trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
15.12.2004
Daniel Barenboim
Thanh âm và Cảnh sắc
Vũ Ngọc Thăng dịch
 
Edward Said tượng trưng nhiều điều cho nhiều người, nhưng thực ra, tâm hồn anh là tâm hồn của một nhạc sĩ, theo cái nghĩa sâu sắc nhất của từ này.

Anh viết về những vấn đề phổ biến hệ trọng như cảnh tha hương, ý thức chính trị, sự hội nhập. Thế mà, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất, trong cương vị của một người bạn và của một người đầy hâm mộ anh, là việc nhận ra rằng, trong nhiều việc, anh đã hình thành các ý niệm và đạt đến các kết luận thông qua âm nhạc; và anh xem âm nhạc như ánh chiếu cho các tư tưởng mà anh có về những vấn đề khác.

Tôi tin rằng, đây là một trong những lí do chính khiến Said trở nên một nhân vật quan trọng như thế. Chuyến đi của anh trong cõi nhân gian này diễn ra vào một thời điểm khi tính nhân bản trong âm nhạc, cái giá trị nhân đạo cũng như giá trị tư tưởng của nó, cái tính cách siêu nghiệm của tư tưởng được viết bằng thanh âm, đáng tiếc, vẫn tiếp tục là những khái niệm đang bị suy sụt.

Thái độ kịch liệt chống sự chuyên biệt hóa (anti-specialisation) đã khiến anh phê phán hết sức mạnh mẽ, và rất chính đáng, sự thể là nền giáo dục âm nhạc ngày càng trở nên nghèo nàn, không chỉ ở Mĩ - là nơi, cuối cùng, đã du nhập nền âm nhạc Châu Âu Cổ - mà còn ở ngay tại những xứ đã sản sinh ra các vĩ nhân của âm nhạc: chẳng hạn, Đức, nơi sản sinh ra Beethoven, Brahms, Wagner, Schumann và nhiều nhạc sĩ khác; hoặc Pháp, nơi sản sinh ra Debussy và Ravel. Vả lại, anh còn nhận thấy một tín hiệu khiến anh vô cùng lo ngại, một nhận thức đã rất nhanh chóng thống nhất chúng ta: ngay cả khi đã có một nền giáo dục âm nhạc, thì nó cũng được thực thi qua một cung cách hết sức chuyên biệt. Trong những trường hợp thuận lợi nhất, các người trẻ được tạo cơ hội để chơi một nhạc cụ, để thu thập tri thức thiết yếu về lí thuyết, về nhạc học, và về mọi thứ mà một nhạc sĩ cần đến về phương diện nghề nghiệp.

Thế nhưng, cùng lúc, có một tình trạng không hiểu, lan rộng và ngày càng tăng, về cái tính cách bất khả trong việc nói rõ nội dung của một tác phẩm âm nhạc. Xét cho cùng, nếu có thể biểu đạt nội dung của một trong những giao hưởng của Beethoven bằng lời, thì hẳn là chúng ta không còn cần đến giao hưởng ấy. Song, bất khả biểu đạt bằng lời về nội dung trong âm nhạc không có nghĩa là không có nội dung.

Nghịch lí là ở chỗ, âm nhạc chỉ là âm thanh, nhưng âm thanh, tự nó, không là âm nhạc. Đây là nơi người ta có thể thấy tư tưởng chủ yếu của Said như một nhạc sĩ cũng như một nhạc công dương cầm tài ba.

Trong những năm gần đây, do căn bệnh nghiệt ngã của anh, Said đã không thể giữ mức thể lực cần thiết để chơi dương cầm. Tôi không thể nào quên những lần chúng tôi chơi những khúc Schubert bốn tay. Hai hoặc ba năm trước, tôi có một buổi hòa nhạc ở Carnegie Hall tại New York và Said đang trải qua một giai đọan rất khó khăn của căn bệnh. Buổi hòa nhạc diễn ra vào chiều chủ nhật. Dù Said biết là tôi vừa mới từ Chicago đến vào buổi sáng, anh đã xuất hiện rất sớm tại buổi diễn tập với một tập nhạc Schubert sọan cho bốn tay. Anh nói với tôi: “Hôm nay, tôi muốn chúng ta chơi ít nhất tám trường canh, không phải vì lạc thú chơi, mà vì tôi cần nó để sống sót.”

Như bạn có thể hình dung, lúc ấy, vừa mới từ phi trường đến, và với một tiếng đồng hồ để diễn tập cho buổi hòa nhạc vào buổi chiều, việc chơi Schubert bốn tay là điều cuối cùng mà tôi muốn. Song hoàn cảnh nào cũng vậy, khi bạn dạy tức là bạn học, khi bạn cho tức là bạn nhận. Và bạn học trong lúc bạn dạy bởi vì học trò nêu lên những câu hỏi thậm chí bạn không còn tự hỏi với chính mình nữa, bởi chúng hầu như đã trực thuộc dòng suy tư tự động đã phát huy trong mỗi chúng ta. Thế rồi, thình lình, câu hỏi lại nhằm thẳng vào điều gì đó, cái buộc chúng ta phải suy nghĩ lại nó tận gốc, từ cốt tủy của nó.

Cố nhiên, tôi đã làm theo yêu cầu của người bạn yêu quí với niềm vui sướng nhất. Nhưng khi chúng tôi chơi ít phút của một khúc rondo Schubert ấy – một khúc nhạc cực đẹp, dù đây không phải là một khúc nhạc sâu sắc nhất và siêu nghiệm nhất – tôi đã cảm thấy được phong thú thêm về mặt âm nhạc trong một cung cách hoàn toàn bất ngờ. Đó là Edward Said.

Said quan tâm đến chi tiết. Thật vậy, anh hoàn toàn hiểu rằng thiên tài hoặc tài năng âm nhạc đòi hỏi sự chú tâm hết sức ở chi tiết. Thiên tài chú trọng vào chi tiết như thể đây là điều quan trọng nhất. Và trong lúc làm chuyện đó, anh ta không mất cái nhìn về một bức tranh tổng thể; đúng hơn, anh ta đang tìm cách vẽ ra bức tranh tổng thể ấy. Bởi bức tranh tổng thể, trong âm nhạc cũng như trong tư duy, phải là kết quả của việc phối hợp các chi tiết nhỏ.

Said có một tri thức tinh tế về nghệ thuật soạn nhạc và phối khí dàn nhạc. Anh biết, ở hồi hai của vở Tristan và Isolde, vào một thời điểm nào đó, những chiếc kèn cor sẽ rút lui ra đằng sau sân khấu và hai trường canh sau đó thì từ khoang dàn nhạc, cùng một điệu nhạc sẽ tái hiện qua những chiếc kèn clarinet. Rất nhiều ca sĩ mà tôi hân hạnh và hoan hỉ có dịp hợp tác khi thực hiện tác phẩm này đã không ý thức về chi tiết ấy nên đã nhìn về đằng sau xem âm điệu xuất phát từ đâu. Anh quan tâm đến những điều đó, bởi anh hiểu sự quan tâm tỉ mỉ này ở chi tiết ban vẻ huy hoàng cho cái tổng thể.

Anh còn biết biện biệt rõ ràng giữa quyền năng/sức mạnh (power) và cường lực/sức thuyết phục (force), điều tạo thành một trong những tư tưởng chủ yếu cho cuộc đấu tranh của anh. Anh biết rất rõ rằng, trong âm nhạc, sức mạnh không phải là sức thuyết phục, điều mà nhiều nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới không nhận thức được. Sự khác biệt giữa sức mạnh và sức thuyết phục thì tương đương với sự khác biệt giữa âm lượng/độ lớn (volume) và cường độ/độ nạp cảm (intensity) trong âm nhạc. Khi người ta nói với một nhạc sĩ, “Bạn đang chơi không đủ cường độ”, thì phản ứng đầu tiên của họ là chơi lớn hơn. Và đây mới là điều đối ngược: âm lượng càng thấp thì lại càng cần đến cường độ cao hơn, và âm lượng càng cao thì lại càng cần đến một cường lực bình lặng trong thanh âm.

Đây là vài ví dụ để minh họa cho sự tin tưởng của tôi, theo đó, quan niệm về cuộc đời và thế giới của Said, đã xuất phát và dựa trên âm nhạc. Có thể tìm ra một ví dụ khác trong khái niệm về tính liên tác (interconnection) của anh. Trong âm nhạc, không có những yếu tố độc lập. Đặc điểm và ý hướng của một giai điệu đơn giản nhất sẽ thay đổi mạnh mẽ với một cách hòa âm phức hợp. Điều này được lĩnh hội qua âm nhạc, chứ không qua sinh hoạt chính trị. Vì vậy, xuất lộ cái tính cách bất khả tách biệt giữa các yếu tố, việc nhận thức rằng mọi sự đều nối kết nhau, cái nhu cầu luôn luôn phải thống nhất tư duy lôgích và cảm xúc trực giác. Biết bao lần chúng ta đã từ bỏ mọi lôgích vì một một nhu cầu cảm xúc? Trong âm nhạc, điều này là không thể được, bởi âm nhạc không thể thực hiện, chỉ với lí trí hoặc chỉ với cảm xúc. Hơn nữa, nếu những yếu tố này có thể tách biệt được, thì chúng không còn là âm nhạc, mà là một bộ sưu tập âm thanh.

Khái niệm nội hàm (inclusion), cũng như nguyên lí hội nhập của Said, đều xuất phát từ âm nhạc. Cũng có thể áp dụng tương tự đối với cuốn Orientalism/Phương Đông học của anh. Tác phẩm này nêu lên ý niệm về một sức quyến rũ phương Đông đối lại với sản phẩm phương Tây. Trong âm nhạc, không thể có sản phẩm nếu không có sức quyến rũ. Tính sinh tác (productive) như một ý niệm âm nhạc có thể là: nếu nó thiếu đi sức quyến rũ của một thanh âm thiết yếu, thì nó không đủ. Đây là điều tại sao tôi cho rằng, đối với nhiều người, Edward Said là một nhà tư tưởng lớn, một chiến sĩ đấu tranh cho quyền của dân tộc ông, và là một trí thức vô song. Nhưng đối với tôi, anh thực sự lúc nào cũng là một nhạc sĩ, trong cái nghĩa sâu sắc nhất của từ này.


© 2004 talawas