trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
21.2.2005
Phan Nhiên Hạo
Buổi sáng Angkor
 
Sự đảo lộn giờ giấc khiến tôi thường dậy rất sớm những ngày ở Siem Reap. Chưa đến 4 giờ sáng, tôi đã ra khỏi nhà trọ, lang thang trên vài con đường ngắn và tối thui của thành phố. Sông Siem Reap chảy qua gần khu vực Chợ Cũ. Bờ sông không ánh sáng, nước sông đen ban ngày, giờ hoàn toàn hòa với bóng đêm. Một người đàn bà mặc đồ bộ dậy sớm tập thể dục, đi vung vẩy trong bóng tối như ma. Và chỉ có mình bà ta. Tiếng nhạc Khmer văng vẳng trong không gian. Mùa này, tháng 1, là mùa cưới xin hay lễ lạt gì đó. Tiếng nhạc không dứt cả ngày lẫn đêm. Loại nhạc truyền thống với tiếng lanh lảnh của bộ gõ kim loại trên cái nền thê thiết, nhừa nhựa không ngắt hơi của kèn, được đệm dày đặc bởi trống và chiêng. Tôi rất thích nhạc này, nghe có vẻ “tâm trạng” nhưng thô và khỏe mạnh. Lúc đầu, tôi tưởng tiếng nhạc phát ra từ hệ thống loa công cộng của chính quyền, kiểu phát thanh tập thể ở Việt Nam trước đây. Nhưng hỏi thì không phải. Campuchia tuy “đổi mới” sau Việt Nam, nhưng đã đi xa khỏi thời bị tra tấn bởi những cái mõm sắt như vậy. Ðây chỉ là những ban nhạc chơi với hệ thống khuếch âm rất lớn. Tôi đi lên đi xuống. Ðường phố tối và bụi quá, thích hợp với một câu thơ đại loại: “ Tôi đi trong lầm than”. Nhưng Siem Reap không hẳn là thành phố lầm than, ít nhất với du khách.

Siem Reap có những nét giống một tỉnh lẻ Việt Nam những năm tám mươi. Thành phố gần như không có hệ thống đèn đường, ngoại trừ những lờ nhờ ở một vài ngã tư; đường phố hẹp, và hai bên lề đường, cát lấn ra cả thước, đầy rác. Nhưng Siem Reap cũng là thành phố của Angkor, một trong vài kỳ quan vĩ đại mà con người từng tạo dựng trên mặt đất. Nên Siem Reap tràn ngập du khách. Nơi thành phố vẫn còn lam lũ này, người ta đã và đang xây những khách sạn rất đẹp, rất sang trọng. Trong khi đa số dân chúng có lẽ không kiếm quá vài dollars một ngày, ở Siem Reap, có những khách sạn như Amansara giá từ 975 đến 1.300 dollars mỗi đêm cho một phòng suite. Những khách sạn mắc tiền khác như Sofitel, Victoria cũng có mặt, giá vài trăm dollars, bên cạnh hàng loạt khách sạn và nhà nghỉ rẻ hơn, giá vài chục. Thành phố giống một người vừa được tặng chiếc áo gấm mắc tiền, nhưng bên dưới vẫn mặc quần đùi. Sân bay quốc tế Angkor buổi sáng tôi đến chỉ có một chiếc máy bay duy nhất đang đậu. Nhà ga sân bay nhỏ và xinh xắn như tiền sảnh một khách sạn, chỉ khác khách sạn ở chỗ, không có điện thoại công cộng nào. Ở sân bay Angkok, nếu muốn gọi điện thoại, phải ráng kiếm cô bán hàng hay anh bảo vệ, xin gọi nhờ điện thoại di động của họ, rồi trả một hoặc hai dollars. Dọc đường về trung tâm thành phố, những ngôi trường tiểu học vẫn còn lở lói. Trong sân trường đầy bụi, trẻ con chạy chân không. Thành phố nhiều cây xanh lớn, giống vài con đường đẹp còn sót lại của Sài Gòn. Những cây xanh có lẽ trồng từ thời Pháp. Và người Pháp đã trở lại, bám rễ xuống bởi những tiệm ăn, cơ sở thương mại, trung tâm nghiên cứu văn hóa, và những người vợ bản xứ. Buổi chiều, tôi vào một tiệm sách nhỏ. Chủ tiệm là anh chàng Pháp cao lêu nghêu đeo kính cận, đang vừa ăn cơm vừa xem ti vi ngay trước nhà với bà vợ người địa phương.

Siem Reap dậy trễ hơn Sài Gòn rất nhiều. Ðã hơn 4 giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì ở cả hai khu Chợ Cũ và Chợ Trung Tâm. Khu Chợ Cũ còn hoàn toàn trong bóng tối. Khu Chợ Trung Tâm có vài ngọn đèn, nhưng không bóng người. Tôi đi xuyên qua những dãy sạp gỗ lặng ngắt, chỉ có con chó gầy nằm dũi mõm trên nền xi-măng. Trước hiên một ngôi nhà, người đàn ông cụt chân nằm ngủ, mền trùm kín đầu. Hai nạng gỗ hai bên, duy nhất một chiếc dép nhựa đặt ngay ngắn nơi bàn chân trái. Ít nhất ở Siem Reap, ngủ không sợ bị mất dép.

Bên ngoài bức tường bệnh viện, cách cổng chính vài mươi thước là gánh hàng bún. Gánh bún ở ngay dưới cột đèn, được phụ sáng thêm bằng một đèn ống màu trắng. Một phụ nữ đứng tuổi, có lẽ người mẹ, đang bỏ thịt vào nồi nước lèo. Cô con gái khoảng hai mươi tuổi, ngồi xắt ớt. Cạnh đó, một thanh niên, chắc chạy xe ôm, ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp. Ba người này đang nói chuyện với nhau bằng... tiếng Việt. Trong một giây, tôi tưởng đã về đến Sài Gòn. Tôi hy vọng sẽ có được tô bún lề đường và ly cà-phê bít tất vào lúc bốn giờ sáng như nhiều năm trước lúc còn ở Việt Nam. Nhưng vừa đến trước hàng, chưa kịp hỏi, tôi đã nghe cô gái lầm bầm: “Thằng này đi đâu sớm vậy, giờ này có mẹ gì ăn”. Tôi do dự, không biết có nên đáp lại. Tôi không muốn cô gái phải ngượng. Từ lưỡi dao trong tay cô, những lát ớt đỏ vẫn lăn ra đều đặn trên mặt thớt. Mùi ớt cay cay. Tôi chỉ hơi buồn cười. Dù sao, hàng bún cũng chưa sẵn sàng. Ðúng là chưa có mẹ gì để ăn vào lúc 4 giờ sáng ở Siem Reap. Tôi im lặng bỏ đi.

Việc cô hàng bún nói một câu tiếng Việt cẩu thả như vậy mà không cần ngẩng lên, dù sao cũng chứng tỏ một điều, rằng không có nhiều du khách người Việt ở Siem Reap. Ở những nơi đông khách du lịch khác cũng vậy. Tôi chỉ gặp người Ðức, người Nhật, người Úc, người Bắc Âu, người Mỹ, vài nhóm người Ðại Hàn, Ðài Loan. Người Việt còn quá nghèo để du lịch. Hoặc nếu có đi, hình như họ cũng hành sử không giống người du lịch các nước khác. Ở đền Angkor, trong hàng ngàn du khách, sau cùng tôi đã thấy một nhóm người Việt. Những người đàn bà mặc đồ vét may giống đồ bộ, ngồi chồm hổm và nói chuyện rất to, gần như cãi nhau. Một người đàn ông trung niên râu cá chốt, mang giày da cao gót, áo sơ mi, quần tây, thoăn thoắt trèo lên những bậc tam cấp dẫn lên đền. Lên đến nửa chừng, ông ta quay người lại, huơ chân múa tay cho một người đàn ông khác đứng dưới quay phim. Những người đàn bà cười ngặt nghẽo tán thưởng. Trông những người này hoàn toàn khác với đa số khách du lịch áo thun, giầy thể thao đang đi lặng lẽ xung quanh. Ðọc ký sự của vài người Việt may mắn có cơ hội du lịch nước ngoài, thấy thường rơi vào hai trường hợp sau. Trường hợp thứ nhất, thường là Việt Kiều khoe khoang ta đây văn hóa Pháp, văn hóa Mỹ, ta là người “quốc tế”. Họ có vẻ hợm hĩnh của người “sành điệu”, thậm chí “sành điệu” hơn cả dân Âu Mỹ. Ký sự của họ đầy những tên hiệu quần áo, nước hoa, máy chụp hình, những ăn chơi khinh khỉnh. Trường hợp thứ hai, thường là người trong nước mới ra nước ngoài. Những người này, tiếp xúc lần đầu với một thế giới hoàn toàn mới lạ, hay có những nhận xét thiếu chính xác về nhiều vấn đề. Ví dụ, họ không thấy những khía cạnh chủng tộc và bản sắc văn hóa của người thiểu số khi quan sát đời sống ở Mỹ; hoặc chỉ cần thấy một người vô gia cư trên đường phố xin tiền mua bia, họ có thể cho rằng nước Mỹ cũng đầy ăn xin không cơm ăn áo mặc như Việt Nam, rồi bày tỏ xót thương rất “nhân loại”.

Ða số người Việt sống ở hải ngoại vẫn là người nhập cư thế hệ thứ nhất, nhiều tính Việt hơn tính Tây, tiếng Việt rành hơn tiếng bản xứ. Những người này, khi du lịch, tay cầm hộ chiếu Mỹ, Pháp, nhưng liệu có hành xử, và quan trọng hơn, có được đối xử hoàn toàn như những người Mỹ, người Pháp không? Tôi nghi ngờ điều này. Một Việt Kiều dù “sành điệu” đến đâu, khi du lịch ra nước ngoài cũng sẽ phải lập tức đối mặt với vấn đề “quốc tịch” của mình. Khi ra nước ngoài, tôi thường lúng túng khi bị hỏi: “Bạn từ đâu đến” (Where are you from). “Tôi đến từ nước Mỹ“ (I am from America) sẽ là câu trả lời đúng sự thật và ngữ pháp. Nhưng đó cũng là câu trả lời thường nhận được cái nhìn hoài nghi. Trong quan niệm của nhiều người bình dân trên đường phố Bangkok hay Siem Reap, nước Mỹ chỉ là quốc gia của người da trắng, hoặc cùng lắm, của người da đen. Một người da vàng như tôi không thể đến từ nước Mỹ. Ngay đối với những người biết Mỹ là một đất nước đa chủng tộc, trả lời như vậy nghe cũng có vẻ rất hãnh tiến, rất “ăn theo”. Nhưng cũng sẽ không chính xác nếu trả lời: “Tôi đến từ Việt Nam”. Vì thật ra, tôi bay từ Los Angeles đến Bangkok, đâu phải từ Sài Gòn; và nhiều năm nay, tôi cũng không sống ở Việt Nam. Nên để trả lời câu hỏi trên, thường thì tôi đáp hơi lạc đề: “Bây giờ tôi sống ở Mỹ, nhưng tôi là người Việt”. Trả lời vậy tuy thỏa mãn người hỏi, nhưng hơi phiền toái cho mình. Phiền toái thứ nhất là ngay sau đó, tôi phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi đại loại: “Thế anh ở Mỹ bao lâu rồi”, “Làm sao tới được Mỹ”, “Gia đình anh ở Mỹ hay Việt Nam”, vân vân. Có người còn yêu cầu tôi chỉ cách để họ cũng đến được Mỹ. Thật chẳng thích thú gì chuyện phải khai lý lịch trước những người mới gặp trên đường phố như vậy. Phiền toái thứ hai nằm ở chỗ, xác nhận mình là người Việt thường khiến người đối diện thay đổi thái độ một cách rất tiêu cực. Lý do vì sao, tôi chỉ muốn nói đơn giản, rằng chúng ta không phải là những du khách được ưa chuộng ở nước ngoài. Ðôi khi như để khỏa lấp phần nào sự thay đổi thái độ quá lộ liễu, hoặc như một cách “nịnh” gián tiếp, người hỏi chuyện có thể nói: “Ồ, vậy mà tôi tưởng anh là người Nhật/ Singapore/ Tàu/ Ðại Hàn”. Nhiều người Việt lấy làm tự hào khi bị “nhầm” như vậy. Hình như đối với người Việt, bị nhầm với người nước nào cũng tốt, ngoại trừ bị nhầm với người Miên. Vâng, tôi chưa nghe ai khoe mình bị nhầm với người Miên. Tôi không rõ nguồn gốc từ “Miên”. Nhưng ít nhất qua cái cách mà từ này được sử dụng, tôi nghĩ nó ít nhiều hàm chứa một thái độ miệt thị.

Việt Nam, một đất nước thường xuyên bị ám ảnh bởi xâm lược và nghèo khó, nếu có chút hãnh tiến nào, chỉ có thể là hãnh tiến với hai quốc gia duy nhất trên thế giới yếu kém hơn mình: Campuchia và Lào. Nhưng chút trịch thượng này sẽ sụp đổ thảm hại khi người ta nhìn thấy Angkor. Angkor khiến chúng ta nghĩ rằng sự khốn khó của người Campuchia hiện nay là do họ bị Thượng Ðế trừng phạt vì ghanh ghét, chứ không phải do dân tộc họ yếu kém. Một dân tộc đã xây nên Angkor không thể là một dân tộc tầm thường. Và Siem Reap hôm nay, bất chấp những đường phố không đèn và đầy bụi, vẫn là một thành phố đang chuyển động rất nhanh.

Nơi nhà trọ tôi ở có cặp vợ chồng du khách người Ðức rất thân thiện. Họ hay ngồi ở bàn ăn trước sân, đùa giỡn, trò chuyện với những thanh niên phục vụ. Năm sáu thanh niên làm việc trong nhà trọ đều chỉ khoảng từ mười tám đến hai mươi tuổi, lễ độ, vui vẻ. Những thanh niên này thường quây quanh khách, hỏi han đủ chuyện, đôi khi mang cả tập vở học tiếng Anh ra nhờ chỉ giúp. Mặc dù chuyện này có vẻ không chuyên nghiệp đối với một khách sạn, nó tạo cho du khách cảm giác rất gia đình. Khách đến nhà trọ ngoài lý do giá cả, một phần cũng vì thích được tiếp xúc với người địa phương như vậy. Cặp vợ chồng người Ðức kể rất nhiều chuyện. Chuyện xe điện ngầm, chuyện mùa đông ngập tuyết đốt lò sưởi, chuyện xúc xích và hamburger. Ngồi bàn bên cạnh, đôi khi tôi ái ngại cho cái cách lắng nghe chăm chú, vô tư của đám phục vụ, cái cách những thanh niên 20 tuổi bị hỏi đố những câu ngớ ngẩn chẳng hạn thủ đô Tây Ban Nha là gì. Nhiều lần, những thanh niên trẻ này cũng đến ngồi quanh tôi, nhưng tôi không hứng thú để kể với họ về Disneyland hay Las Vegas, về Hollywood hay New York. Trong thâm tâm, tôi biết những địa danh này không thuộc về tôi. Tôi không “sở hữu” chúng như một người da trắng sinh đẻ ở Hoa Kỳ sở hữu. Tôi không “đại diện” nước Mỹ như cặp vợ chồng người Ðức đang “đại diện” nước Ðức. Có lẽ tôi nên kể với họ chuyện Việt Nam chăng? Nhưng tôi e rằng đề tài này chẳng đem lại điều gì tốt đẹp. Dù có nói gì, tôi cũng khó thay đổi ấn tượng của họ về những người Việt đang giành giật nguồn cá trên Biển Hồ, những bé gái làm điếm ở Phnom Penh, những người lính từng đến đây trong đội quân chiếm đóng. Mà liệu tôi có được phép “đại diện” Việt Nam, một đất nước tôi phải xin visa để trở về, một đất nước mà mỗi lần về đến sân bay tôi vẫn còn hồi hộp, lo sợ những bất trắc. Tôi đang ngồi đây với sổ thông hành Mỹ và những đồng dollars trong túi, nhưng nếu còn ở lại Việt Nam, số phận tôi có thể cũng đã chẳng khác gì những thanh niên này. Giờ đây, có thể tôi cũng đang đứng mở cửa khách sạn hay ngồi sau quầy tiếp tân vâng dạ trước những lời lẽ cộc cằn của bọn Ðài Loan, bọn Hàn Quốc, bọn Úc, bọn Ðức; có thể tôi cũng đang há hốc mồm “học hỏi” văn minh phương Tây với thái độ sùng kính ngây thơ như vậy.

Tôi đi lên đi xuống nhiều vòng trên những đường phố Siem Reap, vào cả những con hẻm lổn nhổn gạch đá. Ðến khoảng 6 giờ, tôi về lại đoạn đường trước cổng bệnh viện. Ngã tư gần đó là điểm bắt đầu con đường của những nhà hàng và tiệm rượu dành cho khách du lịch. Tiệm ăn đầu tiên đã mở cửa. Trong tiệm, người bồi đang đặt xuống đất những chiếc ghế chổng ngược trên bàn đêm qua lúc rửa sàn nhà. Rồi anh ta trải khăn ăn trắng. Tôi đứng ở ngã tư đường, do dự một lúc lâu. Tôi nên vào tiệm để ăn bữa sáng ngon lành, sạch sẽ, phục vụ bởi những người bồi lễ độ; hay tôi nên bước sang gánh bún bên kia, ngồi ăn trên lề đường bụi bặm.

Tôi muốn kết thúc câu chuyện này với hình ảnh tôi ngồi ăn bún và trò chuyện với hai người phụ nữ Việt tha hương nơi Siem Reap. Nhưng sự thật tôi đã không làm điều đó. Tôi vào tiệm ăn dành cho khách du lịch, gọi món trứng bánh mì, café sữa, rồi vừa ăn, vừa quan sát gánh bún bên kia đường. Tôi không biết phải biện hộ thế nào. Tôi chỉ có thể nói rằng, quyết định này khiến tôi luôn cảm thấy nặng nề mỗi khi nhớ lại. Có lẽ đến nhiều năm sau.

2/2005

© 2005 talawas