trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
19.3.2005
Tạ Đức
Người Lạc Việt phải chăng là một nhóm Lava cổ?
 1   2 
 
11. Thành Ốc: Cổ Loa -Lamphun...

Theo Condominas [1] công trình quân sự được gọi là “lăng mộ Lua” (kơvah Loh trong tiếng Karen) ở vùng bắc Thái Lan mà ông khảo sát có dáng gần gũi với các công trình hình tròn - một dạng thành bằng đất đắp của cư dân Môn-Khmer - cư dân nguyên thủy Đông Dương còn vết tích trên một vùng rất rộng ở Thái Lan, Cămpuchia, cao nguyên Thượng Lào, Nam Việt Nam.

Có thể thấy, thành Cổ Loa, kinh thành của nước Âu Lạc, còn được gọi là Kiển thành (thành hình kén) chính là một dạng thành hình tròn nói trên.

Theo Higham, thành Cổ Loa được dựng cùng thời với các thành đất đắp ở thung lũng sông Mun (Thái Lan) tức vào khoảng 400 năm tr CN đến 200 năm sau CN và giữa hai vùng có sự tiếp xúc trao đổi qua dãy Trường Sơn. Thành có nhiều vòng thành nhất hiện còn là thành Noen U Loke với 5 vòng. Đặc biệt, kết cấu thành Ban Chiang Hian rất gần gũi với thành Cổ Loa [2] . Tên sông Mun cho thấy chủ nhân vùng này là người Mun/Môn tức người Mường cổ.

Về mặt kiến trúc, thành Cổ Loa có lẽ là thành lớn nhất trong số các thành đất đắp hình tròn của cư dân Môn-Khmer cổ còn dấu tích dày dặc ở Đông Nam Á lục địa và Madagasca có niên đại cách đây 1500-2500 năm trong đó nhiều thành có đặc điểm tương tự thành Cổ Loa với sự kết hợp chức năng phòng thủ với chức năng chứa nước, dẫn nước, giao thông...

Vấn đề là, trong các sách tiếng Hán xưa của cả Trung Quốc và Việt Nam như Nam Việt chí (Cựu Đường thư), An Nam chí lược, An Nam chí nguyên, Việt Kiệu thư, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí, Hoàng Việt dư địa chí, Đại Việt sử kí toàn thư thì thành được ghi bằng nhiều tên Hán Việt khác nhau là: Khả Lũ, Khả Lưu, Loa Thành, Côn Lôn, Tư Long, Quỉ Long...

Về tên gọi thành này có nhiều quan điểm.

Stein, khi xem xét mối quan hệ về mặt từ nguyên giữa các biểu tượng mang tính vũ trụ như quả bầu, hang, núi Côn Lôn trong văn hóa Trung Hoa và Việt đã cho rằng từ Côn Lôn có gốc klong (Tây Tạng)=rộng lớn, một thể hỗn mang, một làn sóng, mọi vật lượn sóng (ví dụ những nếp uốn của vỏ sò), sự rộng mênh mông về không gian và chiều sâu tinh thần, điểm trung tâm... Từ đó, thành Cổ Loa đã được dựng theo mô hình huyền thoại Côn Lôn với hình xoắn của vỏ sò...

Trong một cuốn sách năm 1990, ông cũng đưa ra các bằng chứng về việc Phạm Lãi khi dựng thành cho vua nước Việt Câu Tiễn cũng đã mô phỏng mô hình vũ trụ khởi nguyên - núi Côn Lôn tương ứng với với thiên văn (tượng của trời). Đặc biệt, ở phía mặt lớn của thành, Phạm Lãi còn cho dựng Qui Sơn=Núi Rùa có vai trò là “quái du đài” - tức nơi để xem bói mu rùa và quan sát thiên khí. ...

Cũng theo Steine, trong tâm thức Trung Hoa, núi Côn Lôn, nơi khởi nguồn của sông Hoàng Hà, cũng được coi là ngọn núi khởi nguyên và trong nhiều trường hợp được đồng nhất và chia sẻ nhiều đặc tính với núi Meru của Ấn Độ, núi Sumeru Tây Tạng.

Đặc biệt núi Côn Lôn cũng được quan niệm có 9 tầng (theo chiều dọc) hay 9 vòng quanh co hình xoáy ốc thể hiện 9 khúc quanh co của sông Hoàng Hà (theo chiều ngang). Đó là nơi trú ngụ của các con rồng bay lên trời cũng theo hình xoáy ốc. Tương tự núi Meru, Côn Lôn là cột trụ nối trời với đất, là trục của vũ trụ và của 9 tầng trời được dựng trên lưng rùa, nơi chứa đựng linh khí, nơi thành hôn của Phục Hi và Nữ Oa - cặp vợ chồng khởi nguyên vốn là hai anh em ruột và là ông bà tổ của người Trung Hoa.

Mặt khác, ông cũng vạch ra mối liên hệ giữa truyền thuyết Rùa Vàng giúp việc dựng thành Cổ Loa với quan niệm về vai trò trấn thủy, bảo hộ đê điều của các biểu tượng rùa-trâu-ốc thể hiện qua tục yểm hay ném xuống sông hồ tượng các con vật trên đúc bằng kim loại, tục thờ thần Trấn Vũ (Rùa=Huyền Vũ) ở Trung Quốc và Việt Nam; mối quan hệ biểu tượng và từ nguyên giữa rùa-trâu-ốc sên (rùa có hai cái bướu ở đầu như sừng của trâu và ốc sên, trong tiếng Hán ốc sên được gọi là ốc ngưu (H-V)... [3]

Trong mối liên hệ đó, theo Taylor, việc dựng thành Cổ Loa và truyền thuyết rùa vàng cũng gợi nhớ đến việc nhà Tần xây dựng Thành Đô ở Tứ Xuyên sau khi chiếm nước Thục một thế kỉ trước đó. [4]

Cần nói thêm, hình xoáy ốc tương ứng với hình cuộn tròn của mình rắn cũng chính là hình thế của núi khởi nguyên Meru/Sumeru/Himalaya cũng được coi là mô hình của các đền tháp Ấn Độ và Đông Nam Á cũng như của kim tự tháp của người Indien Aztec ở Mexico. [5]

Rõ ràng, việc dựng thành Cổ Loa theo sử sách có hình xoáy ốc với 9 vòng thành đã nằm trong một truyền thống chung của kiến trúc tiền sử nhân loại. Đó là tạo ra các công trình gắn với các huyền thoại khởi nguyên và mô phỏng một mô hình, một biểu tượng vũ trụ khởi nguyên....

Trong khi đó, Đào Duy Anh [6] , một mặt, coi tên gọi Loa Thành là “do người Trung Quốc đặt ra để gọi thành xưa của An Dương Vương mà tập truyền cho là hình xoáy ốc (loa=ốc), vì thấy nó có vòng trong vòng ngoài, được miêu tả là “có 9 lớp, chu vi 9 dặm”. Từ tên Loa thành đó mới có tên làng Kẻ Loa=người làng có thành Loa, có tên thành là Kẻ Loa rồi sau phiên âm thành chữ Hán là Cổ Loa/Khả Lũ”, mặt khác cũng ngờ rằng Loa thành với Kiển Thành (thành hình kén) do Mã Viện cải tạo là một.

Trần Quốc Vượng, tuy cũng mô tả “thành Cổ Loa gồm nhiều lũy đất quanh co xoáy ốc có kè đá” nhưng lại coi tên gốc của thành là Klủ>Chủ, liên quan tới các từ dân gian gọi Cổ Loa là Kẻ Chủ, thành Chủ; tên An Dương Vương là vua Chủ, trong đó Chủ=Chẩu=thủ lĩnh và tương ứng với vai trò kinh đô, nơi vua ở của thành, còn tên Cổ Loa thì chỉ là”một lời lí giải kiểu ông đồ” [7] ...

Bùi Văn Nguyên [8] khi coi Thành Đông/Loa Thành/Việt Vương Thành có thể ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nơi cũng có đền An Dương Vương lại cho rằng tên Loa Thành =Thành ốc có thể là thành xây bằng gạch vỏ ốc chứ không chắc là thành có hình xoáy ốc vì ở chính vùng này ở dưới đất có nhiều vỏ sò, ốc kết thành tảng có thể dùng để xây tường thành chắc như gạch (!).

Mặt khác, Hà Văn Tấn cho hay: học giả Anh Davidson từ hiện tượng Rùa Vàng là thần bảo hộ cho thành Cổ Loa trong truyền thuyết Mị Châu -Trọng Thủy, cho rằng tên Cổ Loa rất có thể tương ứng với kara (Chăm)=kroa (Giarai)=kula (Proto IN)=rùa=kula/karac (Proto Nam Đảo) = con trai... [9]

Tuy nhiên, được biết: ốc=klo (Khmu)=lo (Proto Va, Lava)=lo (BK)=loa (H-V)... Điều này cho thấy tên thành Cổ Loa cũng như các tên gọi khác như Khả Lũ, Côn Lôn, Tư Long...có nhiều khả năng đều là sự chuyển âm Hán Việt của từ cổ klo với hai âm đầu k-l và nhiều nghĩa trong đó một nghĩa=ốc hiện còn được bảo lưu trong tiếng Khmu. Điều lí thú là nhiều địa danh quanh Cổ Loa như sông Cà Lồ, bến đò Lo, làng Lủ (Việt)= Kim Lũ (H-V)= tên làng Cổ Loa; vùng/huyện Phù Lỗ...và cả tên người làm nỏ thần trong truyền thuyết Loa Thành là Cao Lỗ ... đều có thể có quan hệ từ nguyên với klo.

Có thể thấy, từ klo/lo=ốc có họ hàng với một loạt từ chỉ sông nước, tiếp đó chỉ các con vật gắn với sông nước và trở thành các biểu tượng cho sông nước khác như klung (Tây Tạng cổ điển, Môn)=krong (Bahnar, klo (Karen, Toraja)=klu (Arem)= kung/kang/giang (H-V)=gang (Skr)= sông/kênh; >klu (Tây Tạng)=klu/khú (Mường)=rồng (Việt, Khmer cổ)=long (H-V)=vua rắn nước /cá sấu; klu (Mường)= tru (Việt Trung bộ)=trâu (Việt Bắc Bộ); ro (Mường)=rùa (Việt)=kroa (Giarai); khu (Mường)=cá sấu/rồng...

Tương tự, ya (Lê)=ia/ea (Êđê, Jarai)=ayar (Malay)=aek (Tạng -Miến)=he (BK)= (H-V)...=sông/nước >ya (Lê)=tha/xà (H-V)=naga (Skr)= rắn/rồng....

Cần nhấn mạnh rằng, trong ngôn ngữ Đông Nam Á cổ, các từ klu/klo... hay ya/đa/đak/nak... vốn là các từ có gốc từ chỉ Người (Pu-Ya), sau chuyển thành các từ chỉ sông/nước như một dạng không gian cư trú gắn với người, tiếp đó là từ chỉ các con vật biểu tượng cho sông nước rồi dần mới phân hóa thành các từ chỉ rắn, trâu, rùa, cá sấu, ốc, trai, rồng... [10]

Vấn đề là, theo Jumsai [11] , bình đồ của thành phố Hariphunchay (Lamphun) vào thế kỉ 7 và 8 sau CN có hình con ốc. Một biên niên sử Thái có tên gọi là Jamthewiwong cho biết, hai đạo sĩ là Vasuthep (hay Sutheva) và Sukkathanta chính là hai người đã thiết kế và xây dựng thành phố đó. Cả hai đã cùng quyết định coi hình ốc là hình dạng thích hợp nhất cho thành phố và nhờ một đạo sĩ thứ ba có tên là Phra Satchnalai tìm cho con ốc ở tận đáy biển làm mô hình mẫu. Khi thành phố Hoàn thành, hai nhà đạo sĩ mời Jamthevi, một hoàng hậu từ phía nam về cai quản. Sau đó, Jamthevi lại cùng với hai đạo sĩ dựng lên một thành phố khác có tên là Khelangnakhon hay Lampang ngày nay cũng có hình thù giống với vỏ ốc.

Ngoài ra, các thành phố khác trong vùng như Chiang Mai, Phrae cũng có hình vỏ ốc... Khi chuẩn bị xây dựng thủ đô Ayudhya (của người Xiêm), người ta cũng phát hiện được vỏ ốc ở lòng đất chính ở nơi dự định xây, và điều này được coi là một điềm lành. Người Xiêm coi vỏ ốc chính là biểu tượng chiến thắng của Narai, được coi là hiện thân của thần Visnu, vị thần chủ của naga. Cũng ở thời Dvaravati, vỏ ốc được coi là một biểu tượng của nước, sự phồn thực và được dùng trong các nghi lễ lớn của triều đình.

Chính ở đây, chúng ta cũng có thể kết nối từ Klo/Cổ Loa với từ Krung, từ đứng trước từ Ayudhya, tên thủ đô của nước Xiêm từ 1531 đến 1767. Jumsai [12] nhận xét: từ krung có gốc kreung (Môn)= sông/ kênh. Ai thống trị được sông nước cũng sẽ là người thống trị được đất nước và từ krung trở thành đồng nghĩa với nơi trị vì của vua chúa hay thủ đô.

Cũng cần nói thêm, trong khi tên các nhánh sông Hồng như Cà Lồ/Lô tương ứng với Klo thì một tên cổ của sông Hồng là Phú Lương, cũng như tên sông Đuống có thể tương ứng với krung /klung.

Vấn đề là, theo Condominas [13] : Lamphun chính là tên thành và tên một vương quốc của người Lava; Jamthevi, một biến thể của Camadevi/Chamtevi/Camdevi chính là một hoàng hậu gốc Lava (trong khi Coedes coi là người Môn) và đạo sĩ Vasudesa, cũng là người Lava, chính là cha nuôi của nàng; nàng là mẹ của hai vua Môn sau này là Haripunjaya (Lamphun) và Khelanga (Lampang)...

Như vậy, ta lại thấy có sự tương đồng về tính biểu tượng ốc giữa thành Cổ Loa của người Lạc Việt và tiếp đó của người Âu Lạc với những thành trì của người Lava-Môn-Xiêm (Thái lai Môn).

Điều lí thú là theo Parkin [14] Khalo/Kalo một thời cũng là từ người Việt gọi chung các tộc miền núi Quảng Bình thuộc nhóm Vietic và hiện vẫn là tên của một số nhóm Palaungic và Katuic. Như vậy không loại trừ đã có mối quan hệ “đồng thanh tương ứng” giữa tên gọi gốc của thành Cổ Loa là Klo với tên gọi tộc người Klo/Kalo cũng như với tên sông Cà Lồ/Lô của sông Hồng, con sông bồi đắp nền văn minh Việt cổ. Điều này lại cho phép kết nối quan điểm coi tên gọi Lạc=Lo/Lua=Người với các quan điểm: a- của Nguyễn Kim Thản -Vương Lộc (1974) coi Lạc=nác/rác/nước; b- của học giả Nhật Goto Kimpei (1975) coi Lạc=lạch, rạch; c- của học giả Lào Kham Banh (1994) coi Ai Lao có gốc Cẩu Lổng=Cửu Long=Chín Rồng... Cần nói thêm là người Toraja (Indonesia) có dạng nhà gần gũi nhất với dạng nhà sống võng trên trống Ngọc Lũ lại có từ klo=kênh /rạch...

Về Cao Lỗ, Tạ Chí Đại Trường [15] nhận xét: ”Truyện của Việt Điện U Linh... coi Cao Lỗ là bầy tôi của An Dương Vương nhưng (ông) lại là một vị thần được thờ cúng, trong khi An Dương Vương vắng mặt trên đền đài của các triều vua buổi đầu độc lập; ít ra thì tính cách thiêng liêng của Cao Lỗ đã nổi bật hơn, nếu không nói là khuynh loát An Dương Vương, nghĩa là sự thờ cúng Cao Lỗ đã là của truyền thống ăn sâu vào trong thời gian khiến con người quan tâm đến thần linh địa phương như Cao Biền... đã phải lưu ý mà lập đền thờ”...

Mặc dù trong văn cảnh của truyền thuyết, tên Cao Lỗ từng được gắn với Nỗ=nỏ song có nhiều khả năng hơn Cao Lỗ/Cao Thông chính là biến âm của Klo/Klong=tổ tiên-thần bảo hộ thành Cổ Loa có gốc Klo/Klong=sông/nước/ốc/rùa/trâu/rắn/rồng và đồng thanh tương ứng với tên tộc người Lava/Kala/Kalo=Lạc Việt. Không ngẫu nhiên, Cao Lỗ còn được coi là thần rồng đá (Giáp Mão Thạch Long). Sau này, vị thần-tổ tiên đó đã mang tên Hán hóa là Lạc Long Quân...

Ngoài ra, cũng có thể kết nối Cao Lỗ/Cao Thông với các từ Cổ Long, Côn Lôn là các từ trong sử sách Trung Hoa dùng để chỉ vua, quan đại thần, cư dân Phù Nam, Chăm, Khmer, Mã Lai... tóm lại các cư dân khác Hán [16] . Đáng chú ý ở đây là tên gọi này cũng lại trùng khớp với tên núi Côn Lôn...

Mặt khác, suy cho cùng rắn/rùa/ốc/cá sấu..., các hiện thân cụ thể của rồng cũng là các biểu tượng của vua chúa - chủ thành - chủ đất nước và ở trung tâm đất nước. Chính quan điểm này kết nối và thống nhất các quan điểm của Stein - Trần Từ - Trần Quốc Vượng - Davidson về từ nguyên Cổ Loa. Ngoài ra, việc truyền thuyết kể Rùa Vàng giúp Thục Phán xây thành, cho móng làm lẫy nỏ giữ thành cũng là một sự phát triển của mô típ rùa dạy người làm nhà trong huyền thoại khởi nguyên Mường.

Trong mối quan hệ đó, như một truyền thống, nhiều tên gọi thủ đô của nước Việt sau Cổ Loa không chỉ kế thừa truyền thống kĩ thuật mà còn cả biểu tượng rồng thể hiện qua tên gọi như Long Biên, Long Đỗ (Bụng/Rốn Rồng) và nhất là Thăng Long...


12. Trống đồng

Trong một chuyên khảo về trống đồng ở Đông Nam Á, Kempers [17] dẫn tư liệu từ nhiều học giả cho biết:

  1. Trống đồng (yàan) là nhạc cụ quí nhất của người Yuan Kammu (có lẽ một nhóm Yuan Khmu hóa) ở Lào. Từ yàan (Kammu) rất gần với từ yang (Karen) và yang deang (dùng ở Thái Lan). Quan niệm phổ biến của người Kammu là trống đồng được mua ở Miến Điện, trống do người Lwa/Lva (Lava) đúc. Tại vùng Yuan ở Lào cũng có một làng Lva ...

  2. Trong đời sống xã hội và tín ngưỡng của người Lamet, trống đồng có vai trò rất quan trọng. Người Lamet tiếp thu từ chỉ trống đồng=klo từ người Karen và mua trống từ vùng bắc Thái Lan. Chắc chắn, người Lamet không tự đúc được trống mà mua nó từ người Niang - có thể là một nhóm Karen - ở Muong Kiem, gần Chiêng Mai Thái Lan...

  3. Người Karen thường nói họ mua những trống đồng cổ nhất từ người Yu ở Vân nam hoặc người Wakawtha (Vakaotha) hay Swa...

  4. Trống Ongbah (loại I Hegerl) được phát hiện ở hang Ongbah - tỉnh Kanchanaburi, vùng giữa hai con sông Me Khwae Noi và Khwae Yai, theo Parkin [18] vùng này là đất của người Lava.

Trong ba trường hợp đầu, tộc người đúc trống đồng được coi là Lva, Niang, Yu và Vakaotha/Swa. Ta đã thấy ở trên Swa=Java=Lua=Lava. Tên gọi Niang Yang của nhóm được ngờ là người Karen cũng gợi tới Lang có gốc Yang tương tự với Yuan>Yunok/Yonok. Tên gọi Yang của người Karen ở bắc Thái Lan cũng nằm trong trường hợp này. Không loại trừ đây là một nhóm Lava Tạng Miến hóa (tiếng Karen hiện được xếp hoặc vào nhóm Tạng Miến, hoặc vào nhóm Tạng-Karen thuộc dòng Hán-Tạng). Đáng chú ý là từ chỉ sông của người Karen, theo Hoàng Thị Châu là klo, rất gần gũi với từ chỉ sông của người Arem là klu cũng như với tên sông Cà Lồ, sông Lô, sông Lừ là những nhánh của sông Hồng gắn với các vùng đất Lạc Việt cổ. Trường hợp cuối cho thấy rất có thể chủ nhân trống đồng Ongbah là tổ tiên người Lava ở vùng đó. [19]

Như vậy Lạc Việt=Lava=Lão=Yang=Yuan là một tộc người có truyền thống đúc trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Điều này lại tương ứng với việc theo Kampers [20] , khu vực Bắc Việt nam liền kề với nam Trung Hoa và Vân nam (đều là đất của người Lava/Lạc Việt xưa) được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho đến nay cho danh hiệu quê hương của những trống loại Heger I cổ nhất. Đáng lưu ý là các từ gọi trống đồng yan/yang/ klo lại gần như trùng khớp với tên gốc tộc người, tên nước, tên sông và tên thủ đô của người Lava-Lạc Việt.


13. Gừng

Cũng theo Cholthira [21] , trong lễ Songkran (lễ gốc Lava-Môn có cả ở người Lự Vân Nam), vua Chiềng Mai/Lanna cùng với triều thần từ hoàng cung ra sông, tới một thủy đình dựng giữa sông Me Ping, xuống sông tắm gội sạch sẽ rồi lên mặc trang phục truyền thống. Sau đó, các quan làm lễ té nước lên người vua cầu phúc. Trong dịp này, người Lava và người Yang (Karen) sống ở Mae Sariang và vùng phụ cận tới dâng tặng vua hoa, thuốc lào và điếu. Nhà vua nhận các lễ vật, hút thuốc. Một lễ vật đặc biệt khác là gừng. Theo quan niệm của người Lava, khi nhà vua nhai gừng và phun bã lên người họ, sẽ đem lại cho họ nhiều điều tốt lành.

Trong Mo Mường có đoạn kể khi đúc trống đồng không được, cho rằng trống bị ma ám, thợ đúc trống phải đi tìm gừng bỏ vào miệng nhai phun vào trống đồng để đuổi ma, nhờ đó mới đúc được trống [22] .


14. Quan hệ Vietic-Palaungic-Bahnaric- Katuic-Monic qua tên gọi tộc người

Theo Haudrricourt, vị trí đúng của tiếng Việt (hay của cả nhóm Vietic) phải là trong họ Nam Á, giữa nhóm Palaung-Wa (Palaungic) ở tây bắc và khối Môn -Khmer ở tây nam. [23]

Diffloth [24] coi nhóm Vietic gồm các tiểu nhóm: bắc (Việt, Mường, Nguồn); tây bắc (Toum, Lihà, Phọng/Cham); tây (Ahoc, Ahao, Ahlao); đông nam (Chứt, Rục, Sách, Mày/Cuối); tây nam (Aten, Thémaru, Arao/Ahao/Ahlao, Makang, Malang, Maleng, To’e); nam (Kri, Phọng, Mlengbrou).

Parkin [25] cho hay: nhóm Palaungic gồm các tộc Palaung, Puman/Bulang, Pouma, Riang/Lang/Yang, Mảng, Danaw, Wa/Va/Vu/Kava/Lave/Ravet/Krak, La, Khalok/Kha lo, Kala, Samtau (Xam tao), Kon Keu hiện ở Thái Lan, Miama, Vân Nam -Trung Quốc, Việt Nam.

Cần nói thêm, theo Nguyễn Văn Lợi [26] người Pơlju ở Quảng Tây có tên tự gọi Pơlju, được người Hán gọi là Lai /Hlai và được các học giả Trung Quốc xếp vào tộc Klao (Chú ý Lao=Lai=Lju và Pơlju=Klao). Tiếng Pơlju được Benedict xếp vào Vietic nhưng được N.V.Lợi và đồng nghiệp xếp cùng nhóm Palaungic cùng với tiếng Mảng.

Có lẽ, khối Môn -Khmer ở tây nam đó trước hết có nhóm Katuic, bởi theo Diffloth, trong hệ Nam Á, Katuic là nhóm gần gũi Vietic nhất và cách đây hơn 4000 năm có một khối ngôn ngữ Vietic-Katuic chung [27] .

Ngoài ra, theo tôi, có thể đưa nhóm Bahnaric vào khối Môn-Khmer ở tây nam trên dựa trên sự gần gũi cuả các từ cơ bản trong họ từ Người của nhóm này với nhóm Vietic.

Mặt khác, tên tự gọi và được gọi Mon /Mwon/Mol/Mwal/Mang của người Mường về cơ bản tương ứng với tên tự gọi của người Môn/Mun/Man (Monic) có gốc rmang/ramang/rmeng/rang/reng [28] cũng như với tên gọi người Mảng (Palaungic).

So sánh các tên gọi tộc người, bao gồm các biến thể và tên các nhóm địa phương của các nhóm Palaungic-Vietic-Katuic-Bahnaric-Monic ta thấy nhiều mẫu số chung:

  1. Từ Nha (Nha Chứt, Nhà Làng (Vietic)-Nha Kur (Monic) -Nha Hon-Langnha (Bahnaric).

  2. Từ Lang (Talaing/Môn = Kriang/Khiang (Katuic) = Taliang /Tariang /Triêng /Prang /Salang (Bahnaric) = Malang /Maleng /Mlengbrou /Nhà Làng /Salang /Xolang (Vietic) =Bulang /Palaung /Riang /Lang /Yang (Palaungic) = Rang (Monic)...

  3. Từ La/Lo và các biến thể của nó: Khalo=Chứt (Vietic)=Kaloq /Nor /Loar (Katuic)= Khalok /Khalo /La /Va (Palaungic) = Laya = Alak = Bri La = Zava = Ro (Bahnaric)...

  4. Từ Kuoi: Cuối (Vietic)=Kui/Kuoy (Katuic)=Keu (Palaungic)=Kuoi/Kuy/Kui/ Kuoy=Người=tên tự gọi của người Pear (Khmerric).

Sự trùng giống tên gọi trong một chừng mực phản ánh một quan hệ cội nguồn, phân tán và đan xen của các tộc người trên.


15. Nhà, làng, giềng, mường

Ta có: nha/nya (Va-Lava)=nhà (Việt, Mường); lang (Lava)=hlang (Proto Va-Lava)=từ loại chỉ nhà (sau chuyển hóa thành từ chỉ làng trong tiếng Việt); yong/yung/yuang/yueng=làng (nhỏ) là gốc của giềng (từ Việt cổ)= làng trong từ ghép láng giềng và liên quan tới bồ chính /bồ đình (H-V)= chánh tổng (liên làng) của người Việt trước 1945 [29] .

Theo Cholthira [30] tên gọi các đơn vị hành chính Lava mà Yaa Thao Laawa Cok (bà tổ của người Lava) chia cho các con trai là Muang Sathuang, Muang Khwang và Muang Khiak.

Như vậy các từ chỉ những đơn vị xã hội cơ bản nhất của người Lava về cơ bản trùng hợp về cả âm và nghĩa với các từ Việt -Mường. Điều lí thú là tên gọi các mường Lava cũng rất gần gũi với tên gọi 3 trong số 4 mường lớn của người Mường ở Hòa Bình là Thang, Vàng, Bi (chú ý sự tương ứng b/p/k/kh).

16. Lúa, ruộng, cơm, gạo, cám, rau, thịt

Cũng theo Diffloth [31] hngo (Proto Va-Lava=PWL)=ngo (Va)=go (Lava)= (Việt Trung Bộ)=lúa (Việt Bắc Bộ); keng (PWL)=kơng (Lava)=ruộng lúa nước, vùng đồng bằng, đất nước; rngko (PWL) = kao /gao (Lava)= gạo; kam=cám; ti=thịt, tau=rau. Theo Ratanakul [32] : kuen som aop (Lava)=con ăn cơm với kuen=con, som=cơm, aop=ăn.

Có thể thấy: do sự tương ứng ng/g/n/l (ví dụ: ngáy/gáy, gái/nái) nên ngo=go=ló/lúa; keng /kung /kong có gốc krong/krung=sông và cũng tương ứng với ruộng (Việt) và roong (Mường), tương tự krong (Bana, Chăm)=kong (Hoa Nam cổ)=thông (Tày)=sông /kênh /mương tương ứng với từ kênh (rạch) trong tiếng Việt Nam Bộ. Ta lại nhớ đến một nhận xét của N.Từ Chi rằng “kiểu thủy lợi Nam Bộ (dựa theo chế độ thủy triều) ứng với (kiểu thủy lợi được) miêu tả trong “Thủy kinh chú” của người Lạc Việt” [33] . Không loại trừ do sự tương ứng r/l/d/t/th/s từ tồng (Thái)= đồng (Việt) cũng có gốc krong/rong. Cholthira [34] cũng cho biết cok (Lava)=cuốc (Việt).

Như vậy, từ chỉ các phương tiện sống quan trọng nhất của người Lava cũng rất gần với các từ Việt.

17. Các từ khác

Một sự so sánh nhanh từ vựng Lava/Vaic [35] với tiếng Việt hiện đại (chủ yếu là tiếng Việt Bắc bộ) đã cho thấy khá nhiều sự gần gũi (nhất là ở các trạng từ, tính từ và động từ khá cơ bản) giữa hai ngôn ngữ đã cách biệt hàng ngàn năm với nhiều biến động này. Các từ Vaic/Lava (bên trái) trong nguyên văn được ghi bằng kí hiệu ngôn ngữ học sẽ được chuyển về chữ latinh thông thường. Các từ được chọn là những từ của nhóm khác nhau nhưng gần gũi nhất với tiếng Việt (bên phải).

  • Tính từ và trạng từ: ngom=ngon ngọt, song=đắng, soy=thối, nga=ngấy, saic=(cảm giác) se se, sak=sặc (sụa), snga/sanga=sạch, te/đê= (gần) kề, ngai=xa (ngái), hlong/long=(cao) lồng lộng /(cao) vống, thiơm=thấp, rau=sâu, ngeng=ngắn, cia=xa, sa ngai=(xa) ngái, (c)yong = (nhẹ) nhàng, ngoic=ngột=nóng, long=lạnh, ek/iak=ít, hoen/hoh/hun=hơn (nhiều), yit /et = út /ít, ra/ya=to/lớn, pu=(dày) bự, rga=gày, hril=(mỏng) dính, teo=(bé) teo, nok=no, dem /tem=tém=ngắn, thấp (tóc tém=tóc ngắn) ngieng=ngắn, lang=lằng (nhằng) =dài, ling /lơin=lâu, nok/kro=no, sau=đau, hlat=nhát, ntuk/duk=đui (mù), rang=(rõ) ràng, eit/oet=mệt, hnge=nghén=có mang, hoc/hait=hết, sin=chín, plang=trong (sáng), sngal = xanh, pang=trắng (bong), khuat/kut=khụ= (người) già, soh=khô, tom/sam=đăm=bên phải, jie=dễ, som=đêm (tối), ndơ=(đù) đờ (câm lặng), kle=lười, rwuy/rawuy=(tóc) rối, long=lạnh, soh =khô, nhac=nhả/nhớt (trong cơm nhả=cơm nhão=nhiều nước), taip=thường, o=nỏ (Nghệ Tĩnh) =không, gat=rất, nhơ=nhé/nhớ (Bắc Bộ)=nghe (Nam Bộ)= từ ở cuối câu chỉ sự nhấn mạnh (đi nhé, đi nghe), ư/ơ=ừ/ ờ=vâng /dạ, nih=nghỉ (đợi)...

  • Động từ: ot/aik=ở, mah=là, koe/kay/kuy/koi=có, se=sẽ (trước động từ chỉ hành động trong tương lai), eah/aih=ăn, yu/nyu/nyau=nhậu (uống), tuat/nduat=nuốt, pu/bu=bú (tí), rmo /lomo = mơ (mộng), ho/hu=đi=họ (hiện chỉ còn là từ dùng để giục trâu đi), luen/lun=lượn (đi, lại), coi=quay (đi), ngaom=ngồi, lau/lao=nói, kok/goug=gọi, ke=cãi, mong=mảng (tiếng Việt cổ =nghe), hnge/ngeht=nghe, meh=mến, mong=mong (đợi), kaya=cười, rak=rên, ngan =ngắm, yo=ngó (nhìn), len=(trông) nom, yep/yip=díp (nhắm mắt), hum/haim=tắm, sak=giặt quần áo, gen=găm (giữ), tuk=tóm (tay), vung=vung (ném), len=ném, dơih =đá, dac=đạp (dẫm hạt), ci=xía (chọc), cok=chọc, toh/ta=giã (gạo), jieng=giành (giật), hloh=lấy, poh=mở, nghih =nghiêng, chong=chống (đỡ), kok=gọi, hit/het=hít, hngap=ngáp, mok=mổ, ceh=xé, taic=đặt, tek=đè, yin=ấn, yok/yuak=nhấc, puk=bục, ngom=ngồi, glak=la (liếm), haic=gãi, hok=hơ (làm khô), mok=ho, thok=khạc (nhổ), hol=nôn (mửa), tut=tụt (kéo), lot=rút, sat=(xát) chải, sak=giặt (quần áo), puk/bơk =buộc, jeng=ràng (buộc)= khâu, kah=cởi, jung/chong= dựng/chống, hong=hong (thổi nấu xôi, cơm), tang/tain=đan, peng=bắn, dut =đứt, suet/saviat=(xoắn) xuýt, hlat=nhát/sợ, nghlat=(doạ) nạt, dap=đắp/lợp (đường/mái nhà), kut=cản, kiat=cắn, hui-ik=húc, roh=rú (sủa), way/vay=vay (mượn), ros/roh=(chọn) lựa, hsam/sum=chăm=trồng (cây), da/thia=tãi /thia lia, ream=rẫy (cỏ), =nở (hoa), da=té (nước), so=đổ/xối (nước), pu/pun/peu=bay, mor=bò, gah/kah=(cho) gả, ceh=xé, mơn =mân (mê), klaie=quấy (đảo) ndah=đập, lih=lìa (rơi, đi khỏi), lah=(cắt) lát, haic=gãi, koic=cạo, soh=xới (cỏ), thơi=thắp (ngọn đèn), tuk=tắc (nghẽn), koic=cạo, bo=bỏ (thêm), tak=(tỉa) tót, baih=(được) bào (nhẵn), tok=tựa/giống...

  • Số từ: la/lay=hai, pon=bốn, lua/liah=sáu, satai/tai=tám, tim=chín...

  • Từ loại: ke/ka/kau/kai=cơ thể, từ loại chỉ người, động vật=con/cái /kẻ, plah=lá (loại từ cho các vật mỏng như lá cờ, lá bài).

  • Đại từ: no=nó, ma/me=má/mẹ, ba/pia/phia=ba (bố), me/mi/mai/ may=mi/mày, ta =ông /người già (Mường /Việt Bình Trị Thiên), meng/mouing=(vợ)= mình (trong cách gọi mình ơi), te=tê (Nghệ-Tĩnh)=( cái) kia=đi (từ cuối câu chỉ mệnh lệnh như ăn đi)...

  • Giới từ: ngraum/gruim=dưới, may/mai=mới=(cùng/với), seh=sệ (xuống)...

  • Danh từ chỉ bộ phận cơ thể: tai/tay=tay, kliak=nách, ngeune=ngón (tay), hna=nạ (mặt), mus/muh=mũi, spa/pa=má, kap=cằm, muang/moeng=miệng, tak/lak=lưỡi, ngok=cổ (gốc của từ ngóc cổ?), hak=da, wac/vaik=dạ (bụng), huk=tóc, siang=xương, hmaing/mem=móng (tay), hrang=răng, lmpan/mwa=vai, chuong/cuang=(chân) cẳng, nong=hông (eo), krong /kraung= (sống) lưng, tis/tơs /tơh=tí (=vú trong từ bú tí), viek=ruột...

  • Danh từ chỉ hệ thân tộc: ya=dạ/già (bà), kon/kun/kuan=con (cái), hsau/sou=cháu, o=chị cả (?), mlay/plia=(chàng) trai, ntoi=(trẻ) mồ côi...

  • Các sản phẩm văn hóa: king/kaung/kong=vùng, đồng bằng, ruộng lúa, kmme /lammi /rami=mía, nha/nya=nhà, sato=(lụa) là/sa, kra/kha=(đường) xá, klong/kraung=trống (kl=bl>tr), wic=(dao) nhíp, pleh/piao=lê (trong lưỡi lê)=cái lao, grai=chày, pol=cối, sa=cái (rổ) rá, tom=tấm (gỗ, bảng), mok=mũ, ntay/lai=(cái) váy, nge/ngai=ngày, nơm /num = năm, tang=chuồng (nơi nhốt súc vật), nting/teng=tường (vách), long=săng (quan tài), ramoit/ramaik=mồ/mả, hon=ống...

  • Các sản phẩm tự nhiên: maik=mây, sinum=sấm, rayong=cầu vồng, klong=sông, bing /mbơin =bùn, kte/kate=đất, nong/noung=rừng, doi=đồi (núi), mlong=(núi) non, rang/laang=hang, ka=cá, ktam=(cua) rạm, rich=(con) vích (rùa), so=chó, mok=bò, rok=cóc, sep=rết, tep=(bọ) chét, roy=(con) ruồi, ang=ong, mrung/maruin=rệp, si=chí (chấy), saơng= xởng (Mường) = thạnh (Nghệ-Tĩnh)=(con) rắn, rway/kawai=khái (Nghệ Tĩnh)= hổ, sim=chim, akou /sikau = chim bồ câu, lak/ak=quạ, kong=công, be/pe/le=dê, lik/lơic=lợn, klun/klơn=trăn, ryol = vượn, nga=ngà (voi), reng/rung=sừng, ti/to=thịt, ktom/tom=trứng, ko/kao/kau=cây, kak = cành, ple/plai=trái (quả), hla=lá, lo=vỏ (cây), kat=gai res/reh=rễ, bre/phre=(rừng) rú, khoi = củi (>khói), po=bó, bong=măng, phlo/phlu=trầu, phria/phrua=(cây) dừa, plong=tranh (lợp nhà), to=lỗ/tổ (nghĩa gốc là cái lỗ), sa=(buổi) sáng...


Tạm kết luận

Nguyễn Từ Chi [36] trong một bài nghiên cứu về Vua Chủ (An Dương Vương) từng viết: “Tài liệu hiện có chưa cho phép nói chắc rằng người “cởi trần...xưng vương” ở nước Âu Lạc, cùng cư dân dưới quyền ông (tức người Âu Việt và người Lạc Việt) thuộc khối tộc người nào...”

Tuy nhiên, trong một bài giảng của mình [37] ông cũng viết:“tạm thời có thể kết luận”: trước Bắc thuộc có một cộng đồng người ở xa sông Hồng (có thể là Hán-Thái hay Tạng-Miến) đã đến vùng đầu tam giác châu (thổ sông Hồng), dựng nhà nước, xây thành Cổ Loa, người đứng đầu tự xưng là An Dương Vương [38] .

Về người Lạc Việt, những bằng chứng nêu trên tuy chưa cho phép “nói chắc” nhưng cũng cho phép tạm kết luận nữa rằng: người Lạc Việt (tổ tiên trực tiếp của người Việt) thuộc về khối tộc người Lava cổ, là tộc người chủ thể bao gồm người Môn (là tổ tiên trực tiếp của người Mường) đã dựng nước Ya Yang/Nha Lang/Văn Lang ở vùng Bắc Bộ Việt Nam như một trung tâm của khối Lava-Môn-Khmer của khu vực Nam sông Dương Tử. Trong khi đó, cần nói thêm, tuy người Âu Việt thuộc về khối Thái (có thể coi như là một khối Malay cổ gần gũi và đã Hán -Tạng hóa hoặc như một khối Hán Tạng đã Malay hóa) nhưng trước khi lập nước Âu Lạc đã có sự hòa nhập nhất định với khối Lava -Môn ở Vân Nam, Quảng Tây và là tổ tiên trực tiếp của các tộc Thái Đen, Lào, Lự và cả một số nhóm Tày -Nùng hiện nay [39] .

Đương nhiên, các điều tạm nói trên cần tiếp tục được chứng minh, nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là, trong việc xác định nguồn gốc tộc người, các tư liệu ngôn ngữ luôn có vai trò quyết định.



[1]sdd, tr 252
[2]Higham Charles.. The bronze Age of Southeast Asia. Cambridge Univesity Press. 1996, tr 217.
[3]Stein Roft. Jardins en miniature dextrême -Orient. BEFEO. XVII. 1937, tr 54,136; The world in miniature. Stanforf University Press. Califorrnia. 1990. Chú ý: trong nguyên văn viết ốc ngưu, theo trật tự từ tiếng Việt (?).
[4]Taylor K.W. The birth of Vietnam. University of California Press. 1983.
[5]Jumsai, sđd, tr 12, 20, 22
[6]sđd: tr 32
[7]Trần Quốc Vượng. Cổ Loa, truyền thuyết và lịch sử, trong Hùng Vương dựng nước, t 4, KHXH 1974
[8]Bùi Văn Nguyên. Dã sử nói về An Dương Vương. KCH.No 2. 1978, tr 67.
[9]Hà Văn Tấn. The citadel of Cổ Loa. Việt Nam News -Avril 4. 1999, tr 5.
[10]Một ví dụ điển hình cho hiện tượng từ chỉ người chuyển thành các từ chỉ không gian sống của người là banua/panua/wanua/fenua/vanua... (các tộc Nam Đảo)=người /người bình dân /nhà/làng /thị trấn /thành phố /đất/đảo /lục địa /trời/thế giới /vũ trụ. Xem Benedict, Paul.K. 1975-Austro-Thai, Language and culture, with a glossary of roots. HRAF PRESS, tr 416. Waterson. Roxana. The living house-an antropology of architecture in South-East Asia. Singapo.1997, tr 92-3.
[11]sđd, tr 149
[12]sđd, tr 161
[13]sđd, tr 254-6
[14]sđd: 89, 105
[15]sđd: 38
[16]Maspero: sđd, tr 786
[17]sđd, tr 389-401
[18]sđd, tr 108
[19]Hoàng Thị Châu. Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông. Thông báo khoa học Văn học-Ngôn ngữ. T.II. GD. 1966, tr 98.
[20]sđd, tr 213
[21]sđd, tr 9
[22]Vương Anh (chủ biên): Mo Mường. VHDT. 1997, tr 1487.
[23]Haudricourt A.G. 1991. Vị trí của tiếng Việt.... T/c Ngôn ngữ No1.
[24]Dẫn theo Chamberlain. James.R. The origin of the Sek, implication for Tai and Vietnamese History. The International Conference on Tai Studies. Thailand. 1998, tr 9.
[25]sđd:105
[26]Nguyễn Văn Lợi. (đồng tác giả). Vị trí của tiếng Mảng. NN.No 3. 1998.
[27]Dẫn theo Nguyễn Tài Cẩn.. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Giáo dục. 1995
[28]Maspero: sđd, tr 724
[29]Các từ Lava lấy từ Diffloth. G. The Wa languages, Linguistics of the Tibeto-Burman area. 1980, tr 99, 131.
[30]sđd, tr 13
[31]sđd, tr 99, 124, 97, 100
[32]sđd, tr 269
[33]Nguyễn Từ Chi. Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người. VHTT. 1996 , tr 422.
[34]sđd, tr 11
[35]từ tư liệu của Diffloth và Ratanakul.
[36]sđd, tr 168
[37]sđd, tr 423
[38]Từ Chi cũng đã có lần nhắc tới hiện tượng klu là từ chung chỉ loài rắn lớn có mào, được coi là vua nước - thế giới bên dưới của cả người Tây Tạng và Mường. Ta cũng đã thấy klo (Karen)=sông/trống đồng=klu (Chứt)=tên sông Cà Lồ/thành Cổ Loa và sự tương ứng mô hình Cổ Loa-Côn Lôn... Các nhân tố Thái-Hán-ạng-Miến trong việc dựng nước Âu Lạc, thành Âu Lạc chắc không chỉ có thế...
[39]Thực ra, quan điểm coi Lạc Việt=Lão đã là quan điểm có từ lâu của các học giả Trung Quốc, Việt Nam như Trần Tu Hoà, Từ Tùng Thạch, Vưu Trung, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn (theo Nguyễn Linh: Trở lại vấn đề nước Thục... trong Hùng Vương dựng nước, tr. 2, 1972, tr 194). Một khi Lava=Lao=Lão như đã thấy thì Lava=Lạc Việt chỉ là một hệ quả. Xét rộng hơn, tên gọi Lava có quan hệ nguồn gốc với nara (Skr)=người cũng như tên gọi các tộc Malava (Ấn Độ), Malaya, Java, Dayak, (To)raja (Indonesia); tên gọi Mon (Mường) có quan hệ cội nguồn với các tên gọi Munđa (Ấn Độ), Mian (Mianma), Môn, (Yu/Yao) Mien (Dao), Mong/Meo, Mian (quần đảo Banggai, Indonesia) đều có nghĩa đen=Người. Điều lí thú là tên gọi Lava/Lao/Va và Mon tương ứng với hai nửa tách ra từ Malava, Malaya và Yao Mien (ta đã biết tên Keo của người Việt có gốc Giao gắn với tên Giao Châu). Sử Trung Hoa gọi các tộc khác Hán vùng Lưỡng Quảng, Bắc Việt Nam, Vân Nam là Man Lão/Man/Lão, rất có thể là sự phiên âm tên tự gọi của họ là Malava/Mon/Lava/Lao. Ta cũng đã thấy chủ nhân của Dravati được học giả này coi là người Lava, học giả khác coi là người Môn. Rõ ràng, sự tách biệt Lava-Môn hay Việt-Mường đã diễn ra cùng với sự tách biệt tên tự gọi mang ý thức tộc người này.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lịch sá»­, số 5.2000, Nguồn gốc và sá»± phát  triển của Kiến trúc-Biểu tượng và Ngôn ngữ Đông SÆ¡n, Hà Ná»™i, 1999. Bản đăng trên talawas có má»™t số bổ sung của tác giả.