trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
18.1.2005
Mikhail Mikhailovich Bakhtin
Sáng tác của François Rabelais và nền văn hoá dân gian Trung cổ và Phục hưng
4 kỳ
Phạm Vĩnh Cư lược thuật và giới thiệu
 1   2   3   4 
 
Chương bốn: Những hình tượng cỗ tiệc của Rabelais

Thế giới quan hội hè của Rabelais được thể hiện rất rõ qua các hình tượng cỗ tiệc. Chúng giữ một vị trí rất quan trọng trong cuốn tiểu thuyết của ông. Hầu như không có một trang sách nào trong cuốn tiểu thuyết ấy mà lại không có hình tượng cỗ tiệc, hình tượng ăn uống, nếu không dưới dạng các cảnh được miêu tả trực tiếp, thì cũng dưới dạng ẩn dụ từ và hình dung từ. Nhưng, khác với tuyệt đại đa số các hình tượng ăn uống, tiệc tùng trong văn học các thế kỷ sau này, đây không phải là những cảnh sinh hoạt hàng ngày, không phải là những cảnh truy hoan, chè chén của những con người cá thể. Đây là những hình tượng cỗ tiệc trong ngày hội, cỗ tiệc của toàn dân. Xu hướng sung mãn toàn dân thấm sâu mọi hình tượng ăn uống của Rabelais, chi phối phương pháp cấu tạo các hình tượng ấy, tính phóng đại tích cực và âm sắc hoan hỉ đắc thắng của chúng. Tất cả những hình tượng ăn uống của Rabelais đều tương tự như những chiếc giò và những tấm bánh mì khổng lồ mà người ta vẫn thường rước đi các phố trong ngày hội giả trang. Chúng biểu trưng cho lý tưởng no đủ, lý tưởng dồi dào vật chất - động cơ lao động và sáng tạo mãnh liệt nhất của loài người.

Trong nền văn hóa của mọi dân tộc từ thời cổ xưa nhất, hình tượng ăn uống bao giờ cũng liên quan mật thiết với lao động (“tay làm hàm nhai”). Ăn uống là sự kết thúc thắng lợi của lao động và đấu tranh. Lao động chiến thắng thế giới trong hành động ăn uống, tức là hành động thu nạp cái phần của thế giới mà con người chiếm lĩnh được, chinh phục được. Chính vì thế cho nên mọi hình tượng ăn uống trong sáng tác dân gian bao giờ cũng vui tươi, hoan hỉ, bao giờ cũng đầy tinh thần chiến thắng. Là giai đoạn kết thúc thắng lợi của lao động, ăn uống trong hệ thống hình tượng dân gian thường thay thế, đại diện cho toàn bộ quá trình lao động. Nhờ ăn uống, nhờ dinh dưỡng mà vạn vật phát triển và đổi mới, vì thế, bên cạnh chức năng kết thúc, hình tượng ăn uống bao giờ cũng mang thêm chức năng khởi đầu. Về phương diện này, mô típ ăn uống tương tự như mô típ cưới xin (sinh con đẻ cái, “cỗ tiệc”, “tiệc cưới” là cách kết thúc điển hình của các tác phẩm dân gian). Qua đó, ta thấy trong nền văn hóa dân gian, các hình tượng ăn uống cỗ tiệc có một nội dung thế giới quan rất sâu rộng. Chúng liên quan mật thiết với những quan niệm về sống, chết, đấu tranh, lao động, chiến thắng, phát triển, tái sinh, đổi mới. Chúng giầu yếu tố không tưởng, chúng hướng về tương lai và thao diễn trước tương lai. Trong sáng tác của Rabelais, những hình tượng cỗ tiệc, ăn uống cũng có những đặc tính như vậy.

Những hình tượng cỗ tiệc trong sáng tác của Rabelais còn có một chức năng quan trọng nữa: chúng tạo ra khung cảnh thích hợp nhất cho những lời phát biểu tự do, cởi mở và sáng suốt, những lời phát biểu nói lên chân lý lạc quan về thế giới và loài người. Giữa cỗ tiệc và phát ngôn tự do từ xưa đã có mối quan hệ trực tiếp. Ta có thể thấy rõ điều này qua các tác phẩm thuộc thể loại “hội thoại tiệc rượu” (symposion) trong văn học Hy Lạp - La Mã cổ. Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Rabelais hết lời ca ngợi rượu cũng chính vì rượu có tác dụng giải phóng ngôn luận của con người. Rượu và bánh mì (các thể chất đại diện cho thế giới bị con người chiến thắng trong lao động và đấu tranh) xua tan mọi nỗi sợ, mọi điều kiêng cấm, tạo ra bầu không khí thích đáng cho con người nói lên sự thật, nói lên chân lý; “chân lý trong rượu” (in vino veritas) chính là cái chân lý phù hợp hoàn toàn với nhận thức của Rabelais - nó tự do, quả cảm, vui tươi và duy vật. Nó là chân lý của sự sống luôn đổi mới trên trái đất, là tiếng nói hoan hỉ của thời gian toàn năng.


Chương năm: Hình tượng thân xác nghịch dị trong sáng tác của Rabelais và những nguồn gốc của nó

Những hình tượng ăn uống, cỗ tiệc trong tác phẩm của Rabelais có một điểm chung với một số loại hình tượng khác, đặc biệt là các hình tượng thân xác và đời sống xác thịt của con người. Đó là tính khuếch trương, tính phóng đại, tính lố trớn, mà khuếch trương, phóng đại, lố trớn, theo nhận định chung, là một trong những dấu hiệu chủ yếu của phong cách sáng tác nghịch dị.

Còn gì nghịch dị hơn tình trạng của thân thể trong thế giới nghệ thuật của Rabelais. Cả hai nhân vật chính - Gargantua và Pantagruel - đều thuộc dòng dõi những con người khổng lồ mà mỗi người mang trong cơ thể mình cả một thế giới với trăng sao, sông núi, ruộng đồng, làng mạc, dân cư… Gargantua chui từ trong tai mẹ ra sau khi bà ta bị bội thực vì dùng quá nhiều lòng bò. Pantagruel thì ra đời cùng với một đoàn xe ngựa chở đầy thức ăn mặn. Gargantua lúc đói nuốt chửng cả một đoàn người hành hương cùng với rau xà lách. Pantagruel thuở nhỏ mỗi bữa bú cạn sữa 400 con bò. Gargantua chỉ cần với tay cũng tháo được những quả chuông to nhất trên tháp nhà thờ Đức Mẹ Paris mang về làm nhạc cho con ngựa của mình. Pantagruel chỉ cần thè lưỡi ra là đủ che cho cả đoàn quân khỏi bị ướt trong đêm mưa to gió lớn. Gargantua đái một lúc làm chết ngập 260.418 người dân Paris (không kể đàn bà và trẻ em) tò mò đổ ra ngoài đường xem anh ta. Pantagruel lặp lại “chiến công” của bố: một mình đái làm chết đuối toàn bộ đoàn quân của vua Anarche, khiến dân chúng vùng xung quanh phải tưởng rằng Chúa lại ra tay làm một trận hồng thủy mới và như vậy, thiên hạ đã đến ngày tận số.

Những hình tượng thể xác và sinh hoạt thể xác được phóng đại như vậy rất nhiều trong tiểu thuyết của Rabelais. Chúng không chỉ khôi hài một cách đơn thuần. Chúng có nội dung triết lý sâu rộng, có logích nghệ thuật hoàn mỹ. Trong thế giới của Rabelais, hầu hết mọi sự phóng đại đều mang tinh thần tích cực, tinh thần khẳng định. (Chính vì thế, Rabelais không phải là nhà văn trào phúng như Quevedo, như Swift, như Saltykov-Shedrin, nhà văn trào phúng phóng đại để chỉ trích, để hủy diệt, Rabelais phóng đại để khẳng định và đổi mới). Theo Rabelais, hết thảy những gì tốt đẹp, những gì có giá trị thì đều phải dồi dào, đều phải có kích thước to lớn. Mặt khác, sự dồi dào, sung túc về lượng là dấu hiệu của tính phong phú, đa dạng về chất. Cái hay, cái tốt, cái đẹp đồng thời là cái to tát, cái giầu tính chất, cái vượt quá giới hạn của mình. Những nhân vật lý tưởng của Rabelais do đó chẳng những có tầm cỡ khổng lồ, mà còn mỗi người là một thế giới, một vũ trụ, phong phú và phát triển cao. Người ta có thể sinh sống và hoạt động trong vũ trụ ấy, như tác giả đã từng sống hàng tháng trong miệng của Pantagruel…

Hình tượng thân thể nghịch dị của Rabelais cùng một bản chất với hình tượng thân thể trong văn hóa nghệ thuật dân gian các nước, nhất là văn hóa trào tiếu. Hình tượng ấy, như đã nói ở phần dẫn luận, thâu tóm hiện thực trong quá trình đổi thay không ngừng, quá trình hình thành và tăng trưởng, diệt vong và nảy sinh. Do đó, nó không bao giờ mang tính hoàn chỉnh và tĩnh tại. Nó bao giờ cũng đang được xây dựng, đang được nặn đắp và đồng thời tự dựng xây, tự đắp nặn một thân thể khác. Nó luôn luôn thu hút thế giới vào mình và đồng thời bị thế giới thu hút, đồng hóa thế giới và bị thế giới đồng hóa. Những hoạt động đặc trưng cho cái thân thể luôn luôn vượt ra khỏi phạm vi của mình là giao hợp, thụ thai, sinh đẻ, hấp hối, ăn uống, phóng uế. Đó là những sự kiện chủ yếu trong đời sống của nó. Những bộ phận của cơ thể được nhấn mạnh, được khuếch trương là bụng, các cơ quan sinh dục, mồm, vú và đít. Tất cả những chỗ lồi lõm, những chi nhánh và lỗ hổng ấy là những nơi mà ranh giới giữa thân thể và thế giới bên ngoài và giữa thân thể này với thân thể khác bị xóa nhòa, là nơi mà thân thể giao lưu với thế giới bên ngoài và với thân thể khác. Có thể nói, trong “địa hình” của thân thể nghịch dị không có mặt phẳng, không có đồng bằng, mà chỉ có núi đồi và vực thẳm. Tất nhiên, trong hình tượng thân thể nghịch dị, những cơ quan và bộ phận khác cũng có thể được nhắc tới, nhưng chúng chỉ giữ vai trò diễn viên câm trong tấn kịch thân xác.

Với cách cấu tạo như vậy, thân thể nghịch dị thực chất không phải là hình tượng thân thể cá nhân (như trong nghệ thuật cổ điển) mà là thân thể chủng loại, là một khâu trong chuỗi dây phát triển chủng loại, hay nói đúng hơn là hai khâu ở chỗ chúng nối tiếp với nhau. Hình tượng nghịch dị về bản chất là hình tượng song thân (hai thân trong một thân, một thân đang hấp hối và một thân đang sinh nở). Ngoài ra, nó mang tính vũ trụ, nó cũng có đầy đủ những nguyên tố vật chất của vũ trụ, cũng được tổ chức như vũ trụ và liên quan mật thiết đến đời sống của vũ trụ; nó có thể có kích thước to lớn như vũ trụ, có thể hòa lẫn với các hiện tượng tự nhiên như núi, sông, biển, lục địa v.v., có thể thu hút cả vũ trụ vào trong mình (như thân thể Pantagruel chẳng hạn).

Quan niệm về thân thể con người như một “vũ trụ nhỏ” có nguồn gốc rất sâu xa và phản ánh cuộc đấu tranh của loài người với nỗi sợ, nỗi khiếp đảm trước những hiện tượng và sức mạnh tự nhiên to lớn và hùng mạnh hơn con người: trước trời cao, trước biển rộng, trước núi non hùng vĩ, trước những thiên tai và đại biến của vũ trụ. Tất cả các hệ thống tôn giáo xưa nay vẫn khai thác nỗi sợ ấy để đàn áp, ức chế ý thức con người. Con người chiến thắng nỗi sợ đó bằng cách ý thức sự tương đồng về bản chất giữa mình và vũ trụ, bằng cách tìm thấy vũ trụ (thổ, thủy, kim, hỏa) ở trong cơ thể mình. Trong cuộc đấu tranh chống hệ tư tưởng Trung cổ, triết học nhân văn Phục hưng đã lấy thân thể con người làm mô hình cho vũ trụ, coi cơ thể con người như một tổ chức hoàn hảo nhất và phong phú nhất của vật chất vũ trụ. Con người là tinh hoa của vũ trụ, ngự trụ vũ trụ, sống trong vũ trụ như trong nhà mình. Không một hiện tượng và không một sức mạnh nào của vũ trụ đáng sợ đối với con người cả.

Mọi hình tượng thân thể và cuộc sống thể xác của Rabelais thấm nhuần tư tưởng ấy. Chúng vừa nói lên sức mạnh và những khả năng lớn lao của con người, vừa xua tan nỗi sợ trước những tai biến của thiên nhiên. Cả loài người chết trong cơn hồng thủy do Chúa Trời làm nên là một điều thật khủng khiếp. Nhưng muôn vạn người chết ngập trong bể nước đái mà Gargantua và Pantagruel tuôn ra là một chuyện hài hước. Mọi thiên tai địa họa, được miêu tả bằng các hình tượng sinh hoạt của thể xác con người, trở nên lố bịch, trở thành những con ngoáo ộp nực cười. Trong tiểu thuyết của Rabelais, “nỗi sợ vũ trụ”, cũng như những nỗi sợ khác, được khắc phục bằng tiếng cười.

Hình tượng thân thể nghịch dị của Rabelais là một thành phần không thể tách rời của hệ thống hình tượng hội hè dân gian. Cốt lõi thế giới quan của hệ thống hình tượng ấy là nhận thức sinh động về tính bất tử tập thể của nhân dân, của loài người. Nhân dân, loài người không bao giờ chết. Cái chết chỉ là một diều kiện không thể thiếu được đảm bảo sự đổi mới và phát triển không ngừng của nhân loại. Trong tác phẩm của Rabelais, chủ đề bất tử tập thể của nhân dân gắn liền với chủ đề tiến bộ lịch sử. Bằng các hình tượng nghệ thuật và mượn lời các nhân vật (xem thư Gargantua gửi Pantagruel, quyển II, chương 8 và đoạn ca ngợi tác dụng thần diệu của cỏ pantagruelion, quyển III, chương 50 – 52) Rabelais khẳng định: với từng thế hệ mới, nhân loại không chỉ đổi mới về thể xác, mà còn đạt tới một trình độ phát triển mới, cao hơn trước. Theo Rabelais, con bao giờ cũng hơn cha. Cha không chỉ lưu lại ở trong con, mà qua con còn phát huy gấp bội năng lực sáng tạo của mình, vươn tới những chân trời hiểu biết và hành động mới, trở nên hoàn thiện hơn, phong phú hơn, hùng mạnh hơn.

Rabelais quy tụ thế giới vào con người, quy tụ vũ trụ vào trong hình tượng thân thể con người. Hình tượng ấy, xét cho cùng là hình tượng nhân loại trong tiến trình lịch sử liên tục. Nó biểu hiện một ý thức lịch sử mới, lạc quan, cụ thể và hiện thực, bừng tỉnh với một sức mạnh phi thường trong thời đại Phục hưng.


Chương sáu: Hình tượng hạ tầng vật chất - thân xác trong tiểu thuyết của Rabelais

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết của Rabelais, từ chủ đề chung cho tới từng chi tiết nhỏ, có một xu hướng thống nhất. Đó là xu hướng đi xuống - xuống lòng đất, lòng cơ thể con người. Mọi đoạn chính của cuốn sách, mọi hình tượng, mọi ẩn dụ và ví dụ đều nói lên hướng đi xuống đó. Ở đây, ta thấy thêm một nét tương đồng cơ bản giữa thế giới của Rabelais và thế giới của nền văn hóa trào tiếu dân gian, của chủ nghĩa hiện thực nghịch dị. Nguyên tắc nghệ thuật chủ đạo của chủ nghĩa hiện thực kỳ dị, như đã nói ở phần trên, chính là “lôi kéo xuống”, “hạ yết”. Tất cả những gì được coi là tôn nghiêm cao quý, tất cả những gì có vẻ vĩnh hằng, nhưng thực chất là hữu hạn và đã lỗi thời đều bị lôi hút từ “thượng tầng” tinh thần xuống “hạ tầng” vật chất - thân xác, xuống lòng đất và lòng cơ thể để chết đi và sống lại, để hoàn thiện và đổi mới. Lòng đất (và lòng cơ thể) là trung tâm tích cực tuyệt đối của thế giới, là nơi mà, theo như lời nữ chủ giáo của Chiếc Lọ Thần trong tiểu thuyết “Garganrua và Pantagruel”, chứa ẩn những tài nguyên vô tậncác điều mới lạ, mà các bậc hiền triết ngày xưa chưa biết tới (quyển V chương 8). Lòng đất và lòng cơ thể thu hút hết thẩy những gì già cỗi, những gì đã đến lúc phải chết và đồng thời thai nghén sự sống mới, thai nghén tương lai. Tương lai đó là tương lai hiện thực của loài người và vạn vật, chứ không phải là cái tương lai siêu hình, mà tôn giáo hứa hẹn cho con người. Tôn giáo kêu gọi tìm kiếm tương lai ấy trên cõi thiên đường, ở xứ sở của tinh thần thuần túy, Rabelais và các danh nhân tiến bộ khác thời Phục hưng nhìn thấy tương lai ở ngay cõi trần gian, ở trên trái đất, ở các thế hệ mai sau của loài người. Chính vì thế mọi hình tượng của ông hạ yết những giá trị tinh thần của xã hội Trung cổ, vật chất hóa và nhục thể hóa chúng, lôi hút chúng xuống cái âm phủ phồn thực của trái đất và của thân xác để tham gia vào sự hình thành thế giới mới.

Hình tượng âm phủ trong sáng tác của Rabelais, cũng như trong nền văn hóa dân gian, mang tính hội hè rõ rệt. Nó không còn là cõi vĩnh hằng, nơi các vong hồn lĩnh nhận những hình thức thưởng phạt vĩnh viễn tùy theo công đức hay tội lỗi lúc sinh thời như trong học thuyết Cơ đốc nữa. Âm phủ được Rabelais khắc họa như một xứ sở của sung mãn vật chất (đâu đâu cũng có cỗ tiệc) và như một “thế giới bị đảo ngược” (những anh hề và những nhà hiền triết trở thành vua chúa, mà vua chúa với giáo hoàng, giáo chủ thì lại biến thành thường dân, làm những nghề hèn mạt nhất và luôn luôn bị đánh đập, mắng chửi v.v.). Âm phủ không còn gì đáng sợ, đáng khiếp. Nó là hình tượng của hạ tầng vật chất - thân xác (lòng đất và lòng thân xác), nơi cái chết gặp gỡ sự sinh nở, nơi từ sự dệt vong của cái cũ nảy sinh cuộc sống mới.

Trong văn học Phục hưng và đặc biệt trong sáng tác của Rabelais, hình tượng âm phủ cũng như mọi hình tượng hạ tầng vật chất xác thịt khác (chúng chứa ẩn nhiều nhất trong các hình thức mắng chửi thô tục đã nói đến ở trên) đều mang mầu sắc lịch sử, sự đổi đời của thế giới và con người. Ở Rabelais, tính song thân nghịch dị, tính dị đồng với bản thân mình của mọi hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho một thế giới lịch sử hết sức nực cười do bản chất luôn luôn chưa hoàn chỉnh, luôn luôn chưa “tươm tất”, luôn luôn phải được nhào nặn lại của nó. Trong tiểu thuyết của Rabelais, nhân vật chê cười tất cả và ngợi ca tất cả, hủy bỏ tất cả và tác thành cho tất cả là thời gian - cái thời gian mà Heraclite hình dung như một “em bé chơi cờ”. Em bé ấy giữ quyền ngự trị tối cao trong vũ trụ.


Chương bảy: Các hình tượng của Rabelais và hiện thực đương thời

Sáng tác của François Rabelais phản ánh tuyến đấu tranh chính, mang tính trường kỳ và nguyên tắc, giữa hai nền văn hóa Trung cổ. Nhưng trong tiểu thuyết của Rabelais, tuyến đấu tranh chính ấy kết hợp một cách hữu cơ với sự phản ánh hiện thực lịch sử đương thời hết sức chính xác và đầy đủ, cụ thể và chi tiết, nhạy bén và sinh động. Toàn bộ cuốn sách của Rabelais từ trang đầu cho đến trang cuối là tấm gương của thời đại mình; nó gắn bó khăng khít với cuộc sống đương thời, với những sự kiện lớn nhỏ trong đời sống xã hội mà Rabelais chứng kiến và tham gia. Cuộc sống ấy, những sự kiện ấy với những người làm nên chúng đã đi vào tiểu thuyết của ông như cái cận cảnh được miêu tả với tất cả tính hiện thực sống động của nó. Những hình tượng của Rabelais tuyệt đối không mang tính công thức. Chúng vừa rất phổ biến, rất khái quát lại vừa rất có cá tính, rất sống, rất thật. Có thể nói ở tác phẩm của Rabelais, tính sâu rộng mênh mông của huyền thoại kết hợp chặt chẽ với tính sốt dẻo khẩn bách của bài bình luận thời sự và tính chính xác tỉ mỉ của tiểu thuyết hiện thực. Đằng sau nhiều hình tượng tưởng chừng rất huyền hoặc là việc thật và người thật, là kinh nghiệm sống phong phú và những nhận xét tinh vi của tác giả.

Các công trình khảo cứu của nhiều học giả thuộc trường phái Abel Lefranc đã làm sáng tỏ nhiều ẩn ý chính trị trong cuốn tiểu thuyết của Rabelais, xác minh mối quan hệ mật thiết giữa nhiều đoạn sách và nhân vật của Rabelais với các sự kiện và nhân vật chính trị cùng thời. Qua đó, ta có thể thấy rằng trong cuộc đấu tranh giữa các lực lượng chính trị - xã hội thời đại ông, Rabelais giữ một lập trường tiến bộ nhất. Ông thù địch với những mưu đồ bá chủ toàn cầu của toà thánhi Vatican và của Đại đế chế La Mã và ủng hộ vua Pháp, nhìn thấy ở chính quyền nhà vua một yếu tố lịch sử mới sẽ làm chủ trong tương lai trước mắt - đó là yếu tố nhà nước dân tộc. Qua đoạn miêu tả cuộc chiến tranh giữa Grangousier và vua Picrochol (quyển 1, chương 45 - 50), Rabelais lên án chính sách xâm lược của hoàng đế Charles V, khẳng định quyền tự vệ chính đáng của nhân dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Francois I. Những quan điểm chính trị được thể hiện qua đoạn này, cũng như các quan điểm về tổ chức xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học v.v. được phản ánh trong tiểu thuyết “Gargantua và Pantagruel” (mà cuốn tiểu thuyết ấy có nội dung bách khoa) chứng tỏ trong mọi lĩnh vực, Rabelais là một con người tiến bộ của thời đại, một con người rất nhạy cảm với cái mới, cái có tiền đồ, và biết đấu tranh để bảo vệ cái mới ấy. Trong các đoạn sách mang tinh thần nghiêm túc, chứ không hài hước, của Rabelais ta nghe thấy “lời phán xét tối hậu”, tức là lời phán xét mới nhất, tiến bộ nhất của thời đại ông. Đa số các nhà nghiên cứu Rabelais đều nhìn thấy ở đây, quy tụ vào đây toàn bộ chủ đề tư tưởng của tiểu thuyết “Gargantua và Pantagruel”.

Nhưng nếu ngoài những đoạn ấy, những lời phán xét ấy trong cuốn sách của Rabelais không có những hình tượng khác, không có giọng nói khác và văn phong khác, thì Rabelais cũng chỉ là một trong những nhà văn bình thường – tiên tiến của thời đại ông, chứ không phải là một tác gia thiên tài, một tác gia có một không hai.

“Lời phán xét tối hậu” của thời đại, được Rabelais thừa nhận một cách chân thành và nghiêm túc, vẫn không phải là lời phán xét tối hậu của Rabelais; dù nó có tiến bộ đên đâu, ông biết mức độ của sự tiến bộ đó; dù chính ông tuyên cáo lời phán xét đó với một giọng hoàn toàn nghiêm túc, - ông hiểu tính hạn chế của sự nghiêm túc ấy. Lời phán xét tối hậu thực sự của Rabelais - đó là tiếng cười dân gian vui nhộn, tự do và hoàn toàn tỉnh táo. Tiếng cười ấy thấy rõ tính tương đối đáng mừng của thực tại hiện hữu và dự đoán những triển vọng trong tương lai xa xôi nhất, mặc dù trong thời đại của Rabelais tương lai đó còn mang tính mơ hồ không tưởng. Dưới ánh sáng của tương lai không tưởng ấy, mọi sự tiến bộ trong hiện tại và tương lai trước mắt bộc lộ tính hạn chế của mình và do đó trở nên nực cười. Lời phán xét tối hậu của Rabelais ẩn tàng trong thế giới các hình thức và hình tượng trào tiếu hội hè mà ông đã thừa kế của nền văn hóa dân gian và nâng lên một trình độ phát triển nghệ thuật cao chưa từng thấy. Trong tiểu thuyết của Rabelais, những hình tượng hội hè dân gian là cái hậu cảnh bao quát hết thảy mọi hình tượng của hiện thực đương thời, nối liền chúng với các tổng thể tối hậu của sinh tồn - tổng thể luôn luôn đổi thay, luôn luôn hình thành trong mâu thuẫn, luôn luôn đáng khen và đáng chê. Chính vì thế ngay cả những khi Rabelais nghiêm túc, ông cũng không nghiêm túc một cách cứng nhắc và hẹp hòi. Ông luôn luôn để cho mình một lối thoát vào tương lai, vì biết cái tương lai ấy sẽ đem lại những điều còn mới hơn, hay hơn những gì mà ông ngày nay khẳng định. Ý thức thường trực về tương lai là một trong những nhân tố cơ bản tạo nên tính phi giáo điều triệt để và tính lạc quan bất hủ của tiếng cười Rabelais.


*


Cuốn sách này chỉ là bước đầu trong sự nghiệp tìm hiểu nền văn hóa trào tiếu dân gian. Rất có thể bước đầu đó còn chưa vững vàng lắm và chưa hoàn toàn đúng đắn. Nhưng chúng tôi đinh ninh rằng vấn đề mà chúng tôi nêu lên ở đây có tầm quan trọng lớn lao. Không thể hiểu được đời sống và cuộc đấu tranh văn hóa trong các thời đại trước, nếu ta bỏ qua nền văn hóa trào tiếu dân gian đặc thù - một nền văn hóa bao giờ cũng tồn tại song song và không bao giờ hòa mình với nền văn hóa chính thống của các giai cấp thống trị.

Mọi hồi kịch lịch sử thế giới trong quá khứ đều được đệm bằng tiếng cười đồng thanh của nhân dân. Không nghe thấy tiếng cười đó thì khó mà hiểu được vở kịch. Nhưng không phải thời đại lịch sử nào tiếng cười đồng thanh dân gian cũng có một người lĩnh xướng cự phách như Rabelais. Do đó mặc dù ông chỉ lĩnh xướng cho “tốp cười” thời Phục hưng, sáng tác của ông hắt ánh sáng rực rỡ xuống cả nền văn hóa trào tiếu dân gian các thời đại khác.



Người lược thuật: PGS. TS. Văn học Phạm Vĩnh Cư, sinh 1942, từ 1979 – 2000 làm việc tại Trường viết văn Nguyễn Du, từ 2000 làm việc tại Viện Văn học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Các công trình dịch chính: M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, Hà Nội 1992; J. Chevalier và A. Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới (chủ biên và đồng dịch giả), Nxb. Đà Nẵng và Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, 1997, 1057 trang; V. Soloviev, Bản thể luận cái đẹp và triết học nghệ thuật, Tạp chí Văn học nước ngoài, Hà Nội, Số 1/2001; V. Soloviev, Biện chứng cái Thiện. Triết học đạo đức, Tạp chí Văn học nước ngoài, Hà Nội, Số 1-3/2003; V. Soloviev, Siêu lí tình yêu, in trong: Đỗ Lai Thuý, Phân tâm học và tình yêu, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội 2003, trang 337 – 474.

Nguồn: Bakhtin M., Sáng tác của F. Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung Cổ và Phục Hưng, Phạm Vĩnh Cư lược thuật và giới thiệu (Tvorchestvo Fransua Rable i narodnaja kultura srednevekovja i Renessansa. Moskva, "Nauka", 1965, 528 trang). Bản lược thuật đánh máy gồm 55 trang được lưu ở Thư viện Viện Văn học dưới kí hiệu D 621. Bản đánh máy vi tính do Khương Việt Hà thực hiện. Văn bản công bố trên talawas đã được người lược thuật sửa chữa và hiệu đính.

© 2005 talawas