ hòa (nghĩa là phái đầu hàng). Chưa nói đến sự cơ lúc ấy: giặc Pháp mới để chân đến Nam-kỳ, các tầng lớp nhân dân đương hăng hái đánh giặc cứu nước; mà ngay chính Tự-đức, một tên vua phải đứng “trước vành móng ngựa” về tội làm mất nước ta, cũng từ chỗ lưng chừng đến chỗ đầu hàng, chớ chưa phải đã can tâm dâng nước cho giặc ngay từ đầu. Nếu ngày nay, trước từng sự kiện lịch sử phải tìm ra trách nhiệm, cái gì cũng đổ chung cho giai cấp phong kiến theo lối “hầm bà là” cả, vậy thì thế nào để phân biệt những người yêu Tổ quốc, theo chính nghĩa, giết giặc cứu nước với những kẻ hàng giặc dâng nước cho giặc? Làm thế nào để phân biệt những người giữ thành chết theo thành như Nguyễn-tri-Phương, Hoàng-Diệu, Nguyễn-thúc-Nhận v.v... với những người dâng thành hiến đất cho giặc theo kiểu Phan-thanh-Giản? Không. Chưa nói đến bản án lịch sử muôn đời; dư luận nhân dân đương thời biểu hiện trong tám chữ đề cờ của dân quân Tân-an Gò-công mà thủ lĩnh là Trương-Ðịnh cũng đã rõ ràng lắm. Nó kết án giai cấp phong kiến mà triều đình Huế là đại diện đã “bỏ dân” và kẻ trực tiếp phụ trách là Phan-thanh-Giản, Lâm-duy-Hiệp đã ký nhượng đất nước cho giặc. Dư luận nhân dân rất sáng suốt cũng như bản án rất công minh. Nếu vị “trạng sư” nào còn muốn bào chữa cho một bị cáo đã bị bắt quả tang từ non một trăm năm trước thì chỉ là tốn công vô ích!

Nói cùng mà nghe, ngay đến Tự-đức, một người đứng đầu trong hàng ghế bị cáo, đã có than: “Theo họ thì có nước như không, đã chịu nhục mà đời đời bị vạ...” và khi nghe tin Phan-thanh-Giản, Lâm-duy-Hiệp ký nhượng ba tỉnh miền Ðông, đã phải nói: “hai tên kia không những là tội nhân của bản triều, mà còn là tội nhân của thiên cổ”... Thì ra, trên bước đường đầu hàng của giai cấp phong kiến nói chung, Phan-thanh-Giản còn bước mau, bước trước hơn Tự-đức và trước dư luận phẫn khích của nhân dân, Tự-đức cũng không dám thốt ra những câu nói ngược lại ý chí của họ. Như vậy, trong giai đoạn đau thương của Tổ quốc, kẻ làm mất nước ta là bọn phong kiến đầu hàng mà đứng đầu là Tự-đức. Nhưng trước từng sự kiện lịch sử, mỗi người lại có trách nhiệm riêng tùy theo cương vị của mình. Vị trạng sư nào ngụy biện đến đâu cũng không thể lập luận hồ đồ, đem giai cấp phong kiến và Tự-đức làm cái “bung xung” để che giấu tội lỗi của Phan-thanh-Giản đã dâng toàn bộ lục tỉnh Nam-kỳ cho giặc được!

Ðiều thứ hai mà chúng tôi nhận thấy là: trong khi quy định trách nhiệm của Phan-thanh-Giản trước lịch sử, chúng ta đã phân tích rõ ràng với những án từ phân minh. Tuy vậy, còn có người viện những đức tính liêm khiết của Phan ra để mong được “chiếu cố” và “thông cảm”. Cũng có người còn cho Phan là một nhà ái quốc và thức thời, chỉ vì thương dân, muốn tránh nạn binh đao nên đã chủ trương hòa hiếu với giặc. Ở đây, tôi không muốn nhắc lại điều kiện chủ quan và khách quan bấy giờ để chứng minh rằng: nếu vua tôi nhà Nguyễn biết dựa vào nhân dân để kiên quyết kháng chiến thì nước ta hồi ấy sẽ không bị mất; tôi chỉ nhấn mạnh vào cái quan niệm về đạo đức tư cách của con người thế nào cho đúng. Những người có lòng chiếu cố đến Phan-thanh-Giản chỉ mới nhìn vào tư đức của ông mà không nhìn vào công đức của ông. Ở vào thời thế nước ta hồi ấy, mỗi người công dân còn có cái đạo đức nào cao hơn là yêu nước thù giặc, hy sinh quên mình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trái lại, còn có cái gì xấu hơn là theo giặc, chống lại cách mạng, phản lại quyền lợi tối cao của Tổ quốc. Ðối với Phan-thanh-Giản, công đức như thế là đã bại hoại rồi; mà công đức đã bại hoại thì tư đức còn có gì đáng kể? Trong số các bạn tham gia thảo luận, có bạn còn viện những chứng cớ tỏ ra rằng ngay cả đến tư đức của ông cũng không có gì đảm bảo. Nói thế thôi. Ðiều này không quan trọng lắm. Chúng ta đánh giá con người của Phan không phải nhìn vào những đức tính thông thường, mà chính là nhìn vào tiêu chuẩn đối với dân, với nước của Phan.

Ở đây còn một điểm phải trang trải nữa là Phan có yêu nước không? Những người thương Phan còn có cắt nghĩa rằng: Phan chủ trương sai lầm nhưng không phải không có lòng yêu nước. Thực ra, yêu nước không phải là một danh từ trừu tượng, mà phải biểu hiện một cách cụ thể. Trong lúc quân giặc bắt đầu dày xéo lên Tổ quốc, bao nhiêu văn thân nghĩa sĩ, hào lý cùng các tầng lớp nhân dân đều lao mình vào cuộc giết giặc cứu nước, bài phú “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh” vang lên, vậy mà riêng Phan-thanh-Giản ba lần dụ Trương-Ðịnh bãi binh, bốn lần làm môi giới cho Pháp đưa thư của giặc cho Trương và khuyên nhân dân không nên “bội nghịch” với giặc, vậy chúng ta có thể tặng hai chữ yêu nước cho Phan cả về mặt khách quan lẫn chủ quan được không? Phạm vi “yêu nước” cũng rất rộng, nhưng danh từ ái quốc không thể chứa một nội dung phản quốc. Một người đã có “thành tích” như Phan, dù ai muốn nhìn theo cách nào chăng nữa, cũng không thể lạm dụng hai chữ ái quốc để gắn vào một cách dễ dàng, vì như thế chẳng những hồ đồ trong việc nhận thức Phan mà còn làm nhòa nhoẹt cả ý nghĩa yêu nước nữa.
Ðiểm thứ ba mà tôi muốn nhấn mạnh vào là cái chết của Phan. Thật ra, với những hành động kể trên, nếu Phan không kết thúc bằng một cái chết khá “đặc biệt” thì có lẽ dư luận đối với Phan cũng không có gì phức tạp lắm vì hành động của Phan đủ nói lên Phan là người như thế nào rồi. Theo tôi, chủ trương của Phan đã dẫn Phan đến chỗ bế tắc mà chỉ có thể kết cục bằng một cái chết. Nói một cách khác, cái chết của Phan là tất nhiên, là rất biện chứng trong chỗ bế tắc của Phan. Tuy vậy, có người vẫn ca tụng Phan là không tham sống sợ chết. Ở đây, tôi không muốn nhắc lại những cái “ngoắt ngoéo” trong giờ phút cuối của Phan mà nhiều bạn đã vạch ra để chứng tỏ là Phan không phải không tham sống sợ chết. Tôi chỉ đặt câu hỏi là: có những trang hào kiệt không tham sống sợ chết để làm nên một việc gì tốt đẹp thì cái tham sống sợ chết ấy mới có ý nghĩa; còn Phan-thanh-Giản nếu quả có không tham sống sợ chết chăng nữa thì để làm nên cái gì? Nói rằng Phan chết để giữ trọn tiết nghĩa chăng? Thì cái sống của Phan đối với dân, với nước đã mất hết tiết nghĩa rồi, còn nói gì đến chết. Nói rằng Phan là một tín đồ chăng? Thực ra, cái chết của Phan, khác với cái hy sinh của các bậc nghĩa liệt khác, không phải để giữ “đạo lành” cho đến chết, cũng chẳng phải liều chết để làm nên một điều “nhân” vì cái gọi là “đạo lành” là điều “nhân” lúc đó chính là giết giặc cứu nước, là theo nguyện vọng của nhân dân; trái lại là đạo dữ, là bất nhân, là phản bội. Thôi, chúng ta hãy làm một việc ngay thẳng là trả cái chết của Phan-thanh-Giản lại cho Phan-thanh-Giản, cái chết do chính “tác giả” tạo ra, qua một quá trình dài lâu dẫn đến chỗ không lối thoát. Dầu sao, cái chết của Phan cũng chỉ có thể chấm dứt con đường bế tắc của Phan, chớ không thể xóa được tội danh của Phan trước tòa án dư luận nhân dân và lịch sử.

Ðiểm thứ tư mà chúng ta không thể bỏ qua được là: trong khi kết án Phan-thanh-Giản, chúng ta một mặt không để Phan trốn tránh trách nhiệm do Phan trực tiếp phụ trách; một mặt khác chúng ta không quên gắn liền Phan với triều đình Huế mà Phan là đại diện với giai cấp phong kiến mà Phan là tiêu biểu. Như mọi người đều biết, khi thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm nước ta thì cũng là lúc giai cấp thống trị tức giai cấp phong kiến nước ta đã hết nhựa sống, đương hãm vào thế bí. Do đó, trước nạn ngoại xâm, tư tưởng thỏa hiệp đầu hàng đã dần dần thấm vào tầng lớp trên của giai cấp phong kiến. Mặc dầu trong quá trình phân hóa còn có phái chủ chiến, nhưng tư tưởng đầu hàng vẫn ngày càng phát triển và trở nên tư tưởng chủ đạo của giai cấp phong kiến. Bị uy hiếp trước uy vũ của văn minh Tây phương, luận điệu cầu an của Phan-thanh-Giản nhắc lại chuyện cũ như “Hán Văn đế hòa với Hung-nô” hay “Tống Chân tôn hòa với Khiết-đan” đã nói lên tư tưởng của giai cấp thống trị bấy giờ một mặt thì tự kiêu, cho những nước bên ngoài đều là mọi rợ; trái lại, một mặt khác, lại tự ty sợ địch, dọn sẵn con đường đầu hàng. Thật thế, nếu triều đình Huế mà kiên quyết kháng chiến, Tự-đức không có những chỉ thị “nước đôi” thì Phan-thanh-Giản và Lâm-duy-Hiệp sẽ không dám tùy tiện dâng đứt ba tỉnh miền Ðông Nam-kỳ cho giặc. Chẳng những thế, sau khi Phan-thanh-Giản đã ký nhượng ba tỉnh miền Ðông, trước sự công phẫn của nhân dân, Tự-đức cũng đã phải kết án Phan, Lâm là “tội nhân của thiên cổ” nhưng rồi Phan vẫn là người tín nhiệm của triều đình Huế, được triều đình giao cho trọng trách, để rồi một lần nữa, dâng nốt ba tỉnh miền Tây cho giặc. Như thế Phan-thanh-Giản phải chịu trách nhiệm trực tiếp những việc mà ông đã làm, nhưng cũng quán triệt tinh thần và đường lối đầu hàng của triều đình Huế mà ông là đại diện. Ấy là chưa kể sau khi sáu tỉnh Nam-kỳ đã mất và Phan-thanh-Giản đã chết, triều đình Huế vẫn đi theo chiều hướng đầu hàng cho tới khi nước ta bị mất hoàn toàn về giặc Pháp. Như vậy, kết tội Phan-thanh-Giản phải gắn liền Phan với triều đình Huế và bản án Phan-thanh-Giản là nằm trong hồ sơ bản án hàng giặc bán nước của triều Nguyễn.



Tóm lại, qua cuộc thảo luận, chúng ta đã thành công trong việc đánh giá Phan-thanh-Giản, một nhân vật có nhiều khía cạnh phức tạp. Xung quanh Phan-thanh-Giản còn “viền” nhiều sự việc khác của giai đoạn lịch sử chồng chất những sự biến phức tạp. Nếu chúng ta không nhằm vào khâu chính của sự vật, không dùng phương pháp khoa học để phân tích đặng nhận rõ người và việc thì không thể giải quyết được vấn đề. Sau khi đánh giá xong Phan-thanh-Giản, chúng ta sẽ chuyển sang một nhân vật lịch sử khác.

8-1963



[1]Danh từ của pháp luật là “giảm đẳng”.
Nguồn: Tạp chí Thế kỉ 21, số 185 (số đặc biệt về Phan Thanh Giản), tháng 9.2004