trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
Loạt bài: Giải Nobel Văn học 2004
 1   2 
4.1.2005
Horace Engdahl
Bài giới thiệu tác giả được trao giải Nobel Văn học 2004 Elfriede Jelinek
Nguyễn Tiến-Văn dịch
 
Nhà văn Áo Elfriede Jelinek được trao tặng giải Nobel Văn học 2004 “cho dòng chảy của những thanh và đối thanh trong các tiểu thuyết và kịch bản của bà bằng thiết tha ngôn ngữ phi thường mở phơi sự phi lí của những khuôn sáo xã hội và sức mạnh chế ngự của chúng”. Sau đây là bài giới thiệu tác phẩm của bà, do Giáo sư Horace Engdahl, thư kí thường trực của Hàn lâm viện Thuỵ điển, thành viên Hội đồng Nobel của viện này, đọc tại Sảnh đường Hoà nhạc Stockholm, ngày 10 tháng 12. 2004.
Elfriede Jelinek, Áo (sinh 1946)



Muôn tâu bệ hạ và chư vị hoàng gia, kính thưa quý bà và quý ông,

Ðiều đầu tiên làm bối rối khi đọc Elfriede Jelinek là giọng nói dị kì, phức hợp cất lên từ bản viết của bà. Tác giả ở khắp mọi nơi và chẳng ở nơi nào cả, không hề đứng hẳn sau các từ ngữ của bà, cũng chẳng bao giờ nhượng bước cho các hình tượng văn học của bà để cho phép cái ảo tưởng rằng chúng có khi nào tồn tại ngoài ngôn ngữ của bà. Chẳng có gì ngoài một dòng cuồn cuộn những câu, tưởng chừng như hàn gắn lại với nhau dưới cao áp và không có chỗ cho buông xả.

Elfriede Jelinek cố tình mở rộng tác phẩm của bà cho những khuôn sáo vốn ngập lụt các môi trường thông tin, quảng cáo và văn hoá đại chúng – tiềm thức tập thể của thời chúng ta. Bà vận dụng những bộ mã của văn chương lá cải, truyện tranh khôi hài, hài kịch truyền hình, dâm thư và tiểu thuyết dân gian (Heimatsroman), vì vậy sự điên dại vốn có sẵn trong những hiện tượng tiêu thụ ra vẻ vô hại này bừng sáng qua tác phẩm của bà. Bà nhái những thành kiến mà chúng ta không bao giờ chịu thú nhận, và chụp bắt, giấu sau lẽ thường, một mớ tào lao độc hại chẳng gốc ngọn cũng chẳng đạo đạt: tiếng nói của quần chúng. Bà đã nói rằng bà gõ vào ngôn ngữ để nge ra các ý hệ che giấu của nó giống như một thầy thuốc gõ ngực người bệnh. Thất kinh, chúng ta khám phá ra sự áp bức giai cấp, sự phân biệt giới tính, chủ ngĩa ái quốc cực đoan và sự bóp méo lịch sử vang lên qua những đàm thoại thông thường. Thể thao tức khắc đáng ngờ: tập dượt mang tính quân phiệt, đồng phục, sự tôn thờ kẻ mạnh và kẻ chiến thắng. Thiên nhiên: một bẫy rập chính trị. Phong cảnh miền núi của nước Áo đã là màn bối cảnh hoàn hảo cho việc nước này huỷ diệt cảnh đồng quê lí tưởng.

Khi những lí lưởng và mộng mơ thông thường của chúng ta được diễn lại bằng nhạc cụ của Elfriede Jelinek gồm những sự chơi chữ vô cảm, những ẩn dụ ma quái và những viện dẫn từ tác phẩm kinh điển bị bẻ quẹo bằng lửa địa ngục thì chúng không bao giờ còn mang hình bóng cũ được nữa. Cái giọng bóng gió của bà, giống như tia sáng hồng ngoại đã soi sáng văn bản bị che giấu của nền văn minh. Nơi trước đây chúng ta thấy xã hội bình thường thì nay chúng ta thấy một hệ thống khép chặt gồm nam/nữ, tấn công và chịu luỵ, kẻ săn và con mồi. Thực vậy, chúng ta bị bó buộc phải chấp nhận rằng chúng ta thấy ngôn ngữ của kẻ săn hấp dẫn hơn của con mồi. Sự phê bình xã hội của Elfriede Jelinek được hình thành không phải từ khoảng cách an toàn của tri thức cao cấp mà từ vực sâu của sự lây nhiễm không bị hạn chế! Trong tác phẩm của bà, những người chết quay trở lại không phải để an ủi mà là để làm nhân chứng. Hồn ma ở khắp chốn như thể người sống, và không có sự phân biệt rõ ràng nào giữa họ với nhau. Sự hiện hữu của người nữ thì giống như của ma cà rồng, sống đó mà chết đó, vì sự biểu hiện trọn vẹn bị cấm đoán. Một số nhân vật nữ của Elfriede Jelinek tưởng chừng như bước ra từ những mộng mị của đàn ông về những quái vật giống cái hút máu từ đầu thế kỉ 20. Như người kế thừa của chuỗi dài các nhà văn nước Áo về mặt phê phán ngôn ngữ, kể từ Johann Nepomuk Nestroy tới Ingeborg Bachmann và Thomas Bernhard, bà cũng biết tầm quan trọng của việc làm xẹp cái mối thương tâm của tai ương. Sự diễu hành của bà về các nàng công chúa bất hạnh từ các truyện cổ tích và từ đời thực trong chuỗi kịch bản Der Tod und das Mädchen (Cái chết và cô gái) được cô đúc vào hình ảnh về mái tóc vàng của Marilyn Monroe xoã tung từ dưới nắp hòm khi họ đóng quan tài để chôn cất nàng. Sự so sánh hạ giá vụt đến nhanh: “Giống như bọt tuôn ra từ một bình chữa lửa”.

Những loại hình văn học mờ nhạt tan biến dưới bàn tay Jelinek. Những vở kịch của bà không là sân khấu, đúng hơn là những “văn bản được nói lên”, giải thoát khỏi sự độc tài của những vai kịch, những đạo diễn sững sờ thấy ra rằng bà trao vào tay họ những chất liệu để cách mạng bộ môn kịch.

Những tiểu thuyết của bà – những cô gái hiền hoà là kẻ thua thiệt trong tiểu thuyết Ðàn bà như người tình, luận lí giết người của sự nổi loạn của thanh niên trong tác phẩm Những năm tháng tuyệt vời, mĩ học tự tùng xẻo trong tác phẩm Người chơi dương cầm, Sự lập lại vô cùng tận của sự kiện đơn giản là xâm nhập trong tác phẩm Dục vọng, bài nhập môn ABC về sự cưỡng bức phụ nữ trong cuốn Gier đã tưng bừng phá vỡ lề luật của ngệ thuật tự sự kinh điển. Tác giả không nhường sân chơi, đồng thời quan sát những nhân vật của bà như thể đám côn trùng dưới lồng kính. Sự tạo cú của bà tự thân chính là hành động. Qua sự hoán chuyển của các thanh và đối thanh, một thế giới trở thành hiện hữu, được sáng soi bằng sự phẫn nộ tạo sinh của bà.

Nhân vật chính trong một tác phẩm văn học là gì? Gác ngoài những dị biệt, đó là một người phải trong khi thế giới trái. Trong chủ ngĩa hiện đại nam giới, nó thường khi chính là tác phẩm, nguỵ trang là tiếng nói đơn độc của một bản ngã bơ vơ. Ðiều này mời gọi sự đồng cảm và đồng hoá, do đó tạo ra cái hiệu ứng karaoke muôn thuở của văn học, nơi độc giả tham dự ban đồng ca. Sự khó khăn khi đọc Elfriede Jelinek, là chẳng có người kể chuyện đồng tình nào mà người đọc có thể dựa vào và đồng hoá với mình. Ðó là một sự thức tỉnh khỏi lối đọc tự luyến.

Các tác phẩm của bà có lẽ đem lại cho chúng ta một hình ảnh đen tối về cuộc đời nhưng bà không phải là một người bi quan, bởi vì trong chủ ngĩa bi quan thông thường có hơi hướm của nỗi thương cảm tự thân và một lời nài nỉ ngấm ngầm. Thay vào đó, trăn mình qua những lời nguyền rủa của bà là một niềm iêu đời tuyệt vô hi vọng chướng tai gai mắt, là những tia sáng từ một mặt trời đen.

Hỡi bà Elfriede Jelinek rất vinh quang!

Theo lời của Hegel, đàn bà là sự mỉa mai của xã hội. Qua văn viết của bà, bà đã đem lại cho truyền thống phụ nữ dị giáo một vận hội mới và đã mở rộng ngệ thuật về văn học. Bà không thương lượng với xã hội cũng như với thời đại của bà, bà cũng chẳng thích ngi với độc giả. Nếu văn học theo định ngĩa là một sức mạnh không uốn mình trước gì hết, thì ngày nay bà là một trong những đại biểu chân chính nhất của văn học.


© 2005 talawas