trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
17.1.2005
Mikhail Mikhailovich Bakhtin
Sáng tác của François Rabelais và nền văn hoá dân gian Trung cổ và Phục hưng
4 kỳ
Phạm Vĩnh Cư lược thuật và giới thiệu
 1   2   3   4 
 

M. M. Bakhtin (1895-1975)



Vài lời giới thiệu

Tác giả cuốn này, Mikhail Mikhailovich Bakhtin (1895-1975), là một trong những nhà nghiên cứu văn học xuất sắc nhất của Liên Xô. Do hoàn cảnh khách quan, ông không viết được nhiều lắm, nhưng công trình nghiên cứu nào của ông cũng trở thành sự kiện đáng ghi nhớ trong lĩnh vực khoa học xã hội ở Liên Xô và có tiếng vang khá rộng ở nước ngoài. Ở Bakhtin vốn tri thức mênh mông được kết hợp với một tư duy lý luận hết sức sâu sắc và độc đáo. Ông đã viết về vấn đề gì là đưa ra một quan điểm mới, một cách nhìn nhận mới, nhiều khi khác hẳn với những quan niệm thông thường. Mạnh bạo hơn, Bakhtin còn phát hiện ra nhiều vấn đề mới, khám phá nhiều đối tượng nghiên cứu mới mà trước ông chưa ai lưu ý tới. Những vấn đề và đối tượng nghiên cứu ấy lại thường nằm ở “vùng tiếp giáp” của nhiều ngành khoa học (nghiên cứu văn học, mỹ học, ngôn ngữ học, triết học, sử học, dân tộc học v.v.), cho nên những công trình nghiên cứu của Bakhtin thường được giới khoa học xã hội ở Liên Xô thảo luận, bàn cãi sôi nổi và rộng rãi. Một đặc điểm hấp đẫn khác khiến Bakhtin thu hút được nhiều độc giả là bút pháp sắc sảo, giầu hình tượng của ông. Như một nhà văn thực thụ, Bakhtin biết khắc họa hình tượng sống động của những con người và vấn đề mà ông đề cập tới.

Cuốn Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng là luận án tiến sĩ (ban đầu nó mang tên: Rabelais trong lịch sử chủ nghĩa hiện thực) mà Bakhtin bảo vệ tại Viện văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1940, nhưng mãi tới năm 1965 mới được in thành sách. Ngay sau khi xuất bản, nó đã được dư luận khoa học ở Liên Xô (qua các bài giới thiệu - phê bình của L. Pinskij, Ja. Gureviech, L. Batkin đăng trên các tạp chí Những vấn đề văn họcNhững vấn đề triết học năm 1966-1967) đánh giá rất cao. Người ta nhất trí nhận định rằng những quan điểm lý luận và phương pháp luận của cuốn sách này vượt xa khỏi khuôn khổ nghiên cứu Rabelais và có tác dụng soi sáng đối với nhiều bộ môn khoa học, trước tiên là mỹ học và triết học của tiếng cười. “Sau cuốn sách của Bakhtin, toàn bộ lịch sử tiếng cười phải được viết lại” - đó là một trong những ý kiến gần đây nhất của Gurevich (xem tạp chí Văn học nước ngoài năm 1966) khẳng định tác dụng có tính chất cách mạng trong khoa học của cuốn sách của Bakhtin.

Những luận điểm cơ bản của Bakhtin về đặc tính và vai trò của nền văn hóa trào tiếu dân gian những năm gần đây đã được giới học giả ở Liên Xô tiếp thu và ứng dụng rộng rãi, ngay cả giới nghiên cứu phương Đông. Trong một cuốn sách giáo khoa Lịch sử văn học phương Đông được xuất bản ở Liên Xô trong những năm gần đây, trong phần văn học Trung Quốc có hẳn một chương: Văn hóa hội hè dân gian Trung Quốc thời Trung cổ. Nhà nghiên cứu văn học Việt Nam N. Nikulin cũng vận dụng những luận điểm của Bakhtin để cắt nghĩa hiện tượng Hồ Xuân Hương. Gần đây nhất, viện sĩ Đ. Likhachev đã dựa vào những phát kiến của Bakhtin để sáng tác cuốn Thế giới trào tiếu của nước Nga cổ (Nxb Nauka, 1975).

Ý nghĩa lành mạnh, mang tính thế giới quan của cái tục trong sáng tác của Rabelais cũng là một phát kiến rất quan trọng của Bakhtin, khiến cho giới khoa học và nói chung công chúng ngày nay phải xét lại những quan niệm về cái tục trong văn hóa cổ truyền. Bakhtin đã chứng minh rõ rằng, cái tục trong tác phẩm của Rabelais và trong sáng tác trào tiếu dân gian tuyệt đối không mang ý nghĩa “sinh lý” bẩn thỉu như ngày nay. Ngược lại, nó thể hiện tư duy duy vật tự phát, ý tưởng về sự bất tử của tập thể nhân dân và lý tưởng sung mãn vật chất của loài người.

Bakhtin nêu ra hẳn một phạm trù mới: “Văn hóa trào tiếu dân gian” (Narodnaja smekhovaja kultura) gồm 3 thể loại hình thức chủ yếu: các hình thức hội hè dân gian, các tác phẩm văn học trào tiếu dân gian và các hình thức “ngôn ngữ chợ búa - quảng trường”. Đặc biệt, ông làm sáng tỏ ý nghĩa vô cùng lớn lao của mọi hình thức hội hè (nhất là hội giả trang) trong lịch sử văn hóa loài người. Ông làm nổi bật hai yếu tố quan trọng hàng đầu của hội hè: ý thức về tính tương đối đáng mừng của thực tại hiện hữu và sự “thao diễn” trước tương lai lý tưởng. Sau khi xác định: hội hè (đặc biệt hội giả trang) là cuộc đời thứ hai của nhân dân, là sự thoát ly tạm thời thế giới hiện hữu để thưởng thức trong giây lát thế giới lý tưởng: thế giới của tự do, bình đẳng, bác ái và sung mãn vật chất, Bakhtin nêu rõ tác dụng tích cực to lớn của hội hè và các hình tượng trào tiếu hội hè dân gian đối với sự phát triển của văn học và của tư duy nghệ thuật nói chung. Theo Bakhtin, tiếng cười hội hè có tác dụng giải phóng con người khỏi sức ức chế của hệ tư tưởng chính thống, cho phép con người nhìn nhận thế giới bằng một con mắt mới, tỉnh táo và đồng thời lạc quan, giúp con người thấy rằng trật tự thế giới hiện hữu và toàn bộ hiện thực trước mắt không mang tính tất yếu tuyệt đối và vì thế không bất di bất dịch, rằng ngoài cái hiện thực hiển nhiên ấy có thể có một hiện thực hoàn toàn khác, được xây dựng trên những cơ sở khác, hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với những mục đích sinh tồn tối cao của loài người, rằng trong bản thân cái hiện thực chưa hoàn hảo hôm nay ẩn tàng những mầm mống của ngày mai. Thực chất, ở đây Bakhtin đề cập tới một vấn đề hết sức cơ bản của văn học nghệ thuật, tức là mối quan hệ giữa hiện thựclý tưởng trong hình tượng nghệ thuật. Vấn đề này gắn bó khăng khít với một vấn đề hệ trọng khác: thế nào là chủ nghĩa hiện thực chân chính trong văn học nghệ thuật? Linh hồn của nó là gì? Bakhtin không đưa ra một “đáp án” trực tiếp và đầy đủ cho vấn đề này (ông nhiều lần nhấn mạnh rằng khuôn khổ hạn chế của cuốn sách không cho phép ông có những nhận định khái quát quá rộng), nhưng từ những phân tích so sánh cụ thể của ông toát ra một ý: chủ nghĩa hiện thực chân chính, chủ nghĩa hiện thực cỡ lớn thù địch ngang nhau với cả hai xu hướng đối lập: lý tưởng hóa hiện thực hoặc sao chép nó theo phương pháp kinh nghiệm chủ nghĩa. Ở chủ nghĩa hiện thực chân chính, thái độ tuyệt đối tỉnh táo, phê phán nhạy sắc hiện thực kết hợp nhuần nhuyễn với một ý thức thường trực về bản chất luôn luôn không hoàn bị (“dở dang”) của thế giới, bản chất luôn luôn chứa đựng khả năng đổi mới của sự vật. Chủ nghĩa hiện thực thâu tóm thế giới không ở thể dạng hoàn bị và tĩnh tại mà trong quá trình hình thành đầy mâu thuẫn nội tại (phép biện chứng của sự sống), nhưng có phương hướng, có ý nghĩa. Hình tượng nghệ thuật trong chủ nghĩa hiện thực, trước tiên là hình tượng con người, vì vậy không bao giờ mang tính đơn nghĩa và tính đồng nhất (trùng hợp) đơn thuần với bản thân mình. Nó bao giờ cũng chứa đựng khả năng đổi mới, khả năng phủ định bản thân mình, vượt khỏi khuôn nền của mình.

Theo Bakhtin, tiếng cười hội hè dân gian, những hình tượng hội hè dân gian thể hiện một hình thức sinh động như vậy về bản chất không hoàn bị và khả năng đổi mới cả hiện thực. Cho nên, được các nghệ sĩ bậc thầy thời Phục hưng, đặc biệt là Rabelais, kế thừa và nâng lên một trình độ phát triển cao, chúng đã trở thành một công cụ nghệ thuật thâu tóm hiện thực vô cùng hữu hiệu, đã tạo nên cốt lõi cho một chủ nghĩa hiện thức sâu rộng.
Phạm Vĩnh Cư (1975)




Dẫn luận (đặt vấn đề )

Giữa các tác gia vĩ đại của văn học thế giới François Rabelais là người chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Chẳng phải tên tuổi ông ít được biết tới hoặc có ai phủ định giá trị lịch sử của ông. Đã từ lâu, giới phê bình và nghiên cứu văn học quen đặt Rabelais bên cạnh Dante, Boccaccio, Shakespeare, Cervantes, tức là những bậc đại văn hào đã khai sinh cho nền văn học châu Âu mới. Ở Pháp, tổ quốc của Rabelais, các văn sĩ lãng mạn như Chateaubriand và Hugo đã từng coi Rabelais như một trong những thiên tài vĩ đại nhất của loài người, một cây bút đại tài, một nhà hiền triết và một đấng tiên tri. Nhưng song song với những ý kiến tán dương như vậy, đã từ rất lâu trong công chúng độc giả lưu truyền quan niệm khá phổ thông về Rabelais như một nhà văn “bất nhã”, “sống sượng”, ”kỳ quái”, thậm chí “dâm tục”. Rabelais bất nhã hơn bất cứ một nhà văn lớn nào khác, bất nhã có hệ thống, và chính điều này làm cho nhiều người không ưa và không muốn hiểu ông. Thực ra cho đên tận ngày nay, những hình tượng của Rabelais vẫn còn là một bí ẩn không những đối với quần chúng độc giả, mà ngay cả đối với giới nghiên cứu văn học.

Muốn khám phá bí ẩn này, phải tìm ra những nguồn gốc dân gian của “hiện tượng Rabelais”. Nếu đã bốn thế kỷ nay, người ta thấy Rabelais đứng lẻ loi một cách lạ lùng giữa văn đàn chính thức của các dân tộc châu Âu, thì ngược lại trong bối cảnh của nền văn hóa dân gian ngàn đời mà ta còn phải hiểu cho đúng, chính bốn thế kỷ văn học gần đây lại có thể trở lên lẻ loi và lạc lõng, còn những hình tượng của Rabelais thì lại ăn nhập hoàn toàn với thế giới sáng tác dân gian đó.

Rabelais quả là tác giả khó nhất trong số các tác giả cổ điển của văn học thế giới, vì muốn hiểu đúng được ông, độc giả ngày nay phải biết thay đổi hẳn thị hiếu nghệ thuật của mình, phải từ bỏ nhiều tiêu chuẩn và quan niệm về cái đẹp, cái tao nhã đã ăn sâu vào tiềm thức của con người, phải xét lại nhiều khái niệm và nhất là phải có những hiểu biết thấu đáo về nền “văn hóa trào tiếu dân gian” (narodnaja smekhovaja kultura), mà hiện nay giới khoa học vẫn còn nghiên cứu ít và hời hợt.

Mục tiêu của phần dẫn luận này là nêu lên vấn đề văn hóa trào tiếu dân gian thời Trung cổ và Phục hưng, xác định phạm vi và sơ bộ nhận định tính đặc thù của nó.


*


Những hình thức và những biểu hiện của nền văn hóa trào tiếu dân gian thời Trung cổ và Phục hưng rất phong phú và đa dạng, nhưng đại để có thể được phân định thành ba loại cơ bản:

  1. Những nghi thức và trò diễn hội hè (hội giả trang và các hội hè khác tương tự như thế; các trò mua vui công chúng v.v.)
  2. Các tác phẩm văn học trào tiếu (trong đó có văn, thơ, kịch nhại) truyền miệng và thành văn bằng tiếng La tinh và các tiếng dân gian
  3. Các hình thức và thể loại phát ngôn sỗ sàng theo lối chợ búa - quảng trường (mắng chửi, nguyền rủa, thề thốt, xưng tục v.v.).

Trong thực tế liên quan khăng khít với nhau, cả ba loại hình thức văn hóa dân gian ấy phản ánh hiện thực dưới một giác độ thống nhất - giác độ trào tiếu.

Những hình thức hội hè kiểu giả trang cùng những trò diễn và nghi thức mua vui gắn liền với chúng chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống của con người Trung cổ. Ngoài hội giả trang (carnaval) [1] theo nghĩa hẹp của từ ấy còn có nhiều hội hè dân gian khác như “hội của những kẻ ngu” (festa stultorum), “hội con lừa”, hội “tiếng cười phục sinh” (risus paschalis) v.v. Thậm chí, hầu như ngày lễ tôn giáo nào cũng kèm theo những hình thức mua vui dân gian kiểu giả trang. Không khí hội giả trang ngự trị trong những ngày trình diễn các thánh kịch (mystere) và hý kịch (sotie), trong các ngày hội nông nghiệp, đặc biệt là hội thu hoạch nho (vendage) được tổ chức không những ở nông thôn, mà cả ở đô thị. Hàng năm, những thành phố lớn châu Âu sống tổng cộng gần ba tháng trong không khí hội hè dân gian.

Tất cả những hình thức hội hè ấy đều nằm ngoài phạm vi sinh hoạt nhà nước và sinh hoạt tôn giáo. Chúng khác với các nghi thức và hoạt động khánh tiết chính thức của nhà nước và giáo hội ở một điểm cơ bản: chúng mang tính chất mua vui, chứ không phải tính chất trang nghiêm. Chúng tạo ra ở bên cạnh cuộc sống chính thức một thế giới thứ hai cuộc đời thứ hai, mà tất cả những con người Trung cổ đều ít nhiều tham dự, đều sống theo quy luật của cuộc sống thứ hai ấy trong những khoảng thời gian nhất định.

Giầu tính trực quan và yếu tố du diễn, những hình thức hội hè giả trang có nhỉều điểm gần gũi với nghệ thuật sân khấu. Bản thân nghệ thuật sân khấu thời Trung cổ ở một chừng mực nhất định cũng là một thành phần của nền văn hóa hội hè dân gian. Nhưng hạt nhân giả trang của nền văn hóa đó không phải là hình thức nghệ thuật sân khấu và thậm chí, không nằm trong địa hạt của nghệ thuật. Nó nằm ở ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống. Thực chất, nó là cuộc sống được tổ chức như một trò diễn.

Thật vậy, hội giả trang là một hình thức của một trò diễn, nhưng không có phân chia người diễn và người xem. Hội giả trang không có sân khấu, không có dàn đèn (rampe) dù ở dạng phôi thai nhất của chúng. Người ta không xem, mà sống trong hội giả trang, tất cả mọi người đều sống trong đó, vì hội giả trang về nguyên tắc là ngày hội của toàn dân. Không thể tìm nơi trốn tránh hội giả trang được vì nó không có ranh giới không gian. Chừng nào hội giả trang còn tiếp diễn, mọi người đều không thể sống một cuộc sống nào khác, ngoài cuộc sống theo quy luật tự do của hội giả trang. Hội giả trang mang tính chất vũ trụ; nó là một trạng thái đặc biệt của toàn thể thế giới, là sự hồi sinh và đổi mới của vạn vật mà mọi người đều liên quan. Đó chính là tinh thần, là bản chất của hội giả trang mà mọi người tham gia nó đều nhận thức một cách rất sinh động.

Có thể nói, trong hội giả trang, bản thân cuộc sống diễn trò, và trò diễn thì lại trở thành cuộc sống. Hội giả trang là cuộc sống thứ hai của nhân dân, cuộc đời được tổ chức theo nguyên tắc của tiếng cười. Cuộc đời ấy đồng thời là cuộc đời hội hè của con người.

Hội hè (dưới mọi hình thức) là một yếu tố nguyên thủy rất quan trọng của văn hóa loài người. Không thể lấy những điều kiện và mục tiêu cụ thể của lao động xã hội hoặc nhu cầu nghỉ ngơi của cơ thể con người để giải thích nguồn gốc phát sinh và lý do tồn tại của hội hè . Mọi thứ hội hè bao giờ cũng có ý tứ sâu rộng, với nội dung thế giới quan trọng đại. Không một sự “tập luyện” tổ chức và cải tiến lao động xã hội, không một sự mô phỏng quá trình lao động và không một sự nghỉ ngơi giải trí nào tự thân chúng lại có thể trở thành hội hè; để trở thành hội hè, chúng phải được liên thông với lĩnh vực khác của cuộc sống - lĩnh vực tư tưởng - tinh thần; chúng phải nhận được sự “phê chuẩn” từ thế giới của những mục tiêu tối cao, tức là những lý tưởng của con người, chứ không phải từ thế giới của những phương tiện và điều kiện tất yếu.

Mọi thứ hội hè đều liên quan mật thiết đến thời gian, nảy sinh trên cơ sở những quan niệm nhất định của con người về thời gian - thời gian thiên nhiên (vũ trụ), thời gian sinh vật và thời gian lịch sử. Trong mọi giai đoạn phát triển của chúng, hội hè đều gắn liền với những giây phút khủng hoảng, những bước ngoặt trong cuộc sống của thiên nhiên, của xã hội và của con người. Trong tinh thần hội hè, nhưng yếu tố diệt vong và tái sinh, biến hóa và đổi mới bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo. Chính những yếu tố ấy dưới nhiều hình thức biểu hiện khác nhau tạo nên cái không khí hội hè đặc thù của ngày hội.

Trong điều kiện của xã hội có giai cấp đối kháng, nhất là của chế độ phong kiến, đặc tính nói trên của hội hè, tức là tính gần gũi của chúng với mục tiêu tối cao của cuộc sống con người, với sự hồi sinh và đổi mới của vạn vật chỉ có thể được thể hiện một cách đầy đủ, đích thực và trong sáng ở hội giả trang và các hội dân gian khác. Những hoạt động hội hè ấy đã thực sự trở thành cuộc sống thứ hai của nhân dân, trở thành những hình thức thoát ly tạm thời thực tại hiện hữu để “nếm mùi” hiện thực lý tưởng - hiện thực của tự do, bình đẳng, đại đồng và sung mãn.

Những hình thức khánh tiết chính thức của thời Trung cổ - cả khánh tiết tôn giáo lẫn khánh tiết nhà nước - không hề đưa con người ra khỏi trật tự thế giới hiện hữu, không tạo ra một cuộc đời thứ hai nào khác. Ngược lại, chúng thần thánh hóa, lý tưởng hóa chế độ xã hội đương thời để củng cố thêm nó. Chúng nhìn vào quá khứ, mượn uy tín của quá khứ để đề cao hiện tại. Chúng khẳng định tính ổn định bất di bất dịch và vĩnh viễn của trật tự thế giới hiện hữu với những ngôi thứ và đẳng cấp, những giá trị, tiêu chuẩn và những điều cấm đoán về tôn giáo, chính trị và luân lý. Do đó, “giọng nói” của chúng chỉ có thể là giọng nói nghiêm túc từ đầu đến cuối, tiếng cười hoàn toàn xa lạ với bản chất của chúng. Nhưng cũng chính vì thế mà những ngày lễ, ngày hội chính thức trong các chế độ cũ đã phản bội, xuyên tạc bản chất chân chính của hội hè. Nhưng cái bản chất chân chính ấy lại có một sức sống không thể hủy diệt được, cho nên các giai cấp thống trị vẫn phải cho phép quần chúng tổ chức các hội hè dân gian và thậm chí ngay trong những ngày lễ chính thức cũng phải nhường một phần không gian cho những hình thức mua vui dân gian.

Trái với các lễ tiết chính thức của nhà nước và tôn giáo, hội giả trang biểu dương một sự thoát ly tạm thời chân lý thống trị và chế độ hiện hữu, một sự bãi bỏ tạm thời mọi quan hệ ngôi thứ, mọi đặc quyền đặc lợi, mọi tiêu chuẩn và điều cấm đoán hàng ngay.

Việc bãi bỏ mọi quan hệ đẳng thứ trong hội giả trang có một ý nghĩa đăc biệt quan trọng. Trong xã hội có giai cấp những ngày lễ, ngày hội chính thức chỉ làm nổi bật thêm những sự khác biệt về ngôi thứ giữa người với người. Tại các buổi lễ đó, mọi người đều phải phục sức theo đúng chức tước và công trạng của mình và được xếp đặt trong một chỗ đứng (hoặc ngồi) tương xứng với địa vị của họ, bằng cách ấy, người ta thừa nhận và thiêng liêng hóa sự bất bình đẳng xã hội. Ngược lại, tại hội giả trang mọi người đều bình đẳng với nhau. Những con người trong cuộc sống hàng ngày bị chia cắt bởi những sự khác biệt về đẳng cấp, chức tước, tài sản, quan hệ gia tộc và lứa tuổi, trong hội giả trang lại gặp mặt và tiếp xúc một cách thỏa mái đến suồng sã. Trong bối cảnh của một xã hội cực kì ngôi thứ như chế độ phong kiến với những sự cách biệt ghê gớm giữa các đẳng cấp và phường hội, sự tiếp xúc tự do thoải mái giữa người với người trong hội giả trang được mọi người nhận thức rất rõ ràng, và chính nó góp phần quan trọng tạo nên cái không khí vui vẻ đặc biệt của ngày hội này. Tại hội giả trang, sự xa cách giữa người với người tạm thời biến mất. Con người như được tái sinh cho những quan hệ xã hội lý tưởng, con người trở về với bản chất của mình và cảm thấy mình là con người giữa muôn người. Những mẫu mực điển hình cho những hình thức tiếp xúc và ăn nói thoải mái theo kiểu hội giả trang ta có thể tìm thấy được rất nhiều trong cuốn tiểu thuyết của Rabelais.

Trong quá trình phát triển ngàn năm - một sự phát triển bao gồm cả kế thừa những nghi thức trào tiếu cổ xưa hơn - hội giả trang Trung cổ đã tạo ra một ngôn ngữ hình tượng rất đặc thù. Ngôn ngữ ấy, đa dạng và phong phú, thể hiện một nhân sinh quan hội hè thống nhất của nhân dân. Nó biểu tượng khả năng đổi mới không ngừng của vạn vật, nó nói lên nhận thức lạc quan của nhân dân về tính tương đối, tính hữu hạn của trật tự thế giới hiện tại, của chân lý chính thống và quyền lực thống trị. Bản thân nguyên tắc cải trang (gồm cả đeo mặt nạ) trong hội giả trang tượng trưng cho yếu tố du diễn của sự sống, cho khả năng thay đổi bộ mặt của thế giới và con người. Hơn bất cứ một biểu tượng nào, mặt nạ phủ định tính phiến diện, tính trùng khớp đơn thuần với bản thân mình và tính bất biến của sự vật; nó làm nổi bật khả năng thay đổi, tính đa dạng và phức tạp của vạn vật. Một trong những trò diễn phổ biến nhất và giàu ý nghĩa nhất trong hội giả trang là trò “tấn phong và phế truất vua hề”: người ta bầu một người nào đó làm vua, làm lễ “lên ngôi” cho y và long trọng rước đi khắp phố. Sau đó một thời gian, khi ông “vua” đó đã hết hạn “trị vì”, thì người ta chế nhạo, thóa mạ y, lôi xuống đánh đập, xé vương miện và quần áo nhà vua của y, bắt mặc quần áo hề và đuổi khỏi quảng trường. Ở các hội hè khác, công chúng còn bầu “giám mục”, “giáo chủ”, “giáo hoàng” hề và rồi cũng chế nhạo, đánh chửi những nhân vật ấy như vua hề vậy. Tất cả những gì tượng trưng cho cái cũ, cái hết thời và lỗi thời, ở hội giả trang đều bị chê cười, chế nhạo, đánh đập, tiêu hủy. Ở hội giả trang người ta làm lễ hạ huyệt thế giới cũ đồng thời cắt rốn cho thế giới mới (“tống cựu nghinh tân”). Do đó, tiếng cười ở hội giả trang mang tính nhị chức năng (ambivalentnyj): nó vừa hân hoan lại vừa diễu cợt, vừa phủ định lại vừa khẳng định, vừa hạ huyệt lại vừa tái sinh.

Tính nhị chức năng nói lên liên quan mật thiết với những đặc tính khác của tiếng cười hội hè dân gian. Đó là tính toàn dântính phổ quát (universalism). Tiếng cười trong hội giả trang không phải là phản ứng của từng cá nhân trước từng hiện tượng nực cười của cuộc sống. Tại hội giả trang, mọi người đều cười, cả thiên hạ cười. Đối tượng của tiếng cười ấy cũng là cả thế giới, cả vũ trụ, là mọi sự và mọi vật ở trên đời. Ở hội giả trang người ta cười cuộc đời và cười mình, người ta thấy cả thế giới là nực cười, là tương đối, là chưa hoàn chỉnh, chưa “tươm tất”, là phải phá đi để xây lại.

Cần nhấn mạnh tính tự trào của tiếng cười hội hè dân gian. Bản thân nhân dân cũng không loại trừ mình ra khỏi cái tổng thể chưa hoàn chỉnh của thế giới. Nhân dân cũng thấy mình là chưa hoàn thiện, là phải đổi mới, phải chết đi và sống lại ở dạng tốt đẹp hơn và hoàn thiện hơn. Đây là một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa tiếng cười hội hè dân gian và tiếng cười trào phúng (satyre) của thời đại mới. Nhà trào phúng thuần túy chỉ biết có một cách cười - cười phủ định; nhà trào phúng đặt bản thân mình ra ngoài hiện tượng mà mình chê cười, đối lập với hiện tượng đó. Còn tiếng cười dân gian thì thể hiện lập trường của một thế giới luôn luôn ở trong quá trình biến đổi, mà người cười là một bộ phận và một đại diện.

Trong tiếng cười hội hè dân gian Trung cổ, cần thấy rõ một khía cạnh rất quan trọng nữa - đó là sự chiến thắng sợ hãi. Đây không chỉ là chiến thắng nỗi khiếp sợ thần bí (sợ chúa trời, sợ thần linh, ma quỉ v.v.), hoặc khiếp sợ trước những sức mạnh của thiên nhiên, mà còn là chiến thắng nỗi khiếp sợ trước những thế lực xã hội: trước uy quyền của vua chúa và của giáo hội, trước những tầng lớp thống trị, trước tất cả những gì được coi là thần thánh tôn nghiêm, những điều răn đe cấm đoán đè nặng và làm vẩn đục ý thức của con người. Ở hội giả trang, người ta đùa cợt và chế nhạo tất cả những gì gây sợ trong cuộc sống hàng ngày (ví dụ chế nhạo hình tượng của ông vua, của thần chết, của địa ngục v.v.), người ta biến hết thẩy những gì đáng sợ thành “những con ngáo ộp nực cười”. Giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi, khiếp đảm, tiếng cười cho phép con người nhìn nhận thế giới dưới một ánh sáng mới, tìm tới một chân lý mới về thế giới và quyền lực. Tất nhiên, trong xã hội có người áp bức người, sự chiến thắng sợ hãi chỉ mang tính nhất thời, tính hội hè. Sau những ngày hội, con người lại trở về với trật tự xã hội được xây dựng trên uy quyền, áp bức và đe dọa. Nhưng từ những lần chiến thắng nỗi sợ ấy, dần dần hình thành một nhận thức mới, nhận thức phi chính thống về thế giới và con người làm tiên đề cho phong trào tư tưởng nhân văn Phục hưng.


© 2005 talawas


[1]Không nên nhầm lẫn với hội khiêu vũ giả trang (mascarade) - một hình thức vui chơi của tầng lớp phong kiến quý tộc thời xưa.