trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
30.10.2003
Nguyễn Huy Thiệp
Thời của tiểu thuyết
 1   2   3 
 
1. Vì sao tiểu thuyết?

Trong tiến trình phát triển văn học có nhiều giai đoạn khác nhau. "Thời cuộc cứ một khi co, một khi duỗi" vốn là lẽ thường. Gần đây, khi trao đổi với Nguyễn Việt Hà, tôi đồng ý khi anh cho rằng:
- Không phải tự dưng ở Trung Quốc người ta chia ra các thời như Tống từ, Ðường thi, tiểu thuyết Minh-Thanh… Mỗi một thời sẽ có một thể loại văn học nào đó "hợp thời" với nó.
- Từ khi nước ta "đổi mới" (từ 1986) văn học Việt Nam chuyển biến. Thời của truyện ngắn đã qua rồi, nhất là sau những thành công của những tên tuổi nổi cộm như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Ðỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh v.v…
- Các nhà văn trẻ tương lai muốn bứt phá lên, muốn thành danh cần phải tìm ra một hướng đi mới với hình thức khác, thể loại khác mới hòng "tiêu diệt" được các nhà văn tiền nhiệm "đáng ghét"…

Những ý kiến trên rất đáng để ta suy nghĩ. Tôi cảm thấy nó đúng, một là vì dựa trên sự quan sát nội tâm, chính tôi cũng cảm thấy bế tắc trong việc sáng tác nếu cứ loanh quanh với một thể loại truyện ngắn, việc phải chuyển sang một thể loại khác là điều tất yếu: viết tiểu thuyết hiện nay rõ ràng là một nhu cầu có thực, tự thân; hai là vì dựa trên sự quan sát xã hội, quan sát "văn đàn" với những biến động có phần thực dụng (sau đây tôi sẽ cố gắng lý giải điều này cụ thể).

Nghệ thuật văn chương, nói gì thì nói, không thể nào phủ nhận giá trị xã hội "sát sườn" của nó. Hônôrê đờ Banzắc, tác giả bộ tiểu thuyết xã hội "Tấn trò đời" bằng lao động nhà văn và những kinh nghiệm của thứ lao động khổ sai vừa phù phiếm, vừa kỳ diệu đó, nói rất chính xác: "Nghệ thuật văn chương vốn có mục đích tái hiện thiên nhiên bằng tư tưởng - là loại phức tạp nhất trong các loại hình nghệ thuật". Trong khi các loại hình nghệ thuật khác (âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, điện ảnh v.v…) "trình bày", mua bán, mua vui, "biểu diễn" v.v… thì văn học âm thầm phân tích nó ("nó" là điều mà Banzắc gọi chệch đi là "thiên nhiên"), chỉ ra những chân lý "tươi tỉnh" của hiện thực. Không phải lúc nào, thời nào văn học cũng "cởi trần, mặc quần đùi" nhưng cũng không phải lúc nào, thời nào cũng đóng bộ quốc phục hoặc quân phục. Việc ăn mặc hợp thời, tìm ra một cách thức thể hiện văn chương hợp thời là cần thiết. Khăng khăng một cách viết, một thể loại cũng chẳng khác gì "bức sốt nhưng mình vẫn áo bông" có phần nào nực cười và vớ vẩn.

Tôi cũng ngờ ngợ như nhiều cây bút khác khi cảm thấy tiểu thuyết hiện nay có vẻ như một trang phục hợp cách với văn học Việt Nam. Khi mới đổi mới, nếu để ý quan sát, ta sẽ thấy xã hội Việt Nam thay đổi, tìm đường, mò mẫm, thử nghiệm, cải cách, hòa nhập, bung ra, xiết lại… trải qua hơn một thập kỷ nhiều khi có vẻ như đang "vừa đ… vừa run". Trong bối cảnh đó, tất cả các cung cách bảo thủ dường như hợp lý, hợp cách: các trật tự thì vẫn không ngoài "cha truyền con nối", kinh doanh hốt bạc vẫn chỉ là kinh doanh "nhà thổ" (đất đai bất động sản), thơ thì rõ ràng lục bát "oách" hơn tự do, văn xuôi "cổ điển" chiếm thượng phong: tất cả các tác phẩm "đứng được" đều xuất phát từ học tập cổ điển hoặc "tân cổ điển"… Truyện ngắn là một thể loại "bài tập", cũng là một thể loại "tháp ngà" rất khó để thành danh (trừ những tác giả viết được đồng đều khoảng trên dưới 30 truyện phải "đứng được" với thời gian. Số đó rất hiếm. Ngay đến cả nhiều tên tuổi như Phạm Thị Hoài cũng chỉ có khoảng 10 truyện, Phan Thị Vàng Anh ít hơn: khoảng 5 truyện). Nguyễn Hoàng Ðức trong một bài viết gần đây phê phán tôi (bài viết này viết kém vì ẩu) có phần nào đã "coi thường Nguyễn Huy Thiệp" là có lý của anh ta nếu như tôi cũng chỉ là một tác giả truyện ngắn mà thôi (thực tế, tôi cũng có viết kịch, tiểu thuyết và tiểu luận văn học nhưng không phải ai cũng đọc nó và không phải ai cũng biết cách đọc nó).

Truyện ngắn là một thể loại viết dễ nhưng rất khó thành (thực ra thể loại nào chẳng thế) nhưng ở đây tôi muốn nói về khía cạnh tương đối để có thể so sánh với tiểu thuyết. Số lượng truyện ngắn in báo hàng ngày dễ có đến con số hàng trăm nhưng "đứng được" thậm chí cả năm trời có một truyện được dư luận văn học quan tâm là cùng. Tính chất "ăn ngay", "thời sự" của thể loại này và "hình thức nhỏ" của nó đã khiến cho có người ví truyện ngắn như những vũ khí "mi-ni" kiểu dao găm, súng lục có vẻ như "dễ làm", "dễ xơi". Trong quan niệm sáng tác của tôi, một mặt tôi vẫn coi truyện ngắn như "tác phẩm" (viết với ý thức "cổ điển") nhưng một mặt khác tôi cũng vẫn chỉ coi nó là "bài tập văn chương" mà thôi. Hai điều này vừa mâu thuẫn vừa không mâu thuẫn. Viết truyện ngắn thì cách thức "tổ chức" (chuẩn bị tư liệu, chuẩn bị cảm xúc, bố cục, kết cấu, quan sát, tự quan sát, xây dựng nhân vật, ngôn ngữ nhân vật, tính cách v.v…) có phần nào "nghệ sỹ" (tuỳ hứng, ngẫu hứng, cảm hứng, thậm chí cả bởi câu thúc bởi "đơn đặt hàng") gì thì gì vẫn khác với viết tiểu thuyết là một cung cách làm việc buồn tẻ song "đứng đắn" hơn nhiều.

Sau một thời gian đổi mới, xã hội Việt Nam hiện nay đã ổn định so với 10, 20 năm trước. Chiến tranh lùi xa "gần như quá khứ". Những giá trị nghệ thuật nhất thời với thời gian tự nó phôi phai đi, bị loại bỏ hoặc trước sau gì cũng bị loại bỏ (ta hãy xem việc có những ý định loại bỏ tượng đài Sơn Mỹ, tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" hay những tượng đài xi-măng khác). Tôi thì tôi ủng hộ ý kiến loại bỏ hoàn toàn). Trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng có những chuyển biến tương tự. Việc xây dựng một xã hội mới tiến bộ, hiện đại là nhu cầu có thật, diễn ra hàng ngày. "Những hàng chợ" nhường chỗ cho những hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu. Những ngôi nhà tạm, ổ chuột được thay thế bằng những cao ốc, những "buyn-đinh" v.v… Danh hiệu nhà văn và ý thức chuyên nghiệp cũng dần thay thế các kiểu văn nghệ nghiệp dư quần chúng (dù chúng không loại bỏ nhau, không cản trở nhau hoặc nếu có loại bỏ, cản trở thì loại bỏ, cản trở theo cách khác chứ không như trước kia, xếp cùng một "chiếu", ăn cùng một mâm và gì thì gì nó vẫn phải theo giá trị của thời thế).

Thỉnh thoảng, người ta vẫn thấy "trên văn đàn" những ý kiến về việc "đã có độ lùi xa" để viết về lịch sử hay về chiến tranh. Những ý kiến đó đúng. Ngay cả về "đề tài hiện đại" sự xét nét quá đáng cũng phải bớt đi (tốt nhất là không còn nữa vì trước sau gì thì nó cũng là tất yếu của lịch sử, tất yếu của quy luật tự do). Xét về phương tiện làm việc, điều kiện chuẩn bị tư liệu v.v… cũng thuận lợi để cho các nhà tiểu thuyết bắt đầu công việc của mình một cách "chuyên nghiệp".

Trong điều kiện hoà nhập, với "sân bãi quốc tế", văn học (cũng giống như bóng đá Việt Nam hay việc xuất khẩu hàng hóa công nông nghiệp) buộc phải mạnh lên về chất lượng và cả về "hình thức bao bì" của nó, tạo dựng một thương hiệu tử tế. Tiểu thuyết rõ ràng hợp thời hơn cả. Nhưng dĩ nhiên, nói tiểu thuyết không có nghĩa sẽ là tiểu thuyết… Phải là thứ tiểu thuyết thế nào đấy. Vấn đề sẽ là chất lượng: cả về nội dung, cả về hình thức để thể hiện nội dung đó.

Ở thơ (một thể loại nhạy cảm nhất của văn học) gần đây cũng đã bắt đầu có những nhúc nhắc. Những bài thơ dài của Vi Thùy Linh, dài một cách khác thường và thậm chí "hành hạ" người đọc (bất chấp mẫn tiệp hay không mẫn tiệp) là một ví dụ.

Về phê bình văn học, mặc dầu không muốn nhắc đến Nguyễn Hoàng Ðức nhưng dù sao tôi vẫn phải nhắc đến anh ta vì sức "sản xuất" vô lối những khái niệm, nhận xét của anh ta (với số lượng hàng ngàn trang giấy) gì thì gì cũng vẫn có một cái gì đấy "của thời đại". Tôi không có nhiều thì giờ đọc hết các tác giả phê bình văn học khác nhưng chỉ nhìn trên giá bày ở các hiệu sách cũng đã thấy không biết cơ man nào là chữ với nghĩa. Tất cả cứ như thôi thúc người sáng tác viết tiểu thuyết vậy.

Tiểu thuyết. Trường thiên tiểu thuyết.
Phải là tiểu thuyết. Ðó là một nhu cầu của thời hiện tại.


2. Tiểu thuyết gì?

Ðộ dày và tạp của tiểu thuyết có một cái gì đấy "hấp dẫn" (có lẽ hấp dẫn người viết hơn là người đọc). Tiểu thuyết vừa là một "sự tha hóa, xuống cấp" của truyện ngắn vừa là một "sự phát triển, bứt phá lên" của truyện ngắn. Nói ra điều này thật buồn cười, có phần khó hiểu với người ngoại đạo. Nếu như truyện ngắn đòi hỏi tinh lọc, thậm chí khắc nghiệt thì tiểu thuyết tạp đến nỗi cái gì cũng có thể thâu nạp vào được. Tiểu thuyết như một nồi lẩu nóng hổi của nghệ thuật. Khi từ viết truyện ngắn chuyển sang viết tiểu thuyết, nhà sáng tác có phần nào dễ dàng hơn, "thênh thang" hơn. Không phải tự dưng các nhà cổ điển khuyên các nhà văn trẻ hãy bắt đầu từ truyện ngắn. Việc rèn luyện kỹ năng từ các bài tập truyện ngắn giúp cho các nhà sáng tác khi viết tiểu thuyết nhiều thuận lợi hơn.
"Thời kỳ truyện ngắn" của hơn thập kỷ vừa qua đủ độ cho các nhà sáng tác ở ta có kinh nghiệm chuyển sang "thời kỳ tiểu thuyết". Tiểu thuyết gì? Tôi ngờ ngợ võ đoán tương lai trên văn đàn ở ta sắp tới sẽ có mấy dạng, mấy kiểu sau đây:

Tiểu thuyết tự vấn (dùng lại khái niệm "văn học tự vấn" mà nhà văn Nguyên Ngọc đã dùng) dành cho những nhà văn loại một có "tư tưởng". Tôi nghĩ rằng đây sẽ thuộc về những nhà văn khoảng độ tuổi "đầu 5". Trẻ hơn rất khó "tự vấn" vì kinh nghiệm cuộc sống không đủ cho họ có thể xem xét nội tâm của mình và nội tâm xã hội. ý thức công dân và bản lĩnh của thế hệ nhà văn này theo tôi là chẳng có gì đáng ngại trừ những "thằng điên" thực sự. Chiến tranh và những kinh nghiệm lịch sử, ký ức, hồi ức, ẩn ức… với độ dài về thời gian sẽ giúp họ có thể xây dựng nên những tác phẩm có giá trị. Ðòi hỏi về tự do tư tưởng của lối tiểu thuyết tự sự, tự vấn này rất lớn và không phải ai cũng "nuốt được thuốc đắng". Với lối tiểu thuyết này, điều cơ bản không phải là những đề tài, những vấn đề mổ xẻ "tấn trò đời" (có quá nhiều nguyên liệu dành cho nó) mà việc tìm ra một giọng điệu mới sẽ là quan trọng hơn. Viết theo lối mòn của tiểu thuyết cũ thì chẳng ai đọc được. Ðây sẽ là kiểu tiểu thuyết đòi hỏi rất nhiều "võ" (ý tôi muốn nói về kỹ thuật viết văn). Những nhà văn xoàng đừng dại đâm đầu vào lối viết này. Văn chương có điều oái oăm là không phải cứ có ý chí là sẽ làm cho nó hay được. Nhưng thật trớ trêu, đối với các nhà văn xoàng thì càng khó họ sẽ lại càng đâm đầu vào viết. "Ðiếc không sợ súng" cũng là một chân lý có thực ở trong văn học. Gần đây, người ta thấy nhan nhản các bộ tiểu thuyết, thậm chí trường thiên tiểu thuyết ra đời liên tiếp. Chỉ nhìn qua thống kê trong cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004 của Hội Nhà văn Việt Nam người ta cũng đủ giật mình: con số tiểu thuyết được viết ra trên dưới ba chục cuốn dù cho cuộc thi mới chỉ đi được một nửa chặng đường! Trong số các nhà văn "viết dài" thì Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Ðình Chính nổi lên như những "kiệt hiệt". Những cố gắng không mệt mỏi của Lê Lựu, Trung Trung Ðỉnh, Chu Lai, Nguyễn Việt Hà v.v… cũng đáng nể phục. Nguyễn Khải với tiểu thuyết tự sự "Thượng đế thì cười" cũng không thể không coi là một cái mốc của "thời tiểu thuyết".

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng rồi đây thành công của tiểu thuyết Việt Nam sẽ không phải là ở dạng tiểu thuyết "chính thống" kiểu tự vấn, tự sự mà có khả năng sẽ rơi vào dạng tiểu thuyết "mua vui cũng được một vài trống canh": dạng tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết phiêu lưu, trinh thám hoặc cái gì từa tựa như thế. Thực tế, một khi xã hội ổn định, đời sống vật chất tinh thần tăng dần lên thì người ta sẽ không còn băn khoăn quá nhiều về "lý tưởng" hoặc "chân lý" gì nhiều nữa (ở đây tôi muốn nói đến lý tưởng sống chung chung và chân lý phàm tục thường nhật chứ không muốn ám chỉ về khía cạnh chính trị). Có thể nhìn rộng ra thêm ở các hoạt động âm nhạc biểu diễn để so sánh: các ca khúc thu hút giới trẻ (nhạc trẻ) vẫn thường ăn khách ở trong các tụ điểm vui chơi nhiều hơn "ca khúc truyền thống". Sẽ là tương tự như thế, những tiểu thuyết best seller hấp dẫn người ta với những chủ đề vô thưởng vô phạt rồi đây sẽ chiếm thượng phong. Tôi cũng nghĩ rằng những nhà văn tiên phong hàng đầu trong lối viết này (nhất là ở giai đoạn đột phá) sẽ phải là những nhà văn tài năng số một. Việc ra đời hàng loạt các tờ báo, tạp chí sẽ tạo điều kiện để các tiểu thuyết fenilleton xuất hiện. Thực tế trong văn học sử nước ta, Thế Lữ, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài v.v… cũng từng đã viết như thế.

Tại sao tôi nói rằng phải là những nhà văn tài năng số một đột phá vào dạng tiểu thuyết này? Vì nhiều lẽ: một là, thường ở những nhà văn tài năng thì sự nhạy cảm thời vận ở họ là hiển nhiên, họ chẳng dại gì khư khư một kiểu, một lối mà không đổi mới chính mình; hai là, bởi sức ì của thói quen "đọc văn học" ở độc giả rất ghê gớm, buộc độc giả thay đổi một thị hiếu thì phải có tác phẩm lớn thực sự, thậm chí phải có "thiên tài" đi đầu đột phá. Nếu "võ công" không cao, khó mà thuyết phục được họ. Tóm lại, kiểu gì thì kiểu không có một tài năng khai phá thì chẳng thể làm trò trống gì được với thị hiếu - vốn "vô tư", nhẹ dạ và bạc bẽo, lại cũng hay thay đổi.


3. Tài năng lớn

Thực ra, khái niệm "tài năng lớn" cũng là một khái niệm cổ hủ và vớ vẩn của "lịch sử". "Có tài mà cậy chi tài" chỉ có những kẻ huênh hoang thì mới cậy tài. Trên thực tế, người nào cũng có tài năng. Trong thời buổi hiện đại với các phương tiện thông tin, phương tiện làm việc khác trước thì việc "tổ chức làm việc" giỏi mới thực sự quan trọng. Viết tiểu thuyết (nhất là dạng tiểu thuyết "mua vui", tôi thậm chí coi "Ba người ngự lâm pháo thủ" của A-lếch-xăng Ðuy-ma và cả "Ai-van-hô" của Oan-tơ Scôt cũng ở dạng này) giống như một cuộc thi ma-ra-tông tổng hợp gồm cả chạy bộ, bơi qua sông và đi xe đạp. Trong cuộc chơi đó, người nào biết cách "tổ chức" phân phối sức lực, phân bố "vốn" v.v… hợp lý và phải được các "fan" ủng hộ nữa thì đến đích.

Rất có thể sẽ có dạng tiểu thuyết kết hợp nhiều người viết. Một khi báo chí có nhiều, nhu cầu cần có những tiểu thuyết fenilleton xuất hiện thì sẽ có những nhà văn hoặc nhóm nhà văn kiểu đó. Vấn đề ở chỗ phải có một cơ chế thoáng trong việc kiểm soát văn học và vấn đề cũng ở chỗ người ta sẽ trả giá bao nhiêu tiền cho các tài năng.

Không có một danh hiệu hão nào lại có thể hão hơn danh hiệu nhà văn ở ta được. Cho đến bây giờ, số lượng người viết "hữu danh vô thực" vẫn chiếm số đông. Việc chấm dứt tình trạng "danh hão" trong văn chương cũng buộc phải có những tài năng thực sự.


4. Hạ thấp "thiên chức" xuống!

Trong những lý thuyết đao to búa lớn về văn chương thì khái niệm "thiên chức" khiến cho nhiều người e ngại nhất. Tôi nghĩ rằng khái niệm ấy ra đời trong hoàn cảnh lịch sử khác với bây giờ: dân trí thấp, nạn ngoại bang, văn chương gắn với bổ dụng quan lại v.v… Khi xã hội thay đổi, kinh tế thương trường, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa v.v… mọi sự có vẻ sẽ dễ dàng hơn, thậm chí nhiều chuyện chỉ là trò đùa hay trò du hí. Trên thực tế văn học sử, chuyện du hí văn chương vẫn có và thậm chí còn có nhiều thành tựu khả ái là khác. Chúng ta không nên quá coi trọng "thiên chức" trong sự nghiệp sáng tác của Hồ Xuân Hương, Tú Xương. Ngay những "thiên chức" trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu v.v… đôi khi cũng còn đáng ngờ. Tôi không phủ nhận các "giá trị thiên chức" trong văn chương nhưng thực ra du hí văn chương cũng là một chân lý có thực. Trong một xã hội phát triển, cái gì cũng có thể quan trọng hóa nó được nhưng cũng có thể không quan trọng hóa nó cũng được… Ta hãy xem cách khai thác đề tài làm phim của Hô-ly-út: ngay những vụ "xì-căng-đan" trong cuộc sống người ta vẫn nâng nó thành "nghệ thuật" được. Văn học, công nhận rằng nó có những thiên chức ngất trời nhưng cũng không phải vì thế mà sùng bái, sợ hãi nó đến nỗi không ai dám động thủ cả.

Dân chủ hóa trong văn học là một nhu cầu của thời đại. Bởi tính chất "tạp ăn" của tiểu thuyết, thiếu một bầu không khí dân chủ trong sinh hoạt văn học, thiếu một sự cởi mở trong tiếp nhận và thưởng thức văn học thì cũng rất khó cho văn học phát triển.

Tôi cứ nghĩ rằng thời của tiểu thuyết sẽ là thời của dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ.

15/6/2003
Nguồn: Tạp chí Ngày Nay, số 19 và 20, tháng 10.2003