trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
Loạt bài: Các diá»…n từ/diá»…n văn Nobel văn chÆ°Æ¡ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
26.1.2004
Pablo Neruda
Tiến về Thành phố huy hoàng
Diễn từ Nobel văn chương 1971
Nguyễn Khánh Long dịch
 
Diễn văn của tôi sẽ là một hành trình dài, một chuyến đi tôi đã thực hiện qua những vùng xa xôi tận bên kia trái đất, nhưng không vì thế mà không tương tự phong cảnh và sự cô quạnh của đất Scandinavia. Tôi muốn nói đến cung cách xứ sở tôi trải dài xuống miền Viễn Nam. Người Chilê chúng tôi xa vời đến nỗi biên thuỳ chúng tôi gần như kề bên Nam Cực, nào khác địa dư Thuỵ Điển, đầu chạm miền Bắc băng tuỵết của hành tinh này.

Dưới đó, trên những dải đất bao la ấy ở xứ sở quê hương tôi, nơi tôi đã phải đến vì những biến cố ngày nay đã chìm vào quên lãng, người ta phải băng qua, và tôi đã buộc phải băng qua, dãy núi Andes mới tới được biên giới giữa xứ sở tôi và Argentina. Những cánh rừng mênh mông khiến những vùng bất khả thâm nhập ấy như thành một con đường hầm cho cuộc hành trình bí mật và phi pháp của chúng tôi, chỉ tìm ra lối nhờ những dấu hiệu vô cùng mờ nhạt. Chẳng có một vết chân, một lối mòn nào, và tôi cùng bốn người bạn đồng hành, ngồi trên lưng ngựa, dấn bước trên con đường gập ghềnh của chúng tôi, tránh né những chướng ngại do những cây cối khổng lồ, những dòng sông không thể vượt qua, những vách đá ngất trời và những biển tuyết hoang vu, mò mẫm tìm nơi chốn cho tự do của chính tôi. Những người cùng đi với tôi đều biết vạch đường giữa rừng cây rậm rạp, nhưng để yên chí hơn, họ đánh dấu đường bằng cách thỉnh thoảng dùng phảng rạch vào vỏ những cây lớn ấy, lưu lại dấu vết họ sẽ lần theo trở về sau khi để lại tôi một mình với định mệnh của tôi.

Mỗi người chúng tôi vạch đường đi, tâm tư trĩu nặng nỗi cô đơn vô hạn ấy, với sự lặng lẽ hai màu xanh, trắng của các cây và các cây leo khổng lồ cùng những lớp đất nằm xuống qua bao thế kỉ, giữa những thân cây gần gẫy gục bất chợt xuất hiện như thêm những chướng ngại ngăn cản chúng tôi tiến bước. Chúng tôi ở trong một thế giới thiên nhiên choáng ngợp và bí mật, đồng thời lại là một đe doạ rét lạnh, tuyết giá và khủng bố mỗi lúc mỗi tăng cao. Hết thảy hoà nhập thành một: cô đơn, hiểm nguy, lặng lẽ và sự khẩn cấp của nhiệm vụ của tôi.

Có khi chúng tôi đi theo một lối mòn rất mờ nhạt, có lẽ do đám buôn lậu hay những kẻ thường phạm trốn chạy để lại, và chúng tôi không biết nhiều người bọn họ đã bỏ mình hay chăng, khi gặp phải bàn tay băng đá của mùa đông, những trận bão tuyết kinh hoàng thình lình gào thét trên dãy núi Andes và cuốn đi, chôn vùi người lữ khách dưới một khối trắng cao như một toà nhà bảy tầng.

Bên nào con đường mòn tôi cũng nhìn ra được giữa sự cô tịch hoang dã ấy một vài dấu tích cuộc sống con người. Có những cành cây xếp chồng lên nhau vẫn còn lại sau bao mùa đông, do bàn tay thành kính hàng trăm kẻ đã qua đây, những mộ chí thô sơ để tưởng niệm người đã ngã xuống, để người đi qua nghĩ đến những kẻ đã không còn sức chống chọi, đã mãi mãi nằm lại đấy dưới tuyết giá. Những người bạn của tôi cũng thế, lấy phảng chặt vài cành xào xạc trên đầu chúng tôi và rủ xuống từ những cây vĩ đại kia, từ những cây sồi mà những chiếc lá cuối cùng đang lả tả rụng trước những trận bão đông. Và cả tôi cũng đặt lễ tại mỗi nấm đất, một danh thiếp bằng gỗ, một cành lấy của rừng đem đắp lên mồ những lữ khách vô danh.

Chúng tôi phải băng qua một dòng sông. Tuốt trên những đỉnh dãy núi Andes, nhiều nguồn nước nhỏ cuồng bạo đổ xuống, thành những thác xoáy lộn đất, đá với sự hung hãn chúng mang theo từ chốn cao. Nhưng lần này chúng tôi gặp nước lặng, một dải nước rộng như một tấm gương có thể lội qua. Đàn ngựa ào xuống, hụt chân và bắt đầu bơi sang bờ bên kia. Chẳng bao lâu con ngựa tôi cưỡi gần như chìm hẳn dưới nước, tôi bắt đầu nhồi lên tụt xuống không một chỗ tựa, hai chân đạp vô vọng trong khi con ngựa cố giữ đầu nổi trên mặt nước. Rồi chúng tôi qua được. Chúng tôi vừa đặt chân lên bờ thì mấy người nông dân dày dạn đi với tôi cố giấu nụ cười mà hỏi tôi:

"Lúc nãy ông có sợ không?"
"Sợ lắm chứ. Tôi tưởng chết đến nơi rồi," tôi nói.
"Bọn tôi theo sau cầm sẵn dây thòng lọng đấy," họ trả lời.
"Ngay chỗ kia kìa," một người thêm, "cha tôi ngã và bị nước cuốn đi. Ông thế là thoát đấy."

Chúng tôi đi tiếp cho đến khi tới một đường hầm thiên nhiên giữa những tảng đá uy nghi có lẽ tạo nên do một dòng sông hùng vĩ nào đó đã mất tích hay do trái đất rung động khi những non cao kia hình thành, một lòng sông chúng tôi đi vào nơi nó được tạc nên trong lớp đá hoa cương. Mới được vài bước đàn ngựa bắt đầu trượt khi chân chúng cố bám vào mặt đá nhấp nhô, chân chúng cong vòng và những tia lửa bắn ra dưới những móng bịt sắt của chúng - nhiều lần tôi đã tưởng mình sắp văng ra nằm sóng sượt trên đá. Mõm và chân con ngựa của tôi rướm máu, nhưng chúng tôi kiên trì đi tới trên con đường mòn dài dặc, khó khăn mà nguy nga.

Có một cái gì chờ đợi chúng tôi giữa cánh rừng nguyên sinh hoang dã đó. Thình lình, như thể trong một cảnh mộng lạ thường, chúng tôi tới một đồng cỏ nhỏ tuyệt đẹp nổi lên giữa những tảng đá : nước trong, cỏ xanh, hoa dại, tiếng róc rách những dòng suối và bầu trời xanh trên cao, một nguồn sáng chan hoà không gợn một lá cây.

Chúng tôi dừng lại đấy như thể trong một vòng tròn màu nhiệm, như thể là những người khách tại một cõi thiêng, và cuộc lễ bấy giờ tôi tham dự lại còn mang vẻ một điều gì thiêng liêng hơn nữa. Mấy người chăn bò nhảy xuống ngựa. Giữa không gian ấy, dựng lên như thể trong một nghi lễ, là đầu lâu một con bò. Họ lần lượt lặng lẽ tới gần và đặt tiền với thức ăn vào trong hai hốc mắt cái đầu lâu. Tôi theo họ gia nhập lễ tế dành cho những lữ khách lạc loài, đủ thứ người tị nạn sẽ tìm thấy thực phẩm và cứu trợ trong hai hốc mắt con bò chết.

Nhưng cuộc lễ không thể quên ấy không chấm dứt ở đấy. Những người bạn đồng huơng của tôi bỏ mũ xuống và bắt đầu một điệu vũ lạ kì, nhảy lò cò chung quanh cái đầu lâu bỏ phế, di chuyển trong vòng tròn những dấu chân bao nhiêu người khác đã đi qua trước họ để lại. Tôi mơ hồ hiểu ra, nơi ấy bên mấy người bạn đồng hành bí hiểm của tôi, rằng có một thứ dây liên kết giữa những người vô danh, một quan tâm, một mời gọi và một đáp ứng dẫu trong cõi cô đơn biệt lập và xa cách nhất của thế gian này.

Tiếp tục lên đường, ngay trước khi tới biên giới sẽ ngăn cách tôi với quê hương tôi trong nhiều năm, chúng tôi đến lúc đêm ngọn đèo cuối cùng giữa núi non. Thình lình chúng tôi thấy ánh một ngọn lửa như một dấu hiệu chắc chắn có người, và khi lại gần chúng tôi nhận ra vài căn nhà đổ nát, những túp nhà lụp xụp tồi tàn dường như bị bỏ phế. Chúng tôi đi vào một túp nhà ấy và thấy ánh lửa từ những thân cây đốt giữa sàn, xác những cây khổng lồ ngày đêm cháy ở đấy và toả khói cuồn cuộn qua những kẽ nứt trên mái, bốc lên như một tấm màn xanh thẳm giữa đêm đen. Chúng tôi nhìn ra hàng núi phô-mai chồng chất, sản phẩm của người dân vùng cao này. Gần ngọn lửa, một số người nằm sát bên nhau như những cái bao tải. Trong yên lặng chúng tôi nghe ra được những tiếng đàn và lời một bài ca, bắt nguồn từ than hồng và đêm tối, và chuyên chở tiếng người đầu tiên cho chúng tôi trong suốt chuyến đi. Đó là một bài ca thương yêu và cách trở, một tiếng kêu thương yêu và mong ngóng mùa xuân xa cách, những thành phố chúng tôi đã xa vời, cụôc sống trong hết vô hạn. Những người này không biết chúng tôi là ai, họ không biết gì về trường hợp trốn chạy của chúng tôi, họ chưa từng nghe nói đến tên tôi hay thơ của tôi; hay là có lẽ họ biết cả, có lẽ họ biết chúng tôi ? Chỉ biết là bên ngọn lửa ấy chúng tôi ca hát và ăn uống, và rồi trong bóng tối chúng tôi vào mấy gian phòng thô sơ. Qua đó luân lưu một dòng suối nóng, nước hoả diệm sơn tắm gội chúng tôi, sức nóng tuôn ra từ dải núi và đón nhận chúng tôi vào lòng.

Chúng tôi vui sướng vẫy vùng, gỡ mình, đúng thế, giải thoát mình khỏi sức nặng chuyến đi dài trên lưng ngựa. Chúng tôi cảm thấy tươi tỉnh, sống lại, được rửa tội, khi vào lúc rạng đông chúng tôi lên đường đi nốt vài dặm sẽ che khuất tôi với quê hương tôi. Chúng tôi cho ngựa ra đi, hát vang, căng đầy một không khí mới, với một sức mạnh xô chúng tôi ra con đường thênh thang của thế giới đang chờ đợi tôi. Điều tôi nhớ rất rõ, đó là khi chúng tôi muốn đưa những người sơn lâm kia ít tiền hầu tạ ơn những bài ca của họ, bữa ăn, nước nóng, chỗ trú và chỗ ngủ, tôi nghĩ đúng ra phải nói tạ ơn chốn nương náu thiên đàng bất ngờ đã đến với chúng tôi trong cuộc hành trình của chúng tôi, họ đã tức khắc khước từ. Họ đã giúp chúng tôi, có thế thôi. Trong cái "có thế thôi" lầm lì ấy có những điều thầm kín ai cũng hiểu, có lẽ là sự nhìn nhận, có lẽ là cũng cùng những giấc mơ.


Kính thưa quý vị,

Tôi không từng học ở sách vở cách làm thơ, và đến lượt tôi, tôi sẽ tránh đưa ra bất cứ lời khuyên nào về điệu thức hay về phong cách lại có thể giúp cho các nhà thơ mới có được dù chỉ một chút nào cái ta vẫn cho là cảm thức. Khi tôi kể lại trong diễn văn này vài chuyện đã qua, khi sống lại nhân dịp này một sự cố không bao giờ quên, tại nơi ấy bây giờ rất khác khi xưa, đó là vì suốt đời tôi tôi vẫn luôn luôn tìm được ở đâu đó sự nương tựa cần thiết, cái công thức vẫn chờ đợi tôi không phải để thành cứng nhắc trong những lời tôi viết nhưng để phân giải tôi cho chính tôi.

Trong chuyến đi dài ấy tôi đã tìm ra những thành tố cần thiết để làm thơ. Ở đấy tôi đã nhận được những đóng góp của đất, của hồn. Và tôi tin rằng thơ là một hành động, dù phù du hay trang trọng, bao gồm không kém gì nhau cô độc và liên đới, cảm xúc và hành động, gần gũi chính mình, gần gũi loài người và những biểu hiện bí ẩn của tạo vật. Và tôi cũng tin chắc không kém rằng tất cả những điều ấy - con người và cái bóng của mình, con người và tác phong của mình, con người và thơ ca của mình - đều được duy trì bởi một ý thức mỗi lúc mỗi rộng lớn về cộng đồng, bởi một nỗ lực sẽ mãi mãi kết hợp trong chúng ta thực tại với những giấc mơ, vì chính bằng cách ấy mà thơ thống nhất và hoà hợp thực tại với những giấc mơ. Và do đó tôi nói rằng, sau đã bao nhiêu năm, tôi vẫn không biết có phải những bài học tôi học được khi băng qua một dòng sông hãi hùng, khi nhảy múa chung quanh đầu lâu con bò, khi trầm mình trong làn nước thanh tẩy của những đỉnh cao chót vót, tôi vẫn không biết có phải những bài học ấy tuôn lên từ tôi để chia sẻ với nhiều người khác hay đó hoàn toàn là một thông điệp những người khác gửi cho tôi như một kêu cầu hay một buộc tội. Tôi không biết tôi trải nghiệm điều ấy hay tạo ra nó, tôi không biết đó là thực hay là thơ, một cái gì thoáng qua hay là thường hằng, những bài thơ tôi trải nghiệm vào giờ phút ấy, những trải nghiệm sau đó tôi đặt thành thơ.

Từ tất cả những điều ấy, hỡi các bạn, nổi lên một cảm thức mà nhà thơ phải học qua tha nhân. Không có cô độc nào không thể vượt qua. Mọi con đường đều dẫn tới cùng một mục đích : truyền đạt cho người khác chúng ta là gì. Và chúng ta phải trải qua cô độc và khó khăn, biệt lập và câm nín hầu đến được vùng đất thần tiên nơi chúng ta có thể nhảy múa điệu vũ vụng về của chúng ta và hát lên bài ca bi ai của chúng ta - nhưng trong điệu vũ đó hay trong bài ca đó là đủ hết những nghi thức xa xưa nhất của ý thức chúng ta tự giác là con người và tin vào một định mệnh chung.

Sự thực là dẫu nếu có vài hay nhiều người coi tôi là một kẻ bè phái, không được phép ngồi chung bàn bằng hữu và trách nhiệm, tôi cũng không mong tự bào chữa, vì tôi tin rằng cả buộc tội cũng như bào chữa đều không nằm trong các nhiệm vụ của nhà thơ. Khi tất cả nói lên rồi, thì không riêng một nhà thơ nào quản trị thơ, và nếu một nhà thơ đứng ra buộc tội đồng hội của mình hay nếu một nhà thơ khác phí cả đời mình tự bào chữa trước những cáo buộc hữu lí hay phi lí, tôi tin rằng chỉ có kiêu căng mới khiến chúng ta lầm lạc đến thế. Tôi cho rằng kẻ thù của thơ không phải trong số những người làm thơ hay giữ gìn thơ, nhưng hoàn toàn trong sự thiếu vắng hoà hợp nơi nhà thơ. Do lẽ đó, không nhà thơ nào có kẻ thù đáng kể hơn sự bất tài của chính mình, khiến mình không được hiểu bởi những người đương thời bị quên lãng và bị bóc lột nhất, và điều này đúng dù ở thời nào, ở đất nước nào.

Nhà thơ không phải là một "ông thần con". Không, ông không phải là một "ông thần con". Không phải một định mệnh huyền bí nào đã tuyển lựa ông thay vì những người theo đuổi những thủ công và ngành nghề khác. Tôi vẫn thường khẳng định rằng nhà thơ hay nhất là người làm ra bánh mì hàng ngày của chúng ta: người nướng bánh mì ngay gần ta mà chẳng hề tưởng mình là một ông thần. Ông làm công việc vương giả mà chẳng kiêu căng nhào bột, bỏ vào lò, nướng chín vàng và trao cho chúng ta ổ bánh hàng ngày của chúng ta như một bổn phận người đồng hội. Và, nếu nhà thơ đạt được ý thức đơn giản ấy, điều ấy cũng sẽ hoá thành một yếu tố trong một hoạt động vô bờ, trong một cấu trúc đơn giản hay phức tạp tạo nên sự xây dựng một cộng đồng, sự thay đổi những điều kiện vây phủ loài người, sự chuyển giao những sản phẩm của loài người: bánh mì, sự thực, rượu, những giấc mơ. Nếu nhà thơ gia nhập cuộc tranh đấu không bao giờ dứt ấy để đưa đến tận tay mỗi người và mọi người phần việc của mình, nỗ lực của mình và lòng thương mến của mình với công việc thường ngày của hết thảy mọi người, thì nhà thơ phải dự phần, nhà thơ sẽ dự phần, vào mồ hôi, vào bánh mì, vào rượu, vào hết cả giấc mơ của nhân loại. Chỉ bằng cái cách thiết yếu giữ mình là những kẻ bình thường ấy mà chúng ta sẽ trả lại cho thơ hơi thở hùng tráng vẫn mỗi thời bị dần dà tước mất, hệt như chính chúng ta mỗi thời lại bị thu rút lại.

Những lầm lẫn từng dẫn tôi đến một sự thực tương đối và những sự thực luôn luôn đưa tôi trở lại những lầm lẫn đã không cho phép tôi - và tôi chưa bao giờ tự nhận như thế - tìm ra con đường của tôi để dẫn dắt, để học hỏi điều vẫn được gọi là tiến trình sáng tạo, để tới được những đỉnh cao văn học vô cùng khó đạt. Nhưng có một điều tôi nhận ra, đó là chính chúng ta gọi lên các hồn ma do chính chúng ta tạo ra huyền thoại. Từ chất liệu chúng ta sử dụng, hay mong muốn sử dụng, rồi sẽ nổi lên các chướng ngại cho sự phát triển của chính chúng ta và sự phát triển mai sau. Chúng ta tất phải đến với thực tại và chủ nghĩa hiện thực, nghĩa là trở nên gián tiếp ý thức về hết những gì vây phủ chúng ta cùng những cách thay đổi, và rồi chúng ta thấy rằng, khi dường như đã muộn, chúng ta đã dựng lên một rào cản cường điệu đến mức chúng ta giết chết những gì sống thay vì giúp sự sống triển khai và đơm hoa. Chúng ta tự trói buộc mình với một chủ nghĩa hiện thực về sau tỏ ra nặng nề hơn cả những viên gạch của toà nhà, mà chưa dựng được toà nhà chúng ta từng coi là một phần thiết yếu của công việc chúng ta. Và, trong trường hợp ngược lại, nếu chúng ta thành công đưa lên ngai thờ cái không thể hiểu (hay cái chỉ một ít người hiểu được), cái dành riêng và cái bí mật, nếu chúng ta loại trừ thực tại cùng những thoái hoá thực tế của nó, thì chúng ta đột nhiên thấy mình bị vây phủ bởi một xứ sở tuyệt vọng, một bãi lầy những lá, những bùn, những mây, ở đấy chân chúng ta lún sâu và chúng ta ngạt thở vì không thể truyền thông.

Riêng về phần chúng tôi, những nhà văn ở vùng châu Mĩ mù xa kia, chúng tôi không ngừng lắng nghe tiếng gọi lấp đầy khoảng trống mênh mông ấy bằng những sinh vật bằng máu bằng thịt. Chúng tôi ý thức nghĩa vụ kẻ đáp ứng của chúng tôi - đồng thời chúng tôi phải đối đầu với nhiệm vụ truyền thông phê phán không thể tránh bên trong một thế giới trống rỗng nhưng lại vẫn đầy rẫy bất công, trừng phạt và đau khổ vì nó trống rỗng - và chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm đánh thức dậy những giấc mơ xưa ngủ yên trong các tượng đá ở các di tích cổ hoang phế, trong cõi thinh không bao la các cánh đồng trên trái đất, trong các cánh rừng nguyên sinh dày đặc, trong những dòng sông thét gào như sấm sét. Chúng tôi phải, bằng ngôn từ, lấp đầy những nơi chốn xa xăm nhất của môt lục địa câm lặng và chúng tôi say sưa với nhiệm vụ dựng truyền thuyết và đặt danh hiệu. Có lẽ đấy là điều quyết định trong trường hợp nhỏ nhoi của tôi, và nếu thế những cường điệu hay sự tràn đầy hay tu từ của tôi sẽ chẳng là gì khác hơn là những sự cố đơn giản nhất trong công việc thường ngày của một người châu Mĩ. Mỗi và mọi câu thơ của tôi đều đã chọn hiện diện như một vật thể hữu hình, mỗi và mọi bài thơ của tôi đều tự nhận là một khí cụ lao động hữu dụng, mỗi và mọi bài ca của tôi đều nỗ lực thành một dấu hiệu trong không gian chỉ nơi gặp gỡ những nẻo đường đan cắt nhau, hay một mảnh đá, một mảnh gỗ mà một ai đó, vài người nào đó, những người sẽ tiếp nối, có thể khắc lên những dấu hiệu mới.

Bằng cách nới rộng nghĩa vụ nhà thơ đến những hậu quả cùng cực ấy, dẫu đúng hay sai, tôi đã xác định rằng thái độ của tôi trong cộng đồng và trước cuộc sống sẽ là, một cách khiêm cung, đứng về phía nào. Tôi quyết định như thế khi chứng kiến biết bao bất hạnh đáng kính, chiến thắng đơn độc, thất bại huy hoàng. Giữa đấu trường những cuộc đấu tranh của châu Mĩ tôi thấy rằng nhiệm vụ làm người của tôi không là gì khác hơn là hoà nhập với những sức mạnh lớn rộng của những tổ chức quần chúng, hoà nhập với cuộc sống và tâm hồn, với đau khổ và hi vọng, vì chỉ từ nguồn nhân dân vĩ đại ấy những đổi thay cần thiết mới trỗi lên cho các tác giả và các dân tộc. Và dẫu thái độ của tôi đã và vẫn gây nên những bài bác cay chua hay thân hữu, sự thực là tôi không tìm được một con đường nào khác cho một tác giả ở những đất nước xa mù và tàn nhẫn của chúng tôi, nếu chúng tôi muốn bóng tối nở hoa, nếu chúng tôi ưu tư mong hàng triệu người chưa hề được học đọc cả văn thơ chúng tôi hay bất cứ gì khác, vẫn chưa biết viết hoặc viết cho chúng tôi, mong họ được an nhiên trong cõi phẩm giá, nếu không họ sẽ chẳng thể là những con người trọn vẹn.

Chúng tôi đã thừa hưởng cuộc sống tổn thương ấy của những dân tộc kéo lê gánh nặng hình phạt hàng bao thế kỉ, những dân tộc thiên đàng nhất, thuần khiết nhất, những dân tộc, bằng đá và kim khí, đã dựng nên những toà tháp tuyệt vời, những châu ngọc sáng ngời - những dân tộc thình lình bị tước đoạt và phải câm nín vào những thời thực dân hãi hùng hiện vẫn còn lưu cữu.

Những vì sao chỉ đường độc đáo của chúng tôi là đấu tranh và hi vọng. Nhưng không có đấu tranh nào đơn độc, không có hi vọng nào đơn độc. Nơi mỗi con người đều kết hợp những thời đại xa vời nhất, sự thụ động, những lỗi lầm, đau khổ, những thúc bách của chính thời chúng ta, bước đi của lịch sử. Nhưng tôi sẽ ra sao nếu, tỉ dụ, bằng cách nào đó tôi đã góp phần dung dưỡng quá khứ phong kiến của lục địa châu Mĩ vĩ đại ? Làm sao tôi có thể nhướng mày, chói ngời với danh dự Thuỵ Điển trao tặng cho tôi, nếu tôi không cảm thấy được ít nhiều tự hào đã dự phần, dẫu nhỏ nhoi, vào sự thay đổi giờ đây đã đến với đất nước tôi ? Phải nhìn vào bản đồ châu Mĩ, tự đặt mình trước sự đa dạng huy hoàng của nó, trước sự hào hiệp vũ trụ dành cho những nơi chốn bao la quanh chúng tôi, mới hiểu được vì sao rất nhiều nhà văn khước từ chia sẻ nhục nhã và cướp bóc của quá khứ, của hết thảy những gì các thần linh tối tăm đã đoạt mất của các dân tộc châu Mĩ.

Tôi đã chọn con đường khó khăn phân chia trách nhiệm, và, thay vì lập lại sự tôn thờ cá nhân như là mặt trời và trung tâm của vũ trụ, tôi đã chọn, rất khiêm nhường, phục vụ một đoàn quân đáng kính dẫu đôi khi phạm những lỗi lầm nhưng không ngừng tiến lên và ngày ngày đấu tranh chống sự lỗi thời của kẻ ngoan cố và sự nóng lòng của kẻ bướng bỉnh. Vì tôi tin rằng các nghĩa vụ nhà thơ của tôi bao hàm tình thân không những với bông hồng và với sự đối xứng, với tình yêu tôn vinh và khát khao bất tận, nhưng còn với những công việc gian khổ của con người mà tôi đã đem vào trong thơ của tôi.

Hôm nay cách đây đúng một trăm năm là ngày một nhà thơ tuyệt diệu và bất hạnh, nguời kinh hoàng nhất trong tất cả các tâm hồn tuyệt vọng, hạ bút viết lời tiên tri này: "A l'aurore, armés d'une ardente patience, nous entrerons aux splendides Villes." "Lúc rạng đông, võ trang bằng nhẫn nại bừng bừng, chúng ta tiến vào các Thành phố huy hoàng."

Tôi tin vào lời tiên tri ấy của Rimbaud, Người Thiên Cảm. Tôi đến từ một vùng tối tăm, từ một đất ngăn cách với hết thảy các đất khác do những đường nét địa dư dốc đứng của nó. Tôi đã là nhà thơ cô đơn nhất và thơ tôi thì quê kệch, ngột ngạt và u ám. Nhưng bao giờ tôi cũng đặt lòng tin nơi con người. Tôi chưa từng mất hi vọng. Có lẽ chính vì thế tôi đã tới được như hiện tại với thơ của tôi và cả với ngọn cờ của tôi.

Cuối cùng, tôi xin được nói với những người thiện tâm, với những người lao động, với các nhà thơ, rằng tất cả tương lai đã được diễn đạt trong câu thơ ấy của Rimbaud: chỉ bằng nhẫn nại bừng bừng chúng ta mới có thể chinh phục Thành phố huy hoàng sẽ đem lại ánh sáng, công lí và phẩm giá cho toàn thể loài người.

Như thế bài ca hát lên sẽ không phải là vô vọng.

© 2004 talawas