Một con cặc tầm thường, nó giữ. Theo cách cha ông dạy
bảo vệ, nâng niu - không gì sai sót
nó gồng mình chịu trận dù muốn một phát
huy xứng đáng cho cặc tính mình
Thề trinh tiết đến cùng, tuy gái gú theo
bởi phẩm hạnh. Mỗi ngày nó soi gương, quấn vải
quanh háng [thật] nhiều lần nhằm sở hữu... tương lai được chuẩn bị
từng cái lồn bỏ đi như những dòng sông nhỏ
nó đâu biết [bọn] cha ông ngỏm từ khi nó lọt lòng
nửa đời không ai đụng, nó không chạm ai
vẫn còn... Nguyên si & đen đúa
Ðể yên ủi mỗi khi về già. Nó lén lút chuyển
con cặc ra sau rồi đâm vào đít
[Thut thit]
(Bùi Chát- Vô địch)
*
Có lẽ là khoảng vài chục năm trước đây, khi chong đèn ngồi viết câu "…nắm, nắm con cặc…" vào sổ tay trong bóng tối và cô độc, Trần Dần sẽ chẳng thể tin là có ngày sau này một chàng trẻ tuổi (không còn chơi đu bay nữa) vẫn còn ở tại Việt Nam và từng tốt nghiệp đại học khoa học xã hội nhân văn năm 2001) sẽ thờ ơ cầm con cặc ấy, trước bàn dân thiên hạ, không phải đút vào cái lồn nào (vì …từng cái lồn đã bỏ đi như những dòng sông nhỏ …) mà vào chính ngay lỗ đít của mình.
Tôi ngờ rằng cái hình ảnh hành động của chàng trai trẻ ấy đã hầu như mang ý nghĩa của một biểu tượng, như cũng đã từng có những hình ảnh biểu tượng trải dọc con đường thi ca Việt Nam. Từ hình ảnh của "con nai vàng ngơ ngác" tới hình ảnh "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", hình ảnh "những vòng trắng của khói bom" cho tới hình ảnh "những ống khói tầu mệt lả", hình ảnh của "anh chủ nhiệm giơ tay chỉ giữa đồng xanh" cho tới hình ảnh "cậu bé ngơ ngẩn đi tìm đồng chiều cuống rạ", từ hình ảnh "đường ta rộng thênh thang tám thước" cho tới hình ảnh của "những chân trời không có người bay"…Tất cả những hình ảnh ấy và còn nhiều hình ảnh nữa đã từng ngưng lại thành những biểu tượng bởi thông qua chúng, những con người cùng thế hệ có thể nhận ra những thông điệp (cũng có thể có người không tự biết) của chính mình và những con người từ phía tương lai nhìn lại cũng sẽ thấy được những phản chiếu nào đó của cái tinh thần của thời đại ấy.
Nhìn trên góc độ này, có lẽ hình ảnh chàng trai cầm cặc tự nhét vào lỗ đít cũng chính là một hành động biểu tượng. Thế nhưng nó biểu tượng cho cái gì?, Nó nói lên được cái tinh thần gì? Và liệu sau đây, khi thế hệ tương lai chẳng hạn, lật giở lại hồ sơ thi ca của những tháng năm này của thế kỷ 21, tại nước Việt Nam, họ sẽ nhận được thông điệp gì?
Theo tôi, hành động cầm con cặc tự nhét vào lỗ đít của mình, đã ngưng đọng lại thành một biểu tượng chính bởi, nói một cách nào đó -hành động ấy, rất chính xác- đã là một tuyên cáo về sự từ khước (không phải chỉ của riêng chính Bùi Chát mà còn) của cả một thế hệ những nghệ sỹ trẻ tuổi như anh trong thời điểm hiện tiền.
Tôi không nói tới tất cả những thế hệ trẻ tuổi - tôi biết vẫn còn những chàng và nàng khác - đang gắng gượng làm một điều gì đó, đại loại như cách tân thi ca hay nới rộng chiều hậu hiện đại trong phòng kín với một đống chai lọ thí nghiệm, để nối tiếp cái truyền thống "phu chữ" hay kèo nài một chỗ nho nhỏ trong cái đình làng chạm lộng hai chữ "nghệ thuật" viết hoa.
Tôi nói tới thế hệ của những chàng trai như Bùi Chát, Phan Bá Thọ, Lý Đợi, Khúc Duy, v.v... những người đã không còn muốn làm thơ (có ai đó đã nói thơ của họ không phải là thơ rồi nhỉ?) hay nói đúng hơn, với họ làm thơ không có nghĩa là làm cho một cái gì đó trở nên thơ, không phải tìm cách nói một cái gì đó bằng thơ, không phải bóng gió về một cái gì đó, tả một cái gì đó v.v... Đối với họ, thơ đã bị kéo xuống mặt đất, bị lôi ra trước chiến tuyến, bị quẳng vào đời sống phù du của những câu nói xong rồi quên, của những tuyên bố, của những danh ngôn vỉa hè, của những câu chửi thề như phản ứng của kẻ yếu chống lại quyền lực…Nói tóm lại, đối với họ, thơ (theo nghĩa truyền thống và cả những hệ lụy kèm theo, như sáng tạo, cách tân, làm mới, đổi gác, v.v...) đã cóc còn quan trọng nữa.
Thông qua việc giáng cấp thơ xuống một đời sống phù du (mang tính sử dụng cao, dùng xong rồi bỏ…), có thể thấy rằng họ cũng tước luôn đi của thi ca (theo truyền thống) một cái đại tự sự về tính vĩnh cửu theo dạng những trang giấy ố vàng "Hoa tiên" hay những bản kiều "Duy Minh Thị" hoặc "Liễu Văn Đường" gì đó.
Trong cặp nhị phân đối lập giữa vĩnh cửu /phù du - mà trong đó vĩnh cửu chính là niềm tin chính thống và mang tính trung tâm trong mọi thực hành và lý thuyết của nghệ thuật hiện đại - họ đã chọn cho thơ một vị thế của phù du - vị thế của những văn bản phi chính thống, ngoại biên và không được ưu đãi. Như là vị thế của báo lá cải - so với truyện của Goethe, vị thế của những câu chửi vỉa hè so với vị thế của những bài phát biểu trước quốc hội, vị thế của những bài hát trobadour chợ búa so với những aria của Verdi, vị thế của những tiểu tự sự hơn là những đại tự sự.
Với tôi, hành động của những chàng trai trẻ ấy -mà hình ảnh tự "lắp đít" của Bùi Chát là biểu tượng - chính là một hành động từ khước những đại tự sự.
Tuy nhiên chúng ta cũng nên trở về phía trước đôi chút để nhận thấy rằng, trong thi ca Việt Nam đương đại cũng chẳng phải chỉ những chàng trai trẻ như Bùi Chát - thông qua bài thơ của mình - là những người duy nhất từng có nhu cầu từ khước ấy, mà trước anh, thậm chí trước khá xa, cũng đã có những từ khước dạng ấy trong thi ca Việt Nam. Chúng ta từng có một Phạm Duy ("Lồn non hay lớn con, mập mạp lồn mềm, lồn tròn hoặc là móm mém",
Tục ca số 7 -
Nhìn Lồn ), chúng ta đã có một Nguyễn Đức Sơn ("trên bờ mương em vén quần sắp đái") Chúng ta cũng đã có Đỗ Kh. ("Đít em ấm và anh dương vật ngỏng"), chúng ta cũng có cả Hoàng Hưng ("bạn ơi giao hợp nơi đâu"), v.v. Tuy nhiên theo tôi, tất cả những hình ảnh ấy khó có thể trở nên một biểu tượng của sự từ khước vì chúng thiếu đi một tính chất mà Bùi Chát (và những chàng trai cùng thế hệ anh) đã có. Đó là tính chất bi thảm , cái tính chất mà chỉ những ai bị dồn tới chân tường và buộc phải hành động mới có thể có.
Tính chất bi thảm của một con người buộc phải sống khi không chấp nhận những quy tắc và lề luật của cuộc sống ấy. Của một kẻ ý thức vai trò ngoại biên buộc phải chống đỡ trong một cộng đồng chính thống đang ra luật lệ, của một kẻ đã hết niềm tin phải sống trong một cộng đồng ngày nào cũng niềm tin phơi phới, kẻ tỉnh mộng trong một cộng đồng đang đắm chìm với những cơn vô thức tập thể, v.v.
Tôi cũng còn ngờ rằng hình ảnh này - một cách tương đương - thậm chí cũng còn có cái sức mạnh bi thảm và hài hước của hình ảnh một gã nhóc tỳ đội mũ phớt với hai cẳng chân gầy nhẳng, vênh váo sổ toẹt vào xã hội thị dân Paris năm xưa bằng tuyên cáo về "sự hỗn loạn của mọi giác quan".
Vậy đó, và thế là gã trai nhét con cặc vào lỗ đít mình - con cặc, biểu tượng của đại tự sự, biểu tượng của tính đực, biểu tượng của quyền lực, biểu tượng của những niềm tự hào, sự hoang dã, sư ngổ ngáo, sự dịu dàng, sư cô đơn, sự chết, sự sinh sôi v.v., con cặc ấy đã phải quay ngược lại về cái nơi biểu tượng cho sự loại thải - lỗ đít.
Nhưng hành động này không chỉ bi thảm và hài hước, nó còn phi lý và quái đản, như một ảo ảnh trong những trang sách của Kafka hay của Dürrenmatt. Nó phi lý và quái đản vì, nó là một hành động kết nối giữa những thứ tưởng chừng như không thể kết nối và sau đó lại giễu nhại chính bản thân sự kết nối ấy một cách trắng trợn.
Nói tóm lại, thông qua bài thơ này, giọng thơ này, dạng thơ này, chúng ta đã có thể thấy rõ một lịch sử khác, lịch sử của những phần văn chương ngoài lề ngoại biên tồn tại song song với những phần trung tâm và chính thống trong. Phần ngoại biên với thế giới quan của những "cái khác" (the Other) đối lập với mọi cấu trúc quyền lực và thậm chí còn sở hữu cái sức mạnh, như Foucault đã từng viết: "lật đổ những chứng cứ và những cái phổ quát, nhận rõ và chỉ ra sức ỳ và những ràng buộc của thời đại."
Với tư cách là một người đọc, tôi coi sự xuất hiện của dòng văn học này là một dấu hiệu tích cực.
© 2004 talawas