trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
2.2.2005
Bùi Vĩnh Phúc
Chữ & Nghĩa: Quo Vadis?
 1   2 
 
[1]

1.

Trong khoảng gần một tháng qua, người theo dõi mục Ngôn Ngữ trên talawas được đọc nhiều ý kiến lý thú về cách sử dụng tiếng Việt trên báo chí Việt ngữ nói chung và trên báo chí, sách vở trong nước nói riêng. Ðặc biệt là trong cách dùng từ Hán Việt, và cụ thể là cách dùng từ “vi tính”. Tôi đã được đọc nhiều lý giải khá thú vị về vấn đề này, và tôi nghĩ mình chia sẻ nhiều ý kiến với các anh Bùi Việt BắcDũng Vũ, mặc dù mỗi người viết đều có những phần đóng góp của mình. Cuộc thảo luận có thể còn có cơ hội để được phát triển và đào sâu, và điều đó tôi nghĩ cũng là việc tốt. Dù sao, có những lúc “nhiệt độ” của cuộc thảo luận cũng trở nên “nóng” vì những cọ xát trong quan niệm hay trong thái độ, giọng điệu của một vài tác giả. Trong thảo luận, nhất là đối với những đề tài có tính nhạy cảm, vấn đề ấy thật khó tránh, vì ngôn ngữ, giọng điệu phản ánh tính cách của mỗi người viết. Từ bỏ một giọng điệu, hay có khi chỉ từ bỏ một vài cách nhấn giọng, có lúc người ta như cảm thấy rằng họ từ bỏ luôn khuôn mặt của mình. Có lẽ chúng ta ai cũng có thiện chí đóng góp, nhưng để thể hiện phong cách cá nhân, để chụp bắt ngay những điều hiện ra sôi nổi trong trí, để nói được những điều mình suy nghĩ, ấp ủ hay tâm đắc, đồng thời vẫn tự giữ được mình trong vòng phấn của sự thận trọng và lễ nghĩa, tất cả những điều đó có thể là một thách thức cần thiết và đòi hỏi phải được vượt qua đối với mỗi người chúng ta khi bước chân vào trận.

Trong bài này, tôi sẽ không bàn về vấn đề “vi tính”. Tôi thấy những ý kiến đưa ra về nó đã đủ tạo cho chúng ta một mối quan tâm trong việc suy nghĩ xem có nên tiếp tục sử dụng tiếp từ này nữa hay không. Mối quan tâm của tôi đi xa hơn “cá nhân” từ “vi tính” . “Cá nhân”, thì cũng chỉ là một cách nói. Anh Bùi Việt Bắc đã không nói đến nhân thân mờ ám của từ này hay sao? Tôi muốn nói là, đối với tôi, “vi tính” chỉ là một trong rất nhiều từ có vấn đề nhưng vẫn đang được sử dụng với những mức độ rộng rãi khác nhau trên báo chí trong và ngoài nước. Cuộc thảo luận hiện tại về từ “vi tính” đặt ra những suy nghĩ khác bức thiết, và cũng có nhiều lúc thú vị, hơn cho việc sử dụng tiếng Việt—đặc biệt là những từ Hán Việt—trong lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng như trong các văn bản nghệ thuật và các loại văn bản khác của chúng ta.

Trước hết, ta biết rằng ngôn ngữ của loài người có những điểm chung, nhưng mỗi ngôn ngữ lại cũng có những nét riêng, những nét đặc thù của nó. Chính những nét riêng này, được đặt trên cái nền chung nhất mà ta vừa nói của mọi ngôn ngữ, đã tạo nên những nét khu biệt từng ngôn ngữ với nhau. Và chính điểm này cho ta thấy cái đáng yêu và cái khó của mỗi ngôn ngữ cụ thể. Chẳng hạn, trên mặt tuyến tính, hay theo thứ tự xuất hiện của các thành phần trong một câu, nhiều ngôn ngữ đi theo dạng S-V-O (Chủ từ-Ðộng từ-Túc từ), trong đó có ngôn ngữ Việt Nam, nhưng có những ngôn ngữ không nhất thiết phải theo quy luật này. Tiếng Việt không đòi hỏi sự thay đổi phần cuối của một từ hay thay đổi từ dạng để chỉ rõ ra cái liên hệ mà từ ấy tự thành lập với những từ khác trong một câu (inflection). Bởi thế, thứ tự của từ trong câu là điều quan trọng. Nói “Tôi yêu nàng” thì khác hẳn với “Nàng yêu tôi”, nhưng cái khác nằm nơi vị trí của các từ mà thôi; Việt ngữ không có những biến đổi tương đối phức tạp khác như trong tiếng Anh và tiếng Pháp chẳng hạn. Trong những ngôn ngữ này, dạng của từ và các cấu trúc ngữ pháp giữ một vai trò khá cần thiết để chuyển tải ý nghĩa của một câu. Trong những ngôn ngữ đòi hỏi sự thay đổi khá triệt để phần cuối của các từ (flexional endings) hoặc thay đổi dạng của từ, như tiếng Sanskrit và tiếng Latin chẳng hạn, thứ tự của từ trong câu giữ một vai trò tương đối phụ thôi, nhưng nó thường được dùng để cho thấy sự nhấn mạnh ý nghĩa hay vai trò của một từ trong câu. Chẳng hạn, trong kết hợp Petrus Paulum videt, chuyện thứ tự của các từ trong câu không quan trọng, nhưng, theo quy ước, người ta sẽ nhấn mạnh vào vai trò của từ nào được đặt ở đầu câu. Petrus Paulum videt nhấn mạnh đến người hành động: “Peter nhìn Paul”. Paulum videt Petrus nhấn mạnh vào người thụ nhận hành động: “Peter nhìn Paul”. Và Videt Paulum Petrus nhấn mạnh vào chính hành động nhìn: “Peter nhìn Paul”. Có những ngôn ngữ, trong những kết hợp danh ngữ (noun phrase), trong đó một danh từ đi với một tính từ hoặc một danh từ đi với một danh từ khác được dùng như tính từ, sẽ tuân thủ luật kết hợp thể hiện qua việc tính từ đi trước danh từ. Có những ngôn ngữ khác thì lại theo luật ngược lại trong trường hợp này. Về ngữ vựng cũng vậy, ngôn ngữ phản ánh văn hoá của con người. Ða số ngôn ngữ không có những từ phân biệt để chỉ các loại tuyết khác nhau mà chỉ có một từ chung để chỉ tuyết. Còn người Eskimos có đến trên dưới 50 từ để chỉ tuyết—nhưng điều kỳ lạ là họ lại không có từ nào để chỉ tuyết một cách tổng quát, chung chung cả. Trong ngôn ngữ của họ, ta có thể có tuyết giòn, tuyết mềm, tuyết mới, tuyết cũ... Người Ý, như người ta có thể mong đợi, có trên 500 từ để chỉ các loại macaroni. Người Maoris ở New Zealand có 30 từ để chỉ phân thú vật (!). Và người Ả Rập tương truyền là có đến khoảng 6.000 từ (chuyện khá khó tin!) để chỉ lạc đà và các đồ dùng đi cùng với chúng. Người Trung Hoa thì có nhiều từ để chỉ các loại ngựa khác nhau, như câu (ngựa còn non tuổi, khoẻ mạnh, sung sức, đẹp mã), bát (ngựa khoảng tám tuổi), li (ngựa sắc lông đen), bác (ngựa màu lông pha tạp, không thuần nhất), (ngựa tồi), quyết đề (ngựa thuần chủng từ phía Tây đưa vào Trung Quốc, khoẻ, dai sức, đẹp mã), truy (ngựa lông đen pha ánh xanh), đích (ngựa có mảng lông trắng ở trán), (ngựa hồng đốm trắng), kiêu (ngựa khoẻ, cao sáu thước cổ), ô thông (ngựa sắc lông đen nhánh, cao khoẻ, cũng gọi tắt là ô (ngựa ô))... [2] Cái động từ porter của Pháp hay to carry của Anh, khi so sánh với 25 động từ khác nhau trong ngôn ngữ của người Tzeltal [3] , cũng để chỉ cái khái niệm “mang”, đã làm cho nhiều giống dân kinh ngạc về sự phong phú của ngôn ngữ này. Chẳng hạn “vác trên vai” thì người Tzeltal gọi là q’uech, “vác sau lưng” là cuch, “đội trên đầu” là pach, “cặp dưới nách” là lats, “bê trên tay” là pet, vân vân [4] . Nếu người ta biết rằng trong Việt ngữ, cũng để diễn tả cái khái niệm “mang” đó, chúng ta có khoảng ít nhất là 50 từ khác nhau, thì, có lẽ về mặt này, người ta phải công nhận là ngôn ngữ của người Tzeltal chưa thấm vào đâu cả. Xin kể ra đây ít chữ để ta có dịp nhìn lại chữ nghĩa Việt: ôm, xách, cầm, quẩy, nắm, nâng, bê, cắp, bưng, ẵm, ấp, bợ, bế (bồng), đeo, đèo, đội, khiêng, mang, vác, gánh, gồng, thồ, chở, cõng... Vấn đề ở đây không phải chỉ là hoàn cảnh địa lý và văn hoá đã tạo nên sự khác biệt trong những nét đặc thù và phong phú của các ngôn ngữ, mà chính nhiều khi những sự khác biệt này được tạo nên từ những cái nhìn khác nhau về trời đất, con người và mọi sự bao quanh nó nơi mỗi dân tộc. Trong cái nhìn đã có sự khác nhau. Nói rộng ra là sự khác nhau nằm ngay trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của con người.

Những khác biệt trong nhiều khía cạnh của ngôn ngữ như thế không hẳn đã phát xuất từ một cái nhìn mang tính vũ trụ quan của những dân tộc khác nhau, nhưng những sự khác biệt này hẳn đã làm cho những người có quan tâm đến ngôn ngữ phải để ý như một trong những dấu chỉ căn bản phân biệt lối suy nghĩ của tập thể người này với tập thể người khác. Hãy thử nói về từ ghép (kép) Hán Việt. Nó có kết cấu không đơn thuần, thường là do hai từ ghép lại. Các thành tố của từ ghép có liên quan với nhau về mặt ý nghĩa. Từ ghép lại chia ra làm hai loại: từ ghép trùng lặp và từ ghép kết hợp. Từ ghép trùng lặp biểu thị ý toàn thể, khắp lượt, liên tục, lặp đi lặp lại. Chẳng hạn: gia gia (mọi nhà), nhân nhân (mọi người), niên niên (năm này qua năm khác, năm nào cũng thế), xứ xứ (khắp nơi)... Từ ghép kết hợp có thể chia ra làm ba loại quan hệ: quan hệ chính phụ, quan hệ đồng đẳng, và quan hệ chỉnh thể. Quan hệ chính phụ là phần ta sẽ xét kỹ trong bài này. Nó thể hiện qua những từ như thanh niên, chính luận... Quan hệ đồng đẳng kết hợp hai từ có nghĩa giống nhau hoặc gần nhau, cả hai liên kết để tăng cường sắc thái của ý nghĩa chung, chẳng hạn: bảo đảm, bằng hữu (bằng: bạn cùng chí hướng, chung ý nguyện; hữu: bạn bè quen biết). Trong quan hệ chỉnh thể, hai yếu tố kết hợp mang theo những ý nghĩa riêng biệt; ý nghĩa của từ ghép không phải là ý nghĩa của hai thành tố cộng lại. Chẳng hạn: quân tử, tiểu nhân... Nếu tách rời hai thành tố mà xét nghĩa lý, ta sẽ không tìm được ý nghĩa chuẩn xác của từ [5] .

Từ pháp của những danh từ ghép Hán Việt (tức là theo kết cấu của chữ Hán), với quan hệ chính phụ, được xác định rất rõ: từ chính đi sau, từ phụ đi trước, hay chính ở bên phải, phụ ở bên trái. Từ đi trước là tính từ (hoặc danh từ dùng như tính từ), còn từ đi sau là danh từ (hoặc một từ được dùng một cách biến dụng như danh từ). Chẳng hạn, ta có từ “thiên hạ” [dưới (gầm) trời, để chỉ tất cả những con người sống trên mặt đất]. Rồi từ kết hợp của danh từ ghép này, ta có thể có một kết hợp mở rộng hơn, của cả một cụm từ, như “hồng vũ hạ”, trong đó “hồng vũ” (mưa hồng) là một đơn vị bao gồm một yếu tố kép được kết cấu theo đúng quy tắc chính phụ của danh từ Hán Việt; “hồng vũ”, sau đó, lại được gắn vào “hạ” cũng theo kết cấu chính phụ vừa nói để có “hồng vũ hạ” (dưới mưa hồng, như cách ví von của Thang Hiển Tổ, một kịch tác gia vĩ đại của Trung Quốc thế kỷ XVI: “Ði vào tình yêu giống như đi dưới mưa hồng”. A, thế ra trước Trịnh Công Sơn cũng đã có một người từ nghìn xưa nhìn thấy những giọt mưa hồng rồi. Thế gian này hình như vẫn thế, hay trái tim và cặp mắt của người nghệ sĩ vẫn thường đập những nhịp đập như nhau và nhìn thấy những điều giống nhau, nhất là trong tình yêu?)

Chính vì quy tắc kết hợp rõ ràng và nghiêm cẩn này, ta phải cẩn thận để tránh lẫn lộn ít nhất là những cặp từ Hán Việt sau:

  • Tình nhân / Nhân tình

    Theo từ pháp của từ Hán Việt, “nhân” trong ”tình nhân” là từ chính. Như thế, “tình nhân” là “người tình” (the lover). Ngược lại, “tình” trong “nhân tình” lại là từ chính, nên “nhân tình” là “tình người”. Từ đó, có “bất cận nhân tình” là “không gần với tình người”, “nhân tình thế thái” là “lòng người và thói đời”. Nhiều người Việt đã dùng lẫn lộn hai từ “tình nhân” và “nhân tình” này. Trước 1975, cũng có một quyển sách mang tựa đề là Nuôi con nhơn tình. Sau 1975, một bản dịch khá tốt tại Việt Nam của quyển L’Amant của Marguerite Duras cũng mang tựa đề Gã nhân tình.

    Theo Hán-Việt Từ-điển của Nguyễn Văn Khôn, “nhân tình” là “tình của người”, hay “tình riêng đối với nhau”. “Tình (của) người” thì đã rõ, còn “tình riêng đối với nhau” thì, trên căn bản, đó vẫn là một thứ tình, chứ không thể là một con người. Bởi thế, không thể đánh đồng “nhân tình” với “tình nhân” để cho rằng cả hai có nghĩa giống nhau. Hai từ này là những danh từ ghép có quan hệ chính phụ, chứ không phải có quan hệ đồng đẳng như hai từ “đảm bảo” và “bảo đảm” để có thể có những kết hợp chồng chéo, qua lại. Có người còn cho rằng “nhân tình” là một từ đã được Việt hoá, nên nó có thể có nghĩa là “người tình”, giống như từ Hán Việt “tình nhân”. Lập luận này hoàn toàn không quan tâm hay không cần biết gì đến kết cấu Hán Việt rõ ràng của từ “nhân tình”. Nếu “nhân” và “tình” đã được Việt hoá, chúng phải biết thu xếp với nhau để sống êm ấm trong một ngôi nhà Việt (tức phải mang kết cấu của từ pháp Việt). “Nhân” phải trở thành “người” và đi trước “tình”. Chúng ta lại trở về khởi điểm để thấy là hoặc phải dùng từ Hán Việt “tình nhân”, hoặc dùng từ Việt “người tình”, chứ không thể để chỉ cùng khái niệm mà lúc thì dùng “tình nhân” lúc thì dùng “nhân tình”, trong khi hai từ này đã được xác nhận là từ Hán Việt trong các từ điển Hán Việt. Ngoài ra, “nhân” theo nghĩa là “người” chưa được Việt hoá như mức độ của “tình”. Trong kết cấu Việt, “tình” có thể đứng một mình để kết hợp với các từ khác, còn “nhân” (với nghĩa là “người”) thì chưa. Không thể nói: “Tôi gặp một nhân đi tung tăng ngoài phố trông giống cô ta lắm” (!); nhưng hoàn toàn có thể nói: “Qua có tình với em, mà sao em không ngó ngàng chi tới qua hết trơn vậy!”.

    “Nhân tình” bị hiểu lộn là “người tình” có thể là vì nó còn mang nghĩa là “tình riêng đối với nhau” như đã nói ở trên. Có thể lúc đầu người ta nói, “A có/bắt nhân tình với B” (tức “A có tình với B”. Tình đây, nhiều phần, là một thứ tình vụng trộm, không chính đáng). Dùng mãi một thời gian, “nhân tình” đang là “tình” trở thành “người” lúc nào không biết. Người ta không để ý, và từ đó có sự lẫn lộn giữa “nhân tình” và “tình nhân”.

    Trong ngôn ngữ dân gian, người ta có thể lẫn lộn trong cách dùng và cách hiểu hai từ này, và chúng ta có thể bỏ qua. Dù sao, trong sách vở và trên các văn bản, ta nên dùng cho đúng.

  • Sĩ tử / Tử sĩ

    Chắc chẳng ai lộn hai từ này với nhau. Việc liệt kê ra đây chỉ để thấy tầm quan trọng của vấn đề từ pháp mà thôi. Từ thứ nhất là “học sinh đi thi thời khoa cử”; từ thứ hai là “người lính chết trận”. Hai từ “sĩ” viết giống nhau, nhưng một đằng là “học trò, người có học”; một đằng là “người binh sĩ” hay “người sĩ quan”. Hai từ “tử” khác nhau. Một đằng là “người” và một đằng là “chết”.

  • Thân nhân / Nhân thân

    “Thân nhân” là “người thân thích”; còn “nhân thân”—từ đúng ra thì đáng yêu nhưng lại có vẻ gây phiền toái cho tác giả Bùi Việt Bắc—là “thân thế, lý lịch của một người” (?), theo tôi hiểu. Trong Hán-Việt Từ-điển của Nguyễn Văn Khôn cũng như trong Hán-Việt từ-điển của Ðào Duy Anh, chỉ có một từ “nhân thân” là “bà con bên ngoại” với “nhân” ở đây tự nó đã có nghĩa là “bà con bên ngoại” rồi; còn từ “thân” thì có nghĩa là “bà con, họ hàng”. Cả hai quyển từ điển vừa nói không có từ “nhân thân” nào theo nghĩa “thân thế, lý lịch của một người” như tôi hiểu về cách dùng bây giờ ở trong nước. Còn cụm thành ngữ “nhân thân tiểu thiên địa” (trong đó “nhân thân” là thân thể con người) thì lại có nghĩa là “thân thể của người là trời đất nhỏ (người và trời đất có quan hệ mật thiết với nhau)”. Một thứ quan niệm “thiên địa dữ ngã tịnh sinh” đây chăng?

  • Chính chuyên / Chuyên chính

    Hai từ này cũng khó lộn, nhưng xin liệt kê ra đây để giúp những người trẻ. Trong từ thứ nhất, “chính” là “phải, thích đáng; ngay thẳng, đứng đắn”; “chuyên” là “chăm chỉ, chuyên cần”. Từ này chỉ những đức tính của một người nữ, một người vợ. Trong từ thứ hai, “chuyên” là “riêng về một mặt”, còn “chính” là “việc của nhà nước; khuôn phép, quy tắc làm việc”. Nó là một từ chính trị, được giải thích trong từ điển NVK là “thao túng quyền lực quốc gia, chi phối tất cả các quan hệ sanh sản [sản xuất?]. Chính thể chuyên chế.”

    Ngoài những cặp từ trên, những ai thích xem cải lương hay các phim võ hiệp cũng phải cẩn thận để khỏi lẫn lộn giữa “thương trường” (Việt Nam đang trong giai đoạn “bung ra” làm ăn, mở cửa) và “trường thương”. Trong thương trường, xin chớ mang theo vũ khí! Những ai có con cái đến tuổi có thể dựng vợ gả chồng được, và biết là con mình yêu thương ai, thì hãy “tác hợp” cho chúng để chúng có thể “hợp tác” làm ăn và... “sinh sản cho đầy mặt đất” (theo lệnh của Thượng Ðế). Chớ chần chừ kẻo chúng lại tự ý “hợp tác” trước, khiến mình không còn cơ hội để chính danh “tác hợp” cho chúng nữa. Phải “tiên hạ thủ vi cường”! Ðây là hai động từ có kết hợp theo quan hệ chỉnh thể (hai từ đơn cùng bổ nghĩa cho nhau để tạo nên một chỉnh thể mới, với một nghĩa hoàn bị duy nhất, và, do đó, vị trí của chúng gần như nhất định) chứ không phải theo quan hệ chính phụ. Những ai thích nói lái, lại đang sống trong tình yêu, xin cẩn thận trong những lúc phải hội họp, phải tường trình báo cáo vấn đề, mà nói năng nhanh nhạy quá, có thể phát âm lẫn lộn giữa “tường trình” và “tình trường”! Và cuối cùng, xin nhắc những người mê làm việc, xin đừng “cố quá” kẻo lại “quá cố” sớm (ở đây, “cố quá” là một cụm từ (một động ngữ, verb phrase) theo kết hợp Việt. Mong mọi người thông cảm.)

Xin trở lại vấn đề từ pháp để so sánh giữa kết cấu Hán Việt và (thuần) Việt. Trong tiếng Anh và tiếng Việt (kết hợp Hán Việt), từ phụ đi trước từ chính. Trong trường hợp của một danh từ ghép thì thường từ chính là một danh từ và từ phụ là một tính từ [The Broken Wings / Uyên ương gẫy cánh (Nguyễn Ngọc Minh dịch; dịch từng từ là “Cánh gẫy”)—tác phẩm của Kahlil Gibran]; ngược lại, trong tiếng Pháp và tiếng Việt (kết hợp Việt), tính từ đi sau danh từ [La symphonie pastorale / Hoà âmm điền dã (Bùi Giáng), hay Khúc nhạc đồng quê (Ðào Ðăng Vỹ?) —tác phẩm của André Gide [6] // La porte étroite / Khung cửa hẹp (cũng của André Gide) // Un peu de soleil dans l’eau froide (của Francois Sagan ) / Một chút mặt trời trong nước lạnh]. Trong tiếng Pháp, thường thì tính từ đi sau danh từ giống như trong kết hợp Việt, như đã trình bày trong các thí dụ trên. Ngoại trừ đối với những tính từ ngắn như grand, petit, jeune, v.v., kết hợp sẽ giống như trong kết hợp Hán Việt hay trong tiếng Anh; chẳng hạn: Le grand Meaulnes (Alain Fournier), Le petit prince (Antoine de Saint-Exupéry), Mémoires d’une jeune fille rangée (Simone de Beauvoir)... Từ nguyên tắc chính sau, phụ trước này của kết hợp Hán Việt theo quan hệ chính phụ, ta có một số từ đi với từ “điểm” như: yếu điểm, ưu điểm, khuyết điểm, nhược điểm, cường điểm... Thay vì dùng kết hợp Hán Việt như vừa nói, ta có thể sử dụng những kết hợp thuần Việt là: điểm quan trọng, điểm nổi bật, điểm khiếm khuyết (như trong “điểm quan trọng”, ở đây toàn là từ Hán Việt, nhưng dùng và đặt theo lối thuần Việt), điểm yếu, điểm mạnh...

Ở trên, nói là kết hợp thuần Việt, nhưng có những trường hợp đây là một từ thuần Việt cộng với một từ Hán Việt đã được Việt hoá đến mức trở nên gần như thuần Việt. Trong Việt ngữ, có rất nhiều thí dụ minh chứng điểm này. Những từ như đầu, kính, trọng, khinh, điểm, phù... là những thí dụ cụ thể. Nếu nói đầu lĩnh, đầu thống linh (tên một thứ thuốc trị nhức đầu rất linh nghiệm/linh dược trị nhức đầu), thì “đầu” ở đây là một từ Hán Việt. Nhưng nếu nói “Cái đầu nó to quá!”, hoặc “Mày xin tao hả? Xin cái đầu mày đó!” thì “đầu” ở đây lại là một từ đã được Việt hoá lâu đời đến mức nó được coi là thuần Việt. Cũng thế, “trọng” và “khinh” trong “trọng tội” và “khinh tội” là những từ Hán Việt; nhưng “trọng” trong “tội trọng” (tội nặng) hay trong “Cô ấy rất trọng cha mình”, và “khinh” trong “Tôi khinh nó!” thì lại là những từ Việt. Cũng cùng một cung cách như thế, từ “kính” trong “Ðối kính hoạ mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm / Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân” và trong “Nàng đeo kính”. Và “điểm” trong “yếu điểm” (Hán Việt, điểm quan trọng) [“Yếu” này giống như trong “yếu nhân” (nhân vật quan trọng), “yếu tố”, “yếu tính”...] và trong “điểm yếu” (thuần Việt, tức “nhược điểm” dùng theo kết hợp Hán Việt). “Phù” (nổi) như trong “phù sa”, “phù vân”, “phù trầm” (Hán Việt), và trong “Tao đánh mày phù mỏ bây giờ chứ muốn chơi trội hả?!” (thuần Việt, “phù” ở đây là “sưng lên, nổi lên”)

Ðể tóm lại những khác biệt trong mặt từ pháp liên hệ đến các danh từ kép trong những kết hợp Anh, Pháp, Hán Việt, và thuần Việt, tôi xin đưa thêm phần tóm gọn qua thí dụ sau:

(The) White House

(La) Maison-Blanche (người Pháp cho một cái gạch nối vào giữa hai từ này)

(Toà) Bạch Cung / (Toà) Bạch Ốc (nhưng nếu “bạch ốc” mà viết chữ thường chứ không phải chữ hoa thì lại để chỉ một cảnh (ngôi) nhà nghèo, thanh bạch!)

Nhà Trắng


2.

Có những từ được tạo nên theo lối kết hợp Hán-Nôm (một từ Hán Việt và một từ Nôm (thuần Việt)). Những từ này đã được hình thành trong những hoàn cảnh xã hội và lịch sử nhất định với những nét đặc thù của chúng. Cho dù là đã có những công trình nghiên cứu về đề tài này, việc tìm hiểu về những từ kết hợp theo kiểu Hán-Nôm này vẫn cần phải có thêm những nghiên cứu sâu rộng hơn nữa. Những từ đó, có thể đã được tạo nên với những lý do khác nhau. Dù sao, chúng thường vẫn là những từ đã được định hình qua việc đã được sử dụng từ lâu đời (và ta cũng không nên bỏ qua những trường hợp là có những từ đã được tạo ra một cách sai lầm trong quan niệm, trong những hiểu biết của người xưa về thực tại hoặc về nguyên tắc tạo từ). Ðiểm nên để ý ở đây là gần như ngôn ngữ nào cũng có thể có những từ được tạo ra một cách sai lầm như thế. Nhưng chúng vẫn sống. Và, nhiều khi, chúng sống mạnh nữa là đàng khác. Một thí dụ rất rõ trong tiếng Anh là từ “cheeseburger”. Nó đi từ từ “hamburger” mà ra. Gốc của “hamburger” là sự kết hợp giữa Hamburg (một hải cảng trên sông Elbe của Ðức) và tiếp vĩ tố –er. Và con người đã sáng tạo ra “cheeseburger” có lẽ đã nghĩ là “hamburger” là kết hợp của “ham” (thịt muối) cộng với “burger” (không biết trong đầu ông này “burger” biểu thị cho cái gì? Và, thật ra, trong “hamburger” không hề có “ham” gì cả, mà chỉ có thịt bằm chiên thôi!) Thế là để chỉ cái món “burger” (!) mà lại có thêm “cheese” này, người ấy bèn sáng tạo luôn từ “cheeseburger”. Thật khổ. Nhưng, trời ạ, bây giờ “cheeseburger” lại trở nên nổi tiếng! Hamburger, cheeseburger, hot dog, jeans, Marilyn Monroe... là những biểu tượng của văn hoá Mỹ.

Tới đây, có lẽ phải nói một chút về các quan niệm, và trường phái, descriptive prescriptive trong ngôn ngữ. Những từ descriptive prescriptive này có thể dịch là mô tảchỉ định, hoặc, nhẹ hơn nữa, chỉ hướng được không? Tôi xin phép mở một dấu ngoặc để giải thích chút ít ở đây cho những độc giả còn xa lạ với những khái niệm này trong ngôn ngữ học. Một cách rất sơ lược, có thể nói trường phái “descriptive” chủ trương chỉ mô tả ngôn ngữ như nó. Các quy luật ngôn ngữ, như thế, có thể được tìm ra qua các dạng ngôn ngữ đang được sử dụng trong một khung xã hội nhất định. Người ta sẽ không bắt ép ngôn ngữ phải như thế này hay như thế kia, phải theo quy luật này hay theo quy tắc nọ, mà người ta chỉ muốn mô tả ngôn ngữ như nó là, như nó hiện đang sinh động, bất kể là nó có thể sai theo quy tắc trường ốc. (Và, như thế, tất cả những lối nói như sau đây là chấp nhận được: “She don’t care”, “I don’t have no money” (Black English), “It’s me”...) Còn trường phái “prescriptive” thì chủ trương phải giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ bằng cách vạch ra những sai lầm trong cách dùng từ, tạo từ, trong các quy tắc sử dụng ngôn ngữ để, từ đó, sửa lại những sai chệch trong các lĩnh vực này. Ðại khái, những nhà ngôn ngữ theo trường phái “prescriptive” gần như không chấp nhận những sự lệch chuẩn. Có thể nói một trong những mục đích của các Viện Hàn Lâm (văn học), như Viện Hàn Lâm của Pháp chẳng hạn, là để giữ cho ngôn ngữ được chuẩn và được sáng. Trên một số phương diện, điều này thật sự cần thiết. Xin đóng ngoặc.

Một nhà ngôn ngữ học của ta, trong một cuộc phỏng vấn, đã phát biểu một điều thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng rồi ngẫm nghĩ thì lại thấy có lý (dĩ nhiên, từ một góc độ nhìn ngắm nào đó), là: “Nếu tất cả người Việt Nam đều nói và viết như Nguyễn Tuân thì tiếng Việt hỏng hết!” (tôi xin phép chỉ ghi đại ý lời phát biểu). Trong Nam, từ Sáng Tạo trở về sau này, có Mai Thảo là người tạo được một phong cách mới và đặc thù cho cái viết của mình. Là một người duy mỹ và đặc biệt nhạy cảm trong việc thẩm âm, âm của câu văn, âm của mặt chữ, Mai Thảo đã làm mới chữ nghĩa, làm mới văn chương miền Nam, ít nhất là trong những lốt vỏ bên ngoài của nó. Câu văn của Mai Thảo có những chỗ thật dài, lại có nhiều chỗ cụt và ngắn một cách cố ý mà vẫn có nghệ thuật. Hình ảnh và nhịp điệu của chúng phơi phới bay múa. Nhịp điệu của hình ảnh? Vâng, đó là một đặc trưng của văn Mai Thảo. Ta thử đọc ít đoạn ông viết về mưa:

(...) Mùa thu. Moderato, trong nhạc dân gian Phạm Duy. Lá vàng mùa thu. Doloroso, trong nhạc trữ tình Cung Tiến (...) Thơ tiền chiến về mưa thu, nắng thu lấp lánh thật nhiều châu báu, kim cương nơi thể thơ như một bình ngọc riêng được đúc ra để đựng hết mùa thu ngây ngất là thể thơ lục bát. Câu sáu đội mưa thu bay. Câu tám nhặt ngô đồng rụng. (...)

(Văn số 40, 10/ 1985)

(...) Ðích thực mưa xuân. Phơi phới, nghiêng nghiêng. Và lục bát trên những mái nhà. Và tứ tuyệt trên những đường phố. Và song thất ở những ngã tư. (...)

Ðêm qua thức giấc, thoáng nghe thấy, thật xa, những tiếng mưa trên những cảnh ngộ, những thân thế quê nhà. Tiếng mưa dài như một cuộc đời buồn. Những tiếng mưa tăm tối. (...)

(Văn số 57, 3/ 1987)

(...) Rồi thì là một lạnh buồn vô tận đấy nhỉ? Rồi thì là một nhớ nhà vô chừng đấy nhỉ? Khi, giữa một đêm quê người, một đêm ở Mỹ như đêm qua, tôi thức giấc lúc ba giờ sáng, vì trận mưa tháng bảy rì rào trên
mái. Nằm nghe mưa. Thấy mưa trong cảnh ngộ mình, trong tâm thể mình. Hiện giờ. Thấy những khoảng cách mịt mùng. Thấy những không gian vô bờ. Thấy những thượng tầng lạnh buốt. Ðất nước. Mưa đang ở phía ấy. Trên suốt ba miền đất nước hồng thủy. (...)

(Văn số 50, 8/ 1986)

Nhưng cũng có những lúc Mai Thảo đã đi quá xa [7] . Người Anh Mỹ cũng có một cụm từ là “poetic license”, có nghĩa là những sự lệch chuẩn được cho phép trong (sáng tạo) thi ca. Mở rộng ra là cho văn chương. Cũng giống như một số tác phong, một số lối hành sử trong một số context, hay khung cảnh xã hội nào đó, như trên sân đá bóng hay trong phòng khám bệnh của bác sĩ, là được cấp “license” để thực hiện. Người ta sẽ không thể nào chấp nhận được những hành vi ấy trong những bối cảnh thông thường của đời sống [8] . Cuộc sống con người, trong bất cứ khung không gian và thời gian nào, trong bất cứ bối cảnh sống nào, cũng đều cần và đều có những nghi lễ (rituals) của nó. Roland Barthes là người biết rất rõ điều này.

Trong những văn bản bình thường (có nghĩa không phải là những văn bản có tính văn chương), đặc biệt lại được viết bởi những con người bình thường, nhất là trong những văn bản được coi là phải nghiêm túc của những bài thi chẳng hạn, không ai cấp cho ta “giấy phép” để làm những việc trái phép tắc và lệch chuẩn như vậy. Ai không tin, cứ thử đi thi TOEFL (Test of English as a Foreign Language) khắc biết. Là người làm việc với nhiều lớp sinh viên và những nhà chuyên môn từ Việt Nam và các nước khác sang, phải thi TOEFL trước khi được quyền thi lại bằng hành nghề ở Mỹ, tôi có thể nói rằng, trong bài thi này, người ta không chỉ chấm thí sinh trong sự nghe, đọc và hiểu. Người ta còn để ý rất kỹ đến những hiểu biết của thí sinh về mặt ngữ pháp, về cách hành từ, bố câu. Thí sinh phải nắm vững về cú pháp và từ pháp [9] trong tiếng Anh. Thậm chí, người ta sẽ xét cả đến sự hiểu biết của thí sinh trong cách dùng dấu chấm câu, đặc biệt là dấu phẩy, chẳng hạn là dấu phẩy dùng trong các restrictive/non-restrictive clauses/phrases. Những bài thi ra trường (WPE—Writing Proficiency Examination) trong hệ thống đại học ở Mỹ (chẳng hạn trong hệ thống CSU), để được cấp bằng B.A., B.S., thì cũng rất xét nét trong các chuẩn mực vừa nói. Dù sao, đặc biệt trong bài luận, người ta sẽ đánh giá một cách toàn bộ hơn; bài làm của thí sinh, nếu tốt về mặt tư tưởng, thì, với một vài vấp váp trong các phương diện vừa nói, người thí sinh vẫn có thể được đánh đậu.

Tôi không phải là người theo trường phái “descriptive” trong ngôn ngữ, mà tôi cũng không muốn đứng vào phái “prescriptive”. Là một người cầm bút, đôi khi sáng tác [10] , và nhiều khi theo dõi, tìm hiểu và nghiên cứu sáng tác đa số là của những người viết lách cùng thời, hoặc theo dõi và tìm hiểu những hiện tượng văn hoá, văn học đã tác động lên phong cách, phong khí văn chương của cả một thời, tôi có nhu cầu tìm tòi những cách thức thể hiện mới, trong đó bao gồm cả cách dùng từ, tạo từ. Nơi mình cũng như nơi những người khác. Văn học không thể tiếp tục với những dấu rêu và những đường mòn. Văn học tiếp tục sống và thở với những cái mới. Có thể nói mạnh hơn, văn học hiện tồn vì những cái mới. Những cái mới ấy nên có những phẩm tính như thế nào, hoặc nó có cần có một phẩm tính gì không, hay chỉ cần mới là đã đủ, lại là những vấn đề khác không nằm trong phạm vi của bài viết này. Trong văn học, có thể có hiện tượng “lượng” biến thành “chất” không, hoặc hiện tượng cái mới trong hình thức biến thành cái phẩm trong nội dung, trong tính chất? Nếu có, nó xảy ra trong những hoàn cảnh hay theo một quá trình như thế nào? Những trường hợp nào mang tính điển hình nhất? Nếu không, có những trường hợp nào ngoại lệ? Cho dù ngoại lệ chỉ để chứng minh cho quy tắc. Những câu hỏi ấy có thể làm bật lên nhiều ánh lửa tạo những tác dụng kích thích và soi đường cho những sinh hoạt văn học cả trong lẫn ngoài nước. Nhưng, xin được trở lại với những điều đang nói về hai trường phái “mô tả” và “chỉ hướng”. Cũng thế, trong vai trò là một người theo dõi và nghiên cứu ngôn ngữ như là những sinh thể, tôi thích—rất thích—khám phá ra những dạng sống đặc thù của ngôn ngữ, những dạng lai tạp, những dạng bất thường nhưng vẫn tiếp tục cái sống của nó. Có khi, chính trong những dạng bất thường ấy lại ẩn chứa một sức sống dẻo dai và hết sức mãnh liệt. Tiếng Mỹ có lẽ là một tiêu bản, một dạng sống mang chứa trong nó thật nhiều nghịch dị [11] . Những nghịch dị mang trong tự thân chúng một cuộc sống hết sức mãnh liệt và sinh động. Nếu bạn “làm xã hội học”, ngôn ngữ Mỹ, trong bất kỳ một ngôn bản hay văn bản nào, cũng là một “mẫu dân số” tốt để bạn thực hiện những cuộc thăm dò lý thú. Dĩ nhiên, ngôn ngữ nào cũng vậy, nếu ta làm những cuộc “kiểm tra”, “thăm dò” đến nơi đến chốn, những con chữ của một dân tộc sẽ luôn cho ta thấy rõ diện mạo cũng như những nét đặc thù của dân tộc ấy. Và cũng cho ta thấy rõ diện mạo của cái ngôn ngữ mà ta khảo sát.

Ở đây, tôi đang muốn phân tích về tiếng Anh/Mỹ. Ngoài từ “cheeseburger” như đã nói, ta có thể xem xét từ “smog” trong “smog check” chẳng hạn. Nó là con của bố “smoke” (khói) và mẹ “fog” (sương mù). Nó là một dạng kết hợp, lai tạp rất ngộ nghĩnh. Nhà thơ Nguyễn Bá Trạc (và cũng là một nhà văn đầy tính hiện tượng của văn học Việt ngoài nước khoảng mười, mười lăm năm trước đây) đã đề nghị dịch nó, một cách nghịch ngợm, sang tiếng Việt là “khù” (khói + mù)! Cách kết hợp theo dạng smog này cũng thể hiện một cách hiền lành trong brunch (breakfast + lunch), một buổi ăn giữa hai thời điểm sáng và trưa.

Một từ khác: PED XING. Trên đường phố Mỹ, ở những nơi dành cho khách bộ hành băng qua đường, người ta thường gặp nó. Ðó là cụm từ viết tắt của “Pedestrian Crossing”. Từ PED viết tắt thì cũng dễ hiểu, nhưng còn XING? Ðó là X + ING, mà X là dấu hiệu của từ “cross”. Thật tiện lợi, nhưng có lẽ các cụ ta sẽ cho đấy là một kiểu “nôm na là cha mách qué” mất!

Một từ khác, rất quen thuộc, là XMAS hay Xmas. Ðây là một lối viết khác của Christmas, và nó được công nhận trong các từ điển. Thật dễ suy đoán để thấy rằng X ở đây không phải là cross như trong thí dụ PED XING vừa nói, mà là Christ. Còn mas là phần cuối của Christmas. Tại sao X lại là Christ ở đây? Lời giải là: X là biểu tượng của Christ, từ mẫu tự Hy-lạp chi (X), chữ viết tắt của Christos, tiếng Anh là Christ, tên của Ðấng Ky-Tô. Ðây là một kết hợp nghịch dị nhưng phóng khoáng và đáng yêu. Nó được sử dụng từ rất lâu rồi, từ năm 1551.

Một từ khác, nghịch dị hơn tất cả các từ vừa nói nhiều, là “snafu”. Không những nghịch dị mà lại còn kinh hoàng nữa. Tại sao lại kinh hoàng và nghịch dị? “Snafu” chỉ là một sự kiện, một hoàn cảnh đang không bỗng dưng biến ra... thành ngoài luồng, không thể nào kiểm soát được nữa, làm cho mọi sự rối tinh lên. Khiến người trong cuộc (và cả người ngoài cuộc nữa) chỉ muốn... văng tục. Có thể tạm dịch nó là “sự rối tinh, rối mù”, “tình trạng rối be bét”. Nó nghịch dị vì, thật sự, “snafu” chính là một thứ acronym, một thứ chữ tắt, lấy mẫu tự đầu tiên của một cụm từ ghép lại mà thành. Ðây là một cụm từ kinh khủng trong tiếng Mỹ, đổ xô lên văn chương, chữ nghĩa. Nó có vẻ giống ngôn ngữ nói của tổng thống Nixon những khi nóng giận. (Dù sao, ngoại trừ một số khía cạnh rất tiêu cực mà ai cũng biết về Nixon, tôi vẫn nghĩ Nixon là một tổng thống giỏi của Mỹ). Nó vẫn hành quân trên các văn bản nghiêm túc và được dùng như một từ chỉnh và chuẩn trong tiếng Mỹ. Cụm từ ấy là “situation normal all fucked up”. Xin được miễn dịch hoặc... chuyển ngữ nhóm từ kinh khiếp này sang tiếng Việt!

Những cái thích nghiêng về khuynh hướng “descriptive” ấy của tôi, dù sao, lại rất trái chống với một khuynh hướng thứ hai, cũng rất mạnh, nghiêng về khuynh hướng “prescriptive”, trong con người mình. Có thể đây là do việc tôi yêu thích những gì đúng, sáng, và hợp lý. Việc sống trong ngành giáo dục đã khá lâu đủ để cho tôi thấy giá trị của những quy luật, những phép tắc trong vấn đề học hành và giáo dục. Khuynh hướng này cũng có thể do việc tôi yêu thích môn học về từ nguyên (etymology). Môn học này cho ta thấy được gia phả, phổ hệ của biết bao sinh thể chữ. Tôi xin phép được ghi lại ở đây một đoạn văn ngắn mà tôi đã viết nhiều năm trước trong “Lời giới thiệu” của một giáo trình đại học về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam mà tôi đã soạn: “ (...) Học về một ngôn ngữ không phải chỉ là học một số những câu nói vô hồn, những văn bản phi tính, những lớp da và những lớp vỏ đã bị tước, bị lột khỏi cái nhân, cái lõi văn hoá đầy chất bổ dưỡng và sống động của cái ngôn ngữ ấy. Học một ngôn ngữ tức là học hỏi, tìm biết thêm về chính cái dòng văn hoá sống động và đặc thù đã làm phát sinh ra cái ngôn ngữ mà ta tìm đến.[12] . Một từ, như thế, nếu dùng sai, ta làm lạc mất, hoặc có khi ta đánh lộn nhào phổ hệ, gia phả của nó. Cuối cùng, ta chẳng còn tìm được xem mặt mày, gốc gác, nguyên quán, họ tộc thật sự của từ ấy nữa. Từ ấy, như thế, sẽ trở nên thất tung lạc tích. Ta làm cho nó thất cước. “Cước”, ở đây, không chỉ có nghĩa là cái chân, cái gốc, mà cụ thể, nói theo ngôn ngữ hiện đại, là ... “giấy tờ căn cước”, “hộ chiếu”, “hành trạng”..., tóm lại là tất cả những gì làm cho ta tìm lại được gốc gác và ý nghĩa đích thực của cái sinh thể chữ kia.

Có thể nói, về mặt ngôn ngữ học xã hội, một từ không sống đơn lẻ. Cũng như con người, không ai là một hòn đảo, nói như John Donne, về mặt ngôn ngữ học xã hội, chẳng có từ nào là một hòn đảo, đứng tách lìa khỏi đại lục chữ. Các từ sống gắn bó, quần tụ với nhau. Mỗi quyển tự điển hay từ điển đều cho ta hình ảnh của một quần thể. Thám hiểm vào những quần thể như thế, ta tìm ra và học hỏi được nhiều điều rất thú vị. Chẳng hạn về những mặt ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, xã hội, v.v. Chữ nghĩa, chúng có đời sống, tính cách và diện mạo của mình. Chẳng thể dùng sai hay dùng lộn một từ mà ta không làm xáo trộn hay thay đổi cuộc sống quần cư của những con chữ, những từ, những cú trong một văn bản. Ta làm mất hiệu ứng của nó. Chính vì vậy, mặc dù thấy nhiều người viết là “sáng lạn” hay “sáng lạng”, thậm chí là “xán lạng”, trong những trường hợp cần dùng, tôi vẫn viết là “xán lạn” [13] . Hoặc trong những mạch văn cho phép, tôi thích dùng từ “tươi sáng” để tránh ba từ tôi coi là dùng sai ở trên. Cũng thế, tôi cũng sẽ dùng “sử dụng” thay cho “xử dụng”; “dao động” thay cho “giao động” (“dao” có nghĩa là “lắc qua lắc lại”, như con lắc của đồng hồ); “hành sử” thay cho “hành xử” (“sử” là “sai khiến, xúi bẩy; dùng tới”—chữ “sử” này cũng là chữ “sử” trong “sử dụng”) [14] ; “cổ xuý” thay cho “cổ suý” (“Cổ” là “đập trống”, “xuý” là thổi sáo, cổ vũ), v.v.
© 2005 talawas



[1]Quo Vadis? Tựa đề bài này dựa theo tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng thế giới mang cùng tên của nhà văn Ba-Lan Henryk Sienkiewicz (1846-1916), viết về thời bạo chúa Nero ở La Mã. QuoVadis? có nghĩa là “Anh/Con đang đi đâu?”
[2]Xem thêm Paul Dickson, Words. New York: Dell Books, 1982; Mario Pei, The Story of Language (revised edition). Philadelphia & New York: J. B. Lippincott Company, 1965; Bill Bryson, Mother Tongue / English & How It Got That Way. New York: Avon Books, 1990; Ðặng Ðức Siêu, Dạy và học từ Hán Việt ở trường phổ thông. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục, 2001.
[3]Người Tzeltal gốc Mexico, thuộc dòng văn hoá Maya, một dòng văn hoá lớn đã sản sinh ra lịch (calendar) và các kim tự tháp kỳ bí trước cả khi châu Mỹ được tìm ra.
[4]Theo Mary Ritchie Key, Sociolinguistic Variables: A Syllabus. California: University of California, Irvine, 1981.
[5]Theo Nguyễn Công Lý, Mở rộng vốn từ Hán Việt. TP HCM: Nhà xuất bản Ðại Học Quốc Gia thành phố HCM, 2003.
[6]Với tựa đề La symphonie pastorale này của André Gide, cả hai bản dịch dẫn thượng đều không dịch được hết ý. Trong tiếng Pháp, “pastorale” vừa có nghĩa là “thuộc về đồng quê”, vừa có nghĩa “thuộc về ông mục sư”. Nhân vật chính trong truyện này là một mục sư, và câu truyện kể lại mối tình đau khổ và thiết tha của ông. Bởi thế, La symphonie pastorale còn có thể dịch là “Khúc nhạc (lòng) của vị mục sư”. Tựa đề này là một cách chơi chữ của Gide. Trong tiếng Việt, không thể nào dịch được cả hai ý cùng một lúc.
[7]Trong những đóng góp làm mới văn học miền Nam, ở một số khía cạnh nhất định, Mai Thảo là một nhà văn cần được chú ý. Ông là một hiện tượng chữ nghĩa. Dù sao, cái cực đoan của Mai Thảo trong việc tạo từ, hành từ, tổ chức và bố trí câu, cũng như những đề tài trong tiểu thuyết của ông, cũng gây ra những cảm xúc và đánh giá theo nhiều chiều khác nhau. Một vài nhà văn, nhà thơ lớp chúng tôi, gần gũi và thương yêu ông, nhưng thường “chòng” yêu Mai Thảo, với nhau thôi, khi không có mặt ông, bằng cách nhắc lại những câu tương truyền (hơi khó tin) là của Mai Thảo như thế này: “Chàng mặc áo sơ mi. Cụt tay.” [không hiểu là chàng mặc cái áo tay cụt hay chàng là người cụt tay], và “Chàng quay cửa kính xe xuống cho một đậu xe suốt đêm.” [Chàng đi xe hơi đến nhà người yêu chơi và quyết định ngủ lại. Trong toan tính đó, chàng làm động tác quay cửa kính xe lên và đậu xe trước nhà]. Ðó là “huyền thoại” Mai Thảo. Thật sự, tôi chưa từng đọc được những câu này của ông ở đâu; nhưng phong cách thì đúng là phong cách của Mai Thảo. Có thể xem thêm “Văn chương Mai Thảo: biên địa của cảm xúc và cái đẹp giao thoa với ý thức về đời sống” trong Bùi Vĩnh Phúc, Lý luận và Phê bình / Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975 - 1995, California: Văn Nghệ, 1996. (trang 333-372).
[8]Hình ảnh một nhóm cầu thủ, tay che hạ bộ, đứng đón quả bóng phạt đền, là một hình ảnh thật buồn cười nếu ta tước bỏ đi cái context (bối cảnh) trong đó hành vi này được thực hiện. Trong những hoàn cảnh khác, đó là một hành vi thô lỗ. Ở đây, xã hội đồng ý cấp “license” cho những cầu thủ hành sử như vậy vì lý do an toàn. Ta phải để ý đến tốc độ của quả banh đi, nhất là những quả banh phạt đền. Người ta nói là “đi như xé gió”! Không phải “đi như giọt lệ giữa không trung” trong “Trái đất ba phần tư nước mắt / Ði như giọt lệ giữa không trung”, một câu thơ rất đẹp và đầy tính triết lý của Xuân Diệu. Và người bác sĩ OBGYN, mặc dù được xã hội cấp “license” để có một số hành vi, nếu không nằm trong context của nghề nghiệp, rất “không tự nhiên” đối với thân chủ của mình, cũng phải tuân thủ một số những luật tắc, những rituals, cần thiết của cuộc khám nghiệm. Nó liên hệ đến tấm vải trắng ngăn cách (một cách tương đối và rất có tính biểu tượng) người y sĩ với người được khám. Nó cũng liên hệ đến cách sử dụng những tia mắt và lời nói (nếu có) trong thời gian khám bệnh. Ðặc biệt, luôn luôn phải có một y tá hiện diện trong phòng khám trong thời gian này.
[9]Tôi dùng “cú pháp” để chỉ phương pháp đặt câu, “từ pháp” để chỉ phương pháp tạo và dùng từ. Quan niệm về “từ pháp” trong tiếng Hán Việt thì đã rõ ràng. Nó liên hệ đến kết hợp phải / trái, trước / sau của một từ ghép với nguyên tắc là từ chính đi sau, từ phụ đi trước trong các kết hợp có quan hệ chính phụ. Còn trong tiếng Anh? Chẳng hạn như, “poor” là tính từ, muốn biến nó thành danh từ, người ta thêm quán từ “the” ngay phía trước. The poor. “Poor”, bây giờ, là một danh từ tập hợp (collective noun), chỉ giai cấp, tầng lớp, hay một tập hợp những con người nghèo khổ. Từ đó, để tạo từ “những con người bị trị”, người ta lấy động từ (to) “conquer”, đưa nó sang quá khứ phân từ, past participle, thành “conquered”; và lúc đó, “conquered” có thể được coi như một tính từ (tiềm ẩn). Cho thêm “the” đằng trước, “conquered” biến thành danh từ. The conquered. Ta cần chú ý: “the poor”, hay “the conquered”, thật ra, không phải là một danh từ (noun). Nó là một danh ngữ (noun phrase) với kết hợp của một quán từ (the) và một danh từ theo sau. Một thí dụ khác, khi viết “He is 14 years old”, từ “years” có “s” và “years” là một thành phần của vị ngữ (predicate); nhưng khi viết “He is a 14-year-old boy” thì từ “year” không có “s”, và nguyên cụm “14-year-old” là một thành phần của vị ngữ, có các gạch nối để kết hợp chúng lại thành một đơn vị từ. Nó giữ vai trò của một tính từ đứng làm bổ từ cho “boy”. Một thí dụ khác, với hai tiếp vĩ tố “-er” và “-ee”, người ta có thể từ động từ “(to) employ” để tạo ra “employer” (người chủ) và “employee’ (người thợ).
[10]Ở đây, xin hiểu “sáng tác” theo nghĩa hẹp và cũ của từ này. Trong khung cảnh phê bình văn học của thế giới hiện tại, người ta thực ra không còn phân biệt người làm thơ, viết văn, soạn kịch... là những người sáng tác, với những nhà phê bình, lý luận là những người ở bên ngoài hay bên kia của tiến trình này. Bây giờ, tất cả đều là những con người sáng tạo. Chất liệu, với chúng, những nhà văn, nhà thơ tiến hành việc sáng tạo của mình, và chất liệu, với chúng, những nhà phê bình lý luận thực hiện công trình của họ có thể khác nhau ở bản chất và mức độ, cũng như trong sự nhào nặn các chất liệu này ở mỗi người. Nhưng kết quả tạo được từ cả hai đều là những sáng phẩm, hiểu theo nghĩa là những phẩm vật sáng tạo từ lao động (tinh thần) của con người. Xin miễn phải nói đến việc có những “sáng phẩm” rất “tối”.
[11]Dịch chữ “grotesque”. Nó mang những “phẩm tính” như quái đản, quái dị, nghịch hỗn, hàm hỗn... trong mình. Trong một số khía cạnh, tiếng Anh, và đặc biệt tiếng Anh của người Mỹ, từ đó đổ xô lên chữ nghĩa của họ, có lẽ đã thể hiện một dạng nghịch dị rất Rabelais mà nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra. Chẳng hạn có thể xem Richard Lederer, The Crazy English. New York: Simon & Schuster, 1991.
[12]Xem Bùi Vĩnh Phúc, Ở một nơi nào. California: Thời Ðiểm, 1995.
[13]“Xán” là “rực rỡ”, “lạn” là “sáng sủa”. Trong bài hát của Nịnh Tử (vốn tên là Nịnh Thích), người đời Xuân Thu, gọi là “Phạn Ngưu Ca”, có câu: “Nam sơn xán, bạch thạch lạn. Sinh bất phùng Nghiêu dữ Thuấn thiện. Ðoản bố đan y tài chi cán. Trường dạ mạn mạn hà thời đán?”, nghĩa là “Núi Nam rực rỡ, đá trắng sáng sủa. Ðẻ ra không gặp lúc vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn. Vải ngắn áo đơn bó chịt cái thân gầy mòn. Cứ lan man ở trong đêm tối biết đến ngày nào?” Tề Hoàn Công nghe Nịnh Tử gõ sừng trâu hát, biết không phải là người thường, cho lên xe đi theo. Sau, Nịnh Tử vì tài giỏi, được làm quan to. “Xán lạn”, như thế, là một từ ghép Hán Việt có quan hệ đồng đẳng và hỗ tương. Nguyên tắc chính sau, phụ trước (hay chính phải, phụ trái) là nguyên tắc dùng cho các từ ghép Hán Việt có quan hệ chính phụ. Dù sao, “xán lạn” đã được định hình; người ta không dùng “lạn xán”.
[14] Hành sử có nghĩa là”đem ra dùng để làm việc” (Thí dụ: Các cơ quan nhà nước chỉ hành sử những quyền pháp định). Từ “xử” (xem xét để quyết định hay dở, phải trái; ăn ở, đối đãi với người) chỉ dùng trong “xử sự”, “xử thế”, “phân xử”... Còn “xử” trong “xuất xử”/”xử xuất” có nghĩa là “ở” hay “vị trí” (“xuất xử” là lúc ra làm việc đời và lúc lui về ở nhà).
Sử dụng: (do chữ “sử” là “sai khiến, xúi bẩy; dùng tới”) có nghĩa là “đem ra dùng; sai khiến mà dùng vào việc” (Thí dụ: Sử dụng nhân viên một cách hữu hiệu).