trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
7.2.2005
Trần Thị Kim Anh
Vài nét về hoạt động nhạc vũ thời Lê
 1   2 
 
Lịch sử nhạc vũ của nước ta là một vấn đề lâu nay gần như bị bỏ ngỏ. Sự nghèo nàn của các tư liệu lịch sử về vấn đề này đã gây khó khăn lớn cho các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên một nền âm nhạc mà những gì còn truyền lại được đến nay cho thấy không phải là tầm thường và kém phong phú thì hẳn nhiên trong lịch sử phải có một quá trình phát triển liên tục và mạnh mẽ. Có lẽ con đường hình thành và phát triển của nền nhạc vũ nước ta cũng sẽ tương tự như nhiều nước khác trên thế giới, đó trước hết là sự ra đời và phát triển tự thân của nền nhạc vũ dân gian - điều đương nhiên không thể thiếu trong cuộc sống của bất kỳ cộng đồng người nào - sau đó trải qua diễn biến của quá trình lịch sử, trong sự giao lưu văn hóa với khu vực sẽ chịu ảnh hưởng và hấp thu âm nhạc ngoại lai, đồng thời kết hợp với sự cải biên và sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ mà hình thành nền nhạc vũ của riêng mình. Việc tìm hiểu nghiên cứu lịch sử âm nhạc nước nhà là một vấn đề lớn, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu lâu dài của các nhà chuyên môn, ở đây chúng tôi chỉ dám qua một số tư liệu có được, hình dung đôi nét về hoạt động nhạc vũ dưới thời Lê.

Nhìn chung, xu thế phát triển và chỉnh thể nền nhạc vũ cho đến thời Lê là sự kế thừa và phát triển nền nhạc vũ trước đó. Điểm lại lịch sử có thể thấy, nước ta từ lâu đời đã có nền nhạc vũ dân gian của riêng mình, đồng thời ngay từ trước công nguyên đã có tiếp xúc với âm nhạc Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang. Sau đó trải suốt gần 1000 năm bị coi như quận huyện của Trung Quốc, lại phải chịu một chính sách đồng hóa ráo riết nên sự ảnh hưởng của nền nhạc vũ nước này đối với nước ta là không thể phủ nhận. Trước hết là sự ảnh hưởng của nhạc vũ Đạo giáo đời Hán với những nhạc khúc và vũ điệu luyện khí trừ tà của các đạo sĩ, tiếp đó là nhạc vũ đời Đường - Tống. Đặc biệt ở thời Đường, sự hùng mạnh của triều đại này đã gây ảnh hưởng lớn về mọi mặt kinh tế cũng như văn hóa không chỉ đối với các lân bang mà thậm chí tới tận phương Tây xa xôi. Cũng như các hoạt động văn hóa khác, hoạt động nhạc vũ thời Đường cũng hết sức phát triển. Âm nhạc dân gian thời kỳ này là một nội dung trọng yếu trong đời sống xã hội. Âm nhạc mới được hình thành trong quá trình giao lưu văn hóa không ngừng xuất hiện rồi lại bằng những con đường khác nhau tuyền bá khắp nơi. Phật giáo ở thời Đường được tôn sùng và phát triển đến cực thịnh, chùa viện đua nhau mọc lên, có những chùa viện vừa là nơi hoạt động tôn giáo, vừa là nơi hoạt động âm nhạc và các văn hóa khác, do đó âm nhạc Phật giáo đời Đường cũng ảnh hưởng rất mạnh trong khu vực. Về tổ chức, cơ quan âm nhạc thời Đường nguyên có Thái nhạc thự, Cổ xúy thự và Giáo phường, đều do Thái thường tự quản lý. Nhưng ban đầu Giáo phường trong cung đình quy mô rất nhỏ, đến niên hiệu Khai Nguyên 2 đời Đường Huyền Tông (714) mới mở rộng thêm. Ngoài Nội giáo phường được thiết lập trong cung đình ra, ở Tây kinh Trường an và Đông kinh Lạc Dương có đặt 2 sở Ngoại giáo phường, đều không thuộc Thái thường tự mà do cung đình phái Nội quan làm Giáo phường sứ đến quản lý. Trong cung đình còn có các Lê Viên, các đệ tử ở đây được gọi là Lê Viên đệ tử. Những tổ chức âm nhạc này chủ yếu truyền tập tục nhạc, là nơi sưu tập nhạc vũ dân gian, đào tạo nhạc công, đồng thời cũng là nơi nâng cao nghệ thuật nhạc vũ, truyền bá nhạc vũ. Năm Thiên Bảo thứ 15 (756), nổ ra loạn An Sử, Huyền Tông bỏ kinh đô chạy, các nhạc nhân Giáo phường phần nhiều lưu tán đi các nơi, nhạc vũ Giáo phường nhờ vậy càng lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trong bối cảnh đó, là một quận huyện nội thuộc, nằm trong phạm vi cai quản và giáo hóa của nhà Đường, xã hội Việt Nam thời bấy giờ đương nhiên sẽ phải vận động theo sự vận động của xã hội thời Đường, vì vậy hoạt động nhạc vũ thời kỳ này cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhạc vũ thời Đường. Rất nhiều nhạc khúc thời Đường truyền đến Việt Nam và đã được người Việt bảo lưu. Có nhạc khúc cổ thất truyền ở Trung Quốc nhưng lại có ở Việt Nam. Trường hợp người đời Tống tìm lại được ở Việt Nam trượng cổ [1] khúc Hoàng Đế Viêm đã thất truyền ở Trung Quốc từ lâu là một minh chứng [2] . Tiếp đó là sự ảnh hưởng của nhạc vũ thời Tống, sử sách cho biết, vua Lê Long Đĩnh (Trị vì từ năm 1005 đến 1009) rất sủng tín kép hát là Liêu Thủ Trung. Kép hát (Nguyên văn là Ưu nhân) ở đây chính là chỉ diễn viên biểu diễn tạp kịch, một hình thức biểu diễn vừa hát vừa nói rất phổ biến vào thời Tống [3] .

Nhà Lý độc lập - cùng với các cơ quan hành chính khác được thành lập để điều hành đất nước - các cơ quan chuyên trách về nhạc vũ cũng được hình thành để phục vụ các nghi lễ trong triều và giải trí cho tầng lớp quan lại quý tộc. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) chép: “Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), Lý Thái tổ đặt chức Quản giáp để quản con hát”. Ngoài ra sách còn cho biết: “Đỗ Anh vũ là em ruột Đỗ thái hậu - mẹ vua Thần tông nhà Lý - vốn đẹp trai hát hay múa khéo nên lên 8 tuổi đã sung vào ban Thượng Lâm đệ tử”. Tổ chức Thượng Lâm ở đây chính là sự mô phỏng tổ chức Lê Viên trong cung đình của nhà Đường. Lê Viên là nơi đào tạo về nhạc vũ cho cung đình, mục Lễ nhạc chí trong sách Tân Đường thư chép: “Huyền tông đã hiểu âm luật lại cực thích Pháp khúc, chọn 300 đệ tử vào Tọa bộ kỹ dạy ở Lê Viên… được gọi là Hoàng đế Lê Viên đệ tử”. Như vậy rất có thể ban đầu, các cơ quan quản lý về âm nhạc ở thời Lý được mô phỏng theo quy chế nhà Đường, cách tổ chức Thái thường tự và Giáo phường theo mô hình thời Đường đã xuất hiện ở thời Lý. Về nội dung diễn xướng có lẽ vẫn bảo lưu được các nhạc khúc ca từ của các đời trước, ngoài ra còn tiếp tục chịu ảnh hưởng nhạc vũ đời Tống, đồng thời còn có ảnh hưởng nhạc vũ Chiêm Thành. Cũng theo Cương mục thì “Năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ nhất (1044) vua Thái Tông đi đánh nước Chiêm Thành, tiến vào kinh đô Phật Thệ, bắt được cung nữ Chiêm Thành hơn 100 người đưa về kinh đô Thăng Long, lúc thị yến, bọn ấy múa hát khúc Tây thiên rất khéo ”. Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) cho biết: “Trong đời nhà Lý, có đạo sĩ nhà Tống sang nước ta đã dạy người nước ta múa hát”. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút còn cho rằng, sau này Giáo phường đặt ra lối múa hát Bát đoạn cẩm là phỏng theo cách múa hát của đạo sĩ nhà Tống. Ngoài ra Phật giáo ở thời Lý rất phát triển nên âm nhạc Phật giáo cũng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, lối Kể hạnh kết hợp giữa hát và kể vẫn được các tăng ni thời Lý sử dụng để tuyên dương Phật pháp rất có thể có nguồn gốc từ lối giảng xướng trong các chùa chiền đời Đường.

Nhạc vũ thời Trần do được tiếp nối thành tựu của những thời đại trước nên đã khá phong phú. Nhạc vũ cung đình ở thời Trần đã được sứ thần nhà Nguyên là Trần Phu (Trần Cương Trung) sang nước ta vào năm 1293 (niên hiệu Trùng Hưng thứ 9), được xem biểu diễn nhạc vũ trong cung đình kể lại qua An Nam tức sự như sau: “Từng dự yến ở điện Tập Hiền bên nước đó, thấy một bọn con hát cả trai lẫn gái mỗi bên 10 người, đều ngồi dưới đất. Có các thứ đàn như đàn tỳ bà, đàn tranh và đàn độc huyền. Tiếng hát tiếng đàn hòa lẫn vào nhau. Khi hát thì trước hết ê a rồi sau mới có lời... Phía trước điện có biểu diễn các trò đá múa, leo sào, múa rối, lại có người mặc quần gấm nhưng cởi trần nhảy nhót hò reo. Đàn bà mặc áo hở vai đi chân không xòe 10 ngón tay ra như những chạc cây để múa, thật xấu xa trăm điều (…) Hơn 10 người con trai mình đều cởi trần, cánh tay liền nhau, chân dậm xuống đất, vừa xoay vòng xung quanh vừa hát mãi, mỗi hàng khi có một người giơ tay thì mười mấy người cùng giơ tay, khi bỏ tay xuống cũng vậy. Trong các bài hát của họ có những khúc như Trang Chu mộng điệp, Bạch Lạc Thiên (Bạch Cư Dị), Mẫu biệt tử, Vi Sinh ngọc tiêu, Đạp ca, Hạo ca…Duy có khúc Thán thời thế là ảo não nhất, song nghe tản mạn không thể hiểu được. Khi trên điện bày yến tiệc lớn cần có đại nhạc thì nhạc sẽ cử lên ở sau chái nhà phía dưới, cả nhạc cụ lẫn người đều không nom thấy đâu cả, mỗi lần rót rượu thì hô lớn “Phường nhạc tấu khúc mỗ”, ở trái nhà phía dưới liền có tiếng “dạ” và cử khúc nhạc đó. Nhạc thì có những khúc như: Giáng Hoàng long, Nhập Hoàng đô, Yến Dao trì, Nhất thanh phong, âm điệu cũng gần giống nhạc cổ nhưng gấp rút hơn mà thôi”. Sách An Nam chí lược còn cho biết: “Ngày 30 tết, vua ngự trên điện Đoan Cung, bá quan vào làm lễ rồi xem bọn con hát múa hát các lối, âm luật đời ấy có Nam thiên nhạc, Ngọc lâu xuân, Mộng du tiên, Đạp thanh du, Canh lậu trường. Tiếng Việt được dùng làm thơ phổ vào nhạc khúc để tiện ngâm nga, những ca khúc đều gợi được tình cảm hoan lạc hoặc sầu oán”. Qua những dẫn chứng trên có thể thấy, vào thời Trần đã thịnh hành một loại vũ đạo tập thể rất giống với Đạp ca vũ [4] ở thời Đường, đồng thời nhạc vũ Việt Nam, nhạc vũ Chiêm Thành và nhạc vũ Trung Quốc đã được pha trộn trong các chương trình diễn xướng. Nhạc cụ có đàn đàn độc huyền, đàn tỳ bà, đàn tranh, là nhạc cụ Trung Quốc; lối múa mặc áo hở vai và giọng hát êm ái bi thương là sắc thái Chiêm Thành. Một số tên gọi các nhạc khúc là tên gọi quen thuộc của các nhạc khúc từ điệu thời Đường - Tống [5] , và đã được chính Trần Phu xác định là “âm điệu cũng gần giống nhạc cổ nhưng chỉ gấp rút hơn mà thôi”. Trần Phu là người đời Nguyên do đó nhạc cổ mà ông ta nói ở đây chính là âm nhạc Đường - Tống song đã được phổ lời Việt vào và có lẽ đã có đôi chút sai lệch do quá trình lưu truyền cộng với sự cải biên pha trộn của các nghệ sĩ cho phù hợp với trình độ thẩm mỹ và thị hiếu của người Việt, nên đã gây cho vị sứ thần nhà Nguyên cảm giác về lối múa lạ lùng, lời ca khó hiểu. Như vậy ở thời kỳ này đã có sử dụng nhiều nhạc khúc thời Đường - Tống được điền ca từ bằng thơ tiếng Việt. Đặc biệt nhạc khúc và trình độ biểu diễn ở thời kỳ này khá bài bản và điêu luyện, “gợi được tình cảm hoan lạc hoặc sầu oán”. Ngoài ra sử sách còn cho biết, suốt thời Trần, nhạc vũ Trung Quốc liên tục ảnh hưởng vào nước ta. Toàn thư chép: “Năm Đại Trị thứ 5 (1362), mùa xuân tháng giêng, lệnh cho các nhà vương hầu công chúa dâng các vở tạp hý, vua xét duyệt trò nào hay thì thưởng cho”, tiếp đó có lời giải thích rằng: “Khoảng niên hiệu Thiệu Bảo (1279 - 1287) đời vua Nhân tông, quân ta đại phá quân Nguyên, bắt được người kép hát là Lý Nguyên Cát khéo múa hát, nô tỳ trẻ tuổi các nhà thế gia đua nhau học theo lối hát của phương Bắc, Nguyên Cát làm ra các vở tuồng theo tích cổ, có vở Tây phương Vương Mẫu hiến bàn đào, trong vở tuồng này có các tên gọi như Quan nhân, Chu tử, Đán nương, Câu nô, gồm 12 người, đều khăn thêu áo gấm, đánh trống thổi sáo gẩy đàn và múa hát, thay nhau ra vào làm trò khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Nước ta có tuồng truyện (nguyên văn là Cổ truyện hý) bắt đầu từ đó.” Theo giáo sư Âm Pháp Lỗ thì tuồng truyện ở đây chính là hình thức biểu diễn tạp kịch của đời Nguyên, các vở diễn bắt đầu được chia theo màn, lớp, với nhiều vai diễn. Như vậy qua sự mô tả nói trên của Toàn thư, có thể thấy cho đến lúc này hình thức biểu diễn tạp kịch đã rất phổ biến ở nước ta, và phải chăng từ đó đã diễn biến thành nghệ thuật tuồng và chèo hết sức đặc sắc sau này. Cũng Toàn thư cho biết: “Năm Thiệu Phong thứ 10 (1350) đời vua Dụ tông, người nhà Nguyên là Đinh Bàng Đức nhân nước loạn vượt biển sang nước ta (…) Bàng Đức giỏi leo dây, làm trò ca múa, người nước ta bắt chước làm trò múa leo dây. Trò leo dây bắt đầu có từ đó”. Không chỉ có nhạc vũ Trung Quốc mà ở thời kỳ này, ảnh hưởng của nhạc vũ Chiêm Thành vào nước ta cũng khá mạnh và rất được vua quan đời Trần hâm mộ. Sách Cương mục chép: “Năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1203), mùa thu tháng 8, vua Cao tông chế ra khúc nhạc điệu Chiêm Thành gọi là Chiêm Thành nhạc khúc. Vua ngự ra hành cung Hải Thanh, sai nhạc công gẩy đàn Bá Lỗ, ca nữ hát theo khúc Chiêm Thành”; “năm Thiệu Long thứ 13 (1252) đời vua Thánh Tông, phiêu kỵ tướng quân Trần Quốc Khang đến trước Thượng hoàng múa điệu Mọi. Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang rồi cùng múa điệu Mọi theo”. Qua đó có thể thấy, nhạc vũ thời kỳ này đã hấp thu khá nhiều hình thức diễn xướng mới từ phía Trung Quốc và Chiêm Thành, và do phù hợp với thẩm mỹ và thị hiếu nên đã được người Việt nhiệt tình đón nhận.

Đời Lê, do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tống Nho, với mong muốn thiết lập một triều đại theo đúng trật tự kỷ cương của Nho giáo, bằng pháp luật và giáo huấn, các vua đầu triều Lê, đặc biệt là Lê Thánh tông đã triệt để đưa các nghi lễ của Nho giáo vào đến từng hoạt động nhỏ trong đời sống xã hội, hoạt động âm nhạc trong hoàn cảnh đó cũng hết sức được chú trọng. Câu truyện về cuộc tranh cãi giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng về quy chế lễ nhạc vào năm Thiệu Bình thứ 3 (1436) là minh chứng về sự quan tâm của nhà nước đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên sự tranh cãi rút cục đã dẫn tới việc Nguyễn Trãi xin rút lui và toàn bộ nhạc vũ cung đình là do hoạn quan Lương Đăng quyết định, và đáng tiếc, theo Toàn thư thì đều phỏng theo quy chế nhà Minh mà bỏ âm nhạc dân gian (bị coi là dâm nhạc) trong các nghi lễ. Đại để âm nhạc cung đình bấy giờ bao gồm nhạc Tế giao, Tế miếu, nhạc Tế ngũ tự, nhạc Cứu hộ nhật thực nguyệt thực, nhạc Đại triều nhạc Thường triều, nhạc Cửu tấu khi đại yến, nhạc dùng trong cung...Ban nhạc thì được chia thành Đường thượng chi nhạc (ban nhạc tấu trên điện) và Đường hạ chi nhạc (ban nhạc tấu dưới thềm), ban nhạc tấu trên điện là ban nhạc ngồi, gồm có các nhạc cụ là trống treo lớn, biên khánh, biên chung [6] , đàn cầm, đàn sắt, sinh, quản, thược [7] , chúc [8] , ngữ [9] , huân [10] trì [11] ; Ban nhạc tấu dưới thềm là ban nhạc đứng, gồm có các nhạc cụ là phương hưởng treo [12] , không hầu [13] , tỳ bà, các loại sáo.Như vậy về nhạc cụ thì hoàn toàn là nhạc cụ Trung Hoa, còn cách bố trí dàn nhạc thì chính là mô phỏng cách sắp xếp Tọa bộ kỹLập bộ kỹ của các triều Đường - Tống. Về tổ chức, sách Thiên Nam dư hạ tập cho biết, vào thời Lê có các cơ quan biểu diễn nhạc vũ thuộc triều đình gồm Ty Giáo phường, Thự Đồng văn, Thự Nhã nhạc, Sở ca vũ, Sở hý thuật, xiếc, múa Chiêm, múa rối. Các cơ quan này đều là nha môn sở thuộc Thái thường tự. Hai thự Đồng văn và Nhã nhạc chuyên trách nhạc vũ cung đình, dùng để trình diễn vào những dịp long trọng, thự Đồng văn chủ về âm nhạc còn thự Nhã nhạc chủ về tiếng hát. Riêng Giáo phường là cơ quan chuyên nắm giữ tục nhạc, là nơi thu thập, chỉnh lý biểu diễn và truyền bá nhạc vũ dân gian. Ty giáo phường có các chức Ty chính hàm Chánh bát phẩm, ty phó hàm Tòng bát phẩm. Các thự các sở đều có các chức Thự chính, Thự phó, Sở chính, Sở phó. Ngoài ra trong cung đình còn đặt Cục nhạc khí, chuyên sản xuất nhạc cụ cho cung đình, trực thuộc Giám Ngự dụng của Sở Bảo nguyên doanh tạo ở bộ Công. Về phía quân đội cũng có hệ thống quân nhạc riêng gồm có các kỵ sĩ thổi kèn đánh trống trực thuộc các vệ và quan Bả lệnh Ngũ quân. Chính sách lương lộc đối với những người trực tiếp làm việc tại các cơ quan này cũng được quy định hết sức rành mạch. Chế độ Điền lộc thời Lê quy định các ban hát xướng diễn trò của Thự Đồng văn Nhã nhạc được ruộng năm phần rưỡi, người hát xướng diễn trò được ruộng bốn phần rưỡi. Như vậy về căn bản, mô hình tổ chức hoạt động nhạc vũ cung đình thời kỳ này là mô phỏng thời Đường - Tống - Minh.

Về nội dung diễn xướng, ngay từ đầu thời Lê, trong cung đình, nhiều khúc hát dùng để biểu diễn trong những dịp đại lễ ra đời, các nhạc khúc Bình Ngô phá trận, Chư hầu lai triều xuất hiện ở thời kỳ này. Chính Lê Thánh tông từng làm ra Quỳnh uyển cửu ca, gồm 9 bài ca trình diễn trong cung là: Phong niên, Quan đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiền, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân, Mai hoa. Sách Lê triều hội điển cho biết “Theo pháp điển, thời quốc sơ chỉ làm lễ rước và lạy mừng, nhạc chương chưa đủ. Năm Vĩnh Hựu thứ nhất (1735) mới kính vâng ngự chế, bảo rõ các quan rằng: các lễ Chính đán, Diên thọ, Yết giao, Tế cờ là đại lễ, hợp các nhạc chương lại để cùng diễn tấu, gồm 5 chương: Từ bình, Thanh bình, Hòa bình, Thăng bình Thừa bình. Các nhạc chương này về nhạc khúc không rõ thế nào, còn ca từ đều là những bài ngũ ngôn bằng Hán ngữ. Sách này còn ghi nhận: vào lễ Thánh tiết, ty Giáo phường, thự Đồng văn, thự Nhã nhạc tấu khúc Văn quang, ca ngợi chính trị hòa, đạo đức sáng và tấu khúc Hưu minh ca ngợi sự tốt đẹp thịnh vượng của triều đại. Trong các đại lễ, giữa các nghi thức thường có tấu nhạc và múa hát xen kẽ. Tuy nhiên loại âm nhạc này chỉ nhằm ca công tụng đức, phục vụ triều nghi, tế tự..

Từ sau khi nhà Lê trung hưng, cùng với sự đi lên của nền kinh tế, hoạt động nhạc vũ trong dân gian trở nên hết sức sôi nổi, nhu cầu thưởng thức của nhân dân, đặc biệt là trong tầng lớp quan lại và nhà giàu ở khu vực kinh đô Thăng Long rất lớn, do đó Giáo phường thời kỳ này hoạt động hết sức rộng rãi, không chỉ có tổ chức Giáo phường của cung đình mà các tổ chức giáo phường trong dân gian cũng hết sức phát triển Hoạt động của các thự Đồng văn Nhã nhạc trong cung đình dần sa sút, ngược lại tổ chức Giáo phường trong dân gian phát triển mạnh, nhạc vũ dân gian tràn vào cung phủ. Phạm Đình Hổ cho biết: “Từ lễ tế giao, tế nhà miếu, lễ triều hạ... đều dùng một thứ nhạc ấy” Ngoài ra trong các dịp lễ tết dân gian và các hoạt động tôn giáo ở các đình chùa quán, các đám cưới đám tang, lễ khao lễ vọng ở tư dinh của các nhà quyền quý, ở nhà riêng của dân gian đều có sự góp mặt của Giáo phường. Lệ thẻ thưởng vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập sang ta đến thời kỳ này càng phát triển mạnh, vì vậy lợi lộc Giáo phường thu được không nhỏ, có lẽ do đó mà giáo phường được kích thích phát triển, nhiều hình thức ca nhạc trò diễn mới được hình thành, các ca quán ra đời, các giáo phường cấp huyện được quyền hát và thu lợi ở một số ngôi đình theo quy định. Giáo phường thời kỳ này bao gồm trong nó rất nhiều hình thức biểu diễn dân gian phong phú., người làm nghề trong Giáo phường cũng rất đông. Kinh đô Thăng Long có hẳn một thôn Giáo phường. Do hoạt động Giáo phường phát triển mạnh như vậy nên nhiều vấn đề liên quan đến giáo phường được đặt ra khiến nhà nước phải ban hành các luật lệnh quy định trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng đối với hoạt động này. Sách Lê triều chiếu lệnh thiện chính, chương Lễ thuộc cho biết: “Thuế cửa đình theo ngạch cũ đã có các mức đóng góp thu nộp khác nhau, tiền lễ thuộc về Giáo phường thu, tiền trù thuộc về quan đương cai thu”. Ngoài ra lệnh về thuế thân ban hành năm Bảo Thái thứ tư (1723) chép trong chương Hộ thuộc của sách này còn xác nhận: “…Đối với ngụ lộc Giáo phường thì chính đinh nộp 1 quan 2, hoàng đinh lão hạng được giảm một nửa, tiền điệu được giảm hết”. Sách Lê triều hội điển cho biết: Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư (1718) đặt 6 cung thuộc bộ Hộ chịu trách nhiệm trưng thu thuế và cấp phát lương lộc cho các nơi. Tri Giáo phường Nghệ An thuộc cung Tả trưng, thu tiền cửa đình xứ ấy và phát ngụ lộc cho Giáo phường; Tri Giáo phường Thanh Hoa thuộc cung Hữu trưng, thu tiền cửa đình xứ ấy, phát ngụ lộc cho giáo phường, cũng như vậy có Tri giáo phường Hải Dương, Tri giáo phường Sơn Nam, Tri giáo phường Sơn tây và Tri giáo phường Kinh Bắc, như vậy mỗi xứ đều có cơ quan nắm giữ về giáo phường gọi là Tri giáo phường, chịu trách nhiệm quản lý thu thuế cửa đình và cấp phát ngụ lộc cho giáo phường. Tuy nhiên sự tranh cãi chèn ép giữa Giáo phường và bên mời về tiền trù (thẻ thưởng) thường xảy ra nên triều đình phải đặt điều lệ, quy định các chế tài xử phạt đối với những trường hợp làm trái cho cả đôi bên. Nội dung một chiếu chỉ quy định về việc lấy tiền ca trù vào năm Cảnh Trị thứ 2 (1664) như sau: “Các nơi phủ huyện xã thôn trang động sách trại sở phường vạn trong thiên hạ, nếu có nhập tịch tàng câu, phải bỏ ra mỗi cửa đình 5 mạch để làm tiền trù và một mâm xôi chuẩn là 10 cáp gạo. Còn giáo phường nếu có đòi quá lạm, cho kêu cáo lên, tra đúng sự thật sẽ thu hoàn trả và phạt nặng”. Sách Khám tụng điều lệ, một văn kiện pháp luật quan trọng thời Lê mạt cho biết: “Các nhà quyền thế giàu có quanh kinh thành ra yêu sách ức hiếp giáo phường thì cho kêu trình tại quan phủ doãn, phúc thẩm tại quan Ngự sử, không giải quyết được thì đưa đến Chính đường” và: “Các sắc giáo phường từ trước tiền cửa đình và tiền trù đã có chuẩn lệ. Gần đây đặt ra các sắc, ngang ngược hạch sách trái lệ, thậm chí tự ý ngăn cấm, gây ra kiện tụng. Nay chiếu theo tham chước lệ cũ, nếu mới làm đình vũ thì tục lệ xông đình cho tùy từng loại đình, hễ dùng gỗ lim lợp ngói, cho 6 quan tiền quý, nếu dùng gỗ lim hoặc hồng sắc trên lợp tranh, cho 3 quan tiền quý. Nếu sửa chữa, làm thêm hoặc các đình chỉ làm bằng tranh tre, đều thôi. Còn tiền trù cả đêm chỉ cho mỗi trù 6 mạch tiền quý, ngoài những cái đó ra không được sách nhiễu những cái khác. Các loại tiền gạo cho các lễ an sàng, trải chiếu, nghênh thần, khao trùm đều ngoài lệ. Lập riêng các sắc khác đều cấm hết. Kẻ nào làm trái cho xã dân bị sách nhiễu kêu cáo lên. Tứ trấn, Thanh - Nghệ kêu tại Hiến ty, ngoại trấn kêu tại Trấn quan, Phụng Thiên kêu tại Phủ doãn, tra đúng sự thật tùy nặng nhẹ mà luận tội trượng hay tội phạt theo các mức. Còn như hạch sách lấy quá nhiều hoặc cấm ngăn bừa bãi (việc ngăn cấm tuy không có chứng cứ rõ ràng, nhưng nếu như sau khi trải chiếu mà không thấy kính xướng đào kép ra hát, tức là ám hiệu ngăn cấm) thì cứ chiếu theo tên trùm mà tra hỏi và xử phạt nặng, bắt tên đó thôi chức trùm để trừng trị thói sách nhiễu”. Những gì diễn ra qua những dẫn chứng trên nếu cộng với những phản ảnh của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút sẽ cho thấy rất rõ sự “ồn ào” của hoạt động nhạc vũ trong dân gian ở thời kỳ này. Việc giáo phường lập riêng các sắc được nói đến ở đây có thể là sự phân biệt các phường hát mang tính chất khác nhau như phường tuồng, phường chèo… Về tổ chức thì Giáo phường trong dân gian cũng được tổ chức khá chặt chẽ, Nguyễn Đôn Phục trong bài viết Khảo luận về cuộc hát ả đào đăng trên tạp chí Nam Phong số tháng tư năm 1923 đã viết về vấn đề này khá kỹ, ở đây chúng tôi không nhắc lại. Qua những thông tin trên có thể thấy từ sau khi nhà Lê trung hưng cho đến cuối thời Lê, hoạt động nhạc vũ chủ yếu do tổ chức Giáo phường thâu tóm, mà Giáo phường vốn là tổ chức chuyên về nhạc vũ dân gian, do đó rất có thể đây là thời kỳ nở rộ và định hình của rất nhiều loại hình nhạc vũ dân gian. Ngoài ra những thông tin này còn cho biết, cho đến đầu thế kỷ XVIII, tổ chức giáo phường chỉ tồn tại ở Tứ trấn và 2 xứ Thanh Hoá-Nghệ An.

© 2005 talawas


[1]Trượng cổ là một loại trống dùng gỗ làm tang, eo thon, hai mặt bịt da, có dây đeo ngũ sắc, khi đánh thì bên phải gõ bằng dùi, bên trái vỗ bằng tay. Mục Lễ nhạc chí sách Tân Đường thư chép: Về cách (da) có trượng cổ, đệ nhị cổ, đệ tam cổ và yêu cổ, đại cổ.
[2]Âm Pháp Lỗ. Trung quốc cổ đại văn hóa sử. Chương Trung quốc cổ đại đích âm nhạc. Tập 2. Âm Pháp Lỗ và Hứa Thụ An chủ biên. Bắc Kinh đại học xuất bản xã. Tái bản lần thứ 5. 1996
[3]xem chú thích 2.
[4]Đạp ca vũ là vũ điệu thời Đường, đây là một vũ điệu tập thể rất vui mắt, từng tốp từng tốp tay cầm tay, chân dậm đất, theo nhịp trống vừa múa vừa hát, tiếng hát vang tận trời mây.
[5]Theo giáo sư Âm Pháp Lỗ - thì các ca từ Trang Chu mộng điệp, Bạch Cư Dị, Mẫu biệt tử và các nhạc khúc Giáng hoàng long, Yến Dao Trì ở đây đều là từ Trung Quốc truyền đến. Đạp ca là nhạc khúc thời Đường, Ngọc lâu xuân là từ điệu đời Tống.
[6]Biên khánh, biên chung: Khánh giàn, chuông giàn, mỗi bộ sgồm 16 chiếc lớn dần theo âm thanh trong đục khác nhau.
[7]Sinh, quản, thược: Các loại sáo thổi ngang dọc khác nhau.
[8]Chúc: Thuộc bộ gõ, tựa như cái tráp gỗ vuông, ở giữa có cái trụ để gõ
[9]Ngữ: Nhạc cụ làm bằng gỗ hình con hổ nằm, lưng có 27 răng cưa bằng đồng, người chơi dùng thanh gỗ cọ vào các răng cưa cho phát ra âm thanh..
[10]Huân: Nhạc cụ bằng đất nung, hình như quả trứng, có lỗ để thổi
[11]Trì: Nhạc cụ bằng trúc để thổi.
[12]Phương hưởng: Nhạc cụ gồm 16 thỏi gang dài, từ nhỏ đến lớn, mắc nghiêng vào một giá, có hai tầng, dùng dùi nhỏ bằng đồng để gõ.
[13]Không hầu: Loại nhạc cụ có nguồn gốc Tây Tạng, tựa như đàn sắt nhưng nhỏ hơn, có bảy dây.