trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
26.2.2005
Lê Huy Tiêu
Giới lý luận phê bình Trung Quốc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa
(Tham luận tại Hội thảo khoa học Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển tại Viện Văn học, Hà Nội, ngày 25.11.2004)
 
Từ ngày Trung Quốc bước vào thời kỳ đổi mới, văn học nghệ thuật của họ nở rộ, được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt. Song song với sự phong phú trong sáng tác văn nghệ, giới lý luận Trung Quốc đã tiến hành thảo luận, đổi mới nhiều quan niệm văn học nghệ thuật. Những vấn đề được mang ra bàn bạc thì rất nhiều, nào là mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, vấn đề nhân tính và chủ nghĩa nhân đạo, vấn đề tiếp thu văn hoá văn học nước ngoài, vấn đề chủ thể văn học, vấn đề công năng văn học, vấn đề chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa…

Bài viết này của tôi chỉ xin trình bày sơ lược cuộc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mà giới nghiên cứu phê bình Trung Quốc đã đề cập trong thời kỳ đổi mới.

Cuộc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực được triển khai xoay quanh chủ đề làm thế nào khôi phục, kiên trì và phát huy chủ nghĩa hiện thực. Có hai nguyên nhân dẫn đến cuộc thảo luận này: Một là qua việc phê phán chủ nghĩa hiện thực giả tạo (ý nói những tác phẩm khoa trương, giả dối, trống rỗng) trong thời kỳ cách mạng văn hoá, các nhà phê bình đi tới “phản tư” về lý luận hiện thực chủ nghĩa của thời kỳ 1949 –1966. Hai là, đồng thời với việc “phản tư”, cuộc thảo luận về “văn học vết thương” và những tác phẩm gây nên tranh cãi sau đó dẫn đến việc nhận thức lại chủ nghĩa hiện thực.

Về nguyên nhân thứ nhất mà nói, cuộc thảo luận này có thể coi là sự tiếp nối của cuộc tranh luận về chủ nghĩa hiện thực trong giai đoạn 17 năm (1949 – 1966); về nguyên nhân sau mà nói, hiện tượng văn học mới đã cung cấp tư liệu cho các nhà lý luận phê bình, khiến họ suy nghĩ sâu sắc thêm về chủ nghĩa hiện thực. Do đấy lần thảo luận này không những quan hệ đến việc lý giải về những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện thực, mà còn đưa ra cách nhìn nhận mới đối với chủ nghĩa hiện thực trong thời kỳ cải cách. Trung tâm của cuộc tranh luận về chủ nghĩa hiện thực là vấn đề lý giải tính chân thực.

Từ cuộc phê phán tư tưởng văn nghệ Hồ Phong năm 1954 và phê phán thuyết “tả chân thực” năm 1957 trở đi, tính chân thực trở thành vấn đề kiêng kỵ của giới phê bình. Mặc dù các nhà phê bình lý giải tính chân thực không giống nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, nhưng khôi phục lại tính chân thực của văn học được coi là có ý nghĩa quan trọng đầu tiên của việc khôi phục lại tinh thần hiện thực chủ nghĩa và được mọi người đồng thuận. Nhà lý luận Khiết Mẫn nói: “Nếu văn học xa rời tính chân thực của hiện thực thì sẽ mất đi chủ nghĩa hiện thực, mất đi sức mạnh sinh mệnh của nghệ thuật, xa rời tính chân thực, thì tác dụng nhận thức của văn học và chức năng phản ánh hiện thực của nó… cũng không thể nói đến được” [1] . Ba Kim cho rằng, trong một thời gian dài, văn học Trung Quốc chỉ thích nói những lời trống rỗng, lời nói dối và xu nịnh, kết quả là “nói hết những lời nói hay, nằm mơ hết mộng đẹp, khi mở mắt ra, vẫn chỉ là giấc mộng lớn. Văn học không dám nói sự thật thì làm sao có được chủ nghĩa hiện thực” [2] . Coi tính chân thực là hạt nhân, là thước đo quan trọng đầu tiên của nền phê bình hiện thực chủ nghĩa, đó là hòn đá tảng của các nhà phê bình thời kỳ mới đặt lại nền móng cho chủ nghĩa hiện thực. Ðúng như có nhà phê bình đã nói: “Sau 20 năm lý luận về tính chân thực của văn học gặp trắc trở, giờ đây cuối cùng đã được đa số thừa nhận. Ðiều đó không thể không nói là sự tiến bộ lớn của giới lý luận văn nghệ Trung Quốc” [3] .

Trước đây, trong lý luận hiện thực chủ nghĩa, vấn đề tính chân thực thường được gắn với định nghĩa về những vấn đề như “tả bản chất”, “tính khuynh hướng”, “tính điển hình”… còn khái niệm tính chân thực thường bị gác sang một bên. Nay tính chân thực được đặt vào vị trí trung tâm của lý luận hiện thực chủ nghĩa thì tất nhiên phải điều chỉnh lại cơ cấu của lý luận hiện thực chủ nghĩa, một số quan điểm trái ngược với tính chân thực cũng phải sửa đổi lại. Sự thay đổi đó thể hiện ở sự nhận thức mới dưới đây:

Bàn lại vấn đề “tả bản chất”. Người nghi ngờ khá sớm là nhà lý luận Vương Xuân Nghiêm. Trong khi “phản tỉnh” về lý luận miêu tả nhân vật anh hùng, ông chỉ ra: “Thuyết “tả bản chất” làm tổn hại trực tiếp đến sáng tác, vì nó bắt nhà văn phải tuân theo khái niệm và định nghĩa về “bản chất xã hội” để lý giải danh hiệu “nhân vật anh hùng” một cách trống rỗng và trừu tượng, đó là sự phá hoại thô bạo nhất đối với đặc trưng nghệ thuật”. Thực chất của “tả bản chất” là “dưới danh nghĩa “tả bản chất”, tô hồng cuộc sống, che giấu mâu thuẫn, dùng hư trương thanh thế để thay thế tình cảm chân thực” [4] . Các nhà nghiên cứu phê bình cho rằng thuyết “tả bản chất” trước kia dẫn đến tình trạng sáng tác và phê bình xa rời chủ nghĩa hiện thực, một trong những nguyên nhân là giải thích “tả chân thực” một cách tiên nghiệm chủ quan và duy ý chí, coi bản chất là quan niệm hoặc khái niệm tồn tại trước tiên, yêu cầu nhà văn dựa vào mớ quan niệm đó mà sáng tác, nên đã dẫn đến khuynh hướng công thức hoá và khái niệm hoá. Nguyên nhân thứ hai là ở chỗ giải thích “tả bản chất” một cách xã hội học dung tục, giải thích “bản chất” thành “chủ lưu” hoặc “mặt chủ yếu của mâu thuẫn”. Trong lĩnh vực phê bình cũng theo đó mà chia cuộc sống xã hội do nhà văn miêu tả thành cái gọi là “hiện tượng chủ lưu bản chất”, “hiện tượng phi bản chất”, “hiện tượng xa rời bản chất”… Sự phân loại xã hội học dung tục ấy làm cho phê bình bị đơn giản hoá, những câu nói như “bản chất xã hội lẽ nào lại như thế?”, “miêu tả đen tối không thể phản ánh được bản chất của chủ nghĩa xã hội”… đều từ đó mà ra. Nguyên nhân thứ ba, là ở chỗ thoát ly thực tiễn sáng tác văn học và hiện tượng cuộc sống cụ thể, yêu cầu văn học phản ánh cái gọi là “bản chất” một cách trừu tượng. Kỳ thực “khái niệm “bản chất” trần trụi, về cơ bản không phải là cái thuộc về phạm trù mỹ học, nó không phải là đối tượng của văn học nghệ thuật, do đó cũng không có quyền đi vào lĩnh vực miêu tả văn học” [5] . Những quan điểm đổi mới này chứng tỏ sự quan tâm của các nhà phê bình Trung Quốc đối với sáng tác hiện thực chủ nghĩa đã từ khái niệm “bản chất” trừu tượng, phổ biến chuyển dịch sang hiện thực cuộc sống cụ thể, sinh động, cảm tính.

Làm rõ “tính khuynh hướng” là gì? Trong lý luận về chủ nghĩa hiện thực trước đây, do phóng đại một cách phiến diện tác dụng quyết định của thế giới quan đối với phương pháp sáng tác, do cường điệu một cách phiến diện tác dụng chỉ đạo của khuynh hướng chính trị đối với tính chân thực của văn học, từ đó xuất hiện xu hướng dùng tính khuynh hướng để bài xích tính chân thực. Do đó, nhìn lại nguyên tắc tính chân thực của chủ nghĩa hiện thực thì cũng cần phải nhìn lại quan hệ giữa tính khuynh hướng và tính chân thực. Cái mà các nhà phê bình Trung Quốc nhấn mạnh là “sự thống nhất giữa tính chân thực nghệ thuật và tính khuynh hướng xã hội chủ nghĩa” [6] , nhưng khi trình bày “sự nhất trí”, “sự thống nhât” họ lại nghiêng về việc đảo lại mối quan hệ quyết định và bị quyết định giữa tính khuynh hướng và tính chân thực, coi miêu tả chân thực cuộc sống là cơ sở của sự thống nhất giữa hai cái đó. Nhà lý luận Tưởng Khổng Dương nói: “Tính khuynh hướng mà chủ nghĩa Mác nói, là tính khuynh hướng duy vật chủ nghĩa, nó nẩy sinh ra từ sự phản ánh chân thực cuộc sống hiện thực khách quan”, do đó lý giải phiến diện tính khuynh hướng thành tính chính trị và coi tính xác thực của khuynh hướng chính trị là cơ sở chân thực thì hoàn toàn là cách nói “tựa như đúng mà hoá sai” [7] . Những ý kiến này giúp ta nhận thức chính xác quan hệ giữa tính khuynh hướng và tính chân thực.

Bàn lại vấn đề “tính điển hình”. Vấn đề điển hình (bao gồm tính điển hình, điển hình hoá, nhân vật điển hình, hoàn cảnh điển hình…) cũng được các nhà lý luận phê bình Trung Quốc quan tâm. Từ thập kỷ 50 đến thời kỳ đổi mới, vấn đề điển hình được thảo luận liên tục, khiến cho nhà phê bình lão thành Hoang Môi phải than thở rằng: “Về mặt lý luận, vì sao đã có một nền văn học xã hội chủ nghĩa 30 năm rồi, đã có sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Ðông rồi mà đến nay vẫn còn phải bàn đến cái gì là điển hình, là tính chân thực… thậm chí có cả những vấn đề thường thức nữa là vì sao?” [8] . Ở thời kỳ đổi mới, khi thảo luận về vấn đề điển hình có không ít ý kiến nhắc lại quan điểm đã thảo luận trước đây, như cái riêng và cái chung, cái đặc thù và cái bình thường, hiện tượng và bản chất, ngẫu nhiên và tất nhiên… nhưng trong cuộc thảo luận lần này có cái khác là cái cá tính, cái đặc thù, hiện tượng cảm tính được các nhà phê bình coi trọng hơn. Cái được đột phá và thực sự đi sâu thảo luận là sự lý giải mới về các luận điểm về điển hình của các nhà kinh điển Mácxít.

Vấn đề điển hình sở dĩ được các nhà lý luận phê bình Trung Quốc đặc biệt coi trọng có liên quan nhiều đến những luận điểm của F. Engels về vấn đề điển hình. Năm 1888, trong lá thư gửi nhà văn Anh Margaret Harkness, Engels có phát biểu một đoạn văn rất nổi tiếng về chủ nghĩa hiện thực: “Theo tôi, ý nghĩa của chủ nghĩa hiện thực là ngoài tính chân thực của chi tiết ra, còn phải tái hiện chân thực nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Từ ngày thành lập nước trở đi, dường như chưa có nhà nghiên cứu phê bình Trung Quốc nào dám nghi ngờ về đoạn văn này cả. Nhưng đến thời kỳ đổi mới, nhà phê bình Từ Tuấn Tây đã nêu ý kiến bàn lại về vấn đề này. Trong hai bài nghiên cứu: “Một định nghĩa đáng được bàn lại - điều đáng nghi ngờ về mối quan hệ giữa hoàn cảnh điển hình và nhân vật điển hình” và “Một công thức cần phải phá bỏ – lại bàn về hoàn cảnh điển hình và nhân vật điển hình[9] , Từ Tuấn Tây đã phát biểu ý kiến riêng của mình. Ông cho rằng việc Engels phê phán“Cô gái thành thị” của Harkness “là thiếu chính xác và không công bằng” vì “không thể cho rằng tác phẩm nghệ thuật chỉ biểu hiện lực lượng chính diện và chủ lưu cuộc sống mới có thể phản ảnh bản chất cuộc sống xã hội, mới có ý nghĩa điển hình, còn những tác phẩm miêu tả hiện tượng tiêu cực và chi lưu cuộc sống không thể phản ánh bản chất cuộc sống xã hội, từ đó kết luận tác phẩm ấy không có ý nghĩa điển hình”. Từ Tuấn Tây nói: “Mục đích chủ yếu của lá thư này của Engels là phát biểu ý kiến riêng của mình về sáng tác cụ thể của một nhà văn” “chứ không phải là định nghĩa nghiêm túc về chủ nghĩa hiện thực” do đó không nên coi ý kiến ấy “trở thành tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá tất cả các tác phẩm văn nghệ”. Kết luận của Từ Tuấn Tây là: Trong lá thư của Engels “có một số quan điểm và luận thuyết không đủ tính chất của một định nghĩa khoa học, do đó nếu coi nó là một định nghĩa để sử dụng thì rõ ràng có chỗ không hoàn thiện”. Ý kiến của Từ Tuấn Tây đã phá vỡ quan niệm phải tuyệt đối tin tưởng, không cho phép nghi ngờ đối với những lời bàn cụ thể của các nhà kinh điển Mácxit, do đấy đã dấy lên sóng gió trong giới lý luận phê bình Trung Quốc. Có người phê phán ý kiến của Từ Tuấn Tây là “Không những về lý luận là sai lầm không có chút căn cứ, mà về thái độ và cách làm cũng khá khinh suất”. Thậm chí còn bị chỉ trích đây là “phản ánh tư trào hoài nghi tính chính xác của lý luận văn nghệ Mácxít trong cuộc vận động tư tưởng và phong trào văn nghệ của xã hội nước ta mấy năm gần đây” [10] . Mặc dù có những ý kiến bất đồng, nhưng ý kiến của Từ Tuấn Tây vẫn có tác dụng mở đường cho lối suy nghĩ mới.

Hệ quả tất yếu của việc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực dẫn đến cuộc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trước hiện trạng phương pháp sáng tác đa dạng hoá của Trung Quốc trong thời kỳ mới, người ta thấy phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không còn là “phương pháp sáng tác cơ bản” nữa. Nhà văn Vương Mông sáng tác theo “dòng ý thức”; nhà văn Mạc Ngôn: “cảm giác mới lạ”; nhà văn Trương Hiền Lượng nghiêng về “phân tâm học” của Freud… Ðiều đó khiến cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không còn “thiêng” nữa. Và xét về mặt định nghĩa, khái niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng chưa được hoàn thiện, có những điều bất hợp lý. Điều lệ của Hội nhà văn Liên Xô, thông qua năm 1934 ở Đại hội đại biểu các nhà văn Liên Xô lần thứ nhất, viết: “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp cơ bản của văn học Liên Xô và phê bình văn học Liên Xô, đòi hỏi nhà nghệ thuật mô tả cuộc sống một cách chân thực, lịch sử cụ thể trong sự phát triển cách mạng hiện thực. Ðồng thời với việc miêu tả chân thực, lịch sử cụ thể, cần phải kết hợp với nhiệm vụ dùng tinh thần xã hội chủ nghĩa để cải tạo và giáo dục nhân dân lao động về mặt tư tưởng”. Các nhà lý luận phê bình Trung Quốc nhắc lại ý kiến của nhà thơ Liên Xô Simonov ở Đại hội đại biểu các nhà văn Liên Xô lần thứ hai rằng: Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa yêu cầu nhà văn miêu tả hiện thực một cách chân thực, nhưng lại đồng thời với việc miêu tả ấy phải kết hợp với nhiệm vụ dùng tinh thần xã hội chủ nghĩa cải tạo nhân dân về mặt tư tưởng. Như vậy, dường như tính chân thực và tính lịch sử cụ thể có thể kết hợp hoặc không thể kết hợp với nhiệm vụ ấy, nói cách khác, không phải bất cứ tính chân thực nào, tính lịch sử cụ thể nào cũng đều có thể phục vụ cho mục đích này. Sau khi nhắc lại những điều “vô lý” mà Simonov đã chỉ ra, nhà lý luận Tần Triệu Dương bổ sung những ý kiến như sau:

Người ta có thể hỏi, nếu cho rằng trong tính chân thực và tính lịch sử cụ thể của việc miêu tả nghệ thuật không có “tinh thần xã hội chủ nghĩa”, không có tác dụng giáo dục nhân dân, nên nó cần phải “kết hợp” với những cái bên ngoài, vậy “tinh thần xã hội chủ nghĩa” là gì? Nó không tồn tại ở trong tính chân thực của cuộc sống và chân thực của nghệ thuật mà chỉ là một khái niệm trừu tượng ở trong đầu óc nhà văn được đưa vào tác phẩm hay sao? Như vậy, cái được tuyệt đối coi trọng không phải là chân thực khách quan mà là “tinh thần xã hội chủ nghĩa” và nguyện vọng trừu tượng ở trong đầu óc nhà văn mà thôi. Kết quả là có thể làm cho tác phẩm văn học thoát ly chân thực khách quan, thậm chí trở thành cái loa phát ra những khái niệm chính trị.

Cái gọi là “tinh thần xã hội chủ nghĩa” tức một loại khái niệm của chủ quan nhà văn, nó là một phần của thế giới quan nhà văn. Sự tác động của thế giới quan nhà văn đối với sáng tác phải chăng là “nằm ngoài tính chân thực của miêu tả nghệ thuật”? Thế giới quan nói ở đây là thế giới quan Mácxít, nó có tác động hữu cơ, tự nhiên, sinh động ở trong quá trình sáng tác nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa, ở trong quá trình nhận thức cuộc sống, hình thành hình tượng, do đó tác động này biểu hiện trong tính chân thực của nghệ thuật chứ không cần “kết hợp” với cái gì khác ngoài tính chân thực của việc miêu tả nghệ thuật” [11] . Tóm lại, ý kiến của Tần Triệu Dương cũng như của Hồ Phong trước đây đều cho rằng định nghĩa về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa còn nhiều lỗ hổng. Phương pháp sáng tác này có nhiều lý thuyết trói buộc việc “miêu tả chân thật”. Trước ngày đất nước Trung Quốc đổi mới, trong những tác phẩm viết theo phương pháp “hiện thực xã hội chủ nghĩa” tồn tại khá phổ biến căn bệnh công thức, sơ lược, giả tạo. Ngược lại, những tác phẩm nào viết theo phương pháp hiện thực chủ nghĩa không thôi, thì tỏ ra trung thành với hiện thực và phản ánh được chân thực cuộc sống. Nhà nghiên cứu Lý Vận Ðoàn viết: “Chân lý vốn bình dị. ‘Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa’ chồng chất những khái niệm triết học xơ cứng, trống rỗng, cuối cùng cự tuyệt một chân lý bình dị: phản ánh cuộc sống chân thực một cách vô điều kiện” [12] .

Phương pháp “hiện thực xã hội chủ nghĩa” được vận dụng một cách dung tục ở Trung Quốc, gây nhiều khó khăn cho các nhà văn. Ví dụ, một mặt nói phải “thâm nhập cuộc sống”, “trung thành với cuộc sống”, “phản ảnh chân thực cuộc sống”, nhưng có một số nhà văn tuân theo lời khuyên đó thì bị chỉ trích là không điển hình, là không lành mạnh. Nhà văn Khang Trạc trong bài “Lại bàn về chủ nghĩa hiện thực cách mạng” [13] kể về nỗi khổ của mình trước “cách mạng văn hoá”: Năm 1957 bị phê phán vì viết quá thật về “những mặt đen tối”; năm 1958 mù quáng đi tuyên truyền “đại nhảy vọt”, đợi đến sau hội nghị Ðại Liên 1962, phát hiện ra con đường sáng tác của mình đi chệch hướng liền viết một số truyện ngắn nói lên mâu thuẫn trong xã hội. Sau đó ít lâu, bị quy là phần tử “phái hữu”. Nỗi khổ của Khang Trạc là kết quả của lý luận hỗn loạn một thời ở Trung Quốc.

Gần đây giới lý luận phê bình Trung Quốc truy tìm xem “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” đã xuất hiện ở Liên Xô như thế nào. Dựa vào tư liệu trong tạp chí “Những vấn đề văn học” số 2 năm 1989 của Liên Xô cho biết: Cuối tháng 4 (hoặc đầu tháng 5) năm 1932, Stalin từng gặp đồng chí phụ trách tổ chức của Hội nhà văn lúc bấy giờ để bàn về phương pháp sáng tác của văn học Liên Xô. Ðồng chí ở ban tổ chức Hội nhà văn đề nghị gọi phương pháp sáng tác mới của Liên Xô là “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản” hoặc gọi là “chủ nghĩa hiện thực của chủ nghĩa cộng sản”. Stalin nói: Ðồng chí đã tìm được cách giải quyết vấn đề khá chính xác, nhưng biểu đạt còn chưa chuẩn xác. Nếu chúng ta gọi phương pháp sáng tác văn học nghệ thuật của Liên Xô là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thì theo đồng chí thấy thế nào? Ðồng chí phụ trách ban tổ chức của Hội nhà văn Liên Xô hoàn toàn tán thành ý kiến của Stalin và đến ngày 20/5/1932, trong cuộc họp của tiểu ban văn học ở Moskva công khai tuyên bố“Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp cơ bản của văn học Liên Xô”. Ngày 26/10 cùng năm, trong cuộc toạ đàm của các nhà văn Liên Xô, Stalin một lần nữa khẳng định rõ ràng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ đó phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa có chỗ đứng vững chắc không hề bị lung lay. Qua đó, ta rõ người đầu tiên nêu ra “phương pháp cơ bản” cho văn học Liên Xô không phải ai khác mà chính là Stalin. Có nhà lý luận Trung Quốc nêu ra rằng: Là một phương pháp sáng tác, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cần phải có đặc trưng mỹ học. Mặc dù từ năm 1932 đến nay giới lý luận văn học Liên Xô đã viết nhiều về vấn đề này nhưng trước sau vẫn chưa có ai nói được rõ ràng. Người có tư cách nói rõ thực chất của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không ai hơn ngoài Jdanov. Ở Hội nghị đại biểu các nhà văn Liên Xô lần thứ nhất năm 1934, ông nói: Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi nhà văn lấy “cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho sự lựa chọn sáng tác của mình”, “tăng cường vũ khí tư tưởng” của mình để viết ra những “tác phẩm mang tính thời đại”. Có nhà nghiên cứu cho rằng, bài nói chuyện của Jdanov chỉ là cụ thể hoá ý kiến của Stalin mà thôi chứ chưa đề cập đến đặc trưng mỹ học của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ nội dung của bài nói chuyện của Jdanov và mấy bài nói chuyện của Stalin mà xét, thì chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thực ra chỉ là yêu cầu chính trị, quy phạm chính trị đối với sáng tác của văn nghệ sỹ mà thôi chứ không phải là phương pháp sáng tác gì.

Các nhà lý luận Trung Quốc còn đề cập đến M. Gorky - trong một thời gian dài được mệnh danh là người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Gần đây có ý kiến nghi ngờ về điều đó. Lý do chủ yếu là: Trong cuộc toạ đàm của các nhà văn Liên Xô tối ngày 26/10/1932, mặc dù Gorky chủ trì cuộc họp đó, nhưng cả buổi tổi hôm ấy ông không hề nhắc đến khái niệm “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Ðến ngày khai mạc Đại hội các nhà văn Liên Xô lần thứ nhất năm 1934, khi đã chính thức thừa nhận phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa rồi, Gorky mặc dù vẫn là người chủ trì hội nghị, nhưng trong diễn văn khai mạc, bản báo cáo dài và diễn văn bế mạc cùng bài nói chuyện ở cuộc họp toàn thể Ban chấp hành của Hội nhà văn, ông chỉ một hai lần nhắc đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mà hoàn toàn không giải thích đặc điểm của khái niệm, định nghĩa, phương pháp này là gì. Chuyện đó không phải là không có lý do. Ðiều đáng chú ý hơn nữa là, sau Đại hội đại biểu nhà văn được nửa năm, M. Gorky trong lá thư gửi thư ký Ban chấp hành Hội nhà văn I. Sêrpakốp, viết: “Tôi hoài nghi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa – với tư cách là một phương pháp – trước khi hiển thị tính minh xác của nó một cách hoàn toàn tất yếu, chúng ta đã bàn đến sự “thắng lợi” của nó và là sự thắng lợi “huy hoàng”. Qua đó ta thấy được thái độ của Gorky đối với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là như thế nào. Sau khi Gorky mất, tiểu thuyết Người mẹ (1906 – 1907) được giới phê bình nghiên cứu coi là “tác phẩm đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Nhưng nếu đọc một lượng lớn tác phẩm được viết trong 30 năm sau khi hoàn thành Người mẹ của nhà văn, ta thấy không có một tác phẩm nào của ông phù hợp với định nghĩa của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cả. Lẽ nào có thể nói rằng, Gorky thông qua Người mẹ để xác lập chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, rồi sau đó ông lại bỏ phương pháp sáng tác này? Trước sự thực lịch sử văn học đó, khiến luận điểm cho Gorky là “người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” khó mà đứng vững được. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng sự xuất hiện khái niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là có mối liên hệ chặt chẽ với sự sùng bái cá nhân và chính sách văn nghệ “tả” của Liên Xô thời bấy giờ.

Ở Liên Xô, từ thập kỷ 60 trở đi người ta nêu ra chủ trương “đa dạng hoá phương pháp sáng tác” và coi “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một hệ thống mở”, nó tồn tại song song với các loại phương pháp sáng tác khác chứ không còn là “phương pháp sáng tác chủ yếu” nữa. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được coi là hệ thống linh hoạt, đa dạng theo sự phát triển của lịch sử, về mặt lựa chọn đề tài cũng như thủ pháp biểu hiện là rất phong phú không hạn chế. Sự điều chỉnh của Liên Xô về quan hệ giữa chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với các phương pháp khác và thay đổi chủ trương lý luận trong cơ cấu tự thân của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không thể nói là không có liên quan đến cuộc tranh luận giữa giới lý luận Xô viết với lý thuyết “chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến” của R.Garaudy.

Ở Trung Quốc, trong Bài nói chuyện tại toạ đàm văn nghệ Diên An năm 1942, Mao Trạch Ðông là người đầu tiên nêu ra “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” và nó được độc tôn ở trong Ðại hội văn nghệ toàn Trung Quốc lần thứ nhất, năm 1949. Trong thời kỳ “Nhảy vọt”, ông lại nêu ra phương pháp “hai kết hợp”, tức kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực cách mạng và chủ nghĩa lãng mạn. Thực chất của phương pháp “Hai kết hợp” này cũng chủ yếu là tinh thần của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của Liên Xô trước đây mà thôi.

Khi Trung Quốc bước sang thời kỳ đổi mới, do nội hàm của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa còn mơ hồ chưa rõ ràng, do không phù hợp với tình hình sáng tác phong phú, do xưa kia lý giải phương pháp này thiên về cường điệu miêu tả mặt tươi sáng, thiên về ca ngợi là chính mà né tránh mặt đen tối, không cho phép phê phán, nên giờ đây giới lý luận phê bình Trung Quốc không còn nhắc đến phương pháp này nữa. Trong các giáo trình về lý luận văn nghệ của Trung Quốc gần đây khái niệm về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã biến mất. (Xin xem cuốn Giáo trình lý luận văn học in năm 1992, năm 2002 tái bản lần thứ 10, do Ðồng Khánh Bính chủ biên, NXB Giáo dục Cao đẳng ấn hành và cuốn Khái luận văn học in năm 2002, do Dương Xuân Thời, Du Triệu Bình và Hoàng Minh Phấn viết, NXB Văn học Nhân dân ấn hành.)

Ðiều cần nói thêm là song song với việc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, giới lý luận phê bình Trung Quốc cũng nhìn lại nhiều quan điểm cũ kỹ, lỗi thời của mình trước đây về văn học nghệ thuật, trong đó có việc chỉ ra những hạn chế ở Bài nói chuyện tại toạ đàm văn nghệ Diên An của Mao Trạch Ðông [14] .

GS PTS Lê Huy Tiêu



Tài liệu tham khảo:

  • Tạp chí “Tân Hoa văn trích” số 1/2002.
  • Hồng Tử Thành: Trung Quốc đương đại văn học sử NXB Ðại học Bắc Kinh 1999.
  • Lý Vận Ðoàn: Trung Quốc đương đại tiểu thuyết ngũ thập niên NXB Ðại học Ký Nam, Quảng Châu 2000.
  • Tuyển tập Tần Triệu Dương, NXB Nhân dân văn học 1992.
  • Vương Khánh Sinh chủ biên: Trung Quốc đương đại văn học NXB Ðại học sư phạm Hoa Trung 2002.


© 2005 talawas



[1]Khiết Mẫn: Văn học là lĩnh vực chân thực. “Văn học bình luận”, 1/1979
[2] Ba Kim: Tập tìm tòi NXB Văn học nhân dân, 1981, tr. 2
[3]Ðồng Khánh Bính: Ba vấn đề về tính chân thực của văn học. “Báo văn nghệ”, 10/1981
[4]Vương Xuân Nghiêm: Tìm tòi về vấn đề lý luận nhân vật anh hùng, Văn học bình luận, 5/1979
[5]Vương Xuân Nghiêm, bài đã dẫn
[6] Trần Dũng: Tính chân thực và tính khuynh hướng, Nghệ thuật điện ảnh, 10/1980.
[7]Tưởng Khổng Dương: Vấn đề điển hình và sáng tác văn nghệ, Văn nghệ báo, 2/1980.
[8]Hoang Môi: Nghiêm túc tổng kết kinh nghiệm để phát triển sự nghiệp văn học tốt hơn. Ðăng trong cuốn Nhớ lại và tìm tòi, NXB Khoa học xã hội Trung Quốc 1982, trang 168.
[9]“Văn học Thượng Hải” số 1 và số 8 năm 1981
[10]Trình Ðại Hy: Không thể khinh suất phê phán Anghen- cảm tưởng sau khi đọc một bài báo. “Văn học Thượng Hải” số 4 năm 1981
[11]Xem bài: “Chủ nghĩa hiện thực – con đường rộng mở” của Tần Triệu Dương trong cuốn Tần Triệu Dương tuyển tập, NXB Văn học nhân dân 1992, tr. 32-33.
[12]Lý Vận Ðoàn: Năm mươi năm tiểu thuyết đương đại Trung Quốc, NXB Ðại học Ký Nam, Quảng Châu, 2000, tr. 310.
[13]“Văn học bình luận” số 6 năm 1979
[14]Xem những bài: Những vấn đề trên mặt trận tư tưởng hiện nay của Hồ Kiều Mộc đăng trong “Hồng kỳ”, 23/12/1981; Phong phong vũ vũ, thị thị phi phi của Trịnh Bá Nông đăng trong tạp chí “Lý luận và phê bình văn nghệ”, 4/2001