trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
23.3.2005
Lê Mạnh Chiến
Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt
8 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 

21. hồn nhiên 渾然

Trên đại thể, nghĩa của hai từ hồn nhiênhồn hậu gần giống nhau, và soạn giả cũng hiểu như vậy. Ðương nhiên, từ tố hồn trong cả hai từ này vẫn bị giảng sai như đã nói ở từ hồn hậu. Về từ tố nhiên thì soạn giả cho rằng, nhiên = như thường, như vậy thật không ổn. Cổ kim Hán ngữ từ điển nêu ra 11 nghĩa của chữ nhiên 然, trong đó có nghĩa thứ mười là: từ tố được đặt sau tính từ, để biểu thì trạng thái, ví dụ, an nhiên, hốt nhiên, v.v. Phải giải nghĩa từ tố nhiên trong từ hồn nhiên (cũng như trong các từ điềm nhiên, hiển nhiên, mặc nhiên, ngang nhiên, tự nhiên, v.v. ) như vậy mới đúng. Trong quyển từ điển mà chúng ta đang xem xet, tất cả mọi từ có có từ tố nhiên ở cuối đều bị giảng sai như trên.


22. hùng cứ 雄踞

Theo soạn giả thì hùng nghĩa là mạnh mẽ, cứ nghĩa là chiếm giữ, và, hùng cứ nghĩa là chiếm giữ một nơi và tự coi như chúa tể nơi ấy.

Về định nghĩa của từ hùng cứ như soạn giả đã nêu, chúng ta có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông không được phép suy diễn một cách tuỳ tiện khi giải nghĩa các từ tố. Trong từ “hùng cứ”, chữ cứ 踞 có nghĩa là ngồi xổm (khác với chữ “cứ” 據 nghĩa là chiếm giữ), và hùng cứ nghĩa là choán chỗ một cách ngang nhiên, coi mình là chúa tể ở nơi mới chiếm được.


23. hùng hồn 雄渾

Trong các quyển từ điển chữ Hán thông thường, chữ “hồn” 渾 được giải nghĩa là nước đục, là lộn xộn (đồng nghĩa với chữ “hỗn” 混 trong các từ “hỗn hợp”, “hỗn độn” ), là chứa ở bên trong, là tất cả. Có lẽ soạn giả chỉ dựa vào đó nên đã cắt nghĩa rằng, hồn nghĩa là bao quát. Thật ra, các nghĩa vừa kể chỉ là một số nghĩa thông dụng nhất hiện nay của chữ hồn 渾, và đều là những nghĩa mở rộng chứ không phải là nghĩa gốc của nó (mà cũng là nghĩa được thể hiện trong từ “hùng hồn”). Chữ “hồn” vốn có nghĩa là nước trào dâng cuồn cuộn, rồi từ đó mà mở rộng ra thành các nghĩa kể trên. Trong từ hùng hồn 雄渾, hùng nghĩa là mạnh mẽ, chữ hồn 渾 được dùng theo đúng nghĩa gốc của nó, nghĩa là tuôn chảy. Hùng hồn là một tính từ để chỉ lời nói hoặc lời văn mạnh mẽ và trôi chảy, đầy sức thuyết phục. Tuy soạn giả đã nêu được định nghĩa gần đúng như thế cho từ hùng hồn và nghĩa đúng cho từ tố hùng nhưng ông đã bịa đặt nghĩa cho từ tố hồn, đó là một lỗi lớn.


24. khai khẩn 開墾

Khai 開 nghĩa là mở đầu, là mở rộng ra. Khẩn là bới lật đất, là biến đất hoang thành đất trồng trọt. Khai khẩn là vỡ đất hoang để trồng trọt. Soạn giả đã giải thích đúng nghĩa của từ tố “khai” và của từ “khai khẩn”. Nhưng ông giảng giải rằng, khẩn 墾 là cày bừa, thì quả là chưa chính xác. Cày bừa là công việc rất bình thường của nhà nông, còn khai khẩn đất đai là một công việc rất gian khổ nhằm tạo nên đất để cày bừa và trồng trọt.


25. khoản đãi 款待

Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy soạn giả giải thích rằng, "khoản" nghĩa là lưu khách lại. Thực ra, khoản nghĩa là chân thành, như trong từ "khẩn khoản", và có nghĩa mở rộng là đối xử chân thành. Các từ điển của Trung Quốc giải thích rằng, khoản đãi nghĩa là ân cần tiếp đãi, tức là tiếp đãi chu đáo, tận tình. Tất nhiên, muốn khoản đãi ai thì thường phải giữ người ta ở lại nhà mình, nhưng chữ "khoản" không mang nghĩa ấy thì đừng nên bịa thêm mà làm sai nghĩa của nó.


26. khước từ 卻辭

Từ tức là từ chối, nhưng, bảo rằng khướcco lại thì quả là lạ. Vì thấy lạ quá nên chúng tôi phải tra một quyển từ điển khá to, có ghi chú bằng tiếng Anh, và được biết rằng, chữ khước 卻 có những nghĩa sau đây: 1) lùi bước, rút lui (step back, retreat, withdraw; 2) trừ khử (get rid of); 3) tránh (avoid); 4) cự tuyệt (refuse); 5) quay về, quay lại (turn back); 6) đánh lui, đẩy lùi (repulse); 7) lại, cũng (also); 8) nhưng mà, vậy mà, trái lại (at the same time). Hoàn toàn không có nghĩa nào là "co lại". Hơn nữa, những nghĩa vừa nêu cũng quá đủ để cắt nghĩa từ khước từ rồi, trong khi nghĩa "co lại" (cứ coi là có thật) thì cũng chẳng ăn nhập gì ở đây cả.


27. lâm tẩu 林藪

Soạn giả giải thích: lâm = rừng; tẩu = nơi đồng nội, và, lâm tẩu là nơi ở ẩn trong rừng núi, rối đưa ra một câu ví dụ: Kẻ thành thị, kẻ vui miền lâm tẩu (Cao Bá Quát). Thực ra, ông không hề biết nghĩa của chữ “tẩu” và nghĩa của từ “lâm tẩu”, mà đã dựa vào câu thơ của Cao Bá Quát để đoán mò. Tẩu 藪 nghĩa là nơi ao đầm có cỏ cây rậm rạp chứ không phải là nơi đồng nội. Từ “lâm tẩu” có hai nghĩa: a) nơi hoang vu rậm rạp; b) nơi tụ tập.


28. lộng hành 弄行, lộng quyền 弄權

Lộng hành nghĩa là hành động một cách coi thường mọi người. Lộng quyền nghĩa là đem quyền hành ra làm trò đùa, muốn làm gì thì làm, chẳng kể gì đến phép tắc luật lệ. Chữ lộng 弄 có một số nghĩa thông thường là: chơi đùa; đem sự vật khác hoặc sự việc khác ra làm trò đùa; khinh nhờn, coi thường. Với nghĩa như thế, người ta còn có từ lộng nguyệt, nghĩa là chơi đùa với trăng, tức là vui chơi dưới ánh trăng, lộng ngôn là nói năng bừa bãi, thích nói gì thì cứ nói, và lộng bút nghĩa là viết lách vô trách nhiệm, không biết cũng viết bừa, coi thường mọi người. Tiếc thay, soạn giả chỉ nắm được nghĩa sơ sài của các từ lộng hànhlộng quyền rồi suy ra rằng, “lộng” nghĩa là lấn át. Chưa kể đến hàng trăm trường hợp giảng giải liều lĩnh khác, chỉ riêng trường hợp này cũng đã đủ cho phép mọi người coi ông là một kẻ lộng bút.


29. mạch lạc 脈絡

Mạch 脈 là đường dẫn máu trong cơ thể, hẳn ai cũng biết rồi. Tất nhiên, mạch còn có nghĩa là một hệ thống các đường ngang lối dọc tựa như mạch máu. Còn lạc là gì? Soạn giả giải thích rằng, lạcdây thần kinh (!) Có đúng hay không? Phải chăng, nghĩa đen của từ mạch lạcmạch máu và dây thần kinh có quan hệ với nhau – như soạn giả đã giải thích? Thật là sai lầm khi hiểu rằng, lạc nghĩa là dây thần kinh. Chữ lạc không hề có nghĩa đó. Lạc là những nhánh ngang nối liền các đường dọc để tạo thành một mạng lưới đường ngang lối dọc. Theo các từ điển Từ nguyênTừ hải thì mạch lạc 脈絡 vốn là một thuật ngữ của Trung y (tức là y học cổ truyền của Trung Quốc, mà ta quen gọi là Ðông y), chỉ hệ thống động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể. Từ đó, “mạch lạc” có nghĩa mở rộng là sự nối tiếp các mối liên hệ theo một trật tự hợp lý và có hệ thống. Ngoài ra, chúng ta còn dùng từ “mạch lạc” như một tính từ, với nghĩa là có hệ thống phân minh. Soạn giả cho rằng, mạch lạc là quan hệ chặt chẽ giữa các bộ phận. Ðịnh nghĩa như vậy chưa thật chính xác.


30. miên man 綿蔓

Miên man nghĩa là kéo dài, hầu như không bao giờ hết. Ðịnh nghĩa như vậy không có gì đáng phàn nàn. Nhưng, khi giải nghĩa các từ tố, soạn giả cho rằng, miên = kéo dài; man = nước tràn, dài thì chúng tôi thấy chỉ đúng ở chữ miên, còn nghĩa của chữ man thì quả là rất đáng nghi ngờ. Tra cứu ở vài quyển từ điển Hán Việt (trong đó có Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh), chúng tôi thấy có từ “miên man” 綿蠻 (trong đó, man 蠻 là chữ mà người Trung Hoa ngày xưa dùng để chỉ các dân tộc chưa khai hóa ở phương nam, như trong các từ nam man, dã man) và tìm thấy lời giải thích rằng, miên man nghĩa là tiếng chim kêu líu lo; có quyển còn nói rõ hơn: miên man = tiếng chim hót líu lo, tiếng nọ dính với tiếng kia; tiếp nối không dứt, hết cái này tới cái kia, hết chuyện này tới chuyện kia. Ðến đây, mối nghi ngờ vẫn chưa chấm dứt, bởi vì chữ man 蠻 không có nghĩa là tiếng chim hót, hơn nữa, từ miên man chỉ gợi hình ảnh chứ không gơị âm thanh. Cuối cùng, tra cứu ở từ điển Từ nguyên, chúng tôi tìm ra từ miên man 綿蔓, trong đó, man 蠻 nghĩa là bò lan dài ra (nói về thực vật bò hoặc leo). Từ tố này thật xác đáng, thật sát nghĩa, không có gì phải phân vân nữa.


31. minh tinh 銘旌

Từ minh tinh ở đây không phải là ngôi sao sáng, và có nghĩa khác hẳn vì có dạng chữ Hán hoàn toàn khác. Ðó là dải lụa (hoặc vải, giấy) có ghi tên tuổi và danh vị của người chết, được rước đi trước linh cữu trong đám tang. Soạn giả đã hiểu đúng như thế, nhưng đã suy đoán sai nghĩa của một trong hai từ tố. Theo ông, minh = tối tăm, sâu kín; tinh = cờ có cắm lông ở ngù. Có lẽ ông nghĩ rằng, đồ vật này liên quan đến người chết nên phải chọn chữ minh 冥 nghĩa là tối tăm. Nhưng, soạn từ điển mà không có nguồn sách tra cứu thật phong phú và đáng tin cậy thì dĩ nhiên là phải “sai tùm lum” như soạn giả của chúng ta vậy. Ông đã đoán sai chữ “minh”. Theo từ điển Từ nguyên thì trong từ minh tinh này, minh 銘 nghĩa là ghi nhớ, và chỉ trong đám tang của những người có chức tước mới có minh tinh. Ngoài ra, theo từ điển này, người ta cũng viết là minh tinh 明旌 trong đó minh 明 nghĩa là sáng, và cũng có khi viết là tinh minh 旌銘。


32. nghiễm nhiên 儼 然

Theo soạn giả, nghiễm nghĩa là hình như, giống như; nhiên nghĩa là như thường; và nghiễm nhiên có hai nghĩa; 1) tự nhiên được hưởng một quyền lợi; 2) không băn khoăn, không áy náy.

Giải thích như thế chưa ổn. Nghiễm nghĩa là trang trọng, nghiêm túc, đoan trang. Về từ tố nhiên, chúng tôi đã nói rõ ở mục từ hồn nhiên, số 20 trong phấn này. Nghiễm nhiên 儼 然
có vẻ trang nghiêm một cách bình thản, ra dáng đắc ý, làm cho mọi người phải ngạc nhiên.


33. ngoa dụ 訛喻

Có lẽ ai cũng biết rằng, ngoa 訛 nghĩa là nói quá sự thật. Ngoa dụ 訛喻 nghĩa là diễn đạt quá sự thật để làm nổi bật một ý nào đó. Soạn giả đã giảng đúng nghĩa của từ ngoa dụ nhưng giảng sai nghĩa của từ tố dụ. Ông cho rằng, dụ nghĩa là rõ ràng. Về từ tố dụ 喻, chúng tôi đã phân tích ở mục từ ẩn dụ (số 3 trong phần này). Trong trường hợp này, dụ có nghĩa là tỷ dụ, nghĩa là nêu ra một điều tương tự để gợi ý cho dễ hiểu.


34. ngoại diên 外延

Soạn giả giảng rằng, ngoại = ngoài, diên = noi theo, và, ngoại diênmột từ triết học, chỉ toàn thể hiện tượng và hình thức bao gồm trong một khái niệm. Thật ra, đây là một thuật ngữ logic học, và nên được định nghĩa như sau: ngoại diêntập hợp tất cả các đối tượng có các thuộc tính chung được phản ánh trong một khái niệm. Ngoài ra, ông đã đoán sai nghĩa của chữ “diên”. Chữ “diên” 延 này nghĩa là kéo dài, là nối dài ra, khác hẳn với chữ “duyên” 沿 (mà đôi khi người ta cũng đọc là “diên”) nghĩa là “noi theo”.


35. nhân huynh 仁兄

Ðây là một từ dùng trong việc xưng hô, để tôn xưng một người bạn quý. Soạn giả đã nói đúng nghĩa của từ nay. Huynh 兄 là anh thì ai cũng rõ rồi, nhưng, phải chăng, nhânngười? Cứ theo nghĩa của từ này thì người đọc tinh ý, dù không biết chữ Hán cũng cảm thấy đáng ngờ khi soạn giả giảng rằng, nhânngười. Thật vậy, ở từ này, nhân 仁 là tình thương yêu con người, là có phẩm chất tốt đẹp (khác với chữ nhân 人 là người).


36. niên hoa 年華

Niênnăm, hoatốt đẹp. Từ đó, soạn giả cho rằng, niên hoatuổi thanh xuân. Như vậy, phải chăng, niên hoa cũng đồng nghĩa với hoa niên?. Chúng tôi nghi ngờ lời giải thích này. Từ điển Từ nguyên cho biết rằng, niên hoa nghĩa là niên tuế, là năm tháng, là thời gian. Theo từ điển này thì ngày xưa, chữ hoa 華 và chữ quang 光 thường dùng để chỉ thời gian, như trong từ thiều quang hoặc thiều hoa. Như vậy, trong từ niên hoa, từ tố hoa không có nghĩa là tốt đẹp, mà có nghĩa là thời gian


37. phi công 飛工

Phi là bay, phi công là người lái máy bay. Ðiều đó thì ai cũng biết cả nên soạn giả cũng không lầm. Nhưng ông không hiểu từ tố “công” nên đã giảng sai nghĩa của nó. Chữ công 工 trong từ này nghĩa là người thợ, cũng giống như trong các từ công nhân, nhạc công (người sử dụng nhạc cụ chuyên nghiệp), họạ công (thợ vẽ), vũ công (thợ múa), chứ không phải công 公 nghĩa là ông, như soạn giả đã nghĩ. Nên chú ý rằng, từ phi công có lẽ do người Việt Nam đặt ra, vì trong các từ điển của Trung Quốc, không có từ này mà chúng tôi chỉ tìm thấy từ "phi hành gia".


38. quắc thước 矍鑠

Quắc thước (thường dùng để nói về các cụ già) nghĩa là có đôi mắt tinh anh và có dáng vẻ hoạt bát, khoẻ manh. Soạn giả hiểu được ý này nhưng đã đoán sai nghĩa của từ tố quắc. Quắc nghĩa là chợt mở to đôi mắt rất nhanh để nhìn khi gặp một tình huống bất ngờ, thể hiện tính nhạy cảm và linh hoạt của đôi mắt. Người cao tuổi mà vẫn giữ được dáng vẻ như thế là một điều đặc biệt. Vì vậy từ quắc thước dùng để nói về người già mà đôi mắt vẫn tinh tường, mặt mũi vẫn hồng hào đẹp đẽ. Trong tiếng Việt, từ quắc mắt thường được hiểu là mở to mắt mà nhìn với vẻ bất bình. Có lẽ soạn giả dựa vào đó để suy ra rằng, quắc nghĩa là nhìn chằm chằm. Không tra cứu được sách vở, chỉ biết dựa dẫm và đoán mò mà dám soạn từ điển thì quả là quá liều lĩnh.


39. tằng tổ 曾祖

Tằng tổ nghĩa là người cha của ông nội, tức là cụ nội. Soạn giả đã giảng giải đúng nghĩa của từ này. Tuy nhiên, ông cho rằng, tằngông tổ bốn đời thì không ổn. Các từ điển của Trung Quốc đều giải thích rằng, tằng 曾 là tính từ để chỉ quan hệ thân thuộc cách nhau hai đời (hoặc kể từ đời nọ đến đời kia thì tính là bốn đời). Bởi vậy, mới có từ tằng tôn nghĩa là đứa cháu ở đời thứ tư (mà ta gọi là chắt). Như vậy, rõ ràng rằng, tằng không phải là ông tổ bốn đời như soạn giả đã dạy.


40. thanh trừng 清澈

Theo soạn giả, thanh nghĩa là trong sạch; trừng nghĩa là trừng phạt, và, thanh trừngtrừng phạt để giữ được sự trong sạch. Rồi ông đưa ra một câu để ví dụ: Thanh trừng những kẻ tham ô của công. Ở mục từ này, ông chỉ nói gần đúng nghĩa của từ tố “thanh”. Thực ra, phải hiểu răng, thanh nghĩa là làm cho sạch thì mới đúng. Còn từ tố “trừng” mà giảng như thế thì chứng tỏ ông hoàn toàn không biết nghĩa của nó. Trừng ở đây nghĩa là gạn đãi để thải hết cặn bã, khác hẳn với chữ trừng 懲 trong từ trừng phạt 懲罰. Thanh trừng nghĩa là loại bỏ những phần tử có hại hoặc không cần nữa, để cho nội bộ một tổ chức được trong sạch, thuần nhất. Người Trung Quốc thường nói là “trừng thanh”, nghĩa là gạn đãi cho trong sạch.


41. thân hào 神豪

Soạn giả giảng giải rằng, thân nghĩa là cái dải mũ của quan văn, và cũng có nghĩa là người có học; hào nghĩa là tài giỏi; thân hào là người có học thức và có uy tín trong xã hội cũ. Về từ tố thân 紳 ông đã giải thích sai. Thân 神 là cái đai áo thụng của các quan to chứ không phải là cái dải mũ của quan văn, và cũng có nghĩa là người có địa vị cao.Chữ hào 豪 có nhiều nghĩa, ở đây có nghĩa là người tài năng xuất chúng. Thân hào 紳豪 là người có tài năng và địa vị cao trong xã hội phong kiến.


42. thân sĩ 紳士

Chữ thân ở đây cũng nghĩa là cái đai áo của các quan to nhưng soạn giả vẫn giải nghĩa là cái dải mũ của quan văn. Thân sĩ là người có học thức và địa vị cao trong xã hội cũ, chứ không phẩi là người có học thức tham gia cách mạng như soạn giả đã định nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng, soạn giả vốn không đọc được chữ Hán, mọi lời giảng giải của ông chủ yếu là dựa vào trí nhớ và kinh nghiệm, bởi vậy nên mới nhớ cái dải áo thành ra cái dải mũ.


43. thế nghiệp 世業

Thế 世 nghĩa là đời, nghiêp 業 là sự nghiệp hoặc sản nghiệp. Thế nghiệp 世業 là sự nghiệp hoặc tài sản do đời trước để lại. Các bộ từ điển đáng tin cậy đều định nghĩa như thế. Tiếc thay, soạn giả đã giảng rất sai rằng, thế nghĩa là quyền lực hoặc trạng thái (có dạng chữ Hán là 勢), nghiệp nghĩa là nghề, và, thế nghiệp là chức vụ do cha ông để lại trong thời phong kiến.


44. thôi thúc 催促

Từ này tưởng là quá đơn giản, thế mà soạn giả đã giảng sai.Theo ông, thôi nghĩa là thúc giục, và, thúc nghĩa là buộc. Thực ra, chữ thúc 促 này có nghĩa là giục giã,đòi phải tăng tốc, như trong từ đốc thúc, khác với chữ “thúc束 nghĩa là buộc. Chữ thúc trong từ thôi thúc cũng có âm là xúc, và có mặt trong từ xúc tiến.


45. thủ tục 手續

Soạn giả giảng giải rằng, thủtay, tụcthói quen, rồi đưa ra định nghĩa: thủ tục là cách thức tiến hành công việc theo một thứ tự hoặc một luật lệ đã quen. Như vậy, ông chưa giải nghĩa được các từ tố. Thủ 手 có nghĩa đen là bàn tay, và có nghĩa mở rộng là công việc, là cách làm việc; tục 續 nghĩa là tiếp nối, là trình tự, khác hẳn với chữ tục 俗 nghĩa là thói quen. Thủ tục 手續 là trình tự và phương pháp làm việc. Ðịnh nghĩa do soạn giả nêu lên tuy không sai, nhưng dài dòng và thừa các chữ “đã quen” và gán cho từ “thủ tục” cái sắc thái quan liêu và câu nệ hình thức, tuy không có sắc thái “tiêu cực” đó.


46. thuần dưỡng 馴養

Sau khi giảng giải rằng, thuần = đều một loạt, không tạp nhạp; và dưỡng = nuôi, soạn giả rút ra định nghĩa: thuần dưỡng là làm cho thú rừng trở thành thú nuôi. Ông đã giảng sai về từ tố thuần. Với nghĩa như thế thì từ tố thuần chắng dính dáng g với nghĩa của từ thuần dưỡng cả. Chữ thuần 馴 ở đây nghĩa là dạy cho động vật hoang dã quen với điều kiện sống do con người tạo ra. Như vậy, thuần dưỡng 馴養nghĩa là nuôi và dạy cho động vật hoang dã quen với điều kiện sống do con người tạo ra.


47. thuần hoá 馴化

Soạn giả cho rằng, trong từ thuần hoá, thuần = thực thà, dày dặn, tốt đẹp; và, thuần hoá = biến vật hoang dại thành vật thích ứng với môi trường mới. Ông đã giảng chữ thuần ở đây khác với chữ thuần trong từ thuần dưỡng, nhưng vẫn giảng sai. Chữ thuần ở đây và ở từ thuần dưỡng chỉ là một. Thuần hoá 馴化 nghĩa là cải biến môi trường sống và thói quen của động thực vật hoang dã, làm cho chúng thích nghi với điều kiện chăn nuôi và trồng trọt do con người tạo ra.


48. thường trực 常值

Ai cũng biết rằng, thường trực 常值 nghĩa là luôn luôn có mặt tại cương vị của mình. Thường 常 nghĩa là lúc nào cũng vậy, nhưng, phải chăng, trực nghĩa là gánh việc, như lời giải thích của soạn giả? Không phải như vậy. Chữ trực 值 có nhiều nghĩa. Trước hết, trực 值 là một động từ, có các nghĩa chính như sau:để, đặt; nắm giữ; trực ban (nghĩa là có mặt tại cương vị công tác của mình để giải quyết công việc). Ngoài ra, chữ trực 值 còn có âm là trị, nghĩa là đáng giá và cũng có nghiã là giá trị hoặc giá tiền. Chữ “trực” 值 chẳng có nghĩa nào là gánh việc như soạn giả đã bịa đặt.


49. trang hoàng 裝潢

Theo soạn giả, trang nghĩa là tô điểm, hoàng nghĩa là rực rỡ, và trang hoàng nghĩa là bày biện cho đẹp mắt. Ðịnh nghĩa về trang hoàng thì đúng, nhưng giải nghĩa các từ tố thì tuy có vẻ hợp lý nhưng mà sai. Quả thật, có những quyển từ điển Hán Việt đã giải thích như thế, nên đã viết là 粧煌, trong đó, trang 粧 nghĩa là tô điểm, hoàng 煌 có nghĩa là rực rỡ. Nhưng khi xem lại từ điển Từ nguyên thì chúng tôi chỉ thấy từ trang hoàng 裝潢 trong đó, chữ hoàng 潢 không có nghĩa là rực rỡ. Ở đây, trang 裝 nghĩa là bày đặt, sắp xếp, và cũng có nghĩa là làm cho đẹp; hoàng 裝 nghĩa là giấy mầu; trang hoàng có nghĩa đen là dùng giấy nhuộm màu để làm đẹp cho những bức thư hoạ (tác phẩm nghệ thuật kết hợp hội hoạ và thư pháp chữ Hán), và nghĩa rộng là bài trí để làm tăng vẻ đẹp, thường là cho các công trình xây dựng.


50. trữ tình 抒情

Soạn giả không hề biết “mặt chữ” mà chỉ biết phỏng đoán theo cảm tính nên đã giảng giải rằng, trữchứa chất, tìnhtình cảm; trữ tìnhchứa chất tình cảm. Thật là sai lầm nghiêm trọng. Nên nhớ rằng, ở đây, trữ 抒 nghĩa là biểu đạt, là bày tỏ. Trữ tình nghĩa là biểu đạt tình cảm. Cần phân biệt chữ "trữ" 抒 này với chữ trữ 貯 trong từ tích trữ.


51. trực ban 值班

Các từ tố trong từ này được giải thích không đúng. “Trực” ở đây mà giảng là thẳng, là thẳng thắn, là đợi, thì sai hết. Trực vốn là một động từ, ở đây cũng dùng để chỉ hành động (xin xem giải nghĩa từ tố này tại mục từ thường trực, số 47). Ban 班 ở đây nghĩa là phiên làm việc được phân công theo từng khoảng thời gian trong một ngày. Trực ban nghĩa là có mặt tại phiên làm việc để đảm nhiệm công tác, và cũng có khi được hiểu là người đảm nhiệm phiên làm việc ấy. Soạn giả nghĩ rằng, ban là tổ chức nhiều người cùng một việc rồi đi đến định nghĩa: trực ban là những người phải có mặt ở cơ quan để tiếp xúc với người đến có việc. Thật là thiếu sót, vì trước hết, trực ban là một từ chỉ công việc chứ không phải để chỉ một nhóm người.


52. trực chiến 值戰

Soạn giả cũng giải thích từ tố “trực” như ở từ “trực ban”, rồi định nghĩa: trực chiến là tự tham gia cuộc chiến đấu. Thật đáng ngạc nhiên về cách hiểu ngớ ngẩn như vậy của soạn giả. Phải định nghĩa như sau mới đúng: trực chiến là có mặt ở vị trí cần thiết để sẵn sàng chiến đấu.


53. từ vị 辭彙

Trước đây, ở nước ta, từ điển thường được gọi là tự vị (sai, xin xem các mục “tự vị” ở ngay dưới đây và mục II. 15) hoăc cũng có người gọi là từ vị. Soạn giả cũng cho rằng, từ vị nghĩa là từ điển. Ðiều đáng phàn nàn là, ông chỉ căn cứ theo âm để đoán nghĩa nên đã cho rằng, vị nghĩa là nói 謂. Hoàn toàn sai. Tất cả mọi từ điển chữ Hán của Trung Quốc và của các soạn giả Việt Nam đều không có quyển nào dùng chữ vị 謂 ấy, mà viết là 彙. Chữ vị 彙 này vốn có âm là hội. Ở Trung Quốc nó chỉ có một âm là hui (đọc là huây, tương ứng với âm “hội” của ta) còn ở Việt Nam lại có thêm hai âm nữa là vịvựng, nhưng nghĩa vẫn không thay đổi. Theo từ điển Từ nguyên, chữ này có ba nghĩa: đồng loại; phồn thịnh; con nhím. Phải chăng, vì con nhím có tên là “vị” 蝟 nên cha ông chúng ta cũng đọc chữ hội, 彙 này là vị. Ngoài ra, có lẽ vì chữ “hội” hoặc “vị“ 彙 này xem qua thì hơi giống chữ “vựng” 暈 nghĩa là “vầng” nên có người đã đọc nhầm rồi trở thành thói quen, tương tự như trong trường hợp người ta đã đọc nhầm chữ thung với chữ xuân 椿. Hiện nay, hầu như không ai dùng từ từ vị 辭彙 với nghĩa như từ điển nữa.

Giới ngôn ngữ học hiện nay dùng từ “từ vị” 辭位 (trong đó, vị 位 nghĩa là vị trí, là đơn vị) với nghĩa là “đơn vị cơ bản có nghĩa, và là yếu tố cấu trúc của ngôn ngữ, thường tương đương với từ”.


54. tự vị 字彙

Soạn giả vẫn giảng giải sai rằng, vị nghĩa là nói, tuy ông cũng biết rằng, tự vị cũng là tự điển. Ở Trung Quốc, ít khi người ta gọi tự điển là tự vị. “Tự vị” 字彙 (phải đọc là tự hội mới đúng) vốn là tên bộ tự điển của Mai Ưng Tộ thời Minh, thu thập 33 179 chữ. Ðó là bộ tự điển chữ Hán lớn nhất trước khi có bộ Tự điển Khang Hy (ấn hành năm Khang Hy thứ 55, tức là năm 1717, thu thập 47 035 chữ).


55. văn thân 文紳

Văn là chữ nghĩa, là học vấn và cũng có nghĩa là người có học vấn. Chữ thân 紳 có nghĩa ban đầu là cái đai áo của các quan to, và có nghĩa mở rộng là người có quyền thế, như trong các từ thân hào, thân sĩ, hương thân, v. v. Văn thân là người có học vấn rồi được làm quan trong chế độ phong kiến. Soạn giả đã giải thích rằng, “thân” nghĩa là cái dải mũ. Hoàn toàn sai. Trong tiếng Hán, “anh” 纓 là cái dải mũ, chữ này không hề tượng trưng cho người làm quan to hay người có quyền thế.


56. viễn phố 遠浦

Soạn giả giải thích rằng, viễn = xa, phố = chỗ bán hàng, nhà trạm; và viễn phố = nơi ở xa. Rồi ông trích dẫn câu thơ Gác mái, ngư ông về viễn phố… của Bà huyện Thanh Quan. Ông không hiểu rằng, ở đây, phố 浦 nghĩa là cửa biển chứ không phải phố 鋪 là cửa hàng. Viễn phố 遠浦 nghĩa là cửa biển ở xa. Chắc là Bà huyện Thanh Quan ở thế giới bên kia phải hết sức phẫn nộ và vô cùng đau lòng cho đất nước nếu bà biết rằng, có một nhà biên soạn từ điển tiếng Việt (rất có thể đó là một giáo sư từng được trọng vọng) ở đầu thế kỷ XXI đã không biết chữ Hán lại còn dám giảng giải thơ của bà như thế.


57. xuân đình 椿庭

Xuâncây xuân, một thứ cây sống lâu, thường chỉ người cha; đình là cái sân. Soạn giả giảng giải rằng, xuân đình là cây xuân ở trước sân, là nhà cha mình ở. Giảng như vậy quả là liều lĩnh và không có một chút hiểu biết tối thiểu về cách tạo từ trong tiếng Hán. Nên nhớ rằng, xuân đình là một từ Hán hẳn hoi, các từ điển của Trung Quốc đều có ghi từ này. Theo cách tạo từ trong tiếng Hán thì xuân đình không thể là cây xuân ỏ trước sân, mà phải là cái sân có cây xuân. Xuân đình là từ dùng để tôn xưng cha già của người khác.

© 2005 talawas