trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
22.3.2005
Cao Xuân Hạo
Sự tích bốn chữ “CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU” trong Việt ngữ học
 1   2   3 
 
Ngày nay (đầu thế kỷ XXI) bốn chữ chính trước phụ sau hầu như đã trở thành một câu tục ngữ được nhiều người thuộc lòng và nhắc đi nhắc lại thường xuyên mỗi khi nói đến ngữ pháp tiếng Việt, thành thử đi tìm “sự tích” của nó cũng là một việc tự nhiên như đi tìm sự tích của bất kỳ một câu tục ngữ hay một truyền thuyết nào đã đi vào vốn văn học dân gian. Ngay trên một cơ quan thông tin xuất bản ở nước ngoài như talawas, vốn quan tâm rất nhiều đến những vấn đề thời sự đang được đặt ra ở trong nước, cũng đã có những bài nhắc đến nó, và một số tác giả có quan tâm đến các vấn đề của tiếng Việt cũng đã thấy rằng bốn chữ này nêu lên được một cái gì rất thiết cốt của một ngôn ngữ mà ngày nay, ngay ở trong nước, hầu như không còn có ai quan tâm nghiên cứu nữa, nhất là sau khi GS. Phan Ngọc đã tuyên bố rằng tiếng Việt kể từ 1945 đã hoàn toàn hiện đại hoá sau khi “sao chép y nguyên ngữ pháp tiếng Pháp” [1] , và sau đó mươi năm, Bộ Giáo dục đã đứng ra xuất bản một cuốn sách trong đó có một tác giả chính thức hoá quan điểm này, vốn biện minh hoàn toàn cho cách dạy tiếng Việt trong các sách giáo khoa của Bộ [2] .

Nếu quả thứ tiếng Việt mà 80 triệu dân Việt Nam ngày nay đang dùng chính là một bản sao phỏng trung thành của tiếng Pháp, thì như thế có nghĩa là tiếng Việt trước năm 1945 nay đã hoàn toàn diệt vong và được thay bằng tiếng Pháp, chẳng khác nào tiếng Celtic của người Gaulois xưa kia được thay thế bằng tiếng La Tinh của người La Mã, và bốn chữ chính trước phụ sau chẳng còn giá trị gì nữa. Nhưng có thật thế không?

Theo những điều mà học sinh cấp tiểu học và trung học được học, thì trong một câu đơn giản như Con mèo của em đã lớn, ba từ chính trong câu là mèo, em, lớn, còn lại đều là những từ phụ: con, của, đã. Con là “loại từ”, một hư từ (rỗng nghĩa) chỉ có chức năng “phân loại” từ mèo để cho người nghe biết rõ rằng mèo là động vật (chứ không phải là người hay là cây, củ hay là quả; của là một giới từ (cũng thuộc loại hư từ, rỗng nghĩa) cho biết rằng em là sở hữu chủ của mèo; đã cũng là một hư từ, cũng rỗng nghĩa, phụ nghĩa cho lớn để nói rằng cái trạng thái “lớn’ này thuộc về thời quá khứ (chứ không phải hiện tại hay tương lai). Không biết từ bao giờ mọi người đều cho rằng hư từ là một thứ từ “rỗng nghĩa”, bao giờ cũng là “phụ”. Và nếu thế thì trong câu trên ta đề thấy chính đi sau, phụ đi trước, chứ đâu có phải ngược lại?

Vì vậy, nếu muốn chứng minh rằng bốn chữ chính trước phụ sau có một giá trị chân lý nào đó, không thể không điểm lại ít nhất là hai khái niệm đã quá quen thuộc: khái niệm loại từ (classifiers) và khái niệm ngữ đoạn (syntagms hay phrases).


1. Nguồn gốc của khái niệm loại từ

Vào khoảng đầu thế kỷ XVII, khi các nhà ngữ học châu Âu chưa nghiên cứu kỹ tiếng Sanskrit và từ đấy phát hiện ra ngữ hệ Ấn-Âu (Indo-Européen), một số nhà du lịch và giáo sĩ châu Âu đã bắt đầu làm quen với một vài thứ tiếng phương Đông, nhất là tiếng Hán, mà họ biết là thứ tiếng tiêu biểu của một nền văn minh lớn.

Thứ tiếng này có một nét đặc trưng mà bất cứ người Âu châu nào cũng chú ý nhận ra ngay: trong khi tuyệt đại đa số danh từ của các thứ tiếng châu Âu đều có số (đều biểu thị những vật cụ thể “đếm được” – countable), thì khi muốn dùng số từ để lượng hoá (quantify), các danh từ tiếng Hán lại phải dùng đến một thứ từ trung gian không rõ thuộc từ loại gì, mà sau một thời gian phân vân có nhiều người gọi là “từ phân loại” hay “loại từ” (classifiers / classificators). Vậy là bên cạnh các ngôn ngữ quen thuộc với người châu Âu có một thứ ngôn ngữ “có loại từ” (classifier languages) như tiếng Hán, và một số ngôn ngữ xa lạ khác mà sau đó người ta tiếp tục phát hiện thêm. Trong quá trình phát hiện thêm này, người ta dần dần thấy có thể chia ra nhiều thứ “loại từ”, chẳng hạn như 1. Loại từ số (numeral classifers); 2. Loại từ đo đạc (mensural classifiers); 3. Loại từ thứ (sortal classifiers); 4. Loại từ dáng (shape classifiers); 5. Loại từ công dụng (tool-function classifiers); 6. Loại từ độ dẻo (flexibility classifiers); và nhiều thứ loại từ kỳ dị hơn nữa, chẳng hạn như loại từ “tập hợp những thứ nguy hiểm” như lửa, rắn và đàn bà [3] .

Trong ngữ pháp của nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, thuật ngữ loại từ thuờng đi đôi với một định kiến cho rằng đó “tất nhiên” là một từ rỗng nghĩa, hư ảo, có một vai trò ngữ pháp hoàn toàn vô ích hay ít nhất là rất phụ đối với danh từ chính danh mà nó đi kèm theo. Chẳng hạn trong những “kết cấu loại từ” (classifier constructions) như cái ghế, con mèo, người thợ, sợi dây, người ta thấy mèo, thợ, dây “quan trọng” và rõ nghĩa hơn nhiều vì nó chứa đụng nhiều thông tin hơn, và cái vai trò mà người ta thường gán cho “loại từ”, cụ thể là chỉ rõ cho người nghe biết ghế, mèo, thợ, dây v.v. thuộc “loại” gì, là một nội dung vô bổ và hết sức ngớ ngẩn, vì khi đã biết nghĩa của mèo, thợ, dây rồi, thì việc gì phải nói thêm rằng mèo là một động vật, thợ là một thứ người, dây là một vật dài và mềm, v. v.? Vậy “loại từ” đóng vai trò gì? Muốn hiểu nó phải xem kỹ nó được dùng, và nhất là phải được dùng một cách bắt buộc, ở vị trí nào, và để làm gì.

Trước hết các “loại từ” phải được dùng (một cách nhất thiết, hoàn toàn bắt buộc):

  1. Sau các số từ (một, hai, ba, bốn, v. v.) [4]
  2. Sau những, các, mỗi, từng
  3. Khi có những phụ ngữ bao hàm tính “duy nhất” (duy nhất, độc nhất, đầu tiên, cuối cùng, thứ nhất, thứ nhì và các số thứ tự khác) [5]
  4. Khi có những định ngữ bao hàm tính phức số (đông đúc, hiếm hoi, phức tạp, thưa thớt, so le, linh tinh, không cân đối )5
  5. Khi định ngữ là một tiểu cú thuật lại một sự việc cụ thể

Qua những quy tắc sử dụng loại từ nói trên ta thấy rõ mấy điều quan yếu sau đây:

  1. Chức năng của“loại từ” trong tiếng Việt (và rất nhiếu ngôn ngữ quen biết khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga), là một danh từ đơn vị (unit noun – J. Lyons) thuộc loại “đếm được” (countable) và thường có một danh từ khối (mass noun) theo sau, được đánh dấu như một định ngữ (determiner), bằng một giới từ (of, de) hay bằng sinh cách (genitive): flashes of lightning, têtes de bétail, kapli rosy.

  2. Chức năng của nó là danh hoá toàn thể danh ngữ, nghĩa là làm cho toàn thể “kết cấu loại từ” (classifier construction) có được tư cách danh ngữ, ngay cả khi nó chứa đựng những yếu tố không có tư cách danh từ (chẳng hạn như cái đẹp, cái hay, cái dở). Một chức năng ngữ pháp như vậy chỉ có thể là chức năng của trung tâm danh ngữ (the Head of the NP).

Vậy trong các danh ngữ có loại từ của tiếng Việt, quy tắc chính trước phụ sau có hiệu lực tuyệt đối. Ta chỉ cần dùng đến trắc nghiệm lược bỏ – một trong những thủ pháp quen thuộc của ngôn ngữ học miêu tả – cũng đủ thấy hiệu lực của quy tắc này: trong tất cả các quy tắc (1, 2, 3, 4) được liệt kê ở trên, từ duy nhất có thể lược bỏ là từ thứ hai (danh từ “chính danh) chứ không thể là từ thứ nhất (“loại từ”)


Kết cấu loại từ Lược bỏ từ thứ nhất Lược bỏ từ thứ hai
1a. Nuôi hai con bòNuôi hai con*Nuôi hai bò
1b. Sửa ba cái ghế Sửa ba cái* Sửa ba ghế
2a. Chăn từng con bòChăn từng con*Chăn từng bò
2b. Nuôi mỗi con bò Nuôi mỗi con*Nuôi mỗi bò
3a. Thịt con bò đầu tiênThịt con đầu tiên*Thịt bò đầu tiên
3b. Lên chuyến tàu cuối cùngLên chuyến cuối cùng*Lên tàu cuối cùng [6]
3c. Sinh đứa con thứ baSinh đứa thứ ba*Sinh con thứ ba [7]
4a. Dỗ một lũ trẻ đông đúcDỗ một lũ đông đúc*Dỗ trẻ đông đúc
4b. Tìm mấy ngưòi bạn hiếm hoiTìm mấy người hiếm hoi*Tìm mấy bạn hiếm hoi
4c. Sửa cái mái tranh thưa thớtSửa cái mái thưa thớt*Sửa mái thưa thớt
4d. Bắn con thỏ vừa ló raBắn con vừa ló ra*Bắn thỏ vừa ló ra


Người có công lớn nhất trong việc xóa sạch cái khái niệm ngụy tạo có tên là “loại từ” là Trương Vĩnh Ký (1883). Trong cuốn sách này, ông có kể danh sách 124 “danh từ số” (noms numériques) gồm tất cả những danh từ đếm được (count nouns) của tiếng Việt (về sau những tác giả hiện đại như Cao Xuân Hạo (1985), Nguyễn Thị Ly Kha (1997) gọi đó là những danh từ đơn vị (unit nouns theo J. Lyons) mà chức năng chủ yếu là làm tác tử danh hoá (nominalizer hay nominalizing operator) cho ngữ đoạn danh từ, đặc biệt là những ngữ đoạn có chứa đựng những từ loại không phải là danh từ như cái đẹp, cái thông nòng, điều hay, lẽ phải, thói xấu, tật nói lắp, v.v. Chính việc lập một danh sách gần đầy đủ của các “danh từ số” đã làm cho Trương Vĩnh Ký thấy ngay rằng đó là những danh từ chính danh và là những tác tử danh hoá, trong khi hầu hết các tác giả Việt Nam hiện đại đều nghĩ rằng đó là những “loại từ”, nghĩa là một thứ hư từ dùng để xếp loại , tức cho biết các danh từ “chính danh” thuộc loại nào (động vật hay cây cối, đồ đạc hay người, củ hay trái, v.v.), chỉ vì họ chỉ chú ý đến một số rất ít những từ “chỉ loại” như cái, con, cây, bông, củ, quả, người, thằng [8] .

Khái niệm loại từ (classifier), vốn đi đôi với khái niệm về những ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ có loại từ (classifier languages) – được coi như một thứ ngôn ngữ lạ lùng và thậm chí kỳ quặc – chỉ là hậu quả của một sự ngộ nhận cực kỳ thô thiển. Những người không hiểu được công dụng của “loại từ” đã đặt cho nó một cái tên hoàn toàn sai trái. Công dụng của nó không phải là xếp các danh từ “chính danh” thành từng loại – công dụng của nó là làm cho các danh ngữ không đếm được trở thành những danh ngữ đếm được, nghĩa là những danh ngữ chân chính, đủ tư cách của những ngữ đoạn chỉ vật – những ngữ đoạn mà sở biểu là những đơn vị phân lập (discrete) trong không gian hay/và thời gian theo cách nhận thức của người bản ngữ. Không làm gì có những “ngôn ngữ có loại từ”, vì ngôn ngữ nào cũng phải có “loại từ”, tức những danh từ đơn vị để phân lập hoá những thực thể chưa có được hình thức của những đơn vị phân lập [9] .

Chẳng qua trong các thứ tiếng châu Âu hầu hết các danh từ đều đếm được, còn trong tiếng Hán, tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác thì ngược lại. Nhưng ngay trong các thứ tiếng châu Âu cũng có một số danh từ không đếm được (mass nouns), chẳng hạn các danh từ chỉ chất liệu như water, granit, leather, khi muốn lượng hoá đều phải dùng danh từ đơn vị làm trung tâm để cấu tạo những danh ngữ có tính đơn vị, như a cup of water, a block of granit. Nhưng cũng có những danh từ có vẻ như chỉ những vật phân lập nhưng lại không đếm được, như lightning hay cattle chẳng hạn, không bao giờ có số phức (*lightnings – so với tiếng Pháp éclair(s), mà phải dùng một danh từ đơn vị như a flash / flashes of lightning, a head /heads of cattle làm trung tâm cho danh ngữ có chữ lightning, hay cattle.

Người đầu tiên nhận ra sự sai trái của thuật ngữ loại từ (classifiers) có lẽ là M. A. K. Halliday, một người xuất thân từ Trường Ngữ học Luân Ðôn (the London School of Linguistics) hay từ Hội Nghiên cứu phương Đông và Châu Phi (Society of Oriental and African Studies) do J.R. Firth sáng lập. Trong cuốn An Introduction to Functional Grammar (London 1985), M. A. K. Halliday dành chữ classifier cho một chức năng thích hợp với thuật ngữ này hơn nhiều: đó là chức năng chỉ chủng loại và tiểu loại của những định ngữ của danh từ như race trong race horse (ngựa đua) hay horse trong horse race (cuộc đua ngựa), còn cái mà đa số các nhà ngữ học quen gọi là classifier thì ông lại gọi là measure (từ đo lường’) hay “đạc ngữ”, có phần thích hợp hơn với chức năng của danh từ đơn vị khi đứng trước danh từ chất liệu (mass nouns) [10] .

Về phương diện ngữ pháp, nhất là trong cách hiểu chức năng làm trung tâm của danh ngữ và tác dụng danh hoá toàn ngữ đoạn, người đọc có thể thấy Trương Vĩnh Ký nhận thức vấn đề rõ hơn Halliday nhiều, nhất là khi ông nói đến vai trò của các “danh từ số” như nỗi, niềm trong sự hình thành của các danh ngữ trừu tượng như niềm vui, nỗi buồn, v.v.


2. Một khái niệm và một thủ pháp không có tác dụng

Trong ngôn ngữ học miêu tả có một sự phân biệt (hay một thế đối lập) cực kỳ hấp dẫn cho nên rất được hoan nghênh ở nước ta – đó là sự phân biệt giữa hai thuộc tính “tự do” (free) và “ràng buộc” (bound) dùng cho mọi hình thái (forms) có thể có mặt trong ngôn ngữ. Hai thuộc tính này được biết trong giới ngôn ngữ học thuật ngữ free và bound của ta dưới hai thuật ngữ độc lập hạn chế nhờ có công lao của GS Phan Ngọc dùng để chuyển dịch hai của tiếng Anh nói trên. Theo vị Giáo sư này, cũng như khá nhiều nhà ngôn ngữ học khác ở Việt Nam, cặp khái niệm này bao quát toàn bộ vốn tri thức khoa học cần có ở một nhà ngôn ngữ học, hay, nói cách khác, tri thức ngôn ngữ học hoàn toàn đồng nghĩa với biết phân biệt giữa các hình thái độc lập với các hình thái hạn chế. Vì vậy ngành ngôn ngữ học chỉ cần mươi phút thôi cũng đào tạo được một chuyên gia ngôn ngữ học hoàn hảo.

A linguistic form which is never spoken alone is a bound form; all others as, for instance, John ran or John or run or running are free forms (L.Bloomfield, 1933, p.160) (Một hình thái ngôn ngữ ràng buộc là một hình thái không thể tự nó được nói ra một mình; còn tất cả những hình thái khác (chẳng hạn như John ran hay John, hay ran hay running) đếu là những hình thái tự do).

Nếu căn cứ vào cách định nghĩa này, hình thái tự do là hình thái nào có thể tự nó làm thành một câu. Nhưng nếu vậy thì số hình thái tự do trong bất cứ ngôn ngữ nào cũng sẽ hết sức ít ỏi: chung quy chỉ có các thán từ và các từ còn sót lại của những câu tỉnh lược (elliptic utterances) là có thể được coi như những hình thái tự do. Nhưng câu tỉnh lược lại là những câu khiếm khuyết mà người nghe bao giờ cũng có thể phục hồi lại một cách dễ dàng, vì nếu không có sự phục hồi dễ dàng như vậy, những từ còn lại chỉ còn là những mảnh câu vô nghĩa, tức những hình thái không tự do – những hình thái ràng buộc. Ta có thể thấy rõ sự phân biệt này thiếu tính minh xác đến mức nào.

Chính Bloomfield cũng nêu lên tình trạng này trong khi bàn đến yếu tố cran- trong cranberry. Berry là một hình thái xuất hiện trong một số lượng từ đáng kể như straw-berry, blackberry, v.v. Sau đoạn định nghĩa trích dẫn trên, ông viết:

Trong những trường hợp khác ta đợi mãi cũng không thấy cran- xuất hiện ở đâu nữa, dù (là như một hình thái tự do cran hay) chỉ là với tư cách một bộ phận của một hình thái khác. Và chẳng bao lâu ta cũng sẽ thấy rằng không nên cố hỏi cho ra cran- có nghĩa gì, vì người được hỏi có thể vì quá sốt ruột mà giả vờ thừa nhận với ta rằng chắc cran- có nghĩa là ‘đỏ’ chẳng hạn, cho nó xong chuyện đi...

Và rốt cuộc mưu toan “làm cho ra lẽ” cũng chẳng đem lại kết quả gì có ích.

Vấn đề không phải là ở sự phân biệt được trình bày theo kiểu thao tác luận (operationalistic) ấy. Vấn đề là ở cương vị ngôn ngữ học (linguistic status) thực sự của cái hình thái được đặt thành vấn đề. Mà cương vị ngôn ngữ học thì có nhiều thông số chứ không phải chỉ có “tự do” hay “ràng buộc”. Trong những thông số quan trọng nhất ít ra phải kể đến ba thông số CHỨC NĂNG, NGHĨA và CƯƠNG VỊ (trong hệ tôn ty) của cái đơn vị đang xét, còn “tự do” hay “ràng buộc” chỉ là chuyện vặt. Chẳng qua cái tôn chỉ thực chứng luận (positivist) và hành vi luận (behaviorist) của phái miêu tả khuyến khích họ thử từ bỏ hoàn toàn các vấn đề có liên quan đến tính hệ thống của ngôn ngữ để thí nghiệm xem nếu chỉ dùng trục kết hợp thôi (syntagmatic axis – trục của những tính chất “tự do” hay “ràng buộc”, vốn dễ quan sát hơn nhiều, mà không cần xét đến những quan hệ khác, trong đó có cả những quan hệ về nghĩa, thì sẽ đi đến đâu - họ nghĩ rằng ngôn ngữ học sẽ thành công nhờ gạt bỏ hẳn những mục đích cơ bản của nó).

Trong lịch sử nghiên cứu tiếng Việt cũng có những trường hợp cãi vã nhau theo một kiểu “thao tác luận” ngụy tạo như thế, nhất là sau khi các nhà ngữ học Việt Nam đã hoàn toàn từ bỏ việc quan sát tiếng Việt để đi tìm nguồn tri thức ở những nơi khác. Chẳng hạn họ cho rằng hấu hay nành (trong dưa hấuđậu nành) là những hình thái “hạn chế” (bound forms) cho nên không phải là từ, và hoàn toàn không có nghĩa gì hết, quên mất rằng đó là một thứ dưa và một thứ đậu chính vì hai từ này bao giờ cũng đặt sau dưa đậu theo mô hình trọng âm [01} và do đó không những có cái nghĩa hoàn toàn minh xác của một thứ dưa và một thứ đậu.

Có một điều thú vị là mấy nhà ngữ học này tưởng rằng chuột, gang trong dưa chuột dưa gang hay đũa, ván trong đậu đũa, đậu ván là những hình thái “độc lập” vì quên mất rằng khi hỏi dưa gì hay đậu gì, người được hỏi đều phải trả lời là dưa chuột, dưa gang, đậu đũa, đậu ván chứ không thể trả lời bằng mấy chữ chuột, gang (cũng như hấu) hay đũa, ván (cũng như nành) trống không (không có dưa hay đậu đi trước) được.

Sức hấp dẫn của thao tác sử dụng sự phân biệt [độc lập / hạn chế] đã làm hại các nhà ngữ học kia là ở chõ nó cho phép họ được miễn hoàn toàn lao động trí óc bằng cách dùng những thao tác máy móc không cần đến trí thông minh, trong khi người bản ngữ có được cái thẩm năng (competence) của người bản ngữ là nhờ họ học tiếng mẹ đẻ qua những thế đối vị (paradigmes) làm thành hệ thống, khiến cho họ biết rất rõ rằng dưa hấu là một thứ dưa, đậu nành là một thứ đậu, cũng như xe đạp là một thứ xe, tàu hoả là một thứ tàu, v.v. nhờ những hệ đối vị mà họ rất quen thuộc như hệ đối vị của những thứ dưa, những thứ đậu, những thứ xe, v.v.

Những thao tác phân bố luận của phái miêu tả là những thủ pháp tuyệt nhiên không giống chút nào với mô hình thụ đắc tiếng mẹ đẻ của người bản ngữ, cho nên chỉ đưa được người dùng nó đến những kệt luận sai lầm mà thôi.

Dù sự phân biệt [độc lập / hạn chế], tức [tự do / ràng buộc] có dễ thuộc đến đậu chăng nữa, thì cái ý nghĩ cho rằng chỉ cần học thuộc nó thôi cũng đủ cho người nghiên cứu có được cái thẩm năng hoàn hảo của người bản ngữ cũng là một ảo vọng không thể nào tin được, ít nhất là vì nó không cho phép người sử dụng biết chút gì về quan hệ và chức năng của những hình thái hữu quan, nhất là khi đặt vấn đề yếu tố nào là chính, yếu tố nào là phụ trong một quan hệ cú pháp. Vì sự ràng buộc giữa hai hình thái thường là một quan hệ hai mặt. Nếu a b là hai yếu tố ràng buộc với nhau, nghĩa là không thể không có nhau, thì làm thế nào quyết định được rằng a là trung tâm còn b là phụ ngữ hay ngược lại, b là trung tâm còn a là phụ ngữ? Hình thái ràng buộc có thể là một phụ ngữ (satellite), phải lệ thuộc vào một từ làm trung tâm (head) chứ không thể đứng một mình được, nhưng trong ngữ pháp của rất nhiều ngôn ngữ cũng có những từ trung tâm không thể thiếu phụ ngữ được, và do đó cũng bị ràng buộc không kém, như ta đã thấy trong mối quan hệ cú pháp giữa “loại từ” và các định ngữ của nó. Cho nên việc giải quyết vấn đề lệ thuộc quá nhiều vào sự võ đoán của người phân tích.

Mặc dù tất cả những nhược điểm nói trên, hay chính vì có những nhược điểm ấy, mà sự phân biệt [tự do / ràng buộc] được rất nhiều người dùng làm cơ sở cho mọi sự phân tích. Ai cũng có thể lấy nó làm một cái cớ để biện minh cho cách phân tích nhiều khi hết sức vô lý của mình, vì kiểu phân tích dựa hoàn toàn vào sự phân biệt [tự do / ràng buộc] bao giờ cũng cho phép chọn một trong hai giải pháp hoàn toàn trái ngược nhau.

Sau đây là một minh hoạ khá tiêu biểu, có liên quan đến khái niệm “loại từ” và tư cách “hư từ” hay “phụ trợ” của nó.

Một trong những lý do thường được đưa ra để phủ nhận tính cách thực từ của loại từ là tích chất “không độc lập” (tính chất “ràng buộc”) của nó. Rất nhiều tác giả quan niệm rằng“từ loại loại từ” mà đã từng có những tác giả như Trương Vĩnh Ký hay L. Cadìère coi là “danh từ số” (noms numériques) hay “danh từ chỉ loại” (noms de catégorie) vốn có một thực chất gần giống như mạo từ (articles) [11] của tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Ðức và hoàn toàn khác với danh từ chính là ở chỗ nó không bao giờ có thể được dùng độc lập để có được một chức năng cú pháp trong câu, như chức năng chủ ngữ, bổ ngữ, hay trạng ngữ mà chỉ có danh từ mới làm tròn. Những loại từ như cái, con, kẻ, cục, hòn, không bao giờ có thể đứng một mình, mà chỉ có thể đứng cạnh một danh từ như trâu, gà, khoai, đá, và bao giờ cũng có thể bị tỉnh lược nếu thấy không cần thiết (và trong gần 99 % trường hợp đó là những hư từ hoàn toàn vô ích, vì hoàn toàn không có nghĩa gì hết, ngoài ý nghĩa phân loại đã chứa sẵn trong danh từ chính: người ta nói nuôi bò chứ không nói nuôi con bò, nói luộc khoai chứ không nói luộc củ khoai, vì những từ như con, củ rõ ràng là hoàn toàn vô ích.

Dĩ nhiên, ở phần trên ta đã thấy rõ những trường hợp mà “loại từ” không những không vô ích, mà còn là tất yếu nữa, vì chính nó làm cho những danh từ không đếm được trở thành những đơn vị đếm được, nghĩa là những danh từ thực sự, có giá trị của những từ chỉ thực thể vật chất có tính phân lập rõ ràng. Ta sẽ càng thấy rõ hơn nữa giá trị của sự phân biệt [tự do / ràng buộc] khi so sánh các “loại từ” với những “danh từ chính danh” về phương diện này.

Ta thử so sánh một “loại từ” điển hình như cái với một “danh từ chính danh” điển hình như giọt để kiểm nghiệm xem bên nào “độc lập” hơn bên nào.


không thể nói mà chỉ có thể nói
*cái rất ngon*giọt rất trongcái này rất ngongiọt này rất trong
*tôi ăn cái*tôi uống giọttôi ăn hai cái tôi uống hai giọt
*tôi lấy cái*tôi nhìn giọttôi lấy cái nàytôi nhìn giọt này


Dĩ nhiên, nếu ta làm lại cuộc trắc nghiệm này với tất cả các danh từ đơn vị (các danh từ được Trương Vĩnh Ký liệt kê trong danh sách “noms numériques” của ông), ta sẽ thấy ngay rằng cả hai bên đều “ràng buộc” (“không độc lập”) như nhau, dù ở cương vị cú pháp nào – “chủ ngữ” hay “bổ ngữ”).

Vậy thì cái gì, tiêu chuẩn nào khiến cho các tác giả đi theo hướng của tác giả nói trên phân biệt giữa “danh từ chính danh” và “loại từ” một cách dứt khoát như vậy? Ðể nói một cách thật lương thiện và nghiêm chỉnh, phải nhận rằng các tác giả ấy chẳng có tiêu chuẩn gì hết ngoài một định kiến không bao giờ có thể thú nhận được nếu còn chút ít luơng tâm của người làm ngôn ngữ học. Ðó là cái định kiến cho rằng tiếng Pháp như thế nào thì tiếng Việt tất nhiên phải như thế ấy. Vậy những từ nào được họ gọi là danh từ chính danh tất nhiên là những từ mà trong từ điển Larousse (hay một cuốn từ điển Pháp khác) có chua bên cạnh là ns. (nom substantif) [12] , còn từ nào mà họ không thấy có thể coi là tương đương trong từ điển tiếng Pháp thì họ gọi là loại từ. Còn từ đó có “ràng buộc” hay không thì họ cứ nói là “ràng buộc” cho xong chuyện, không cần kiểm tra lại làm gì, vì dù sao, nếu cứ nói trắng ra là “vì trong từ điển Pháp nó là như thế” thì e có phần bất tiện, mặc dầu GS. Phan Ngọc [13] đã chứng minh một cách “không có cách gì bác bỏ được” [14] rằng ngữ pháp tiếng Việt ngày nay (sau 1945) 100% là ngữ pháp tiếng Pháp.

© 2005 talawas



[1]Phan Ngọc. “Ảnh hưởng của ngữ pháp châu Âu tới ngữ pháp tiếng Việt. Sự tiếp xúc về ngữ pháp”, trong Tiếp xúc ngôn ngữ ở Ðông Nam Á, Viện Ðông Nam Á, Hà Nội 1983. tr. 220 ss., 269.
[2]Trong một cuốn sách do Bộ Giáo dục phát hành năm 1998, tác giả Trần Trí Dõi viết: "Về ngữ pháp, tiếng Việt đã ‘sao phỏng ngữ pháp châu Âu’ mà cụ thể là ngữ pháp tiếng Pháp như cách nói của giáo sư Phan Ngọc. Và cái diện mạo mà chúng ta có được ngày nay của tiếng Việt là có một sự đóng góp hữu hiệu của hiện tượng sao phỏng này", x. Hữu Ðạt, Trần Trí Dõi, Ðào Thanh Lan, Cơ sở tiếng Việt., Hà Nội, 1998. NXB Giáo dục, tr. 5-31.
[3]Craig C.G. (ed.) Noun Classes and Categorization: Proceedins of a Symposium on Categorization and Noun Classification. Eugene. Oregon, October 1983. Amsterdam: John Benjamins; Aikhenvald A. Y. Classifiers. A Typology of Noun Categorization Devices, Oxford University Press, Oxford 2000; Lakoff G. Women, Fire and Other Dangerous Things: What Categories Reveal about the Mind. University of Chicago Press (1986).. Những công trình này cho thấy tính đa dạng vô tận của những cái được mệnh danh là “loại từ”, đến nỗi ai cũng có thể thấy ngay rằng khái niệm này tập hợp một mớ từ ngữ hay hình thái không có một chút gì giống nhau hết, và thuật ngữ này quá lắm cũng chỉ có thể coi như một cái nhãn hoàn toàn có tính ước định. Trong bài này chúng tôi chỉ nói đến những từ của tiếng Việt mà các tác giả thường gọi là “loại từ”.
[4]Về những trường hợp lệ ngoại, x. Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt. Mấy vấn đề Ngữ âm, Ngữ pháp, Ngữ nghĩa. Hà Nội, Nxb Giáo dục, 1989.
[5]Cao Xuân Hạo. “The Cont/Mass Distinction in Vietnamese and the Concept of Classifier”. Zeitschrift fur Phonetik, Sprachwissenschaft und Kommunikationsforschung, 41 (1988), Berlin, 18-47); (x. bản dịch tiếng Việt trong Tiếng Việt. Mấy vấn đề..., sđd; Cao Xuân Hạo và Nguyễn Việt Thu. Cú pháp và ngữ nghĩa của các Danh ngữ Biệt loại, Proceedings of the Pan-Asiatic Symposium, Hochiminh City, Nov. 1999
[6]Lên tàu cuối cùng không sai ngữ pháp, nhưng nghĩa khác với câu mẫu (Lên chuyến tàu cuối cùng), vì lên tàu cuối cùng có nghĩa là “lên tàu sau cùng”, tức sau mọi người khác.
[7]Câu này chỉ có thể dùng cho động vật, trong đó con là “con vật”, chứ không phải “đứa con”.
[8]Hầu hết các tác giả này chỉ kể ra năm sáu “loại từ”, rồi sau đó viết hai chữ vân vân (v.v.) chứ không hề có ai chịu tìm xem còn có những từ nào có những thuộc tính ngữ pháp như thế nữa không, vì nếu làm danh sách như Trương Vĩnh Ký, không trước thì sau họ cũng gặp phải những từ hoàn toàn không thể coi là từ “chỉ loại”, như đôi, cặp, bầy, đàn, chục, tá, trăm, nghìn, vạn, muôn, ức, triệu, vốn đều là những danh từ đơn vị (đếm được), nghĩa là đều có thể trực tiếp đứng sau số đếm và những, các, mỗi, từng và không bao giờ có thể lược bỏ khi kết hợp với những định ngữ bao hàm ý nghĩa “duy nhất” hay “phức số” như đã nói ờ phần trên.
[9]Khái niệm “loại từ”, kèm theo những sự ngộ nhận thô thiển của nó, đã được Nguyễn Tài Cẩn chối bỏ hoàn toàn mặc dầu đó là một thành tựu chủ yếu của ông. Mười lăm năm sau khi ông nhận bằng phó tiến sĩ ở Leningrad, trong phần phụ lục của cuốn Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại (Hà Nội, 1975), ông công khai thừa nhận rằng mình hoàn toàn sai lầm khi tưởng rằng loại từ là một thứ hư từ phụ trợ cho danh từ “chính danh”. Ông đã nhận ra rằng cái bị gọi nhầm là „loại từ“ mới là trung tâm thực sự của ngữ đoạn danh từ. Một năm sau, ông lại viết một bài chi tiết hơn khẳng định tư cách danh từ đơn vị chính danh của nó (“O konstrukcijakh tipa suschestvitel’noje so znacheniem jedinicy izmerenija + sushchestvitel’noje”. In: Vjetnamskij Lingvisticheskij Sbornik. Moskva: Hauka. 1976, tr. 163-170
[10]Tuy vậy, M. Halliday hình như vẫn không ý thức được một cách minh xác rằng chức năng của cái danh từ mà ông gọi là “measure” chính là tác dụng vật hoá (reifier hay reifying operator) đối với toàn bộ danh ngữ làm định ngữ cho nó với tư cách danh từ trung tâm. Điều này lộ rất rõ ở chỗ ông không thấy rằng trong A pack of cards (plur. Those packs of cards) chính pack(s) là nhân tố vật hoá toàn danh ngữ và muốn thế nó tất nhiên cũng phải là things. Thế mà ông chỉ thừa nhận cards như những things trong khi pack(s) mà ông gọi là measure vẫn không phải là things mặc dầu trong danh ngữ này chỉ có nó thay đổi hình thái theo nghĩa và chức năng cú pháp của toàn danh ngữ, trong khi hình thái cards thì lại bị gò vĩnh viễn vào số phức (plural). (Chi tiết hơn, x. bài Nghĩa của Loại từ . Ngôn ngữ 1999, No.6)
[11]Việc coi các loại từ như một thứ “mạo từ” (articles) sau khi đồng nhất cái bàn với la table, những cái bàn với les tables, con bò với le boeuf, những con bò với les boeufs, v.v. chỉ thấy có trong một số sách rất xưa. Nó không tồn tại được bao lâu, vì chỉ sau vài lần đối chiếu người ta cũng đã thấy ngay rằng hai thứ từ này khác nhau rất nhiều về ngữ pháp.
[12]X. một danh sách có tính chất minh hoạ cho một số DT ràng buộc (không độc lập) nhưng vẫn được coi là DT “chính danh” chỉ vì có mặt trong từ điển tiếng Pháp ở bài Nghĩa của Loại từ (Ngôn ngữ, 1998).
[13]Phan Ngọc. Ảnh hưởng của ngữ pháp châu Âu tới ngữ pháp tiếng Việt. Sự tiếp xúc về ngữ pháp, Sđd.
[14]Có hai tác giả đã bác bỏ hoàn toàn lý thuyết này: 1. Nguyễn Thị Ly Kha, Danh ngữ tiếng Việt là kết quả sao phỏng của ngữ pháp châu Âu? Ngôn ngữ. No 4, 1999, tr.66-75; 2. Lương Văn Hy (Hy V. Luong) Biến thể cú pháp và vị thế xã hội: một nghiên cứu lịch đại và đồng đại tại hai cộng đồng miền Bắc Việt Nam. Lương Văn Hy (chủ biên), et al, Ngôn từ, giới và nhóm xã hội, từ thực tiễn tiếng Việt, Hà Nội: Khoa học Xã hội, 2000, tr. 230-265. Ðặc biệt, tác giả thứ nhất có dẫn chứng mấy trăm câu của Ức Trai thi tập cho thấy rằng những cách nói mà Phan Ngọc cho là đều sao phỏng của tiếng Pháp đều thông dụng từ trước thế kỷ -XV.