trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
30.12.2004
M. Solokhov
Diễn từ Nobel (1965)
Đoàn Tử Huyến dịch
 
Thưa Ðức Vua!
Thưa các vị thành viên Hoàng Gia!
Thưa các quý bà và quý ông!

Tại buổi lễ trọng thể này tôi cho mình có một trách nhiệm dễ chịu là thêm lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với Viện Hàn lâm Thụy Ðiển đã trao tặng tôi giải Nobel.

Tôi cũng đã có dịp bày tỏ trước công chúng rằng điều này gợi lên trong tôi niềm thỏa mãn không chỉ bởi đó là sự công nhận quốc tế đối với những thành tựu nghề nghiệp và những đặc điểm của riêng tôi như một nhà văn. Tôi tự hào bởi giải thưởng này được trao tặng cho một nhà văn Nga, một nhà văn Xô Viết. Ở đây tôi đại diện cho đội ngũ đông đảo các nhà văn của Tổ quốc tôi.

Tôi cũng đã bày tỏ niềm thỏa mãn bởi giải thưởng này còn gián tiếp thêm một lần khẳng định thể loại tiểu thuyết. Trong thời gian gần đây chúng ta thường phải nghe và đọc những ý kiến, thú thực mà nói khiến tôi rất ngạc nhiên, tuyên bố rằng hình thức tiểu thuyết đã trở nên già cũ, không còn đáp ứng những yêu cầu của hiện đại. Trong lúc đó, chính tiểu thuyết tạo ra khả năng nắm bắt thế giới hiện thực một cách trọn vẹn nhất và thể hiện thái độ của mình đối với những vấn đề nóng bỏng của nó.

Tiểu thuyết, có thể nói, hướng đến sự nhận thức sâu sắc cuộc sống rộng lớn bao quanh ta hơn là đến những toan tính phô bày cái tôi nhỏ bé của mình như một trung tâm của vũ trụ. Thể loại tiểu thuyết, với đặc tính của mình, là căn cứ địa rộng lớn nhất của nhà nghệ sĩ hiện thực.

Nhiều trường phái thời thượng trong nghệ thuật từ bỏ chủ nghĩa hiện thực vì cho rằng nó đã sống hết thời của mình. Không sợ bị quở trách là bảo thủ, tôi tuyên bố rằng tôi đứng về phía những quan điểm đối lập, tôi ủng hộ nhiệt thành nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.

Hiện nay người ta hay nói về cái gọi là chủ nghĩa tiên phong trong văn học - hàm chỉ những thử nghiệm mới mẻ nhất chủ yếu là trong lĩnh vực hình thức. Theo quan niệm của tôi, người tiên phong chân chính là người nghệ sĩ trong các tác phẩm của mình khám phá ra nội dung mới xác định những đặc điểm của cuộc sống thời đại chúng ta.

Cả chủ nghĩa hiện thực nói chung, lẫn tiểu thuyết hiện thực đều dựa trên những kinh nghiệm nghệ thuật của các nghệ sĩ vĩ đại của quá khứ. Nhưng trong sự phát triển của mình, nó đã tích lũy thêm những đặc điểm mới một cách căn bản, hiện đại một cách sâu sắc.

Tôi đang nói về chủ nghĩa hiện thực mang trong mình ý tưởng làm mới cuộc sống, cải tạo cuộc sống vì lợi ích của con người. Hiển nhiên, tôi đang nói về chủ nghĩa hiện thực mà chúng tôi gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ðiểm đặc trưng của nó ở chỗ, nó thể hiện một thế giới quan không chấp nhận cả thái độ quan sát bàng quan lẫn thái độ trốn chạy hiện thực, mà nó kêu gọi đấu tranh vì sự tiến bộ của nhân loại, tạo ra khả năng đạt đến những mục tiêu gần gũi với hàng triệu con người, soi sáng con đường đấu tranh của họ.

Nhân loại không phân chia ra thành vô số những cá thể, cá nhân trôi nổi trong trạng thái không trọng lượng như những nhà du hành vũ trụ nằm ngoài giới hạn sức hút trái đất. Chúng ta sống trên mặt đất, chúng ta tuân theo những quy luật của trái đất, và, như trong Kinh Phúc Âm nói, ngày của chúng ta tự mãn bởi những vấn đề thường nhật của nó, những lo toan và đòi hỏi của nó, những hi vọng của nó vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Ðại đa số dân chúng trên trái đất bị thôi thúc bởi một động cơ duy nhất, sống bằng những quyền lợi chung, những mối quan tâm hòa kết với nhau hơn là chia rẽ.

Ðó là những con người của lao động, những người bằng bàn tay và khối óc của mình sáng tạo ra tất cả. Tôi thuộc về đội ngũ những nhà văn coi vinh dự tối cao của mình, tự do lớn nhất của mình là khả năng được phục vụ nhân dân lao động bằng ngòi bút của mình không bị hạn chế bởi bất cứ điều gì .

Ðó là xuất phát điểm của tất cả. Từ đó dẫn đến kết luận về việc tôi, với tư cách nhà văn Xô Viết, suy nghĩ như thế nào về chỗ đứng của người nghệ sĩ trong thế giới hiện đại.

Chúng ta đang sống trong những năm tháng đầy lo âu, nhưng trên mặt đất này không có một dân tộc nào mong muốn chiến tranh. Có những thế lực ném cả những dân tộc vào biển lửa chiến tranh. Chẳng lẽ tro than từ những đám cháy khổng lồ của Thế chiến II không gõ đập vào trái tim nhà văn? Chẳng lẽ một nhà văn trung thực không lên tiếng chống lại những kẻ muốn đưa nhân loại đến chỗ tự hủy diệt?

Ðâu là thiên chức, là nghĩa vụ của người nghệ sĩ coi mình không phải là một vị thần vô cảm trước những đau khổ của con người, ngự cao trên đỉnh Olympia nhìn xuống các thế lực tranh xé nhau, mà là một đứa con của dân tộc mình, một vi phân của nhân loại?

Cần phải nói với người đọc một cách trung thực, cần phải nói với mọi người sự thật - sự thật nhiều khi là khắc nghiệt nhưng luôn ngoan cường. Cần củng cố nơi trái tim con người niềm tin vào tương lai, vào sức mạnh của mình về khả năng xây dựng cái tương lai đó. Phải là người chiến sĩ vì hòa bình ở khắp thế giới và bằng lời nói của mình đào tạo nên những chiến sĩ đó ở khắp nơi nào mà lời nói đó vang đến được.

Phải đoàn kết con người trong những nỗ lực hiển nhiên và cao cả vì sự tiến bộ.

Nghệ thuật có sức tác động mạnh mẽ đến trái tim và khối óc con người. Tôi nghĩ, có quyền được gọi tên là nghệ sĩ những ai hướng sức mạnh đó đến việc kiến tạo cái đẹp trong tâm hồn mọi người vì lợi ích của nhân loại.

Dân tộc thân yêu của tôi tiến lên phía trước trên những ngả đường lịch sử không phải theo các lối đi mòn phẳng. Ðó là con đường của những người khám phá, những kẻ tiên phong của cuộc sống mới. Tôi nhìn thấy trách nhiệm của mình trong tư cách một nhà văn ở chỗ: bằng tất cả những gì tôi đã và sẽ viết tôn vinh dân tộc tôi - một dân tộc lao động, dân tộc xây dựng, dân tộc anh hùng, dân tộc không tấn công ai nhưng bao giờ cũng tự trọng bảo vệ thành quả của mình, bảo vệ danh dự và tự do của mình, bảo vệ quyền xây dựng tương lai theo lựa chọn của chính mình.

Tôi muốn những cuốn sách của tôi giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lí tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của loài người. Nếu tôi phần nào làm được điều đó, tôi hạnh phúc.

Tôi cảm ơn tất cả những ai có mặt trong hội trường này, cảm ơn tất cả những ai đã gửi lời thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp tôi được nhận giải Nobel.


© 2004 talawas
Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: http://nobelprize.org/literature/laureates/1965/sholokhov-speech-r.html