trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Xã há»™i dân sá»±
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
9.2.2005
Vinit Haksar
Dân sự bất phục tùng và bất hợp tác
Khiêm dịch
 
Lời người dịch: Gần đây tôi có đọc được một bản dịch tóm lược rất hay của dịch giả Phạm Minh Ngọc trên talawas, bản gốc là bài luận văn về Dân sự bất phục tùng của Henry David Thoreau. Sau đây xin giới thiệu với độc giả Việt bản dịch một chương trích từ Civil disobedience, threats and offers: Gandhi and Rawls (Dân sự bất phục tùng, đe dọa và đề xuất: Gandhi và Rawls), Oxford Univerity Press, 1986; trang 29-41, của Vinit Haksar, khoa Triết đại học Edinburg. Bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót, xin nhận sự góp ý.
Trong chương trước tôi đã bác bỏ quan điểm cho rằng trừ phi mục tiêu của người kháng nghị là để cưỡng chế quyền lực bất tuân luật lệ là phi lý trí. Tôi đã viện dẫn tới một số ý tưởng của Gandhi để chỉ ra rằng ngay cả khi bạn chỉ có mục đích cải đổi (mà không cưỡng chế) quyền lực, bất tuân luật lệ vẫn hữu lý trong một số trường hợp nhất định. Giờ tôi viện dẫn những ý tưởng khác của Gandhi để chỉ ra một cách khác trong đó bất tuân luật lệ hữu lý trong biểu mẫu phi cưỡng chế. Trong vài trường hợp, bất tuân luật lệ có thể được chứng minh như một phần tử của vận động bất hợp tác phi cưỡng chế. Tôi sẽ cố gắng để chỉ ra rằng bất hợp tác có thể phi cưỡng chế ngay cả khi nó mang lại kết quả là nhà nước không thể thi hành những bộ luật hoặc chính sách xấu xa.

Gandhi nghĩ rằng trong một số trường hợp nhất định bất hợp tác với một nhà nước xấu xa là bổn phận của công dân. Và ông tin rằng, với bất kỳ giá nào khi những điều kiện nhất định được đáp ứng, bất hợp tác với một chính quyền xấu xa cam kết một cá nhân với dân sự bất phục tùng.

“Bạn hỗ trợ một chính quyền hiệu quả nhất bởi tuân theo các thủ tục và sắc lệnh của nó. Một hệ thống xấu xa không bao giờ đáng hưởng sự trung thành đó. Trung thành với nó có nghĩa là cùng chia sẻ cái ác. Một người tốt vì thế sẽ toàn tâm kháng cự một hệ thống hoặc chính quyền xấu xa. Bất phục tùng luật lệ của một nhà nước xấu xa vì thế là một bổn phận”. (Kháng cự bất bạo động, tr. 238)

Ông cũng tin rằng bất tuân luật lệ của một nhà nước xấu xa không nên ở dưới dạng bạo động hoặc cưỡng chế, vì thế ông bảo lưu rằng “dân sự bất phục tùng là một phần tử cần thiết của bất hợp tác” (KCBBĐ, tr. 238). Điều này hoàn toàn nhất quán với niềm tin trước kia của ông là bất hợp tác thì không nhất thiết dính dáng tới dân sự bất phục tùng (KCBBĐ, tr. 214-15), dù nó không nhất quán với niềm tin trước nữa của ông là bất hợp tác thì khả dĩ và thường đáng mong muốn không dùng tới dân sự bất phục tùng (KCBBĐ, tr. 3-4). Cái chung trong vị trí trước kia và sau này của ông là quan điểm cho rằng dân sự bất phục tùng, ít nhất, là một phương pháp quan trọng trong bất hợp tác đối với chính quyền.

Có hai vị trí mà Gandhi giữ trong vấn đề tại sao chúng ta không nên đồng hội với cái sai trái. Đôi khi ông có vẻ giữ lối tư duy không nhân quả, lập luận rằng nó đơn thuần chỉ là bổn phận của một cá nhân không để mình ủng hộ khỏi cái ác: “Hợp tác phải được rút lại bởi vì nhân dân không thể cùng một bè đảng với cái sai trái” (KCBBĐ, tr. 116). Nhưng vào những lúc khác ông có vẻ chấp nhận mối chứng minh nhân quả cho vị trí của mình: “Nếu một chính quyền gây ra một bất công kinh khủng, những kẻ bị trị phải rút lại toàn bộ hoặc một phần sự hợp tác đủ để kẻ cai trị phải ngừng tội ác của mình” (KCBBĐ, tr. 115). Có những phức tạp tương tự liên quan đến quan điểm của Gandhi về bất bạo động nói chung. Đôi khi ông cho rằng một cá nhân phải làm những gì đúng bất kể hậu quả (KCBBĐ, tr. 113). Những lúc khác ông dường như cho một chứng minh nhân quả, tiến cử bất bạo động bằng cách viện dẫn tới những kết quả tốt của nó, ví dụ như nó “về lâu về dài gây sự mất mát ít nhất về nhân mạng.” [1] Ông lập luận rằng những phương tiện xấu xa không nên được sử dụng để đạt những mục đích tốt, bởi vì nếu chúng được sử dụng như vậy, mục đích sẽ bị méo mó và suy đồi. Đây một lập luận nhân quả.

Có lẽ một cá nhân có thể cố gắng dung hợp hai loại biện giải này bằng cách thực hiện một sự phân biệt cấp độ. Nếu vấn đề là, ví dụ, tại sao ta nên tránh dự phần vào x vào một thời điểm cá biệt, câu trả lời sẽ là làm điều x là sai. Nhưng nếu ta hỏi, tại sao làm điều x là sai, câu trả lời của ông sẽ là một viện dẫn nhân quả.

Peter Singer, trong cuốn sách giá trị của mình [2] , không công bằng với người bất tuân luật lệ bởi vì người đó không muốn hợp tác với cái ác. Ông cân nhắc quan điểm của Thoreau, “Tôi không giao bản thân mình cho cái sai mà tôi lên án”, và phê phán nó quan tâm nhiều hơn tới việc giữ gìn sự trong sạch đạo đức hơn là với xóa bỏ cái ác. Tôi nghĩ là Singer không công bằng với Thoreau. Thoreau lập luận rằng bằng cách vô tù người kháng nghị không chỉ bảo toàn danh dự của mình mà còn tăng thêm quyền lực ảnh hưởng của mình lên nhà nước xấu xa. Những ai tin là trong tù người kháng nghị mất ảnh hưởng của mình:

“không biết rằng sự thật mạnh hơn sai lầm như thế nào, mà cũng không biết được người đó có thể chiến đấu với bất công hiệu quả hơn và hùng hồn hơn người chỉ có kinh nghiệm chút ít … Nếu một trong hai là giữ tất cả người ngay thẳng trong tù hoặc từ bỏ chiến tranh và nô lệ, nhà nước sẽ không còn ngần ngại trong chọn lựa cái nào”. [3]

Hơn thế nữa, Thoreau cho rằng bằng cách từ chối đóng thuế người kháng cự sẽ khiến nhà nước thêm khó khăn trong việc tài trợ cho những chính sách xấu xa của nó.

Cả Rawls và Singer đều coi dân sự bất phục tùng như là một lời yêu cầu khẩn thiết quyền lực và công chúng ngả theo những người kháng nghị. Đúng, Singer, không như Rawls, khẳng định rằng những người chủ trương dân sự bất phục tùng không chỉ kêu gọi tới nhận thức công lý đang tồn tại của công chúng và quyền lực, mà còn cố cải biến và cải tiến nhận thức công lý đó. Nhưng Singer vẫn khẳng định chỉ kêu gọi tới nhận thức công lý đó, đang tồn tại hoặc có tiềm năng; ông ta, cũng vậy, có thiện chí chờ một cách kiên nhẫn cho đến khi quyền lực cải tâm. Cả Rawls lẫn Singer đều không đưa công lý tới điểm mà cho phép những người chủ trương dân sự bất phục tùng bất hợp tác để gây khó khăn cho nhà nước trong việc tiến hành các chính sách xấu xa của nó.

Tôi muốn chỉ ra rằng bất hợp tác kiểu Gandhi có thể cùng lúc cả phi cưỡng chế lẫn hiệu quả trong việc làm thất bại nhà nước khi nó tiến hành ý muốn của mình. Nhưng trước hết tôi sẽ thẩm định những lý do Rawls và Singer đưa ra để bác bỏ biểu mẫu cưỡng chế của dân sự bất phục tùng; sau đó, tôi hy vọng, sẽ trở nên rõ ràng rằng lập luận của họ có rất ít, nếu bất kỳ, sức mạnh để chống lại bất hợp tác kiểu Gandhi.

Hiện giờ tôi cho rằng Rawls and Singer sẽ không chối rằng đôi khi cưỡng chế và ngay cả bạo động có thể được chứng minh là đúng (Lý thuyết tư pháp, tr. 368). Họ không ngụ ý rằng cưỡng chế và bạo động không nên được sử dụng như một dạng của bất phục tùng; những gì họ bảo lưu là cưỡng chế và bạo động không thể được sử dụng như một dạng của dân sự bất phục tùng. Tôi nghĩ họ loại bỏ dân sự bất phục tùng cưỡng chế trên nền tảng nó làm nhòa ranh giới giữa quảng bá công khai và bày tỏ ý kiến trực diện với quyền lực ở mặt này, và cưỡng chế và đe dọa ở mặt kia. Nhưng có thành vấn đề không nếu sự phân biệt này bị nhòa? Có thể câu trả lời sẽ là điều khiến dân sự bất phục tùng trở nên vô nghĩa, vì nếu một trong những mục tiêu của dân sự bất phục tùng là đóng chức năng như một phương thức bày tỏ ý kiến trực diện, khi đó làm sao nó có thể làm được điều này nếu công chúng bắt đầu nghĩ nó cưỡng chế và đe dọa? Tôi nghĩ rằng những mưu đồ cưỡng chế và cản trở không nhất thiết xung khắc với mục tiêu quảng bá công khai. Hoàn toàn khả dĩ trong vài tình huống những người kháng nghị có thể được quảng bá nhiều hơn bằng cách dùng tới các chiến thuật đó, tuy nhiên những chiến thuật đó đáng bị lên án như thế nào có lẽ thuộc về những phạm vi khác. Trên lý thuyết, cũng khả dĩ để tưởng tượng những tình huống mà những chiến thuật như vậy có thể thăng tiến mục tiêu thuyết phục lý trí đối phương. Ví dụ, giả thử đối phương từ chối lắng nghe trường hợp của những người kháng nghị, khi đó những người kháng nghị có thể bao vây một cách thúc ép đối phương và ép đối phương vào một cuộc thảo luận lý trí về những bất bình của người kháng nghị. Trên lý thuyết, hoàn toàn khả dĩ để tưởng tượng một một tình huống mà, dù chiến thuật cưỡng chế được sử dụng để khiến cuộc thảo luận bắt đầu, nó sẽ không được sử dụng để một khi cuộc thảo luận đã bắt đầu. Nhưng, dĩ nhiên, trong thực hành nếu những người kháng nghị đã sử dụng chiến thuật cưỡng chế (hoặc bạo động) để khiến cuộc đối thoại bắt đầu, rất dễ cho họ cố gắng tiếp tục những chiến thuật đó ngay cả sau khi đối thoại bắt đầu. Sự cám dỗ để làm vậy có lẽ rất mạnh. Nhận định đó cũng đúng cho quảng bá công khai. Người kháng nghị có thể được quảng bá nhiều hơn bằng cách sử dụng chiến thuật cưỡng chế, nhưng khi đó họ sẽ bị cám dỗ một cách mạnh mẽ để sử dụng những chiến thật đó để đòi hỏi nhượng bộ từ phía quyền lực một cách ép buộc. Những sự cân nhắc như vậy chỉ ra rằng chiến thuật cưỡng chế hay bạo động trong thực hành có thể xung khắc với mục tiêu khiến quyền lực tán thành những đòi hỏi của người kháng nghị. Nhưng chúng không chỉ ra được là mục đích của quảng bá công khai cho một sự nghiệp nào đó thì không nhất quán với việc sử dụng chiến thuật cưỡng chế.

Những quan điểm của Gandhi về dân sự bất phục tùng và bất hợp tác rất thú vị và rơi giữa vị trí phi cưỡng chế của Rawls-Singer và loại cưỡng chế của dân sự bất phục tùng chủ trương bởi những người khác. Gandhi dường như trình ra một lựa chọn mà không được đề cập tới bởi các lý thuyết gia khác trong thảo luận. Một trong những chủ đề được lặp đi lặp lại trong các bài viết của Gandhi là dân sự bất phục tùng không bao giờ phải sử dụng tới những chiến thuật cưỡng chế. Ông nói về phong trào của mình rằng “nó là một phong trào cải tâm, không phải sự cưỡng bách ngay cả với bạo chúa (KCBBĐ, tr.331); lần nữa: “Mục tiêu của Satya-grahi (người gắn bó với chân lý) là để cải tâm, không phải là để cưỡng chế những kẻ làm điều sai trái” (KCBBĐ, tr. 87). Và ông cho phép dân sự bất phục tùng chống lại những kẻ thù của một cá nhân, nhưng không tuyệt thực chống lại kẻ thù của một cá nhân trên nền tảng rằng những cuộc tuyệt thực như vậy có khả năng gây cưỡng chế (KCBBĐ, tr. 181-2). Cách ông phản đối cưỡng chế có thể cũng được luận ra từ học thuyết cho rằng mục đích tốt không biện minh được cho việc sử dụng những phương tiện xấu xa. Học thuyết này ngụ ý rằng bởi vì cưỡng chế là xấu xa nó không thể được sử dụng như một phương tiện để rũ bỏ ngay cả những bất công khủng khiếp.

Có thể nhìn thấy từ phần trên rằng Gandhi sẽ phản đối dân sự bất phục tùng cưỡng chế, không chỉ loại bạo động chủ trương bởi Zinn mà ngay cả loại “bất bạo động” chủ trương bởi Barry. Nhưng vị trí của Gandhi cũng khác với vị trí của Rawls-Singer; vì vậy ông nói dân sự bất phục tùng không nên chờ đợi:

sai trái được sửa sai, đến tận lúc mà kẻ làm điều sai trái được đánh thức khỏi những nhận thức độc ác và bất công. Ta không thể, vì sợ chính ta hoặc người khác phải đau khổ, dự phần trong đó. Nhưng ta phải chiến đấu chống lại cái sai bằng cách không hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp kẻ làm điều sai trái… nếu một chính quyền gây nên một bất công khủng khiếp người bị trị phải rút lại toàn bộ hay một phần sự hợp tác, đủ để kẻ cai trị phải ngưng tội lỗi của mình. (KCBBĐ, tr. 115)

Và chúng ta đã thấy trước đây Gandhi tiến cử kháng cự “để uốn một chính quyền bất công theo nguyện vọng của dân chúng” (KCBBĐ, tr. 21).

Giờ có thể hỏi, Gandhi có không nhất quán trong thú nhận chống lại cưỡng chế tuy thế lại tiến cử bất hợp tác mà có thể gây khó khăn cho nhà nước trong việc tiến hành các chính sách của nó? Tôi đề nghị tái cấu trúc lý thuyết Gandhi, một việc sẽ cứu Gandhi tránh khỏi sự kết án này về không nhất quán. Phiên bản tái cấu trúc này sẽ hài hòa với tinh thần của hầu hết những gì ông đã nói, nếu không với ngôn từ của mọi thứ ông đã nói.

Dân sự bất phục tùng và bất hợp tác, khi được điều hợp theo những nguyên tắc của Gandhi, không tạo nên một đe dọa hay cưỡng chế trong bất kỳ ý nghĩa xấu nào. Hơn thế nữa, chúng bao hàm sự từ chối hợp tác hoặc hỗ trợ một chính sách xấu xa, và đề nghị hợp tác trên căn bản danh dự và ngay thẳng; theo Gandhi:

dù bất hợp tác là vũ khí chính trong kho vũ khí của Satyagraha (việc theo đuổi chân lý), không nên quên rằng nó chỉ là một phương tiện để bảo đảm sự hợp tác của đối thủ một cách nhất quán với sự thật và công lý. [4]

Bất hợp tác không có tính cưỡng chế hơn so với sự nâng giá của một người chủ tiệm hàng bình thường (chẳng hạn bởi vì chi phí của ông ta lên cao đáng kể). Và cũng như người chủ tiệm không nhất thiết sử dụng những biện pháp xấu xa, bất hợp tác cũng không nhất thiết xấu xa. Có thể phản đối rằng có một sự khác biệt; người chủ tiệm đưa ra một đề nghị, trong khi người bất hợp tác rút lại sự hợp tác để thay đổi chính sách của đối phương. Nhưng tôi cho rằng khi người chủ tiệm ra giá có thể coi như ông ta đang làm hai điều: từ chối bán hàng thấp hơn giá biểu, và đề nghị bán nó với giá biểu. Nếu ông ta lên giá thì khi đó ông ta cũng rút lại đề nghị trước kia của mình. Không có gì cho thấy ông ta đang sử dụng bất kỳ phương tiện xấu xa nào. Như vậy tại sao trường hợp của người bất hợp tác theo chủ trương dân sự bất phục tùng lại khác?

Hay là có sự khác nhau này: người bất hợp tác theo chủ trương dân sự bất phục tùng bất hợp tác để thay đổi chính sách của đối phương, trong khi người chủ tiệm lên giá để kiếm ăn và kiếm lời phải chăng từ bán hàng hóa? Nhưng người chủ tiệm thực ra đang gây áp lực trên khách hàng; ông ta thực ra đang nói, “Bạn sẽ không lấy được hàng với giá thấp hơn giá biểu”. Nhiều khách hàng có lẽ muốn mua hàng với giá thấp hơn giá biểu, ngay cả khi giá biểu là chính đáng; và khi ông ta từ chối bán với giá thấp hơn giá biểu, ông ta đang làm nhiều hơn là chỉ kêu gọi tới nhận thức công lý (thực tế hoặc tiềm tàng) của khách hàng. Người bán hàng không giao hàng rồi mới thỉnh cầu khách hàng trả đúng giá, để cho khách hàng tự do quyết định có nên trả đúng giá hay không khi đã giữ hàng trong tay. Tuy thế không thể nói rằng người bán đang sử dụng những phương tiện xấu xa, hoặc anh ta đang cưỡng chế theo nghĩa xấu. Tương tự, khi người chủ trương dân sự bất phục tùng bất hợp tác với quyền lực và từ chối chờ một cách nhẫn nại cho tới khi quyền lực cải tâm; đúng là anh ta không đơn thuần kêu gọi nhận thức công lý (thực tại hoặc tiềm tàng) của quyền lực, nhưng nó kéo theo hệ quả là anh ta sẽ sử dụng những phương tiện xấu xa, như là cưỡng chế theo nghĩa xấu, để thăng tiến những mục tiêu chính đáng của mình. Đúng, đôi khi những người bất hợp tác theo chủ trương dân sự bất phục tùng có thể sử dụng quyền lực mạnh mẽ của mình để bắt chẹt quyền lực. Điều giống vậy cũng đúng với người bán hàng: một kẻ độc quyền có thể bắt chẹt khách hàng. Nhưng không thể cho rằng, bất cứ ở đâu những người chủ trương dân sự bất phục tùng bất hợp tác với quyền lực, họ sẽ sử dụng những phương tiện xấu xa, chẳng hạn như cưỡng chế – cũng như không thể nói một người bán hàng bình thường đang sử dụng những phương tiện xấu xa chỉ vì một kẻ độc quyền đang làm vậy. Thực vậy, ngay cả kẻ độc quyền người mà có được quyền lực để bắt chẹt khách hàng có thể không sử dụng tới quyền lực đó của mình; ông ta chỉ ra giá đúng. Tương tự, ngay cả khi những người bất hợp tác theo chủ trương dân sự bất phục tùng rất mạnh, họ có thể không cưỡng chế quyền lực khi họ từ chối hợp tác trên căn bản không ngay thẳng, hoặc khi họ từ chối hỗ trợ chính quyền trong những chính sách ma giáo của nó; họ muốn hợp tác trên căn bản ngay thẳng và danh dự.

Dù cho có những dạng bất hợp tác cưỡng chế hoặc xấu xa, không có nghĩa là những dạng phi cưỡng chế của bất hợp tác theo chủ trương dân sự bất phục tùng không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Tuy nhiên vài người có thể phân tuyến rằng trong những nền dân chủ phóng khoáng luôn luôn xấu xa khi sử dụng tới bất tuân luật lệ, và nếu như vậy nó sẽ dẫn đến hệ quả là người bất hợp tác theo kiểu Gandhi, người sử dụng tới dân sự bất phục tùng, sẽ dính dáng tới sự sử dụng những phương tiện xấu xa, và như vậy trong những chính quyền như thế không có chỗ cho dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi, vì nó không cho phép sự sử dụng những phương tiện xấu xa. Nhưng lập luận này mạnh đến nỗi nó sẽ loại bỏ luôn cả loại dân sự bất phục tùng của Rawls. Rawls không thể sử dụng loại lập luận này chống lại dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi, vì ông không coi tất cả sự bất tuân luật lệ bao hàm sự sử dụng những phương tiện xấu xa. Người theo chủ trương dân sự bất phục tùng kiểu Rawls cũng bất tuân luật lệ, tuy thế theo Rawls anh ta không sử dụng những phương tiện xấu xa để đạt mục tiêu. Nơi nào mà chính quyền không tôn trọng hợp tác xã hội, nếu những điều kiện nhất định được thỏa mãn, các công dân có thể bất tuân luật lệ mà không trái đạo đức, vì ngay cả trong những xã hội gần hoàn hảo công dân không có bổn phận tuân thủ luật lệ trong mọi tình huống.

Vấn đề, khi đó, đối với Rawls và Singer là như thế này. Nếu họ muốn tiến cử dân sự bất phục tùng theo một số điều kiện nhất định, tại sao họ không cho phép dân sự bất phục tùng như một phương tiện hướng tới bất hợp tác, như Gandhi? Họ có những lập luận để chỉ ra tại sao chúng ta không nên sử dụng tới cưỡng chế, nhưng những lập luận như vậy trong trường hợp tốt nhất chỉ ra tại sao chúng ta không nên sử dụng tới loại dân sự bất phục tùng có tính bạo động, hoặc ngay cả bất bạo động nhưng cưỡng chế; họ không chỉ ra gì là sai với những dạng phi cưỡng chế và bất bạo động của các phong trào bất hợp tác kiểu Gandhi vốn chủ trương rút lại sự ủng hộ khiến nhà nước gặp khó khăn trong việc thi hành các chính sách xấu xa của nó. Rawls cho rằng những người chủ trương dân sự bất phục tùng nên chấp nhận hình phạt, nhờ vậy thiết lập được sự thành thật với chính họ và với người khác. Nhưng bất phục tùng kiểu Gandhi, ngay cả khi nó được sử dụng như một dạng của bất hợp tác, chắc chắn thỏa mãn điều kiện này; thực vậy nó dường như tốt hơn cả dân sự bất phục tùng kiểu Rawls, vì, như ta thấy trước đây, những người chủ trương dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi có ý chí chịu đựng đau khổ còn hơn cả những người chủ trương dân sự bất phục tùng kiểu Rawls. Rawls có lẽ chống lại loại dân sự bất phục tùng có tính cưỡng chế (chẳng hạn như loại tiến cử bởi Barry hoặc bởi Zinn) [5] trên căn bản rằng “bất kỳ can thiệp nào vào tự do dân sự của những người khác cũng có khuynh hướng làm nhòa đi những đặc tính dân sự bất phục tùng của hành động của người đó” (LTTP, tr. 366). Nhưng người chủ trương bất hợp tác kiểu Gandhi cương quyết loại bỏ sự sử dụng những phương tiện xấu xa để theo đuổi mục đích, và thực tế này, cộng với ý chí chịu đựng những hình phạt ghê gớm, có thể ngăn ngừa đặc tính dân sự bất phục tùng của hành động của họ khỏi bị nhòa. Tại sao thực tế là bạn từ chối hỗ trợ chính quyền trong những chính sách xấu xa của nó làm mờ đi sự kêu gọi chính quyền từ bỏ những phương cách xấu xa của nó? Singer tin là dân sự bất phục tùng có tính cưỡng chế, bên cạnh làm mờ đi sự rạch ròi giữa đe dọa và quảng bá công khai, thì rất có thể khuyến khích sự sụp đổ của hệ thống bằng cách khuyến khích các khuynh hướng vô chính phủ. Trên căn bản đó, ông phê phán những người bất hợp tác cố “phá banh quân dịch” ở Mỹ bằng cách nộp những đơn đăng ký giả mạo, v.v… Nhưng những lập luận như vậy có rất ít sức mạnh để chống lại bất hợp tác kiểu Gandhi, vì Gandhi nhấn mạnh không sử dụng những phương tiện xấu xa, và vì vậy trong ví dụ vừa đề cập tới ông có lẽ không cho phép việc nộp những cái đơn giả mạo đó.

Dĩ nhiên, mối nguy của hỗn loạn và vô chính phủ không thể được bỏ qua một cách nhẹ tênh. Bản thân Gandhi nhấn mạnh những mối nguy đó, và đó là tại sao ông nhấn mạnh rằng những điều kiện rất nghiêm ngặt cần được thỏa mãn trước khi dân sự bất phục tùng có thể được chứng minh; hơn nữa […] ông nhấn mạnh rằng các cá nhân phải có những phẩm chất cá nhân thích hợp trước khi họ có được cái quyền dấn thân vào dân sự bất phục tùng. Không có những phòng ngừa đó, sự việc có thể đi ra khỏi tầm kiểm soát và bất bạo động có thể mở đường cho bạo động. Thực vậy, ngay cả những phong trào của Gandhi đôi khi thoái hóa theo lối này, và Gandhi thừa nhận “cái lỗi to như núi Hy Mã Lạp Sơn” của mình là do sự sao lãng việc phòng ngừa đó.

Nguy cơ bạo động vẫn có như thường ngay cả khi sự phòng ngừa hữu lý được cân nhắc tới trước khi dấn thân vào dân sự bất phục tùng. Giờ đây, nguy cơ đó phải được cân bằng để đối lại mối nguy bạo động phát sinh do không làm gì cụ thể:

Nguy cơ bất động trước một vấn đề nghiêm trọng thì vô vàn to lớn hơn… không làm gì là mời bạo động đến một cách chắc chắn (KCBBĐ, tr. 116)

Không phải là một nhiệm vụ dễ dàng để kềm lại nỗi uất ức của dân chúng bùng lên từ ý thức sâu sắc về sự sai trái. Tôi thúc giục những ai lên tiếng hoặc làm việc chống lại bất hợp tác (…) nhập vào dân chúng, nhận biết những cảm xúc của họ… họ sẽ nhận thấy, như tôi đã và đang nhận thấy, rằng cách duy nhất để tránh bạo động là phải giúp cho dân chúng biểu lộ những cảm xúc của mình để tạo sức ép sửa đổi (KCBBĐ, tr. 117)

Điều này có thể được gọi lập luận van an toàn theo chiều hướng dân sự bất phục tùng; dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi giúp ngăn ngừa bạo động dữ hơn, và hướng sự phản đối khỏi những dạng xấu xa. Rawls đề nghị gì khi sự kiên nhẫn của ông đối với quyền lực thất bại? Ông dự kiến sự từ bỏ dân sự bất phục tùng và sự sử dụng sức chiến đấu và bạo lực! (LTTP, tr. 368)

Khi sử dụng lập luận van an toàn, Gandhi không đe dọa bạo động; ông thực sự đưa ra một cảnh báo về những điều tồi tệ sẽ tới nếu những đòi hỏi hợp pháp của những người kháng cự không được thỏa mãn, và ông bảo vệ phong trào của mình chống lại kết tội là nó có thể dẫn tới bạo động. Cảnh báo của Gandhi là một minh họa tuyệt hảo về quan điểm của Rawls cho rằng dân sự bất phục tùng “trong khi nó cảnh báo và thúc giục… bản thân nó không phải là một mối đe dọa” (LTTP, tr. 366). Nhưng bây giờ nó có thể bị phản đối như sau: Gandhi và Rawls có đạo đức giả không trong việc tách bản thân họ ra khỏi bạo động tuy thế lại tìm cách sử dụng cái bạo lực tiềm tàng đó trong tranh luận với quyền lực? Có bất kỳ sự khác nhau nào về mặt đạo đức không giữa người nói “làm theo lời tao, nếu không tao dập mày”, và người nói “làm theo lời tôi, nếu không một ai đó không phải do tôi ủy quyền, sẽ dập anh”? Gandhi và Rawls không giống người ăn thịt đều đặn sao, người mà trước khi ngồi vào bàn thì thầm câu cầu nguyện “Thượng Đế, hãy tha thứ tên đồ tể kẻ đã giết con vật đáng yêu này”? Vì cũng như người ăn thịt đều đặn hưởng thụ thành quả công việc của người đồ tể và vì vậy không có quyền tách mình ra khỏi những gì mà người đồ tể làm, tương tự vậy Gandhi và Rawls không có quyền tách mình ra khỏi những người bạo động, vì cả hai muốn sử dụng thái độ trong tương lai của những người bạo động trong lập luận của mình để thuyết phục quyền lực chấp nhận những đòi hỏi của người kháng cự. Nhưng sự phê bình này dành cho Gandhi (và Rawls) không hoàn toàn công bằng. Vì Gandhi có thể tuyên bố tách mình ra khỏi bạo động bởi vì ông đã tiến cử và thực hiện nhiều phương cách khác nhau để giảm thiểu bạo động, trong khi người ăn thịt tự hài lòng về mình trong ví dụ của chúng ta trên kia thì không làm gì để ngăn ngừa việc giết thú vật, và còn đóng góp vào việc giết chóc đó bằng cách trả tiền cho người đồ tể.

Vẫn còn một vấn đề lưu lại cho Gandhi. Giả thử quyền lực trong Kỷ nguyên Cách mạng Mới (Brave New World) đã hầu như loại trừ mọi nguy hiểm của bạo động bằng một hệ thống của dối trá, thuốc gây nghiện, điều kiện hóa phản xạ, v.v… Giả sử những người theo chủ trương Gandhi thành công và phóng ra một phong trào bất hợp tác. Phong trào này có lẽ sẽ bị phản đối rằng nó làm hư bột hư đường và có thể thoái hóa thành bạo động. Gandhi chống lại bạo động như một phương tiện để đạt đến những mục tiêu hợp pháp, nhưng nó không kéo theo hệ quả là ông sẽ chống lại sự sử dụng những phương tiện như bất hợp tác mà hậu quả có thể dẫn tới bạo động do phần của người khác. Dĩ nhiên, ông có lẽ đồng ý là chúng ta không nên phớt lờ những hậu quả khả dĩ đó. Nhưng ông cũng có thể lập luận rằng cho dù những hậu quả đó cần được tính tới, chúng phải được cân bằng để đối lại với những hậu quả và giá trị khác, chẳng hạn như mối nguy đối với tự do và sự thật, và bạo lực tinh thần – cái mà Gandhi đôi khi gọi là bạo lực tâm lý. Cân nhắc tất cả những điều này, ngay cả từ chỗ đứng nhân quả, dân sự bất phục tùng theo chủ trương Gandhi vẫn được chứng minh trong nhiều tình huống, ngay cả ở nơi nó có thể gây ra sự gia tăng bạo động.

Lập luận van an toàn chỉ đóng vai trò nhỏ trong dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi; chức năng của nó nhiều nhất là để cố, khi khả dĩ, phản bác lại gợi ý cho rằng phong trào bất hợp tác gây nên sự gia tăng bạo động. Nhưng ta thấy rằng ngay cả khi gợi ý này không thể bị phản bác, vẫn có những trường hợp cần tới dân sự bất phục tùng. Thí dụ tích cực đối với dân sự bất phục tùng phải được lập trong cách khác với cái được sử dụng trong lập luận van an toàn. Vì vậy Gandhi lý lẽ rằng chúng ta có quyền không hỗ trợ quyền lực thi hành một chính sách bất công khủng khiếp, v.v… Và một khi chúng ta nhận ra rằng còn có những giá trị khác bên cạnh sự giảm thiểu bạo động, chúng ta có thể cho một chứng minh nhân quả cho dân sự bất phục tùng, ngay cả trong loại Kỷ nguyên Cách mạng Mới mà chúng ta đề cập tới trong đoạn văn trước.

Lập luận van an toàn cũng có thể được sử dụng bởi người sử dụng tới loại dân sự bất phục tùng cưỡng chế. Có lẽ trong nhiều tình huống loại dân sự bất phục tùng cưỡng chế tiến cử bởi Barry sẽ cung cấp một cái van an toàn tốt hơn là dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi có thể. Đốt sân cricket có cung cấp một van an toàn tốt hơn là sự chấp nhận khổ đau của những người chủ trương dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi không là một vấn đề về quan sát. Không một lập luận van an toàn tối ưu nào có thể chỉ ra tại sao chúng ta nên chấp nhận dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi thay vì dân sự bất phục tùng cưỡng chế. Để chứng minh sự chấp thuận này chúng ta phải viện tới những cân nhắc khác nữa, rằng mục đích tốt không chứng minh được cho việc sử dụng những phương tiện xấu xa hoặc sự vi phạm trách nhiệm đạo đức, rằng trong bất kỳ trường hợp nào sự giảm thiểu bạo động không phải là mục đích duy nhất được tính đến, rằng tốt hơn nếu ta có thể thăng tiến và bảo vệ những giá trị khác mà không phải sử dụng đến cưỡng chế trong nghĩa xấu. Cũng vậy, như ta thấy trước đây, vài lập luận của Rawls và Singer có lẽ hiệu quả hơn để chống lại dân sự bất phục tùng kiểu cưỡng chế hơn là để chống lại dân sự bất phục tùng kiểu Gandhi.

Một trong những phê bình được tạo ra để chống lại Gandhi là ông dựa quá nhiều vào tầm quan trọng của sự phân biệt rạch ròi hành động – không hành động. Vì vậy nó cho rằng ông kết án những hành động bạo lực nhưng sao lãng thực tế là bạo lực có thể là kết quả của không hành động. Ví dụ, nếu bạn rút lao động ra khỏi một nghành công nghiệp thiết yếu, việc bãi công này có thể gây nên bạo lực. Tôi nghĩ rằng bất hợp tác kiểu Gandhi có thể được cấu trúc lại theo cách không lệ thuộc quá nhiều vào sự phân biệt rạch ròi này. Ta cũng hãy thừa nhận rằng không hành động có thể gây ra bạo lực. Nhưng ra cơ sự như vậy chỉ khi có sự vi phạm bổn phận – không nhất thiết là bổn phận luật pháp, mà là bổn phận đạo đức; mà cũng không nhất thiết một bổn phận đạo đức được thừa nhận bởi toàn xã hội, mà là một bổn phận đạo đức phải được thừa nhận bởi toàn xã hội. [6] Vì vậy nếu bạn nghĩ rằng do đình công một số lao động nhất định phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những công dân lệ thuộc vào dịch vụ của họ, khi đó bạn bị gắn chặt vào cách nhìn cho rằng những lao động đó vi phạm bổn phận, chẳng hạn như bổn phận cung cấp lao động của họ. Hoặc một lần nữa, nếu bạn tin rằng người giàu ở Anh gây nên cái chết của người ở những nơi đói kém, khi đó bạn gắn chặt mình vào cách nhìn cho là người giàu ở Anh có trách nhiệm đạo đức (mà toàn xã hội phải thừa nhận) để trợ cấp cho người đói. Tương tự vậy, nếu dân chúng khởi sự một phong trào dân sự bất phục tùng có tính cách bất hợp tác và hậu quả là vài người chịu đau khổ, khi đó những người bất hợp tác chỉ có thể bị quy trách nhiệm (đạo đức) nếu họ vi phạm một số bổn phận đạo đức. Khi đó nếu bạn tin ở bất hợp tác kiểu Gandhi, bạn sẽ không gia nhập bất hợp tác bởi vì làm vậy sẽ khiến bạn vi phạm bổn phận (đạo đức) của mình. Bất hợp tác kiểu Gandhi lệ thuộc ít nặng nề hơn vào ý nghĩa của sự phân biệt rạch ròi hành động – không hành động và nhiều hơn vào sự phân biệt rạch ròi giữa cách hành xử (hoặc hành động hoặc không hành động) vi phạm bổn phận đạo đức và cách hành xử (hoặc hành động hoặc không hành động) không vi phạm bổn phận đạo đức.

Sẽ sai nếu phác họa phong trào dân sự bất phục tùng bất hợp tác theo chủ trương Gandhi như một phong trào mà chỉ chấp thuận không hành động để chống lại quyền lực mà không cho phép hành động chống lại quyền lực. Tuần hành, bất tuân luật lệ, v.v… là những hành động tích cực. Vì thế sự khác nhau giữa Gandhi và những người dân sự bất phục tùng cưỡng chế không thể được giảng giãi bằng cách nói rằng Gandhi chỉ cho phép không hành động để chống lại quyền lực. Sự khác nhau cần được giảng giải bằng cách viện dẫn tới nguyên tắc là Gandhi cho phép chỉ bất hợp tác và dân sự bất phục tùng khi không có sự vi phạm bổn phận đạo đức; hoặc, nói cách khác, Gandhi không cho phép những phương tiện xấu xa (hoặc thông qua hành động hoặc thông qua không hành động) được sử dụng để thăng tiến mục tiêu của những người dân sự bất phục tùng. Trên nền tảng đó, ông lên án dân sự bất phục tùng có tính cách bạo động, cũng như loại dân sự bất phục tùng có tính cách bất bạo động mà cản trở tự do dân sự của công dân, hoặc loại mà sử dụng dối trá, v.v… Tôi nghi ngờ Gandhi cam kết mình với một thứ mà có thể được gọi là học thuyết hiệu quả kép, và rất nhiều thảo luận của học thuyết đó có lẽ ứng với lý thuyết của Gandhi.

Gandhi tán thành cách nhìn rằng cho rằng không thể là bạo động (trong bất kỳ nghĩa xấu nào) khi không có sự vi phạm bổn phận. Điều này có thể được trông thấy từ ví dụ sau:

Nếu những người giao sữa của New York bất bình với chính quyền thành phố do quản lý tội phạm kém và nếu, để ép nó, họ quyết định ngưng cung cấp sữa, họ sẽ phạm tội ác chống lại nhân loại. Nhưng giả sử rằng những người giao sữa bị trả lương thấp và đang chết đói, họ sẽ được chứng minh nếu họ đã thử mọi phương pháp có thể có để bảo đảm một mức lương tốt hơn, trong việc từ chối giao sữa dù hành động của họ có thể gây nên cái chết của trẻ em ở New York… Không phải là bổn phận của họ như một người làm công phải giao sữa cho trẻ em dưới mọi tình huống. Không có bạo động gì ở đây hết khi không có sự vi phạm bổn phận nào. (KCBBĐ, tr. 167)

Ông tiếp tục ứng dụng những ý tưởng đó tới trào lưu bất hợp tác của người Ấn Độ - mà dính dáng tới việc tẩy chay hàng hóa ngoại quốc:

Nếu dân chúng vùng Lancashire… do vậy chịu đau khổ, bất hợp tác không thể bị quy như một hành động bạo lực bởi bất kỳ luật của đạo đức nào. Ấn Độ không bao giờ có trách nhiệm bảo dưỡng Lancashire. (KCBBĐ, tr. 168)

Bởi vì Gandhi tin rằng cưỡng chế là một loại bạo động, ông cam kết mình vào quan điểm rằng cưỡng chế bao hàm sự vi phạm bổn phận.

Rawls tỉnh táo về những mối nguy vô chính phủ của dân sự bất phục tùng, nhưng ông bị ấn tượng bởi thực tế là dân sự bất phục tùng có thể hoạt động như một phương tiện ổn định. Một trong những mối quan tâm chính của ông là mô hình xã hội gần hợp lý của mình không được phép thoái hóa. Tôi ngờ ông tin rằng một trong những lợi điểm mô hình xã hội của ông có so với một xã hội không tưởng có tôn ti là xã hội không tưởng của ông, nếu được cấu trúc thích đáng, có khả năng trở nên ổn định hơn theo thời gian. Theo Rawls, trong xã hội gần hợp lý của ông một trong những bảo vệ chủ chốt chống lại thoái hóa là sự hết lòng đối với những nguyên tắc công lý mà các công dân có, bổn phận tự nhiên của họ đối với công lý và thể chế hợp lý. Dân sự bất phục tùng, khi được điều phối đúng mực, có thể cải đổi quyền lực và giúp mang nó trở lại đường ngay; mặt khác, quy phục theo bất công đôi khi có thể khiến kẻ gây ra bất công khinh miệt nạn nhân của nó, và kẻ gây bất công thấy cung cách sai trái của mình được khẳng định. Vì vậy dân sự bất phục tùng đôi khi có thể khiến tự do dân sự được đoan chắc thêm (LTTP, tr. 384). Tôi nghĩ có hai loại ổn định đáng được phân biệt rõ ràng. Một xã hội theo tôn ti hoặc một xã hội Kỷ nguyên Cách mạng Mới có lẽ ổn định theo nghĩa nó xoay xở để bảo toàn mình trong một thời gian dài; nhưng ngay cả khi nó làm vậy nó sẽ thành một hệ thống thoái hóa, từ quan điểm của một người yêu bình đẳng và tự quyết. Rawls, khi ông nói về ổn định, phải được hiểu theo nghĩa không chỉ vắng bóng thay đổi, mà vắng cả thoái hóa và suy đồi.

Vì vậy ta có thể tạo nhiều câu trả lời với người mà quá lo lắng đề phòng về dấn thân vào dân sự bất phục tùng. Trước nhất… nhà nước có thể giảm thiểu mối nguy của vô chính phủ bằng cách gia tăng trừng phạt sự bất phục tùng. Thứ hai, có lập luận van an toàn của Gandhi. Và thứ ba, có lập luận của Rawls rằng nếu bạn không sử dụng tới dân sự bất phục tùng điều này có thể khẳng định với và khuyến khích quyền lực những phương cách không đúng đắn của họ, vì vậy dẫn tới sự thoái hóa của hệ thống.

Rawls cũng có lập luận là nếu dân sự bất phục tùng hợp pháp dẫn tới kết cục không thuận lợi, trách nhiệm thuộc về thủ phạm của bất công chớ không phải những người bất phục tùng. Lập luận này tương tự với lập luận của Gandhi được đề cập trước đây về những người Ấn bất hợp tác không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với Lancashire. Tôi cho là có một sức mạnh đáng kể trong những lập luận như vậy, nhưng chúng phải được sử dụng cẩn thận. Khi Nixon nắm quyền, về cuối nhiệm kỳ có tin đồn rằng nếu ông ta bị bãi chức một chuyện kinh khủng nào đó có thể xảy ra, ví dụ ông ta có thể phù hợp cho một khởi đầu rồ dại của chiến tranh hạt nhân. Phần lớn nghị sĩ cảm thấy chắc chắn những cơ may cho tai họa kiểu đó thì quá nhỏ để không thể làm lợi cho cái ác vì khoan dung một tổng thống đồi bại. Nhưng giả sử những cơ may của tai họa đó cao hơn nhiều. Trong trường hợp đó một cách chắc chắn sẽ là đỉnh cao của vô trách nhiệm để phớt lờ những khả năng như thế bằng cách lập luận rằng nếu thảm họa xảy ra trách nhiệm thuộc về Nixon, không phải chúng ta. Chắc chắn, nếu cơ may của thảm họa đủ cao, các nghị sĩ có trách nhiệm chịu đựng ông tổng thống thâm hiểm, giả sử là họ thực sự không có cách nào khác. Tương tự, giả sử những người dân sự bất phục tùng nhấn mạnh vào việc những bất công họ gánh chịu được đền bù, và những đòi hỏi của họ (cùng với những đòi hỏi tương tự khác mà trong thực tế sẽ được tạo ra) có khả năng dẫn tới một thảm họa xã hội lớn hơn nhiều so với bất công ban đầu. Những người dân sự bất phục tùng không nên lờ đi hậu quả đó. Nhưng khi những hậu quả không to lớn lắm, hoặc không đủ chắc, những người dân sự bất phục tùng có thể lập luận một cách tin tưởng hơn là họ không nên bị quy trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả không thuận lợi nào. Ngay từ quan niệm nhân quả phải tính tới nỗi đau khổ của người hứng chịu bất công từ đầu. Thường những nỗi đau khổ như vậy, nếu không được đền bù, thì tồi tệ gấp nhiều lần bất kỳ cái xấu nào gây bởi phong trào dân sự bất phục tùng.


© 2005 talawas



[1]“Bất bạo động”, trong J.G. Murphy, Dân sự bất phục tùng và bạo động (Belmont, CA: Wadsworth Publishing Company, 1971), tr. 100
[2]Peter Singer, Dân chủ và bất phục tùng, Oxford: The Clarendon Press, 1973
[3]“Bàn về bổn phận của dân sự bất phục tùng,” trong Dân sự bất phục tùng và bạo động, tr. 28
[4]Harijan, 29 tháng Tư 1939, tr. 101
[5]“Một ngụy biện về luật pháp và trật tự: Dân sự bất phục tùng phải tuyệt đối bất bạo động,” trong Dân sụ bất phục tùng và bạo động, tr. 103-11.
[6]John Harris (“Khái niệm Mácxít về bạo lực”,Triết học và những vấn đề công cộng, Bộ 3, số 2 [Mùa Đông 1974], tr. 208-9) tin rằng vì A gây ra Y do không làm được X những điều kiện sau là đủ (dù không cần thiết): A có lẽ làm X, X có lẽ sẽ ngăn ngừa Y, và Y bao hàm những tổn hại đối với nhân loại. Nếu Harris đúng, những người giao sữa trong ví dụ của Gandhi sẽ gây nên cái chết của những đứa trẻ. Nhưng cách thử nghiệm của Harris thì rõ ràng không đủ. Giả sử có người sống trong những căn nhà ổ chuột ở New York, người mà chịu đựng đau khổ vì thiếu dinh dưỡng và thiếu thuốc men; và giả sử chính phủ Ấn Độ, bằng cách cắt đứt kế hoạch 5 năm của nó và để dân Ấn chết đói, để có thể gởi tài nguyên tới New York xóa đi nỗi đau khổ của dân ổ chuột. Chắc chắn sẽ không đúng là chính phủ Ấn, vì thất bại trong việc gởi tài nguyên thích đáng, đang gây ra tổn hại cho dân ổ chuột New York. Cũng thích đáng để đặt câu hỏi chính phủ Ấn có đang vi phạm bất kỳ bổn phận nào không. Nhưng nếu để tạo sự so sánh gần hơn với trường hợp người giao sữa, giả sử chính phủ Ấn trong quá khứ đã cung cấp tài nguyên cho dân ổ chuột New York, và rồi quyết định ngưng. Khi đó nó sẽ gây tổn hại cho dân ổ chuột New York? Tôi nghĩ câu trả lời vẫn sẽ là không trừ phi chính phủ Ấn vi phạm bổn phận, ví dụ nếu ai đó cho rằng nó có bổn phận cung cấp tài nguyên cho những người đã quen với sự giúp đỡ của nó.
Nguồn: trích từ Civil Disobedience, Threats and Offers: Gandhi and Rawls (Dân sá»± bất phục tùng, Ä‘e dọa và đề xuất: Gandhi và Rawls) của Vinit Haksar, Oxford Univerity Press, 1986); trang 29-41.