trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
9.3.2005
Vương Văn Quang
Thưa với quí ông Đa Cháy
 
Muốn cho nhân loại trường tồn
Ông xanh ghép thịt văn hồn với nhau

Bàn Tải Cân (1970 – 2071) - triết gia cổ đại phương Ðông



Nếu bộ não con người giống như cái “cờ pờ u” trong máy vi tính, muốn nạp hay xoá bất cứ phần mềm nào, thì cái phần mềm đầu tiên tôi sẽ xoá là phần mềm biết đọc. Mà xoá phần biết đọc tức là đương nhiên sẽ xoá luôn cả phần biết viết. Tóm lại là nhẹ đầu, không phải “nhiều chuyện”.

Những dòng trên chỉ là giả định, nó không thể trở thành sự thật. Người ta có thể học đọc, học viết, có thể luyện tập để biết nhiều ngoại ngữ, nhưng không ai có thể luyện tập để trở thành mù chữ, luyện tập để biến cái mớ kiến thức bùng nhùng trong đầu trở thành số không. Cái khốn nạn của loài người chính là chỗ này. Sống như cây như cỏ, thuận với tự nhiên không phải đặc tính của loài người.

Vì lòng muốn hướng thiện
Nên tớ tập ngồi thiền
Nhưng bởi vì chưa thiến
Nên nó cứ chỉ thiên...

(không rõ tác giả)

Vâng, đã tự hứa với lòng, rằng sang năm mới, quyết tâm cai đọc, cai mạng (net), cai viết. Nói cách khác là quyết chẳng quan tâm tới văn chương thi phú mà làm gì. Nhưng bởi vì chưa thiến, nên vẫn táy máy mà mở Thư talawas. Vậy là tai hoạ ập xuống tức thì. Tai nạn này là vớ phải bài Quyền tự do KHÔNG làm thơ; tai nạn này là buộc phải viết mấy dòng để thưa lại cùng ông Ða Cháy.

Bằng hình thức phỏng vấn, ông Ða Cháy đã có một cử chỉ khá đẹp là giới thiệu & quảng cáo tập Cái lồn bỏ đi của Bùi thi sĩ. Chỉ có điều, tôi hơi tiếc cho ông, rằng cái hình thức này có vẻ như không được hay ho cho lắm, và quan trọng hơn, mọi điều ông nói đều đã quá xưa, quá nhàm. Những tuyên ngôn kiểu đó ông Lý Ðợi đã viết ra từ trước ông rất lâu, và thật tệ là Lý Ðợi viết hay hơn ông nhiều (ông có thể tham khảo Thơ và chúng tôi không làm thơ – Lý Ðợi – talawas 16.4.2004)

Bên cạnh những điều “biết rồi, khổ lắm...” thì có những cái ông viết mà không hiểu do vô tình hay cố ý, ông đã biến người bạn chung của chúng ta thành một đào kép cải lương thứ thiệt. Tức là “sến”. “Sến” chảy nước ra. Ghê quá!!! Không tin, ông đọc lại cái đoạn Buồi Chét tuyên bố “hạ bệ tượng đài” đó. Cái trò “đạp đổ thần tượng” nó xưa như trái đất rồi, nếu một ông văn sĩ, thi sĩ nào có ý định làm điều đó thì cứ việc làm, nhưng lớn tiếng hùng hồn cứ làm như ta đây là kẻ phát minh ra “định lí đạp đổ” thì thật còn trên cả “sến”. Sorry... không ngửi được.

Trong câu trả lời thứ tư, Buồi Chét phân ra ba loại “mần” thơ (a, b và c) và khẳng định mình không đứng trong ba loại đó: “... chỉ có tôi đang làm cái việc hạ bệ Thơ xuống khỏi tượng đài”. Chết thật, thế này là Ða Cháy chơi xỏ Bùi thi sĩ rồi. Ai lại đi phát biểu ngu thế bao giờ. Chỉ cần nhìn thoáng qua, cũng đủ thấy câu phát biểu đầy mâu thuẫn. Bởi khi hùng hồn tuyên bố ta là kẻ đốt đền, nghiễm nhiên Buồi Chét đã xếp mình vào mẫu thi sĩ thứ hai (b). - Zarathustra đã nói như thế.

Ở câu trả lời thứ bẩy, ông [Ða Cháy] cho Buồi Chét tuyên bố: tôi KHÔNG làm thơ. Tôi BÀI TIẾT [nghe cũng ấn tượng], và tỏ một thái độ khinh miệt cái gọi là “sáng tạo nghệ thuật”, khinh miệt những thái độ “nghiêm trọng, kính cẩn hoặc là khệnh khạng”. Buồi Chét cho rằng, đó là cái khác nhau cơ bản giữa Buồi Chét và thế giới [thơ Việt], bởi vì Buồi Chét biết mình làm gì, còn đám kia thì không. Rõ ràng, đây là một mâu thuẫn lớn, hay nói cách khác, Buồi Chét nói mà không biết mình nói gì. Bởi đã coi TỰ DO là cái quan trọng nhất, thì tại sao Buồi Chét cho mình cái quyền tự do phá phách, tự do “bài tiết”, mà lại không cho người khác cái quyền tự do “nghiêm trọng, kính cẩn hoặc là khệnh khạng”? Và tại sao phá phách “bài tiết” tức là “biết mình đang làm gì”, còn “nghiêm trọng, kính cẩn hoặc là khệnh khạng” tức là không “biết mình đang làm gì”? Nhưng cái mâu thuẫn lớn nhất [cũng nằm trong câu trả lời này] là việc Buồi Chét cho rằng mình có công “nong” rộng khái niệm thơ. Vâng, khi tuyên bố, “Tôi KHÔNG làm thơ. Tôi BÀI TIẾT”, tức là Buồi Chét đặt mình ra ngoài ngôi nhà thơ, nhưng việc kể công “nong” khái niệm thơ, rõ ràng Buồi Chét lại chui vào ngôi nhà đó và tranh một chỗ ngồi. Chả phải vậy sao, thưa ông Ða Cháy?

Bên trên, tôi chỉ ra một số sai sót [khá thô thiển] của ông Ða Cháy, không phải vì mục đích muốn “bắt bẻ vặn vẹo” (chữ của phê bình gia Nguyễn Hoà), mà bởi vì nếu như không chỉ rõ ra, sẽ gây hiểu nhầm [thậm chí, sẽ bị lợi dụng để phê phán] cho một số một số nhà thơ trẻ Sài Gòn, cụ thể là Bùi Chát. Trên thực tế, Bùi Chát không muốn [thông qua nghệ thuật của anh] “lật đổ tượng đài” nào hết, bởi bản thân cái thao tác “lật đổ” đã phản lại đường lối nghệ thuật đó. Bùi Chát [đại diện cho một số rất ít những nhà hậu hiện đại thứ thiệt ở Việt Nam] chỉ đòi hỏi một sự công bằng, bình đẳng. Bùi Chát [hay tinh thần hậu hiện đại] không cho rằng mình “biết mình làm gì” còn người khác thì không “biết mình làm gì”.

Cũng nhân tiện đây, tôi muốn bổ sung cho bài của ông Ða Cháy, về cái vấn nạn “đạo văn” của Bùi Chát. Ông đã nói được một ý khá quan trọng: “Cướp văn để Chơi”, nhưng thế chưa đủ, bởi chỉ có thế thì rất nhiều người [thậm chí cả những thi sĩ Việt kiều, vốn được tiếp xúc rất thường xuyên với sách vở & kiến thức nước ngoài] vẫn lớn tiếng cho rằng Bùi Chát “đạo văn”, [đây là một thực tế. Ví dụ: một số bài viết trên các báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh; Làng cười ...]. Việc “đạo văn”, hay nói cho chính xác là ăn cắp văn, khi người ăn cắp có mục đích muốn dùng câu văn / thơ, hay cả đoạn văn dài/ cả bài thơ, phục vụ cho một “sáng tác” nào đó của mình. Khi đó, họ buộc phải có một thao tác “xào xáo”, làm cho khác đi. Có nghĩa là, họ sẽ cố tình che giấu việc họ làm [ăn cắp mà]. Còn việc làm của Bùi Chát hoàn toàn ngược lại. Bùi Chát không “xào xáo”, không làm khác. Việc làm của Bùi Chát rất công khai. Như vậy, sự khác nhau là rất cơ bản. Nếu như có ai đó chưa hiểu [hoặc cố tình chưa hiểu], xin các vị hãy xem xét ý này.

Trong câu trả lời cuối cùng ông [Đa Cháy & Buồi Chét] đã ưu ái dành cho tôi khoảng năm, bẩy dòng gì đó [quan trọng đây], nhưng trong năm bẩy dòng này hơi túng bấn sự thật, vì vậy, xin có mấy ý thưa lại

  1. Chỉ số “ I Cu” của tôi là 213, không phải 214 như ông thản nhiên khẳng định.
  2. “Sỉ vả” và “tán tụng” là cách làm việc của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình made in Việt Nam, bởi vậy tôi cứ theo cách đó mà làm, chẳng cần căn cứ vào cái quái gì hết. Chẳng phải “ngộ ra” hay “bỏ từ bến mê qua bờ giác” cái gì ráo. Về điều này, ông có thể tìm đọc bài Vã vọng với Lý Ðợi của tôi in trên website Tạp chí Thơ, trong đó, tôi nói kĩ hơn. Nhân đây, cũng xin có lời cám ơn Tạp chí Thơ, trong mấy tháng qua đã dung dưỡng những thứ rác rưởi do tôi thải ra. Có lẽ, về tính dân chủ, không một tờ báo tiếng Việt [in và điện tử, hải ngoại và hải nội] nào có thể sánh với Tạp chí Thơ, nơi đây họ chấp nhận từ thứ thơ “từ tim mà ra” cho tới thứ thơ từ chim mà ra [rất vui]. Theo tôi, đây là website mang tinh thần văn nghệ hậu hiện đại nhất hiện nay.
  3. Việc Buồi Chét tự hào mà thống kê rằng, tín đồ của mình nay đã lên tới chục vạn [cầu trời cho Bùi thi sĩ không tự hào về điều này], thì cũng là một cách Buồi bóp cổ Bùi. Thơ có lượng tín đồ cao như thế xưa nay ở Việt Nam, chỉ duy nhất có bài “Thơ con cóc” (xem bài viết Thơ con cóc, một bài thơ hay của phê bình gia Nguyễn Hưng Quốc bên website Tiền Vệ).

Tóm lại, thông qua bài viết của mình, ông Ða Cháy đã nói lên được một số điểm [dù không mới] và quan trọng hơn, ông đã giới thiệu được tập thơ Cái lồn bỏ đi [giỏi]. Nếu như ông không mắc một vài lỗi rất thô thiễn [dù vô tình hay cố ý], nhất là cái nhận xét hơi bị mách qué về tôi, thì tôi đã không vướng phải kiếp nạn này (tức là phải viết những dòng này)

Sài Gòn 05/03/05

© 2005 talawas