trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Người Việt ở Đông Âu
 1   2   3   4   5   6   7   8 
28.1.2005
Phạm Việt Vinh
Lòng tự trọng của người ăn cắp
 

Dưới đây là những dòng thư của một người cha từ Nghệ An gửi cho đứa con trai đang xin tỵ nạn tại CHLB Ðức: "... Ở nhà rất thương con và cũng rất tự hào về con. Số tiền con kiếm được và gửi về đã làm cho bố mẹ rất hãnh diện với họ hàng, làng xóm: nhà mình đã được sửa sang, các em con đã có tiền để đi học thêm. Bố mẹ chỉ mong con ở bên đó luôn được khỏe mạnh, đi làm đều đặn để dành dụm được một số tiền làm vốn cho tương lai. Con phải nhớ rằng: một đồng Ơrô [1] con kiếm được và gửi về sẽ đủ cho con sau này sống được vài ngày trong nước. Hãy chịu khó, chịu khổ bây giờ để ngày mai sung sướng, con nhé! Mấy hôm nữa một số bạn bè của con lại sang Ðức theo con đường của con, trong đó có C. là con chú P. Chú nhờ con giúp đỡ và chỉ bảo cho C. cách làm ăn..."

Người nhận thư là Hùng [2] , một thanh niên mặt mũi khôi ngô, chừng 20 tuổi, đã bị CHLB Ðức bác đơn xin tỵ nạn vì đơn hoàn toàn không có lý do. Hùng ở trong một trại tỵ nạn dành cho thanh thiếu niên ở Berlin, nhận 160 Euro tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng, cứ 2-3 tháng lại phải trình diện Sở Ngoại kiều để gia hạn giấy tạm dung (Duldung - thực chất là giấy tạm hoãn trục xuất), và do vậy, lúc nào cũng nơm nớp nguy cơ bị đưa trả trở về bản quán. Khi được hỏi về việc "đi làm", Hùng đỏ mặt ngượng nghịu: "Xin tỵ nạn thì ai cho đi làm hả chú. Việc kiếm tiền của bọn cháu là đi ăn cắp tại các siêu thị. Nhưng nếu chăm chỉ và không dính vào nghiện hút thì cũng có tiền chú ạ“. Sang nước Ðức mới được một năm nhưng Hùng đã bị cảnh sát bắt 60 lần về tội ăn cắp. Theo thống kê "nội bộ" thì cứ ăn cắp hơn 10 vụ mới bị bắt một lần. Tức là trung bình ngày nào Hùng cũng "đi làm" 2 - 3 vụ. "Mới đầu cũng sợ lắm, cũng xấu hổ lắm. Nhưng dần dần cũng hết sợ vì cảnh sát Ðức họ rất nhân đạo, và mình cũng chẳng còn xấu hổ nữa", Hùng cho biết.

Ðây không phả là trường hợp cá biệt. Hàng trăm thanh thiếu niên xin tỵ nạn Việt Nam đang hành xử như Hùng ở những mức độ khác nhau. Ða số họ hoàn toàn không biết là nước Ðức chỉ chấp nhận, giúp đỡ những người xin tỵ nạn do bị truy nã, vùi dập vì lý do chính trị, sắc tộc hay tôn giáo ở quê nhà. Với họ, nước Ðức đơn giản chỉ là một chỗ kiếm tiền - cho hiện tại và tương lai. Cúc [3] , một cô gái nhỏ nhắn, nhưng sắc sảo, thì tâm sự :"Thực ra thì ở Việt Nam cháu đã tốt nghiệp đại học tài chính, nhưng bố cháu đã về hưu nên chẳng còn thần thế gì để có thể lo cho cháu một chỗ làm ổn định. Muốn làm chân kế toán tại một chỗ tử tế phải có hơn 10.000 Ðôla để lót các cửa. Ở bên này, kiếm đủ số tiền đó, cháu sẽ về." Vậy là, cộng với hơn 6.000 Ðôla chi phí cho "dịch vụ" đưa người sang Ðức, trong thời gian ở đây, Cúc sẽ phải kiếm cho được 16 - 20.000 Ðôla. Với tất cả những gánh nặng tinh thần, tài chính này, hàng trăm, hàng ngàn chàng trai, cô gái Việt Nam đã tự ép mình thành những "cỗ máy" kiếm tiền vô giác. Cử nhân tài chính Cúc cũng đi ăn cắp thường xuyên.

Từ hoàn cảnh "tốt nghiệp phổ thông xong nhưng phải lêu lổng ở nhà vì không biết làm gì" như Hùng, hay "không có nhiều tiền thì không có chỗ làm tử tế" như Cúc, nghe theo những lời hứa "đường mật" và hoa mắt vì những bức vẽ bịa đặt của các đường dây đưa người vượt biên, dòng người tỵ nạn Việt Nam vẫn tiếp tục chảy sang Ðức. Vài năm trước đây, người xin tỵ nạn thường lớn tuổi hơn, trong đó có cả những người mang ý thức chính trị. Nhiều khi họ đi cùng cả gia đình và nỗ lực tìm kiếm những việc làm đỡ tủi nhục hơn với mục đích tạo lập một cuộc sống lâu dài, ổn định. Trái lại, hầu hết những người xin tỵ nạn mới đều rất trẻ; và với tâm thức "không hề biết ngày mai ra sao", họ bị đẩy vào con đường phạm tội với một tốc độ chóng mặt. Có người chỉ 7 ngày sau sang Ðức đã bị bắt vì ăn cắp. Cách đây mấy năm, có ai dám nghĩ rằng chuyện người Việt Nam ăn cắp sẽ trở thành một vấn nạn phổ biến như ngày nay. Người mình có vẻ như đề cao chữ "sỹ diện", nên phải chăng, hiện tượng cụm từ "Việt Nam" đang dần dần đồng nghĩa với cụm từ "Di-gan" [4] tại Ðức là một lẽ bất thường?

Có ý kiến khẳng định những thanh thiếu niên Việt Nam ăn cắp tại Ðức là "những phần tử không có lòng tự trọng, không biết sỷ nhục". Nếu nhìn kỹ, vấn đề không đơn giản như vậy! Tuyệt đại đa số người xin tỵ nạn mới đều coi chuyện vượt biên sang Ðức như là một chuyến "đi làm ăn". Ở trong nước, họ được nghe là "sang đó, chuyện ăn ở đã có nước Ðức lo, các cháu chỉ chịu khó đi làm thêm là có tiền dành dụm". Nhiều gia đình phải vay mượn, phải thế chấp nhà cửa, đất đai để có đủ tiền xuất ngoại, coi như "vay vốn đi buôn". Nhưng, ngay khi đặt chân lên đất Ðức, ảo tưởng của họ đã tan như bong bóng xà phòng. Người xin tỵ nạn phải đối đầu với một thực tế vô cùng khắc nghiệt và hầu như vô vọng: chỉ trong vòng 2 - 3 tháng là đơn xin tỵ nạn bị bác vì lý do họ nêu ra chỉ là "sang đây để kiếm việc làm"; từ lúc này, thanh gươm trục xuất lúc nào cũng lơ lửng trên đầu, còn khả năng có việc làm hợp pháp vẫn là một con số không tròn trĩnh. Trong khi đó, cũng ngay tại những ngày đầu tiên, thôi thúc duy nhất của họ là phải ngay lập tức kiếm tiền, ít nhất cũng là để trả lại số nợ 6 - 7.000 Ðôla "tiền vé sang Ðức", và tiếp nữa là để đáp ứng "hy vọng của người nhà trong nước". Vì thế, mọi cố gắng "giúp đỡ hội nhập" nhưng mang tính "văn hóa" của nước Ðức đối với họ đều như trứng đập vào đá. Rất hiếm thanh thiếu niên nào đến các lớp học tiếng Ðức được mươi ngày rồi mới bỏ. Nhiều người đã ở nước Ðức vài năm nhưng vốn từ Ðức ngữ vẫn đếm chưa hết ngón tay. Tuy được tự do đi lại trong địa phương mình ở, nhưng người xin tỵ nạn Việt Nam vẫn sống sống co cụm, hầu như tách biệt hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Ngoài lúc "đi kiếm tiền", thời gian của họ là tập trung ăn nhậu và bài bạc. Người "yêu văn hóa" hơn thì đọc báo An Ninh Thế Giới, Thể Thao và Văn Hóa [5] , xem phim chưởng Tàu hay ngồi hát Karaoke. Họ không biết gì về nước Ðức, và chẳng hiểu gì về người Ðức. Với họ, đất Ðức chỉ là một bãi cát để đãi vàng, và người Ðức chỉ là một giống loài xa lạ. Một cô gái 30 tuổi, đã ở Berlin được 4 năm, khi được hỏi trại tỵ nạn của cô nằm ở phần Ðông hay phần Tây Berlin, đã ngẩn mặt ngơ ngác: "Sao Berlin lại có Ðông, Tây? Mà Berlin nằm ở Ðông hay Tây Ðức hả chú?" Ði ăn cắp nhiều lần, rồi Hùng cho biết: "Khi bị bắt, cảnh sát và khách hàng Ðức họ nói gì nhiều lắm, nhưng cháu đâu có hiểu tiếng Ðức nên coi như không nghe thấy. Còn họ chỉ biết cháu là người Việt Nam thôi, chứ có biết cháu là ai đâu, vậy thì làm sao mà phải ngượng?"

Người ta vẫn ca ngợi "những giá trị Châu Á", và "tinh thần tập thể", "ý thức cộng đồng" được coi là những viên ngọc tinh thần của người Phương Ðông. Một con người chỉ được tồn tại với tư cách là con, em, cháu, bạn hay là đồng hương, đồng chí. Con người chí đáng quý khi nó có giá trị, có ý nghĩa với cha mẹ, họ hàng, làng xóm, tổ chức. Vị thế của con người cũng chỉ được đo với những người có quan hệ trực tiếp với mình. "Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly." Vậy thì tại sao những thanh thiếu niên Việt Nam ăn cắp lại phải so bì, xấu hổ với những giống loài mắt xanh mũi lõ chẳng có quan hệ gì, trong một môi trường xa lắc "làng mình chẳng phải, nước mình cũng không", và mấy thằng bạn mình cũng đang ăn cắp? Những thanh thiếu niên này đối với nhau vẫn những là người bạn chí tình, nhiều khi no đói có nhau. Họ cũng thương cha, nhớ mẹ và xót xa cho mấy đứa em do thiếu tiền mà bỏ học. Họ dấu biệt không cho gia đình biết mình đang vào tù ra tội vì ăn cắp, mà chỉ báo về là "con vẫn đi làm đều". Họ lặn ngụp trong bùn nhơ để mang lại an ủi, hy vọng cho người thân và không cảm nhận được những độc tố tồi tệ đã ăn sâu vào cơ thể. Bị cầm tù trong sự kém hiểu biết và bị cột chặt vào những ràng buộc tinh thần quái ác, họ tự hào là một đứa con hiếu thảo, là một công dân Việt Nam hiền lành và không thấm thía được sự tủi nhục của một phạm nhân trước những người xa lạ. Với người Ðức, một cách vô tình, nhưng hữu hình, họ đã tự đặt mình vào một giống loài hạ đẳng. Có thể, khi vào một siêu thị để trộm hàng, đối với họ, đất nước và những con người xa lắc ở đây chỉ là ảo giác; nhưng cũng có thể, họ tự coi mình như không có. Họ là con em, cháu chắt của những người thân ở nhà, chứ không phải là một cá thể thiêng liêng, có cùng phẩm giá như những khách hàng hay những nhân viên cảnh sát xung quanh. Khi đó, sự sỹ diện, lòng tự trọng không tồn tại trong họ. Họ chưa bao giờ được trang bị hai chữ "cá nhân"!

Cùng với việc tụng ca "chủ nghĩa tập thể", "ý thức cộng đồng", Việt Nam đã và vẫn là mảnh đất lớn miệng nguyền rủa "chủ nghĩa cá nhân". Người ta đồng hóa "chủ nghĩa cá nhân" với "chủ nghĩa vị kỷ" mang nội dung là mọi hành vi chỉ nhằm thỏa mãn cá nhân, bất chấp quyền lợi người khác. Người ta vô tình hay cố tình không hiểu rằng khái niệm "chủ nghĩa cá nhân", ra đời từ thời Phục Hưng, là một quan niệm coi trọng sự tự do phát triển tư tưởng và khả năng của từng cá thể. Trong chủ nghĩa cá nhân, từng cá thể có một vị trí thiêng liêng phải được bảo vệ. Tự do cá nhân là nền tảng xã hội của các nước tiên tiền; đồng thời, nó là kẻ thù không đội trời chung của các nước Khổng Giáo coi "quân thần phụ tử" là rường cột đạo đức quốc gia, và của các nhà nước độc tài coi người dân như một bầy cừu cần phải được lãnh đạo, chăn dắt cẩn trọng. Khi việc đề cao con người cá thể là động lực sự thăng hoa về tinh thần và vật chất của các nước dân chủ Phương Tây, thì sự căm thù, triệt hạ chủ nghĩa cá nhân tại nhiều nước Phương Ðông, ngoài việc kìm hãm bước tiến xã hội, còn làm nẩy sinh ra hàng loạt những căn bệnh giết chết nhân cách, hủy hoại con người. Sẽ hoàn toàn không ngoa ngoắt nếu khẳng định rằng chính chủ nghĩa tập thể, ý thức bầy đàn là một trong những nguyên nhân chính gây ra làn sóng ăn cắp một cách bình thản của thanh thiếu niên Việt Nam xin tỵ nạn hiện nay tại Ðức.

Khi cái "Ta" không còn, chỉ còn lại cái "Chúng Tôi", thì cái "Tôi" ăn cắp đã trở nên vô hình, hoặc cùng lắm cũng chỉ mang "hồn Trương Ba, da hàng thịt". Sự gian lận, lẩn tránh nhân cách con người cá nhân này, đương nhiên không phải chỉ có ở những người Việt trẻ tuổi đang lang thang dưới trời Âu. Nó đang hoành hành trong nước ở một mức cao hơn nhiều, với một cái tên mỹ miều là "Tham nhũng". Các quan chức chính quyền Việt Nam, kể cả ở cấp cao nhất, khi điềm nhiên chia chác hàng triệu, hàng chục triệu Ðôla trong các vụ "làm ăn", "biếu xén", ngoài việc nghĩ rằng họ đang tự thưởng công cho tài năng leo cao của mình, chắc cũng nghĩ đến phúc lộc, đến tương lai cho vợ con, họ hàng. Khi dành giật cho gia đình khu đất này, biệt thự kia, chắc họ cũng muốn là một người chồng, một người cha biết lo cho vợ, cho con. Khi móc ngoặc với nhau để "tao ăn, mày ăn, chúng ta cùng ăn", khi bao che, nâng đỡ người quen để thụt két nhà nước, chắc họ cũng nghĩ đến tình "đồng hội, đồng thuyền". Tất cả những cái đó sẽ mơn trớn, sẽ bảo vệ được chữ "sỹ", chữ "trọng" đối với những người xung quanh, những người thân thuộc. Khó có thể bảo rằng họ không có "sỹ diện", không có lòng "tự trọng". Nhưng thực chất, không hơn không kém, hành động của họ chính là ăn cắp!

Theo định nghĩa pháp lý, ăn cắp là hành vi lợi dụng sơ hở của người khác để chiếm đoạt sở hữu của họ, chuyển thành sở hữu của mình. Sơ hở có thể là sự vắng mặt, và có thể là sự không hiểu biết. Khi ăn chia bổng lộc bất hợp pháp, khi moi két nhà nước, các quan chức chính quyền đã ăn cắp của nhân dân, của quốc gia. Nhân dân và quốc gia thì hiện hữu nhưng vô hình. Vậy thì cũng như những thanh thiếu niên Việt Nam ăn cắp tại các siêu thị CHLB Ðức, với sự thiếu hụt về trí tuệ và nhân cách cá nhân, các quan chức tham nhũng đã coi như mình đang chiếm đoạt sở hữu ở một chốn không người. Họ sẽ không bị vương vấn bởi những giá trị như "sỹ diện" hay "tự trọng". Họ hãnh diện vì đã lấy được nhiều, và hoàn toàn không phải xấu hổ khi các đồng chí, đồng liêu, đồng nghiệp của họ cũng đang đua nhau làm như họ. Một điều khác biệt là khi cúi gằm mặt ở các siêu thị Ðức, với tên tuổi giả [6] , người ăn cắp Việt Nam có vẻ như vô dạng, "tôi không phải là tôi", còn các quan chức ở Việt Nam thì trẻ con cũng rõ danh tính; khi dùng vị thế để chiếm đoạt của cải người khác, họ đã là những tên ăn cướp. Ðiều khác nữa là ăn cắp ở Ðức rất dễ bị còng tay, còn ăn cắp, thậm chí là ăn cướp cao cấp ở Việt Nam thì đã là một vấn nạn bất trị, một "luật chơi" được chấp nhận bất thành văn trong một môi trường bầy đàn lầy đọng; và hơn thế, các quan chức ăn cắp ở ta còn có quyền bắt giam, bỏ tù những ai đòi đổi thay cái thể chế lưu manh của họ. Vụ cuỗm bản quyền sản phẩm tin học của nước ngoài rồi chuyển thành Giải nhất cuộc thi Trí Tuệ Tuổi Trẻ Việt Nam vừa qua cho thấy ăn cắp đã trở thành thói tính. Ở ta, đã hình thành một văn-hóa-ăn-cắp-thản-nhiên!

Có lẽ, một trong những nguyên nhân xâu xa nhưng chính yếu của việc ăn cắp - tại các siêu thị ở Ðức hay tại các công sở uy nghiêm ở Việt Nam - là thủ phạm không còn khả năng đối diện với chính mình. Văn hóa bầy đàn, thân thuộc là một tấm bình phong vững chắc cho những hành vi vô sỷ, tệ hại. Luật pháp là vô nghĩa khi chính những người làm ra nó và thi hành nó lại là tội phạm. Nó cũng phải bó tay trước một khối người vòng tròn, người này úp mặt vào lưng người khác. Chỉ đến khi từng cá nhân được tôn trọng cả về thân thể và tư tưởng, thì con người mới có thể tự hào về tư cách con người, mới có thể tự trọng để bảo vệ sỹ diện cho chính cá thể mình. Chỉ đến khi đó, người Việt Nam tại Ðức mới có thể ngẩng mặt coi mình ngang cấp như những các khách hàng và nhân viên cảnh sát Ðức. Lúc đó, người Việt tại Ðức hay tại Việt Nam sẽ biết xấu hổ khi đi ăn cắp; và như vậy, đất nước, con người mới dần dần trở nên lành mạnh.

Berlin, 01.2005

© 2005 talawas






[1]Euro
[2]Tên người đã được thay đổi
[3]Tên người đã được thay đổi
[4]Người Di-gan vẫn luôn bị coi là một sắc dân hay ăn cắp
[5]Các báo được chuyển từ Việt Nam sang và có số người đọc rất lớn
[6]Khi nộp đơn xin tỵ nạn, hầu hết thanh thiếu niên Việt Nam đều khai tên tuổi giả để hạn chế khả năng bị trục xuất về nước