trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
3.3.2005
Trần Trung Đạo
Ông Thiện, ông Ác
 
Hai bên chánh điện của các chùa Phật Giáo thường có thờ ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện là ngài Hộ Pháp và Ông Ác là ngài Tiêu Diện Đại Sỹ. Những ngày thơ ấu, khi còn ở chùa Viên Giác, những đêm nóng nực tôi thường ôm chiếu ra ngoài hiên chùa nằm ngủ. Có khi ngủ dưới chân ngài Hộ Pháp nhưng cũng có khi nằm dưới chân ngài Tiêu Diện. Nhiều đêm bị đánh thức bởi tiếng lá đa xào xạc, tôi ngước nhìn lên bàn thờ và bắt gặp đôi mắt của ngài Tiêu Diện Đại Sỹ đang trừng trừng nhìn xuống. Dù chẳng can tội gì, tay chân cũng cảm thấy run run. Khuôn mặt của ngài hung dữ quá, nhất là hai hàng lông mày xếch đến tận mang tai và chiếc lưỡi như có thể giãn dài tới tận chỗ tôi nằm.

Mỗi khi nhìn tượng ngài Tiêu Diện, tôi tự hỏi tại sao nơi cửa thiền từ bi thanh tịnh lại thờ một vị có khuôn mặc hung dữ lúc nào cũng sẵn sàng gây hấn như thế. Tôi đem thắc mắc bạch với thầy trụ trì. Thầy bảo Phật Giáo Bắc Tông ngoài Phật Thích Ca Mâu Ni, còn thờ rất nhiều hình tượng của chư Phật và Bồ Tát. Mỗi vị tùy theo hạnh nguyện cứu người và cũng phát xuất từ căn cơ và hoàn cảnh của chúng sinh mà hóa thân trong một ngoại hình thích hợp. Ngài Tiêu Diện hàng phục ma vương, ác quỷ và hướng dẫn chúng đến nghe pháp mỗi ngày, trong lúc ngài hộ pháp lãnh đạo những người lương thiện. Và cũng để tôi khỏi bị chấp vào hình tướng khi hành xử ngoài xã hội, thầy dặn dò, Phật tính có trong mọi người, dù người thiện hay người ác.

Lớn lên bước vào đời, tôi gặp rất nhiều ông Thiện và ông Ác. Tuy nhiên khác với trong chùa, ngoài xã hội, ông Thiện và ông Ác trong nhiều trường hợp chỉ là một ông.

Gần 30 năm trước, sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975, tôi đến viếng thăm bác Lê Đình Duyên. Bác không phải là họ hàng ruột thịt của tôi nhưng là cha của người bạn thân và là nhà yêu nước lớn mà tôi luôn kính trọng. Căn nhà có giàn hoa giấy đỏ trên đường Cống Quỳnh là nơi tôi thường đến. Bác rất nghiêm nghị nhưng không coi chúng tôi như con nít. Có việc gì cần chúng tôi đều thỉnh ý bác và luôn được bác ân cần chỉ bảo. Hôm đó, khi tôi đến thăm cũng là lúc chiếc xe Command car màu xanh lá cây của Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định vừa rời khỏi nhà bác Duyên. Hỏi ra tôi biết đó là xe đưa bác Duyên từ Phủ Tổng thống về. Bác Duyên là Dân biểu Quốc hội Đệ nhị Cộng hòa ở miền Nam, đảng viên cao cấp của một hệ phái Việt Nam Quốc dân Đảng miền Trung và là một trong 16 viên chức của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có mặt tại Dinh Độc Lập trong buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Khi hỏi thăm bác về thái độ và cách đối xử của chính quyền mới đối vớc các bác, tôi được biết chính quyền cách mạng tỏ ra rất tử tế. Trước khi được đưa ra xe, tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định, đích thân đến thăm và trấn an các nhà chính trị miền Nam. Trong buổi tiếp xúc, tướng Trần Văn Trà nói với bác: "Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn tất. Giữa chúng tôi và các anh không có người thắng hay kẻ bại. Trong cuộc chiến đấu thần thánh này, nhân dân Việt Nam chính là người chiến thắng và chỉ đế quốc Mỹ mới thật sự là kẻ bại trận mà thôi. Chính sách bảy và mười điểm của Ủy ban Quân quản phản ánh tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và là cơ hội để nhân dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo, quá khứ, quan điểm chính trị cùng bắt tay nhau xây dựng và đưa đất nước ra khỏi vùng nghèo nàn lạc hậu". Nghe tướng Trà nói, những bác trước đó vài giờ đã nghĩ đến bản án tử hình có thể đang chờ đợi họ, chắc thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Trước khi rời Dinh Độc lập, các bác còn được phóng viên cách mạng cho phép họ chụp với nhau một tấm hình kỷ niệm.

Bác Duyên không trả lời câu hỏi của tôi làm thế nào các bác có thể tin được những điều ông Trần Văn Trà nói là thành thật, thay vì, chỉ nói như an ủi chính mình: "Chiến tranh đã gây ra quá nhiều tổn thất đau thương cho dân tộc." Nói xong bác đứng dậy khoác chiếc áo tràng màu xám vẫn thường treo trên vách và thắp một nén hương trên bàn thờ ông bà. Thân phụ của bác là bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, một cư sĩ Phật giáo nổi tiếng, một học giả uyên thâm cả Nho học lẫn Tây học và giống như bào huynh Lê Đình Dương của ông, cả hai là những nhà cách mạng đã có những đóng góp lớn trong chiến tranh chống Pháp. Bác sĩ Lê Đình Thám ở lại miền Bắc sau Hiệp định Genève. Ngày bác sĩ Lê Đình Thám qua đời, báo Le Monde đăng tin và dành trọn một trang để đăng tấm hình màu của ông. Trang báo đó được bác Duyên chụp lại và treo trang trọng trong phòng khách.

Lời nói của tướng Trần Văn Trà, nếu thành thật, đã đáp ứng sự chờ đợi gần như mỏi mòn của cả dân tộc. Những ai quan tâm đến tương lai đất nước phải công nhận rằng trong giai đoạn lịch sử mới và đầy thử thách đó, những câu hỏi ai thắng, ai bại, ai đúng, ai sai, ai Quốc gia, ai Cộng sản không còn cần thiết hay ít ra không quan trọng bằng mối lo đất nước rồi sẽ đi về đâu khi ngọn lửa chiến tranh vừa tàn lụi. Trong lòng mỗi người Việt Nam còn sống sót không có mơ ước nào khác hơn là được thấy một Việt Nam hòa bình, no ấm, được nhìn quê hương Việt Nam như là căn nhà chung của người Việt, dù một thời vì định mệnh lịch sử đầy khắc nghiệt, đã phải đứng bên này hay bên kia chiến tuyến.

Với kiến thức chính trị rộng rãi của một nhà hoạt động cách mạng, hơn ai hết bác Lê Đình Duyên biết rằng vào thời điểm bác đang ngồi đối diện với tướng Trần Văn Trà, hàng ngàn đảng viên Quốc dân Đảng Trung Quốc bị bắt từ năm 1949 vẫn đang đếm ngày tàn của đời họ trong nhà tù Trung Cộng. Với kinh nghiệm dạn dày về chính trị, hơn ai hết bác Lê Đình Duyên biết rằng, người đang nói chuyện với bác không phải là một bậc chân tu mà là Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Thế nhưng, bác Duyên còn một hy vọng, một chỗ dựa cuối cùng, dù sao họ cũng là người Việt Nam. Lần cuối dân tộc Việt Nam có một ngày tạm gọi thanh bình đã hơn một thế kỷ. Thật quá xa và quá dài cho mọi cuộc đợi chờ nhưng cũng không đến nổi quá trễ để xây dựng lại đất nước vì con cháu mai sau.

Những ai quan tâm đến hướng đi của đất nước cũng mong rằng những thảm cảnh lưu đày trong vùng băng tuyết Siberia, cảnh đàn áp đẫm máu trong mùa thu Hungary, mùa xuân Tiệp Khắc v.v. chỉ là những chuyện nước ngoài. Dân tộc Việt Nam là dân tộc duy nhất trên thế giới gọi nhau bằng hai chữ đồng bào thân thương, trìu mến. "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ", "một giọt máu đào hơn ao nước lã" là những câu châm ngôn đượm tình dân tộc mà người Việt Nam nào cũng thuộc lòng từ khi biết tự ôm cặp đến trường. Vở bi kịch Việt Nam đã chấm dứt, màn sân khấu đã hạ xuống, khán giả đã ra về, đạo diễn đã bỏ đi và diễn viên cũng đã lau xong son phấn một thời đã làm anh em nhìn nhau bằng ánh mắt hận thù xa lạ. Cuối cùng, không ai thương dân tộc Việt Nam bằng chính người Việt Nam, bởi vì bên trong những vòng hoa chiến thắng, mặt trái của những tấm huân chương bằng đồng kia là máu thịt của hàng triệu người Việt Nam đổ xuống, là đói nghèo lạc hậu. Nhân dân Việt Nam sẽ vịn vai nhau đứng dậy và vươn lên bằng sức mạnh tổng hợp của chính mình. Ai mà chẳng mong như thế nhỉ.

Tiếc thay, chỉ một thời gian ngắn sau, chính bàn tay trước đó không lâu vỗ vai an ủi các nhà chính trị miền Nam, chính từ cửa miệng từng phát ra những lời đượm tình anh em ruột thịt, tướng Trần Văn Trà đã ra lịnh sĩ quan và công nhân viên chức miền Nam tập trung học tập. Trong quán nước nhỏ trước trường Nữ Trung học Trưng Vương trong một buổi sáng tháng Năm, tôi theo người bạn đến tiễn bác Duyên lên đường. Và kết quả là những năm dài lao lung, đói khát, bịnh tật trong các trại tập trung rải rác khắp ba miền. Tấm hình bác Duyên chụp chung với 15 viên chức Việt Nam Cộng Hòa khác ở Dinh Độc Lập được đem trưng bày trong phòng triển lãm gọi là "Tội ác Mỹ ngụy" trên đường Trần Quý Cáp, Sài Gòn. Sau gần mười năm tù, bác Lê Đình Duyên trở về trong một thân thể đầy bịnh hoạn. Bác được sang Mỹ đoàn tụ với gia đình theo diện HO. Không lâu sau đó bác qua đời mang theo niềm u uất của một người Việt yêu nước với giấc mơ Việt Nam hòa bình, tự do, dân chủ và nhân bản vẫn chưa thành sự thật.
Câu chuyện tôi học từ bác Duyên tưởng như đã đi vào dĩ vãng. Các thế hệ trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên giữa một đất nước vẫn còn nhiều trăn trở, vẫn đang đi tìm một lối thoát ra khỏi nghèo nàn lạc hậu và vẫn bị lãnh đạo bởi những người mang não trạng chiến tranh.
Tôi thường nghe các nhà lãnh đạo Việt Nam khoe khoang Việt Nam ngày nay không còn đói nghèo như 30 năm trước, người dân Việt Nam ngày nay đa số có nhà để ở không phải còn lay lất bụi bờ. Vâng, trong một mức độ nào đó, những thành quả vừa nêu là những điều đáng khích lệ. Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu, chúng ta không thể đơn giản so sánh với chính mình vào 30 năm trước, không thể chỉ cần thoát ra khỏi tình trạng thiếu thốn thời chiến tranh, không thể so sánh Việt Nam ngày nay với Việt Nam khi còn chia đôi đất nước. Không. Chúng ta phải so sánh Việt Nam với Singapore, với Đài Loan, với Nam Hàn, với Thái Lan, với Trung Quốc. Chúng ta phải chạy đua với thời đại chứ không phải chạy đua với chiếc bóng của chính mình.

Ba mươi năm sau, tôi tình cờ đọc trên báo Thanh Niên, trong buổi gặp mặt Việt kiều nhân dịp năm mới Ất Dậu, tổ chức tối 30 tháng Giêng tại Sài Gòn, ông Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu gần như nguyên văn lời phát biểu của ông chủ tịch Ủy ban Quân quản Trần Văn Trà 30 năm trước: "Đồng bào ta, không phân biệt trong hay ngoài nước, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, hãy đồng tâm hiệp lực, đóng góp công sức vào trận chiến mới đưa đất nước ta ra khỏi nỗi nhục đói nghèo và lạc hậu, tiến tới xây dựng một đất nước giàu mạnh, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Một nhân tố bất biến làm nên những thắng lợi của dân tộc ta là khối đại đoàn kết dân tộc. Bà con, dù có ra nước ngoài sinh sống vì bất cứ lý do gì thì vẫn là máu của người Việt Nam, thịt của người Việt Nam."

Ôi, "máu của người Việt Nam, thịt của người Việt Nam", "không phân biệt trong hay ngoài nước", "không phân biệt chính kiến", những cụm từ tuyệt vời và cảm động biết bao. Ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ của thi ca, tượng hình và vô cùng gợi cảm. Những em bé Việt Nam sinh ra trên chiến hạm, sinh ra trong trại tị nạn, sinh ra dưới cánh phi cơ, sinh ra trên đường tháo chạy, lần đầu tiên nghe được những lời chia sẻ của ông thủ tướng chắc phải rơi nước mắt.

Thế nhưng, ngay trong thời điểm ông Thủ tướng nói những lời dường như phát xuất từ trái tim chân thành và tha thiết của mình, ông Phan Văn Khải đồng thời cũng là người cầm đầu một chính phủ với trách nhiệm thực thi nghiêm chỉnh một hiến pháp trong đó điều 4 ghi rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Muốn biết chủ nghĩa Mác-Lênin có thật sự là ngọn hải đăng của thời đại hay không, không cần phải sang Nga, sang Đức, không cần phải tìm trong các văn khố, sử liệu mà hãy hỏi các thầy cô dạy triết học Mác-Lênin ở các trường trung và đại học Việt Nam để chia sẻ với nỗi khổ tâm của họ khi phải dạy môn học buồn bã nhất của một trong những ngành nghề bạc bẽo nhất nước.

Cho dù chiếc ghe ý thức hệ Mác-Lênin một thời đã giúp các ông bà qua sông, cũng không nên bắt 60 triệu tuổi trẻ Việt Nam, những người sinh ra sau cuộc chiến, phải tiếp tục cong lưng cõng chiếc ghe quá khứ, già nua lỗi thời đó để đi vào thời đại toàn cầu?
Cho dù cha chú của các em sinh ra ở miền Nam, đã một thời can dự vào cuộc chiến, họ cũng đã trả giá cho sự can dự đó bằng hàng chục năm dài trong các nhà tù từ Bắc đến Nam, tại sao lại bắt con cháu họ phải tiếp tục bị tẩy não bằng những tư tưởng mà tuyệt đại đa số nhân loại đã xếp vào trong ngăn tủ?

Quả thật những nhận thức mâu thuẫn và vô cùng nghịch lý đã cùng tồn tại trong chính một người.

Ông Thủ tướng thử đặt ông vào vị trí của một người Việt tị nạn hay con cháu của thế hệ tị nạn ở nước ngoài.

Với tất cả những khổ đau và kinh nghiệm hai triệu người Việt nước ngoài đã trải qua, làm thế nào họ có thể hợp tác một cách chân thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Với những máu xương, đày ải hai triệu người Việt nước ngoài đã chịu đựng, làm thế nào những người mà ông gọi là khác chính kiến lại có thể đóng góp hữu hiệu để xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam? Không. Của cải có thể làm lại được nhưng niềm tin không thể đơn giản phục hồi bằng dăm ba lời đường mật.

Cộng đồng người Việt nước ngoài không chỉ là vài khuôn mặt dù một thời có chút tên tuổi, địa vị nhưng tuổi tác đã xế chiều, mệt mỏi, về nước tìm vui trong những ngày còn lại cuối đời. Cộng đồng người Việt nước ngoài không chỉ là những Việt kiều về nước mua nhà hưu trí, khoe khoang tiền của trên sự nghèo đói tủi thân của bà con thân thuộc. Cộng đồng người Việt nước ngoài không chỉ là những người vì tình thương gia đình, gởi nhiều tỉ Mỹ kim về hàng năm để nuôi sống người thân còn ở lại. Cộng đồng người Việt nước ngoài cũng không chỉ là mấy trăm ngàn Việt kiều về quê ăn Tết rồi vội vã ra đi không để lại một đóng góp, một hứa hẹn gì cụ thể cho tương lai đất nước.

Không, không phải chỉ đơn giản có thế. Cộng đồng người Việt nước ngoài là tổng hợp của tư duy, trí tuệ, kinh nghiệm, kiến thức, vốn liếng mà các thế hệ Việt Nam tại nước ngoài đã học hỏi, thu thập, tích lũy trong gần 30 năm qua và nhiều năm nữa. Khả năng to lớn đó đang chờ một cơ hội để cùng với đồng bào trong nước bắt tay vào việc biến Việt Nam nghèo nàn thành một một con rồng Á Châu vững mạnh và thăng tiến.

Cơ hội đó bắt đầu từ điểm nào và điều kiện gì có lẽ tôi không cần phải viết ra đây.

© 2005 talawas