trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữDịch thuật
8.2.2005
Hà Sơn Tây
Vậy mà không phải vậy?
 
Vì đi vắng ít lâu, tôi xin phép trở lại một số vấn đề được đặt ra trong những ngày qua trên talawas chung quanh «vụ» từ vi tính.


1.

Trước hết, xin nói rõ điều trong thư trước tôi không nói tới. Nếu hiểu vi tính là một từ ghép (để dịch từ tiếng Anh microcomputer), trong đó vi là tính từ của tính thì tôi hoàn toàn đồng ý với anh Bùi Việt Bắc (BVB): cách ghép và cách dịch ấy không ổn. Không phải vì quy tắc ghép giữa từ Hán-Việt với từ «thuần Việt» (tôi để thuần Việt trong ngoặc kép vì rất nhiều khi mình tưởng là dùng một từ thuần Việt nhưng thực ra là một từ gốc Hán đã được Việt hoá), mà vì quy tắc tính từ không đi trước danh từ trong tiếng Việt. Điều này các anh BVB, Dũng Vũ… đã nói rõ, thiết tưởng không cần trở lại. Điều tôi muốn nói trong thư trước là nếu không phải vậy thì sao? Tôi đã đưa một lý giải có thể: vi tính là do nói tắt của «máy tính vi điện tử». Vi ở đây, do đó, không phải là tính từ của tính (dù là con tính hay máy tính)!

Lý giải này, tôi được một người bạn trong nghề tin học ở đại học Paris 6 xác nhận và cho biết ngọn ngành: đây là do một nhóm Việt kiều tại Pháp đặt ra vào khoảng năm 1975-76, cùng với từ «tin học». Anh cho biết, lúc ấy nhóm này, quy tụ một số người trong ngành công nghệ thông tin, có ra một tập san nội bộ đặt tên là Diễn đàn thuật ngữ để cùng thảo luận về một số thuật ngữ cần đặt ra trong một ngành còn rất mới mẻ đối với Việt Nam. Rất tiếc, anh không còn giữ được số Diễn đàn thuật ngữ nào («3 lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà» mà!), nhưng quả thật, lần giở một số báo cũ của Việt kiều tại Pháp, tôi tìm được một số dữ liệu, xin cung cấp sau đây để rộng đường dư luận:

1.1. Trong số 1, tháng 9.1976 , tập san Xây dựng của Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tại Pháp xuất bản, trang 42, có một bài nhỏ thông tin về sinh hoạt của «khoa tin học», trong đó cụm từ «máy vi tính» đã xuất hiện. Có phải đây là lần nó xuất hiện đầu tiên?

1.2. Cũng trên tập san này, số 3, tháng 4.1977, trang 49, có một bài viết mang tựa đề «Nhân đọc ba số Diễn đàn thuật ngữ», nói về hoạt động nói trên của «nhóm dịch thuật khoa Tin học». Bài viết cho biết đây là một chuyên san của nhóm này, «trong đó các thuật ngữ tin học được sắp xếp và dịch theo hệ thống khái niệm có định nghĩa; kèm theo là một số bài viết chuyên môn bằng tiếng Việt». Theo bài này, trên mỗi số Diễn đàn thuật ngữ có khoảng 100 từ được dịch ra tiếng Việt, dựa trên bộ thuật ngữ Anh-Pháp của tổ chức tiêu chuẩn hoá AFNOR.

Tôi không tìm thêm được tài liệu nào khác. Tuy nhiên, phải chăng dù chưa tìm được những chứng cớ có ghi chép trên sổ sách chứng minh lý giải trên kia của tôi là đúng, ít ra nó cũng là một giả thuyết đáng được lưu ý? Và cho tới khi có được chứng minh ngược lại, lời đinh ninh của anh BVB rằng vi tính chỉ là do dịch từng chữ của microcomputer có lẽ cũng nên được đặt lại: đó cũng chỉ là một giả thuyết, chưa được minh chứng qua bất kỳ một sách báo nào. Có phải vì chưa ai tìm thấy lời giải cho một bài toán mà người ta có quyền nói rằng bài toán không có lời giải?


2.

Sang tiếng Anh, tôi cũng xin được phép không đồng ý với khẳng định của anh BVB: «Thực ra, nghĩa của từ microcomputer chỉ đơn giản là máy tính kích thước nhỏ mà thôi. Câu này cũng dành cho anh Hà Sơn Tây. Mời các anh mở bất cứ quyển từ đến Anh-Anh nào ra, tất cả các từ có tiếp đầu tố micro chỉ để nói lên cái đó cực nhỏ mà thôi». Nếu tôi là nhà ngôn ngữ học đi tìm nguồn gốc của một thuật ngữ khoa học, chắc chắn tôi sẽ không tự bằng lòng với việc tra từ điển. Đơn giản là từ điển không làm nhiệm vụ truy tầm đó, và thường rất lâu sau mới đưa vào những thuật ngữ đã trở thành phổ biến trong giới chuyên môn. Việc «từ microcomputing thậm chí không có trong từ điển», như anh BVB khẳng định – tôi tin anh đã tra nhiều, còn tôi thì chỉ có một hai cuốn phổ thông trong nhà, không đáng kể -, so với tần số 43000 lần từ này xuất hiện khi ta hỏi Google, là một bằng chứng về khoảng cách đó.

Vậy từ microcomputer có thực «chỉ đơn giản là máy tính kích thước nhỏ mà thôi» hay không? Trong thư trước, tôi đã nhắc tới F. Gernelle, đồng tác giả của chiếc Micral-N, chiếc máy tính vi điện tử đầu tiên trên thế giới, ra đời vào tháng 5.1973. Chính Gernelle khẳng định (trong Hội nghị lần thứ 2 về lịch sử tin học, tại CNAM, 24.4.1990) rằng từ "micro-ordinateur" ông ta sáng tác ra lúc đó là kết hợp ordinateur với microprocesseur chứ không phải vì kích thước cực nhỏ của nó so với các máy tính điện tử trước đó. Rồi, một tháng sau, từ microcomputer mới xuất hiện trên sách báo tiếng Anh (Mỹ), để chỉ chiếc Micral, và sau đó trở thành thông dụng. Có thể xem trang web http://www.islandnet.com/~kpolsson/comphist/ về "chronology of personal computers" của Ken Polsson, hoặc bài giảng của Michelle Hoyle tại đại học Regina, Canada,về lịch sử máy tính. Bài này được đăng lại trên trang web http://www.eingang.org/Lecture/. Cũng cần nhắc lại là tạp chí Popular Electronics, số tháng 1.1975, giới thiệu máy Altair 8800 (ra đời sau chiếc Micral, nhưng sẽ chiếm lĩnh thị trường mà Micral không giành được) vẫn dùng từ minicomputer chứ chưa phải là microcomputer, lúc đó chưa thông dụng. Nếu không có cái ý kết hợp microprocessor với ordinateur của Gernelle, những chiếc máy tính này có nhiều khả năng sẽ tiếp tục được gọi là minicomputer, chính vì chúng không có kích thước cực nhỏ mà từ micro gợi ra – trong khi, đầu tố này được sử dụng một cách tự nhiên trong microprocessor!


3.

Về nguyên tắc hoạt động của máy tính điện tử, cũng xin được nói thêm đôi điều. Chiếc máy tính lập chương đầu tiên do Charles Babbage (1792-1871) nghĩ ra từ cuối thế kỷ 19 – được gọi là «analytical engine» - và đã được chính phủ Anh lúc ấy hỗ trợ để thiết kế, nhưng không bao giờ chạy, vì các mạng điện rất phức tạp không thể điều khiển tự động. Trải qua nhiều tiến bộ của toán học (vai trò của Turing, Von Neumann…) và vật lý, trong đó có ngành khoa học trẻ tuổi điện tử, những chiếc máy tính điện tử đầu tiên mới ra đời, và sau đó được «nhỏ hoá» dần với phát minh ra transistor, rồi các mạch vi điện tử. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản (từ bộ nhớ trung tâm, nơi lưu trữ thông tin, đến các bộ phận điều khiển, quan niệm về chương trình, việc mã hoá thông tin qua các chuỗi số 0 và 1…), dù ngày càng được phát huy một cách tinh vi – vẫn theo nhịp tiến bộ của toán học và điện tử -, không thay đổi bao nhiêu. Do đó, khó có thể nói như BVB, rằng «nguyên tắc hoạt động của microcomputer và máy tính thế hệ trước khác nhau xa». Cái khác xa chính là vật lý (vi điện tử so với điện tử), cũng như trước đó, điện tử so với điện, cơ. Vì thế, nói đơn giản rằng các máy tính này đều dùng điện, theo tôi, là quên đi vai trò cơ bản của điện tử trong các máy tính hiện nay (và có lẽ còn khá lâu nữa, dù, như anh Phạm Quang Tuấn đã nhắc, đang có nhiều nghiên cứu về các máy tính quantum computer (chạy bằng lượng tử), biological computer (chạy bằng tế bào sinh vật)…


4.

Vì thế, tôi xin bảo lưu ý kiến rằng «máy tính điện tử» và «máy tính vi điện tử» là những từ chuẩn xác nhất để chỉ các vật dụng chúng ta đang bàn tới. Máy tính vi điện tử nói tắt là máy vi tính cũng không sao, theo tôi, nhưng đúng là từ vi này đứng trước tính đã tạo ra hiểu nhầm do tính chất của từ ngữ, và hiện nay đã trở thành thừa. Trừ khi cần thiết nhắc lại đầy đủ các tên gọi trên (chẳng hạn, trong một bài viết về lịch sử máy tính), chỉ nên dùng máy tính cho gọn.

Bài này được viết trên máy tính. Đủ rồi. Có ai hiểu rằng chiếc máy tôi đang dùng là một chiếc máy tính dùng điện như chiếc máy tính trên các quầy tính tiền ở các siêu thị đâu?


5.

Ngôn ngữ học thực ra không phải là một trường đấu phù hợp với chuyên môn và sở học của tôi. Bài trước đã chót dại «ngứa cổ hót chơi», chắc chỉ mua cười cho bạn đọc talawas. Vậy, với bài nhỏ này, cũng xin gửi lời chào chia tay với tất cả các anh, chị đã kiên nhẫn đọc nó, và xin chúc mọi người một năm mới thân tâm an lạc.

© 2005 talawas