trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
3.2.2005
Dương Tường
Vật liệu thơ: Không phải con chữ mà là con âm
Lê Hồng Lâm thực hiện
 


Dương Tường không thuộc loại người “tinh hoa phát tiết ra ngoài”. Ông thuộc nhóm nghệ sĩ “thấp bé nhẹ cân”, gương mặt khắc khổ, cùng “phom” với Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, sau này một chút thì có thêm... Ðỗ Trung Quân. Và cũng giống như những nghệ sỹ kể trên, ông là kiểu người “duy mỹ thứ thiệt”, “cầm kỳ thi hoạ”, cái gì cũng rành. Không phải là biết mỗi thứ một chút, mà cái gì cũng biết tới nơi tới chốn, thuộc vào hạng “sành điệu”. Gọi ông bằng danh gì cũng đáng tin cậy: dịch giả, nhà thơ, nhà báo (rõ rồi); nhà phê bình hội hoạ, sân khấu, văn chương, âm nhạc, điện ảnh (không nhiều, nhưng những gì ông viết đều đáng “đồng tiền bát gạo”)...; chưa kể ông vẽ cũng ra trò!

Ông lại được tiếng là ham chơi, giao lưu rộng, từ bạn văn nghệ sĩ trong nước đến bạn ngoài nước, từ đám bạn già thân thiết tóc bạc da mồi mấy chục năm trời cùng nhau “lên bờ xuống ruộng” đến bọn trẻ đầu xanh mới nhập vào đường chữ nghĩa, vẽ vời.

Suốt cả thời tuổi trẻ và cho tận tới bây giờ, Dương Tường dành nhiều sức lực và tâm huyết cho việc chuyển dịch những tác phẩm văn chương lớn của thế giới ra tiếng Việt bằng hai thứ ngoại ngữ “cao thủ” là tiếng Anh và tiếng Pháp như Cuốn theo chiều gió, Anna Karenina, Ðồi gió hú, Những con đường xứ Flandres, Bức thư của người đàn bà không quen, Zorba - Tay chơi Hy Lạp, Người dưng, Ðất dữ, Cội rễ, Cái trống thiếc... rồi nhiều vở kịch của Shakespeare, Henrik Ibsen... Giữa các “quãng dừng” khó nhọc của công việc chuyển ngữ, Dương Tường sống với cõi thơ của riêng mình, mà nói như ông là “ăn nằm” với con chữ để tạo ra một dòng thơ cách tân rất “hậu hiện đại” từ giữa những năm 60, cùng với những người bạn thơ cùng chí hướng khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà mãi cho đến bây giờ nhà thơ Dương Tường mới thực sự giới thiệu trọn vẹn chân dung thi sĩ của mình qua tập thơ riêng... đầu tay vừa xuất bản: Mea Culpa và những bài khác (NXB Hải Phòng 2005).

Một ngày cuối đông, trên ban công của một quán cà phê nhìn xuống phố chiều, Dương Tường sống lại những ký ức thơ của mình qua tập thơ mới in còn “rưng rưng” mùi mực!

Ông đã từng là “đồng tác giả” [1] của cả vạn trang in, là tác giả của cả ngàn trang sách viết về người khác. Cái tên Dương Tường cũng đã quá quen thuộc với nhiều lớp bạn đọc. Nhưng tập thơ riêng đầu tay mỏng mảnh in lần này hình như vẫn đem đến cho ông một cảm xúc khác hẳn?

Ðúng vậy. Tôi coi tập thơ lần này như một tự tuyển đầu tiên của tôi trong 50 năm làm thơ. Cảm xúc trong tôi vui buồn lẫn lộn. Tôi vui và bằng lòng vì ít nhất, tập thơ Mea Culpa và những bài khác cuối cùng cũng ra đời trọn vẹn và tạo ra được một gương mặt Dương Tường mà trước đây người ta chỉ thấy loáng thoáng. Và tôi buồn pha lẫn chút tiếc nuối vì nếu tập thơ này ra đời sớm hơn, đúng thời điểm mình viết ra thì chắc sẽ nhận được những “feed back” (phản hồi) để nuôi và phát triển tiếp hướng đi của mình. Tôi cũng tin rằng nếu nó ra đúng thời của nó, ít nhất nó cũng có những tác động đến đời sống thơ nói chung và gợi mở cho những thế hệ làm thơ kế tiếp, đặc biệt là thế hệ làm thơ hiện đại sau này. Bây giờ nó ra vào lúc tôi đã hết mạch!

Chả phải là một số nhà thơ trẻ nổi bật bây giờ vẫn chịu ảnh hưởng nhiều từ thứ thơ “ngôn ngữ”, thơ “làm chữ” của ông, của Trần Dần, của Lê Ðạt, Ðặng Ðình Hưng đấy thôi? Cũng như cái gọi là “hậu hiện đại” mà người ta bàn nhiều bây giờ cũng đã có trong thơ của các ông từ những năm 60, 70?

Thực ra những cái mà chúng tôi làm trước đây còn đi trước những cái hậu hiện đại mà người ta bàn bây giờ. Có điều lúc đó chúng tôi không làm “hậu hiện đại” một cách hữu thức, có nghĩa chúng tôi không tuyên ngôn rằng mình đang làm “hậu hiện đại”. Từ những bức xúc của nội tâm và thực tại xã hội nó bật ra thành một dòng văn chương như thế, còn chuyện đặt tên cho nó là “hậu hiện đại” hay gì gì nữa là công việc sau đó của các nhà phê bình, lý luận. Chỉ tiếc nó bị đứt mạch ngay từ thời điểm đó.

Nhưng trong một cuộc trao đổi có tên là “Ðối thoại ngẫu nhiên” gần đây của hai nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thuỵ Kha về dòng thơ cách tân của các ông, Nguyễn Trọng Tạo nhận định rằng “Dương Tường làm thơ cách tân theo kiểu Tây, nhưng kiểu Tây ở đây cũng đã hơi cũ, cũ đối với Tây”. Còn Nguyễn Thuỵ Kha thì cho rằng “Các ông cách tân con chữ nhưng lại sử dụng một thế đóng” và gọi đó là “Sự bế tắc của các nhà thơ cách tân Việt Nam”?

Tôi không bình luận về nhận định này!

Tại sao?

Tôi tôn trọng tự do nhận định, tự do khen, chê của mọi người, có điều đây là những “feed back” không cùng “kênh”!

Vậy thì những feed back “cùng kênh” nhé. Trong lời bạt của tập thơ này có tiêu đề là “Ðường Dương Tường nghiêng” của nhà thơ Hoàng Hưng, sau phần diễn giải việc nỗ lực phát huy “hiệu quả tổng lực” của mọi yếu tố cấu thành khả hữu của bài thơ trong thi pháp của ông, Hoàng Hưng đúc kết lại rằng: “Tôi cũng tin rằng, với hay không với “thi pháp âm bồi”, nhưng chắc chắn là với giọng điệu riêng, Dương Tường đã cho người yêu thơ những bài thơ mà hiệu quả âm nhạc, tạo hình là một với sức mạnh cảm xúc, tình cảm, ý tưởng, không tách bạch được đâu là “âm”, đâu là “nghĩa”, đâu là “hình thức”, đâu là “nội dung”. Ðủ để ghi tên một Dương Tường trong số các nhà thơ đóng góp vào sự phát triển thơ hiện đại Việt Nam”. Vậy thì một lần nữa, mong ông diễn giải rõ hơn ý Hoàng Hưng đã nói, cái gọi là “thi pháp âm bồi”, là sự phối hợp để tạo ra “hiệu quả tổng lực” giữa thơ với âm nhạc, tạo hình...?

Tôi rất tâm đắc với một phát hiểu của nhà thơ Pháp Paul Verlaine: Thơ trước hết phải có tính nhạc (De la musique avant toute chose). Quan tâm hàng đầu của tôi khi làm thơ là luôn phải có tính nhạc. Ở tôi, thơ và nhạc luôn hoà quyện với nhau. Thường những tiêu đề thơ của tôi cũng mang tính nhạc như Romance 1, 2, 3...hay Serenade 1, 2, 3... hoặc những bài thơ tôi viết có cấu trúc của một bản giao hưởng 4 chương hoặc một tổ khúc giao hưởng (Mea Culpa là một tổ khúc giao hưởng 7 chương).

Quan niệm của tôi khi làm thơ là “làm chữ” và hệ quả của nó là “làm âm”. Vậy thì phải làm sao để khai thác được thành tố âm của từ để nó phát huy được sức gợi, gợi tình, gợi hình... Có lần trả lời phỏng vấn về điều này tôi đã nói: Vật liệu chính của thơ tôi không phải là con chữ mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác và tôi là họ làm việc ngôn ngữ trên chiều “biểu nghĩa”, còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều “năng nghĩa”. Chiều “năng nghĩa” có thể hiểu như việc nó chưa định hình và vẫn đang trong quá trình tự hình thành nghĩa, thậm chí không có trong từ điển nhưng khi đọc người ta vẫn hình dung ra được bằng cách cảm nhận. Và từ cái cảm của thính giác đó sẽ chuyển đến cái cảm của tâm thức.

Nói cách khác ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn “thẳng”, còn tôi là ở mặt chữ nhìn “nghiêng”. Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở “mặt chênh” đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Thi pháp âm bồi này được thể hiện rất rõ trong các bài Noel 1, 2Chợt thu 2.
(Ông dẫn luôn bài “Chợt thu 2”): Chiều se sẽ hương/ Vườn se sẽ sương/ Ðường se sẽ quạnh/ Trời se sẽ lạnh/ Người se sẽ buồn. Cái cụm từ “se sẽ” trong mỗi câu thơ này làm nảy lên cái âm bồi “se se” gợi lên cái lạnh đầu thu trong heo may.

Cũng chính bởi thi pháp âm bồi này mà nhiều bài thơ của ông tự thân đã là một bản nhạc. Và một số bài khi được Phú Quang phổ thành nhạc như Tình khúc 24Dương cầm lạnh (từ hai bài Serenade 13) dường như không cần phải dụng công nhiều lắm?

Ðiều ấy thì tôi không biết, nhưng bản thân tôi khi viết bài thơ này thực sự là một sự “hành xác”. Cái âm hưởng “đường dương cầm” nó luẩn quẩn, ám ảnh trong tôi cả tháng trời mà không sao ra được, tự nhiên trong một buổi chiều mưa, câu thơ tự nhiên bật ra “Chờ em đường dương cầm mưa” và tạo thành hình hài cho bài thơ. Tình khúc 24 thì ra đời nhanh hơn, bởi cảm xúc của bài này gắn với một con số kỷ niệm của riêng tôi.

Vậy còn cách phá chính tả thông thường trong một số bài thơ, điển hình như bài Khoảnh khăk?

Cách phá chính tả đó tôi học từ nhà thơ Mỹ E. Cummings mà tôi rất thích. Khi sử dụng chính tả thông dụng không giải toả được hết ức chế trong mình và muốn vượt thoát ra mọi khuôn khổ, nhà thơ không những có ngữ pháp của riêng mình mà có thể có chính tả riêng.

Cách phá chính tả trong bài Khoảnh khăk cũng bắt nguồn từ tâm trạng ức chế nhiều bề và muốn vượt ra khỏi sự ngột ngạt của thứ văn minh đồ hộp đang lấn át dần dần vẻ đẹp của thiên nhiên, tự nhiên.

(Ông lại dẫn thơ: khoảnh khăk/ le lói/ chân mây mày mạy/ chợt đỏ ệk/ những câu thơ xác ướp/ ái tình đóng hộb/ ôi chao văn minh đồ hộb...)

Ông cũng từng nói rằng những thể nghiệm về thơ “âm bồi” và thơ “đồ hoạ” của ông có ảnh hưởng nhiều từ thơ của Hồ Xuân Hương lẫn Guillaume Apollinaire?

Tôi học ở bà cố tổ Hồ Xuân Hương rất nhiều, bà ấy “mô đéc” lắm, đặc biệt là thi pháp âm bồi. Ðiển hình là câu thơ trong bài Hang cắc cớ: “Ðứng chéo trông theo cảnh hát heo”. Âm “chéo” này ám tôi trong rất nhiều bài, thậm chí cả bài thơ tôi viết bằng tiếng Anh mà sau này tôi tự dịch ra tiếng Việt là “A mơ ri cơ”

Tôi nhìn nước Mỹ
qua mềm mại em phi lí
chéo
qua phụ khoa em hơ hớ
chéo
qua nhục dục em ngao ngán
chéo
qua thân tình em ngạo ngược
chéo
qua năng động em vô vọng
chéo
qua nụ bè he em bối rối
chéo


Còn thơ của G. Apollinaire mở ra cho tôi nhiều thứ, đó là khả năng đồ hình hoá của thơ và từ đó đi đến quan niệm: có thể tạo ra một thể loại thơ gọi là thơ thị giác. Tôi đã thể nghiệm một loạt những thứ “thơ ngoài lời” như các tập Mắt, Trang, Ngày và cuối cùng thấy ưng ý nhất với tập Ðàn (NXB Trẻ năm 2003). Thời điểm đó, Trần Dần cũng làm mấy tập Thơ không lời Mây không lời. Sau này tôi cũng bắt gặp thứ thơ đồ hoạ này trong một số nhà thơ tiên phong của Tây Ban Nha và châu Mỹ La Tinh (điển hình là tập Mouvements - Chuyển động của nhà thơ Bỉ Henri Michanx).

Vẫn chưa hết, ông còn làm thơ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và đã in nhiều ở nước ngoài. Tôi ngạc nhiên lắm, thưa ông Dương Tường! [2]

Thực ra những cách tân với thơ, tôi học hỏi rất nhiều từ những người đi trước, những người bạn cùng chí hướng và những bậc thầy từ bên ngoài. Tôi nghĩ chúng ta cần học không ngừng, học người xưa, học người cùng thời, học trong nước, học nước ngoài. Học không phải là bắt chước mà là vận dụng những cái hay, cái mới sao cho, qua métabolisme (chuyển hoá, hiểu như một quá trình sinh học) của bản ngã, nó trở thành một cái gì của chính mình. Quá trình làm việc với chữ với âm của tôi đều đến một cách tâm thành chứ không hề muốn khoe chữ hay khoe khoang kiến thức gì cả.

Tôi có khoảng 30 bài thơ viết trực tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ðó là những trường hợp mà hoàn cảnh và môi trường đặc biệt khi đó khiến cảm xúc đến với tôi bằng những ngôn ngữ đó và nó bật ra một cách tự nhiên như vậy thôi. Không chỉ là tạo hình hay ngôn ngữ thôi đâu, mà đôi khi nó còn đến từ trong tâm thức. Nhiều bài sau này tôi “đánh vật” mãi mà không thể dịch được sang tiếng Việt. Tôi nghiệm ra rằng, nhà thơ muốn tạo ra được một cái gì đấy thực sự của mình thì phải “ăn nằm” với thứ chữ ấy!

Như bài thơ chỉ một câu mà giống như một tuyên ngôn nghệ thuật của ông Tôi đứng về phe nước mắt (Ðể ghi trên mộ chí sau này)? Ông đã phải “ăn nằm” với chữ, với đời bao lâu để có được câu thơ làm “của để dành” này?

Trường hợp này lại khác, không liên quan đến chuyện “ăn nằm” với chữ. Có lẽ nó thuộc phạm trù tâm linh. Thoạt đầu, đó là một bài thơ dài hơn thế nhiều, sau rồi những suy tư vật vã, những nung nấu khát khao, cuối cùng, qua cái nôi-cất-tâm-linh, kết đọng lại thành sáu giọt chữ: Tôi Ðứng Về Phe Nước Mắt. Vậy thôi.

Ông quả là có một “Tinh thần thế giới” [3] khi gần đây rất nhiều nhà văn nổi tiếng cũng có cùng sự đồng cảm này, như nhà văn áo Elfriede Jelinek đoạt giải Nobel Văn học năm nay có phát biểu rằng “Văn học không đứng về phía kẻ mạnh”, hay nhà văn Nam Phi J.M. Coetzee đoạt giải Nobel năm ngoái cùng thường hướng ngòi bút của mình về phía những thân phận bị ruồng bỏ, những kẻ ngoài lề?

Họ cũng là những người đứng về phe nước mắt!



[1]Quan niệm về dịch thuật văn chương, ông Dương Tường có nói rằng “một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm trong đó người dịch là đồng tác giả”.
[2]Bắt chước từ tiêu đề một bài viết về Dương Tường của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên “Tôi lạ lắm ông Dương Tường”.
[3]“Tinh thần thế giới” là câu “slogan” của trang web văn học eVăn (www.evan.com.vn)
Nguồn: Sinh viên Việt Nam, số Tết Ất Dậu