trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
20.12.2004
Cao Việt Dũng
Trả lời ông Hoàng Ngọc Hiến
 
Trong thư trước, tôi ghi ba ý, nhưng vì trong bài trả lời ông Hoàng Ngọc Hiến không đả động đến ý về Taine và Derrida nên tôi xin phép tập trung luôn vào hai ý còn lại: hiểu từ culture générale thế nào và chủ nghĩa cổ điển (mới) có nên là cái đích của văn học không.


Từ Culture générale

Với tất cả lòng kính trọng, thưa ông Hoàng Ngọc Hiến, tôi khẳng định là ông vẫn hiểu sai từ culture générale.

Tôi đề nghị tạm thời bỏ qua không quan tâm đến Fumaroli muốn nói gì, có mỉa mai hay không (điều này rất khó nói, và tôi xin lỗi nếu đoán sai ý của Fumaroli thông qua một câu mà ông Hoàng Ngọc Hiến trích) mà thử xem ông Hoàng Ngọc Hiến có hiểu từ culture générale theo cách hiểu của người Pháp không, bởi trong bài đầu tiên ông đã viết «tôi hiểu văn hoá với nghĩa của từ culture générale của người Pháp».

Tôi xin chép lại ở đây email trao đổi của tôi với một người bạn Pháp. Để tránh mọi thiên kiến, tôi nhờ người bạn đó giải thích từ culture générale mà không cung cấp ngữ cảnh (ở đây là cuộc tranh luận giữa ông Hoàng Ngọc Hiến và tôi). Tôi chép lại dưới đây nguyên văn cuộc trao đổi đó, chỉ thêm dấu cho đúng phép chính tả và viết lại một vài từ viết tắt.

Câu hỏi của tôi:

«Dis-moi exactement ce que pour toi entend "culture générale". Je t'expliquerai après pourquoi cette question sans contexte et un peu débile...»

(Nhờ bạn nói hộ tôi thật chính xác bạn hiểu từ culture générale như thế nào. Tôi sẽ giải thích sau tại sao lại hỏi một câu không ngữ cảnh và có phẩn dở hơi như thế…)

Câu trả lời của người bạn tôi:

«Du tac au tac, je dirais que la culture générale a une définition aussi générale que son appellation laisse entendre. En tout cas, idéalement, c'est un ensemble de connaissance commune que tout le monde devrait avoir. Cependant, je pense de plus en plus que la culture générale est en fait très souvent assimilée à une connaissance de la culture occidentale (ça devrait être aussi important de connaître Descartes que Lao Tseu, les romains que les aztèques). Bref pour moi, une culture universelle. Après, ça sert surtout pour se la raconter en dîner mondain ou pour les épreuves d'écoles de commerce, car maintenant, culture générale ne rime plus avec encyclopédique (à quoi sa sert de savoir que le Dao existe si on ne sait pas ce que c'est?)»

(Nếu phải nói trắng phớ thế này, tôi nghĩ culture générale có một định nghĩa générale như bản thân cụm từ đó gợi ra. Hiểu một cách thấu đáo nhất thì đó là một tập hợp các hiểu biết chung mà ai cũng phải có. Tuy nhiên, tôi nghĩ culture générale ngày càng đồng nhất hóa với một hiểu biết về văn hóa phương Tây (nhưng rõ ràng biết về Descartes cũng quan trọng ngang với biết Lão Tử, biết người La Mã cũng quan trọng ngang với biết người da đỏ Aztèque). Tóm lại, với tôi đó là một văn hóa phổ quát. Sau rồi, nó còn rất có ích để nói chuyện cho có duyên ở các bữa tối vui vẻ hay để đi thi vào các trường thương mại, bởi vì giờ đây culture générale không còn chút gì chung với hiểu biết bách khoa nữa (có ích lợi gì khi biết là Đạo có tồn tại mà không hiểu nó là cái gì?)

Về đại thể, culture générale là những hiểu biết mà bất kỳ ai có chút học vấn cũng phải có.

Tôi không chỉ dựa trên câu trả lời của người bạn kia mà mở rộng hơn một chút theo sách vở, không phải trong từ điển vì bao giờ giữa từ điển và đời thường cũng có khoảng cách nhất định. Tôi tìm thấy một số cuốn sách chuyên về culture générale (trên bìa có ghi rõ từ này). Sau đây là một số kết quả từ cuộc «điều tra» nho nhỏ của tôi:

Những quyển sách mà tôi tìm thấy: Culture générale của Pierre Salque [1] . Grand dictionnaire de culture générale của Bruno Hongre, Philippe Forest, Bernard Baritaud [2] . Culture générale của Odon Vallet [3] . Dynamisez votre culture générale của Pierre Simon [4] . Quyển của Pierre Salque nằm trong bộ sách CFP (Concours des fonctions publiques) nhằm giúp những người chuẩn bị thi công chức nhà nước, ở phần hai có các chương như Les Voyages de la vie (chương I) giải quyết các vấn đề: Con người và gia đình, trẻ em trong cuộc sống hiện đại, La Science (chương IV), hướng dẫn cách giải mã cuộc đời và hướng dẫn các công nghệ mới của thế giới. Quyển từ điển của ba tác giả gồm rất nhiều mục từ, chủ yếu ghi năm sinh năm mất và tác giả của các tác phẩm lớn. Quyển của Odon Vallet cũng để giúp các thí sinh sắp thi công chức, trình bày từ ngôn ngữ (hoàn toàn không phải là ngôn ngữ học, mà là tóm tắt các cách hiểu ngôn ngữ phổ thông) cho đến sự nghèo đói trên thế giới và các môn thể thao (chương 9, phần 2). Quyển của Pierre Simon ghi ở ngoài bìa dòng chữ: «Những điều cần biết trong các lĩnh vực Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc và Điện ảnh», phía trên là dòng quảng cáo: «Giúp qua các bài kiểm tra, kỳ thi, trò chơi truyền hình…» Phần Văn học có các phần chẳng hạn «Những nhân vật kiệt xuất trong Văn chương thời Cổ đại», «Thời Trung Cổ», «Thế kỷ XVI và thời Phục hưng…» Sách rất tiện lợi vì dạy thuật ghi nhớ (mnémonique): chẳng hạn ở mục từ Aristophane tác giả dạy cách lập các nhóm tác phẩm của nhà viết kịch cổ đại để dễ nhớ tên (tôi nhấn mạnh là chỉ có tên, hoàn toàn không có nội dung các tác phẩm của Aristophane).

Những quyển sách đó trình bày nhiều kiến thức, đa dạng. Nhưng vấn đề chúng ta cần chỉ ra ở đây là những kiến thức ấy có phục vụ gì cho công việc của nhà phê bình văn học không. Khi mà culture générale là điều ai cũng cần biết và nên biết, thì đặt trong mối quan hệ với nó mọi người đều bình đẳng, đều phải tìm hiểu và bồi bổ kiến thức. Tôi không thấy nhà phê bình khác gì người khác để mà có thể sử dụng culture générale cho công việc của mình và, hơn thế nữa, đồng thời nó cũng là cái đích của công việc đó (theo như ông Hoàng Ngọc Hiến viết trong bài tham luận của ông).

Tạm lấy tiểu thuyết Madame Bovary làm ví dụ. Xét nó trong địa hạt culture générale, một người chỉ cần nói được Madame Bovary là tác phẩm của Flaubert là đã được coi như có hiểu biết, có culture générale, khi thi Questions pour un champion trên truyền hình, nếu bấm máy nhanh hơn người khác sẽ được tính điểm, khi đi thi công chức nếu trả lời đúng trong bài thi sẽ được cộng điểm và thêm chút hy vọng có việc hoặc nâng ngạch. Hoặc một người có thể biết Madame Bovary được viết vào thế kỷ XIX, tác giả từng phải ra tòa vì bị tố cáo vô đạo đức. Tất cả những hiểu biết đó, rất đầy đủ để nói một người có culture générale rộng rãi, rất tiếc lại không giúp gì cho nhà phê bình. Thật là phi lý nếu một nhà phê bình không biết tất cả những cái đó, và biết nhiều hơn thế, cũng phi lý ngang với khi một nhà toán học không biết các tiên đề Euclide hay định lý Pythagore. Thế mà ông Hoàng Ngọc Hiến lại có ý định «lý luận phải biến thành culture générale» (vì ông đồng hóa văn hóa với culture générale). Trong khi cái cần ở nhà phê bình là khả năng phân tích, tìm ra điều mà tác giả muốn nói (các nhà phê bình theo trường phái ý hướng tính của tác giả) hoặc tổng hợp thành các quy luật, các figures (các nhà phê bình kiểu Barthes hoặc Genette)...

Trong bài viết của ông có một câu đúng như chân lý: «Sự vận dụng lý thuyết văn học vào phê bình cũng phụ thuộc vào căn bản văn hoá, học vấn càng vững chắc, sâu rộng, cao thì sự vận dụng lý thuyết càng linh hoạt, sáng tạo...» Ông viết thế này thôi, không cho thêm từ culture générale vào thì không ai có thể nói gì được. Thực ra tôi hiểu ông Hoàng Ngọc Hiến muốn đi đến đâu. Ông muốn nhà phê bình học hỏi nhiều hơn, hiểu biết tốt hơn, vân vân và vân vân. Nhưng để diễn đạt ý đó, như tôi đã viết trong thư trước, ông nên dùng hoặc từ culture hoặc từ culture personnelle, bởi không thể ghép lý luận văn học là cái rất đặc thù của một ngành nghiên cứu vào culture générale là cái vừa nói rất nhiều vừa không nói gì hết cả.


Chủ nghĩa cổ điển và những điều có liên quan

Thưa ông Hoàng Ngọc Hiến, đoạn cuối bài trả lời của ông rất cảm động khi ông bồi hồi nhớ lại chuyện ngày xưa. Nhưng thưa ông, dù muốn đến đâu tôi cũng không thể chia sẻ với ông sự bồi hồi ấy được. Tôi không có cùng những sở nghiệm với ông, với ông Mao-ít gợi lên quá khứ, và gợi lên Mao-nhiều, và khiến ông bồi hồi, còn với tôi Mao-ít chỉ có nghĩa là Mao-ít mà thôi. Tôi nói Simon Leys là «nhà Mao-ít chiêu hồi» chỉ vì Simon Leys từng là một người có cảm tình với chủ nghĩa Mao (khi đó còn trẻ, vẫn mang tên thật là Ryckmans, ở Trung Quốc và lấy vợ Tàu) nhưng sau đó viết một mạch ba quyển sách: Les Habits neufs du président Mao, Ombres chinoises và Images brisées tố cáo chế độ độc tài ở Trung Quốc (cuốn đầu tiên in năm 1971) và cùng lúc đổi tên thành Simon Leys. Và tôi thấy cần thiết phải nói điều đó, bởi vì trong bài viết đầu tiên của ông, ông nhắc đến Simon Leys với tư cách «một nhà văn và một học giả lớn», trong khi Leys không phải nhà văn, còn học giả là chỉ với tư cách một nhà Trung Quốc học. Điều ông nói là không đúng nên tôi muốn nói rõ hơn một chút, ông đã «đọc đằng sau» câu chữ của tôi theo cách thế nào đó để rồi ông bồi hồi. Ở đây chúng ta đang chạm đến một nguyên tắc của trích dẫn khoa học: khi nhắc đến một học giả không phải ai cũng biết như Simon Leys, ông cần phải nói qua đó là ai, và tất nhiên phải nói chính xác. Nếu không người đọc rất dễ ngộ nhận : chẳng hạn ngộ nhận Leys là một nhà văn (như chính ông viết thế), ngộ nhận Leys là một học giả lớn trong lĩnh vực phê bình văn học, và ngộ nhận Leys là một người Úc (vì ông chỉ nói ngắn gọn Leys cho ý kiến của mình về cuộc tranh luận ở Úc). Như thế hoàn toàn sai, bởi vì Simon Leys là người Bỉ, đóng góp của ông cho văn hóa tiếng Pháp nhiều hơn cho văn hóa tiếng Anh (ông sang Úc để dạy về Trung Quốc với vốn tiếng Anh rất ít ỏi). Hơn thế nữa, trước hết Simon Leys là một nhà Trung Quốc học (rất xuất sắc), dịch «Luận ngữ» sang tiếng Pháp, trong khi thẩm quyền về phê bình văn học của ông không có trọng lượng như các nhà phê bình khác. Ngoài ra, cần biết Leys làm nghiên cứu văn học theo lối nào, có đi vào những vấn đề cốt lõi của văn chương, có chú trọng phân tích và tư biện không, có đứng vào hàng ngũ các nhà phê bình sống chết với phê bình không. Có vẻ như là không phải thế, bởi nếu ông Hoàng Ngọc Hiến có theo dõi hành trạng của Simon Leys trong lĩnh vực phê bình văn học thì sẽ thấy Simon Leys viết những sách như (tổng số sách ông viết về văn học thực ra không nhiều, có tổng cộng ba hoặc bốn quyển) Protée và các tiểu luận khác [5] , trong đó có một tiểu luận về các đoạn mở đầu tác phẩm, đơn giản là một sự liệt kê ; tiểu luận quan trọng nhất là Protée thực ra là một kiểu từ điển về cuộc đời Gide. Quyển nổi tiếng thứ hai của Leys liên quan đến văn học là Biển trong văn học Pháp [6] , hai tập, tập hợp các đoạn văn các nhà văn Pháp viết về biển. Tôi kể ra như vậy để ông Hoàng Ngọc Hiến thấy tác phẩm phê bình của Leys không có bề dày và bề sâu (dù tôi cũng rất thích các tiểu luận trong tập Protée, mà tôi coi là một thứ culture générale cao cấp). Tôi cho là khi trích dẫn ý kiến của người khác, không được phép chỉ quan tâm xem người đó nói hợp với mình hay không, giống với mình hay không, mà còn phải biết hiệu ứng, sức nặng của các ý kiến đó. Ông Hoàng Ngọc Hiến dùng ý kiến của một học giả chuyên đi ngoài rìa của phê bình để khẳng định một vấn đề quá quan trọng của phê bình, việc làm đó khó thuyết phục người khác.

Trên đây tôi trình bày những suy nghĩ khi tôi đọc đến cuối bài của ông Hoàng Ngọc Hiến, khi ông nghĩ có thể dùng trích dẫn của Simon Leys để khẳng định chủ nghĩa cổ điển là phát triển tối hậu của văn học. Trong bài góp ý ngắn, tôi nói cổ điển hóa văn học là một mưu toan không mới. Rất tiếc là ông không thuyết phục được tôi nghĩ khác.

Bảy điểm trong tuyên ngôn của Turner mới nhìn qua thì rất hợp lý, rất nhân văn (xin lưu ý là tôi dùng từ nhân văn theo nghĩa humaniste của thời Phục hưng, không phải từ nhân văn kiểu Việt Nam hay dùng, nghĩa là cái gì cũng phải nhân văn, và cứ nhân văn mới là tốt; ông Hoàng Ngọc Hiến cũng không cần phải bồi hồi kể cả khi trước từ này ông có nhiều lý do để bồi hồi), nhưng với tư cách người tiếp nhận, chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi. Tôi chỉ nói đến điểm thứ 6: “Tái hợp nghệ thuật với khoa học”. Nghĩa của câu này là gì? Với một người đọc có biết về lịch sử phát triển văn học phương Tây, khi phát biểu như vậy, Turner đã phủ nhận toàn bộ sự phát triển của nền văn học đó, dẫn nó đi vào một con đường luẩn quẩn. Mất bao nhiêu thời gian văn học (Littérature) như chúng ta nói hiện nay mới thoát được khỏi cái bóng của các môn khoa học khác, khỏi cái địa vị lơ lửng ở đâu đó giữa các Belles-Lettres, các arts (khoa từ nguyên giúp chúng ta hiểu nội hàm của hai từ này). Mất bao nhiêu thời gian văn học mới có vị trí độc lập đầy kiêu hãnh như hiện nay, không hiểu vì lý do gì mà lại có những ý định bắt nó quay trở lại con đường cũ. Tôi nói đến mưu toan là vì như thế. Khi tiếp nhận, chúng ta nên và bắt buộc có đầu óc phê phán (bài viết của ông Hoàng Ngọc Hiến cũng toát lên nhận định này, nhưng có vẻ như ông không thực hiện nó một cách chu đáo).

Hơn thế nữa, khi đặt chủ nghĩa cổ điển mới lên làm tên bài viết của mình, ông Hoàng Ngọc Hiến nên biết là ông đang đưa toàn bộ văn học phương Tây lên bàn mổ. Khi nói đến chủ nghĩa cổ điển, người ta hiểu là đang nói đến hoặc các tác phẩm thời Cổ đại (nhất là Hy Lạp), hoặc các tác phẩm của các nhà văn thế kỷ XVII (ở Pháp chính xác là từ 1660 đến 1700). Không ai phủ nhận các tác phẩm đó đẹp đến thế nào, rực rỡ đến thế nào, nhưng chính cái đẹp đẽ và cái rực rỡ đó đã bắt văn học phương Tây trả một cái giá rất đắt. Cái giá đó là một sự trì trệ kéo dài cho đến hết thế kỷ XVII, khi mà Mimèsis trở thành phương pháp sáng tác duy nhất có thể có của các nhà văn. Cái nguyên tắc mà Aristote đưa ra này khiến tất cả tác phẩm đều là và phải là sao chép, càng trung thành càng tốt, các nhà cổ điển. Trong suốt khoảng thời gian đó, không có sáng tạo theo đúng nghĩa, mà chỉ có bắt chước theo khuôn mẫu. Bắt đầu từ Thế kỷ XVIII mọi chuyện mới khác. Và đến đầu thế kỷ XIX từ classicisme mới xuất hiện ở Pháp, đến cuối thế kỷ đó thì xuất hiện các cá nhân muốn dùng chủ nghĩa cổ điển (mới) để đối chọi với chủ nghĩa lãng mạn. Xu hướng đó thể hiện ở André Gide, nhưng đặc biệt là ở các nhà văn theo chủ nghĩa quốc gia như Maurice Barrès và Charles Maurras, những người nghĩ chủ nghĩa lãng mạn làm mềm yếu người dân Pháp và dẫn tới hiểm họa thua cuộc trước người ngoại quốc, mà ở đây cụ thể là người Đức. Những hiểm họa mà chủ nghĩa quốc gia (kiểu của Barrès và nhất là của Maurras) gây ra như thế nào, chắc ai cũng biết, tuy rằng không thể không công nhận những giá trị của văn học đó; Barrès là thần tượng của toàn bộ giới trẻ Pháp những năm đầu TK XX, với những tiểu thuyết trong bộ Le culte du moi (Sùng bái cái tôi). Với Maurras, chỉ có nghệ thuật Hy Lạp là đáng giá, mọi phát triển đều phải dựa vào, hay tốt hơn là quay về, sự hài hòa cổ điển, các kỹ thuật cổ điển; Albert Thibaudet trong đoạn đầu Les idées de Charles Maurras [7] đã miêu tả chủ soái của Action Française mê đắm trước hàng cột điện Acropole như thế nào – với ông những cây cột doriqueionique đổ nát của Hy Lạp đáng giá hơn toàn bộ những người Do Thái cộng lại. Như thế thì còn chỗ nào cho cách tân, cho siêu thực, cho Oulipo? Ở Valéry cũng có xu hướng quay về cổ điển thông qua ý định tạo ra một Poétique (có thể dịch là thi pháp) mới, nhưng những gì liên quan đến Valéry, vì đó là một câu chuyện dài và xét thấy không mấy quan trọng ở đây, tôi xin để dành dịp khác thảo luận thêm với ông Hoàng Ngọc Hiến (dĩ nhiên nếu ông còn có hứng thú).

Ngoài ra, ngay ở đoạn đầu bài viết của ông Hoàng Ngọc Hiến, ông cảnh báo các nhà phê bình trẻ áp dụng sống sượng các lý thuyết, thì ngay ở dưới ông đồng tình ngay với các khái niệm lạ tai. Cứ đọc ông trích dẫn Turner như thế, người đọc có cảm giác thế giới đã mở toang mọi cánh cửa để tất cả các môn khoa học, đến giờ vẫn đang ẩn thân trong những biệt thất nhỏ, dù có ít nhiều giao du với một số người hàng xóm thân cận, tất cả bỗng dưng tìm được chỗ kết nối để trở thành một. Và điểm kết nối đó là phê bình văn học. Thế tại sao lại nhất thiết là phê bình khoa học mới được là chỗ nối đó, mà không phải là vật lý Nanô, không phải sinh học nguyên tử hay là khoa thú y? Điều gì làm cho phê bình văn học có chỗ đứng cao đến thế, trong khi cứ theo như ông nói thì các môn khoa học khác cũng rất có giá trị, nên cần tích hợp vào nhau? Tôi sẽ vô cùng hân hạnh và vui mừng khi chúng ta có thể áp dụng phép tích phân hay phương trình phản ứng hóa học vô cơ để hiểu một bài thơ. Nếu quả thật là làm được như thế thì tôi cũng sẵn lòng theo trào lưu mà đi học phép tích phân và các phương trình phản ứng hóa học vô cơ. Tóm lại là tôi xin phép được giữ một thái độ hoài nghi với những đề nghị của Turner.

Mỗi người hoàn toàn có thể thích cái này hơn cái khác. Ông Hoàng Ngọc Hiến hoàn toàn có thể thích văn học quay trở lại với chủ nghĩa cổ điển (theo cách của Turner). Ở đây tôi chỉ tìm cách chỉ ra những chỗ không vững của lý thuyết đó. Theo cách ông Hoàng Ngọc Hiến trình bày, tôi không tìm ra được lợi ích của hướng đi đó, nhất là khi áp dụng nó vào văn học Việt Nam hiện nay. Điều gì sẽ xảy ra: Thứ nhất, chủ nghĩa cổ điển (mới) dựa vào chủ nghĩa cổ điển nào khi chủ nghĩa đó chưa từng tồn tại (ít nhất theo cách hiểu của Turner) ở Việt Nam? Thứ hai, có thể cái chiều phát triển đó là hợp cho giai đoạn cuối đời của các nhà văn đâu đó (trong bài của mình ông Hoàng Ngọc Hiến đưa ra khá nhiều ví dụ về các trường hợp đó), nhưng với một nền văn học trẻ, nếu thực tâm muốn nó phát triển, tại sao nhất thiết phải nhốt nó vào cái lồng cổ điển như thế?

© 2004 talawas



[1]Pierre SALQUE, Cuture générale, 3e édition, Éditions Litec, 1998, 231 p.
[2]Bruno HONGRE, Philippe FOREST et Bernard BARITAUD, Grand dictionnaire de culture générale, Marabout (Belgique), 1996, 1148 p.
[3]Odon VALLET, Culture générale, 6e édition, Armand Colin, 1997, 252 p.
[4]Pierre SIMON, Dynamisez votre culture générale, Éditions Demos, Coll. « Les pratiques Demos », 2001, 269 p.
[5]Simon LEYS, Protée et autre essais, Gallimard, coll. « nrf», 2001, 151 p.
[6]Simon LEYS, La Mer dans la littérature française, 2 tomes, Plon, 2004, 778 et 730 p.
[7]Albert THIBAUDET, Les idées de Charles Maurras, tome 1 de Trente ans de vie française, 3e édition, Éditions de la NRF, 1920, 319 p.